Trần Nghi Hoàng
Đọc "Nếu Đi Hết Biển" của Trần Văn Thủy
NHỮNG NHỊP CẦU TRE – KHÔNG NỐI ĐƯỢC HAI BỜ CỦA MỘT ĐẠI DƯƠNG
BÀI IV
NGUYỄN THỊ HOÀNG BẮC: TRÒ CHƠI CHỮ NGHĨA KHÔNG SUY TƯ!Chuyện kể: Cuối thời Pháp đô hộ Việt Nam, khoảng thập niên 50, có một nhóm bạn là những người đàn ông học thức, cùng làm việc ở Sở Hỏa Xa của Pháp (Chemins des Fer) và cùng nhau ở trong một Hội Kín, một tổ chức chống Pháp. Nhóm bạn này thường tụ họp ở nhà một người trong bọn, tạm gọi tên là N., để bàn thảo về công tác kế hoạch hành động. Những bà vợ nhà của những người đàn ông này thì cứ đinh ninh và hiểu lầm là mấy ông chồng của họ đã đến nhà ông N. để đánh bài! Một lần, buổi họp của nhóm bạn này không biết vì lý do nào đó bị lộ, lính Pháp tới ruồng bố vây bắt. Mọi người trong nhóm chia nhau mà chạy, mà bơi qua sông. Hầu hết đều đào thoát, chỉ trừ có ông xin tạm gọi tên là T., bị Pháp bắt được. Ông T. đã chịu đựng mọi tra vấn và tra tấn, không hề khai bất kỳ một người đồng sự nào của ông. Một mình ông T. chịu gánh hết tội cho cả nhóm bạn.
Ông T., con người nghĩa khí đó là thân phụ của Nguyễn Thị Hoàng Bắc (NTHB)! Câu chuyện tôi vừa chép lại bên trên là do lời kể của ông N., chủ nhân ngôi nhà dùng làm “căn cứ” họp mật cho nhóm bạn Hỏa Xa yêu nước ngày xưa. Và ông T., mà theo lời kể của NTHB với Trần Văn Thủy (TVT) trong bài phỏng vấn:
“Nếu cần nói rõ thêm, năm 1980, sau một tai nạn giao thông, ba tôi bị lãng trí, đã bị công an bắt nhốt vì tội đã nói xúc phạm đến lãnh tụ. Lãnh ba tôi ra khỏi nhà giam thì ba tôi đã hoàn toàn mất trí và qua đời ngay sau đó. Đó là một vết thương khó phai của gia đình tôi. Kể lể dài dòng để anh thấy lý lịch khá phức tạp của mỗi gia đình miền Nam, không dễ dàng và đơn giản quy kết một chữ gọn lỏn: bọn ngụy.”
(NĐHB, trang 82)
*
Sau đó, TVT đã hỏi NTHB:
“TVT: Thế theo chị thế nào là “ngụy”?
NTHB: Theo từ điển Hán Việt nghĩa là dối trá, nghĩa là giả, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo. Theo phong kiến Minh Mạng thì ngụy nghĩa là bọn làm phản, làm loạn, chẳng hạn Mả Ngụy, ở đó chôn bọn làm phản Lê Văn Khôi chống lại chính quyền phong kiến Nguyễn. Theo tự điển nhà nước XHCN Việt Nam thì ngụy quyền là chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1996).”
(NĐHB, trang 82)
NTHB đưa ra ba câu trả lời, không có câu trả lời nào là “theo chị”, tức là theo NTHB! Câu trả lời thứ hai và thứ ba thì định nghĩa chữ “ngụy” bằng cung cách của “phe chính” định nghĩa về kẻ thù, về kẻ chống đối lại mình là “phe tà”! Như vậy, chữ “ngụy” có nghĩa là “tà”, là “xấu”, là “dối trá”, là “giả”, là “nói một đằng, làm một nẻo” đúng như tự điển Hán Việt đã ghi ra. Những thói tật, cá tính, bản chất như “tà”, “xấu”, “giả”, “nói một đằng, làm một nẻo”, tôi tin rằng hầu hết người Việt Nam đang sống trong nước cũng như đang lưu vong ở hải ngoại đều nhận ra đó là những nền tảng căn bản của con người chủ nghĩa Việt Cộng! Những thành tích bắt con đấu tố cha mẹ, cải cách ruộng đất, tuần lễ vàng rồi sau đó là nhân vật tiêu biểu uy tín Nguyễn Hữu Đang bị tù đày trên ba mươi năm, những kế hoạch “năm năm” hứa một đằng để sau hơn một phần tư thế kỷ thống nhất đất nước, đất nước càng phân hóa và trì trệ là do chính quyền và Đảng Việt Cộng đã làm một nẻo! Những chuyện vừa “tạm kể” bên trên, nếu không “tà”, không “xấu” không “giả” thì là gì???
TVT nghe qua những định nghĩa về “ngụy” của NTHB, NTHB chỉ vô tình lanh chanh muốn chứng tỏ sự quảng bác và “vui tính” của mình thôi, nhưng nó làm TVT “nhột nhạt”. Và mỗi khi TVT nhột nhạt, TVT bèn phe lờ và hướng câu chuyện về những cái mà TVT muốn người đang “bị” TVT phỏng vấn nói:
“TVT: 15 năm qua rồi, chị thấy có gì đổi thay ở Việt Nam?
NTHB: Tôi chưa có dịp về nước nhưng qua phim ảnh, báo chí, internet, thư từ và điện thoại trao đổi với bạn bè cũ, mới trong nước và ngoài nước, tôi thấy một “Việt Nam mới” rất khác, so với Việt Nam cơ cực và kìm hãm những năm 75-85, thời tôi còn ở nhà. Đó là chuyện rất đáng mừng. Cởi mở, tự do, sung túc, hiện đại hơn, và bắt đầu có mặt vào các sinh hoạt thế giới. Ngay cả việc Việt Kiều vượt biên bất hợp pháp cũng được tự do về thăm nhà, thăm nước phải kể là một trong những điều vui vẻ. (Nhưng có người nêu thắc mắc: nếu hằng năm người Việt nước ngoài không gửi về nước trên dưới 2 tỉ USD, năm 2002 thì con số tổng kết là 2,4 tỉ, thì chính sách của nhà nước ta sẽ ra sao?!)
TVT: Tôi nghĩ chúng ta không nên xen chuyện tiền bạc, chuyện trần tục vào câu chuyện nghiêm chỉnh như thế này…”
(NĐHB, trang 83)
NTHB quá bận rộn đóng vai một người “vui tính”, cà tửng, nên sau khi đưa ra những điều về một “Việt Nam mới”, lại thêm sự vụ “Nhưng có người nêu thắc mắc…”. Có nghĩa là NTHB không hề và chưa hề có ý định thắc mắc về chuyện “nếu hằng năm người Việt lưu vong không gửi về vài ba tỉ USD”, thì chính sách của nhà nước ta sẽ ra sao????
Tôi đã từng về Việt Nam dăm ba lần. Và tôi đã viết trong nhiều bài, là những sầm uất phồn vinh trong nước Việt Nam hiện nay, luôn cho tôi cái cảm giác bất an và không có thực. Nếu người Việt tị nạn Việt Cộng không gửi tiền về cho thân nhân… Nếu sau một đêm tôi ở Việt Nam thức dậy, mọi thứ sầm uất, phồn vinh đều biến mất…. Hai vấn nạn tôi vừa đưa ra thực thể chỉ là một!
NĐHB trang 72, chính TVT nhắc tới Tiền, cho rằng chuyện những người chống du lịch Việt Nam, chống gửi tiền trợ giúp thân nhân hay các cơ quan từ thiện v.v… là chống cộng một cách cực đoan. Ở phần trò chuyện với NTHB vừa trên, khi NTHB đặt vấn đề “Nhưng có người nêu thắc mắc….” về chuyện nếu Việt Kiều không gửi tiền về Việt Nam nữa, thì liệu Đảng và Nhà Nước Việt Cộng ta có còn giữ được cái tình trạng lớp vỏ “Việt Nam mới” như hiện tại không??? Thì TVT lại gạt ngang và cho chuyện tiền bạc là chuyện trần tục… không nghiêm chỉnh! Một năm, “bọn ngụy” lưu vong gửi về 2, 3 tỉ là chuyện không nghiêm chỉnh ư??? Và TVT hỏi tiếp:
“TVT: … Chị là nhà văn. Chị đánh giá như thế nào về sự giao lưu văn học trong và ngoài nước?
(NĐHB, trang 83)
Bốn chữ “Chị là nhà văn” là những magic words, nó làm cho NTHB tiếp tục “vui tính” hơn lên, bèn thao thao bất tuyệt về sự thành thạo của NTHB, vì NTHB đã tự xác định:
“NTHB: Tôi sinh hoạt trong giới những người làm văn nghệ ở hải ngoại nên thường theo dõi lãnh vực này…”
(NĐHB, trang 83)
NTHB nói về những “thành tựu” của “giao lưu văn hóa” tuy chưa “hoàn toàn tự do thoải mái”, nhưng trong những năm gần đây, “một vài tác phẩm có giá trị ở ngoài nước đã được phép chính thức in lại trong nước, như tập trường thiên Sông Côn Mùa Lũ của anh Nguyễn Mộng Giác, một số truyện ngắn của tôi và các bạn khác đã do Nhà xuất bản Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh in lại. .” .v.v.v
Có hai điều, NTHB là một nhà giáo, vừa là một nhà văn, thì khi sử dụng chữ nghĩa, tôi nghĩ là nên cẩn trọng sao cho nó rõ ràng, minh bạch. NTHB nói là: “chưa hoàn toàn tự do thoải mái”, có nghĩa là đã có “chút ít tự do thoải mái”. Xin NTHB dẫn chứng cho về cái “chút ít tự do thoải mái” đó! Sở dĩ Đảng và Nhà Nước Việt Cộng cho in lại trường thiên Sông Côn Mùa Lũ Nguyễn Mộng Giác (NMG), chẳng qua vì đó là cuốn sách viết về Quang Trung Nguyễn Huệ. Và Quang Trung Nguyễn Huệ là một trong vài “biểu tượng” của “thành phần Nông Dân vùng dậy phất ngọn cờ đào” trong lịch sử Việt Nam. Nó ăn khớp với chủ trương “giai cấp” của Việt Cộng thì Việt Cộng xài. Nhất cử tam tứ tiện: Vừa bổ ích trong chuyện vuốt ve tinh thần nông dân bần hàn để củng cố Đảng, vừa xoa được đầu của một vài anh chị nhà văn nhà viết Việt Kiều nhẹ dạ dễ tin là đã có “giao lưu văn hóa”. Mới chừng đó thôi, Việt Cộng chỉ mới cho in lại Sông Côn Mùa Lũ của NMG, một cuốn trường thiên không cần thiết là trường thiên. Theo tôi, với cốt truyện và dàn dựng như SCML, chỉ cần 500 trang là đã quá dài! SCML viết về thời đại của Nguyễn Huệ, Nguyễn Aùnh, Nguyễn Hữu Chỉnh, mạt Lê, mạt Trịnh, đánh quân Thanh… mà suốt mấy nghìn trang sách, không “làm” cho người đọc “nghe” được tiếng “gươm đao”, không “khiến” cho người đọc “ngửi” được mùi “khói lửa”… thì viết dài để làm gì???!!! Và cùng với SCML của NMG, là cho in một vài truyện ngắn của NTHB với các người khác, thì tôi thấy đó chưa thể gọi là “chút ít tự do thoải mái”, chứ nói gì là “chưa hoàn toàn tự do thoải mái”!!! NTHB cứ thử mang tất cả những văn hóa phẩm từ trong nước được phổ biến trong cộng đồng Việt Kiều lưu vong, so sánh với những văn hóa phẩm của Việt Kiều lưu vong được phổ biến trong nước, thì tôi cam đoan là NTHB sẽ thấy đâu là sự “tự do thoải mái”! Ngay cả, một số bài viết, một số tác phẩm của vài tác giả trong nước, đã “tuyệt đối không được” đến với độc giả nơi họ đang sống và viết – mà phải đi đường chui ra hải ngoại để được chào đời… thì sá gì những tác phẩm của người Việt lưu vong, của “bọn ngụy”!!! NTHB “thường theo dõi ở lãnh vực này”, là theo dõi ra làm sao vậy??? “What fair is fair!” Cứ hỏi tụi con em mình đã sinh ra hoặc đã sống và lớn lên ở Mỹ thì chúng nó sẽ trả lời cho biết.
Còn chuyện mà NTHB nói:
“NTHB:…. Tôi cũng được biết ở trong nước một số các giáo sư trong đó có Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đang chuẩn bị soạn bộ Văn Học Việt Nam của cả hai miền Nam Bắc.”
(NĐHB, trang 84)
thì quả là một điều đáng kinh sợ cho những người cầm bút miền Nam trước đây, và cũng nên là mối lo gan ruột cho người Việt lưu vong hải ngoại!!! Vì cứ đọc những công trình nghiên cứu của hai ông giáo sư này cho chương trình “(Tái) Xây Dựng Diện Mạo và Quê Hương Của Người Việt Ở Nước Ngoài” 2000-2003, thì tôi đã đủ thấy “khả năng” và “chủ đạo” của hai giáo sư trong việc thực hiện những tác phẩm nghiên cứu đại loại kiểu bóp méo vo tròn sự kiện và lịch sử theo tôn chỉ của Đảng và Nhà Nước Việt Cộng.
NTHB từng trả lời TVT là:
“NTHB: … Trước kia còn ở trong nước, tôi vẫn được nghe nói đi nói lại mấy từ vựng này, tự do, khai phóng, sáng tạo mà không mường tượng nó là gì?
(NĐHB, trang 85)
Có nghĩa, bây giờ, NTHB đã mường tượng, đã minh bạch tự do, khai phóng, sáng tạo nó là cái gì rồi! Nhờ vậy, có lúc NTHB đã đưa ra những nhận định rất chững chạc (khi NTHB lỡ quên đóng vai người “vui tính” của mình):
“NTHB: Theo tôi, bất cứ một tập thể chính quyền nào, từ tập hợp nhỏ như một cơ quan, một nhà trường, một phường, một tỉnh và lớn hơn như một đảng, một nước, mà chỉ trông mong giáo dục cho các thành viên thành những con cừu ngoan ngoãn, chỉ đâu làm đó, thì tập thể ấy sẽ thiếu sáng kiến, thiếu thi đua, lề mề, chậm tiến. Người dân không nên chỉ là một tín đồ ngoan đạo, dễ mù quáng, dễ đưa tới họa dốt nát, trì trệ, đố kỵ và tranh chấp tủn mủn lẫn nhau.”
TVT: Mọi người đều nói quê hương, đất nước luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của người xa xứ. Với chị thì như thế nào?
NTHB: Tôi phân biệt Chính phủ Việt Nam với nước Việt. Nước Việt nằm trong trái tim tôi, còn chính phủ thì… còn tùy! Khi chúng ta bỏ phiếu cho Tổng thống, Chủ tịch, Đại biểu Quốc Hội là ta bỏ phiếu cho chính phủ, chớ đâu có bỏ phiếu cho đất nước đâu! Chúng ta chọn vợ, chọn chồng, chọn bồ, chọn bạn, không ai chọn cha chọn mẹ. Đất mẹ, ngôn ngữ mẹ, ngoài người mẹ già sinh ra tôi (biological mother) hiện ở Mỹ, Việt Nam là một bà mẹ khác trong trái tim tôi….”
(NĐHB, trang 85)
Chủ nghĩa hay chính quyền chỉ như là một cái áo! Cái áo có thể mặc thì có thể cởi ra. Có cái áo đẹp, vừa vặn và được tạo bằng chất liệu tốt khiến ta thoải mái, mặc vào làm người mặc nó hãnh diện và hạnh phúc. Có cái áo thô xấu, may quá rộng hoặc quá chật và làm bằng chất liệu tồi tệ, mặc vào thì người mặc nó xấu hổ và đau khổ! Đất nước quê hương thì khác! Đất nước quê hương dù xấu hay đẹp, dù nghèo khổ lầm than hay hùng cường giàu mạnh thì vẫn là đất nước quê hương của mình! Đất nước quê hương có hùng cường giàu mạnh hay nghèo khổ lầm than là do công hay tội của cái chủ nghĩa, cái chính quyền đang cai trị nắm giữ Nó. Đất nước quê hương có được hùng cường giàu mạnh, thì cái chủ nghĩa, cái chính quyền đang cai trị nắm giữ Nó rất đáng nên được mọi người dân củng cố và ủng hộ. Còn như, nếu đất nước quê hương đang bị lầm than nghèo khổ, thì cái chính quyền, cái chủ nghĩa đang cai trị nắm giữ Nó tất nhiên là nên bị thay đổi, bị xóa bỏ và giao cho một chính quyền, một chủ nghĩa khác tốt đẹp, có khả năng và cho người dân nhiều hy vọng ở tương lai hơn.
Đảng và Nhà Nước Việt Cộng hay chơi trò mập mờ đánh lận, dùng tình yêu đất nước quê hương để chiêu dụ người Việt Nam nhất là những người Việt lưu vong nhẹ dạ. Nhiều người Việt Nam đã lầm tưởng giữa tình yêu đất nước quê hương và tình yêu “Chính Quyền Cai Trị”, “Yêu Đảng Việt Cộng”!
TVT sau khi giở ngón “đất nước quê hương là nỗi ám ảnh khôn nguôi” của người xa xứ, bèn tuần tự đi tới với ngón đòn “cộng đồng Việt” ở Mỹ:
“TVT: Bây giờ, nếu có thể được, ta nói chuyện một chút về Cộng đồng người Việt ở Mỹ. Thí dụ, chị có thể phác họa vài nét về Cộng đồng người Việt ở Mỹ, thí dụ chị có tham gia các Hội Đoàn, các sinh hoạt có tổ chức trong vùng chị ở, Virginia, hay trên nước Mỹ không?…
NTHB: Tôi đề nghị anh đọc Unbearable Lightness of Being của Milan Kindera (mà một người bạn của tôi là Trịnh Y Thư đã chuyển ngữ rất hay, sách vừa do NXB Văn Nghệ California phát hành dưới cái tên “Đời Nhẹ Khôn Kham” để anh thâm nhập và nhận diện bộ mặt của cộng đồng Việt ở hải ngoại.. . . . . . . Đến nay, trải qua mấy chục năm rồi, giọng điệu, ngôn ngữ, suy tư của đám di dân Tiệp vẫn còn có thể dùng để mô tả được chính xác hình ảnh các hội đoàn chống Cộng của người Việt rải rác và đầy rẫy ở các nước Mỹ, Pháp, Uùc, Canada… Lâu lâu lại phải đọc tuyên cáo này, tuyên cáo nọ, lên án bọn cộng sản trong nước và tay sai ngoài nước. Lâu lâu lại có vụ đốt một quyển sách hay hăm dọa một nhà xuất bản nào đó đã dám bày bán quyển sách thiên cộng kia, biểu tình mấy chục ngàn người để chống một tên tâm trí bất bình thường không đủ tiền và đủ sức để kinh doanh nghiêm chỉnh nên chơi nổi treo hình Bác Hồ và cờ Việt Cộng, lâu lâu lại có biểu tình lẹt đẹt vài người hay tự thiêu, ủi xe tăng vào Sứ quán Việt Cộng…
Đối với những vụ này, tôi chia sẻ với suy nghĩ của nhân vật Sabina trong tiểu thuyết của Kindera:
“… Cái yếu tính cốt lõi để trở thành người Tiếp tan biến vào hư không mất rồi… Hay vì những bậc vĩ nhân, Jan Hus? Không ai trong căn phòng đó từng đọc một chữ nào của ông. Họ chỉ có thể hiểu được ngọn lửa, niềm vinh quang của ngọn lửa khi ông bị hỏa thiêu, niềm vinh quang của tro tàn, và do đó, với họ, yếu tính để thành người Tiệp là đám tro tàn và chỉ có thế thôi. Điều duy nhất giữ họ lại là sự chiến bại và những lời khiển trách lẫn nhau…”
Nên tôi không mấy ngạc nhiên khi đọc các diễn văn, tuyên ngôn, tuyên cáo cùng các bài báo ở các loại báo biếu lá cải, các nhân vật cộng đồng tố cáo, mạ lỵ, chụp mũ tong bừng lẫn nhau, người oan, kẻ ưng cá mè một lứa. Trung tâm William Jioner tặng cái grant anh Thủy đang làm đó cũng gây ra một vụ kiện, đang đưa nhau ra ba tòa quan lớn Mỹ đấy, chắc anh có nghe rồi! Tôi cũng nghe, nhưng nghe qua rồi bỏ. Anh có nhận xét gì không?
(NĐHB, trang 89)
Tôi không tin là NTHB biết được bao nhiêu về những cộng đồng người Việt ở hải ngoại, ở những nơi khác trên thế giới ngoài vùng Virginia, Washing D.C. này. Và ngay cả ở cái cộng đồng người Việt nơi mà NTHB đang sinh sống, tôi cũng không tin là NTHB đã biết nó như thế nào, một cách khả dĩ đầy đủ và chính xác! Đọc NTHB trả lời TVT, tôi mới “ngộ” ra một điều là à thì ra, những tên đang ở hải ngoại mà thích chơi nổi, thích treo hình Bác Hồ với lại cờ Việt Cộng, chỉ là những tên tâm trí bất bình thường! Điều này quả lý thú và khả tín! Nhưng sự việc “lâu lâu lại có vụ đốt một cuốn sách hay hăm dọa một nxb đang bày bán một cuốn sách thiên cộng” thì quả tình là một nguồn tin giật gân, mới lạ mà tôi chưa hề biết và mong là NTHB thông tri cho mọi người là bao nhiêu vụ như vậy đã xảy ra, và xảy ra ở những đâu???
Còn những vụ biểu tình mà NTHB gọi là “lẹt đẹt vài người hay tự thiêu”, thì tôi thấy loại ngôn ngữ “vui tính, cà tửng” này nó xâm phạm vào cái quyền tự do phát biểu chính kiến, phát biểu tư tưởng đang được tôn trọng ở nước Mỹ, nơi mà NTHB đang sinh sống quá! Người ta có đi biểu tình lẹt đẹt là chuyện của người ta! Tôi chưa hề thấy ai chê trách là NTHB sao đã không đi biểu tình lẹt đẹt theo họ. Vậy tại sao NTHB miệt thị chuyện những con người này đi biểu tình??? Hay chuyện có người đã ủi xe tăng vào Sứ quán Việt Cộng? Người lái xe tăng đâu đã từng rũ rê NTHB cùng với ông ta leo lên xe tăng để ủi vào Sứ quán Việt Cộng, rồi chê trách là sao NTHB đã không dám “hành động” theo ông ta??? Và chuyện người ta tự thiêu, những ông sư, những người đem sinh mạng của một con người ra để muốn cất lên tiếng nói chung cho một số người, cho một thứ lý tưởng, cho một đòi hỏi nào đó trước bạo lực và quyền lực, thì tại sao NTHB lại dè bỉu??? Những chuyện “nghĩa khí” này, nó có khác chi chuyện ngày xưa hồi thời Việt Nam bị Pháp đô hộ, một nhóm người trí thức Việt Nam làm ở Sở Hỏa Xa của Pháp, đã đêm ngày họp kín để tìm cách chống Pháp. Rồi ông T. bị bắt và đã hứng chịu mọi tội danh một mình ông, để cho các đồng sự của ông được bình yên mà tiếp tục “lẹt đẹt” đấu tranh cho lý tưởng chung của cả Nhóm Hỏa Xa và cho đất nước dân tộc Việt Nam???
NTHB trích dẫn Milan Kundera (chứ không phải Kindera, Ku chứ không phải Ki mà tôi thấy NTHB nhắc tới hai lần trong khi trả lời TVT!!!), và nói là chia sẻ với nhân vật nữ họa sĩ Sabina, nhưng NTHB đã trích thiếu! Sau cái đoạn mà NTHB đã trích, cũng cùng trang 107, xin đọc:
“Cô bước nhanh. Chính những ý nghĩ trong đầu làm cô khổ sở nhiều hơn là sự tách li khỏi những người di dân lưu vong đồng hương. Cô biết cô không công bằng. Cũng có những người Tiệp khác, những người hoàn toàn khác hẳn gã đàn ông có ngón tay trỏ dài ngoằng. Sự ngượng nghịu sau bài diễn văn nhỏ của cô không có nghĩa tất cả bọn họ đều chống đối cô. Không, có lẽ họ chỉ chưng hửng khi đột nhiên nhìn ra sự thù ghét, ngu dốt của mình trong đời sống tị nạn. Nhưng tại sao cô không thương xót họ? Tại sao cô không thấy họ chỉ là những sinh vật bất hạnh và bị ruồng rẫy bỏ rơi.
Chúng ta biết tại sao. Sau khi bội phản người cha già, đời sống mở ra trước mắt cô, con đường dài đầy dẫy bội phản, mỗi lần bội phản, tệ bạc và chiến thắng khiến cô như bị thu hút. Cô không chịu đứng vào hàng ngũ! Cô từ chối hàng ngũ – luôn luôn chừng đó con người, chừng đó bài diễn văn! Đó là lí do tại sao sự thiếu công bằng của chính cô làm cô khuấy động. Nhưng không hẳn đó là cảm giác không vui; ngược lại, Sabina có cảm tưởng cô vừa chiến thắng và có nhân vật vô hình nào đó đang vỗ tay tán thưởng cô.
Thốt nhiên, men say bỗng nhường chỗ cho phiền não: Con đường phải chấm dứt nơi nào đó! Sớm muộn cô phải chấm dứt những trò phản bội này! Sớm muộn cô phải tự ngừng lại!”
(Milan Kundera, Trịnh Y Thư dịch, Đời Nhẹ Khôn Kham, Văn Học xb. 2002. Trang 107)
Dường như, NTHB cũng đang “vui tính, cà tửng” và choáng ngợp với cái cảm giác “chiến thắng” vì đã có được vài ba cái truyện ngắn in trong nước! Nhưng đến bao giờ thì NTHB mới “men nồng bỗng nhường chỗ cho phiền não: Con đường phải chấm dứt nơi nào đó! Sớm muộn cô phải chấm dứt những trò phản bội này! Sớm muộn cô phải tự ngừng lại!”
Sự phản bội mà NTHB đã biểu tỏ từ những điều tưởng chừng như vô tình nhỏ nhặt nhất: Chứ không phải chủ nhiệm một vài tờ báo biếu, báo lá cải vùng Washington D.C như NVT ngày đó đã không từng đăng bài của NTHB trên tờ báo biếu, báo lá cải của ông ta sao? Rồi chẳng phải chính ông chủ nhiệm tờ báo lá cải, báo biếu NVT đó sau khi đăng bài, đã đăng đàn lên nói về tác phẩm hay tác giả NTHB sao???
Sau khi đã miệt thị, nặng lời với cái cộng đồng mà NTHB đang sống trong đó, thì là màn “câu chuyện làm quà”, vuốt ve TVT vì TVT đã cất công và có “từ tâm” phỏng vấn đến NTHB: Vụ cái William Joiner cho TVT cái grant… để đi phỏng vấn những người như NTHB và vụ ông Nguyễn Hữu Luyện kiện William Joiner sau đó! Dường như, NTHB là một nhà văn nhưng không hề động não!
Sau đó, là NTHB dẫn chứng Hoàng Ngọc Tuấn (HNT), để nói về tình trạng những người lưu vong:
“NTHB: (trích dẫn HNT trong Văn Học Hiện Đại Và Hậu Hiện Đại)…. Trong cuộc sống lưu vong ở các nước Aâu Châu và Bắc Mỹ những năm cuối thế kỷ XX, những người đàn ông đến từ các quốc gia chậm phát triển và nhiều rối loạn chính trị ở châu Mỹ La Tinh rất dễ trở thành những con người thất bại.”
(NĐHB, trang 89)
Đối với những người lưu vong, những người đã phải rời bỏ phần đất chôn nhau cắt rốn để ra đi vì không thể sống trong một thể chế chính trị mà họ chẳng những bị chối bỏ mà còn bĩ ruồng rẫy, đày đọa, thì cái tâm thức trầm uất (folie manfaco-melancolico), hay vĩ cuồng (megalomania) hoặc hoang tưởng (paranoia) sẽ xảy đến cho một số người là chuyện dĩ nhiên!!! Những điều này không thể chứng minh được rằng cái cộng đồng có những con người này sẽ chẳng thể thành công nơi miền đất mới. Ở một câu hỏi sau của TVT, NTHB đã trả lời chứng minh:
“TVT: Vắn tắt thì cộng đồng người Việt, cộng đồng gốc Á Châu được đánh giá như thế nào ở Mỹ?
NTHB: Cộng đồng nào cũng có cái tiêu cực và tích cực. Nhưng nói chung, cộng đồng di dân Châu Á ở Mỹ thường được đánh giá khá cao so với các cộng đồng khác.Thí dụ, cộng đồng người Da Đỏ theo thống kê thì có tỷ lệ tự tử cao nhất, các cộng đồng Nam Mỹ thì thường dính líu nhiều đến tệ nạn xã hội. Cộng đồng đến từ Châu Á, trong đó có Việt Nam được coi là cộng đồng tương đối có nhiều thành công trong việc hội nhập xã hội mới. Con số con em người Việt được đào tạo từ các trường Đại học Mỹ để trở thành các chuyên gia trong nhiều lãnh vực là một con số lạc quan.
(NĐHB, trang 92)
Đáng lạc quan lắm chứ! Vì nếu cộng đồng người Việt lưu vong không thành công nơi xứ người, kể cả về mặt học vấn giáo dục, đến ngành thương mại kinh tế – thì làm sao mỗi năm từ bên này đại dương, “bọn ngụy”, những người bỏ xứ ra đi lại chẳng đã gửi về từ hai đến ba tỉ USD? Và “nhờ vậy”, nhờ có những số tiền to lớn này, mà Việt Nam Cộng Sản bây giờ mới có được một lớp vỏ mà NTHB đã họi là “Việt Nam mới”! Và “bọn ngụy” những người Việt lưu xứ, nay đã được Đảng và Nhà Nước Việt Cộng coi là “khúc ruột ngàn dặm” cần được… trì kéo trở lại quê hương?
Trì kéo… có được hay không lại là một vấn đề trầm trọng. Hãy nghe TVT nói:
“TVT: . . . Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm, báo chí ở hải ngoại, trừ một số báo tôi cho là đứng đắn, phần đông vì xu thời, câu khách, thường mô tả xã hội Việt Nam đen tối, khủng khiếp. Khi đưa tin về tình hình trong nước thường có xu hướng thổi phồng, bóp méo. Cái cung cách thổi phồng, bóp méo này tôi đã từng thấy ở một số báo trong nước nữa. Chúng ta làm vậy liệu có ích gì để lấp đi cái hố vốn đã sâu, ngăn cách trong và ngoài nước? Tôi có cảm tưởng hình như người Việt chúng ta vẫn kiên trì theo đuổi một bí quyết rất khiêm nhường và rất “đậm đà bản sắc dân tộc”: Ta nhất thiết phải có kẻ thù và kẻ thù của chúng ta càng xấu càng tốt, mà là người Việt với nhau nữa thì càng tiện….”
(NĐHB, trang 91)
Chuyện báo chí của cả hai phe, trong nước và ngoài nước đều làm công việc “thổi phồng, bóp méo” là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên! Song le, nếu TVT cho là trong sự vụ “thổi phồng, bóp méo” đó, có việc mô tả không đúng về một xã hội Việt Nam “đen tối, khủng khiếp”, thì tôi chẳng thể nào đồng ý! Vậy chứ, cái xã hội Việt Nam hiện nay theo TVT, nó không “đen tối”, không “khủng khiếp” sao chứ??? TVT hãy trở về Việt Nam, đi “từ thành tới tỉnh”, tìm hiểu xem mức độ sống trung bình của người dân xem sao? TVT hãy tìm hỏi những em sinh viên đã ra trường hay sắp ra trường, hỏi các em về một dự tính tương lai như thế nào? v.v.v. Rồi TVT hãy đến Chính Trị Bộ, hỏi Đảng và Nhà Nước Việt Cộng đã có được kế sách nào khả thi cho tình hình Việt Nam hiện tại? Tự do có chưa? Dân chủ có chưa? Vấn đề Tây Nguyên? Vấn đề Tôn Giáo? Tệ nạn tham nhũng, quyền thế, hối lộ? v.v.v
Trong NĐHB lúc TVT nói chuyện với NTHB, có nhắc nhở là NTHB có dự tính trở về sinh sống ở Việt Nam. Xin mời đọc Trần Dần viết về hộ khẩu:
“Hộ Khẩu
[…] Một anh khia văn hóa là trình độ thi tú tài trượt. Mà lại biết Aêng-lê.
Cán bộ hỏi: Có đíp-lôm không?
-Không.
-Thế có certificat không?
-Cũng không.
-Thế sao khi thi tú tài trượt?
Cán bộ hỏi vậy vì không biết Hà NỘi họ như thế. Cái trò thi tú tài trượt là nhan nhãn ra, các cậu con nhà giàu, học dốt, muốn lấy vợ đều khai thế […]
Cán bộ bảo: Vậy khai là sơ học. Biết đọc biết viết.
Anh kia: Vâng, tùy ông”
(Trần Dần, Ghi, 1954-1960. td mémoire. Trang 98)
NTHB tự khai là nhà văn, nhà giáo! Nhưng trong những bài viết, hay lúc nói chuyện (trả lời phỏng vấn chẳng hạn!), lại hiếm hoi cho thấy sự “suy tư” trước khi đặt bút hay mở miệng… Như vậy, phải chăng NTHB chỉ vì dự tính trở về Việt Nam sinh sống, cần một cái Hộ Khẩu (dù rằng, hiện nay chế độ kiểm soát hộ khẩu của Nhà Nước Việt Cộng đã bãi bỏ), hay chẳng qua chỉ vì “vui tính”, nên đã hành xử không như một nhà giáo, một nhà văn… Mà hầu như, đã lấy văn chương làm một trò chơi. Trò chơi chữ nghĩa không suy tư!!!Virginia, June 1 – 2004
TNH