Trần Nghi Hoàng

đọc "Nếu Đi Hết Biển…" của Trần Văn Thủy.

NHỮNG NHỊP CẦU TRE - KHÔNG THỂ NỐI ĐƯỢC HAI BỜ CỦA MỘT ĐẠI DƯƠNG!

CAO XUÂN HUY và MỘT GIẤC MƠ BUỒN!!!

 Chưa khi nào tôi nghĩ là mình sẽ viết về Cao Xuân Huy (CXH). Nhất là, lại viết về CXH trong một trường hợp khá tế nhị như thế này!

 Tôi và CXH đã có với nhau ít ra dăm ba bữa ruợu. Nhưng trong trí nhớ đầy ắp và hỗn loạn những màu sắc, những tình cảm tình tiết không biết phải bắt đầu và lần mò từ đâu trong cái quá khứ trùng trùng sóng gió của tôi, tôi còn nhớ hai bữa ruợu với CXH. Một bữa ở Cao Sơn Nam Cali rất tình cờ và có nhiều nhân vật khác như Vô Thường (đã chết), Lê Uyên, bà Đặng Tuyết Mai và ông Hiển v.v... Bữa ruợu thứ hai chỉ có CXH và tôi ở trong một cái công viên hoang dã, dường như tên là Long Park ở San Jose, Bắc Cali.

 Từ bữa ruợu ở Long Park San Jose đến nay đã hơn mười năm. Có thể là đã mười lăm năm. Hôm đó, Huy từ Orange County lên San Jose. Tưởng Năng Tiến đang bận làm việc. Tôi xách một chai Remy Martin, vài gói khô bò Mỹ, một bịch đậu phọng da cá (?) và Huy vào Long Park. Ba giờ chiều. Hai thằng ngồi tì tì chơi hơn nửa chai Remy. Một anh Mỹ đen mặc áo có phù hiệu Ranger tấp cái xe Wrangler màu đỏ vào chỗ gốc cây mà tôi và Huy đang ngất ngưỡng. Mặt trời bốn giờ chiều vẫn còn phừng phừng. Mặt tôi và Huy chắc cũng đang phừng phừng. Tay ranger nhảy xuống xe, hất cằm:

 “Ê! Bộ mấy cha không biết là trong park cấm... nhậu sao?

Tôi cười cười đứng lên:

“Biết thì có biết chớ! Nhưng tụi tao đâu có... nhậu. Tui tao chỉ... uống ruợu thôi mà! Làm một shot đi! Cognac nghe!”

Huy cầm chai cognac, rót vào cái ly giấy có vài cục đá. Tay ranger ngần ngừ trong một giây, bỗng toét miệng cười đưa tay đón ly ruợu từ tay Huy:

“Mấy cha thiệt là... “

Tay ranger nốc ly cognac. Huy rót thêm một ly. Tay ranger chơi luôn một hơi. Huy nói:

“Ê! Ngồi xuống đi. Tụi tao bạn lâu ngaỳ gặp nhau, chỉ uống với nhau vài ly rượu và nhắc chuyện “quê nhà” ấy mà.”

Tay ranger khoát tay:

“Tụi mày ở đây chờ tao. Tao sẽ trở lại ngay.”

 Tay ranger nhảy lên xe, phóng đi. Chừng đâu mươi, mười lăm phút sau, hắn ta trở lại với một “vali” beer lạnh, một bịch giấy đầy mấy thứ loan ngổn trên tay. Tay ranger quả tình muốn nhập cuộc chơi với tôi và CXH.

 Tôi không còn nhớ rõ lắm câu chuyện giữa hai tên Việt tị nạn và một tên Mỹ đen ngày hôm đó. Chỉ nhớ mang máng là tôi và Huy đã nói với tên Mỹ đen về đất nước Việt Nam, về nỗi đau của những con người phải rời bỏ quê hương, về chủ nghĩa và “tụi” Cộng Sản mê muội chẳng biết phân biệt đâu là hạnh phúc cho người dân và tiến bộ an bình cho đất nước. Huy nói khá nhiều. Huy uống hào phóng. Khuôn mặt rám nắng. Mái tóc lởm chởm ngắn như vẫn luôn vừa cạo đầu từ hai tuần trước! 

 CXH là như vậy. Bổ bã và tình cảm... không phải tiểu tư sản, mà là giang hồ.

 Huy đã đem cái giang hồ của một tay trung úy Thủy Quân Lục Chiến miền Nam giờ là... nhà văn lưu vong, để “tiếp đãi” một cán bộ văn hóa Việt Cộng đang thi hành nhiệm vụ!!!

 CXH lái xe đi đón, vui vẻ trò chuyện với Trần Văn Thủy (TVT). CXH “tin” là TVT vẫn chưa biết Huy là con của trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng miền Bắc: Cao Nhị! Tôi thì tôi không tin như vậy. Tôi có thể đoan chắc là TVT đã biết CXH là con của ông Cao Nhị trước khi hai người gặp nhau. CXH gặp TVT có thể do tình cờ hay gạch nối Hoàng Khởi Phong (HKP). Nhưng TVT thì dễ gì trước khi ra khỏi Việt Nam, lên đường đi công tác, đã chẳng làm “home work” về những tên tuổi mà mình sắp gặp! Những tên tuổi có thể do William Joner chọn, cũng có thể do TVT đề nghị qua sự điều nghiên của những tay chuyên môn ở Chính Trị Bộ. Tôi không “tâng bốc” quá đáng về guồng máy điều hành và cai trị đất nước Việt Nam hiện nay của Đảng Cộng Sản Việt Nam đâu! Mà tôi tin đó là những điều “căn bản” nhất của guồng máy điều hành chặc chẽ này. CXH nói với TVT:

 “Lúc ở tù, tôi không muốn liên lạc với bố, vì không biết ông cụ có nhận thằng sĩ quan “ngụy” này là con không, đồng thời cũng lại sợ ông cụ sẽ bị liên lụy vì có thằng con “có nợ máu với nhân dân”.

(NĐHB, trang 61)

 Tuy nhiên, bố của CXH đã tìm vào thăm Huy với một ba lô đồ thăm nuôi. Xin đọc tiếp:

“Trời! Có ngoài mơ ước của tôi không? Tôi được bố vào thăm! Bố đã đi tìm tôi! Mặc dù tôi không được gặp bố và cũng không nhận được cái ba lô “thăm nuôi”. Tôi đờ đẫn vì những hình ảnh mơ hồ về bố.”

 TVT: Sau đó anh có nhận được cái ba lô không?

 CXH: Cái ba lô thăm nuôi lúc đó là cả một gia tài lớn, tôi tưởng chỉ lớn với thằng tù là tôi, hóa ra cũng lớn cả với cán bộ trại, thành ra, trên nguyên tắc, và với bố tôi, tôi được nhận, nhưng trên thực tế, và với riêng tôi, tôi không nhận được. Bài học tập chính trị nằm lòng: “Cách mạng đã tha tội chết cho các anh…” Tôi thầm nghĩ, tha chết là mừng rồi, còn cái ba lô không “tha”, thì có sao đâu, phải không anh, chỉ nghĩ thương bố thân già lặn lội đường rừng, hăm hở đi tìm con, đến nơi, không được cho gặp, lủi thủi quay về, tôi buồn. Nhưng mặt khác, thấy bố không được “ưu tiên”, tôi lại mừng, vì điều này chứng tỏ bố không thuộc thành phần… “nhân dân”, và như thế, tôi không có “nợ máu” gì với ông cả, hên quá.”

(NĐHB, trang 61)

 Không thấy TVT có ý kiến gì sự vụ “cái ba lô thăm nuôi” mà CXH trên nguyên tắc là “được nhận”, nhưng trên thực tế là “không nhận được”! Chúng ta sẽ tìm thấy cái lối “lãng tránh vấn đề” một cách tài tình của TVT trong suốt tập sách “Nếu Đi Hết Biển”, về sau… CXH đã biểu tỏ hoàn toàn cái tính chất “Người” của Huy trong những lời tán thán về sự việc bố Huy đi tìm thăm anh. CXH hết sức xúc động khi biết bố tìm thăm mình dù rằng hai bố con đã không được “phép” gặp mặt nhau. Tôi không hiểu được khi cán bộ quản giáo báo tin cho CXH biết là có bố Huy vào thăm, “ông cụ về rồi, có gửi lại cho anh một ba lô thăm nuôi”, nhưng sau đó đã tảng lờ việc đưa cho Huy cái ba lô do bố ruột của Huy đã lặn lội mang đến cho con mình, phải được “giải thích” như thế nào cho thỏa đáng???!!! Và “ai” sẽ là người có trách nhiệm và bổn phận giải thích những sự việc như thế này???

 Chẳng phải Việt Cộng chiến thắng, chiếm được miền Nam, để mang “hòa bình, tiến bộ” đến cho toàn dân sau khi đã “thống nhất” lãnh thổ, là nguyên lý tối hậu đã được đề cao và tuyên truyền đó sao? Vậy mà những người tù đã bị quản giáo ăn chặn đồ thăm nuôi của gia đình tù mang đến, là sao? Quản giáo ăn chặn đồ thăm nuôi tù. Quan lại ăn chặn của dân, của lính. Các lãnh tụ chóp bu ăn chặn trên đầu trên cổ của đất nước. Như vậy, cuộc “cách mạng chiến đấu thần thánh” gì đó của Đảng Cộng Sản Việt Nam, là để làm gì???

 Và CXH kể tiếp, về diễn tiến sự việc hai bố con CXH đã gặp nhau lần đầu như thế nào:

 “Đang lao động thì cán bộ sai tôi vác ghế vào nhà thăm nuôi, khi gần đến nhà thăm nuôi, tôi bỗng nghe có tiếng hỏi phía sau lưng: “Beng đấy hả?” Tôi giật mình, chỉ có những người trong gia đình mới biết cái tên cúng cơm này. Tôi quay lại, một ông già tay khoác túi vải, tay cầm cái điếu cày, từ một nhánh đường mòn nhỏ ven đồi bước ra, long thong đi sau lưng tôi. Nhìn ông, tôi biết ngay là bố mình anh ạ. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. . . .  . Trong nhà thăm nuôi, một cán bộ trại đã ngồi sẵn. Như anh biết, bố tôi là người ít nói, và thú thật với anh, tôi cũng ít nói y như ông cụ vậy. “Mày có khỏe không?” “Dạ, con khỏe.” “Mày có nhận ngay ra bố không? “Dạ, con có nhận ra.” “Mày ăn thịt gà đi, thịt gà này chú Phùng Quán làm cho mày đấy.” “Mình có họ với chú Phùng Quán hả bố?” “Không, nhưng chú ấy xem tao như anh.” Tôi xúc động ứa nước mắt anh ạ, và cảm thấy hãnh diện về ông bố của mình, vì ông thân với Phùng Quán, một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, có những câu thơ tôi thuộc lòng từ ngày còn bé: “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét; Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu…”

(NĐHB, trang 62)

 CXH đã yêu những câu thơ lừng lẫy của Phùng Quán. Vì vậy, Huy đã hảnh diện về bố mình, vì ông bố Huy thân với Phùng Quán. Nhưng CXH đã trích lơ lững những câu thơ của họ Phùng. Tôi xin thêm: “. . . . Dù ai ngon ngọt nuông chìu; Cũng không nói yêu thành ghét…” Tôi tạm tin là “dù ai cầm dao dọa giết…”, CXH cũng sẽ không nói ghét thành yêu. Tôi cũng tạm tin là “dù ai ngon ngọt nuông chìu…”, Huy cũng sẽ không nói yêu thành ghét. Nhưng tôi có thể hình dung, mường tượng ra được CXH sẽ rất dễ mở lòng ra với những kẻ không đáng cho Huy mở lòng. Xin gửi CXH một đoạn trích từ trong “Ghi” của Trần Dần:

 “Cư xử: Khi lên nghĩ tới khi xuống. Khi xuống nghĩ tới khi lên.

Phận dưới chớ có phạm trên.

“Bố mày, mày cũng không tin được”, câu chuyện LĐạt kể đáng nhớ.

Nhưng lại nên nhớ: cuộc sống rất bao dung.

Không nên kết bè, không nên vui thú với kẻ ham vui, không nên thân thiết với kẻ ham địa vị.

Dang tay thật rộng, yêu mến từ con người xấu nhất, nhưng đừng mở bụng cho tất cả mọi người xem, nhất là đừng mở bụng cho bọn địa vị, hưởng lạc.

Nhiều lắm, nhiều lắm.

Nói chung nhiều câu tục ngữ, ca dao cũ nói về tình đời, tôi đã nghiệm thấy rất đúng.”

(Trần Dần, “ghi”, td mémoire 2001, Paris. Trang 79)

 Trần Dần làmột trong những người có thẩm quyền nhất khi đưa ra những suy luận và kết luận về tình người hay tình đời trong xã hội Việt Cộng. Trần Dần đã tự dặn dò là, dù “yêu mến từ con người xấu nhất”, nhưng chớ có nên mở lòng ra với tất cả mọi người! Tôi thì xin thêm một câu: “Nhất là với những tay cán bộ Việt Cộng đang thì hành công tác như TVT”.

 Trần Dần lại dặn dò (chính ông): Không nên kết bè, không nên vui thú với kẻ ham vui, không nên thân thiết với kẻ ham địa vị.

 TVT là ai? Một người ham vui? Một kẻ ham địa vị? Tôi chỉ biết chắc chắn TVT là một cán bộ văn hóa của Nhà Nước và Đảng Việt Cộng đang thi hành công tác. Công tác “giao lưu văn hóa” với giới trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam lưu vong. Công tác “lôi kéo khúc ruột ngàn dặm” về lại với Đảng và “Quê Nhà và Dân Tộc”!!!

 Lê Đạt kể chuyện cho Trần Dần. Câu chuyện ra sao không thấy Trần dần kể lại. Nhưng Trần Dần chỉ ghi xuống cái câu để đời của Lê Đạt: “Bố mày, mày cũng không tin được!” Và Lê Đạt cũng lại là một trong những người có thẩm quyền nhất để nói về tình đời, tình người và tình Đảng Việt Cộng của cái Xã Hội Chủ Nghĩ Cộng Sản Việt Nam.

 Đó là xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước Việt Cộng! Trần Dần triết lý từ bi nhà Phật yêu mến từ con người xấu nhất! Nhưng Trần Dần cùng lúc tự dặn yêu mến khác với tin tưởng! Vì chẳng thể tin tưởng ai trong cái xã hội chủ nghĩa Việt Cộng, nên yêu thì cứ yêu nhưng chớ có dại mà mở lòng mình ra cho người ta biết là mình đang suy gì nghĩ gì. Vì đấy là con đường chết!

Hãy nhìn cảnh bố con CXH gặp nhau lần thứ nhì, sau khi CXH ra tù:

 “Hai hôm sau, khi được ra khỏi trại tù, tôi đến tìm bố ở một khách sạn ngoài Huế. Nhìn vẻ hoảng hốt của ông cụ khi thấy tôi trong bộ quần áo tù, ông hẹn tôi vội vàng là đến chiều ra cái quán cóc ở bờ sông Hương, tôi thấy thương bố quá.. . .”

(NĐHB, trang 62)

 CXH không đau lòng, tủi thân vì ông bố đã hoảng hốt khi thấy Huy đến tìm ông ở khách sạn trong bộ đồ tù! CXH thương bố quá! Ông bố CXH chẳng phải không tin ông, không tin ở thằng con “lính ngụy” tên “Beng” của ông (vì có gì để mà tin hay không tin trong hoàn cảnh này giữa hai bố con CXH!!!). Nhưng ông bố CXH đã không tin tưởng một chút nào ở cái guồng máy, cái xã hội mà ông từng sống trong và với nó trong bao nhiêu năm qua. Cái guồng máy, cái chế độ Việt Cộng không cần cảm thông và tìm hiểu bất cứ thứ gì trong các loại tình cảm của con người!!! Ông hoảng hốt là phải! Ông không là thành phần… nhân dân (chữ của CXH). Mà tôi tin nếu ông là thành phần… nhân dân, tức là thành phần máu thịt của Đảng Việt Cộng, thì ông sẽ lại càng hoảng hốt sợ hãi hơn khi có thằng con “lính ngụy” ra tù tìm đến khách sạn thăm ông! Địa vị, quyền chức của ông lúc đó, nếu có, chẳng biết tai họa nào và lúc nào sẽ giáng xuống ông.

 Chúng ta hãy cùng nghe CXH kể tiếp về bố:

“Buổi chiều tối, hai cha con ngồi nói chuyện với nhau. Tôi đã hơn 30 tuổi, đây là lần đầu tiên, hai bố con mới thật sự được nói chuyện với nhau. Đủ thứ chuyện lan man, nhưng tôi nhớ nhất câu hỏi của bố. Ông vừa cười vừa nói: “Mày ghét Cộng Sản lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn này?” Tôi nói: “Ghét thì con không ghét, có thù oán gì đâu, nhưng gặp đâu thì bắn đó”. “Thế mày bắn luôn cả bố mày à?”…

(NĐHB, Trang 62 & 63)

 CXH đi lính, đánh giặc không vì lòng thù hận, như anh sẽ nói ở một phần sau: “Vốn dĩ, tôi là người ghét chiến tranh. Tôi rất buồn chuyện anh em, vì ở hai miền của đất nước mà phải bắn giết lẫn nhau.”

(NĐHB, trang 64)

 Vậy, CXH trả lời bố gặp Cộng Sản đâu thì bắn đó, có nghĩa là Huy bắn vào chiến tranh. Vì Cộng Sản là nguồn gốc và biểu tượng của chiến tranh. Những gì là đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng. Đấu tranh ý thức hệ v.v…. Con người Cộng Sản luôn đặt để ra những mục tiêu, những đối tượng để gây chiến. Hãy nghe CXH “đặt vấn đề” với TVT, mà theo tôi, đây là một cách “đặt vấn đề với cái đầu gối” của chính mình (!):

 “Những kỷ niệm về chiến trận, những kỷ niệm về tù đày thì nhiều, nhiều lắm. Vui buồn đều có cả. Nhưng điều đáng nhớ nhất lại không ở chuyện đánh trận hay tù đày, mà lại là chuyện không bảo vệ được lãnh thổ, anh ạ. Tôi kể anh nghe. Tết năm 74, tiểu đoàn tôi đang nằm ứng chiến ở Phú Bài, Huế, thì Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa. Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Quân Đoàn I, tiểu đoàn tôi là lực lượng trừ bị của Quân Đoàn, được lệnh chuẩn bị ra đánh lấy lại Hoàng Sa. . . . . Gì chứ đánh nhau để bảo toàn lãnh thổ, lính tráng tụi tôi thằng nào cũng háo hức, tuy biết rõ rằng đi là chết, nhưng đánh nhau để giành lại đất nước, từ quan đến lính chúng tôi, thằng nào cũng hăm hở. Nhưng, ngay lúc đó, mặt trận trong nội địa miền Trung cùng lúc nở rộ, những cuộc tấn công lớn của các đơn vị Bắc Việt đã cầm chân chúng tôi. Để đối phó với các đơn vị Bắc Việt, chúng tôi đã không có lệnh xuất quân đến Hoàng Sa. Tin tức và hình ảnh về những chiếc tàu Hãi Quân trên đường ra cứu Hoàng Sa bị bắn chìm, những người lính đồn trú ở Hoàng Sa bị Trung Cộng bắt, rồi được trao trả từ tận… bên Tàu, làm chúng tôi thấy nhục. Nhục chứ anh, địa danh nào trong tay Miền Bắc hay Miền Nam thì cũng vẫn là của người Việt Nam. Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm, mà không lấy lại, tôi nghĩ, miền Bắc và cả Miền Nam, đều có tội với tổ tiên, với cha ông, dung túng cho đô hộ hay nô lệ Tàu hay Tây gì cũng tội ngang nhau. “Một ngàn năm nộ lệ giặc Tàu”, Hoàng Sa còn. “Một trăm năm đô hộ giặc Tây”, Hoàng sa còn. Ông cha ta chèo thuyền, going buồm mà vẫn bảo vệ được những hòn đảo nhỏ xíu ở tít tận mù khơi. Vậy mà bây giờ, quân đội hai miền tự nhận là thiện chiến nhất nhì thế giới, lại bỏ mặc một phần lãnh thổ lọt vào tay ngoại bang. Tôi hỏi anh chứ, chính anh, anh có thấy nhục không? Một trăm năm, một nghìn năm nữa, hay đến tận bao giờ chúng ta mới lấy lại được Hoàng Sa? Đã mất, hay sẽ còn mất thêm?. . . .”

(NĐHB, trang 63 & 64)

 Chẳng thấy TVT trả lời CXH là “có NHỤC hay không”. Chỉ thấy TVT tảng lờ câu trả lời, và chỉ hỏi CXH tiếp về chuyện có gặp ông Cao Nhị, bố của Huy nữa hay không!

 Chuyện CXH có gặp ông bố Cao Nhị nữa hay không, nó quan trọng với CXH và không quan trọng với cái chia lìa, mất mát chung của cả một dân tộc. Mất Hoàng Sa là cái đau chung của cả dân tộc Việt Nam. Nhưng chưa chắc đó là cái đau của những con người Việt Cộng. CXH đã quên trong thời gian cuộc chiến Nam Bắc, cuộc chiến Cộng Sản và Cộng Hòa Việt Nam, Trung Cộng đang là đồng minh đồng chí của Việt Cộng. Sự vụ Trung Cộng tấn công Hoàng Sa và ngay sau đó Việt Cộng mở chiến dịch lớn cùng rộ tấn công các mặt trận Miền Trung, biết đâu lại là nằm trong chiến lược “song thủ hổ bác” hay làm rối trí và thất tán sự tập trung của quân đội Miền Nam???!!! Như vậy, đương nhiên là TVT không thấy NHỤC. Vì bằng chứng đã rõ, lãnh tụ Việt Cộng Miền Bắc đã tiếp tục ký “văn bản” dâng thêm những vùng đất sát biên giới Việt Hoa ở Bản Giốc cho Trung Cộng! Rồi Aûi Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ? TVT làm sao mà thấy NHỤC, bởi vì sự vụ để cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, hồi 1974; hay lãnh tụ Việt Cộng ký “văn bản” dâng thêm đất cho Trung Cộng từ bấy lâu nay và đã bị dấu diếm, phải chăng là một cuộc trao đổi, trả giá cho ván bài đồng minh tiếp sức để tấn chiếm miền Nam Việt Nam???

 Điều đáng nói la,ø sự ngây thơ rất chân thành, hay chân thành một cách ngây thơ của CXH. CXH đã đặt câu hỏi với ít nhiều hãnh diện về sự thiện chiến của hai miền Nam Bắc Việt Nam thời đó. Phải chăng, CXH đã thoáng có một ý nghĩ trong đầu và muốn nói với TVT là phải chi quân đội của hai miền đất nước, “tụi mình” cùng “bắt tay” nhau, kéo ra Hoàng Sa cùng sống mái với quân thù Trung Cộng, chiếm lại đất đai của tổ tiên cha ông đã để lại cho chúng ta???!!!

 “Giấc Mơ” của CXH nó đẹp làm sao!!! Nhưng đó chỉ là giấc mơ của một con người Việt Nam Nhân Bản và Yêu Nước và Ngây Thơ. Đó không phải là “Giấc Mơ” của những con người Việt Cộng!

 Đối với những con người Việt Cộng, những con người Việt Nam say sưa với chủ nghĩa Marxism, chuyện “dân tộc” hay “đất nước” chỉ là thứ yếu! Chủ nghĩa Xã Hội Cộng Sản và mục tiêu “đại đồng thế giới” mới là trên hết. Hai chữ “dân tộc” và “đất nước”, với con người Cộng Sản, chỉ là một thứ chiêu bài, một thứ mồi “giả hiệu” để chiêu dụ những người Việt lưu vong thường thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, một nơi mà mọi người Việt Nam lưu xứ tị nạn đều gọi là “quê nhà”.

 CXH hỏi TVT là đến bao giờ chúng ta (???) mới lấy lại được Hoàng Sa!!! Một trăm năm, một nghìn năm nữa, hay . . . . sẽ còn mất thêm những phần đất khác! CXH dường như đã không nhớ đến Bản Giốc, đến biên giới Việt Hoa và những phần đất còn lại của đất nước Việt Nam mà những người Việt từ trong nước cho tới lưu vong ở hải ngoại chỉ mới biết cách đây dăm ba năm, là đã “được” các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam đồng tâm hiệp lực “ký văn bản” hiến dâng cho Trung Quốc! Ôi! Những phần đất còn lại của Việt Nam, chưa biết số phận sẽ ra sao dưới sự cai trị, lèo lái của Đảng và Nhà Nước Việt Cộng.

 Vậy mà, CXH đã từng mơ giấc mơ hai miền Nam Bắc chúng mình tự hào là hai miền với hai đoàn quân thiện chiến nhất thế giới… sẽ “nắm tay nhau” cùng đánh đuổi Trung Cộng xâm lăng, giữ gìn quê cha đất tổ.

 Bài viết này, mới đầu chỉ có tên là: “Cao Xuân Huy: Một Giấc Mơ”. Nhưng giờ tôi quyết định thêm chữ “Buồn” sau ba chữ Một Giấc Mơ.

 Virginia may 11 – 2004

(còn tiếp)