tranh Hồng Việt Dũng
MÁNH LỚI CUỐI CÙNG CỦA MỘT CON NGƯỜI
(đọc Mở Cửa Tử Sinh - của Trần Nghi Hoàng)
DŨNG VĂN
1.
Tại San Jose, vào hồi 11 giờ 39 phút đêm 26 tháng 9 năm 1997, trong căn phòng trọ đường Kinsule, Trần Nghi Hoàng đã hoàn thành Trường Ca "Mở Cửa Tử Sinh" bao gồm 121 đoản khúc không đề (được đánh số thứ tự) và đoản khúc thứ 122 mang tên: Cửa Tử Sinh và đề tặng "Thương quý cho Trần Nghi Âu Cơ sinh nhật 10 tuổi của con gái Bố..." (T.N.H.)
Tuy thế ở Tựa họ Trần bạch lộ những điều hệ trọng không chỉ riêng cho Ái nữ của anh
Anh viết "Kẻ làm thơ là một con người sinh hai lần, hoặc giả nhiều lần. Một lần cho chính hắn; và lần khác, những lần khác cho kẻ khác....
Làm thơ, tất nhiên là gia nhập một cuộc chơi. Và là một cuộc chơi lớn. Một cuộc chơi thách thức Định Mệnh, thách thức Tử Sinh, thách thức chính mình... Rốt ráo, Tử Sinh chính là thơ. Cánh cửa Tử Sinh chính là Cánh Cửa Thơ. Ai là người dám đi qua Cánh Cửa Này để vào Cuộc Chơi Lớn???"
Nhận lời thách thức, tôi thận trọng lao vào từng đoản khúc của trường ca và chứng kiến cuộc du hành vào bản thể với nỗi quạnh hiu truyền kiếp của kẻ du cư họ Trần.
2.
Có những đoản khúc trường ca MCTS được thi sĩ viết một cách ngay thẳng, chân thành từ những vụt hiện mạnh mẽ và sống động, hình ảnh chất chồng vất bỏ tương quan vật lý cơ giới của những thực thể hữu hình nhằm biểu hiện một khắc khoải của thân phận ly hương, một dĩ vãng bị thất lạc, trong một tự vấn rất sử thi của một ý thức tìm kiếm cội nguồn:
về đâu?
từ đâu đến mà về!
đến đâu?
từ đâu đi mà đến!
hướng cửa trái tim treo sợi dây
trái núi tòng teng nhịp
trái xoài tuổi nhỏ mùa thơ ngây
lồng lộng nói cười cong đốt mía
ngọt lừng mười ngón tay
gọi tên thời phế tích
không hay vọng tiếng còi xa
tiếng tù và
đứt hơi rớt lại mấy ngàn năm
của một điều chuyển động không dưng
(đoản khúc 1 - tr. 12. MCTS)
Có lúc nhà thơ công khai tuyên bố:
không còn những phiên tòa
không còn những nhà lao
không còn những pháp trường
nhân loại mỗi người là một tội nhân
mỗi tội nhân tự hành hạ chính mình
rồi khóc và nguyền rủa Thượng Đế
Thượng Đế tiếp tục chạy trốn lịch sử
Nhà thơ than phiền rất mỉa mai rằng: "lịch sử nhân loại luôn vắng bóng Thượng Đế - và con người thường ngó ngoái lịch sử để chết chìm trong quá khứ" nên "từ đấy, nhân loại thi nhau làm cách mạng cho hiện tại - và làm lịch sử cho tương lai" (đoản khúc 83 - tr.102 - MCTS). Tuy thế đôi khi một cố hương cụ thể lại hiển thị trong thăm thẳm tâm linh của một "căn hầm trí nhớ kèn cựa lời chúc tụng can qua của đi và ở":
miệng cá bầm cắn lưỡi câu xanh
dề lục bình ngủ quên ôm bờ sông súng tím
những đóa sen mọc trang nghiêm
không nhất thiết có lời biện bạch
(đoản khúc 106 - tr. 128 - MCTS)
Bút pháp Trần Nghi Hoàng luôn luôn biến hóa. Khi thì hồ như có chất tức hứng của một bài thơ Thiền đời Lý - Trần, sau những câu thơ chiêm nghiệm đớn đau: "lời trần tình thống thiết chẳng ai tin - mặt nạ đeo quen quên dần bản lai diện mục" anh viết:
soi gương nhìn cố cựu
thoắt thương tâm mình chẳng nhận ra mình
trỏ ngón tay vào tâm thức
thấy gì ngoài cái hư không???
(đoản khúc 82 - tr.101 - MCTS)
hoặc:
ôi những con người đi tìm mãi một Quê Hương
(quê hương của bên kia bờ định mệnh)
con sấu chiều hôm khóc mặt trời chìm
trong lòng đá im
tiếng hát âm âm hải cẩu lạc bầy
dề lục bình bập bềnh dưới một cụm mây...
(đoản khúc 34 - tr.50 -MCTS)
Có khi đường bút họ Trần phóng dật như một tay bút Haiku vẽ ra tức thì một cảnh trạng đầy mộng mị và thê thiết:
cơn mưa hoang vu làm ướt lòng sông
chiếc quần đỏ trôi cuối bờ tĩnh vật
và màu xanh mênh mông
(đoản khúc 7 -tr.18 - MCTS)
Trước đó ở đoản khúc 6-tr.17, khi luận về những "thứ triết lý bán rong" họ Trần dụng một bút pháp rất phóng sự: "theo dõi làm gì những chuyến tàu tốc hành - trên những mống vòng loạn sắc - Hà Nội - Washington - Bến Tre - Moscow xa lắc". Và sau đó người ta có thể bắt gặp những đoản khúc đầy những câu thơ siêu thực, hoặc ấn tượng, ví dụ:
vầng trăng chửa hoang vàng vọt đêm tàn
sao mai ngỡ ngàng làm chứng
giọt sương giọt máu ngọt lựng phút khô khát
con chim vàng anh cắn cọng gai đen trên đầu núi cháy
bay về Đông thả rớt trên biển xanh
(đoản khúc 84-tr.103 - MCTS)
hoặc:
... sao tát cạn dòng sông tâm tưởng
mở triều nghiêng mấy bận xôn xao
con cá nhảy bờ ao
mắc cạn thuở tình cong miệng ngáp
(đoản khúc 112 - tr.134 - MCTS)
..... mấy bụm mưa ngày lũ
tưới vào tim đòi lại bão giông
chiếc lá bồ đề bay mải miết ở hư không
rụng xuống dòng sông một buổi chiều rất úa
(đoản khúc 85 -tr.104 - MCTS)
Và có thể nói phảng phất một chút bút pháp Thanh Tâm Tuyền những năm 60 hay Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng và hơi thở của thơ tiền chiến những năm 40 trong thơ Trần Nghi Hoàng, chẳng hạn:
ngày vỡ chiêm bao hừng hực lửa
mây cõng người qua núi ngủ đêm
ai về thở dòng sông thơ dại
chở biển cười soi dấu đá mềm
(đoản khúc 62-tr.81 - MCTS)
tẩu tán ơn đời trong tiếng khóc
trái sầu đâu rụng ngõ oan ương
nỗi niềm sông lạch ai thao thức
mà biển phù vân vẫn rẫy ruồng
(đoản khúc 56-tr.75 - MCTS)
Đương nhiên sự khả biến của bút pháp sẽ tạo ra sự đa thanh và phức hợp của giọng điệu thơ.
Nhiều lúc đọc những câu thơ văn xuôi dài đến hụt hơi khó thở của Trần Nghi Hoàng, tôi nghĩ đến ảnh hưởng của W. Whitman, của Allen Ginsberg và ít nhiều của Ezra Pound, của W. Carlos William * đối với tác giả:
"... tiếng gọi của những người tình cô đơn khuất mặt. ngày mai. ngày mai đừng dặn chính mình cái nhớ cái quên băng băng chạy về phía trước. chạy mải miết về phía trước theo những tiếng chuông tiếng chuông ông già bán cà rem cây trước cửa trường tiểu học 40 năm cây cà rem còn lạnh những mùa hè Việt Nam ai quên ai nhớ?
dưới gốc cây khế chua chôn một bụm tro hai bài thơ cổ tích ba năm sau cây khế chua biến thành cây khế ngọt. cây khế ngọt để hái tặng người con gái vú quả cau lông mày xanh như chiêm bao và nụ cười thơm mùa mía ngày bong bóng nổ."
(đoản khúc 14-tr.25 - MCTS)
Khao khát tìm sự giải thoát nội tâm bằng con đường tâm linh trong cuộc du hành vào bản thể cho nên MCTS vừa là sự đối thoại với những ấn tượng phi hình thể vừa là săn đuổi quá vãng hú gọi quê hương: "hành trang người về quá khứ là nỗi ám ảnh của tương lai. người luôn luôn chạy trốn tương lai bằng cách ẩn chui vào quá khứ, như con đà điểu vùi đầu vào trong cát tìm chút an toàn tuyệt vọng! bước tầm vong! đàn ông chui vào đàn bà để tìm lại chính mình! cuối cùng là một nỗi lặng thinh thinh lặng mênh mông của sa mạc và xương rồng của bất công và thống hối của tội lỗi và vong thân!!!! của thánh thần và ma quỷ.
dấu chân bí tích đấng Giác Ngộ sơ tâm để quên trên triền núi cũ, máu nhỏ đầu núi đen hoa ưu đàm nở lúc sao rụng trăng tàn và cỏ thở râm ran lời dế gáy!
(đoản khúc 90-tr.111 - MCTS)
Trần Nghi Hoàng luôn luôn đối diện với chính mình trong một thế giới tâm linh đa chiều để nhận diện chính mình trong cuộc tử sinh với hết thảy tiềm năng văn hóa Đông phương và văn hóa Tây phương mà anh tàng trữ được. Cả chán chường hoang mang. Cả tuyệt vọng thảng thốt. Cả chấp nhận ngạo nghễ lẫn khước từ bất cần. Cả độ lượng ngọt ngào lẫn ai oán lưu niên. Cả hy vọng hiu hắt lẫn phiền vọng miên man. Cả trần trụi bộc lộ lẫn ý nhị tỏ bày. Vừa nói toạt móng heo vừa đoan thanh mời gọi. Vừa đào xới nghiệm suy vừa lãng du buông thả. Nghĩa là hết thảy mọi khí chất tâm linh bùng nổ thăng giáng và chuyển diễn trong thân phận Trần Nghi Hoàng đã thai dưỡng, tạo tác nên sự đa thanh và phức điệu của Trường Ca.
3.
Người ta có thể tìm thấy trong đoản khúc 122 - mang tên Cửa Tử Sinh những câu thơ trực trần hệ trọng có thể giải thích cấu trúc thơ của Trường Ca:
mỗi con người đứng trước cánh của của mình
với niềm tuyệt vọng hân hoan
..... sống chết như thần trí loãng
hãy mở cánh cửa
""""TÔI"""""
chiêm nghiệm cùng
MÁU
THỊT
TỦY
XƯƠNG
. . . . . . . . . .
và rất rất nhiều
những phần còn lại
ở ngoài
""""""TÔI"""""
mở vô hồi cánh cửa
khủng khiếp làm sao nhận diện
MÌNH
Đó chính là Tâm Pháp của nhà thơ. Cái Tâm Pháp: "mở vô hồi cánh cửa - khủng khiếp làm sao nhận diện "MÌNH" đã quán xuyến và tạo ra cái cấu trúc liên hồi đoản khúc không tên của Mở Cửa Tử Sinh. -cái cấu trúc liên hồi đoản khúc này mỗi đoản khúc mở ra một cảnh tượng tâm linh, một vận hành ngữ ngôn hoặc một khí sắc tâm trạng hay một thần thái đam mê khác nhau nhằm vào một mục tiêu tối thượng là NHẬN DIỆN CHÍNH MÌNH. Dĩ nhiên dẫu muốn hay không thì nhờ đó THỜI ĐẠI CỦA CHÍNH MÌNH cũng hiển thị trong một thứ ánh sáng trắng thanh khiết khi mà Nhà Thơ chỉ là kẻ nô bộc minh triết cho TỰ DO TINH THẦN của chính hắn. Từ Tâm Pháp Thi Nhân sẽ dẫn đến Thi Pháp của Thi Sĩ. - khỏang trống này là học vấn, là sinh ngữ và sự hội nhập, chuyển hóa của nhiều vùng văn hóa khác biệt nhau vào cái TÔI THI SĨ của họ Trần.
Trường Ca của anh không kế thừa gì nhiều giòng giống truyện thơ, thơ dài (có thể gọi là Trường Ca) của văn học Việt Nam ngày nảo ngày nào như những Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Truyện Kiều. Truyện Hoa Tiên, Sơ Kính Tân Trang... Mặc dù Mở Cửa Tử Sinh thuộc vào loại Trường Ca không có cốt truyện nhưng nó không gồm 7 hoặc 9 hay 12 chương với nhiều phân đoạn với những tựa đề có chủ đích tô đậm hoặc tụng ca, trang điểm cho một chủ đề chính như những trường ca mà tôi đã được đọc trước năm 1975 như Ba Mươi Năm Đời Ta Có Đảng, Theo Chân Bác của Tố Hữu, Bái Ca Chim Chơ Rao của Thu Bồn, Những Người Trên Cửa Biển của Văn Cao, Bài Thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, Mặt Đường Khát Vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Khúc Hát Người Anh Hùng (trường ca về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi của Trần Đăng Khoa)...
Sau 1975, nhất là từ 1979 trở đi tôi đã đọc hàng loạt trường ca viết về chiến tranh như Sức Bền Của Đất và Đường Tới Thành Phố của Hữu Thỉnh, Những Người Đi Tới Biển, Khối Vuông Ru-Bích, Đêm Trên Cát, Những Ngọn Sóng Cần Giuộc, Trẻ Con - Sơn Mỹ của Thanh Thảo, Đất Nước Hình Tia Chớp, Mặt Trời Trong Lòng Đất của Trần Mạnh Hảo, Trường Ca Sư Đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Trường Ca - Làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai. Gần đây tôi có nghe nói tới các trường ca: Nhất Định Thắng (1955), Cách Mạng Tháng Tám (1956), Hãy Đi Mãi (1957) của Trần Dần nhưng chỉ được đọc tận mắt chương X trong Trường Ca Bài Ca Việt Bắc (gồm 13 chương) của ông. Ngoài ra, tôi còn được đọc một số chương đoạn trong Trường Ca Gọi Nhau Qua Vách Núi của Thi Hoàng, Paris - Nửa Tuần Trăng, Lòng Hải Lý của Đỗ Quyên.v.v...
Kể từ ngày rời nước, tôi đã đọc những tuyển tập thơ mà tôi cho là quan trọng như Hóa Thân và Thủy Mộ Quan của Viên Linh, Tuyển tập Tô Thùy Yên, tuyển tập Lời Viết Hai Tay của Cung Trầm Tưởng, Tiếng Hát Gia Trung của Nguyễn Sĩ Tế, Thanh Xuân của Khế Yêm, Viết Từ Phương Đông của Mai Vi Phúc và nhiều thơ đăng tải của nhiều tên tuổi tài danh trong làng Thơ Hải Ngoại. Khi đọc Mở Cửa Tử Sinh có nghĩa là lần đầu tiên tôi được đọc nguyên con một Trường Ca của một tác giả Việt Nam đang sống tại Mỹ.
Phải chăng chiến tranh đã đẻ ra thể loại Trường Ca gồm những Anh Hùng Ca, Trường Hận Ca, Bi Tráng Ca cho nên trước và sau 1975, văn học Việt Nam đã xuất hiện hằng loạt trường ca và khi hết hẳn chiến tranh thì trường ca cũng hết như nhà thơ nào đó đã nhận định? Thực ra khi chiến tranh kết thúc đời sống đã chuyển sang những cuộc chiến trên thương trường và trong tình trường mà trường ca vẫn không chịu tuyệt chủng trong dòng sống của văn chương Việt Nam. Rõ ràng có một cuộc chiến không bào giờ tàn trong tâm thức đòi nhận diện, khao khát thăng hoa, thăng tiến trong tâm hồn Thi Nhân cho nên Trần Nghi Hoàng đã đẻ ra trường ca.
Thiết nghĩ Mở Cửa Tử Sinh sẽ không phải là bằng chứng duy nhất. Nhiều chuyện về các nhà thơ trường ca ở trong và ngoài nước cần được bàn tới ở các vấn đề khác. Điều cần phải nói ngay lập tức là Thi Pháp Trường Ca của Trần Nghi Hoàng là Thi Pháp Hiện Thực Tỉnh Táo khởi phát bởi một Tâm Pháp lãng mạn nghiệt ngã: Mở vô hồi cánh cửa - khủng khiếp làm sao nhận diện MÌNH.
Không có cốt truyện thực đã đành nhưng một cốt truyện ảo, cốt truyện ước lệ cũng không. Nhân vật chính duy nhất của Mở Cửa Tử Sinh là Cái Tôi Đa Mang và Đơn Độc của Nhà Thơ. Nếu như trong Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký của Kim Dung, Dương Thanh Phong đã truyền cho Lệnh Hồ Xung: Độc Cô Cửu Kiếm - là Kiếm pháp đánh theo kiếm ý, nghĩ đến đâu là đánh đến đó, muốn đánh thế nào cũng được thì trong Cõi Bút Mực Giang Hồ ai đã truyền cho Trần Nghi Hoàng Độc Cô Tâm Ý Bút?
Phải chăng từ cuộc hành hương từ Á Đông sang Âu Mỹ Trần Nghi Hoàng đã tiếp thụ của W. Whitman (trong Lá Cỏ - Grashalme và Bài Hát Chính Tôi - Song Of Myself), của Allen Ginsberg (trong Hú Gào - Howl) cái Thi Pháp mà tôi gọi là Độc Cô Tâm Ý Bút ấy? Cho nên anh chọn trường ca mình lối viết theo Tâm Ý, Tâm Tuệ nghĩ đến đâu viết đến đó, dài hay ngắn, thất thanh hay trầm bổng là do sự bùng nổ thăng hoa của nội lực Tâm Linh hiện thị tức thời. Ít có câu chữ làm duyên làm dáng hay sự trang điểm phù phiếm. Hiếm hoi làm sao mới gặp được vài câu lục bát hoặc một vài đoạn thuộc thể loại truyền thống trong Mở Cửa Tử Sinh.
Tuy thế Trần Nghi Hoàng lại rất kỹ lưỡng và cầu kỳ trong việc trình bày chất thơ của mình trong tiếng mẹ đẻ như là một ký hiệu thẩm mỹ nhằm tăng cường đến tối đa sức biểu hiện, biểu cảm của thơ. Những khoảng cách thay đổi bất thường giữa từ này với từ khác, giữa dòng thơ này với dòng thơ khác. Những chữ viết in hoa cố ý, những dấu hỏi chùm ba (???), những dấu chấm than chùm ba (!!!) trong những đoản khúc của anh là những thi động nghiêm túc đầy chủ định THƠ. Trong cuộc hoan lạc với nàng THƠ khi viết những bài thơ gọn ghẽ, xinh xắn - ấy là lúc thi sĩ giao hoan với Nàng Thơ bằng những chiếc hôn. Chiếc hôn có thể dịu dàng có thể mãnh liệt. Còn khi viết Trường Ca theo kiểu Độc Cô Tâm Ý Bút ném lên mặt giấy cả không gian - thời gian chín chiều náo động trong 122 đoản khúc liên hồi (theo kiểu Độc Cô Cửu Kiếm!!!) - ấy là lúc họ Trần giao hoan - hành lạc với Nàng Thơ vừa say đắm mê cuồng; vừa thong dong trầm mặc.
Cho nên, với cách đọc khác nhau của nhiều kẻ yêu thơ không giống nhau người ta sẽ đưa nhau đến việc tranh cãi: đâu là Thơ Trần Nghi Hoàng và đầu là Bài Thơ của anh vì Thơ và Bài Thơ thường vẫn ở với nhau nhưng chúng không phải là MỘT...
4.
Tôi tin rằng đã và sẽ có nhiều người dám mở toang và đi qua Cửa Tử Sinh của Trần Nghi Hoàng. Lúc này, vấn đề dám can đảm đối diện với chính mình để nhận diện chính xác bộ mặt thật của chính mình là vấn đề thời sự của Tinh Thần Tâm Linh Việt Nam mà người Việt ở trong cũng như ở ngoài biên giới không thể thờ ơ. Cách đây hai mươi hoặc hơn hai mươi năm, nhiều nhà thơ (mà tôi đã nêu ở trên) đã viết trường ca để đối diện với thời thế nhận diện Núi Sông vạch mặt Chiến Tranh nhận mặt Con Người? Thơ của họ đã theo chân các danh nhân, lãnh tụ, đi trên mặt đường khát vọng, tới các sư đoàn, tới mặt trời trong lòng đất, đi tới thành phố, đi tới biển...
Giờ đây nhiều thi nhân lại viết trường ca chỉ để đi vào chính cái bản ngã của mình mong nhận diện Chính Mình dù có khủng khiếp đến đâu. Có nhà thơ đã viết ngay những đoản khúc trong phòng thẩm vấn của cái thiết chế chính trị mà họ đã cung hiến cho nó cả trí lực thanh xuân để nhận mặt lại những chân dung, những nhân dáng, những điều hoang tưởng, những trò bịp bợm. Còn nhà thơ Trần Nghi Hoàng viết Trường Ca Mở Cửa Tử Sinh chỉ để tìm ra cho mình Cái Mánh Lới Cuối Cùng Của Một Con Người - Mánh Lới Cuối Cùng Của Một Nhà Thơ thôi ư? Vậy là dường như không hề có dụng ý - Từ Tâm Pháp rất riêng của mình - Trần Nghi Hoàng đã đặt ra hai câu hỏi rất vui: "Này Con Người kia ơi! Ngươi đã đánh lừa được ngươi chưa? Này Nhà Thơ kia ơi! Không biết tự sát thì làm sao mà ngươi giết được chính mình?" Trong thơ Trần Nghi Hoàng hay có hình ảnh "dề lục bình" tôi nhớ tới mấy câu thơ mở đầu trường ca Mặt Đường Khát Vọng của Nguyễn Khoa Điềm cũng có "lục bình":
Ta đã sống qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến
Bèo lục bình mênh mông màu mực tím
Nét chữ thiếu thời trôi nhanh trên sông
Ta đã lớn lên bối rối một sắc hồng
Phượng cứ đỏ hoài như đếm tuổi
Nhưng chiều nay một buổi chiều dữ dội
Ta bỗng nhận ra mình đang lớn khôn...
(Mặt Đường Khát Vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
Gặp cái tâm thế nhận diện chính mình của Nguyễn Khoa Điềm cách đây hơn 25 năm, tôi bỗng mỉm cười nghĩ: giá như đời mình chỉ có một buổi chiều dữ dội như cái "chiều nay" từ thuở nào và chỉ có một lần "bỗng nhận ra mình đang lớn khôn". Đằng này càng mở cửa tử sinh vàng thấy đời mình triền miên những buổi chiều dữ dội và lúc nào cũng "bỗng nhận ra mình đang lớn khôn"...
5.
Chắc chắn khi viết xong Mở Cửa Tử Sinh, sau cuộc hành hương mê đắm hoan lạc trong đau thương trầm thống, Trần Nghi Hoàng - nhờ Tâm Pháp và Thi Pháp của chính mình đã không chỉ thoát khỏi những cơn đau trí tuệ mà anh còn vượt ra khỏi mê lộ Cô Đơn của một kẻ du cư bằng cách tọa Thiền trong cõi THƠ:
hồn phách hú gọi nhau chấp chới
ngật ngừ sông biển ngược dòng rên
dấu chân vách đá khô tờ máu
mấy lớp rêu xanh một nỗi niềm!
thế kỷ quay đầu không đếm bước
xóa giờ sinh tử giữa mê hoan
ngón tay chỉ suốt cùng tâm thức
chạm nhẹ vào THƠ một tiếng HOÀNG
(đoản khúc 63-tr.82 - MCTS)
Rõ ràng, họ Trần thường xuyên đối diện với chính mình - trong những mối liên hệ với vùng đất tạm cư và quê hương định mệnh, với nhân loại và với Việt tộc, với lịch sử tiền kiếp và hiện kiếp của mình để phơi bày và nhận diện bản thân mình một cách chân thành thẳng thắn trong không gian và thời gian; giữa đồng đại và lịch đại.
6.
Cuộc đối mặt đàng đẵng trong từng hơi thở của một bản lai diện mục có danh tính là Trần Nghi Hoàng với một Trần Nghi Hoàng như là kẻ du cư "vác túi thời gian chạy từ thống khổ" trong "cuộc chơi chung" không "mấy khi hài hòa khế hiệp của thế thái nhân tình" đã không chỉ tạo ra chiều sâu của tâm trạng nhân tính mà còn làm sinh triển đầy ắp những biến tấu khôn lường của một tâm linh mà "trong chiếc đầu đầy ắp những hoang mang" thường xuyên "mọc lên niềm nghi hoặc: như thế nào là một CON NGƯ ỜI???"
Kết quả là thi sĩ đã tìm ra "mánh lới cuối cùng của một CON NGƯỜI" và "mánh lới cuối cùng của một NHÀ THƠ" bằng cả tri thức Tâm-Sinh Học Bản Thể lẫn những trải nghiệm rất sử thi bi tráng của thân phận. Ngôn ngữ thơ của anh đầy chấp nhận, thách thức và kêu gọi trong đoạn phụ lục (nơi dừng lại của Trường Ca dài ngót 150 trang hơn hai ngàn câu):
mánh lới cuối cùng của một CON NGƯỜI
là làm sao
đánh lừa được CHÍNH MÌNH
mánh lới cuối cùng của một NHÀ THƠ
là làm sao
giết được CHÍNH MÌNH
mà không cần tự sát
Như thế - phải chăng vô tình Trần Nghi Hoàng đã buộc chúng ta gặp lại và đối diện với một câu hỏi đã cũ càng như Quả Đất nhưng không bao giờ hết mới mẻ và mất tính thời sự là: "Chúng ta phải sống như thế nào?".
Mỗi người sẽ có cách diễn giải riêng để tự trả lời câu hỏi không nguôi vang động ấy. Tôi tin rằng trong đêm tối thâm u thường hằng của một bản lai diện mục TÂM HỒN RIÊNG TƯ sẽ nảy sinh câu trả lời duy nhất được thừa nhận khi mà CON NGƯỜI RIÊNG TƯ ấy không sợ phải Mở Cửa Tử Sinh, không sợ phải ĐỐI DIỆN với CHÍNH MÌNH, không sợ TỰ SÁT - dù là một sự TỰ SÁT SINH HỌC hay một SỰ TỰ SÁT TRIẾT HỌC. Quả thực, Trần Nghi Hoàng đã dám chơi nghiêm túc một CUỘC TỬ SINH trong Cõi Thơ của CHÍNH MÌNH.
DŨNG VĂN