VÀI GÓP Ý VỚI NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

VỀ THỰC CHẤT VĂN PHẨM CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Trần Nghi Hoàng

(Những phần chữ nghiêng là trích từ bài của Nguyễn Hoàng Đức)

Nguyễn Hoàng Đức là ai thì thực ra tôi cũng chưa biết rõ cho lắm! Chỉ còn cách đọc Nguyễn Hoàng Đức tự giới thiệu về chính anh ta trong bài "Bàn Về Thực Chất Văn Phẩm Của Nguyễn Huy Thiệp" trong một trang Web talawas:

"Khi tôi bước vào văn học thì tiếng tăm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã như tiếng sét nối tiếp rền vang... Lần nào cũng vậy, mỗi lần đến thăm nhà anh, nếu anh có một "độc giả - nghiên cứu" nào từ phương Tây đến, thì đều hỏi anh hai câu chính:

1-"Tướng Về Hưu" anh viết có dựa trên cốt chuyện thật nào không?

2-Anh đã từng viết tiểu thuyết chưa?

(Câu trả lời luôn luôn là "chưa từng", mới đây tôi biết anh Thiệp có ra mắt cuốn tiểu thuyết "Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu" 200 trang).

Như vậy, Nguyễn Hoàng Đức là một nhà văn trong nước, và có giao tình quen biết với Nguyễn Huy Thiệp.

Sau phần mào đầu ngắn gọn, Nguyễn Hoàng Đức đi ngay vào điều muốn nói:

"Văn của Nguyễn Huy Thiệp, điểm mấu chốt nhất theo tôi: ‘Tướng Về Hưu’ vừa là vé vào cửa vừa là vương miện.

Bàn về Nguyễn Huy Thiệp nói riêng và văn học Việt Nam nói chung thật khó. Như chúng ta đã biết, ngay các giải thưởng của Hội Nhà Văn hẳn hoi, trao giải rồi nhưng khép lại tranh luận không để cho các cây bút khác cùng độc giả có thể nhận ra giá trị của giải thưởng, mong học hỏi cũng như tôn vinh. Đúng là kiểu ấp úng như ‘ngậm hột thị’. Không rõ có phải các tác phẩm được giải như quả thị kia ‘chỉ ngửi không ăn được’, mà người ta vẫn ăn, nên đành ngậm hột, ấp úng không nói nên lời? Với bản thân tôi, chưa kịp nhận xét về Nguyễn Huy Thiệp hay các tác giả khác vài câu đã bị người đối thoại cố tình chụp cho chiếc mũ ‘không đủ tài văn chương thì đố kị’. Ngược lại, hơn mười năm qua, dường như tôi chưa gặp nổi một khuôn mặt đưa ra nhận xét về tác giả này hay tác phẩm kia một cách có chứng lý đàng hoàng. Tất cả chỉ nói ‘tôi đọc thấy thích’.

‘Tôi đọc thấy thích’ hẳn nhiên không phải là Phê Bình Văn Học! Và, nếu cho đến ngày hôm nay, sau mấy trăm năm mà vẫn còn có người cày cục mang những Nguyễn Du, Cao Bá Quát... ra phê bình (phê bình chứ không phải chỉ khen suông!), thì chẳng lẽ những người này cũng vì ‘đố kị’ tài năng của mấy ông Lịch Sử Văn Học Nguyễn Du Cao Bá Quát... kia sao?

Tôi thật áy náy cho những Nguyễn Hoàng Đức ở trong nước! Tuy nhiên, giới cầm bút hải ngoại thì cũng sống trong tình trạng ngặt nghèo không kém: Chỉ có hai trường hợp trong hầu hết các bài gọi là Phê Bình Văn Học ở hải ngoại:

1-Sẽ tận lực khen và khen mù trời mịt đất, khi tác giả là bạn bè hay người cùng phe.

2.Sẽ chê bai, thậm chí chửi bới đủ điều (về tác phẩm và:) kể cả đời tư tác giả (!), nếu tác giả không thuộc phe "mình" và lại có một ‘nhà văn hay nhà thơ’ nào đó thuộc phe mình không ưa, hay có thù riêng gì đó với tác giả. (!)

Song le, những điều trên không phải là chủ đề của bài viết này. Xin trở lại với Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Hoàng Đức đưa ra hai điều mà anh đã "ủ kỹ": Nguyễn Huy Thiệp là tác giả vượt trội hơn hẳn các cây bút cùng thời mình bởi hai lý do tự thân chính sau:

"1-Anh viết bằng một mặc cảm người bị điều lên công tác miền núi, xứ khỉ ho cò gáy, sau là mặc cảm quê mùa, sau nữa là mặc cảm tiểu thị dân ven đô.

2-Anh viết bằng một sự mẫn cảm, một cẩn trọng, một run rẩy hiếm có. Mỗi truyện ngắn có thể viết trong vài tháng...

Khi tôi nói Nguyễn Huy Thiệp viết văn bằng mặc cảm miền núi và quê mùa, không phải cách dè bỉu, mà chữ "mặc cảm" ở đây được dùng théo lối trọng thị, như việc Napoléon mặc cảm là người đảo Corse...

Xin trích dẫn tiếp đây một số điều quan trọng trong bài viết của Nguyễn Hoàng Đức về thực chất văn phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, (và xin xếp theo thứ tự I, II...) sau đó sẽ là phần góp ý của tôi:

I."Sự kiện Nguyễn Huy Thiệp bứt phá từ văn bao cấp mậu dịch sang văn thời thị trường đúng cả về nghĩa bóng và nghĩa đen. Họa sĩ Hồng Hưng, một người không xa lạ gì với Nguyễn Huy Thiệp cả về con người và bút pháp vẫn thường nói: Thiệp là cây bút "cập thời vũ". Nghĩa là "người được gặp thời."

....

II."Muốn trở thành tác giả lớn, mới chỉ có miệt mài lớn thì chưa đủ, mà phải có tư tưởng lớn, tri thức lớn! Từ bé đến giờ, đọc khá nhiều sách, tôi chưa gặp một tác giả nào vĩ đại trên thế giới mà chỉ cầu may vào cái gọi là tài năng, trong khi đó tri thức thấp, tư tưởng thấp, nhân cách thấp."

....

"Triết gia Nietzsche nói: "Chúng ta không nên đón nhận mà phải sáng tạo. Chúng ta không hèn đến mức ngửa tay xin sự bố thí của thần thánh". Cách tu dưỡng tri thức, chữ nghĩa, nhân cách ít ỏi của nhiều người, sau đó nằm cầu may ta có thiên phú hơn người, hoàn toàn là lối "ăn mày thần thánh". Để khỏi rơi vào võ đoán, chúng ta hãy nghe chính Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận. Trong báo An Ninh Thế Giới số 20 tháng 4 năm 2003 vừa ra (talawas, 07/5/2003), Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn.

Về việc cầu may: "Cũng có người nói như thế, thiên tài 99% là kiên nhẫn, còn 1% còn lại là thiên phú. Cũng có người nói ngược lại, 99% là trời mang đến. Theo tôi thì nó có cả hai yếu tố đấy 50 - 50".

Một nhà văn đòi lớn mà lại đòi cầu may đến 50% thì thật là hết chỗ để lùi. ...

.....

III."Vậy Nguyễn Huy Thiệp có cầu may được đầu vào ít, đầu ra thì vĩ đại không? Và những cây bút cùng các bạn đọc thiếu lý trí thẩm định chỉ biết a dua liệu cũng có thể mong chờ vào cơ may trúng số để nhảy vọt khỏi vòng nhân - quả?

Về tri thức cũng như nhân cách, Nguyễn Huy Thiệp trả lời như sau: "Đương nhiên. Thế nhưng trong cái nọ lại có cái kia. Trong thiện có ác, trong ác có thiện. Trong cái thị có cái phi, trong cái phi có cái thị. Trong cái phải có cái quấy, trong cái quấy nó cũng có cái phải của nó".

....

"Vậy thì cái lối trong ác có thiện của Nguyễn Huy Thiệp nêu trên, đã được các học giả Trung Quốc gọi là ba phải. Còn người Việt thì gọi đó là "nôm na mách qué", "dở ông dở thằng", "nửa nạc nửa mỡ", ...

...

IV.Chính thế, Nguyễn Huy Thiệp đã thú nhận:

"Nhiều chứ! Tôi cũng là một con người dao động, là một con người cũng thiếu tự tin... ừ! Hay tôi là một cái thằng có thể nói là hèn, ít chịu hy sinh mà cũng không dám mất nhiều"

Nhận mình là hèn, đúng là binh pháp của Hàn Tín sẵn sàng lòn trôn để tồn tại....

.....

V.Có một nhà văn trẻ khác, còn suýt xoa tán tụng rằng: "Thiệp đưa cứt vào văn học hay thật, không dung tục, mà rất thanh cao!". Tôi liền hỏi: "Cứt thanh cao thế nào?" Anh ta liền trả lời: "Cứt, Thiệp viết không giống người, khác lắm!"

Gần đây, có anh bạn họa sĩ khá nổi tiếng ca tụng hết lời rằng: "Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn thiên tài vĩ đại". Tôi hỏi, anh chứng minh đi, anh ta bảo: "Đọc văn Thiệp tôi thấy thích lắm!" Tôi nói: "Thích mới là tiêu chí thấp nhất của mỹ học". Sau đó, tôi hỏi anh ta: "Anh tự nhận là bạn đọc mỹ học hay bạn đọc bình thường?" Sau một lúc ấp úng anh ta nói: "Tôi chỉ là bạn đọc bình thường yêu thích văn của Nguyễn Huy Thiệp thôi". Tôi liền bảo: "Anh không có tư cách pháp nhân cũng như đại biểu để bàn về văn học, vì trước ca mổ, y bác sĩ hội chẩn không thể nào cho phép mấy ông bà vu vơ vào hội chẩn. Nếu anh là bạn đọc bình thường, thì khác gì trăm, vạn, nghìn người khác, anh xe thồ, cô bán rau ở ngoài kia, sao có thể xét đoán tầm vóc của một nhà văn?"

VI.Làm sao có thể coi một người là sáng tạo khi anh ta là nô lệ cho chính trực giác của mình? Vì thế, nền văn học của chúng ta đầy rẫy những cây bút bắt chước, Nguyễn Huy Thiệp cũng không ra khỏi thông lệ đó, khi bút pháp của anh gần 99% là bắt chước lối dã sử kiểu Tàu".

Bàn về bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hoàng Đức viết:

VII."Văn của Nguyễn Huy Thiệp hầu hết là câu đơn giản, tôi xin dẫn nguyên một đoạn:

"Chị Ngữ là chị dâu tôi, lấy anh Ký. Anh Ký đang làm công nhân trên mỏ thiếc Tỉnh Túc Cao Bằng. Chị Ngữ là con ông giáo Quỳ. Ông giáo Quỳ có nhiều sách...."

Thật là đoạn văn tả theo lối trích ngang... Văn của Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu thiên về kể chuyện con cà con kê nhà quê, nên chẳng có nội dung tư tưởng phức hợp. Và một nền văn học còn quá nhiều độc giả dân trí thấp, ngại tư duy, thích đọc những mệnh đề đơn giản để đỡ mệt óc, cũng là chuyện không thể nào tránh được.

...

"Trong hơn 700 trang tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hầu như chẳng có đối thoại thực sự bật ra từ mâu thuẫn cần giải quyết, mà chủ yếu là ngôn ngữ kể lể thông tin."

...

Tiểu đoạn 4 của bài viết, cũng là phần kết thúc Bàn Về Thực Chất Văn Phẩm Của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hoàng Đức đã đặt một cái tít như sau:

4. Ấu trĩ về bút pháp đến mức hầu như chẳng hiểu gì cả.

Phần này, không dài lắm vả lại cũng không thể trích ra từng đoạn, nên tôi sẽ lược dẫn trước khi kết thúc bài viết Vài Góp Ý Với Nguyễn Hoàng Đức Về Thực Chất Văn Phẩm Nguyễn Huy Thiệp của tôi.

TRẦN NGHI HOÀNG GÓP Ý:

Khi Nguyễn Hoàng Đức viết: "Văn của Nguyễn Huy Thiệp, điểm mấu chốt nhất theo tôi (NHĐ): "Tướng Về Hưu" vừa là vé vào cửa vừa là vương miện.", chẳng khác nào Nguyễn Hoàng Đức muốn xác quyết tức thì tiếng tăm thành tựu của Nguyễn Huy Thiệp đã được định hình từ "Tướng Về Hưu", và sau "Tướng Về Hưu" thì chỉ là những tiếp nối dàn trải không có gì đáng kể! Câu hỏi đặt ra: Sự thành tựu văn chương của một tác giả có thể nào chỉ nằm trong một truyện ngắn? Tôi sẽ xin trả lời vào ở một phần sau.

Bây giờ, chúng ta hãy xem theo Nguyễn Hoàng Đức, tại sao Nguyễn Huy Thiệp là tác giả vượt trội hơn hẳn các cây bút cùng thời mình. Nguyễn Hoàng Đức đưa ra hai lý do "tự thân" của Nguyễn Huy Thiệp mà tôi đã dẫn bên trên.

Với lý do thứ nhất, tôi hoàn toàn đồng ý và xin thêm: Hai chữ "mặc cảm" mà Nguyễn Hoàng Đức dùng chỉ đúng một nửa. Từ "mặc cảm", Nguyễn Huy Thiệp đã bộc lộ sự uất ức qua một thứ ngôn ngữ rất "cục súc" trong các tác phẩm của ông. Điều không ngờ là, thứ ngôn ngữ "cục súc" này lại cực kỳ ăn khách vì đột nhiên nó như mang tới một thứ mới lạ "ngoài văn chương" mà trước nay người ta chưa từng chạm trán. Rồi sau khi bất ngờ thành danh qua sự bức phá từ những uất ức mặc cảm với thứ ngôn ngữ "cục súc" đem vào văn chương, Nguyễn Huy Thiệp không choáng ngợp trước thành công mà lại tiếp tục trầm tĩnh sử dụng sở trường một cách ngày càng nhuần nhuyễn và hết sức tự thị. Cái thứ "mặc cảm" kiểu Napoleon là người đảo Corse không có từ khởi đầu ở Nguyễn Huy Thiệp, nó đến sau khi Nguyễn huy Thiệp đã tạo được thanh danh.

Xin đọc thử:

"Đoài dắt xe về nhà, thấy đồ đạc lung tung hỏi: "Chuyện gì thế?" Cấn cau có: "Chú có vào trong buồng này không?" Đoài bảo: "Không". Cấn bảo: "Chị Sinh mất cái nhẫn". Đoài bảo: "Hỏi bố xem". Lão Kiền chửi: "Mẹ cha mày. Thế mày nghi tao lấy cắp chứ gì".

....

Vừa may lúc Khảm về, Cấn bảo: "Thằng bạn mày lấy cắp nhẫn của chị Sinh". Khảm tái mặt hỏi: "Ai bảo thế?" Cấn bảo: "Mắt tao trông thấy". Khảm bảo: "Sao không bắt ngay? Vừa rồi đi chơi nó cứ nằng nặc đòi về. Phải đến nhà nó mà đòi. Không trả thì đánh bỏ mẹ nó đi." Lão Kiền (bố ruột của Khảm và Cấn, bố chồng của Sinh) bảo: Mang theo cái búa! Đừng đánh vào đầu. Nó chết thì tù mọt gông".

(Không Có Vua)

Cái "cục súc" không chỉ ở ngôn ngữ Nguyễn Huy Thiệp dùng trong văn chương, mà ở ngay sự kiện và cốt truyện. Đối thoại và cách ứng xử của bố con Lão Kiền với nhau rất thật và rất tàn bạo. Hãy đọc thêm:

"Uống cạn cốc rượu Lão Kiền bảo: "Mày có học mà tệ. Bây giờ tao nói chuyện đàn ông với mày". Đoài bảo: "Tôi không tha thứ đâu". Lão Kiền bảo: "Thao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con buồi..."

(Không Có Vua)

Ở lý do thứ hai Nguyễn Hoàng Đức đưa ra, tôi cũng đồng ý và xin thêm: Nguyễn Huy Thiệp chẳng những viết bằng sự mẫn cảm, một cẩn trọng, một run rẩy hiếm có, mà Thiệp còn viết bằng nỗi uất ức như tôi đã nói phần trên, cộng thêm với sự sợ hãi.

Sự sợ hãi luôn đeo đẵng Nguyễn Huy Thiệp: Cho đến giờ này, Nguyễn Huy Thiệp vẫn không ngờ là mình đã thành một nhà văn, lại là một nhà văn rất ư nổi tiếng! Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp không có "cái" chuẩn bị để thành một nhà văn!

Vậy thì, câu hỏi: Sự thành tựu văn chương của một tác giả có thể nào chỉ nằm trong một truyện ngắn? đã được trả lời. Ngay trích dẫn I, họa sĩ Hồng Hưng mà Nguyễn Hoàng Đức cho biết là không xa lạ gì với Nguyễn Huy Thiệp cả về con người lẫn văn chương, đã nói: Thiệp là cây bút "cập thời vũ". Tức là một "cây bút gặp thời"!

Trong trích dẫn II, Nguyễn Hoàng Đức muốn nói gì về tư tưởng và tri thức của Nguyễn Huy Thiệp? Sau khi dẫn lời Nietzsche về sự hèn yếu ngửa tay xin sự bố thí của thần thánh, tức là sự may mắn, Nguyễn Hoàng Đức luận thêm: Cách tu dưỡng tri thức, chữ nghĩa, nhân cách ít ỏi của nhiều người, sau đó nằm cầu may ta có thiên phú hơn người, hoàn toàn là lối ăn mày hần thánh."

Và Nguyễn Hoàng Đức đã dẫn Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn: "Theo tôi thì nó có cả hai yếu tố đấy 50 - 50". Rồi kết luận:

"Một nhà văn đòi lớn mà lại đòi cầu may đến 50% thì thật là hết chỗ để lùi".

Nguyễn Hoàng Đức đưa ra câu hỏi: "Vậy Nguyễn Huy Thiệp có cầu may được đầu vào ít, đầu ra thì vĩ đại không?"

Trích dẫn III. Câu hỏi vừa đưa ra thì câu trả lời đã nằm ngay trong câu hỏi! Câu hỏi không chỉ dành cho Nguyễn Huy Thiệp, mà nó bao trùm lên tất cả những cây bút cùng các người đọc thiếu lý trí thẩm định và thiếu kiến thức cần thiết để hình thành cái lý trí thẩm định khả dĩ. Vì đúng ra, những cây bút a dua lùng tùng xòe tung hô Nguyễn Huy Thiệp cùng các người đọc u minh hôn trầm chính là thủ phạm đẩy Nguyễn Huy Thiệp ngày càng lún sâu vào trạng huống chiêm bao "đầu bé, đít to".

Để biện luận cho triết lý "trong thiện có ác"... gì gì đó của Nguyễn Huy Thiệp mà Nguyễn Hoàng Đức cho biết là các học giả Tàu đặt tên là "ba phải", và người Việt thì gọi với nhiều tên như "dở ông dở thằng" v.v..., ở trích dẫn IV, Nguyễn Huy Thiệp đã thú nhận: "Hay tôi là một thằng có thể gọi là hèn..."

Nguyễn Hoàng Đức thở dài: "Nhận mình là hèn, đúng là binh pháp của Hàn Tín sẵn sàng lòn trôn để tồn tại..."

Trong "Cõi Người Ta", tác phẩm phiếm luận của tác giả Thông Biện Tiên Sinh, bài "Văn Học Là Tôi! Còn Tôi Là Ai?... Đừng Hỏi Khó!", trang 26 - 27 có đoạn về Nguyễn Huy Thiệp như sau:

"Cùng buổi nói chuyện ở Berkeley, có người hỏi Nguyễn Huy Thiệp:

H: Anh viết văn, Dương Thu Hương cũng là người viết văn, thế sao bà ấy bị theo dõi, rắc rối. Giữa anh và Dương Thu Hương có gì khác biệt?

Đ: Dương Thu Hương là người can đảm hơn tôi. Bà ấy có tham vọng chính trị. Tôi không can đảm bằng bà ấy nhưng có thể tôi khôn hơn bà ấy."

....

Một câu hỏi tào lao! Câu trả lời của Nguyễn Huy Thiệp lần này thì trùng trùng ẩn dụ metaphor! Mới vô, Thiệp xác nhận là Dương Thu Hương can đảm hơn Thiệp. Nhưng Thiệp lại kết luận là có thể Thiệp khôn hơn Dương Thu Hương!"

Thế thì, chúng ta có thể hiểu cái "có thể khôn" hơn Dương Thu Hương của Nguyễn Huy Thiệp, chính là "cái có thể nói là hèn" của tác giả "Tướng Về Hưu" chăng?!

Trích dẫn V: Lối tán tụng thậm xưng kiểu "Ông đó tài ba lắm lắm; ông ta đánh giấm cũng ra mùi thơm lừng!" chính là nét đặc thù của văn hóa và văn chương Việt Nam. Nét đặc thù này được một số rất đông những tay tự gọi là trí thức Việt Nam tận tình xiển dương. Những điều này nằm trong sự việc mà Nguyễn Hoàng Đức gọi là "Cách tu dưỡng tri thức, chữ nghĩa, nhân cách ít ỏi của nhiều người...". Tri thức, chữ nghĩa và nhân cách làm nên kiến thức và trí tuệ. Riêng tôi thì cho rằng đặt vấn đề kiến thức và trí tuệ với loại người a dua như thế kia khí hơi quá đáng chăng? Thậm chí, chỉ cần sự thông minh biết lý luận và có liêm sỉ của một nửa bộ óc bình thường, đã không thể làm công việc a dua ngu xuẩn ấy.

Trích dẫn VI: Theo Nguyễn Hoàng Đức, bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp 99% là bắt chước lối dã sử của Tàu. Điều này có khi không chính xác lắm! Tôi cho rằng, bút pháp Nguyễn Huy Thiệp là sự tổng hợp của văn kể chuyện kiểu Nam Hải Dị Nhân, Lĩnh Nam Trích Quái, cộng với một tí dã sử Tàu và sự thô bạo "cục súc" của lớp dân quê nghèo hèn, ít học luôn bị áp bức của Việt Nam.

Trích dẫn VII: Nguyễn Hoàng Đức viết: "Và một nền văn học còn quá nhiều độc giả dân trí thấp, ngại tư duy, thích đọc những mệnh đề đơn giản để đỡ mệt óc, cũng là chuyện không thể tránh được."

Nguyễn Hoàng Đức có thể không biết là ở hải ngoại, có một số đông những "nhà trí thức" lưu vong rất tôn sùng Nguyễn Huy Thiệp! Họ, tất nhiên không phải là hạng độc giả "dân trí thấp", "ngại tư duy"... Họ là những nhà khoa bảng hoặc là các nhà cầm bút tiếng tăm. Họ "thích" văn Nguyễn Huy Thiệp, theo tôi, chẳng qua vì với khẩu vị lưu niên mà họ từng có trong quá trình đọc, thì món "cứt" hay "buồi" trong văn của Nguyễn Huy Thiệp đúng là lạ miệng. Từ cảm giác lạ miệng đưa đến sự tò mò rồi đâm ra "thích’ là những bước rất gần. Thử nghiệm câu chuyện tình nghĩa giữa vua Khang Hy và Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung thì khắc hiểu được vấn đề!

Về tiểu đoạn 4. của bài viết Nguyễn Hoàng Đức: Ấu trĩ về bút pháp đến mức hầu như chẳng hiểu gì cả: Nguyễn Hoàng Đức luận về những cái chết "ngẫu nhiên" (hay vô duyên) trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, thí dụ: ".....Trong Những Bài Học Nông Thôn, anh Triệu ngẫu nhiên bị trâu húc chết. Trong Thương Nhớ Đồng Quê: "Cái Minh em tôi và cái Mi con dì Lưu đèo nhau đi học về, qua ngã ba thì bị chiếc ô tô chở cột điện cán chết." Cả hai cái chết đó chỉ phục vụ cho tác giả đọc một bài thơ đám ma.

Bi kịch là gì? Là tác giả phải dựng lên quá trình, dù cho nhân vật không phải bằng xương bằng thịt nhưng phải "được chết" trong nguyên lý, không thể có cái chết tùy tiện dành cho nhân vật! Vậy Nguyễn Huy Thiệp bắt các nhân vật phải chết ngẫu nhiên để làm gì? Vì theo tâm lý làng xã, mọi người xem cải lương hay chèo về thường nói với nhau: "Vở kịch hay quá, tôi khóc từ đầu tới cuối". Thêm nữa, cái chết luôn ru người ta vào sự vừa thương tiếc vừa hệ trọng. Thế là truyện của Nguyễn Huy Thiệp được đưa vào khung cảnh lâm li...

Điều này không thể chối cãi được, vì tác giả của bi kịch phải là tác giả của tư tưởng, mà Nguyễn Huy Thiệp với trình độ chưa có nổi tư tưởng thì buộc phải tạo ra cái chết ngẫu nhiên. Trông giống bi kịch, mà không phải! Riêng điểm này cũng đủ nói lên trình độ bút pháp của Nguyễn huy Thiệp hết sức ấu trĩ và tùy tiện."

... Và ngựa thiên lý không thể là thứ ngựa chỉ phi vài dặm, bất chấp việc mấy chục truyện ngắn, chục vở kịch, hay cuốn tiểu thuyết có hay đi nữa, nhưng đã đủ để cho một cây bút xây dựng lên con đường vạn dặm sáng tạo của mình chưa? Nhưng có một số người đã biện hộ rằng: hay không cốt lớn, không cốt dài. Làm sao một đống đá nhỏ dù là đá quí có thể dựng thành lâu đài? Và các nhà mỹ học cho biết điều kiện đầu tiên bất thành văn của mọi tác phẩm, mọi nhà văn để trở nên vĩ đại: trước hết phải tràn đầy sinh khí sống (cái người ta gọi là hoành tráng). Nói "hay không cốt lớn, hay không cốt dài" là cách biện hộ của những kẻ vừa yếu đuối, vừa lười nhác. Những kẻ chỉ thả lưới mấy vần thơ đòi vớt cả cuộc đời.

Không thể muộn hơn, đã đến lúc chúng ta phải "ngửa bài" Nguyễn Huy Thiệp. Sự ngửa bài đó dành cho tác giả thì ít mà chính là nó phơi ra cả đời sống văn học còn đang trì trệ ấu trĩ của chúng ta: vừa "cả vú lấp miệng em", vừa "ấp úng như ngậm hột thị", vừa "ngậm miệng ăn tiền" của một cơ chế văn học bao cấp vẫn quen ngửa cổ để chính phủ và nhân dân rót đường sữa, tem phiếu vào những cơ thể vừa còi cọc, vừa thiếu tài năng."

Thực ra, tôi có thể mượn phần vừa trên của Nguyễn Hoàng Đức làm kết cho bài viết này. Chỉ thêm vài dòng ngắn ngủi về văn học và giới cầm bút hải ngoại: Sống bên ngoài nước, những người thực sự sống bằng nghề cầm bút chẳng có là bao! Với một đa số các cây viết, cầm bút chỉ là "nghề tay trái", thậm chí, chỉ là món "trang sức" cho đời thêm màu sắc! Vậy thì, bởi lý cớ nào mà rất nhiều người cầm bút hải ngoại, tất nhiên là không cần tem phiếu, không phải sợ bao cấp nhà nước, đã sống và viết một cách vô cùng hèn hạ, thiếu nhân cách. Họ biếng nhác, chẳng khi nào mất thì giờ "tu dưỡng tri thức, nhân cách, chữ nghĩa". Và họ chẳng bao giờ dám khen chê hay viết những điều thật trong lòng mình nghĩ. Vậy thì những người này viết văn vì mục đích gì? Phải chăng, lại chỉ là một cách cầu may để lưu danh hậu thế cho con cháu nở mặt, nở mày?

Có điều, chẳng phải ai cũng được "cập thời vũ" như cái ông Nguyễn Huy Thiệp. Vé số mỗi kỳ chỉ có một hai người được trúng. Thậm chí, có kỳ chẳng có một người nào trúng là chuyện thường xảy ra.

Virginia, June 26 - 03

Trần Nghi Hoàng