TRẦN HUIỀN ÂN

TIẾNG MÕ GIÓ

tản mạn

 

Tôi lại trở về xóm Đá như lời tự hứa vào mỗi mùa hè. Cái âm thanh đầu tiên mà tôi bắt gặp khi còn cách xóm không xa, đi qua một giồng đế rộng, là tiếng mõ gió lốc cốc, lốc cốc… đều đều.

 

Ở đây ruộng nằm dưới chân đồi, quanh co theo chân đồi, chiều rộng chỉ là một đám, chiều dài nhìn trên bản đồ giống như một cây bàn chải, hết chĩa bên này lại chĩa sang bên nọ. Bởi ruộng hẹp và kéo dài nên không gọi là cánh đồng mà gọi là dây ruộng.

 

Ngày trước, sau khi gieo sạ hoặc đồng thời với lúc cấy mạ người ta dùng những tàu lá chuối khô giăng thành đường rào ba tầng dộc theo bờ ruộng, chân đồi, gọi là dây bẹo để ngăn cản thú rừng vào phá hại hoa màu. Giữa ruộng dựng những con bù nhìn tay chân bằng bẹ chuối tươi trắng sáng, thân hình mặc áo rách, trên đầu đội nón mê. Sau đó, từ khi lúa xanh đến khi lúa chín phải làm chòi, ban đêm có người đến canh giữ. Người ta còn làm những chiếc mõ gió, dùng mõ tre buộc thêm chiếc dùi, gắn vào chong chóng trên ngọn cây tre cao cắm rải rác. Khi trời nổi gió, chong chóng quay, dùi đánh vào mõ vang lên lốc cốc những tràng dài.

 

Tôi thật sự nghi ngờ tác dụng của mõ gió. Chẳng biết nó có làm cho thú rừng sợ hay không, chứ đối với lũ chim trời hình như là vô hiệu. Khi lúa chín chim dồng dộc về lót ổ từng hàng dài dọc theo ruộng. Và nhiều loại chim nữa bay từng đàn thật đông sà xuống ruộng rồi bay lên. Lúc này đám trẻ con được đưa hết ra ruộng, một số trên chòi cao, một số dọc bờ, gõ mõ, giật bò cạp, la hét “hoại huơ”… hoa tay múa chân, làm đủ trò mà lũ chim trời lì lợm vẫn cứ lì lợm, từng đàn sà xuống, bay lên , ríu rít vui đùa thưởng thức những hạt lúa vừa chín ngọt ngào hương thơm, phớt lờ việc có mặt canh giữ của con người.

 

Sự bất lực của lũ trẻ được xác nhận qua câu đồng dao:

 

Đuổi chim thì đuổi hoại huơ

 

Chim ăn hết lúa còn xơ đem về

 

Đối với tôi, tiếng mõ gió trong cái nắng bớt phần gay gắt nhờ những cơn gió nghe thật dịu dàng, cũng lên bổng xuống trầm, khi khoan khi nhặt, khi mạnh khi yếu… như muốn ru ta vào giấc ngủ khi ta cần phải thức. Còn giấc ngủ nào êm đềm hơn những giấc ngủ buổi trưa trên chòi cao? Những giồng đế ngút xa tầm mắt, những khóm rừng xanh đậm màu lá, gió lồng lộng ngược xuôi và tiếng mõ gió từng hồi nối nhau, lớn rồi nhỏ, nhỏ rồi lớn.

 

Bây giờ lũ chim trời có còn từng đàn đông như lá rụng ngày dông bão, ríu rít reo ca? Người nông dân có còn phải bận tâm với hàng dây bẹo, với những loại mõ sử dụng tay người và sức nước, sức gió? Nơi gốc đa, gò cỏ… lũ trẻ con có còn u quạ, đá bò, đánh trổng, cờ gánh, cờ chém, bàn cờ vẽ bằng nét than trên mặt đá? Khi phải bỏ đi những trò chơi giản dị cũ, các em có được những trò chơi nào mới nhằm giúp trí tuệ được nâng cao, cơ thể thêm rắn rỏi?

 

Cho nên, tôi không khỏi lấy làm lạ khi trở về xóm Đá. Nơi dây ruộng ấy gốc rạ đã khô, có tiếng mõ gió lốc cốc nhẹ nhàng. Ai đã dựng một cột tre, chỉ có một mà thôi, chắc là để vui chơi chứ không phải để xua đuổi thú rừng. Vậy thì chiếc mõ gió này chỉ đơn thuần là một nhạc cụ.

 

Vâng, có lẽ vậy, là nhạc cụ của một nghệ sĩ dân gian tạo ra. Dù đuôi chong chóng bằng rơm đã xác xơ, cùi cụt, sức gió không còn mạnh, nhưng lóng tre thêm khô dưới nắng làm cho tiếng mõ càng trầm, càng giòn, không kêu lớn nhưng vang xa và thấm sâu. Vang xa ra khắp giồng đế đồi tranh. Thấm sâu vào lòng tôi, đánh thức dậy những kỉ niệm ấu thời như ngọn đèn con chong đợi được vặn lên bừng sáng… 

Trần Huyền Ân

2007 gio-o.com