PHÁ VỠ VÀ TÁI TẠO: J.M. COETZEE và GIẢI NOBEL VĂN HỌC 2003

 

Trần Nghi Hoàng

 

LỜI NGƯỜI VIẾT: Bài viết này dựa vào một số những tài liệu sau đây:

-Nhật báo Washington Post ở Washington D.C., ngày thứ sáu 3 tháng 10 năm 2003.

-Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, Bài Wege, die zur Schlachtbank fuhren (Đường Đến Lò Sát Sinh), số 230, trang 37, 04/10/2003. Đinh Bá Anh dịch, đăng trong trang Web VnExpress).

 

Thứ Năm, ngày 2 tháng 10 vừa qua, Viện Hàn Lâm Thụy Điển công bố giải Nobel văn chương năm 2003 được trao cho John Maxwell Coetzee, một nhà văn lớn của Nam Phi.

 

J.M. Coetzee sinh năm 1940, là tác giả đầu tiên đã đoạt giải Booker Prize hai lần. Lần đầu năm 1983 với tác phẩm “The Life & Times of Michael K”, lần sau năm 1999 với tác phẩm “Disgrace”.

Gốc Nam Phi nhưng J.M. Coetzee sống ở Úc, và mỗi năm ông đến Mỹ 10 tuần để dạy về văn chương tại đại học Chicago.

 

Trên tờ Washington Post số ngày thứ Sáu tháng 10 – 03, bài “For South Africa’s Coetzee, a Nobel Prize Nod”, section style, viết: “Giám đốc nhà xuất bản Penguin Books và cũng là editor của J.M. Coetzee từ năm 1982 nói, bà tin tưởng ông ta sẽ đoạt giải bởi vì “nhân tính của Coetzee, lòng trắc ẩn và cảm thông của ông ta với tất cả những sự xấu mà chúng ta làm hay cảm thấy. Tôi thực sự nghĩ là Coetzee hiểu rất rõ về bản chết tự nhiên của con người và ông ta có thể viết nó lên với một cách rất đặc thù tàn phá của ông ta.”

 

Một người bạn cùng dạy học với J.M. Coetzee ở Chicago, Johnathan Lear nói: “Thật tuyệt vời! Giải thưởng 1 triệu 3 và nhất là những phần thưởng vô giá khác đến từ công chúng”. Mùa Thu mỗi năm, Lear và Coetzee cùng dạy văn chương. Họ cùng chuyên chú vào một tác phẩm nào đó. Trong vài năm qua, đề tài giảng dạy của Lear và Coetzee là “War and Peace”, “The Brothers Karamazov” và Remembrance of Things Past”.

 

Trước khi là nhà văn, J.M. Coetzee đã là một học giả nghiêm túc. Ông tốt nghiệp hai ngành cùng lúc tại University of Cape Town, một là English và cái kia về toán, vào những nằm đầu thập niên 60’s. Sau đó, Coetzee dọn sang Anh và nhận việc làm một computer programmer. J.M. Coetzee nhận bằng PhD in English của University of Texas năm 1969. Ông xuất bản cuốn sách đầu tiên năm 1974: Dusklands.

 

Trong ngày trao giải Nobel, Horace Engdahl, Thư ký thường vụ của Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Thụy Điển tuyên bố: “J.M. Coetzee là nhà văn hoài nghi triệt để, ông không chút nhân nhượng khi phê phán chủ nghĩa duy lý tàn nhẫn và thói đạo đức giả của văn minh Tây phương. Sức sáng tạo phong phú và luôn thay đổi của Coetzee là không bao giờ có sự trùng lập của hai tác phẩm”

 

J.M. Coetzee từng từ chối xuất hiện ở những lần đọat giải Booker, chẳng biết với giải Nobel ông sẽ có thái độ ra sao?

 

Ra sao thì ra, đó không phải là vấn đề của J.M. Coetzee. Mà là vấn đề của Swedish Academy, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã chọn Nam Phi để trao giải văn chương Nobel. Và người được chọn lại là nhà văn lớn nhất của Nam Phi: John Maxwell Coetzee, người của triệt để hoài nghi và là một ngòi bút của tàn phá.

 

Theo Paul Ingendaay, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Anh và Tây Ban Nha ở Colone, Dublin và Munich, từng nhận giải Alfred-Kern về phê bình văn học, viết về J.M. Coetzee:

 

“Sự trung thực trí thức của ông phá vỡ tất cả những tín điều của thói ủy lạo, và cách ly mình với trò hề rẻ tiền của lòng hối hận và sự xác tín”. Sau V.S. Naipaul và Imre Kertesz, ây là lần thứ ba liên tiếp, giải văn học (Nobel) được trao vào tay những nhà hoài nghi triệt để, mà sự xuất hiện của họ trước công chúng chắc chắn chẳng hứa hẹn một sự kiện gì có tính “văn dĩ tải đạo cả.”

(Paul Ingendaay, nhật báo Frankfurter Allgemeine)

 

“Văn dĩ tải đạo”, cái truyền thống mà đa số chúng ta chỉ nghĩ là của Đông phương. Thực ra, Tây phương còn ôm cái “văn dĩ tải đạo” cứng ngắt hơn cả Đông phương, mà theo tôi đó là phản ứng hồi tố của sự tự hối (hối hận!) và là một cách xác tín để tự đánh lừa và an ủi.

 

Những tình kinh đầu tiên của nhân loại đã xuất phát từ Đông phương: Tố Nữ Kinh của Trung Hoa, Karmasutra của Ấn Độ... Những cuốn sách mà từ bao nhiêu ngàn năm, đã được gọi là Kinh – là kinh điển triết lý và thẩm mỹ của tình dục... thì người Tây phương chỉ mới biết đến nhiều lắm là ở thế kỷ 20 vừa qua. Nhục Bồ Đoàn của Trung Hoa từ lâu đã được xem là một tuyệt tác văn chương, đến vài thập niên gần đây mới được Tây phương dịch ra với thái độ văn học.

 

Trong cuộc sống thường ngày, người Tây phương vồ vập vào những cái mà, trong giáo lý tín điều để dạy dỗ nhau, mỗi người đều cố né tránh hoặc chỉ nhắc đến với thái độ dè dặt thậm chí khinh miệt.

 

“Coetzee không mang đến sự an ủi, mà là sự bất ổn, và cái bất ổn lớn nhất trong những tác phẩm với phong cách kiệm lời và bút pháp điệu nghệ của ông là: câu chữ – công cụ duy nhất để đối thoại với thế giới tồi tệ – có nguy cơ tự phá vỡ trước đe dọa của sự hoài nghi vào chủ nghĩa duy lý và sự hoài nghi vào xác tín đạo đức. ‘Cái giường của tôi, cái cửa sổ của tôi, căn phòng của tôi’, một người đàn ông đã cầu nguyện như vậy trong tác phẩm đầu tay Miền Đất Hoàng Hôn (Dusklands, 1974) của Coetzee để mong có được chút niềm tin vào thực tại mà anh ta có thể bấu víu vào đó, trong khi nhiệm vụ của anh ta ở Việt Nam là giết người bằng những cách hiện đại nhất.”

(Paul Ingendaay, nhật báo Frankfurter Allgemeine)

 

Paul Ingendaay còn viết: Văn học có thể thay đổi xã hội không? Không thấy nhắc tới. Nhưng ít ra nó cũng làm con người sống tốt hơn chứ? Viện hàn lâm im lặng. Và điều đáng nói ở đây là giải Nobel được trao cho Nam Phi”.

(Paul Ingendaay, nhật báo Frankfurter Allgemeine)

 

Đúng rồi! Tại sao Nam Phi? Một vùng đất đầy những bất công và hết sức kỳ thị chủng tộc. Và ngòi bút của J.M. Coetzee rõ ràng chẳng có chút gì cố gắng để san bằng những bất công hay xóa bỏ tình trạng kỳ thị chủng tộc đó!

 

Coetzee không viết văn để “tải cái đạo” theo cung cách đó! Ông là nhà văn muốn dùng ngòi bút của mình để tàn phá. Ông muốn tàn phá cái hiện thực bất công tồi tệ; và tàn phá ngay cả những thứ ảo tưởng cũng tồi tệ không kém. Ranh giới giữa hiện thực và ảo tưởng, theo J.M. Coetzee, dường như không có.

 

Trong cuốn In the Heart of the Country đoạt giải Booker năm 1997, với 226 chương đoạn, J.M. Coetzee dẫn dắt người đọc vào những ghi chép như một thứ nhật ký của một cô gái già chán chường sống trong một trang trại Bure (hậu duệ của những người gốc Đức và Hòa Lan di cư sang Nam Phi). Cô là một người “bị Chúa bỏ quên” và sống cách biệt với hế giới bên ngoài. Trong tác phẩm này, Coetzee dồn người đọc vào sự bất an tột cùng khi không còn phân biệt được giữa hiện thựchư cấu.

 

Magda, tên nhân vật chính – tự cật vấn có phải chính cô đã bắn chết người cha hay cáu nhàu sau khi ông ta lên giường với cô đầu bếp da đen. Hay là Magda đã tưởng tượng ra vụ giết người như vẫn thường tưởng tượng ra đủ những chuyện và những thứ hỗ lốn khác để lấp đầy khoảng đất hoang vu của miền đất đang sống, cũng như khoảng trống trong tâm thức của cô.

 

Chính điều Coetzee im lặng lại tác động mạnh đến ý thức người đọc. Một cách tàn nhẫn, ông bắt độc giả phải đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan và phải lựa chọn giữa hai cái cùng tồi tệ. So sánh cái không thể so sánh, đó là tình thần của tiểu thuyết Điếm Nhục (Disgrace), cuốn sách giúp tác giả của nó đứng vào danh sách những người có sách bán chạy nhất thế giới và lần thứ hai đoạt giải Booker (1999). Chỗ này là chuyện giáo sư văn học bị đẩy tới tỉnh lẻ vì quan hệ tình dục với một nữ sinh; chỗ kia là chuyện con gái ông ta bị cưỡng hiếp bởi ba tên da đen ngay tại trang trại của mình, và không những từ chối báo cảnh sát mà còn giữ nuôi đứa con. Một sự bắt đầu mới? Không hẳn, mà có lẽ chỉ là một cái gì đó rất khiêm tốn thôi – một cố gắng giải phóng những cái đầu của chúng ta ra khỏi đống cũ kỹ những quan niệm của Âu châu.

(Paul Ingendaay, nhật báo Frankfurter Allgemeine)

 

Đây cũng lại là một hình thức hồi tố khác. Tình trạng kỳ thị chủng tộc và những thứ đạo đức giả của một đời sống sa đọa suy đồi ở Nam Phi chẳng phải đã là động cơ dồn nén những suy nghĩ của J.M. Coetzee vào thời kỳ cuối cùng để đẻ ra Disgrace? Trong In the Heart of the Country, Magda, cô gái già chán chường, bị hôn mê giữa hiện thực và ảo tưởng: Có phải chính cô đã bắn chết cha mình sau khi ông này giao hoan với cô đầu bếp da đen. Ở Disgrace, con gái của ông giáo sư từng quan hệ tình dục với học trò bị ba tên da đen hiếp dâm trong trang trại của ông. Ông nhất định không báo cảnh sát về sự vụ hiếp dâm này, và khi cô con gái mang bầu, ông muốn giữ cái thai để con gái ông sinh ra và ông sẽ nuôi nấng. Người đọc chắc chắn sẽ rùng mình. Văn chương của J.M. Coetzee không mang đến cho bất cứ ai đọc nó sự bình an và sảng khoái.

 

Coetzee không viết văn để “làm vui”, để vỗ về người đọc văn ông. J.M. Coetzee viết văn để tàn phá. Ông dùng ngòi bút, dùng tư tưởng của ông như những thứ vũ khí, chất nổ tốt nhất của ông để hủy hoại... Như vậy, J.M Coetzee là một người phá rối chăng? Một tên “khủng bố”, một người phá rối, một nhà văn Nam phi chuyên quấy lộn những trật tự đạo đức xã hội bình thường đoạt giải Nobel văn chương năm 2003? Swedish Academy đã làm việc ra sao vậy kìa?

 

Hầu như trên tất cả mọi lãnh vực, người Âu Mỹ đã đi sau Đông phương, nhưng họ lại đến trước Đông phương.

Người Đông phương thường có thái độ: sau khi chấp nhận hoặc hãnh diện về những báu vật của mình, của nền văn minh Đông phương, là xem như đã xong, đã đủ. Những báu vật đó sẽ nằm trong Bảo Tàng Viện Của Trí Nhớ hay Bảo Tàng Viện Văn Hóa Dân Tộc. Người Tây phương trái lại, họ luôn tìm tòi để khám phá những báu vật của khắp nơi và sau khi tìm ra, họ sẽ tận tình sử dụng những báu vật đó cho những sự việc của đời sống vật chất cũng như tinh thần mà họ thấy là lợi ích nhất. Đối với người Tây phương, tinh thần cũng là một thứ vật chất mà họ sẽ tìm cách làm cho nó có thể sờ, nếm được. Cuối cùng, thứ đạo đức mà người Tây phương xiển dương, hoàn toàn chỉ là những mỹ từ và cách điệu mà họ đã nhuần nhuyễn sử dụng đến một mức độ nhập tâm và miễn trừ phân biệt.

 

Coetzee nhằm vào những sự không phân biệt này và tới tấp tấn công. Ông không phải muốn thực dụng các thứ đạo đức này. Ông không phải chỉ muốn tàn phá nó ra khỏi những mỹ từ và cách điệu để hiện thực nó. Mà công việc của ông là tàn phá thẳng vào những khuôn thước dù là chỉ ở mỹ từ và cách điệu hay hiện thực - những thứ đạo đức mà dường như theo ông là đi ngược lại nhân tính cố hữu của con người.

 

Coetzee chắc chắn đã làm nhiều người đọc ông nghẹt thở và hãi hùng, mặc dù tác phẩm của ông không hề thuộc loại kinh dị hay ma quỷ.

 

Paul Ingendaay viết:

 

“Một sự bắt đầu mới? Không hẳn, mà có lẽ chỉ là một cái gì đó rất khiêm tốn thôi – một cố gắng giải phóng những cái đầu của chúng ta ra khỏi đống cũ kỹ những quan niệm của châu Âu.”

(Paul Ingendaay, nhật báo Frankfurter Allgemeine).

 

Sự cẩn trọng của J.M. Coetzee được chúng ta bắt gặp trong những lời nhận định của Paul Ingendaay. Ngòi bút tàn phá của Coetzee hóa ra, chỉ là phương pháp “xây dựng”, chữ này tôi tạm dùng, một cách khiêm tốn của Coetzee. J.M. Coetzee “xây dựng” bằng cách đánh tung vào những cái đầu tù ngục đang bị giam nhốt trong những “quan niệm châu Âu”, trong cố gắng giải phóng... giải phóng.... những cái đầu này!

 

“Chúng ta dừng quên những con vật xuất hiện khắp nơi trong tác phẩm của Coetzee, mà ông còn viết riêng một cuốn sách về chúng (trong cuốn Cuộc Sống Động Vật, 2000). Nếu trong tiểu thuyết Disgrace (Điếm Nhục), ta thấy những con chó bị gây mê và bị đẩy vào cái chết công nghiệp, thì cậu bé, hóa thân của Coetzee trong cuốn tự thuật cùng tên (1997), đã tự vấn về nỗi nhẫn nhục của những con cừu khi bị dẫn tới lò sát sinh. Cậu muốn nói thầm vào tai chúng, cảnh báo về mối hiểm họa đang chờ đợi chúng. ‘Nhưng rồi cậu phát hiện trong những caon mắt vàng của chúng điều gì đó khiến cậu câm lặng’. Đó là sự tỉnh mộng, sự thấu biết. Những tình huống kiểu này thỉnh thoảng cũng xuất hiện trong cuốn tự thuật tiếp theo của Coetzee, Tháng Năm Tuổi Trẻ (2002), một tự thuật chân thật đến đau đớn, nếu từng có một tự thuật như vậy. Cái tự thể giằng xé này – có lẽ không ai ghen tị với Coetzee về nó – nhắc độc giả chúng ta nhớ rằng, nghệ thuật nghiêm túc là gì: Phá vỡ và tái tạo”.

(Paul Ingendaay, nhật báo Frankfurter Allgemeine).

 

Phải chăng những khoảng im lặng trong tác phẩm của J.M Coetzee mà Paul Ingendaay đã nhắc tới bên trên, cũng là cái từng hết sức muốn nói thầm vào tai của lũ cừu nhưng rồi bỗng dưng chợt im đi, khi nhìn thấy được trong ‘những con mắt vàng của chúng điều gì đó khiến cậu im lặng”? Tôi nghĩ rằng, hai sự chọn lựa im lặng này: của cậu bé Coetzee và của nhà văn Coetzee, là một. Câu chữ và những khoảng trống im lặng trong tác phẩm Coetzee để đối phó với “thế giới tồi tệ – có nguy cơ tự phá vỡ trước đe dọa của sự hoài nghi vào chủ nghĩa duy lý và sự hoài nghi vào xác tín đạo đức”; và sự câm lặng của của cậu bé Coetzee trước hiểm họa của đàn cừu trên đường đến lò sát sinh, đó là xương máu của Coetzee đã xung vào trong cuộc chiến đấu với xã hội văn minh Tây phương. Cuộc chiến đấu để cứu gỡ những sinh vật đang đi vào con đường tử vong.

 

J.M. Coetzee dụng công phá vỡ tất cả cái ngu muội trong não bộ văn minh Tây phương, thứ đạo đức giả vô cảm. Ông phá vỡ để tái tạo từ trong cái tự thể giằng xé của chính ông và của những con người đang mang trong đầu thứ đạo đức giả của văn minh Tây phương mà đi từng bước trên con đường tự sát.

 

Ngay trong hành động phá vỡ này, ông đã cưu mang cho con người nói chung một hành vi dũng cảm của sự tái tạo khôn cùng.

 

CHÚ THÍCH:

·         Tác phẩm chính của John Maxwell Coetzee: In the Heart of the Country (giải Booker 1977); Waiting for the Barbarians; The Life & Times of Michael K, Dusklands, Disgrace (giải Booker 1999), đã được dịch ra tiếng Việt (trong nước) là “Ruồng Bỏ”.

·         Về nhà phê bình văn học Paul Ingendaay: sinh năm 1961 ở Cologne (Đức), nghiên cứu môn ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Tây Ban Nha ở Colone, Dublin và Munich. Năm 1997, nhận giải thưởng Alfred-Kern về phê bình văn học. Từ năm 1998, Ingendaay là phóng viên văn hóa của nhật báo Frankfurter Allgmeine ở Madrid.

 

Trần Nghi Hoàng

Virginia, Oct 7 - 03