Trần Nghi Hoàng

 

ĐẶNG ĐÌNH HƯNG: “BẾN LẠ”,

ĐI, VỀ KHÔNG LỐI THÓAT !!!!

 

Nhà xuất bản “Văn Nghệ tphcm” nhờ Hoàng Cầm và Hoàng Hưng giới thiệu di cảo Đặng Đình Hưng. Tôi xin chép lại phần tiểu sử: Hoàng Cầm và Hoàng Hưng viết:

 

“Đặng Đình Hưng sinh 9-3-19 24 tại làng Thụy Dương, huyện Chương Mỹ, Hà Đông. Mất 21-12-1990 tại Hà Nội.

Bắt đầu làm thơ từ cuối những năm 1950, đến khi qua đời (21-12-1990) nhà hoạt động nghệ thuật Đặng Đình Hưng để lại tất cả 6 tập thơ. Tất cả đều chưa từng công bố rộng rãi, song một vài đoạn trích được in trên các báo vào dịp ông qua đời khiến công chúng thơ sửng sốt vì một tính cách thơ, một thi pháp hết sức độc đáo.

Bến Lạ là bài thơ tác giả viết trên giường bệnh lúc ông bước đến tuổi 60. Từ không gian chật chội cầm tù thân xác: Tôi cứ đi… jữa cái nong hình dáng lưng tôi…, ông hành hương vào thế giới vô tận của nội tâm.”

(NXB Văn Nghệ, tphcm, 1991)

 

Hai nhà thơ Hoàng Cầm và Hoàng Hưng đã cho chúng ta biết là “vào dịp” (may?) Đặng Đình Hưng qua đời, một số bài thơ của Đặng Đình Hưng được công bố cho công chúng thơ. Đặng Đình Hưng không phải là một tên tuổi xa lạ của cộng đồng thơ Việt Nam. Thế nhưng, thơ Đặng Đình Hưng thuộc loại ít (được) phổ biến. Một đời thơ, sáu tập thơ. Và tất cả đều chưa có tập nào (chính thức) được công bố? Cùng với Lê Đạt, Đặng Đình Hưng truy tầm hồn vía thơ theo từng con tuổi của mình. Con tuổi càng dày, hơi thở thơ của hai ông càng đi vào những ngõ ngách lộ trình riêng đầy những trúc trắc và trục trặc! Nhưng không giống Lê Đạt, Đặng Đình Hưng sống ngầm, không ồn ào và nhiều bí hiểm.

 

Tôi đã đọc (khá) nhiều thơ Lê Đạt. Và từng có viết bài nhân đọc Thụy Khuê trỗi giọng trật sol fe tấn phong Lê Đạt. Những ngõ ngách lộ trình của thơ Lê Đạt tôi không kham được. Vì nó đầy sự làm dáng kiểu cọ và kiểu cách nông cạn (không suy tư). Nhưng hôm nay, lần đầu tiên chính thức đọc được một bài thơ của Đặng Đình Hưng, tôi cảm động và cảm nhận được cái hồn vía thơ mà Đặng Đình Hưng đã truy tầm bao nhiêu năm và tích tụ thành như một thứ công lực hàm dưỡng của một tay thế ngoại kỳ nhân của Cõi Thơ.

Trước khi đi vào “Bến Lạ”, tôi muốn chép thêm đoạn cuối của Hoàng Cầm và Hoàng Hưng đã giới thiệu về Đặng Đình Hưng, mà theo tôi đây là đoạn hay nhất của bài giới thiệu:

 

“Nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM giới thiệu di cảo Bến Lạ của cố tác giả Đặng Đình Hưng như thể nghiệm thơ. Thi pháp của Bến Lạ chưa quen thuộc với bạn đọc, song bất kỳ thi pháp nào cũng ký mã một tâm sự chân thành không hề xa lạ với những ai biết lắng nghe. Xin hãy lắng nghe “thình lình một tiếng đập” trên ngực trang thơ.

(như trên)

 

Tôi đọc đoạn đầu và đoạn cuối bài giới thiệu Đặng Đình hưng của Hoàng Cầm và Hoàng Hưng. Tôi không đọc đoạn giữa, tức là đoạn hai nhà thơ cùng họ Hoàng viết về thơ Đặng Đình Hưng. Tại sao? Vẫn là “quen mất nết đi rồi!”. Tại vì tôi đang sắp viết ra đây những nhận xét, nhận thức để rồi nhận diện hơi thơ Đặng Đình Hưng đặc biệt là bài “Bến La”ï.

Xin lan man vài điều về cách sử dụng chữ của thơ Đặng Đình Hưng. Những “gi” ông viết thành “j”. “di” ông viết là “z”. “ph” ông viết “f” vân vân và vân vân.

Không ít người đã viết “phải” ra là “fải”. Một cách viết “tân kỳ” biểu tỏ sự lười biếng và … hiện sinh gì đó! Nhưng viết “dính” thành “zính”, “giữa” thành “jữa” thì Đặng Đình Hưng là người đầu tiên và cũng là nhà thơ đầu tiên.

 

Trong cách viết này, kỳ cục thay, tôi lại thấy ở Đặng Đình Hưng một sự “tận ngôn” cùng thơ! Dường như, đây là một trong những kết quả (hậu quả) do sự mải miết truy tầm của nhà thơ họ Đặng?

 

Bến Lạ:

 

“Tôi lại đi…

     jữa cái nong hình záng

     lưng tôi,

     một bảng đen trước mặt,

     một vòng phấn dưới chân,

           zính zính…

           những con 8 lộn zọc nhẵn thin nam châm gói trong hạt thóc jống của không biết.”

(Bến Lạ. ĐĐH)

 

Đặng Đình Hưng nằm đó. Nằm bệnh. Nhưng Đặng Đình Hưng lại viết thành thơ: Tôi lại đi…

 

Ông đi đâu? Đi “jữa cái nong hình záng”.

 

Ông đi vào cái cõi trong chính ông. Mặt “lưng” tựa mặt đời. Bảng đen trước mặt. Cái tấm bảng hồi tố của tâm thức. Đen. Một vòng phấn dưới chân. Tại sao không là “zưới”? Phải “cảm” được sự ma sát của từ ngữ vào “cái tâm thức bảng đen thơ”. Có những chữ như miết miết vào mặt bảng đen, mặt tâm thức. Và có những chữ chạy ơ hơ hời hợt qua luôn.

 

Và có những chữ “zính zính”…

 

“Zính zính” vào nỗi lặng im như “thóc jống” của một sự không biết. Sự không biết thơ. Không biết “sự sống”.

 

Vì nếu đã biết rồi, thì đã cùng đường của cuộc truy tầm thơ…

Những “điều quỷ ám” chạy dọc theo xương sống Đặng Đình Hưng theo cái không biết rồi cái biết:

 

“Tôi khắc biết mênh mông

   một cái bẹn Epicure ngập chìa truồng

    bốn phía cơn mưa tú lơ klhơ xanh đỏ

    con sập sành-bọ ngựa bậu vào nhảy tung!

       cõng đi chơi trên lưng Nilông-Cactông của định mệnh!

 

Tôi hề biết

   /kể cả quả mít nứt

   Tôi đã tìm ở sau cái gương

         cũng không có jì hết

   Tôi đã tiếp đau thương

        những nhỏ nhỏ thường thường

        Đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt mềm mềm

                            và rất ngon

   Tôi đã bong

Nhẹ thôi.

   \một nong nghiêng những cơn mưa ở trên lưng

     alfa cõng tôi Uynh đơ toa… tôi cõng fạt alfa.

     Có lẽ zẹt.

     Bởi ở trên ngực,

     cứ  thình thình một tiếng đập.

 

Khi trả một jờ được ngắm

vào cái ông kính đèn chiếu, chiều zọc-chiều ngang-bề ngoài-và những chiều dài zài zại zột

khi lọ mực đầy tràn những chữ Hoa còn hòa tan chưa viết qua loa vài nốt.

(như trên)

 

Cuộc lừa gạt trường kỳ và trường chinh từ những Bến Lạ của một đời thơ. Trái mít nứt sau tấm gương. Nên đương nhiên làm sao tìm ra được trái mít nứt. Tấm gương có nứt, trái mít nứt hay chẳng nứt cũng không lộ diện. (Trái mít nứt này của Đặng Đình Hưng, không dưng làm tôi liên tưởng đến Cái Bánh Vẽ của Chế Lan Viên!)

 

Tìm rồi. Không có gì hết! Nên đành “tiếp những đau thương. Những nhỏ nhỏ thường thường. Và húp những nhạt nhạt thường thường. Và rất ngon.

 

Những câu thơ sao mà bi thương! Cõng trên lưng hay bưng trên tay. Cõng bưng những lừa gạt trường kỳ và trường chinh. Chỉ vì. Trên lồng ngực cứ còn thình thình một tiếng đập.

 

Tiếng đập của bình-minh-con-người.

 

Con người từ bé thơ. Trả tiền “jờ” để được ngắm vào một cái kính tạo ảo giác trăm chiều. Trên ngòi bút mực cong môi cong lưng cong ngón tay măng viết hoài những chữ Hoa không tròn nét!

 

Và còn lại, ở một khoảnh khắc đâu đó và ở khoảnh khắc cuối đời chăng? Một chút của một câu hỏi. Không câu trả lời và ngay cả một tiếng đằng hắng hay ho khan!

 

“những tảng xuống hoàng hôn bãi cát ngoài không khí

những quả bóng cao su vô ý.”

(như trên)

 

Những quả bóng cao su “vô ý” hay những quả bóng cao su “vô lý”. Tôi thích thay hai chữ “vô lý” nằm ở câu thơ này ơn!

 

Những quả bóng cao su dù có “vô ý” đá tung vào kính của sổ của ngôi nhà hàng xóm, thì sự tức giận của người chủ nhà hàng xóm vẫn là một trạng thái vô cùng “vô lý”. Bởi “tuổi trẻ” là tuổi của “đá tung”. Để rồi đến lúc Đặng Đình Hưng tuổi già thúc thủ nằm bệnh trên giường vẫn còn nhớ tới một cái thời “vô ý”. Không. Theo tôi chẳng có thời nào “vô ý”. Mà toàn thời gian của cuộc đời phải là cái thứ thời gian thường trực thường hằng và thường xuyên “vô lý”.

 

Thời của “vô lý”. Còn lại là “hoàng hôn bãi cát ngoài không khí”. Thời gian vô lý. Không gian không còn những bãi cát những tảng xuống hoàng hôn.

 

Và dường như nhà thơ  càng sống già càng có tuổi càng bị ám ảnh của những thời tuổi thơ. Khước từ “vô lý” để biến nó thành “vô ý” chăng? Bài toán hàm số nhân gian quẫy lộn trong không gian và trong cái đầu trùng trùng phức tạp của Đặng Đình Hưng Thơ:

 

“Tôi hề hiểu, sao nhỉ, và vắt vẻo,

      con chim alfa đứng đầu nhà Mêta?

      và quanh quẩn.

     Khi ấy tôi còn bé,

         kiểng chân lên,

         bắc ghế không cao quá cái hòm nhòm nhòm… miếng ngon a đậy lồng bàn.

Mùa tròn.

(như trên)

 

Mùa tròn là mùa của Mẹ. Vì chỉ có “mùa tròn’, thì những miếng ngon đậy lồng bàn mới “khả dĩ” đến tay. Đến tay rồi chui vào mồm. Mùa tròn là mùa biết ngon. Ngon thật với miếng ngon thật.

 

Hóa ra Đặng Đình Hưng ở cái tuổi 60 thèm thuồng những miếng ăn ngon đến thế sao? Tuổi 60 nằm bệnh. Ngay cả có miếng ngon (thật), chưa chắc đã còn (răng) ăn được nữa! Không phải đâu tôi cho rằng hai chữ “miếng ngon” ở đây hàm chứa sự khắc khoải của một hiện thực nào đó. Hiện thực của lý tưởng cuộc đời hay hiện thực của một ảo thức thơ???

 

Dù gì đi nữa. Bài toán hàm số nhân gian trong ảo thức thơ Đặng Đình Hưng vẫn còn những ẩn số chưa lí giải. Chưa lí giải hay không lí giải được! Tôi tin là nếu (thực sự và thực tâm) muốn lí giải thì tất nhiên phải được. Được như thế nào thì còn tùy ở số lượng nhân gian đồng thuận hay không.

 

Có nhiều khi, cuộc lí giải chẳng có ma nào đồng thuận, lại rần rần phản đối phản bội phản bác phản trắc lại là cuộc lí giải đúng ý nhà thơ Đặng Đình Hưng nhất nhất đang ở bên kia cuộc nhân sinh.

Bởi vì, biết đâu được “cái chi tiết” bị dèm pha kia lại là cái chi tiết mà Đặng Đình Hưng đã từng “biết nhất”.

 

“Tôi hề biết những chiều zài không kilômét

     của cái đèn xếp mà tôi thích nhất.

     Cứ là cái chi tiết, cái chi tiết.

            Mà tôi biết nhất

(như trên)

 

Chiều dài của tuổi thơ, luôn là chiều dài không kílômét. Chiều dài của cái đèn xếp. Dài hơn con đường từng buổi sáng mặc quần xà lỏn chạy lăng xăng đi học. Và trốn học. Và lớn lên. Và đi tìm những Bến Lạ.

 

“Ghé bến một sớm mai zận zữ sân ga

    những ra đi alfa không báo trước Têta đi gọi người đỡ đẻ

    con cá nhỏ lượn vòng biển lạ

       buồng mình đi đứng không gõ cửa

       và vô lễ cái bút chì ngày đêm thòi thòi đòi bú

              ma lanh ngó sang một quyển sách bụng chửa tướng ló bến

                 khuôn mặt bưng một chậu jặt.”

(như trên)

 

Chuyện thường tình của đời sống tình thường. Người Bạt Mạng không khóc người Mạng Bạc!!! Gọi người đỡ đẻ cho Vợ Đẻ Con. Chậu Giặt dấu khuôn Mặt Người. Người Nào? Khuôn Mặt Thời Gian Tâm Thức. Cây bút chì vô lễ hay “vô lý”? Cây bút chì thòi thòi đòi bú ngày đêm hay “hậu quả kết quả” thường tình tình thường ngày đêm đòi bú?

 

Xem ra, cuộc nằm bệnh ở tuổi 60 (hãy còn rất trẻ!), đã đẩy đưa Đặng Đình Hưng trở về những Bến Bờ Rất Cũ. Những bến Bờ Rất Cũ đó, nay bỗng thành những Bến Lạ Khôn Cùng. Là do chính Đặng Đình Hưng đã tìm ra Những Cái Rất Lạ của Bao Điều Đã Cũ!

 

Đó là tâm thức Thơ ở giữa giờ phút tử sinh trên bến bờ của sinh tử. Đặng Đình Hưng không hề thấy cái chết Bên Kia Bờ. Ông chỉ thấy đang có Một Bến Lạ Khác đang chờ ông. Đang thôi thúc, dằn vặt ông…

 

“Vâng, tôi chán Bến Lạ

Tôi già rồi

Tôi không làm jì được quyển lịch

(như trên)

 

Tôi không tin Đặng Đình Hưng đã chán rồi Bến Lạ. Ông đang chơi trò lừa gạt chúng ta. Lừa gạt cái công chúng thơ đang ngày càng thất lạc. Đặng Đình Hưng, đã vô cùng Ích Kỷ ở cái Bến Lạ cuối cùng. Ông không muốn chia chác chỉ chỏ vẽ vời cho bất cứ ai. Ông “mệt rồi” cái trò phê bình khen chê suy tôn đạp đổ. Do đó, một đời thơ, sáu tập thơ chưa hề chính thức công bố hay phổ biến?

 

Một đời thơ, sáu tập thơ thì không phải là nhiều! Nhưng một đời thơ để tìm ra Một Bến Lạ thì xem ra chẳng phải ai cũng làm nên chuyện!

 

60 tuổi, nằm bệnh, Đặng Đình Hưng than mình già! Rồi chán Bến Lạ. Rồi “không làm jì được quyển lịch”.

Chứ bộ ông muốn làm gì cái quyển lịch vậy kìa???

 

Cái quyển lịch, những ấn chứng thời gian. Xé một ngày mất một ngày. Không xé cũng mất một ngày. Có ai khác “làm jì được” mấy cái quyển lịch???

 

Mấy tay ở tù không có quyển lịch cũng rán dùng cục gạch, miếng gỗ thậm chí móng tay của chính mình để vạch từng ngày tháng lên trên vách. Không cứ ở quyển lịch. Thời gian chạy vút tới phía trước không cần một quyển lịch. Quên thời gian đi. Quên bằng cách nào láo khoét chăng??? Bằng cách “đi jữa cái nong hình záng – lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân – zính zính”… Hay không “zính zính” cũng chẳng sao! Chỉ cần đừng rời “một bảng đen trước mặt” và cứ miệt mài đi giữa “cái nong hình záng – lưng tôi” (nằm)!!!

 

Cuộc “nằm bệnh” hay nằm “truy tìm thơ???

 

“Tôi ghé Bến Lạ cắn một quả vả và những kỳ lạ

     màu xanh chưa chín

     ngọn đèn chín rũ của lần đầu gặp gỡ

         những khoảng cách là… lạ alfa-Mêga.

 

Và lạ miệng! tìm bàn chân xào xạo của Têta,

     thì ra alfa là con số đợi ở hai vai nở vội

     tôi đuổi theo níu lại

     hai mùa

 

Tôi đi đây,

   từ mỗi ngón tay rút ra một chiếc chìa khóa chuông lách cách tra vào ổ khóa

     nằm trong ký ức bằng vàng của không khí kì lạ

     mặt hễ soi gương là một bản zạo đầu.”

(như trên)

 

Quả vả. Màu xanh chưa chín màu vàng chín rũ của lần đầu gặp gỡ hay lần cuối hay chỉ một lần gặp gỡ??? Alfa con số đợi con số của tuổi thơ. Đợi mãi đợi hoài một cái gì đó. Một cái gì không rõ mặt không biết. Níu làm sao được hai mùa. Mùa của tuổi thơ và mùa của tuổi già. Níu được chứ kìa trên tấm bảng đen tâm thức Thơ.

 

Tôi đi đây. Ông đi đâu thế ông Đặng Đình Hưng? Bởi từng chiếc chìa khóa trên mỗi ngón tay rồi sẽ có lúc lạc bầy chăng?

 

Sự lạc bầy của “những chiếc chìa khóa”. Đặng Đình Hưng đã cầm trong tay bao nhiêu là chiếc chìa khóa. Ông dấu nó cho một mình ông. Ông “diếm” nó trong “ký ức bằng vàng của không khí kì lạ”. Nhờ nó, nhờ những chiếc chìa khóa trên từng ngón tay mà mỗi bận soi gương là một bản dạo đầu.

 

Những luôn luôn bắt đầu không ngừng nghỉ. Đó là tâm thức trong tấm bảng đen Thơ của Đặng Đình Hưng chăng?

 

Và, những chiếc chìa khóa trên từng ngón tay Đặng Đình Hưng đã có khi nào thất lạc nhau. Thất lạc hay thất tán trên lộ trình rất riêng mà Đặng Đình Hưng muốn và đã đi vào Thơ?

 

Cuộc truy tầm thơ mải miết hun hút vào tấm bảng đen tâm thức trưốc mặt. Cũng đã từng va đầu vào những vách đá thâm u. Vách đá của Ý Thức Thơ trong Vô Thức Tìm Kiếm. Nhà Thơ trong Đặng Đình Hưng mang hia, đội mão. Rồi tháo bỏ yên cương. Làm con ngựa rừng, con ngựa hoang. Con ngựa của thảo nguyên của cao nguyên của sông núi của biển thẳm của oằn quại khổ đau của hoan lạc ngộp ngộp là của Bến Lạ. Những Bến Lạ. Cuối cùng, ông thấy cuộc đi của ông rốt ráo là một Cuộc Nằm. Nằm Bệnh. Và trong Cuộc Nằm đầy bí tích trắc ẩn này, Đặng Đình Hưng đã vô hồi tìm ra Bến Lạ. Cái Bến của cuộc truy lùng và truy hoan:

 

Bến lạ ngay gầm jường

mưa to ngay ở gầm bàn

và trong hòm mọi con người chở một con tàu navir trọng tải

   những hình thù Hồng hải căng lên

   những cái yếm mùi nồng của đám cưới năm ngoái hong ra

      khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại.

(như trên)

 

Những cái yếm mùi nồng! Còn những chiếc quần lót của cổ tích? Mưa to ngay ở gầm bàn. Cơn bão lớn trong tách trà nhỏ. Bến Lạ ngay gầm jường. Bến Lạ quanh quẩn không nhìn thấy không nhìn ra. Bởi con người nói chung thường chạy đi tìm cái ở xa. Cái bên ngoài. Trong mỗi con người là một chiếc tàu navir trọng tải. Trên mỗi nấm mồ là một cánh buồm đi vào vô định. (Tôi nhìn thấy từng bia mộ trong những nghĩa trang là những cánh buồm đang căng gió. Căng gió hay căng jó???)

Tôi viết hai câu đầu trong trường ca “Mở Cửa Tử Sinh”:

 

trong nghĩa trang những cánh buồm nuốt gió

và dưới các lòng mộ nguy nga…

(Trần Nghi Hoàng. Mở Cửa Tử Sinh. Trường Ca. Profess Pub. Aán hành 1997. Trang 11)

 

Đặng Đình Hưng hốt nhiên chìa tay vuốt ve những cột điện đang gục đầu. Những cột điện ngậm ngùi. Đặng Đình Hưng “khoe và đã đi”. Nhưng những cột (đèn) điện đứng lại! Vậy thì những cột đèn đứng lại và Nhà Thơ đã đang đi? Hay những cột (đèn) điện đang đi xoay vòng quanh Nhà Thơ bằng một tốc độ vun vút. Và Nhà Thơ thì chỉ đứng chôn một chỗ, hay đang nằm trên một “mặt jường” lưng áp vào quá khứ hiện tại và cả tương lai… Rồi mơ một cuộc đi???

Tôi lại đã viết:

 

lũ cột điện gục đầu rưng rức

những lời thơ tình bay lên

thành những cụm khói đen,

giăng kín bầu trời

(Trần Nghi Hoàng. Như trên. Trang 28)

 

Trong một sự tỉnh thức cực kỳ cô đơn lý thú, Đặng Đình Hưng sánh đôi cùng cái cột đèn. Cuộc se duyên âm thầm và không hứa hẹn bất kỳ một điều gì cho hậu thế. Nhưng hề chi. Biết cái không biết là biết cái vô cùng.

 

Cột đèn song song nhảy plongcon

   vào vận mệnh rồi đứng đấy gội nước hạnh phúc dài ngắn

        Ngó sang tôi lệnh khệnh

 

Cột Pumière

   cũng lễ mễ đi về Bến Lạ

       ai mà jữ lại được làn khói thuốc lá cứ cuộn khoanh

       đố anh vẽ nổi màu xanh!

(Đặng Đình Hưng. Bài đã dẫn)

 

Cái cột đèn của Đặng Đình Hưng nhảy plongcon. Cột đèn của tôi đứng gục đầu rưng rức hát thơ tình thành những cuộn khói nhà máy bay lên. Bay lên trời xanh. Nhảy plongcon hay đứng gục đầu? Cột đèn điện vẫn trong tư thế tách riêng. Tách rời. Không thế nào đứng song song hay nhảy plongcon. Cũng không thể nào có ai vẽ được màu xanh. Màu xanh nào? Xanh trời xanh? Xanh khói thuốc? Xanh khói tình? Hay cơn xanh cẩm thạch của da mặt người hết máu. Da mặt người Chết!

Đặng Đình Hưng Thơ đoài đoạn từng khúc chữ Thơ. Tôi đọc được cái cảm giác (đôi khi và lắm khi) Nhà Thơ bất lực trước Ngôn Ngữ Thơ như người họa sĩ chờn vờn bất lực trước khung vải và những màu sắc hỗn loạn trên tay.

 

Và những hình ảnh. Những khối tròn vuông dẹp xù xì gồ ghề hay gì gì đủ thứ!

 

Bến lạ gác chân lên những hình lăng

    của cái đồng hồ quả lắc khệnh khạng đưa những quả thịt chậm

   song song với những cái chai không, chia những bộ đùi e lệ

   và trí tuệ bông hoa ngây ngủ ngày ngay

   Bến lạ.

 

Song song, môi từng đôi

Vải, và cái thước mét.

Con jơi đực, và tàu lá chuối hột

Mắt đẹp, và sa mạc tờ croquis kẻ chậm

    những đường chỉ cuộn ốc…

       Lên vai những quả đèn cườm lộng lẫy

       vứt,

       vác,

       chạy,

(Như trên.)

 

Đặng Đình Hưng cực kỳ tỉ mỉ tinh tế trong những nhận xét bắt gặp ở Thế Giới Bên Ngoài. Bên Ngoài Cái Nong Hình Jáng và Bên Trong Cái Bến Lạ của ông.

 

Do Bến Lạ đôi khi chỉ là một thứ ảo giác… gần như có thực. Do Bến Lạ là Ngôi Sao Hôm không mọc. Đặng Đình Hưng từng lúc muốn tìm một “Cái Gì Đó” để “song song”. Để sánh đôi. Để cùng nhảy plongcon???

 

Chiếc nút chai ôm mặt khép chặt đùi. Không e lệ và không phô trương. (Ở đây, màn e lệ được trình diễn cho phải phép!)

 

Những đường nét croquis kẻ mắt. Kẻ trên mặt thời gian hay kẻ vào sa mạc. Sa mạc của Trí Tưởng Không Cùng.

 

Tôi không thấy được giấc ngủ Đặng Đình Hưng. Như Bồ Đề Đạt Ma đã cắt hai mi mắt trong cuộc diện bích chín năm. Đặng Đình Hưng trân trố hai con mắt không nhắm, không chớp nhìn vào Cõi Thơ.

 

Cõi Thơ có thể “ngủ ngây ngây ngủ ngáy ngày ngay. Nhưng Đặng Đình Hưng thì tôi thấy quả tình không chịu ngủ!

 

Cuộc tắm gội nước hạnh phúc của vận mệnh là cái cột đèn. Không phải Đặng Đình Hưng. Dù ông đã cố công đứng “song song” với cột đèn. Dài ngắn gì gì vẫn cái cột đèn khệnh khạng ngó sang ông. Lạnh lùng. Khinh khỉnh chăng?

 

Những quả cườm cho Người Chết. Đặng Đình Hưng vác lên vai. Rồi vứt. Rồi chạy. Rồi vác… Nhưng Bến Lạ vốn là những phút giây như vậy như vậy. Những phút giây vầy tiệc cùng ma quỷ và thánh thần:

 

Tôi ăn tiệc

   bộ tóc nguyên thủy lườm tôi bê bết tái

   nó cắn một nửa… cắn ¾

      cắn còn một tị… chỉ một tị nữa thôi. Vào hội đi!

     Còn một miếng cuối cùng. Không mất tiền. Gratis – dernière catusơ,

         Hút!

 

Tôi đi đây,

đi tìm  chơi với cái nút chai.

 

Nhưng không! hãy nói chuyện.

 

Thì ra thèm muốn là một thỏi fấn

(Như trên)

 

Một lần nữa, Thơ Đặng Đình Hưng làm tôi nhớ tới Thơ Chiếc Bánh Vẽ của Chế Lan Viên.

 

Nó cắn một nửa. Nó cắn ¾. Cắn còn một tị.

 

Vào cuộc chăng? Đặng Đình Hưng có vào cuộc? Cuộc chơi đời hay là Cuộc Thơ? Dường như ông đã không vào cuộc. Hay Đặng Đình Hưng đã vào cuộc bằng Cách Riêng của ông. Ông vào Cuộc Lạ để tìm Bến Lạ, phải chăng?

 

Dù Đặng Đình Hưng có vào cuộc (hội), rồi ông cũng sẽ bỏ đi. Như đã luôn bò đi bỏ đi từng giây phút.

 

Ông nói: Tôi đi đây. Ông đi tìm chơi với cái nút chai. Nhưng rồi ông “ngưng” chơi và đề nghị “hãy nói chuyện”. À thì ra, thèm muốn là một thỏi fấn. Để làm gì??? Để làm gì với thỏi fấn đó???

 

Là để vẽ những nét Thơ, chữ Thơ vào Tấm Bảng Đen Hồi Tố của Tâm Thức Bản Lai.

 

Của chính ông. Của chính Đặng Đình Hưng.

 

Và đoạn Thơ khá dài trong Bến Lạ, tôi sắp trích dưới đây là chiêu thức Hồi Tố từ Tâm Thức Bảng Đen của Đặng Đình Hưng. Màu “fấn” không quen. Không trắng và không mùi. À không! Nó có mùi của “tưởng niệm và vinh danh” chứ! Tôi chắc tôi không lầm:

 

Nói thật

   Tôi 80 tuổi rồi

      Bao nhiêu lần răng rụng, răng mọc, và húi tóc.

      Có lần,

      Tôi nhận mặt… một cái chai đánh mất hàng đồng nát.

mang máng bên tai bằng thiếc, và một cái hộp

 

và nói thật,

trong đôi guốc, tôi chú ý nhất cái chật chật của đôi quai

 

Ngộ nhỡ 40 tuổi, tôi fai 40 đôi vai hể tuổi 42

      là có cái lưng zài

      40 cái mâm

      40 đôi đũa

 

Mỗi ăn xong

lại một rửa mồm

      40 bánh xà phòng

            Nhưng

            Tôi 50 tuổi rồi

Tôi đang trẻ lại đây

Hình nh tôi đã đi nhuộm tóc

50 tuổi rồi

Jùng jì đến 50 gói kẹo?

(Như trên)

 

Đặng Đình Hưng tuyên bố ông 80 tuổi rồi là hãy còn ít! Tuổi của thi sĩ không tính bằng năm, mà phải tính bằng thế kỷ! Theo tôi, một người “thực sự làm Thơ”, hắn sống gấp 365 lần một người không làm thơ. Mỗi một ngày của Thi Sĩ bằng 365 ngày của một kẻ không thi sĩ. Tức là, mỗi ngày của một người Thơ bằng một năm của những kẻ Không Thơ.

 

Và Người Làm Thơ sống bằng và sống bởi Cái Chật Chật của đôi quai guốc!!! Hạnh phúc, hoan lạc nằm trong sự (trong nỗi) khó chịu (dịu dàng) không dịu dàng chăng??? Tôi không thể nào có câu trả lời cho vấn nạn này. Xin lỗi… dù sao!!! Cũng nên gửi vào Tấm Bảng Đen Hồi Tố Của Tâm Thức một mũi tên cuồng nộ ra gì… Biết đâu, mũi tên này lại chả trúng vào Hồng Tâm của một Bến Lạ Tân Kỳ Hoang Sơ Cổ Đại.

 

Đặng Đình Hưng 50 tuổi là Đặng Đình Hưng đang trẻ lại. Thi sĩ đang trẻ lại. Không cần nhuộm tóc. Mỗi lần ăn xong cũng không cần rửa mồm đâu! Hãy để cho nhân gian trần gian làm công việc rửa mồm cho Thi Sĩ.  Ồ! Cái bọn chẳng hiểu gì!!!

 

Dùng gì đến 50 gói kẹo? Còn chi là răng với lợi! Nhưng vấn đề là, 50 tuổi Thi Sĩ đã rụng hết răng, chỉ còn lợi. Còn lợi là có lời!

 

         hễ mưa, một cái túi to

         tôi ra đường vồ sẹo

tôi, 50 tuổi rồi

                   50 khá

                   50 tồi

                   50 lời

                   50 lưỡi zao cạo

Vậy:

         tôi vẫn cần zùng

         đúng 50 đôi môi

(Như trên)

 

Bé thơ bé thơ. Ra đường vồ kẹo. 50 tuổi. Đặng Đình Hưng Thơ ra đường vồ SẸO. Thi Sĩ trẻ lại giữa SẸO và KẸO. Dao cạo chỉ là để dành. Cho một Cắt Chia Môi Miệng. Do Lời Nói chẳng khi nào Có Bao Giờ đủ nghĩa. Và Lời Thơ thì ô hô lại càng phiền phức tạp vô cùng. Khó bề lí giải với 50 lưỡi dao cạo về cái Khá 50. Cái Tồi 50. Nhưng cái Lời (Lỗ) 50 thì dường như có thể giải bày đôi chút.

 

Con số 50 là một ám ảnh. Con số 80 bỗng thành trò chơi. Những con 40 hay 42 chỉ là những trạm dừng đổ xăng uống trà và xơi kẹo. Lại KẸO hay là SẸO. Những vết SẸO trên đường THƠ?

 

Và những con số THƠ.

 

Thật đấy! cứ là bẽ đôi

Thế kỷ ơi! lại đây ta zắt đi chơi

           Cõng thóc tôi về cây 91

                                         kilômét 1

           91 lần mất

                      mất tuột

Ai cũng buồn cười

cái chai cũng buồn cười

. . . . .

91 lần thôi bú

91 lần tôi đứng đến gout tôi zẫn tôi đi chơi lon ton vào một cái chợ toàn hoa zâm bụt

   91 lần bắt được

   91 lần chật ních, hích, răng rụng hết, cầm lên bằng mắt rứt rứt…

Vậy, ngã tư 91

                 tuổi lên 1

                           tôi khóc

91 lần thuốc lá,

                          trầm ngâm…..

91 lần tha thứ hẳn!

(Như trên)

 

91 hay lên 1 thì cũng đều hay khóc hay tủi thân! Và 91 hay lên 1, thì cũng đều có những món mà “chỉ có thể cầm lên bằng mắt và rứt rứt”… Lại nữa, 91 hay lên 1, thì cũng đều có những cái sợ…

 

Nhưng đã có ai 91 lần không y hẹn

                  91 lần sợ

                  những cái ngăn ngắn

                  sợ tắm!

(Như trên)

 

91 lần không y hẹn là một sự thề nguyền trầm trọng. Điều này có gì như không ổn! Vì những gì trầm trọng không tồn tại (ỷ lại) vào tuổi 91 và tuổi lên 1.

 

Đặng Đình Hưng Phản Lão Hoàn Đồng? Không Lão Già cũng chính là Bé Thơ và do đó, cuộc truy tìm Thơ phải chăng là cuộc truy tìm Sự Tinh Khiết Đầu Tiên?

 

Chào đi! tôi trở về lên 1,

    những hạt đỗ trắng, đen rơi quanh cái gối gỗ đầu jường

    xuống sàn và mọc mầm, kệ tồ tồ đứa bé cứ việc đái zầm

      đêm đau thương không để cách đêm phải hâm lên mới zùng được.

(Như trên)

 

Tuổi lên 1 đái dầm và đêm đau thương. Nghe chừng như trái chướng. Nhưng đó là nỗi Thật thê thiết của Con Người. Nhất là một Con Người Thơ!

 

Những hạt đỗ Trắng và Đen những sự Đúng và Sai? Nhưng thực ra có gì Đúng và có gì Sai giữa Một Cõi Thơ Mênh Mông?

 

Điều nhất thiết đầu tiên và cuối cùng là Thơ cứ phải là Thơ trước đã.

 

Còn lại là Hư Vô Nghĩa Lý!

 

Cuộc hoan lạc Thơ thắp nến đi Một Mình giữa Đêm Trung Thu Thi Sĩ và Chỉ Một Mình.

 

Lên 1 tuổi vườn hoa vừa zẫn người nhà đi bệnh viện

   cái Bến lạ của tình bạn tình vợ nợ nan và lòng can đảm thật bình thường

   song song với mồm cái vòi ấm cứ ngồi xem và buồn cười

   những khuôn mặt xếp hàng thợ cạo chìa ra yên trí cạo fẳng lì

   những cái sẹo của thời jan đá xóa cùng lố nhố

những khoai tây ngược xuôi đi tìm

       Bến lạ

               jữa buồng mình

(Như trên)

 

“cái Bến lạ của tình bạn tình vợ nợ nan và lòng can đảm bình thường”. Đặng Đình Hưng xưng gọi những “cái bình thường thế tục” đó là lòng can đảm! Tôi lại thấy lòng can đảm thực sự khi “song song với mồm cái vòi ấm cứ ngồi xem mà buồn cười”. Ôi cái vòi ấm. Biểu tượng của hiếu chiến gây hấn chiếm đoạt xâm lăng xâm lược cò kè gùn ghè gây sự và đủ thứ nhiêu khê.

 

Làm sao khế hiệp được cái vòi ấm và Tấm Bảng Đen Hồi Tố Của Tâm Thức?

 

Bến Lạ. Giữa buồng mình trên đầu giường quen. Hay Bến Lạ nằm trong Cái Vòi Ấm song song với Cái Mồm?

Cách cuối cùng và duy nhất, theo tôi là phải biến hóa sao cho “cái vòi ấm” thành “Thỏi Phấn” để Viết Ra Thơ.

 

Cách này đến nay vẫn còn là một bí truyền hay đã thất truyền.

 

Virginia, Dec 07 – 2004

 

Trần Nghi Hoàng