CƠN SỐT ĐẦU XUÂN

Trần thị Laihồng

Đang lúi húi đào những gốc dâu dại rậm rạp quanh cội tùng già cuối vườn, chợt một vệt đỏ vút ngang tầm mắt. Tôi nhìn theo. Nó vòng trở lại. Mầu đỏ tươi nổi bật trên nền lá lục.

Chim hồng y - cardinal - một giống thấy rất nhiều từ vùng Đông Bắc sang Trung Tây xuống Đông Nam Hoa Kỳ. Gọi là hồng y, áo đỏû, vì giống này thường có bộ lông mầu đỏ rực hoặc nâu đỏ, cũng có loại mầu xanh biếc cánh chả nhưng ít khi gặp. Như những sinh vật khác - ngoại trừ con người - giống đực khi nào cũng mầu sắc rực rỡ, vóc dáng đẹp đẽ không những oai vệ mà còn gồ ghề huê dạng. Giống cái thì mầu sắc tối thẫm xấu xí hơn, vóc dáng không có gì đáng được gọi là phái đẹp.

Chú hồng y trong vườn tôi toàn thân mầu đỏ tươi, đầu đội mũ nhọn đỏ rực, cánh đỏ nâu, ngực có vệt vàng non giống chiếc yếm nhỏ, mỏ ngắn và thô, mầu vàng cam, nổi bật trên đám lông đen chạy ngang từ hai mắt xuống trước cổ hệt cái mặt nạ.

Tôi nhìn theo. Nó nghiêng cánh liệng một vòng thật tròn, rồi vụt đâm sầm vào tấm kính cửa lớn từ hiên sau nhìn ra vườn. Bộp! Tấm kính lớn khẽ rung. Nắng sáng loang loáng. Tàng lá in trên kính chao đảo. Chừng choáng váng sau cú nhào lộn, nó bay trở lại lùm cây, đáp trên ngọn tùng, nghiêng đầu hiếng mắt nhìn lại. Nó rũ cánh, xù chòm lông đỏ trên chóp đầu, ngửa cổ tuôn một dòng nhạc lảnh lót. Nghiêng nghé một lát, con chim nhỏ lại nhún mình vút bay lên. Lại đảo cánh liệng một vòng thật tròn quanh bãi cỏ, rồi đâm sầm vào tấm kính.

Suốt buổi sáng, chú áo đỏ say mê trò bay lượn đâm nhào. Không chỉ vài lần, mà cả chục. Mệt. Nghỉ. Cho đến khi thực sự xây xẩm mặt mày choáng váng đầu óc mới chịu bỏ cuộc.

Nhưng sáng hôm sau khi mặt trời vừa lên, nó trở lại bày trò cũ. Và cứ thế, cuộc chơi diễn đi diễn lại suốt cả bảy ngày liền.

Hôm đầu tiên xem trò, tôi ngỡ mình đang dự cuộc biểu diễn máy bay và có chiếc bị nạn đâm đầu vào núi hay bổ nhào xuống biển. Tôi nghĩ rằng tấm kính trong suốt làm chàng áo đỏ ngỡ là khoảng không trống trải nên cứ tự nhiên theo đà bay qua, và đột ngột bị chận. Nhưng thấy trò nhào lộn cứ tiếp diễn, tôi lại cho rằng nó muốn trở lại tìm tổ cũ năm ngoái xây bên trong hiên sau. Chồng tôi mới sửa lại hiên sau thành một phòng nhỏ có chỗ đặt vài chậu hoa và kê một bàn để tôi vừa làm việc vừa hưởng nắng sớm mà không bị mưa gió. Chàng còn mở rộng lối ra vào bằng hai tấm cứa kính lớn đẩy qua lại. Không chừng chú áo đỏ kia tìm sửa sang chốn cũ để mời chị mái cùng về xây tổ ấm.

Sau vài ngày quan sát, tôi nhận ra rằng chú áo đỏ đang say sưa đánh nhau với chính mình, hay đúng hơn, với cái bóng đỏ phản chiếu qua tấm kính. A, bộ óc nho nhỏ dấu trong chiếc sọ con con bên ngoài phủ lớp lông óng ả đỏ mượt có chòm lông nhọn như chiếc mũõ kia, lại nhìn thấy được một kẻ thù - hay tình địch - trong tấm kính.

Mỗi buổi sáng, chú hăng hái chiến đấu với ảo ảnh kia. Chiến đấu chí mạng thực sự : đấu mỏ canh cách, va đầu chan chát, đập cánh bồm bộp, tống chân giương vuốt cào cấu soàn soạt. Thỉnh thoảng chú lại cao giọng thốt tiếng kêu ngắn đầy hăm dọa, cứ tưởng tiếng thét ki-ai của võ sĩ nhu đạo. Tấm kính mờ một khoảng lớn, vừa bụi vừa lông tơ đỏ. May không có vết máu nào.

Vốn ưa tìm hiểu, tôi gọi Văn phòng Audubon địa phương.

Một giọng nữ trẻ vui vẻ đầu giây cho biết là cứ vào đầu Xuân, lượng kích thích tố nam testosterone trong cơ thể mọi sinh vật giống đực đều tăng cao, và tạo hiện tượng gọi chung là spring fever, cơn sốt đầu Xuân.

- A, vậy là vào đầu Xuân, chim cũng như người, hầu hết đều ... rạo rực ?

- Đúng ! Lượng kích thích tố tăng cao vào Xuân làm mọi sinh vật giống đực hung hăng hiếu động. Giống áo đỏ cardinal thì lao đầu vào kính. Cửa sổ cửa lớn, kể cả những ụ kính gắn trên mái nhà để lấy năng lượng mặt trời, và luôn cả kính chiếu hậu xe hơi. Hình ảnh chính nó rọi trên kính bị tưởng là tình địch hay kẻ xâm phạm lãnh thổ. Vậy là có đánh nhau. Đánh sa đà chí chết cho tới khi lượng kích thích tố trong người vơi xuống.

Tôi thích thú cười, và giọng nữ Audubon cũng biểu đồng tình reo vui :

- Đôi khi mấy chị mái, mái mệ ghệ tơ, cũng lây hiếu động. Mấy chị cũng bay lượn vi va vi vút, cũng biểu diễn trò nhào lộn nhưng không dại dột đâm đầu đánh nhau với ảo ảnh. Mấy chị rạo rực lây và chỉ muốn cổ võ mấy chàng thôi.

Tôi thở phào. Giọng nữ Audubon cho biết thêm là kích thích tố nam thường làm cho giống đực hăng say biểu lộ nam tính, trở nên hiếu chiến hiếu động, và có những sinh hoạt khác thường. Một chuỗi cười giòn ngân dài đầu giây :

- Những hung hăng hiếu động đó càng tăng khi bị khích động. Chú áo đỏ bị khích động vì mấy chị ghệ. Con người bị khích động vì coi phim bạo hành, vì ganh đua tài trí cũng như tài lực, muốn nổi bật giữa đám đông, bị thúc đẩy, xúi dục, bị sách động với vũ khí, quyền lực, có khi vì lý tưởng chính trị đưa đến chiến tranh, nóng hay lạnh ... Không thiếu gì những buổi hội họp, thi nhau ăn to nói lớn, tuyên bố đại ngôn, kêu bên này gọi bên kia, chạy đôn chạy đáo, hô hào đả đảo ủng hộ ... Ai cũng muốn phô trương, ai cũng muốn nổi bật. Đám trẻ cũng không kém : tụ họp đại náo từ trường học đến những nơi công cộng, cười đùa la hét hát hổng, nhạc mở tưng bừng không biết mấy decibels rùm rụp bùm bụp kích động tay chân cuồng nhiệt. Rồi những vụ đua xe gắn máy xe hơi rần rộ ào ạt trên xa lộ ...

Tôi tiếp lời :

- Ấy, phải nói thêm là còn bị khích động bởi rượu vào lời ra, chưa kể ma túy cũng góp phần náo loạn. Không thiếu gì những vụ nhẹ thì cãi cọ gây gỗ thù hận, nặng thì tai nạn, và có khi là án mạng !

Một giây im lặng. Giọng Audubon thở dài đầu giây :

- Sinh lực dồi dào như vậy, lại đem tiêu hao, lãng phí. Nhưng đó là vấn đề tâm lý. Tâm lý cá nhân và tâm lý tập thể. Về cá nhân, những náo loạn ấy có lẽ để chống lại một kẻ địch thôi.

- Ai ?

- Chính mình ! Hay đúng hơn, với cái bóng của chính mình, tùy mặc cảm tự ti hay tự tôn, hoặc cả hai. Với chú áo đỏ của bạn, hội chứng cơn sốt đầu Xuân chỉ xẩy ra trong mấy ngày. Rồi đâu lại vào đó thôi.

- Còn tâm lý tập thể ? Còn với con người ?

- A, liên hệ nhiều chuyện và ngoài phạm vi Audubon. Tôi chỉ biết nói rằng với loài người, cơn sốt này có thể đột xuất lên cao bất cứ lúc nào, sá gì Xuân Hạ Thu Đông ! Bạn nên tìm một nhà chuyên môn về xã hội để hiểu rõ vấn đề.

Tôi thở dài, cảm ơn và gác máy.

Với chú hồng y trong vườn nhà, tôi chỉ cần một khăn lớn phủ tấm kính, xóa bóng tình địch - hay kẻ xâm lăng - và cứu được sinh mạng một giống chim đẹp. Còn với con người ? Đi tìm cái tôi của mình để đối diện với cái bóng của chính mình - với ảo ảnh - tôi nghĩ rằng mỗi người phải tự biết và tự tìm lối thoát cho chính mình.

Ơ hay, nghĩ thì thiên la địa võng cho người, mà làm, thì chỉ cứu được có một mạng chim ! Cũng may là còn có được mươi phút tản mạn ...

Trần thị Laihồng