H Đình Nghiêm

YÊU KHÔNG NGN NGI

tản mạn

 

Nếu bạn là người được sinh trưởng đâu đó, từ sông Bến Hải trở vào tận Cà Mau: Vùng đất bao gồm chín tỉnh miền Trung, sáu tỉnh miền cao nguyên, bốn tỉnh miền Tây và sáu tỉnh miền Đông; tóm gọn bạn là người của miền Nam tự do, hẳn bạn, hơn một lần, từng đùa nghịch với tên gọi những bao thuốc lá.

- Như Capstan: Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng.

- Như Pall Mall: Phần Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu.

- Như Salem: Sao Anh Làm Em Mệt (1).

Đọc xuôi rồi đọc ngược, đa phần hoang đàng, không mấy nghiêm chỉnh. Chẳng hạn Salem, những mẫu tự từ phải qua trái, đít tới đầu, lại đẻ ra: Muốn Em Làm Anh Sướng (2). Câu hai đối rất chỉnh với câu số một chớ không phải giỡn!

 

Bây giờ, thảng hoặc trong bàn nhậu, có người cầm chai bia Heineken lên, ngứa miệng “bổn cũ soạn lại”.

Xuôi: Hôn Em Ít Nên Em Kêu Em Nhéo.

Ngược: Nếu Em Khoái Em Nằm Im En Hưởng.

Trước quán nhậu căng tấm biểu ngữ lớn: “Không có phụ nữ xấu, chỉ sợ không có đủ thịt cá sấu cho phụ nữ ăn”. Trong quán, treo trên vách tấm bảng to đùng, chữ viết nắn nót:

Rắn còn bò

Chuột còn chạy

Chim còn bay

Ghẹ còn bơi

Cua còn kẹp

Cá còn lội

Tôm còn búng

Lươn còn chùi

Ếch còn nhảy

Gà còn mổ

Vịt còn kêu

Và nhiều con còn nhúc nhích… (Nguồn: Tiền Vệ- Đỗ Trung Quân/ Đối thoại)

 

Cái gì vậy? Chắc hẳn chủ nhân mấy cửa hàng đặc sản kiểu đó đã hội ý, xin chút chất xám của một thi sĩ nào đấy, cho cuộc đời thêm chút thi vị? Mà cũng chả cần, tớ có thể phát huy sáng kiến, tự biên tự diễn, đếch thèm nhờ cậy cho rách việc. Không đúng sao, người Việt mình ai cũng là thi sĩ đấy thôi. Rất máu!

Càng ngày, con rồng cháu tiên càng đông đảo cư dân. Trăm trứng (xưa rồi Diễm) tới ngàn trứng, tới triệu trứng (rất bức xúc) và vẫn chưa đành cắt bỏ buồng trứng (hoành tráng). Theo tỷ lệ thuận, hiển nhiên chúng ta có rất nhiều thi sĩ. Nhiều tới độ… má nó khinh! Còn nhớ, một vài thập niên trước, những vị chủ báo muốn trám chỗ trống, chỉ có nương nhờ vô thi ca, bất kể thơ ấy thuộc “diện” nào, cóc cần lý lịch nhà thơ. “Shit! Con mẹ chủ tiệm nail ấy không đăng quảng cáo nữa, bỏ trống coi kỳ thấy tía, mày kiếm đại một bài thơ chêm vào cho tao, OK?” Thơ ngang, thơ dọc, thơ luôn xuống hàng trình bày theo kiểu bậc cấp. Rất hình thức chủ nghĩa, thơ sắp hình thánh giá, thơ lay-out chữ nhỏ chữ to ngó ốt dột, đọc hổ ngươi. Thơ tía lia, thơ nhung nhúc, thơ chất đống sắp tới mùa sale. Thơ nhiều hơn “Chuyện dài nhân dân tự vệ”. Lấn át cả mục “Từ thành đến tỉnh”. Thơ chảnh, thành chùm thành chuỗi, thơ lê thê hơn cả mục “Chuyện thường ngày ở huyện”… Vì vậy, có người đâm hoài nghi, không khéo mà bài thơ con cóc lại có giá trị!

 

Nói ngay tình, đôi khi giữa đống “xác chết loạn giang hồ” kia, tình cờ mắt ta đọc phải:

“… Tháng chạp về rồi bé biết không

Guốc mới ai khua ngõ nội thành

Để cho rêu cũ- vàng son cũ

Thức dậy buồn lên đỉnh phố xanh…”

Chỉ ngần ấy thôi, giản dị có thế, lòng ai kia đã nôn nao. Mường Mán đánh động những kỷ niệm, lay gọi nó và từ tốn soi rọi thấu suốt thứ âm bản một Huế xưa.

 

Thi sĩ là ai? Thơ là gì? Những dấu hỏi cắc cớ nọ người ta đã lạm bàn nhiều, hàm hồ tới độ dẫn đến tranh cãi, chia phe phái không khoan nhượng. Mặt trận ấy tuồng như chưa hề yên tĩnh. Đạn nổ quanh năm, vô tình chúng ta, những kẻ ngoại đạo, phải nghe rít róng, tiếng những hòn đạn đi lạc, cày xới vào trí não ưu phiền: Hiện đại, ấn tượng, tân cổ điển, siêu thực, hậu hiện đại, ngoài luồng, lề phải lề trái đương đại... Để khác người, trong hắc bạch giang hồ lại có kẻ cổ súy chuyện tồi bại dâm loàn, mang cứt đái đặt đường bệ vào thi ca. Ỉa chẳng được, thèm làm tình đéo chịu được… Họ hiếp dâm nàng thơ toe tua, vừa cưỡng bức vừa khua chiên gõ mõ bằng thứ tiếng huyên náo mang đậm chất “xã hội đen”. Rất lắm ngưòi chau mày nhăn mặt, rụt cổ ngao ngán thu mình vào vùng trú ẩn êm đẹp cũ, họ sẽ chịu mang “bản án” lạc hậu chẳng ưa đổi mới tư duy, nhưng ngược lại họ giữ được chút gì của thân tâm an lạc. “Thôi, chẳng tiếc túi vàng đã phung phá. Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra”. Tô Thùy Yên đã nói thế. Nhà thơ đã giúp chúng ta hiểu một điều giản dị: Đừng bao giờ coi nhẹ những cái nhỏ bé tầm thường. Thơ, chí ít phải mang tới cho người đọc chút sóng, dù gợn nhẹ trong lòng. Thơ, xin vẽ giùm một cảnh sắc, mang ta tiếp cận một hình ảnh đẹp, hiển lộ, trong sáng.

 

Trong “Bài thơ của một người yêu nước mình” làm vào tháng 12 năm 1967, Trần Vàng Sao có những câu mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, bình thường nhưng tuyệt đối khác thường, nghe nao lòng:

“…đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ

một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu

một vết bùn khô trên mặt đá

không có ai chia tay

cũng nhớ một tiếng còi tàu

sao hôm nay lòng thấy chật

như buổi sáng mùa đông chưa có mặt trời mọc

con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua

nỗi mệt mỏi rưng rưng từng con nước

chim đậu trên cành chim không hót

khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may

tôi yêu đất nước này và tôi yêu em

thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò

áo trắng và chùm hoa phượng đỏ

trong bước chân chim sẻ

ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi

hay nói chuyện huyên thuyên

chuyện trên trời dưới đất rất lạ

chuyện bông hoa mọc một mình trên đá

cứ hay cười mà không biết có người buồn”

 

Bài thơ trên, sáng tác thuở đầu đời. Và giờ này, cuối đời, lời tự bạch với thứ phương ngữ rất Huế, một Vỹ Dạ xưa, rêu phong:

“tau đầu tắt mặt tối

đổ mồ hôi sôi nước mắt

vẫn đồng không trự nõ có

suốt cả đời ăn tro mò trú

rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch…”

 

Lạ. Buồn. Nguyên ủy của cách dụng chữ mà tác giả khổ công sắp xếp. Có chàng thi sĩ khác, cũng quê ở Vỹ Dạ, nhưng lời thơ thì khoáng đạt hơn, bởi ông chủ trương dong chơi trong thảnh thơi là chính, xa lìa những hệ lụy. Đặc biệt yêu mến bạn hiền, kết giao rộng, nấu ăn khéo và ưa tự mình gầy dựng những cuộc rượu từ hoàng hôn này sang một bình binh kia. Tác người to cao, tóc dài, nhà thơ Phạm Nhuận chỉ in vỏn vẹn một tập “Mặt Trời và Dòng Sông” (Ca Dao. 1970). Ông ở Montréal, như một nhà tiên tri: “Mai ta đi nào kịp vẫy tay chào”. Rất âm thầm, ông lặng lẽ sang sống ở Maryland, hay Virginia? Hay Washington DC? Ông đi, mang hết thảy những chiếu rượu theo cùng. Ông đi, Montréal thôi còn những hàn huyên tâm sự. Chẳng còn ai xướng họa “Càn khôn ơi xin rót rượu giùm ngay”. Sau đây là bài “Có Hề Chi Vàng Một Chút Rong Rêu” của ông mà bạn hữu luôn yêu mến:

 

“Mưa tắm gội cho đời sông được mới

Gót em đi mùa thoa nhẹ chút hồng

Lòng ta đây cung đàn mùa say tới

Có hề chi vàng một chút rêu rong

 

Chim cứ hót cho đời chim rộng mãi

Trời bao la dù chút lá cội nguồn

Ta cứ thế mà yêu không ngần ngại

Bởi biết đời chỉ là giọt sương buông

 

Ta còn yêu như sông kia còn chảy

Thả xuống đời từng gịot rượu long lanh

Như trong sông trăng kia còn để lại

Những chút vàng phai quá không đành

 

Hãy cứ cho thêm, hãy còn cho mãi

Mai ta đi nào kịp vẫy tay chào

Hãy cứ như chim quên không buồn mỏi

Đã hót cho đời những tiếng thanh tao.

 

Bài thơ như một tấm gương soi chiếu hình ảnh của tác giả, buông thả, ngợi ca đời sống bằng thứ lạc quan phiêu bồng của sông của rượu của trăng. Trong vô hạn có hữu hạn của lá rời cành giọt sương buông, vậy thì giữa hữu hạn xin hãy cứ yêu không ngần ngại. Em ạ, có hề chi vàng một chút rêu rong.

 

Thi sĩ, có thể là con chim đã cật lực hót cho đời những tiếng thanh tao.

Xin hãy luôn quan niệm thế. Xin hãy luôn ôm giữ niềm kỳ vọng ấy.

…“Ta lại trồi lên dương thế rộn

Ngày ngày ra bãi vắng vời trông

Bóng chim, tăm cá, cành trôi giạt

Bất luận điều chi giữa mịt mùng…”

(Tô Thùy Yên)

 

 Nếu là tửu đồ, từng có dịp rượu vào lời ra, hẳn bạn biết câu: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, Thoại bất đồng tâm bán cú đa!”? Nôm na: Uống rượu mà gặp người hiểu mình thì ngàn chén e có ít. Nói với kẻ không hợp ý mình thì nửa câu cũng là nhiều.

 

Những ai ưa đọc thơ cầu kỳ, ưa tục tĩu, ưa tăm tối, chuộng hình thức chủ nghĩa… sẽ chẳng ưa bài viết này. Ừ, bán cú đa! Nghe kẻ chẳng hợp ý mình mãi càm ràm, đó chẳng phải là một điều khoái ư? (Thánh Thán).

 

H Đình Nghiêm

 

Đây là bài thứ nhất, của nhà văn Hồ Đình Nghiêm, mở đầu loạt sưu tầm và đóng góp bài cho một tập hợp Thơ Tình Miền Nam 1975 do gio-o. com hợp soạn

 

© gio-o.com 2010