Tưởng Nhớ Nguyễn Nho Nhượn
Lê Đinh Phạm Phú
Anh Nguyễn Nho Nhượn, tuổi Dậu tức sinh năm 1945, nhưng giấy tờ lý lịch tính nhầm ra 1946. Anh chết đã một tháng nhưng tôi vừa mới hay tin khi đi phép thăm gia đình tuần trước. Tôi thấy thương nhớ Nhượn nhiều, khi được biết anh đã qua đời trong một cuộc giải phẫu tại một bệnh viện Hoa-Kỳ gần Đà-Nẵng, nhưng tôi không lấy gì làm sảng sốt bởi vì Nhượn gần như nghĩ đến cái chết đã nhiều năm nay rồi. Chỉ mới có 24 tuổi, anh đã mệnh yểu, nhưng còn khốn khổ hơn nữa là Nhượn chịu đựng với bệnh tật đã gần 10 năm nay.
Năm 1965, anh hay gặp gỡ và đi chơi với tôi, anh vẫn thường nói rằng “mình còn sống giỏi lắm là 5 năm nữa”. Thật ra mới có 4 năm mà Nhượn đã chết rồi. Về Nhượn, tôi chỉ kinh ngạc có một lần là năm ngoái, tức là thời gian mà Nhượn vẫn thường trực nằm dính vào chiếu chăn, thế mà tôi gặp anh trước cửa Tiểu Khu Quảng-Nam để theo lệnh gọi của Bộ Quốc Phòng vào Thủ-Đức. Nhượn vốn thân hình “ốm yếu cò nhang”, lúc bấy giờ nước da xanh như tàu lá. Tôi nhìn Nhượn mà còn nghĩ gì hơn được nữa, bởi Nhượn đã khốn khổ sẵn rồi, và tôi nghĩ đến xứ Việt-Nam khốn khổ.
Tôi cứ nghĩ Hội Đồng Quân Y sẽ tha cho anh, nhưng không, họ cho Nhượn 9 tháng sau nhập ngũ lại. Và Nhượn chưa đủ hẹn với Hội Đồng Quân Y thì đã vĩnh viễn giã từ chúng ta.
Nhượn thuộc dòng Nguyễn Nho, làng La Qua, quận Điện Bàn, Quảng Nam. Anh sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, thêm bản tính ít nói, thành thật cho nên Nhượn ít chịu được các người khác, tình tình bừa bãi hay khinh đời. Anh là anh em bà con gần với nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc tức Nguyễn Nho Bửu đã mệnh yểu 1964 lúc 20 tuổi. Làng anh và làng tôi cách nhau một con sông đào, dạo 1966 mỗi lần thăm nhà thì ban tối tôi xuống ngủ nhờ nhà anh. Thật ra nhà anh cũng thuộc nhà quê, nhưng dạo đó chưa có đánh nhau ở đó nên coi là có an ninh. Bây giờ, vùng an ninh thu hẹp quá, đến nỗi hôm vào thắp hương cho anh, đi hết con đường đất quanh quanh qua mấy khóm tre mà lòng tôi cũng hơi thấy sợ sệt. Tôi được biết Nhượn tự ý ký giấy xin giải phẩu dù bác sĩ cho biết trước chỉ có 20% hy vọng sống. Anh đã dấu gia đình, chỉ khi sắp chết anh nằm nuối gần một tuần đợi thân nhân ra đến nơi mới tắt hơi thở cuối cùng.
Nếu xứ sở không bị chiến tranh dữ dằn, gây ra những thiếu thốn trở ngại quá độ, thì Nhượn không phải chết sớm. Nhượn đã bệnh gần 10 năm mà bệnh anh chỉ là sự yếu đuối của nhiều bộ phận của cơ thể chứ không phải là bạo bệnh về một cơ quan nào. Nếu gặp thầy hay sớm hơn, và có tiền nhiều hơn, Nhượn có thể lành bệnh từ nhiều năm rồi. Từ nhiều năm nay Nhượn ao ước xuất bản một tập thơ. Anh đã nhiều lần chép rất công phu tác phẩm của mình, đóng thành tập cẩn thận. Nhượn yếu đuối nên không ai nỡ xin các tập thơ anh đã cố gắng chép, vì sợ bận cho anh phải chép lại; chính vì thế mà bây giờ Nhượn chết không còn bản thảo. Bởi lẽ, khi đi bệnh viện, anh tom góp tác phẩm, xếp kỹ lưỡng mang theo để ở giường bệnh. Khi anh chết, bản thảo bị thất lạc luôn. Theo lời yêu cầu của bạn bè, cha mẹ anh có cho người nhà ra bệnh viện đó tìm kiếm mãi nhưng chưa ra.
Tuần trước tôi gặp anh Đinh Trầm Ca, tức người làm văn nghệ cuối cùng còn sót lại ở đất Vĩnh Điện hiện còn chưa tha hương, anh có cho tôi xem bức thư của ông Phạm Kim Thịnh, báo Văn Học, nhờ Đinh Trầm Ca kiếm giùm tác phẩm và tài liệu để tưởng niệm Nhượn một số báo và in cho Nhượn một tập thơ. Mỹ ý của báo Văn Học là một ước mơ của Nhượn khi còn sống. Mong lắm thay!
Quê hương chúng tôi nghèo, nhưng cũng như tất cả mọi nơi trên xứ sở Việt Nam, thực đậm đà kỷ niệm. Nhượn cũng như đa số các người làm văn nghệ vùng này suy nghĩ rất nhiều về quê hương như hai tiếng thân ái lắm. Hồi mấy năm trước nhiều lần chúng tôi thấy cảm động, vì với khu phố nhỏ bé Vĩnh Điện người ta có thế gặp Nguyễn Nho Sa Mạc, Nhượn, Hoàng Bích Ni, Đinh Trầm Ca, và cách đó 9 cây số là phố Hội An, người ta có thể gặp Thái Tú Hạp, Hoàng Quy, Lê Thành Tôn, Đynh Hoàng Sa, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Lộc, Uyên Hà v.v... Nói chung các anh ấy đều là cựu học sinh Trần Quý Cáp Hội An, những người tôi không dám nói là nổi tiếng, nhưng sớm được đọc giả toàn quốc lưu ý, nhờ qua tạp chí Bách Khoa và một số bán nguyệt san.
Về Nhượn, anh không quen biết nhiều với các người làm văn nghệ khác, bởi ốm đau một phần, một phần ít hay đi đây đi đó. Nên mọi người cũng chỉ biết Nhượn qua thơ anh. Thơ anh mấy năm trước sáng tác dồi dào, thiên về chủ đề quê hương. Nếu kể ra một vài bài tuyệt diệu khiến đọc giả khó quên được thì không có, nhưng toàn thể thơ Nhượn đều ràng buộc nhau và toát ra một nhịp điệu chung, khiến người ta mến Nhượn ở chỗ đã làm người đọc yêu mến và hiểu rõ quê hương Việt Nam nhiều đau khổ nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm. Khác với thơ anh Nguyễn Nho Sa Mạc, bài nào lúc anh xuất thần thì thật hay, người đọc mau thuộc, nhưng bài nào dở thì dở cả không chọn được câu nào. Vì vậy thơ anh Bửu để lại lại khoảng 30 bài hay, nhưng nay chưa thấy ai xuất bản giúp được, còn thơ anh Nhượn nếu không lạc mất thì số lượng gấp 10 lần.
Nhượn chết cũng khác Bửu. Anh Bửu đột ngột từ trần, còn Nhượn đã nhiều năm nay biết mình sắp chết. Nên năm 1965 khi nhận được bài thơ “Những Lời Sương Khói” của Nhượn có những câu:
Và người ơi nếu mai tôi chết yểu
Xin đừng buồn đừng khóc với khăn tang
Mà xin người cười như hoa Xuân mới nở
Để hồn thơ vĩnh viễn được huy hoàng
Tôi không ngạc nhiên lắm về Nhượn nhưng đọc một bài của Bửu trên Bách Khoa có câu tôi kinh hãi:
Hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ
Tôi muốn đi cho trọn kiếp đời
Tôi nghĩ là “trệ” lắm, tôi thấy sợ vu vơ rồi tôi không dám nghĩ nữa. Bửu đột ngột chết, tôi thấy quả đúng lời anh than không đi trọn tuổi đời nên đã viết chữ “hỡi ơi” từ khi còn sống.
Bửu học trước tôi một lớp ở cùng trường Tiểu Học, Nhượn và Đynh Trầm Ca học với tôi một lần nhưng khác lớp. Cả Bửu và Nhượn như bỗng nhiên tiếp nhận một nguồn cảm hứng kỳ lạ nào từ 1960 trở đi để thành thi sĩ, chứ lúc còn nhỏ không có gì tỏ ra hứa hẹn là một người rõ rệt làm bạn với nàng văn nghệ.
Hôm nay, tôi ngồi viết mấy dòng về Nhượn với sự thành thật nhớ gì viết nấy. Tôi chỉ còn giữ được của Nhượn có một bài thơ, xin chép ra đây để cùng bạn đọc tưởng nhớ anh Nguyễn Nho Nhượn, nhà thơ ngợi ca quê hương và tình người đã sớm lìa đời vì bệnh tật triền miên.
Mùa hạ, Kỷ Dậu 1969
LÊ-ĐINH-PHẠM-PHÚ
Những Lời Sương Khói
I.
Đành cam chịu làm thân tàn ma dại
Tâm hồn xưa bỗng mọc cánh không ngờ
Với tình cảm bay theo lời ưu ái
Phương trời nầy còn lại dấu chân thơ
Với đôi tay thôi ôm vạn nỗi niềm
Những đêm nằm đếm ngón tính tương lai
Lấy ảo tưởng làm vui quên sự thật
Cơ nghiệp còn như tiếng thở dài
Tình yêu đó bỗng buồn như bão lụt
Lời ba hoa thôi gian dối nhau rồi
Ôi tội nghiệp mùa xuân còn non dại
Cơn gió làm rơi rụng cả mầm tươi
Với mắt nhìn phải mang tầm gương cận
Tôi mãi tìm ý nghĩa cho riêng tôi
Hồn ngự xuống với nhịp tim đập vội
Tôi tìm tôi qua giao cảm con người
Vào cuộc sống tâm hồn như sóng vỗ
Bờ suy tư, cát nổi tượng linh thần
Điều thầm kín sâu xa còn chưa tỏ
Nên lời thơ thành phù phiếm vô ngần
Thôi đành chịu lạc loài như rong biển
Khuôn mặt nầy cam nhận nỗi mỉa mai
Trái sầu rụng theo tầm tay của tuổi
Tôi mơ màng nghe đời vỡ làm hai
II.
Vào cuộc sống nghe thân mình bỗng nặng
Mạch máu đưa bao nỗi nhớ về hồn
Tôi bước vội vàng qua nẻo suy tư
Dõi mắt ngó theo phương trời cao rộng
Tên tôi đó không ai buồn muốn gọi
Thơ tôi đây cũng vô nghĩa như đời
Ôi người yêu, ôi bạn bè, ôi tất cả
Xin cho tôi được thấy nụ cười
Với vẻ mặt u hoài trong mộng tưởng
Với thân cao không chống nổi cuộc đời
Với trái tim đã mang nhiều căn bệnh
Tôi bây giờ cũng chẳng phải là tôi
Đã lạc mất hồn thơ trên đất mẹ
Nên bơ vơ như một kẻ không nhà
Tôi trông tìm trong đồng xanh mái rạ
Chỉ còn trơ bao dấu đạn xót xa
Tầm tay với cũng xa vời thực tại
Con chim xuân mang tiếng hót về rừng
Tôi ở lại với áo cơm rách nát
Hơi thở nặng nề tuổi trẻ cũng còng lưng
Và người ơi nếu mai tôi chết yểu
Xin đừng buồn đừng khóc với khăn tang
Mà xin người cười như hoa xuân mới nở
Để hồn thơ vĩnh viễn được huy hoàng
(Tâm Hồn Mọc Cánh)
Trích trong Đặc San Trung Học Trần Quý Cáp, Quảng Nam 1965
(trích tạp chí Bách Khoa số 301, ngày 15 tháng 7 năm 1969)