Lữ Kiều

1943 -

rosée và con bướm

chết bên thành ca s

 

1.  Xác bướm

..

Một buổi sáng nào đó, trong trí nhớ hồi tưởng, một xác bướm nằm chết nơi thành cửa sổ phòng ta.  Không có gì cả.  Một con bướm chết.  Một tình yêu chết theo.  Dịu dàng biết mấy...

(Con bướm kia với đôi cánh rực rỡ đã một lần làm ánh mắt trẻ nhỏ sáng rạng ước mơ, và trong một lúc bí mật nào đó sự sống rời khỏi xác bướm - như đôi tay vẫy gọi - xa dần trong sương mù)
.
Này em - một con bướm chết, không có gì cả phải không?  Dù bây giờ mùa xuân sắp đến.  Dù bây giờ, chúng ta không còn nhìn thấy nhau.

.

Người con gái hai mươi tuổi (có lẽ rồi thời gian sẽ làm nàng quên thời hai mươi tuổi của  nàng.)  Đôi mắt to, hàng mi dài.  Nhìn vào đó, lòng ta bình an, như viên đá kia đã chạm xuống lòng hồ.  Bình an như sự sống và chết chẳng còn chia ly.  Em nghiệm mà xem - Có phải chúng ta đã dành quá nhiều thời gian để cho nhau ảo tưởng bình an đó?

.

Có gì đâu - Con bướm kia đã chết - Dòng sống ngừng lại - Trong một phút bàng hoàng, thấy hiện rõ ràng chân tướng của mình.

..

2. Chiếc cầu

..

Tôi yêu mến những chiếc cầu bắc qua sông, buổi sáng, soi mặt xuống tấm gương của trời.  Những chiếc cầu nhỏ đưa một người sang gặp một người bên kia bờ.  Hãy tưởng tượng những bước chân kia.

Hãy hồi hộp những cõi lòng đó...

Tôi yêu mến những cõi lòng đó...

Tôi yêu mến ý niệm khởi đâu của chiếc cầu.  Cầu chỉ có đầu chứ không có đuôi.  Tôi ở đầu cầu - người đứng ở đầu cầu bên kia.

Ôi, phải nhắm mắt để khỏi nhìn con quạ đen hung ác đang bay trên đầu chúng ta.

Trái bom thả xuống.  Tiếng nổ đem mọi người dự vào nỗi bất hạnh chung.  Chiếc cầu đã gãy.  Chúng ta đứng ở hai đầu cầu, và chốc lát, người và tôi trở thành kẻ thù.

Bây giờ trong đôi mắt kia, nhìn vào chỉ còn thấy oán hận.

..

3.  Những sáng thứ Tư với Như Sương

..

Trong góc nhà thờ, buổi chiều thứ tư hiu hắt, người con gái quì gối và nhìn lên.  Người đàn ông ngồi cạnh nàng.  Tiếng phong cầm trầm vang xao xuyến, như vọng từ trái đất.

(Khúc nhạc nào vậy, có phải khúc Toccata của Bach trong phim La dolce vita.  Ôi - Fellini, người nghệ sĩ bi thảm của thời đại chúng ta, người đã nhìn thấy hơn ai cả những chiếc cầu gãy trong đời mỗi người. Phải không, Zampano? Phải không, Gelsomina?

..

Em đã ở đó, đã quì gối bên cạnh tôi, khuôn mặt thánh thiện.  Nhưng làm sao em hiểu lòng tôi lênh đênh, cũng như làm sao chúng ta hiểu được bao nhiêu điều mơ hồ không thật vây quanh và áp bức đời mình?

..

Người nữ tu áo đen, trong ánh sáng chập chờn buồn bã, đã yên tĩnh cầu nguyện.  Cái lưng thon gầy khô như phản gỗ, như xác bướm đã tan tành.  Cầu nguyện, cầu nguyện.

Này em, có phải cầu nguyện là muốn bước khỏi cuộc đời nhỏ nhen.  Tôi nhìn thấy nơi tay người nữ tu chiếc nhẫn đính hôn với Chúa.  Hiệp thông cùng Chúa.

Tôi nhìn người con gái và nói với nàng rằng, tôi là kẻ ngoại đạo - tôi không có đủ đức tin, nhưng tôi nghĩ rằng trong một ý  nghĩa nào đó tôi đã đính hôn với em trước mặt Chúa.

Người con gái trả lời:  "Không".

Nhưng người đàn ông đưa tay ra, và nàng nắm lấy:  những ngón tay đức hạnh vô cùng!

Bấy giờ chúng ta như kẻ tông đồ hành xác, đấm ngực mà kêu:  "Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi? Méa culpa!"...

Nàng trả lời  "Không!"  Nàng nắm tay người đàn ông cay nghiệt và nước mắt nàng rơi.

...

Chúng ta có thể nào rơi nước mắt khi nhìn thấy xác con bướm chết.  Xác bướm vô nhiễm và hồn nhiên, tưởng như chưa hề hiện hữu nên không bao giờ mất đi.

Vô nghĩa.

Dửng dưng

Nhỏ nhoi.

Có phải những điều buồn bã ấy đã làm đầy trái tim người?  Đầy trái tim tôi trong góc nhà thờ ấy.

Làm sao mỗi ngày chúng ta tỉnh giấc về thời gian, niềm vui, và cái chết?

Hay là phải đợi một  biến động dồn ta đến bến bờ đau đớn.

Cái phút sự khốc liệt lay ta dậy.  Ta mở mắt nhưng đã vỡ tan niềm bình an.  Con bướm đã chết.  Và chúng ta chia tay.

..

4.  Bệnh viện

.

Ở bệnh viện, tôi có thói quen dừng lại trước giường người bệnh vừa tắt thở.  Phút sự sống lặng lẽ rời đi khỏi thể xác nặng nề kia.  Thật kỳ lạ!

Một điều gì hết sức mong manh, vây quanh khuôn mặt mà vài phút trước đó còn hiện hữu trong thế giới chúng ta.  Cái khuôn mặt bất đông kia làm não nề đời sống này.

Ly nước trong, khúc bánh mì, một tấm khăn lau, một đôi dép, tờ báo cũ - những vật dụng của người chết đễ lại đã mất đi ý nghĩa tồn tại.

Một người chết, một con bướm chết, có bao giờ lòng hồi tưởng khiến con người bàng hoàng ý niệm hiện sinh?

..

Em hai mươi tuổi, tuổi đẹp nhất của đời người... người con gái đẹp không nên sống quá tuổi ấy:  Ý nghĩ kia thật quá lãng mạn, và ngậm ngùi.  Nhưng dù sao hãy giữ cho trí nhớ tôi con mắt to, đen và hàng mi dài.  Hãy giữ cho trí nhớ tôi bàn tay đức hạnh ấy.

..

Tình yêu như sự chết - chỉ một lần và không thể lập lại.  Có một lúc nào chúng ta mang đôi giày vạn dặm băng khỏi tuổi thơ của mình.  Cũng bằng đôi giày ấy chúng ta đến gần với cái chết...

Như con bướm đã chết.  Chiếc cầu đã gãy.  Có gì đâu - kể cả giọt nước mắt một lần nào khóc cho mình, cho người - cũng đã khô.  Biết đâu chẳng biến thành mây.

 

1966

_____

(1) Các nhân vật trong phim La Strada của đạo diễn F. Fellini.

 

nguồn; http://www.scribd.com/doc/4461290/Th-T-Do-Min-Nam-

 

rosée và con bưm chết bên thành ca s,  thơ Lữ Kiều, trong tập THƠ TÌNH NAM 1975 do gio-o.com tuyển chọn và giới thiệu.

 

 http://www.gio-o.com/ThoTinhNam1975.html 

 

gio-o.com 2011