Tranh, Hà Cẩm Tâm

từ một lời mở, bước qua lời dẫn, và...

 

Trần Nghi Hoàng

 

Đoàn Cầm Thi trong lời mở (tạm gọi là như vậy, vì chỉ thấy bài viết, không thấy ghi là tựa hay gì.. gì...) cho cuốn “made in vietnam” của “thuận”, do nhà xuất bản Văn Mới vừa in xong trong năm nay: 2003, với những dòng đầu cho tôi nhiều thích thú, như sau:

 

“Bạn muốn viết văn?

Nếu viết về tình yêu, tựa đề nhất định phải bắt đầu bằng “Chuyện tình kể” như hai nhà văn đương thời danh tiếng nhất Việt Nam. Đừng nên coi thường (trong bài viết, đánh là “thờng”) chữ “kể”, nó cho người ta dốc bầu tâm sự như dốc nước khỏi chai. Kỷ niệm ơi kỷ niệm, có người Việt nào không tôn thờ kỷ niệm? Ngay trong cái tựa đó, tùy thẩm mỹ mà sẽ thêm “trong nắng chiều” “lúc mưa khuya” mộng mơ Tự lực văn đoàn, hoặc “trước bình minh” “buổi ban mai” hồn nhiên hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sau đó, bạn sẽ chia nhân vật thành hai tuyến thiện và ác, đương nhiên nhân vật tốt phải là tấm gương cho độc giả soi vào. Còn nếu muốn tỏ ra sắc sảo hơn, bạn có thể làm như nhà văn nam danh tiếng: ác tí ti thiện tí ti. Hãy để cho nhân vật nữ bị em chồng hiếp, bố chồng nhìn trộm khi tắm, đừng kể lể gì về những khoái cảm hay giận dữ của cô ta, mà cho cô thốt lên lời đức hạnh: “Khổ chứ. Nhục lắm. Nhưng thương lắm”. Sẽ có nhà phê bình ví cô với Đức mẹ đồng trinh cho mà xem! Cho đến năm 2001, mọi cuộc tranh luận sôi nổi nhất của văn học Việt, chính thống hay không chính thống, đều lẩn quẩn ở cái Tâm: cả người đọc lẫn người viết ai cũng lo nó không cạnh tranh nổi môn luân lý học. Cuộc bút chiến

Trí thức/Phản trí thức vượt trùng dương, sau một hồi náo nhiệt, cũng bị cái Tâm cho xí xóa hòa cả làng.

.........”

(thuận, made in vietnam, bài mở của Đoàn Cầm Thi, Văn Mới xuất bản 2003, trang 7)

 

Đoàn Cầm Thi còn đưa ra không ít những điều lý thú khác. Nhưng tôi e rằng, nếu trích ra đây hết, sẽ không còn chỗ cho bài viết của tôi, một bài viết “không phải bài lai cảo” tức là có nhuận bút, thì đâm ra có vẻ như là không tử tế!

 

A ha! Chỉ cần một đoạn viết ngắn, họ Đoàn (chẳng biết là ông hay bà, anh hay chị...) đã cống hiến cho người đọc một số thần chú để có thể biến thành một nhà văn theo phóng cách của hai nhà văn danh tiếng nhất Việt Nam đương thời.

 

“Chuyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông” hay “Chuyện Tình Kể Ở San Francisco”? Giữa lằn ranh biên tái của hai phe Thiện và Ác, chuyện tình cứ thế phom phăng cất bước. Bước thẳng, bước cong, quẹo trái, quẹo phải... Không hề chi. Điều quan trọng, sự bi đát hay bi thảm, vô luân hay tàn bạo vân vân phải được miêu tả bằng giọng điệu lạnh lùng Vô Tình Kiếm Khách.

 

Đoàn Cầm Thi không nêu ra, nhưng nhân vật nữ bị em chồng hiếp, bố chồng nhìn trộm khi tắm và cô vẫn “trơ ra” , chẳng hề lộ chút xíu “phản ứng” vui buồn giận ghét sung sướng phẩn nộ... gì hết, tất nhiên người đọc đều biết là cô Sinh Không Có Vua của Nguyễn Huy Thiệp. Câu nói làm cô Sinh, con dâu lão Kiền hiển thánh đã thành slogan cho ông tác giả này: “Khổ chứ. Nhục lắm. Nhưng thương lắm.”

Còn “Chuyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông” hay “Chuyện Tình Kể Trước Nửa Đêm Về Sáng” Dương Thu Hương thì sau đó, Nguyễn Huy Thiệp dường như có kể lại ở San Francisco hay một nơi nào, một nơi ngoài nước Việt Nam. Nhiều phần trăm là nước Mỹ, nơi mà Nguyễn Huy Thiệp đã dăm lần được nhà nước Việt Nam cho đi tham quan.

Về cuộc tranh luận văn học lâu nay từ trong nước rồi vượt biên ra hải ngoại do cuộc đương đầu giữa hai phái Trí Thức và Phản Trí Thức, gần đây có vẻ đã èo xìu tàn lụi, thì tôi đã thấy có nhiều điều không ổn.

 

Điều không ổn đầu tiên là chẳng biết các chiến sĩ của hai bên đã định nghĩa Trí Thức như thế nào? Một người có nhiều bằng cấp? Một người đã có tác phẩm văn học? Một người có chức tước ở chính quyền trong ngành văn hóa? Một người có quen biết nhiều với giới văn nghệ sĩ, giáo sư, tiến sĩ và viện sĩ vân vân?

 

Nói cho cùng, trước khi người ta muốn làm công việc Phản Trí Thức, điều kiện bắt buộc cho Nhà Cách Mạng Phản Trí Thức là Phải Có Trí Thức. Cũng như, Krishnamurti khi ra tuyên ngôn Giải Trừ Kiến Thức, ông ta là một người đã tự thu thập cho mình Rất Là Nhiều Kiến Thức.

 

Điều không ổn thứ hai, chữ Tâm là một chữ đã cũ. Mặc dù chữ này Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ Quang Trung đã từng dùng làm slogan vẽ trên lá cờ đào dấy quân đánh đuổi giắc Thanh, thì cũng không nên lạm dựng nó quá đáng.

 

Trong tiểu thuyết Đất Trời của Nam Dao, viết về Nguyễn Trãi, do Văn Mới xuất bản năm 2002, chữ Tâm đã có lúc bị hai chữ Thế Thời làm cho điêu đứng.

 

Chữ Tâm, mà Nguyễn Trãi đã “giảng giải” cho Hồ Quý Ly trong Đất Trời như sau:

“Mất Thiên Mệnh, ta mất nước. Tất cả chỉ vì triều đình thiếu có một chữ Tâm. Vua quan như thuyền nhưng dân như nước. Thuyền không lật được nước, chỉ nước mới lật được thuyền. Có chữ Tâm, nước xuôi gió thuận, thế là Thiên Mệnh. Không có, ắt bão giông sóng dậy, chuyện ý trời ý dân hẳn nhiên là một vậy.” (Nam Dao, Đất Trời, tiểu thuyết Văn Mới xuất bản 2002, trang 19)

Đó là chuyện chữ Tâm của trị nước an dân giành thiên hạ. Còn chữ Tâm của Trí Thức và Phản Trí Thức là làm sao? Trong trường hợp này, tôi thấy hai chữ Thế Thời và hai chữ Thiên Mệnh chẳng có chi khác nhau. Thậm chí, câu “hên xui may rủi” cũng có thể “áp đặt” một cách rất ăn khớp và diệu dụng như thường.

 

Ở một đoạn sau, Đoàn Cầm Thi viết thêm về những kỹ xảo để trở thành nhà văn lớn:

 

“Đôi lúc nên xen kẽ vài đoạn thơ, gọi nôm na là “tiếng nói vô thức”. Bạn cũng cần có vài xen kiếm hiệp cho thêm ly kỳ, kiểu cởi ngựa bắn súng hay công an đuổi bắt tù vượt ngục, hay cả hai. Nếu có chút ngoại lai nữa thì tuyệt: Tây bắc này, Cali này, hứng lên có thể cho cô gái Mèo khóc ở Ba Lê hoa lệ. Cuối cùng xin đừng quên những câu giàu tính suy tư như “Tình yêu đấy là một hung thần” hay “Về bản chất đàn bà đứng về phía trật tự... Không có trật tự nào dung được tình yêu to lớn”. Bí quyết là làm thế nào cho người đọc phải cảm thấy ở tận cùng văn bạn là nỗi cô đơn, sự trải đời, khả năng yêu thương và đau đớn, là con người viết hoa! Họ phải sờ được nếp nhàu trên mặt bạn! Họ phải nhìn bạn như tín đồ Thiên chúa giáo nhìn Giê-su chịu nạn ấy chứ!

“Cứ viết như thế đi, nếu không thành công, bạn sẽ chẳng thất bại.”

(thuận, made in vietnam, bài mở của Đoàn Cầm Thi, Văn Mới xuất bản 2003, trang 8)

 

Đoàn Cầm Thi chứng tỏ là một người vừa giỏi tâm lý, hiểu văn chương nghệ thuật, lại có khả năng cầm quân ra trận theo kiểu “không thắng thì cũng... chẳng đến nỗi bại”.

 

Cái nhìn sâu sắc của Đoàn Cầm Thi là ở chỗ phân biệt ra được giữa công việc sáng tạo văn chương và sự làm dáng. Song le, Đoàn Cầm Thi dường như có nhìn ra điều đáng thương tâm là “làm dáng” đôi khi dễ dàng thành công hơn “công việc sáng tạo”?

 

Bài tựa, hay lời mở lời bạt cho một tác phẩm cực kỳ quan trọng. Trong lãnh vực sách vở chữ nghĩa Việt Nam, lâu nay tôi nhận ra rằng: một bài tựa, lời mở hoặc lời bạt hay ho lôi cuốn rất là hiếm hoi. Hầu hết là những câu chữ sáo rỗng, không cần thiết!

 

Trên tuần báo Văn Nghệ xuất bản tại Virginia Washington D.C. số 4 bộ mới ngày 25 tháng 7 năm 2003, tôi có đọc thấy một bài với tựa là:

 

“Câu chuyện tháng 4 – 2003

Từ Phu Nhân Đến Ca Sĩ

Nói chuyện với bà Đặng Tuyết Mai “Giai Nhân cạnh chính trường” Sử liệu bằng lời nói – Trích từ Radio Dân Sinh – San Jose thứ Bảy 19 tháng 4 năm 2003”.

 

Đây là bài phỏng vấn bà Đặng Tuyết Mai, cựu phu nhân thủ tướng rồi phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ do MC Nam Lộc thực hiện với Lời Giới Thiệu của Giao Chỉ. Sau Lời Giới Thiệu của Giao Chỉ, là Lời Dẫn của Nguyễn Tường Tâm. Bài phỏng vấn đầy 5 trang báo khổ tabloid tính cả phần Lời Giới Thiệu và Lời Dẫn gần 1 trang rưởi.

Trong Lời Giới Thiệu của Giao Chỉ, có đoạn:

“Thật là ngẫu nhiên của lịch sử mà ngày xưa miền Bắc có bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ khuynh đảo vương phủ của Chúa Trịnh. Rồi đến thời nay miền Nam có hoa khôi hàng không Đặng Tuyết Mai trở thành phu nhân thủ tướng.”

Đến phần Lời Dẫn, Nguyễn Tường Tâm nhắc lại và tán thêm:

 

“Cuối thế kỷ 18, con sông Gianh chia đôi đất nước vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Chúa Trịnh Cán đi tuần du gặp một thôn nữ xin đẹp hái chè. Chúa rước về dinh. Giai nhân Đặng Thị Huệ trở thành vương phi, tục gọi là Bà Chúa Chè, danh trấn xứ Thăng Long.

Vào cuối thế kỷ 20, con sông Bến Hải chia đôi đất nước. Thiếu tướng Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ đi máy bay Hàng Không Việt Nam, gặp nàng tiếp viên hoa khôi Đặng Tuyết Mai bèn hỏi làm vợ.”

 

Trước hết, tôi thấy giữa hai chuyện tình và hai sự việc Chúa Trịnh Sâm Đặng Thị Huệ và Tướng Nguyễn Cao Kỳ Đặng Tuyết Mai chẳng có chút gì dính dáng liên hệ hay tương quan tương ứng hết. Chỉ có một chi tiết là hai bà Đặng Thị Huệ và Đặng Tuyết Mai đều cùng họ Đặng. Chấm hết! Như vậy, lôi hai nhân vật lịch sử Trịnh Sâm Đặng Thị Huệ ra làm đối trọng trong trường hợp này là không cần thiết.

 

Thứ hai, sự vụ bà Đặng Thị Huệ “hái chè” rồi gặp Chúa Trịnh Sâm (chứ không phải Trịnh Cán) không biết chép ở cuốn sử nào, chỉ thấy Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Thời Chí, bản dịch của Ngô Tất Tố do Phong Trào Văn Hóa tái bản năm 1969, trang 7 chép:

 

“... ả thị tỳ bưng một chậu hoa đến trước ngự tọa, Sâm thấy ả đó mắt phượng mày ngài, mười phần xinh đẹp, tự nhiên cầm lòng không được. Hỏi ra mới biết là Đặng Thị Huệ, người làng Phù Đổng, Sâm liền tư thông với nàng...”

 

Đặng Thị Huệ lúc gặp Chúa Trịnh Sâm, bà đang là thị tỳ của tiệp thư Trần Thị Vịnh chứ không phải đang hái chè. Sở dĩ Đặng Thị Huệ được gọi là Bà Chúa Chè, xin đọc:

 

“Đặng Thị Huệ: mất năm Nhâm Dần 1782. Cung phi chúa Trịnh Sâm, không rõ năm sinh, quê làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh (nay là Hà Bắc).

 

Bà xuất thân nghèo khổ, nguyên là cô gái hái chè, sau về với chúa Trịnh, nên tục gọi là Bà Chúa Chè, được Chúa Trịnh Sâm sủng ái, từ đó bà có quyền lớn. Bà sinh với chúa Trịnh một trai là Trịnh Cán nên càng được chúa yêu thương hơn nữa...”

 

(Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam; Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội 1992, trang 145)

 

Chuyện một ông vua hay ông chúa đi tuần du, rồi gặp một thôn nữ hái chè tuyệt sắc hình như là trong một tuồng cải lương nào đó của Hà Triều Hoa Phượng hoặc Yên Ba hay Thu An... tôi không nhớ rõ.

Lịch sử có dấu vết của lịch sử. Trịnh Sâm là Chúa thứ tám của dòng chúa Trịnh, cùng với Tuyên Phi Đặng Thị Huệ sinh ra Trịnh Cán là chúa thứ chín. Đặng Thị Huệ là mẹ sinh ra Trịnh Cán.

 

Bắt mẹ gả cho con là chuyện không nên làm!

 

Như vậy, phần Lời Dẫn của Nguyễn Tường Tâm xem ra không cần thiết mà còn có hại cho người đọc. Nhất là những bạn đọc trẻ ra hải ngoại từ nhỏ, hoặc sinh đẻ ở hải ngoại và được bố mẹ chuyên tâm cho học giữ tiếng mẹ đẻ, ham đọc tiếng Việt nhưng chưa học lịch sử Việt Nam (một cách đàng hoàng).

Theo Đoàn Cầm Thi, muốn trở thành nhà văn và là nhà văn viết chuyện tình yêu, quan trọng nhất là lúc đặt tên cho tác phẩm của mình. Bắt buộc ba chữ đầu của tựa phải là: “Chuyện Tình Kể...”. Rồi sau đó muốn kể vào thời gian nào, hay không gian nào sẽ tính sau. “Kể Trước Lúc Rạng Đông” hay “Sau Lần Dang Dở”; “Kể Ở San Francisco” hay “Kể Ở Nhà Hàng Hoa Ban” thì chỉ là những chi tiết phụ họa, không nhất thiết phải để ý lo lắng.

Còn như muốn dẫn lịch sử, dĩ nhiên điều kiện tiên quyết là phải học lịch sử. Học thuộc một cách đàng hoàng trước cái đã. Hậu hồi chuyện lý luận lịch sử hay học lịch sử giữa hai hàng chữ chép lịch sử lại là một tử công phu đòi hỏi tuyệt đối ở cái Tâm.

 

Theo Đoàn Cầm Thi, thì cuối cùng chữ Tâm đã hóa giải rồi hòa giải và xí xóa cho cả làng... Cái làng bát nháo Trí Thức Văn Chương Ý Thức Chính Trị Lập Thuyết Sáng Tạo này nọ. Điều này tôi chỉ có thể đồng ý với Đoàn Cầm Thi một cách vừa phải mà thôi! Bởi, kinh nghiệm bản thân và “sự trải đời” do mắt thấy tai nghe của tôi cho biết, trong giới làm chính trị và giới trí thức Việt Nam, rất ít khi nào có những sự hòa giải thực sự và lâu dài.

 

Thường, những cú ôm chặt siết mạnh giữa các nhà chính khách là để xem tay kia sức khỏe nó ra sao? Hắn có còn đủ sức lâu dài tranh chấp với mình không? Và những bài tựa, bài bạt với những lời âu yếm nồng nàn chỉ là để chứng tỏ tay này giỏi lắm, nhưng kẻ giỏi hơn hắn chính là ta đây. Vì ta giỏi hơn hắn, nên ta cúi xuống xoa đầu hắn mà khen cho thiên hạ thấy cái Tâm của ta nó... rộng.

 

Đoàn Cầm Thi đã không làm công việc để chứng tỏ cái Tâm của mình rộng. Đoàn Cầm Thi chỉ viết khơi khơi. Viết trực chỉ nhân Tâm, chỉ thẳng vào những điều đã thấy và muốn nói, muốn nhận xét.

Hãy đọc Đoàn Cầm Thi nhận xét về “Made in Vietnam” của “thuận”:

 

“Viết một tiểu thuyết không kết không mở không cao trào xung đột – mâu thuẫn, không thắt nút – mở nút, một tiểu thuyết không chương đoạn, không dấu xuống hàng, ý này vắt sang ý kia, tiết kiệm chấm phẩy và các mỹ từ, thán từ cùng các câu trau chuốt. Tạo cho tiểu thuyết một nhịp điệu gồ ghề. Tránh cho người đọc những đoạn tả cảnh tả tình, phân tích tâm lý nhân vật vừa dông dài vừa vô nghĩa. Tha cho họ những xúc động, ngợi ca. Viết tình yêu mà không cần phải trữ tình. Kể một Việt Nam đương đại mà không nhất thiết phải lôi ra các vết thương chiến tranh, chế độ toàn trị, quan liêu tham nhũng, đói nghèo hay suy đồi đạo đức.

“Made in Vietnam” của Thuận là một thử nghiệm như thế.

(thuận, made in vietnam, bài mở của Đoàn Cầm Thi, Văn Mới xuất bản 2003, trang 8&9)

 

Đoàn Cầm Thi đã viết một bài ngắn ở đầu những trang “Made in Vietnam” của Thuận đại khái những điều như vậy. Đoàn Cầm Thi cho biết Thuận chỉ làm một thử nghiệm. Một làm mới chưa biết hay dở thế nào. Có điều, nó chắc chắn muốn đi ra ngoài những khuôn sáo, những bắt chước nhau giữa số đông các nhà văn đã đi trước. Đi trước trên những lối mòn.

 

Đọc bài Đoàn Cầm Thi viết về “Made in Vietnam” của Thuận, dậy lên trong tôi sự thúc đẩy mãnh liệt phải thực sự bước vào tác phẩm này. “Made in Vietnam” của Thuận.

 

Tôi sẽ viết bài “Đọc Made in Vietnam” của Thuận. “Đọc” chứ không phải “Điểm”.

 

Tôi chỉ đọc và chia sẻ cùng những bạn đọc tôi. Những người có thể đã đọc rồi, “Made in Vietnam” của Thuận hay chưa đọc một dòng nào tác phẩm này.

 

MADE IN VIET NAM" của THUẬN:

MỘT THỬ NGHIỆM MỚI MÀ VẪN CŨ...

Trần Nghi Hoàng

Đoàn Cầm Thi trong bài mở, đã cô đọng "made in vietnam" như sau:

"Viết một tiểu thuyết không kết không mở không cao trào - xung đột - mâu thuẫn, không thắt nút - mở nút, một tiểu thuyết không chương đoạn, không dấu xuống hàng, ý này vắt sang ý kia, tiết kiệm chấm phẩy và các mỹ từ, thán từ cùng các câu trau chuốt. Tạo cho tiểu thuyết một nhịp điệu gồ ghề. Tránh cho người đọc các đoạn tả cảnh tả tình, phân tích tâm lý nhân vật vừa dông dài vừa vô nghĩa. Tha cho họ những xúc động, ngợi ca. Viết tình yêu mà không cần phải trữ tình. Kể một Việt Nam đương đại mà không nhất thiết phải lôi ra các vết thương chiến tranh, chế độ toàn trị, quan liêu tham nhũng, đói nghèo hay suy đồi đạo đức."("thuận", "made in vietnam", Văn Mới xb 2003, trang 8)

Từ những "lời mở" của Đoàn Cầm Thi giới thiệu "made in vietnam", các bạn đã có một chuẩn bị tinh thần thích nghi chưa, để chúng ta cùng bước vào thế giới văn chương của "thuận"?

Đây là cuộc hành trình có nhiều hứa hẹn và cùng lúc không hứa hẹn gì hết! Tại sao? Văn chương nghệ thuật là lãnh vực, là một loại khoa học mà những khám phá, những sáng tạo mới chưa chắc cho người đọc nó, nói riêng; và nhân loại nói chung bất cứ một tiện nghi lợi ích nào! Có khi, lại là những bất ngờ không lý thú và khả dĩ gây ra chứng nhức đầu hoặc khó thở, khó chịu v.v...

Để giảm bớt những đột ứng đại loại như kể trên, tôi vì đang cầm cuốn sách trên tay, xin có đề nghị là chúng ta sẽ đọc "made in vietnam" một cách tân kỳ, chúng ta sẽ đọc ngược!

Đọc ngược ở đây không có nghĩa là đọc từ chữ cuối của cuốn tiểu thuyết này ngược dần lên đến chữ đầu và gấp sách, theo kiểu đọc loại thơ cầu kỳ "thủ vĩ đảo điên": "thày giáo tháo giày, vấy đất vất đấy". Mà chúng ta sẽ đọc phần "hậu từ" của tác giả "thuận" trước, rồi sẽ đi vào "made in vietnam" từ trang đầu.

Phần mà tôi gọi là "hậu từ", tức là sau khi chấm dứt tiểu thuyết của mình, "thuận" đã viết như sau:

(Xin chú thích là phần "hậu từ" sẽ khá dài, và tôi thấy cần thiết phải chép lại hết.)

"Tất cả những nhân vật tham gia Made in Vietnam đều là những nhân vật có thật. Tác giả xin chân thành cám ơn bạn bè, người quen đã tình nguyện ở lại ba tháng trong câu chuyện này, đã gây nên những tình huống không chuẩn bị trước:

-Như Mai, phóng viên báo Đầu Tư Việt Nam vai Phượng, 30 tuổi, - Trần Trọng Văn, quay phim đài truyền hình Hà Nội, vai Bình, 30 tuổi, -Lê Huy Hoàng, giám đốc công ty chè Vĩnh Phú, vai Lương, 50 tuổi, -Thanh Thanh, nghệ sĩ đàn chị, vai Huyền, 30 tuổi, -Thanh Thủy, phóng viên báo Văn Hóa Thể Thao thành phố Hồ Chí Minh vai cô Trắng, 30 tuổi, -Vũ Thị Mai, nhân viên bể bơi thành phố Worpswede, vai Tuyết, 34 tuổi, -Trần Trọng Đan, con trai tác giả, 3 tuổi, vai Kiên, 4 tuổi, -Dương Thụ, nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh, vai Dương Thụ, không rõ tuổi, -Nguyễn Thị Lan Hương, giám đốc phòng tranh Sài Gòn, vai Công Tằng Tôn Nữ Diễm Xưa, 35 tuổi, -Dương Tường, dịch giả Hà Nội, vai nhà dịch giả, không rõ tuổi, -Văn Cao, nhạc sĩ, vai nhạc sĩ già, -Nguyễn Đình Thi, hội trưởng Hội Văn Học Nghệ Thuật VN, vai người đàn ông áo trắng, 69 tuổi, -Dương Trung Quốc, viện trưởng viện Nghiên Cứu Tư Bản, 64 tuổi, -Nguyễn Văn Nam, vô nghề nghiệp, vai Chương, 35 tuổi, -Lê Hoàng, đạo diễn điện ảnh, vai nhà đạo diễn giải Bông Sen Vàng, -Đinh Thế Huynh, tổng biên tập báo Nhân Dân, vai trưởng ban biên tập báo Phụ Nữ, không rõ tuổi, -Đỗ Quang Em, họa sĩ, vai họa sĩ Rồng 1, -Thành Chương, họa sĩ, vai họa sĩ Rồng 2, -Nguyễn Thanh Sơn, họa sĩ, vai họa sĩ Rồng 3, -Nguyễn Trung, họa sĩ, vai họa sĩ Rồng 4, -Nguyễn Thanh Bình, họa sĩ, vai họa sĩ Rồng 5, -Hồng Nhung, ca sĩ, vai Hồng Nhung, 29 tuổi, -Ông bà Trần Tị, bộ đội về hưu, vai bố mẹ Bình, -Bà Trần Thị Tài, nhà giáo về hưu, vai bố Phượng và mẹ Phượng, -Nguyễn Văn Việt, Việt kiều Đức, vai Hiền, 38 tuổi, -Nguyễn Văn Lâm, Việt kiều Đức, vai anh cả và anh thứ hai của Bình, 45 tuổi, -Đào Minh Quang, giám đốc Trung Tâm Văn Hóa VN, vai giám đốc VN Center, 40 tuổi, -Hoa Mai, diễn viên điện ảnh, vai nữ diễn viên đoạt giải diễn viên nữ liên hoan Châu Á Thái Bình Dương, 30 tuổi, -Thúy Hà, diễn viên điện ảnh, vai Liên, 32 tuổi, -Ái Nhung, ca sĩ, vai Nguyễn Thị Lan, cô gái áo may ô đỏ, 45 tuổi, -Chánh Tín, ca sĩ, vai ca sĩ hát Mi mô da, 45 tuổi, -Nguyễn Thế Hưng, kĩ sư, vai Khánh, người yêu đầu tiên của Phượng, 32 tuổi, -Đào Anh Khánh, họa sĩ, vai Khánh trưởng phòng kĩ thuật, 39 tuổi, -Đinh Khắc Thuân, tiến sĩ Hán Nôm, vai Khánh, nhân viên viện Ấn Học, 48 tuổi, -Trần Văn Lộc, diễn viên chính phim Xích Lô, vai anh số Một chủ nhân xe xích lô Ba Duy, 28 tuổi, -Thanh Hương, thực tập sinh ở Paris, vai chị ô-xin bất đắc dĩ, 46 tuổi, -Vũ Thị Yến, vô nghề nghiệp, vai chiếc váy Thượng Hải, 50 tuổi, -Bernard Martin, kĩ sư vi tính, vai anh người Pháp, 27 tuổi, -André Dupont, sinh viên tiếng Việt, Học viện Phương Đông, vai anh châu Âu, 30 tuổi, -Phạm Thị Hoài, nhà văn, vai tác giả của Made in Vietnam, -Bảy mươi chín thành viên câu lạc bộ Nhảy Đầm phường Bến Nghé vai 79 khách dự hội thảo chuyên đề hội họa, -Một nghìn Việt kiều Béc-Linh vai 1000 Việt kiều dự Hội Tết năm 2000, -Năm mươi thành viên hội phụ lão quận Đống Đa vai 50 phụ lão làng Quyết Thắng, -Hai trăm thành viên hội nhà văn tỉnh Hải Hưng vai 200 nhà văn Việt Nam, -Hai trăm bốn mươi nữ nhân viên nhà máy dệt Nam Định vai 240 nhân viên của Lương, -Sáu triệu công dân Sài Gòn vai sáu triệu công dân Sài Gòn và Phương Thanh, ca sĩ, vai Madonna.

Tác giả xin cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho mượn những bài hát sau: Em Đi Qua Tôi, Bóng Tối Li Cà Phê, Đánh Thức Tầm Xuân, Vẫn Hát Lời Tình Yêu, Tiếng Sóng, Diễm Xưa và Biển Nhớ."

("thuận", "made in vietnam", Văn Mới xb 2003, trang 189 - 192)

"Made in Vietnam" đã quy tụ hầu hết những thành phần người Việt Nam trong nước, đặc biệt là giới văn sĩ họa sĩ và ca sĩ diễn viên. Riêng giới lãnh đạo chính trị không có vai nào. Tuy nhiên, tôi tin rằng cái "bóng" của họ chắc chắn sẽ thấp thoáng hoặc phủ chùm đâu đó hoặc trong cốt truyện không cốt truyện của Thuận.

Trước hết, chúng ta thử nhìn cái "sườn" nhân vật, điểm nổi bật là có rất nhiều nhân vật mà chúng ta rất nhiều người biết mặt hoặc đã nghe tên: Văn Cao, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Hồng Nhung v.v... Một điểm kỳ tuyệt là nhà văn Phạm Thị Hoài đóng vai tác giả của "made in vietnam".

Vậy tác giả "thuận" sẽ đứng đâu? "thuận" ló mặt ở bìa sau cuốn sách, tóc cắt ngắn, mang kính trắng. Tia nhìn sau tròng kính có vẻ dọa nạt soi mói vào độc giả. Đôi môi "thuận" hơi chu ra một chút và mím lại một chút.

Nhưng tại sao Phạm Thị Hoài lại đóng vai tác giả "made in vietnam"? Chắc không ít bạn đọc đang chập chờn thắc mắc về điều này, sau khi đã duyệt xét qua các nhận vật từ "hậu từ" của "thuận". Lời giải đáp tôi sẽ xin có sau này. Bây giờ, chúng ta sẽ bước vào thế giới "made in vietnam" của "thuận":

"Cuối cùng Hà Nội cũng đến được năm hai nghìn. Đêm mồng một tháng một một phụ nữ trẻ Hà Nội tên là Trần Minh Phượng lên giường từ chín giờ tối, sớm hơn thói quen đúng một tiếng, để chuẩn bị cho buổi đi làm lần đầu tiên trong đời vào sáng hôm sau, để trở thành một cán bộ công nhân viên nhà nước. Kĩ sư canh nông Nguyễn Thanh Bình, chồng của Phượng không thể xem vô tuyến trong lúc vợ ngủ đã ngồi đánh xi cả trăm đôi giày màu đen cỡ bốn mươi ba. Đêm hôm ấy, giám đốc Nguyễn Đức Lương hòa giải với vợ bằng cách quay lại phòng riêng của hai vợ chồng sau ba đêm ngủ trên đi văng phòng làm việc. Cũng đêm hôm ấy nhiều người Việt Nam nhớ lại bài trả lời phỏng vấn các báo Mỹ của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng hai mươi năm trước về tương lai của chủ nghĩa xã hội có khẳng định câu trả lời sẽ là năm hai nghìn. Hai mươi năm đã qua, Hà Nội không còn là thành phố của thế hệ những người nói tiếng Pháp còn nhanh hơn tiếng Việt. Hai mươi năm đã qua, Hà Nội cũng không bỡ ngỡ nhiều khi bước vào năm cuối của thiên niên kỉ. Bởi vì thực ra năm hai nghìn của Hà Nội đã bắt đầu từ hai mươi năm trước, từ một nụ cười chiến thắng đại diện cho ba triệu nụ cười thủ đô, cho sáu mươi triệu người dân Việt. Năm hai nghìn Hà Nội đếm được hai mươi nghìn khoảng không gian khép kín, khoảng nào cũng nép dưới gậm cầu thang, cũng giới thiệu giải pháp tối ưu biến nhà kho thành văn phòng. Hai mươi nghìn gậm cầu thang là hai mươi nghìn chuyện cơm bữa của thành phố nơi dân cư rất ư giản dị, coi trang trí nội thất là điều sa sỉ. Giữa khu phố cổ hay vùng mới mở rộng, đâu đâu cũng bắt gặp những diện tích mười mét vuông sáng bán phở, ngày cho thuê băng hình, tối cà phê giải khát. Hà Nội năm hai nghìn của năm triệu sinh mạng sùng sục sống vứt qua một bên những gì không thuộc nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ sau hai mươi năm phấn đấu cho năm triệu con người mới xã hội chủ nghĩa....

("thuận", "made in vietnam", Văn Mới xb 2003, trang đầu 11 và 5 dòng của trang 12)

Đừng quá hốt hoảng (nếu có những quý độc giả đang hốt hoảng!), tôi chắc chắn sẽ không làm công việc đọc từng trang từng trang cho đến hết 192 trang của "made in vietnam". 192 trang không một lần xuống dòng.

Xem ra, thử nghiệm mới của "thuận" Phạm Thị Hoài đã có làm thiệt và làm trước. Không phải 192 trang, không phải nguyên một tập tiểu thuyết mà là nhiều đoạn nhiều trang. Xin lật bất cứ truyện nào của Phạm Thị Hoài và đọc. Thí dụ:

"Người thứ hai vui tính và phù phiếm, con đẻ của những thành phố chưa hề trải qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần đặc trưng cho xã hội văn minh. Anh mê âm nhạc, từ Beethoven đến Beatles, có giọng hát tốt nhưng không bỏ công tập, và mê bóng đá, là chân đá khá nhưng không chú tâm luyện. Nói chung, anh chẳng chú tâm vào việc gì, kể cả tình yêu. Khó có thể đặt lòng tin vào những người như thế. Không sao biết vec-tơ nhân cách của anh hướng về đâu. Thoạt đầu, anh dễ gây ấn tượng là một trong những kẻ phù phiếm khổng lồ, những khái niệm sống hiếm hoi lắm mới xuất hiện trong cuộc đời thực và khiến thiên hạ hoang mang vô cùng. Vẻ mặt anh tự nhiên đến đáng ngờ, tôi cứ ngỡ, dưới lớp da tuyệt diệu đó phải ẩn dấu một vốn liếng khác thường lắm, nếu không, làm sao có thể giải thích sự hòa điệu hoàn hảo với môi trường và bản thân mình, biểu hiện cuối cùng của một bản lĩnh sống thâm trầm và phóng khoáng đến thế....

(Phạm Thị Hoài, Chín Bỏ Làm Mười trong tuyển tập Truyện Ngắn Các Cây Bút Nữ Việt Nam, Văn Hóa Thông Tin xb 1998, trang 78, 79)

Sẽ còn khoảng một trang sách nữa, Phạm Thị Hoài sẽ có một cái chấm xuống hàng!

Bắng một giọng văn đều đều với những thước đo và những tỉ lệ so sánh vừa thông minh vừa mầy mò, hai nhà văn Phạm Thị Hoài và "thuận" có thể sẽ lớp lớp trường giang đi hoài không biết mệt. Họ viết lý luận và lý luận viết với một tốc độ không chậm không nhanh từ tốn buông ra những con chữ một cách không ngừng nghỉ và chỉ chấm hoặc phẩy để lấy hơi rồi tiếp tục.

Trở lại với "thuận" và "made in vietnam", trong "danh sách" các nhân vật mà theo tác giả vốn dĩ là những nhân vật có thật, chúng ta thấy không hề có những tay chính trị chóp bu hoặc những nhà lãnh đạo chót vót. Tuy nhiên, như tôi đã "cảm giác" từ đầu là làm sao mà thiếu được những diễn viên vô cùng cần thiết này. Ngay những dòng chữ đầu của trang đầu, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xuất hiện cùng với cuộc trả lời phỏng vấn của ông ta và báo Mỹ vào hồi ông ta còn sinh tiền của hai mươi năm trước năm hai nghìn, thời gian của cuốn tiều thuyết.

Phạm Văn Đồng đã chết, nhưng từng chữ từng câu cuộc trả lời phỏng vấn của ông ta cho báo chí Mỹ về tiền đồ xã hội chủ nghĩa vẫn được năm triệu dân Hà Nội nhớ kỹ và nhớ đủ. Họ nhớ rằng ông thủ tướng từng ngồi lâu ngồi mải miết trên chiếc ghế không chân để chẳng làm gì hết ngoài việc làm cảnh, để thỉnh thoảng được báo chí đặc biệt là báo chí ngoại quốc phỏng vấn đã tuyên bố là "đúng năm hai nghìn, Việt Nam sẽ có câu trả lời đích đáng về tương lai về tiền đồ của xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Vậy thì, đúng năm hai nghìn, đúng vào đêm một tháng một câu trả lời của ngài cố thủ tướng ra sao?

Một phụ nữ trẻ Hà Nội tên Trần Minh Phượng đã đi ngủ vào đúng chín giờ tối, sớm hơn thói quen hằng ngày đúng một tiếng đồng hồ. Năm hai nghìn, tức là hai mươi năm đã qua sau vụ trả lời phỏng vấn của cố thủ tướng họ Phạm, Hà Nội không còn là thành phố của những người nói tiếng Pháp nhanh hơn tiếng Việt. Cuộc chiến thắng Điện Biên là cái mốc đánh dấu ngày tàn của giấc mơ những con người nói tiếng Pháp nhanh hơn tiếng Việt ở Hà Nội.

"thuận" cho biết: Bởi vì, thực ra năm hai nghìn của Hà Nội đã bắt đầu từ hai mươi năm trước. Bắt đầu từ một nụ cười chiến thắng đại diện cho ba triệu nụ cười thủ đô và cho sáu mươi triệu người dân Việt, để kết thúc với hai mươi nghìn khoảng không gian khép kín dưới những gận cầu thang!

Cái tối ưu của "xã hội chủ nghĩa" là đây: Là những khoảng không gian nhỏ hẹp mà người dân của Hà Nội bốn năm nghìn năm văn hiến và văn hóa từng giây phải chúi vào nhau để thở để sống.

Đọc Phạm Thị Hoài chúng ta thường bắt gặp nhà văn này hay tả những căn phòng bao nhiêu thước vuông không khí, con đường hành lang với diện tích đủ cho bao nhiêu đôi giày đàn ông và bao nhiêu đôi guốc cao gót đàn bà thí dụ v.v...

Ám ảnh của một không gian chật hẹp, của sự thiếu không khí thở đè nặng lên văn chương Phạm Thị Hoài và bây giờ của "thuận". Vì sao?

Đó là công lao thành tích của chủ nghĩa "xã hội tiên tiến"! Chủ nghĩa siêu việt này từng chút từng ngày đã chiếm lĩnh hết cả không gian lẫn thời gian của con người sống trong hay sống dưới bàn chân của Nó! Người ta không còn chỗ để ngẩng đầu và không còn không khí để thở. Thời gian là từng giây phải tìm cách để sinh tồn. Sinh tồn trong cái không gian ngày càng bị "co rút" nhỏ lại, theo cả hai nghĩa đen lẫn bóng.

Cuộc trường chinh của chủ nghĩa Cộng Sản được nôm na thành "xã hội chủ nghĩa" đã thành tựu những chiến tích tiêu biểu:

"Giữa khu phố cổ hay vùng mới mở rộng, đâu đâu cũng bắt gặp những diện tích mười mét vuông sáng bán phở, ngày cho thuê băng hình, tối cà phê giải khát."

Sự thiếu "đất sống" và thiếu "không khí" thở một cách trầm trọng đang diễn ra ở Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam hiện nay.

Vậy, thực ra "Made in Vietnam" của Thuận viết về cái gì? Đâu là chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết?

Thuận viết "Made in Vietnam" để diễn lại cuộc chạy đua cật lực và vô tiền khoáng hậu của con người Hà Nội và Hà Nội nới rộng tới năm 2000. Cuộc chạy đua trong hoàn cảnh thiếu "đất sống" và thiếu "không khí" thở trầm trọng và bất khả giải quyết!

"Con đường kết thúc ở làng nhỏ Quyết Thắng. Người không biết lối phải đi theo đường ô tô năm mươi kí lô mét ngoằn ngoèo hình con rồng chín đầu có mỗi một đầu được dẫn về cổng làng. Người chưa bao giờ đến Quyết Thắng cứ tưởng đây là Hà Sơn Bình. Thực ra khi nhà nước quyết định mở rộng bán kính thủ đô thêm hai mươi kí lô mét thì Quyết Thắng ngẫu nhiên thuộc vào địa phận của Hà Nội.

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 50, 51)

Cuộc chạy đua của người Hà Nội và Hà Nội nới rộng, của người Hà Nội bản địa và người Hà Nội xuất khẩu một cách ráo riết diễn ra đầu tiên từ những cái buồng tắm "cá nhân" và cái váy của các cô.

"Hà Nội từ mười năm Đổi Mới đã xây thêm hai mươi nghìn buồng tắm cá nhân. Hai mươi nghìn buồng tắm hiện đại chắc là phải hiện đại hơn Cam-pu-chia bởi vì được mua ở đường Giảng Võ, bởi vì được chuyển từ Thái Lan về, bởi vì rất tiện chỉ việc mang về lắp ráp là xong. Từ bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đến nay người Hà Nội mới bắt đầu tập tắm trong buồng tắm tại gia, tập đứng thẳng dưới vòi hoa sen, tập hít thở làm sao để không bị sặc nước. Hai mươi nghìn buồng tắm giống nhau như hai mươi nghìn giọt nước. Mãi đến khi vô tuyến truyền hình Việt Nam nhắc lại rằng chỉ còn mười hai tháng nữa là năm hai nghìn thì rất nhiều người Hà Nội muốn sửa lại buồng tắm sao cho đừng mang hình giọt nước Thái Lan."

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 28, 29).

Sự tiến bộ thay da đổi thịt trong việc "tắm" của người Hà Nội sau dòng lịch sử dằng dặc hơn bốn nghìn năm đã nhảy một bước vọt vào những buồng tắm có vòi sen, có cửa cài then, có vách che chắn tứ bề và có cả trần phòng tắm với ngọn đèn điện 25 watts. Cuộc Đổi Mới chưa chịu dừng lại ở đây, người Hà Nội phải làm một cuộc Cách Mạng Mới cho năm hai nghìn khởi đi từ cái buồng tắm.

"Nền kiến trúc quốc gia sau một nghìn năm Bắc thuộc rồi môt thế kỉ Pháp thuộc chịu cảnh lép vế ai cho cái gì được cái nấy gặp Đổi Mới bỗng nhiên choàng dậy. Cảm giác đầu tiên là thiệt thòi nhiều quá, phải cho vào mồm bằng hết những gì thiên hạ xơi từ xưa đến nay, cổ điển, ro-măng, gô-tích, ba-rốc, hiện đại nhét tuốt vào cái dạ dày coi bội thực không phải là của người Việt."

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 101)

Từ kiến trúc buồng tắm chạy ra kiến trúc phố thị bằng tinh thần cật lực tiến bộ, ngay chính người Hà Nội cũng có lúc bỗng giật thót mình tưởng lạc vào xứ sở đạo Hồi. Mái tròn mái nhọn đi thẳng từ A-la-đanh vào hiện thực chẳng cần cây đèn thần.

Bệnh "bội thực" thì nhất định chẳng khi nào ảnh hưởng được người Hà Nội vốn dĩ luôn đói khát và thiếu sống. Ngay cả chứng bệnh "trúng thực" cũng không có trong danh sách bệnh lý của người Việt nói chung!

Xin phép mở một dấu ngoặc ghi chú ở đây: Chỉ cần lấy thí dụ ở nền thơ ca Việt lưu vong hải ngoại, cũng đủ chứng minh hùng hồn về khả năng "miễn nhiểm độc" của dân tộc Việt Nam con rồng cháu tiên: Tất cả những trường phái khuynh hướng thơ của thế giới, sau khi đã được các thi sĩ và những người làm thơ nhưng vị tất là thi sĩ của các quốc gia không phải Việt Nam đã sử dụng te tua bây giờ được các hội thơ Việt Nam lưu vong công kênh và kêu gọi phát động khắp nơi. Từ sách báo tạp chí đến các trang web trang net và thậm chí những email kiểu bươm bướm flyers. Những hình thức thơ ca, những "thức ăn" đã cũ mèm, đã bị vất bỏ từ lâu của nhiều dân tộc văn minh trên thế giới, nay được các nhà chữ nghĩa Việt Nam lưu vong và quốc nội hồ hởi nhai nuốt trợn trạo rồi thi nhau chép miệng xoa tay khen ngon khen ngọt rối rít mà vẫn chưa có ai bị lăn đùng ra vì triệu chứng nhiểm độc. Thức ăn càng cũ của người khác, người Việt ăn vào lại càng thấy ngon. Đó là khả năng ngoại hạng của dân tộc Việt Nam chăng?

Xin đóng ngoặc

Dưới đây là những con người Hà Nội được "xuất khẩu" ở Đức, đang chuẩn bị đón năm hai nghìn:

"Hôm nay các cô hàng xóm cùng chợ vừa thấy cô đến đã hỏi có gì mặc dạ hội chưa. Cô bảo có lẽ sẽ mặc cái váy dài nền đỏ hoa vàng mẹ cô mới gửi cho tuần trước. Nghe xong các cô kia cười như nắc nẻ bảo kể ra già như mẹ cô mà hiện đại được như thế cũng là đáng khen lắm rồi nhưng đấy là mốt năm ngoái còn Tết năm hai nghìn con gái Hà Nội để hở cả chân lẫn đùi và màu thì càng chói chang càng đẹp."

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 67)

Trong khi những người Hà Nội chân chính và tàm tạm chân chính bận tâm về cái buồng tắm cá nhân, tức là buồng tắm tại gia chứ không phải buồng tắm công cộng; thì những người Hà Nội "xuất khẩu", đàn bà bận tâm về độ ngắn của cái váy đã trên đầu gối được bao nhiêu phân và phần màu sắc phải hết sức rực rỡ, thì cánh đàn ông Hà Nội xuất khẩu bận tâm về những cái gì?

"Khách hai giới trong phòng có lẽ vẫn còn giận nhau nhưng không ai giận tác phẩm âm nhạc bất hủ của Đoàn Chuẩn nên cuối cùng vẫn nhảy nhưng chia làm hai nhóm, năm trăm gam màu gam nào cũng chói chang chiếm nửa phòng biến nửa phòng còn lại thành ghi sáng làm Giọt mưa thu đã buồn lại càng buồn. Bản nhạc chấm dứt, mi-ni rời mi-ni, com lê rời com lê, một thằng bé tóc dài buộc túm sau lưng không hiểu từ đâu bỗng xuất hiện cạnh một cái loa thùng, áo và quần đều có xích sắt khiến mỗi bước chân kêu loảng xoảng. Bài phát biểu của nó được thực hiện trong khói thuốc lá như sau: tôi đã chán ngấy các cụ phụ não ở nàng tôi lên mới sang đây ai ngờ giữa thủ đô cộng hòa niên bang lước đức vẫn còn phải nghe nhạc từ cách đây sáu mươi lăm, ở nàng tôi bây giờ thanh liên còn chê cả hê nô nà nạc hậu.....

. . . . . . . .

Một con bé tóc nhuộm đỏ rực, người cũng chằng chịt dây xích, chân đi giày mũi cong đế rất cao chạy từ trong năm trăm bộ váy mi-ni màu chói ra nói một hơi: lày đừng tưởng đứng ở béc ninh muốn bốc phét thế lào cũng được nhé, đây vừa mới từ nàng qua biết nà lứt mắt ra cậy ông bô nàm bí thư đảng ủy xã mua bằng tốt nghiệp để đi du học, du học gì mà gút tần tác cũng không đánh vần lổi, ngỡ neo nên máy bay hai mươi nghìn cây số thì nấy ai cũng được bỏ gái nàng cho đám bô não chắc...

Con bé tóc đỏ nói đến đây thì hai anh đeo kính đen đội mũ phớt tiến lại gần bảo nhỏ với nó mấy câu, nó càu nhàu một lúc rồi cũng theo hai anh ra ngoài cửa. Chẳng ai nói gì nhưng mọi người trong phòng đều thở phào nhẹ nhỏm. Một anh kính đen mũ phớt khác cầm lấy mi cờ rô đề nghị dạ hội tiếp tục vì cơn nguy hiểm đã qua, bộ phận an ninh đại sứ quán kiên quyết dập tắt mọi âm mưu của địch nhằm để lộ bí mật nhà nước cho cảnh sát nước ngoài, anh cũng thay mặt phòng lãnh sự khuyên cộng đồng người Việt ở Đức nên giữ quan hệ tốt với phòng, coi phòng như người trong nhà. Ông hội trưởng Hội Người Việt ở Đức đứng lên đón lấy mi cờ rô từ tay anh mũ phớt kính đen để cám ơn thiện tình của sứ quán coi việc riêng của mỗi cá nhân người Việt ở đây như tuyệt mật quốc gia. Ông cũng nhân tiện nhắc nhở các đồng hương nên rút kinh nghiệm, đừng vì thù hằn cá nhân mà ảnh hưởng đến việc chung của tập thể, có gì thì nên giữ truyền thống đóng cửa bảo nhau. Để kết luận ông đặt cho dạ hội hai câu hỏi mà cả ông và một nghìn khách có mặt đều thấy là không cần thiết phải trả lời: thử hỏi trong số các bạn ở đây, ai là người chỉ có một ngày sinh tháng đẻ, một tên họ, một chồng, một vợ, một giấy khai sinh, một hộ chiếu? Thử hỏi bao nhiều người trong các bạn chưa từng cưới vợ hay chồng Đức để hai năm sau có được giấy tờ lại mất tiền li dị?..."

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 75, 76)

Tết năm hai nghìn của người Việt "xuất khẩu" tại Đức được tổ chức ở Vietnam Center, dưới sự thị sát và kiểm soát của cánh tay nối dài nhà nước Việt Cộng tức các nhân viên phòng đại sứ quán Việt Cộng tại Đức. Cuộc "chiến thắng thần thánh" đánh Mỹ đuổi Ngụy của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa đất nước "tiên tiến" bằng cách xuất khẩu lao động năm trăm chiếc váy mi-ni sặc sở cho năm hai nghìn sang Đức và các cán bộ tòa đại lãnh sự Việt Cộng ở Đức mang kính đen đội mũ phớt. Năm trăm bộ com lê màu ghi sáng với nhiều người bằng cấp và chức tước đầy mình đã được lột trụi và nhét vào đáy va-li để tiện lợi cho việc hợp xướng cùng năm trăm chiếc váy mi-ni màu sặc sở. Còn sót lại là ông hội trưởng Hội Người Việt ở Đức. Ông thật tuyệt vời với chỉ hai câu hỏi đơn giản đã vãn hồi được trật tự an ninh cho hội trường của buổi dạ vũ, đồng thời phát huy toàn diện và cực điểm tinh thần bảo vệ bí mật quốc phòng qua châm ngôn "tất cả mọi bí mật cá nhân đều là bí mật quốc gia".

Tôi đoan chắc rằng các ông hội trưởng của các cộng đồng Người Việt Lưu Vong và Chống Cộng chẳng thể nào có được khí thế như ông hội trưởng Hội Người Việt (Cộng Sản ) Xuất Khẩu Ở Đức này! Các ông hội trưởng trong các cộng đồng Việt tị nạn thường phải nói nhiều và hầu như ít có điều chi thiết thực và khả thi; nói gì đến chuyện trấn áp được cái đám Việt lưu vong vốn mang trong đầu rất hiếm cảm tình và kính mến đối với các lãnh tụ mà lại rất nhiều chống đối và luôn thích thể hiện tinh thần tự do dân chủ.

Thuận tỏ ra xuất sắc trong đoạn tả cảnh Hội Tết của người Việt ở Đức. Không biết cô tận mắt chứng kiến hay chỉ tả lại do sự kết hợp giữa lời kể của ai đó và óc giàu tưởng tượng. Dù là tận mắt chứng kiến hay do lời kể lại kết hợp cùng tưởng tượng nhà văn, đều chứng tỏ Thuận trước hết có văn tài và biết cách sắp xếp những con chữ.

Thuận cho thấy trong "made in vietnam" cánh đàn ông Hà Nội xuất khẩu càng xa quê hương Việt Nam, càng xa Đảng và nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa bao nhiêu, lại càng kiên quyết và giữ vững lập trường "tiên tiến trong tinh thần dân tộc truyền thống".

Năm trăm đàn ông Hà Nội xuất khẩu ở Đức nhất định cùng mặc com lê màu ghi sáng và nhất định cùng nhảy đầm với nhau. Cùng nhảy đầm với nhau cho bỏ ghét chứ nhất định không mời năm trăm chiếc váy mi-ni nhiều màu sặc sở vì "nó" không chịu "mời" mình thì hà cớ gì mình phải mời "nó" nhảy. Không nhảy đầm với tụi mi-ni sặc sở thì com lê nhảy với com-lê và dĩ nhiên mi-ni sặc sở nhảy với mi-ni sặc sở, cho năm hai nghìn ghi nhận đậm nét thêm sự Đổi Mới và Tiến Bộ vượt tất cả mọi chỉ tiêu. Mặc dù Đảng và Nhà Nước tuy đưa ra rất nhiều chỉ tiêu tiến bộ đổi mới nhưng chưa khi nào đi vào được những chi tiết tế nhị và văn minh vượt cả không gian lẫn thời gian loại này.

Tuy nhiên, hãy còn một nhân vật đáng nói trong hội trường Hội Tết của Người Việt ở Đức trong "made in vietnam", xin đọc:

"Anh đầu hói đứng cách đấy mấy mét cũng nhìn cô tủm tỉm rồi bước lên sân khấu xin ngâm một chùm ba bài thơ có tựa đề là Quê hương Một, Quê hương Hai, Quê hương Ba. Ai cũng vỗ tay, ai cũng chuẩn bị nghe cả ba bài thơ về một đất nước tên gọi Việt Nam, nghe được mười lăm phút mọi người ngã ngửa ra là quê hương một của anh là Liên Xô, quê hương hai là Tiệp Khắc còn quê hương ba là cộng hòa liên bang Đức để tả con đường anh đã đi mười năm nay từ ngày rời Hà Nội.

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 73)

Sau khi ngâm thơ xong, anh đầu hói còn diễn thuyết:

"Các nhà Việt Nam học ở nước ngoài chẳng cần phải về tận Hà Nội hay Sài Gòn mới biết được dân tộc Việt là dân tộc có truyền thống dễ hòa nhập, chỉ cần đến Việt Nam Center là tận mắt chứng kiến đội ngủ đông đảo trí thức văn nghệ sĩ người Việt trước hoàn cảnh mới, nhét bằng cấp vào đáy va-li, như bản thân tôi tốt nghiệp đại học nông nghiệp trong nước, vừa làm phó tiến sĩ trồng lúa ở Liên Xô vừa xếp hàng mua tủ lạnh nồi hầm vòng bi cạnh quảng trường Đỏ, sang đến Tiệp là lao ngay ra chợ, đặt chân đến Đức là mở một quầy ăn nhanh còn chị áo tứ thân kia mới đầu tôi chỉ biết là nhân viên dọn phòng khách sạn hóa ra trong dịp múa xạp lúc nãy mới được nghe chị tự giới thiệu trước kia là diễn viên nhà hát Ca Múa Kịch Trung Ương...."

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 73)

Biến động tháng Tư năm 1975 đã tung người Việt cả hai phía Cộng Sản và Quốc Gia ra khắp thế giới. Cuộc viễn chinh và trường chinh của người Việt trên khắp thế giới, kể cả người Việt lưu vong chống Cộng hay người Việt Cộng Sản xuất khẩu, đều để lại những trang ngoại sử tuyệt đối khó ghi chép sao cho một trăm phần trung thực.

Nhưng tôi tin những dòng chữ của Thuận là rất chính xác về cái Vietnam Center và về những nhân vật đã được miêu tả như anh đầu hói nói trên là một điển hình.

Người Việt trong nước, nhất là ở miền Bắc đặc biệt Hà Nội, cứ khoảng năm mươi tuổi đã được gọi là CỤ và xếp vào thành phần bô lão. Người Việt chân chính tức người Hà Nội chân chính tuổi thọ kém và ngoại hình mau cằn cỗi? Vậy thì các lãnh tụ bảy, tám chục tuổi trong chính trị bộ, trong Ban Bí Thư Đảng thì sao? Xin thưa rằng chẳng có vị nào trong bọn nói trên là người Hà Nội chân chính hay tàm tạm chân chính sất!

Và đối với các bô lão "năm mươi tuổi" này, những chương trình truyền hình trong tivi với những cảnh hôn hít hoặc ve vuốt đại khái là một thứ giặc nguy hiểm cần phải diệt bằng mọi giá.

Các cụ bô lão "năm mươi tuổi" của làng Quyết Thắng, một làng thuộc Hà Nội nới rộng đã họp Hội Nghị Diên Hồng để "giải quyết vấn đề". Các "bô lão" đòi giải quyết ra sao? Xin đọc:

"Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai của các bô lão tuổi trên năm mươi đã diễn ra trong hoàn cảnh không thể trì hoãn được, giặc ngoại xâm ở đây là hai vô tuyến đen trắng chỉ một tháng đã mua chuộc toàn bộ dân Quyết Thắng tuổi dưới bốn mươi. Những ý kiến các cụ bô lão đưa ra thật táo bạo nhờ sự thiếu kinh nghiệm diệt loại giặc hiện đại này."

(Thuận, "made in vietnam", tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 52)

Nhà Nước phân phối cho các làng nằm trong chu vi Hà Nội nới rộng, mỗi làng hai tivi đen trắng cũ do Liên Xô để lại. Đây là nằm trong kế hoạch văn minh hóa và tiên tiến hóa các làng mới thuộc Hà Nội, hầu mong "nâng cao trình độ dân trí". Hai tivi đen trắng do Nhà Nước ban bố, bỗng chốc biến thành giặc thù khó đội trời chung của các bô lão "năm mươi tuổi" làng Quyết Thắng.

Các cụ bô lão "năm mươi tuổi" đã phải che mặt, bịt mắt mỗi khi xem phim Pháp hay Brazil v.v... có cảnh đàn ông đàn bà hôn nhau hay các cảnh cởi quần áo làm chi đó...

Suốt đời các cụ bô lão "năm mươi tuổi" làng Quyết Thắng, mặc dù đã "làm" cho các "cụ bà" sinh ra bao nhiêu đứa con, nhưng chưa bao giờ có cái chuyện "kinh khủng" là "bú mồm nhau", nói gì đến những chuyện "linh tinh" khác. Và theo các cụ bô lão "năm mươi tuổi" Hà Nội nới rộng, đó là truyền thống dân tộc Việt Nam!!!

Câu thần chú "truyền thống dân tộc Việt Nam" có một sức mạnh và hiệu năng khôn lường dưới chế độ Cộng Sản. Câu thần chú đã duy trì được chế độ từ bao lâu nay, và xem chừng sẽ còn tiếp tục nâng đỡ chế độ tồn tại thêm chưa biết đến bao giờ!

Nhờ truyền thống dân tộc theo kiểu Cộng Sản, những chuyện rắc rối ở làng Quyết Thắng rồi cũng sẽ được "trên" giải quyết ổn thỏa cho kịp với "trào lưu văn minh của cộng đồng thế giới"... Câu thần chú "truyền thống dân tộc" sẽ xuất kỳ bất ý bị một câu thần chú hiện đại đổi mới làm cho khựng lại trong một tư thế vô cùng hợp lý: "trào lưu văn minh của cộng đồng thế giới".

Đặc biệt, bài diễn văn của đại diện sứ quán Việt Cộng tại Đức đọc trong dịp Tết năm 2000 ở Vietnam Center đã gói ghém hầu như tất cả mọi vấn đề đối ngoại (với Việt kiều lưu vong) của nhà nước Việt Cộng:

"... Chúng tôi cũng nhân đây bày tỏ lòng tin tưởng của mình vào những cây bút người Việt ở Đức đã không đầy chúng tôi vào hoàn cảnh khó xử phải làm báo cáo gửi về bộ Nội Vụ. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng những thơ ca, tùy bút và truyện ngắn của các bạn không gây ra một nguy hiểm nào cả cho uy ín của đất nước ở bên ngoài. Chúng chỉ phản ánh một cách chính xác nhu cầu bày tỏ tình cảm nhớ nước thương nòi cũng như những tâm sự xa quê mà ủy ban Việt Kiều Trung Ương rất hoan nghênh"

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 69).

Thuận là người đã sinh ra, lớn lên và sống trưởng thành trong lòng chế độ Cộng Sản. Dĩ nhiên, sự hiểu biết của cô về "Hà Nội", về Cộng Sản Việt Nam phải hết sức phong phú. Tuy nhiên, điểm đáng ca ngợi ở đây là cái nhìn của cô về chế độ "Hà Nội", chứ không phải về "kiến thức", về sự hiểu biết ấy của cô. Cô có một cái nhìn cực kỳ sắc bén và hóm hĩnh mà mãi đến khi được định cư ở Pháp, cô mới có cơ hội viết ra trong "made in vietnam". Chúng ta sẽ còn bắt gặp cái hóm hĩnh của Thuận trong suốt chiều dài của cuốn sách...

Những loại văn thơ "hoài niệm quê hương", những hội đoàn "Hải Phòng", "Huế", "Bến Tre".v.v.. này nọ của cộng đồng người Việt lưu vong tị nạn khắp nơi đều vô hình chung làm đẹp dạ ủy ban Việt Kiều Trung Ương nói riêng và nhà nước Việt Cộng nói chung. "Hoài niệm quê hương" cũng là một thứ "truyền thống dân tộc."

Truyền thống dân tộc rất nhiều khi cũng được "du di" như tôi đã viết ở phần trên. Tuy nhiên, cái cốt lõi thì vẫn phải có, nhất là đối với văn học trong nước:

"Tính đảng, tính đại chúng, tính dân tộc và tính chiến đấu thì không nghi ngờ gì nữa vì bất cứ cái gì được in ở Việt Nam cũng đều phải có từng ấy tính. Phượng nhớ là mới đây có cả những tác phẩm được khen là có tính Asean vì Việt Nam mới được gia nhập khối Asean và tính toàn cầu vì bây giờ là năm hai nghìn..."

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 82)

Sáng tác văn học, mà người Cộng Sản có cụm từ riêng để gọi là "lao động chữ nghĩa" hay cái gì đó đại khái như vậy, có những khuôn đúc và những định luật. Định luật và khuôn thước của Đảng và nhà nước là như thế, tuy nhiên định luật và khuôn thước trong mắt nhìn của "thuận" có những điều tế nhị khác hơn, nhưng lại khá trùng hợp với cái khuôn thước định luật về văn học nghệ thuật trong cộng đồng người Việt tị nạn lưu vong hải ngoại:

"Ngay từ khi chưa cầm bút người ta đã hiểu cái khác biệt chủ yếu giữa người viết và người không viết là cái tên. Đơn giản vô cùng, lấy tên cúng cơm bỏ đầu hoặc cuối rồi ghép với một từ tương đối lãng mạn. Nhiều bút danh là con đẻ của đám cưới giữa một nông dân từ và một mĩ từ. Xuân hay Thu cộng X là hai công thức tiêu biểu. Ngày nay hầu như chẳng có nghề nào danh giá mà đơn giản như nghề nhà văn, nhà thơ, chỉ hai bài thơ là thành nhà thơ, một truyện ngắn là thành nhà văn, vài năm đầu là cây bút trẻ ngoảnh đi ngoảnh lại đã là cổ thụ trong làng. Còn phê bình văn học thì quá tải. Có lẽ trong các nghành nghiên cứu, nghiên cứu văn học là ít tốn công nhất bởi nhiều thành viên của nó chỉ cần tự đào tạo một lối, biết kể tên vài trường phái và danh nhân nước ngoài, ngủ một giấc, sáng hôm sau thành nah phê bình...."

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 84)

Bỏ đi phần "thuận" bàn về những bút hiệu của các nhà văn nhà thơ "Hà Nội", luôn phải có tính "truyền thống nông dân", vì "nông dân" và "nghèo khổ" là biểu trưng của dân tộc; những bước đi và quy củ còn lại của một người cầm viết "Hà Nội" xem ra chẳng khác chi mấy những bước đi và qui củ của các nhà văn nhà thơ hải ngoại! Ngay cả những trường hợp mang nhầm giày hoặc dẫm lên chân người ta của quý vị chủ chợ, dược sĩ, bác sĩ v.v... cứ a thần phù đòi làm văn học thì chỉ là một cách triển khai tâm lý các nhà chính trị nhất định phải có thêm mác nhà thơ hoặc các nhà văn nhà thơ phải có thêm tí mác nhà chính trị!

Sự trùng lập, giống nhau đó còn kéo dài hoặc lan ra đến một vài lãnh vực tương cận:

"Người trí thức nào chẳng cần một ít địa vị chính trị. Người làm chính trị nào chẳng cần đến một danh hiệu nghệ thuật, mà phải là nhà thơ lớn mới được công nhận là nhà chính trị lớn..."

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 104)

Thuận viết như thế, có khác nào đã vạch mặt chỉ tên Hồ Chí Minh và hầu hết những tay chóp bu của Đảng Cộng Sản Việt Nam! Nào Tố Hữu, nào Huy Cận.v.v...

Sau gần năm nghìn năm văn hiến, văn hóa dân tộc người Hà Nội mới lần đầu biết tắm và tập tắm dưới vòi sen. Sau gần năm nghìn năm văn hiến và văn hóa dân tộc, người đàn bà Việt Nam đi từ thời đại mặc váy maxi bỏ trống phần quần lót. Cho đến gần cuối thế kỷ 20, đàn bà Hà Nội đã biết mặc đủ thứ quần bên ngoài và đem văn minh maxi vào bên trong, vào chiếc quần lót đầy viễn kiến. Hãy nghe một cô sinh viên, nhân vật "tình nhân" của Bình, chồng nhân vật chính Phượng trong "made in vietnam" tâm sự về gia đình cô:

"Đấy là lần duy nhất bố cô xuất ngoại, cũng là chuyến xuất ngoại duy nhất trong nhà cô. Thế nhưng bố cô cũng chẳng mang được cho mẹ cô chiếc quần lót nào. Hôm đầu tiên bố cô về, cô nghe bố thì thầm với mẹ trong buồng: bên đấy quần lót còn rộng và dày hơn cả ở nước mình. Bao nhiêu thất vọng mẹ cô đổ vào cái kéo nên hôm sau trên dây phơi có chiếc quần lót khoét rất quá tay từ chiếc quần lót mẹ cô được mua phân phối đợt mồng Tám tháng Ba năm trước. Cả mẹ cả cô cả lũ con gái lớp cô đều nói không hiểu tại sao nước mình vải đắt như thế và mọi người đều luôn nêu cao tình thần tiết kiệm như thế mà lại phí phạm vải để cho ra đời những cái quần lót bao giờ cũng to hơn mức cần thiết đến ba lần. Cô giáo dạy chính trị giải thích là đạo đức người phụ nữ phụ thuộc vào kích thước quần lót. Cả nước nhịn mặc vì phụ nữ..."

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 115, 116)

Chiếc quần lót của phụ nữ, ôi dào! Biểu tượng cho nền văn mình Hà Nội đã theo kịp trào lưu văn minh của "cộng đồng thế giới":

"Tình sạch sẽ của ba cô bạn chỉ thể hiện ở những chiếc quần lót càng ngày càng nhỏ, càng ngày càng hay leo lên giây phơi... cô đã không gặp may vì sinh ra ở đất nước mà cái gì cũng có vỏ, vỏ nào cũng phóng khoáng, vỏ cam vỏ quít vỏ bưởi vỏ mít đều dày, bánh chưng bánh nếp bánh tẻ bánh giò bánh gai bánh cốm bánh do bánh nào cũng bọc rất nhiều vỏ bên ngoài. Có lẽ xã hội cô đang sống không ưa sự hớ hênh, cái cho vào miệng hàng ngày mà che đậy kĩ thế thì quần lót to và dầy cũng là chuyện dễ hiểu, văn chương chữ nghĩa hẳn miễn bàn, mỗi từ mỗi câu đều bọc bằng gấm nhung đỏ bằng lụa hoa vàng, người đọc chỉ biết đứng ngoài mà ngắm cho thích mắt mà sờ cho thích tay."

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 117)

Đang luận về cái quần lót của phụ nữ Việt Nam, Thuận nhích tay cho văn chương nghệ thuật vào nằm chung, nằm chồng lên và nằm trong cái quần lót của con cháu hai bà Trưng và bà Triệu! Cái loại văn chương bọc vải điều đỏ, vải gấm hoa vàng như cái phần tam giác yêu kiều của phụ nữ Hà Nội được bọc sau những cái quần lót rộng thênh thang may bằng vải vừa dày vừa thô...

Cuộc thăng trầm và những bước tiến nhảy vọt của cái quần lót phụ nữ Việt Hà Nội bỗng chốc trở thành biểu tượng đặc thù cho văn minh tiến bộ của người Hà Nội và chủ nghĩa tiên tiến xã hội Cộng Sản.

Cái nhìn của Thuận về mọi mặt của Hà Nội, chỉ cần quanh quẩn ở những thứ nhỏ nhặt nhất nhưng từ sự liên tưởng, Thuận đã đưa ra những nhận xét bao gồm tính văn hóa và cô định vị văn học nghệ thuật cũng như văn minh của con người Hà Nội chỉ bằng vào những kích thước nhỏ mà lớn này.

Chắc chắn có người đọc "made in vietnam" của Thuận, sẽ tự hỏi tính trào lộng cùng khả năng liên tưởng vừa phong phú vừa bén nhạy của cô sẽ đưa "nội vụ" tới đâu? Tôi có thể thưa ngay một cách chủ quan rằng, thâm ý của Thuận là đưa mọi thứ đến một cái đống rác. Xin đọc:

"Đống rác Việt Nam mà bới ra thể nào cũng để lộ rất nhiều các loại vỏ bao giờ cũng thơm bao giờ cũng mang tên vỏ trí thức, vỏ nhà thơ, vỏ người lao động, hẳn là phải sạch sẽ hơn các đống rác nước ngoài toàn vỏ hộp đồ ăn trộn hóa chất. Đống rác Việt Nam vì vậy bao giờ cũng đến nằm cạnh cửa ra vào, cạnh đầu nhà, ở ngay giữa phố đông người, mà không làm ai phải bịt mũi đeo khẩu trang. Từ ngày ra Hà Nội cô lúc nào cũng phải kiểm tra lại chiếc vỏ bằng phấn rôm trắng trên mặt trên cổ trên hai tay sao cho nó đừng theo gió mà bay đi mất. Cô nghĩ một lọ phấn rôm trắng còn đắt tiền hơn ối lần cái vỏ đạo đức của người thành phố. Vỏ đạo đức không có tiền cũng mua được. Người Việt Nam vừa lọt lòng mẹ đã học cách chui vào một cái vỏ đạo đức nào đấy nhưng không học cách chui ra, rồi vừa học sống vừa học cách bóc vỏ của người khác..... Anh bảo cô phụ nữ Việt Nam chẳng bao giờ phải sợ ở trong trạng thái trần truồng bởi ngay cả khi trên người không còn có gì vẫn còn một lớp vỏ đạo đức, cho đến lúc chết vẫn tự an ủi đã nằm với chồng chỉ vì cha mẹ ông bà cụ kị đều dặn vợ với chồng là cùng chung một cái vỏ. Anh còn kể vợ anh phụ trách phần Tâm Sự Bạn Gái của báo Phụ Nữ bảo là một trăm cô gái bị mất trinh trước đám cưới đều khóc đều hối hận là chỉ vì đã chót để người yêu bóc vỏ."

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 117, 118)

Cái vỏ Việt Nam, xét cho cùng rất dày và rất thô như cái quần lót của phụ nữ Hà Nội từ giữa thế kỷ hai mười cho đến những năm đầu của thế kỷ hai mươi mốt! Nhưng nếu bóc cái vỏ, những cái vỏ ấy đi rồi, Việt Nam sẽ còn lại những gì?

Trong đoạn văn vừa trên, Thuận không còn dùng hai chữ Hà Nội nữa mà là lý luận chung cho Đạo Đức Việt Nam. Như vậy, bóc cái lớp vỏ Đạo Đức Việt Nam đi rồi, con người Việt Nam đành trần truồng đứng trước ngã ba đường tuyệt vọng chăng? Khác với lý luận của anh chàng Bình chồng nhân vật chính cô Phượng phụ trách Tâm Sự Bạn Gái cho báo Phụ Nữ, khi anh chàng này bảo ban cô người tình sinh viên về người con gái Việt Nam: phụ nữ Việt Nam chẳng bao giờ phải sợ ở trong trạng thái trần truồng bởi ngay cả khi trên người không còn có gì vẫn còn một lớp vỏ đạo đức, cho đến lúc chết vẫn tự an ủi đã nằm với chồng chỉ vì cha mẹ ông bà cụ kị đều dặn vợ với chồng là cùng chung một cái vỏ.

Vũ khí đầu tiên và cuối cùng của người phụ nữ Việt Nam dùng để tấn công hay tự vệ, và ngay cả để tẩn liệm mang theo khi đã qua đời là hai chữ Đạo Đức; là cái vỏ Đạo Đức. Thử nghĩ một người phụ nữ Việt Nam bị xem là mất Đạo Đức hoặc không có Đạo Đức thì sẽ ra sao và sẽ thành cái gì? Nhưng điều đáng lưu ý là cái vỏ Đạo Đức mà người phụ nữ Việt Nam được trui luyện, được bao bọc trong đó như chiếc kén bao bọc con tằm từ lúc trẻ thơ cho đến ngày lìa đời đó là thứ Đạo Đức ra sao? Câu hỏi này hầu như chưa có ai đã đặt ra một cách rốt ráo. Theo ý kiến của riêng tôi thì hầu như những giáo điều quy luật đạo đức được đặt để ra cho người phụ nữ Việt Nam đã rập khuôn từ những lý luận Tống Nho trọng Nam khinh Nữ, và cộng thêm với tinh thần u minh của cha ông chúng ta để biến người phụ nữ thành công cụ phục vụ và giải trí cho người đàn ông. Phụ nữ Việt Nam từ không quần lót đến quần lót maxi và bây giờ quần lót mini. Đạo Đức Việt Nam cũng đi theo chu kỳ bất khả lý luận đó. Đạo Đức để bảo vệ cho một số người và hủy diệt hoặc chà đạp một số người khác.

Bỏ lớp vỏ Đạo Đức kiểu Việt Nam đi, tôi tin rằng đất nước con người Việt Nam sẽ trần truồng trở lại bản lai diện mục của cái thực sự Việt Nam. Khi ấy, Việt Nam ắt biết điều nào thừa để cần bỏ đi và thứ nào thiếu để cần học hỏi cho thêm vào.

Nhưng bỏ lớp vỏ Đạo Đức kiểu Việt Nam không có nghĩa là học đòi, là bắt chước mà không gạn lọc:

"cô mới bảo anh ngày nào cô cũng soi mặt vào tấm ảnh Madonna, mỗi ngày cô lại thấy gương mặt cô thay đổi, mỗi ngày cô lại thấy cô giống Madonna hơn... Anh bảo tất cả con gái Hà Nội đều muốn trở thành Madonna nhưng chỉ có cô là đạt tiêu chuẩn. Từ nay anh sẽ gọi cô là Madonna và bảo quà của anh lần sau sẽ là bộ tóc vàng. Cô nghĩ cô yêu anh dù sao cũng được anh tặng cho cái vỏ Madonna cô chẳng phải trả tiền."

(Thuận, made in vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 119)

Cô sinh viên nhân tình của anh chàng Bình, chồng nhân vật chính Phượng phụ trách Tâm Sự Bạn Gái cho báo Phụ Nữ muốn thành Madonna và ngay cả anh chàng Bình cũng muốn cô trở thành Madonna. Nhưng không phải chỉ mặc quần lót mini màu đỏ, nhuộm hoặc mang tóc vàng vào rồi thì thành ngay Madonna! Vấn đề là cô sinh viên Hà Nội bỏ vào Sài Gòn mang theo năm cái quần lót năm màu khác nhau và đội tóc màu vàng sẽ đi tới sài Gòn hay sẽ tơi đâu? Chưa biết!

Đất nước Việt Nam có bỏ đi cái gọi là Đạo Đức Việt Nam, tôi muốn nói những thứ rườm rà không cần thiết và không khả dụng chẳng hạn như Văn Minh Trống Đồng, Văn Minh Cái Đình Cái Chùa hay thậm chí những Nguyễn Du Nguyễn Khuyến Trần Kế Xương hay bà Huyện Thanh Quan bà Hồ Xuân Hương thì cũng chỉ là những di tích! Bỏ không có nghĩa là vất đi, mà tôi muốn nói là không nên và tuyệt đối chẳng bao giờ nên lấy đó làm Cái Vỏ cho Việt Nam. Cái vỏ đó đã bị sử dụng một cách cật lực qua nhiều trăm năm rồi mà đâu đã làm nên cơm cháo gì! Hãy cởi những lớp vỏ đó và bỏ vào Viện Bảo Tàng Lịch Sử cho nó nằm đúng với giá trị Lịch Sử của nó.

Cởi được cái Vỏ Đạo Đức Việt Nam rồi, chúng ta có thể bắt đầu.

Một bắt đầu tuy chắc chắc là rất cam go, nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều hứng thú và không gian cũng như thời gian đều đang mở rộng để đón chúng ta.

Tuy nhiên, chuyện cởi bỏ cái vỏ Đạo Đức của Người Việt Nam không phải là chuyện nói xong là làm được tức thì! Cái Vỏ Đạo Đức của người Việt Nam đã thành một nền tảng văn hóa vừa lâu dài vừa bao gồm nhiều thứ mà trong đó tự ái Dân Tộc và tự ái Địa Phương là hai thành trì kiên cố mà hầu như xưa nay chưa thấy có loại vũ khí nào khả dĩ phá cho... sập được.

Tự ái Dân Tộc, tự ái Địa Phương cốt lõi không phải là không nên có. Nhưng vấn đề là tự ái phải đặt căn bản trên các điều kiện và lý tưởng (nếu có) nào cho nó khả dĩ hợp lý và hợp tình. Cái lý của sự tiến bộ và cái tình của sự cần thiết hay không. Xin đọc:

"Lần đầu gặp nhau ở quán Tàu Bay nổi tiếng ở Sài Gòn, Khánh đang nhẫn nại nhặt từng cọng giá từ tô phở to bằng một cái chậu vứt xuống gầm ghế, Phượng nhận ra những cử chỉ miền Bắc mà cô rất muốn có đủ can đảm để làm. Còn Khánh hoàn toàn thất vọng không phải vì bát phở đắt gấp đôi ngoài Bắc, không phải vì khăn trải bàn có rất nhiều hoa, không phải vì bát phở có một nửa là giá, nửa còn lại chia ba hai phần là nước một phần là cái, mà vì tương tầu lại có màu đen chứ không đỏ như tương ớt quê anh. Rồi đúng vào lúc Phượng đang vất vả nhặt ra những cọng húng quế, bằng hai ngón tay, rồi kín đáo đặt chúng lên mặt bàn, giữa những bông hoa mà cô vừa mới phát hiện rằng chúng không được vẽ thêm cành thêm lá..."

(Thuận, Made in Vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 131)

Vào tiệm ăn hay nhà hàng, ăn vất xương xuống gầm bàn hay vất những cọng giá cọng rau không ăn xuống gầm bàn cũng là một thứ văn hóa Việt Nam!!! Vả lại, tương Tầu đen tương ớt đỏ là hai thứ khác nhau. Trình độ ẩm thực của người Hà Nội dường như có gì gì không ổn!!! Tôi có rất nhiều bạn người Bắc 100%, chia làm hai phe: một phe ăn phở nhất định không bỏ giá. Phe này thấy ai ăn phở mà bỏ giá vào sẽ khinh khỉnh cho là ăn uống... thiếu văn hóa... dân tộc. Phe kia trái lại rất mê giá, lắm ông còn mê giá hơn cả một số Nam Kỳ. Đặc biệt, có một ông đang là giáo sư đại học, ông này cũng Bắc 100% và mê giá tới mức thấy ai ăn phở mà không bỏ giá vào, ông bỉu môi cho là ... người thiếu tiến bộ. Thậm chí ông còn "đổ thừa" là vì những ông bà Bắc Kỳ "bảo thủ" này, tức là những người ăn phở không bỏ giá và rau húng quế, nên đất nước Việt Nam ta mới phải nghìn năm tụt hậu và chưa biết đến bao giờ mới tiến lên được vài ba bước phù du! Vẫn theo ông bạn này, phở xuất phát từ miền Bắc nước Việt, nhưng đã "tinh hoa phát tiết" trọn vẹn khi vượt sông sâu núi cao rừng rậm vào đến Miền Nam.

Có điều, tôi rất nghi ngờ chuyện cô Phượng, nhân vật chính của Made In Vietnam vào Miền Nam, đến phở Tàu Bay ở Sài Gòn ăn phở! Tại sao? Bởi vì đoạn văn tả cô Phượng và ngay cả anh Khánh, một trong những người yêu tên Khánh của cô Phượng và đồng thời cũng là một anh Khánh trong muôn ngàn anh Khánh mà cô Phượng thường hay nghĩ tới, đã hoàn toàn bị hỏng, không hợp lý!

Từ.. xưa nay, tức là từ trước tháng tư năm 75 cho tới khi phở Miền Nam lưu vong ra tới hải ngoại đã gần 30 năm, và hiện đang là một món ăn chẳng những chỉ có người Việt lưu vong ưa thích, say mê nhất... Mà phở Miền Nam đã trở thành món ăn tiêu biểu của Việt Nam và được cả những người của cộng đồng các nước khác như Mễ, Thái Lan, Cam Pu Chia, Lào, Mỹ v.v.. cũng ưa thích, say mê không kém, tôi chưa thấy có tiệm phở nào lại mang ra cho khách một tô phở đã bỏ giá và húng quế sẵn! Giá và húng quế được mang ra riêng cùng một đĩa với chanh, ớt xắt lát này nọ... để cho khách tùy tiện ăn nhiều hay ít hoặc giả không ăn. Trong tô phở, chỉ có hành tây, hành lá và ngò là được rắc lên trên trước.

Cô Thuận, chỉ vì muốn chứng minh một đặc tính rất "Hà Nội" nhưng đã không nghiên cứu kỹ lưỡng, nên đã sơ sót trong đoạn văn này.

Tình yêu, với Phượng, người phụ trách trang Tâm Sự Bạn Gái cho tờ báo Phụ Nữ, chính là một tiêu biểu cho đời sống tinh thần lẫn vật chất cho những con người Hà Nội và toàn thể dân miền Bắc.

"Thịt cá hiếm như những nụ hôn vất vả lắm mới kiếm được một chiếc. Mùi tỏi lúc ấy cũng thơ mộng hơn bây giờ bởi nó đi kèm phần lớn với rau chứ chưa xèo xèo trong dầu mỡ. Mùi tỏi lúc ấy yếu ớt hiện diện ở một vài bếp cá nhân chứ chưa sực nức tuôn ra từ hầu hết các nơi có khói như năm hai nghìn. Không phải bếp nhà nào cũng có mùi tỏi. Một chút mùi tỏi trong quần áo, trong miệng đối với phần đông lúc ấy có hể đổi lấy một chút hãnh diện. Ai cũng biết tỏi để xào thịt bò, pha nước mắm chấm cá, chấm chả, chấm nem. Người ta cũng dễ dàng phát giác khi tỏi đi cùng với các đồ ăn khác không thuộc những món kể trên, nhưng ai cũng hiểu và chấp nhận..."

(Thuận, Made in Vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 133)

Tỏi, ở một thời khoảng đã là nổi ám ảnh thèm khát của người dân Hà Nội! Và nó hiếm như những nụ hôn... mà một người con gái vừa có nhan sắc lại đã tốt nghiệp đại học năm năm có thể kiếm được trong đời sống. Đói khát tình yêu, tình yêu thật sự. Đói khát thịt cá và đói khát ngay cả tỏi. Hóa ra, lý tưởng Cộng Sản đã chưa bao giờ có thể thay thế ngay cả những cái bình thường thậm chí tầm thường mà một con người bình thường hoặc tầm thường đều có thể được hưởng và phải được hưởng từ bao giờ, chứ chẳng cần đợi đến năm cuối cùng của thế kỷ 20!

"Nhưng rồi ước mơ của Phượng cũng nhanh chóng thay đổi, năm hai nghìn bây giờ danh dự người Việt không còn là những hình tròn thật tròn, mà được dấu trong những chiếc phong bì nhỏ bé, có mở ra mới biết đấy là tiền.

(Thuận, Made in Vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 135)

Tự ái dân tộc, giống như cái vỏ đạo đức, là hai thứ vũ khí mà hầu như bất cứ người Việt nào cũng được trang bị tận răng. Nhất là những người Việt "Hà Nội", những người Việt bị sống dưới chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng có điều, thứ Tự Ái Dân Tộc và cái Vỏ Đạo Đức của chủ nghĩa xã hội Cộng Sản nó lại hết sức quái đản nếu không muốn nói là bệnh hoạn.

"Người Việt hiện đại tế nhị hơn người Việt truyền thống. Rồi cũng vào một buổi tối êm đềm không nóng không ẩm ướt không mất điện, không có Bình nằm kề, Phượng kê thêm một chiếc ghế vào đầu giường để làm bàn, rồi bắt đầu viết nháp một bài luận văn chưa có đề tựa nhưng cô biết rằng thế nào cô cũng sẽ chuyển thể sang văn vần, hoặc trường ca. Toàn bộ bài luận phải toát lên được cái ý là bao giờ các hợp đồng nông nghiệp (kể cả công nghiệp và văn hóa) không còn được ký bên mâm thịt chó thì Việt Nam mới không bị coi là đất nước nông nghiệp lạc hậu bậc nhất thế giới và bản thân cô mới biết thế nào là một nụ hôn trong sạch (không có mùi). Suốt tuần lễ tiếp theo cô thực sự sung sướng và hãnh diện. Bởi vì cô là người duy nhất ở tòa soạn có tư tưởng tiến bộ phê phán cả chính phủ. Bởi vì cô là một phụ nữ dũng cảm, một công dân chân chính. Đêm cuối trước khi Bình trở về từ chuyến xuất ngoại lần thứ năm, cô ôm con trong lòng, ứa nước mắt hình dung lúc bài luận của cô được lên báo, lúc ban biên tập hoặc phòng tổ chức họp phê phán cô, lúc phòng công an văn hóa đến đưa cô đi hỏi cung, lúc cô bị mất việc hoặc bị giam lỏng vài ba ngày ở một nơi nào đấy. Các nhà văn Việt, kể cả các nhà văn nữ, cứ chống lại chính phủ là trở thành nhà văn lớn, nổi tiếng, nhất là ở hải ngoại."

(Thuận, Made in Vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 137)

Nhu cầu ăn uống và nhu cầu tình yêu sóng đôi và đôi lúc kết thành một. Tác phẩm văn chương và quan điểm chính trị còn sóng đôi âu yếm hơn, nhưng thực tế chỉ là một trong chủ trương của Đảng và Nhà Nước. Và cũng nằm trong chủ trương và chỉ đạo của Đảng và Nhà Nước, Văn Hóa và Chính Trị phải được các cán bộ văn hóa tuyên truyền phù phép sao cho "bên ngoài", tức là thế giới thấy đó là hai lãnh vực riêng rẽ độc lập, khác nhau. Hơn nữa, cả hai lãnh vực đều đạt "chỉ tiêu "tự do, dân chủ".

Hiện nay, người Việt hải ngoại về thăm lại Việt Nam như cơm bữa. Người Việt trong nước ra hải ngoại du học hay du lịch cũng chẳng phải là ít. Nhờ vậy, những tiết lộ của Thuận có rất nhiều người Việt lưu vong đã biết: Hầu như những nhà văn, nhà chính trị trong nước chống đối chính quyền rất nổi tiếng ở hải ngoại, nhưng 80% dân chúng trong nước thì lại chẳng biết gì đến thành tích hay hành tung của họ! "Công lao" này là do đa số những nhà trí thức, nhà văn hóa hải ngoại lưu vong đã cật lực ủng hộ, khuếch trương và vinh danh những nhà văn hóa, nhà chính trị trong nước đang chống đối lại Đảng và Nhà Nước Việt Cộng. Đặc biệt là những "nhà chống đối" đã từng "thành danh" vì là công thần của Đảng và Nhà Nước, bây giờ vì bị thất sũng hay sao đó nên trở cờ và trở mặt với cái Đảng và Nhà Nước mà họ đã bao lâu dày công hãn mã bảo vệ và góp phần xây dựng nên.

Những nhà trí thức, văn hóa hải ngoại lưu vong này nhất quyết chỉ vinh danh và ủng hộ những nhà chống đối xưa theo Đảng và bây giờ bỏ Đảng. Những sự chống đối khác từ giới trí thức và chính trị xuất thân không phải từ Đảng và Nhà Nước chỉ là để phụ họa chẳng cần và không nên mất thì giờ quan tâm tới.

Thành tích và công lao của chủ nghĩa Xã Hội Cộng Sản để lại dấu ấn trên mọi lãnh vực của Hà Nội Miền Bắc. Ngay cả vấn đề ngôn ngữ và cung cách ứng xử trong đời sống của con người với nhau. Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch của thủ đô văn hóa Việt Nam từ lâu đã gạch bỏ rất nhiều những chữ như cám ơn, xin lỗi, xin phép, làm ơn.v.v...

Phượng, nhân vật chính của Made in Vietnam vào từ Hà Nội vào Sàigòn, một hôm đi khám bệnh, và dĩ nhiên ở Việt Nam ít khi nào bệnh nhân cần phải hẹn trước với bác sĩ...

"Thế rồi có người nói: xin lỗi cô, bác sĩ đi vắng rồi, mời cô ngày mai quay lại. Phượng nghĩ đi một ngày đàng học một sàng khôn, về đây mới biết vì sao dân Nam từ nửa thế kỉ nay giỏi ngoại ngữ hơn dân Bắc. Sự gần gũi giữa tiếng Nam và tiếng nước ngoài không phải ở ngữ pháp hay cùng có âm sờ nặng mà chính là ở sự có mặt thường trực các phép lịch sự mà miền Bắc, từ khi người Pháp rút khỏi, đã kiên quyết rũ bỏ như rũ bỏ những tàn dư khác của giai cấp tư sản. Năm 1975, người Hà Nội vào chơi Sài Gòn ai cũng ngơ ngẩn mất mấy ngày có lẽ bởi lâu quá mới gặp lại bánh mì bơ và cà phê sữa, có lẽ bởi bây giờ mới nhận thấy lưỡi không đủ mềm mại cho những từ cám ơn xin lỗi. Phượng sinh ra khi nhóm từ vựng này đã biến mất từ hơn một thập kỉ trong văn nói nên lần đầu tiên đến Sài Gòn lúc nào má cô cũng ửng đỏ khi nghe tiếng Việt, khi nói tiếng Việt và thường xuyên giật mình tưởng đang ở nước ngoài..."

(Thuận, Made in Vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 139)

Ngôn ngữ, cách ứng xử của con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Cộng Sản đã bị thui chột cùng cực. Những điều này được chính Thuận, một người sinh ra, lớn lên trưởng thành từ trong lòng chế độ đó nhận ra và nói cho chúng ta biết trong Made In Vietnam.

Cuộc hành trình của Phượng từ Hà Nội vào sài Gòn, hay cuộc hành trình của Thuận từ Hà Nội qua Nga, qua Tiệp và bây giờ đang định cư ở Pháp, là cuộc hành trình tìm lại Văn Hóa. Văn Hóa Con Người chứ không phải thứ Văn Hóa Dân Tộc Cộng Sản.

Cuộc hành trình của cô sinh viên tình nhân Bình, chồng Phượng từ Hà Nội vào Sài Gòn với chiếc quần lót đỏ do Bình mua từ Paris về tặng. Với lọ thuốc nhuộm tóc và cây bút kẽ mắt đen để chấm nốt ruồi Madonna, để cô sinh viên cố biến hóa thành Madonna là cuộc hành trình của nước Việt Nam Cộng Sản trên con đường đổi mới để tiến nhanh, tiến cấp tốc cho kịp trào lưu văn minh thế giới.

Cuộc hành trình của anh kỹ sư canh nông Nguyễn Thanh Bình từ Hà Nội vào Sài Gòn với bộ đồ côm lê trị giá một năm lương mang theo cơn mộng du của anh chồng ngoại tình nhưng cũng chẳng hề yêu cô nhân tình, cũng như đã chưa từng yêu vợ mình là cô Phượng. Sự vô cảm của anh kỹ sư Bình là biểu trưng cho tấm lòng yêu nước cuồng nhiệt từng được tự hô hào và tôn vinh của gần một triệu đảng viên Cộng Sản Việt Nam.

Bình xuất hiện ở Sài Gòn, trong lãnh thổ nhà hàng ca nhạc thượng lưu Maxim trong màn kịch Madonna do chính anh ta đạo diễn, để rồi chính anh tự xuống cấp bằng hành động đến xin nhà đạo diễn từng đoạt giải Bông Sen Vàng để được đóng phim với bất cứ vai gì. Bài diễn văn bất hủ của đạo diễn từng đoạt giải Bông Sen Vàng cho thấy sự ngưỡng mộ của thế giới đang hướng về Việt Nam ở những tiêu chí mà gần như trên thế giới chẳng quốc gia nào khác có thể cạnh tranh:

"nguồn gốc nông thôn của anh bây giờ có giá lắm, nhất là trong điện ảnh, anh xem vô tuyến hàng ngày sao không thấy sự khác nhau giữa phim nghệ thuật và phim thương mại nằm ở chỗ bên này thì chuyên về truyền thống còn bên kia thì thiên về hiện đại. Đạo diễn nào muốn đi dự phét ti val quốc tế đều cố nhét vào phim con trâu, cánh đồng, mùa gặt, đêm trăng, chèo, tuồng, dân ca, quan họ, ả đào, đàn bầu, đàn nhị, múa rối, đánh vật và nhất thiết phải nặn ra hai cảnh là đám cưới và đám ma, càng ếch dô tích càng tốt. Kết luận cuộc nói chuyện về điện ảnh, nhà đạo diễn giải Bông Sen Vàng chua chát: thế là phim nghệ thuật của chúng ta lại giống phim thương mại của Tây, trong ngành mới biết các đoàn làm phim Pháp về Việt Nam quay mê mải Vịnh Hạ Long, chùa Thầy, chùa Hương, nhà máy may Hà Nội kiếm bộn tiền vì kí được hợp đồng may áo tứ thân và khăn mỏ quạ, thứ nào cũng lên đến vài trăm chiếc."

(Thuận, Made in Vietnam, tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản 2003, trang 182, 183).

Như vậy, đất nước con người Việt Nam ta còn có gì khác đặc thù đáng hãnh diện và phô trương với cộng đồng thế giới? Ngoài bốn năm nghìn năm văn hiến chẳng biết dựa vào nền tảng những thứ chi? Ngoài những Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan Hồ Xuân Hương Trần Tế Xương, vua Quang Trung tướng Lý Thường Kiệt? Ngoài Vịnh Hạ Long Chùa Thầy Chùa Hương áo tứ thân đàn bầu đàn nhị múa rối nước? Rốt cuộc vẫn con trâu cánh đồng lúa đám cưới đường làng và đám ma nhạc ngũ âm!

Madonna giả chưa kịp hiện nguyên hình sau khi đã vẽ hơn ba mươi cái vòng tròn bằng những bước quay nghiêng và quay dọc. Madonna giả Việt Nam chỉ mặc quần áo và nhuộm tóc giống Madonna. Madonna giả chưa có khả năng và chắc chẳng bao giờ có khả năng vừa nhảy vừa hát theo Madonna thật.

192 trang chữ không dấu chấm than, không dấu chấm phẩy và không một lần chấm xuống hàng. Chỉ có dấu chấm và dấu phẩy đi riêng từng điệu đơn độc. Khơi khơi Thuận đổ một khối chữ dày đặc vào những trang giấy. Những con chữ đứng nằm ngồi dựa nghiêng cong thẳng chen chúc cật lực cùng nhau tìm giành đất sống.

Những nhân vật từ chính tới phụ xuất hiện hàng ngang ẩn hiện. Có lúc người này được nhìn rõ hơn người kia. Có lúc người kia lại rõ hơn người này. zoom in rồi zoom out. Những nhân vật của Thuận trong Made In Vietnam xuất hiện không hồ hởi không chán nãn. Những lúc nhân vật chính Phượng nhìn anh chồng kỹ sư canh nông Nguyễn Thanh Bình biến thành con cua rồi cô đi vào cơn mộng du thích giết kiến. Giết bằng ngón tay trỏ dí lên một con kiến và cứ thế miết xuống, miết xuống làm thân con kiến nát nhừ biến mất.

Bệnh "nhịu" tay của giám đốc Trần Đức Lương cứ ngồi đâu một lúc là lên cơn động kinh hai cánh tay. Hai cánh tay, hai bàn tay đúng hơn cứ thèm và thích vẽ đi vẽ lại hình âm hộ đàn bà. Một cái, hai cái, ba chục cái, năm chục cái. Cứ thế anh giám đốc Trần Đức Lương vẽ và vẽ. Vẽ lúc đang tiếp khách tại văn phòng giám đốc ở Hà Nội. Vẽ lúc đang được nữ phóng viên Văn Hóa Thể Thao cao một mét tám phỏng vấn tại nhà hàng bánh cuốn hồ Tây ở cảng Sài Gòn.

Những nhân vật Nguyễn Đình Thi Dương Trung Quốc ca sĩ Hồng Nhung Thanh Lam v.v... hay ngay cả nhà văn Phạm Thị Hoài vai tác giả Made in Vietnam trong tiểu thuyết, chỉ là những cái cớ cần thiết và cũng không cần thiết.

Made in Vietnam là một thử nghiệm rất mới. Thuận đã thách thức người đọc. Cô dồn người đọc vào cái thế phải đương đầu với tiểu thuyết của cô, nếu muốn tìm một kết thúc. Nhưng cuối cùng thì Made in Vietnam lại không có kết thúc.

Thử nghiệm của Thuận, như tôi vừa nói rất mới. Ngay cả những tin tức, những dữ kiện cô đưa ra trong tác phẩm về Hà Nội, về con người Hà Nội trước và sau năm 75, cũng rất mới với nhiều người. Những người miền Nam hay những người Việt lưu vong 75 từ miền Nam.

Nhưng tất cả những tin tức, những dữ kiện Thuận đưa ra trong Made in Vietnam lại là những vấn nạn đã cũ mèm của đất nước Việt Nam trong chế độ xã hội chủ nghĩa Cộng Sản hơn một nửa thế kỷ qua.

Chúng ta cần rất nhiều những sản phẩm mới, thật sự mới, dán nhãn made in vietnam. Bao giờ con trâu và cánh đồng lúa biến mất vào dĩ vãng văn hóa Việt Nam?

Xin chờ... đến bao giờ?

Virginia Sept 10 - 03

Trần Nghi Hoàng