Sắc Lụa của Trần Thị LaiHồng

 

Trần  thị LaiHồng

H U Ế   Đ Â Y  N Ì ! 

Từ đỉnh Hải Vân nhìn về hưóng Bắc, Thừa Thiên mịt mù sau khói sóng và mây bạc.  Xuống đến chân đèo là vào vùng đầm Cầu Hai, nơi một phần nước sông Hương rẽ qua Đập Đá trên nhánh Thiên Lộc xuôi về phá Hà Trung trước khi ra cửa Tư Hiền để hoà mình vào biển Đông.
Quốc lộ 1, trục giao thông duy nhất Bắc Nam, còn dấu vết cơn lụt hai tháng trước, lổ chổ ổ trâu ổ bò, xa trông như một cọng lá lúa sau trận giặc châu chấu.  Chiếc xe nhơõ – gọi là nhỡ vì là cỡ trung, lớn hơn xe con và nhỏ hơn xe tải – ngoằn ngoèo tránh những vũng lội và né những xe chạy ngược chiều, chậm chạp tiến vào địa phận Huế.

Huế!  Huế đây nì!

Huế, sính lễ Chế Mân dâng nạp nhà Trần năm Bính Ngọ 1306 tức là cách đây ngót bảy thế kỷ, để được rước Huyền Trân Công chúa về làm Hoàng hậu nước Chiêm.  Huế, nơi các Chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong từ 1636, tức là cách đây ngót 400 năm.  Huế, nơi nhà Tây Sơn dùng làm kinh đô gọi là Phú Xuân năm 1788.  Huế, nơi triều đại Nguyễn Phúc xây dựng thành trì lập kinh đô năm 1803, cách đây cả trên hai trăm năm.  Huế, chứng tích mở nước và dựng nước của ngưòi Viêt.

Huế còn là nơi in dấu ô nhục thất thủ vào tay thực dân Pháp 23 tháng 5 Aát Dậu 1885, mở đầu cho ngót một trăm năm bị đô hộ.  Huế, với hàng hàng lớp lớp giải khăn sô sau biến cố Têt’ Mậu Thân 1968 do Cộng sản tàn sát hàng ngàn  người vô tội.  Và Huế, được giải phóng nhuộm đỏ ngày 25 tháng 4 năm 1975. Từ đó đến nay, đổi đời …

                                                             ***

Từ Quốc lộ 1 vào Hùng Vương qua Lê Lợi lên cầu Phú Xuân vào Cửa Ngăn qua Ngọ Môn vòng bên thành Đại Nội về đưòng Nhật Lệ cạnh hồ Tịnh Tâm, tôi đi vào lòng Huế, mang tâm tình kẻ qui cố hương mong ngộ cố tri sau bao năm cách biệt.

Nhưng Huế trầm lặng với nhà vườn thâm nghiêm cổ kính như lùi sâu đâu vào quá khứ,  bị đẩy xa ra ngoài phố thị, hoặc một số lại đã bị triệt hạ.  Tôi ngỡ ngàng trước phố xá lao xao san sát, nhà cửa chi chít chen chúc, hàng quán chộn rộn chạo rạo, xe cộ náo nức nườm nượp, người người nhốn nháo bon chen, khẩn trương bức xúc trong cuộc sống mới.

Những đường phố xưa nay mang tên mới với bộ mặt mới, nên dẫu vẫn lối cũ mà không còn quen thuộc.  Không những ngưòi về thấy lạ, mà chính dân Huế cũng xác nhận có hàng  loạt những sự việc vô lý, chướng mắt, nhan nhản trước mặt người qua lại có đôi chút hiểu biết về văn hoá và lịch sử, khi nhìn những tấm biển tên đường ở một thành phố có đặc điểm quan trọng là một cố đô (1).  Bởi tên các đưòng phố tuyệt nhiên không lưu lại chút tung tích gì của tiền nhân có công với Huế.

Ai cũng biết là những nơi có ghi dấu lịch sử hay nét đẹp thiên nhiên đều được tận dụng khai thác cho ngành du lịch.  Huế không ra ngoài thông lệ đó, nếu không muốn nói Huế là cao điểm khai thác du lịch.  Bởi Huế, như Cơ quan Văn Hoá Liên Hiệp Quốc nhận xét : đã và vẫn mãi là cao điểm thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam, và là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá loài người (2).  Nhưng trước khi UNESCO chiếu cố tu bổ, đã có vô số bàn tay nhanh nhẩu tẩu tán trước nhiều bảo vật Huế đem về làm của riêng tại gia, hay cho chúng xuất gia ra nước ngoài.

Nói tới tu bổ, tức là sửa sang lại chỗ hư hỏng, theo định nghĩa trong tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, là nhằm giữ gìn, bảo trọng giá trị đã có, hoặc làm cho quý hơn, đẹp hơn.

Một tu bổ làm đau lòng dân Huế, là cầu Trường Tiền.  Tuy không là biểu tượng chia cắt nồi da xáo thịt như  Sông Gianh dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ XVll, hay cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải năm 1954, cầu Trường Tiền không những là một chứng tích lịch sử, mà còn là biểu tượng thơ mộng của Huế.  Cầu đã được giải phẫu thẩm mỹ, nói nôm na là sửa sang sắc đẹp, để quan trên ngó xuống người ta trông vào, khéo làm sao đến nỗi một cây bút xứ Huế phải khóc “thương em tiền mất tật mang”.  Tiền  đây là mồ hôi nước mắt dân Huế góp vào với quỹ UNESCO, mà tật là dáng dấp cục súc thô lậu nằm vắt vẻo trước mắt bàng dân thiên hạ.

Mục nhàn đàm của báo Thanh Niên Chủ Nhật xuất bản tại Saigòn ngày 8 tháng 10 năm 1995 khi viết về việc tu bổ cầu Trường Tiền, đã kết luận bằng một nhắc nhở  đến hội chứng gọi là “mít đặc”, và nhấn mạnh rằng hội chứng này luôn luôn đi đôi với những hành động vô trách nhiệm và phản văn học.

Kẻ quy cố hương nghe kể chuyện tu bổ này, đứng ngắm sáu vài mười hai nhịp cầu, tính sơ về sự đội giá tổng phí sửa sang nhan sắc Trường Tiền, đã ngậm ngùi bàn phụ thêm rằng ngoài hội chứng mít đặc, còn phải nói đến hội chứng đầu tiên hiện đang lan tràn trầm trọng trong nước, không biết tới thế hệ nào mới trị dứt được.

Cũng chuyện tu bổ, góc bờ thành phía Nam Đại Nội gần cửa Ngọ Môn bị đạn chém cụt một khoảng dài, được đắp điếm lại bằng xi măng trắng xám.   Bờ thành vávíu làm liên tưởng đến vạt  áo vá quàng hay áo đổi vai của mấy o con cấy nhà quê bên làng.  Chiếc áo vá quàng hay đổi vai không những nói lên tài tháo vát, đức cần kiệm, mà còn cho thấy rõ khiếu thẩm mỹ của mấy o.  Họ nỏ biết chi mô Picasso Monet Matisse hay Nguyễn Gia Trí/Tư  Nghiêm, mà vẫn khéo léo đắp mảnh tím lên nền nâu, chồng mảng trắng lên tấm áo đen đã bạc.  Trong lúc đó, bờ Cấm Thành khi không lại mắc bệnh phản thẩm mỹ một cách oan uổng.

Noí chuyện khai thác, hội chứng đầu tiên đi đâu cũng gặp, qua Ngọ Môn, vào Cấm Thành, vô thăm Đại Nội, làm vua một phút để chụp hình đem khoe bà con bạn bè, hay dùng ngự thiện.  Cũng cân đai áo mão hoặc khăn vành áo thụng kẻ đỏ người vàng, lại có cung nữ và thị vệ thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Lịch sử đứng hầu.  Thức ăn tân thời cố nhiên có chả giò chạo tôm nem nướng xà lách trộn … chớ chẳng phải nem công chả phụng râu rồng môi cá chép mép cá tràu, nói chi tới ba mươi hai món sơn hào hải vị !  Và cố nhiên, cơm chẳng được là gạo gie An Cựu­ nấu trong om ngự  làng Đột Đột.  Còn chén bát ngự, ngó lại chẳng phải đồ sứ  men lam  Huế nổi tiếng thế giới, mà là đồ gốm … plastic nhập từ HongKong !

Ngành du lịch đang được khai thác mạnh, nên đi đến đâu cũng thấy đầy dẫy khách sạn và nhà nghỉ, lớn nhỏ từ năm sao một sao và nghe đâu có cả … mười sao, nếu muốn.  Quán ăn lớn nhỏ san sát lấn lan lề đường, từ nhà nổi cho đến cafeteria.  Hiếm thấy những gánh hàng rong, ngoại trừ quanh chợ.

 

Du khách thấy có nhiều hạng, từ Tây ba-lô đến người Việt nước ngoài và … Việt kiều dỏm.  Lại còn vô số du khách trong nước mà người địa phương gọi là người Saigòn hay người Hà Nội, cũng đi tham quan  nườm nượp.

Du khách Tây ba-lô đặc biệt rất nhiều ở Huế,  Đa số đến từ Châu Aâu nhiều hơn, và hầu hết  thuộc giới trẻ đi khảo nghiệm, thực hiện nghiên cứu hay đề án cho khoá học.  Thành phần này không tiêu xài nhiều, không ở khách sạn hoặc chỉ ở loại không sao nào,  chia nhau thuê phòng trong một căn hộ nào đó, kiểu se phòng, nhưng không se tình,  Aên uống thì xôi bắp xôi đậu bánh chưng bánh tét … hoặc tiện hơn nữa là bánh mì kẹp chả kẹp trứng tráng.  Họ đi bộ, có khi thuê xe đạp, chân mang xăng-đan đầu đội mũ vải, áo quần kaki hoặc vải nhẹ, vai mang ba-lô, xông xáo sục sạo thăm thú khắp ngõ ngách thôn xóm.

Ngược lại với đám Tây ba-lô là những người áo gấm về làng.  Cố nhiên là có một số thành công có tiền có của ở nước ngoài, mà cũng có một số lâu nay cực khổ làm đêm làm ngày với mấy gióp chắt bóp dành dụm, nay đem về nước vung vít tiêu xài cho nở mày nở mặt.  Cũng dễ nhận  ra những người này :  nếu không hồ hởi ăn to nói nậy thì lại nước mắt giọt ngắn giọt dài khi tay bắt mặt mừng không biết cơ man nào bàng dân thiên ha.  Rồi sum họp bà con nội ngoại cỗ bàn mâm trên chiếu dưới chụp bóng chụp hình quay phim, diễn văn diễn từ ngâm thơ trình nhạc kể cả karaoke, và đi thăm mồ mả lăng miếu làng trên xóm dưói không thiếu nơi nào.  Một hiện tượng là được tiếp hơi từ nước ngoài, bà con thi đua xây lăng đắp mộ theo kiểu cọ lăng tẩm vua chúa, và đồng ruộng núi đồi đầy lăng tẩm miếu mạo.

Với những thú vui ở Huế, có thuyền rồng sơn son thếp vàng chạy bằng máy đuôi tôm dông tuốt lên lên Ngả Ba Tuần hay về tận Cửa Thuận.  Trên thuyền có đủ món ăn Huế kèm đàn ca kim tiền cổ bản nam ai nam bình mái nhì mái đẩy, lại còn phụ thêm hoa khôi hoa hậu diễn trò cụp lạc chiều theo ý khách. 

Tuy nhiên, phải kể là rất nhiều người về mang theo tấm lòng giúp đỡ quê hương dưới nhiều hình thức.  Nhờ vậy, nhiều gia đình được giúp đỡ cho con cái học tới nơi tới chốn, cha mẹ có công ăn việc làm, nhiều xóm làng xa xôi hẻo lánh lại thịnh vượng với đường tráng nhựa mái ngói bệnh xá trường học xe cub ghe thuyền, mà làng An Bằng gần Cửa Thuận là một.

 

Những chi tiết về du khách hoặc người quy cố hương kể không hết.  Nhưng tưởng cũng lưu tâm tới một loại Việt kiều hơi lạ.  Họ thường lặng lẽ tách rời đám đông, lủi thủi tản bộ tìm thăm những nhà vườn còn sót lại trong ngõ hẹp, ngắm những viên gạch vỡ ngoài cươi, thơ thẩn vuốt ve những gốc sứ sù sì, sờ soạng từng cục u nần trên thân cổ thụ, đặc biệt  cây đại thụ Baobab trên đường Mai Thúc Loan, hoặc quẩn quanh bên những chậu cây cảnh Sim Móc Tràm Chủi là bộ tứ bình thời đại đang thịnh hành ở Huế, mân mê những phiến lá sim thuôn nhám, lá móc ánh bạc, lá tràm thơm thon thả, và lá chủi lăn tăn như những đốm ngọc mỏng.

Đám này chẳng thiết tha chi tham quan  thưởng ngoạn huống chi là hưởng lạc.  Họ không tìm nếm lại những món  ăn cổ truyền nổi tiếng của Huế  nay đã pha phách thay hình đổi dạng, mà chỉ thèm miếng khoai sắn luộc bán rong nhưng tìm mãi chẳng gặp.  Món Huế họ thích thú thưởng thức là cháo gạo hẻo rằn  ăn với cá cấn cá mại kho khô, chụt nưa đần um ruốc, và tương hột Chùa Thiên Mụ.  Có người được nhấm nháp bánh chưng Nhật Lệ nấu bằng nếp một bùi ngậy gói trong mấy lớp lá chuối hột, và ăn món cháo lươn quán Cháo Lú đường Tây Lộc nhưng vẫn nhớ câu rao kiểu cách xưa:  “Vạn thọ vô cương cháo lươn nóng hổi, thời khôn???”

Quà Huế họ lùng kiếm chẳng phải mè xửng nón lá kẹo cau kẹo gừng mà là mấy cái quạt mo cũ, mớ chùm kết khô, chiếc ống nhổ trầu méo mó tìm thấy trong một xó nhà, và ông bình vôi mẻ miệng lăn lóc góc vườn.

Một sáng tinh mơ khi ai nấy còn ngủ yên trong đêm lạnh, tiếng rao buồn của một o bán bánh mì đã thức họ dậy.  “ Mì nì, mì nóng nì !”  Mua mấy ổ bánh còn nóng vì được ủ kỹ trong bao vải, họ lang thang dắt tay nhau lặng lẽ đi qua những con đường trong thành.  Đây Đoàn Thị Điểm Ngả Tư Anh Danh Hộ Thành.  Cửa Đông Ba tùm hụp chụp bóng tối lên đầu, nhưng họ cũng sờ thấy được phiến đá đen lạnh còn nguyên vẹn trên bờ vách lở lói ẩm ướt.  Cầu Đông Ba với những tấm ván kêu khẽ dưới bước chân qua dù cố gượng nhẹ.  Mười mấy bậc từ dốc cầu dẫn xuống Hàng Đường có những phiến đá láng bóng trũng lòng vì bao triệu bàn chân từng lên xuống qua lại.  Chùa Oâng và Chùa Diệu Đế chưa tới thời kinh sáng.  Hàon”Đường dọc theo bờ sông còn một cây đa lớn rễ thòng xuống tận những mái đò bên bến, như những sợi giây thiêng liêng vẫn nối liền để chuyển đạt niềm thông cảm giữa thiên nhiên và con người.

Nặng lòng với những vườn ai mướt quá xanh như ngọc, họ tìm về thăm thôn Vỹ mong được tắm mát dưới những khóm trúc che ngang mặt chữ điền  từ những nhà vườn xưa ươm đầy hạt văn học của Huế.  Vừa qua khỏi Đập Đá, đã tưởng lâu ngày xa cách nên lạc lối, vì bỗng lọt vào một vùng hai bên đường cây cối đều bị đốn sạch, kể cả những cây bồ đề, sanh, si bốn năm chục tuổi, và cả những hàng rào trúc nép tận chân thềm. (3)

Thảng thốt thăm hỏi sự tình, được một nhà giáo kiêm nhà văn cho biết là có lệnh truyền bảo phải khai quang đường về Cửa Thuận để tránh tai nạn giao thông và đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.  Về sau, đọc tờ Thanh Niên Chủ Nhật xuất bản tại Saigon, thấy có bài viết nói rõ :  …”Con đường Vỹ Dạ tre trúc sương khói ngày xưa ấy (ngày xưa đây là trước tháng 7/1975) bây giờ không còn nữa.  Bây giờ tả hữu hai bên đường nhìn thẳng vô nhà thấy cả nồi niêu song chảo, như thể người Huế chỉ ăn sổi ở thì mà không biết trồng cây làm vườn bao giờ.  Và bây giờ, như thể không phải Vỹ Dạ văn hoá nổi tiếng từ thế kỷ 16 của Ô Châu Cận Lục, không là Vỹ Dạ của những Tuy Lý, Thúc Giạ, Sư Viên Giác, của Nguyễn Khoa Vy, Hàn Mặc Tử hoặc Thanh Tịnh, mà là một xóm lam lũ nào của vùng kinh tề mới.”  (3)

Bài viết về Thôn Vỹ nhắc tới cuốn Esprit des Lois  của Montesquieu.  Khi dẫn chuyện dân Louisiana xa xưa đã đốn ngã cây cao vì muốn hái trái, Montesquieu định nghĩa hành động đó là sự “độc tài.”  Tác giả kết luận rằng đốn cây không đơn giản chỉ đụng tới lãnh vực giao thông, văn hoá và môi trường, mà còn cả vấn đề “dân chủ” nữa.  (3)

 

                                                          ***                                                   

Trở lại với chuyện ngộ cố tri.  Cơ may người về này cũng tìm thăm được một khu nhà vườn, khiêm cung, nhưng đầy đủ cung cách Huế : kín đáo, thanh nhã, tĩnh lặng.  Khu vườn nhỏ nhìn ra bến sông, nên có dịp nhìn ngắm và nói về giòng sông của Huế.  Sông Hương, cố tri.

Con sông có tên chữ là Lô Dung không biết xuất xứ từ đâu, nhưng tên cúng cơm của nó là A Pàng, gọi theo thổ dân Khà Tu trên thượng nguồn Trường Sơn, có nghĩa là Đời Người.  Cái tên mang định mệnh chào đời bằng tiếng khóc, sống kiếp sinh vật có tâm hồn, có trí tuệ, có tấm lòng, có tiếng nói, để khi lìa đời dẫu xa nguồn vẫn hát được tiếng Mẹ.

Giòng sông Đời Người vẫn đằm thắm êm ả trôi như  tự thuở nào, lặng lẽ mà nghe ra như thầm thì thân thương thủ thỉ với người về :  Huế, Huế đây nì !  Thiên nhiên thực sự bất biến, thực sự hằng cửu.  Chỉ có con người đổi thay và làm thay đổi vạn vật.  Tạ ơn giòng sông đã giúp tôi tìm lại được Huế.  Xin tạ ơn Đời Người.

Tôi không tiếc thương quá khứ, không hoài niệm cũng chẳng hoài cổ.  Dẫu có nghĩ tới ngày mai cũng không kỳ vọng vì ngại ảo tưởng.  Nhưng hiện tại, đã về thăm Huế, thăm quê hương, tôi nhận ra rằng mỗi người về, không nhiều thì ít, đều chung mang hội chứng qui cố hương, dưới những hình thức khác nhau tuỳ hoàn cảnh.  Hội chứng qui cố hương trong tôi mang tâm trạng thương giận.

Phải, thương, mà giận.  Thương quê hương, thương Huế, mà giận người.  Người vô tâm, nhưng Huế và quê hương vô tội.

Hoa Bang, 1996

Trần  thị LaiHồng

 (1)  và (3) :  Trích dẫn Thanh Niên Chủ Nhật, Saigon, 27/8/1995

(2)  :  Trích lời Tổng Giám đốc UNESCO năm 1981 về công tác bảo vệ di sản văn hoá Huế

Mai Ninh, Trần Thị LaiHồng, Ngọc Mỹ (vợ nhà văn Trần Vũ) ở phòng tranh Phan Nguyên,Paris 2000