chân dung nhà thơ Trần Hoài Thư
vẽ bởi họa sĩ Đinh Cường
Ỷ Lan Faulkner
Thương Nhớ Anh Chị Trần Hòai Thư
Quen biết nhân chuyến “Mỹ du” năm 1985.
Rất đau lòng nghe tin Chị Yến và Anh Trần Hòai Thư qua đời tại Mỹ, chỉ cách nhau một tháng. Một mối tình thật đẹp. Sau khi Chị yến bị stroke năm 2012, anh Thư không muốn đưa Chị vào nursing home, đòi săn sóc cho Chị ở nhà. Anh nói : “Yến rất cần tôi. Và tôi rất cần Yến”.
Được duyên may gặp hai vợ chổng trong chuyến đi Mỹ đàu tiên năm 1985, tôi có viết một đọan trong cuốn “Quê Nhà”. Xin trích dưới đây để tỏ lòng quý mến và thương tiếc vô cùng đối với hai người thật đặc biệt, Chị Yến và nhà văn Trần Hòai Thư.
*S A I G O N T R O N G T U O N G T U O N G
Ỷ Lan Faulkner
“Bên miền Đông Mỹ châu có một nơi yên tĩnh. Đầy hoa thơm và cỏ xanh mướt, đầy những con sóc màu xám nhảy nhót trên cành thông thơm phức.
Bỏ California tới nơi này, khác chi rời Saigon lên Đà Lạt ? Trốn phố chợ và đám đông tìm sự lặng yên của thiên nhiên.
Ở nơi ấy, có một người văn sĩ. Anh chọn ở xa “thiên hạ” để được sống và viết theo đường lối của mình. Không chạy theo danh tiếng, anh không chịu vào cuộc “mẹ hát con khen”, hay phụ hoạ bốc thơm nhau của một số văn sĩ nơi thành thị khác. Anh chỉ sổng bằng trực giác và tình cảm con người. Đó là anh Trần Hoài Thư. Ở lại nhà anh có mấy ngày thôi, Ỷ Lan rất ít dịp tiếp chuyện, vì chạy theo Phái đoàn Quê Mẹ. Nhưng rất cảm phục và mến anh Trần Hoài Thư. Con đường anh đi rất cô đơn. Nhưng nên hiểu chữ cô đơn theo điệu giải thích của anh Thi Vũ : “Có sự cô đơn của con sư tử, và cũng có cái cô đơn của bầy thỏ!”
Anh Thư có cái may mắn hạnh phúc mà nhiều nghệ sĩ mơ ước : một người vợ lý tưởng. Chị Thư yêu văn trước khi gặp người. Và bây giờ chị còn thuộc lòng những đoạn văn viết cách đây bao nhiêu năm mà chính anh Thư không còn nhớ ! Chị lo cho anh Thư từng li từng tí (có khi lo hơi nhiều). Chị có lối kêu anh rất lạ và âu yếm qua hai tiếng “Ba Thoại”. Thoại là tên cháu trai đầu lòng, năm nay lên mười. Cháu làm thơ rất hay, được chấm giải nhất của thành phố Philadelphia. Theo lời anh Thư, cháu Thoại làm thơ theo lối Mỹ, một bài viết trong năm phút thôi. Có lẽ vì vậy mà khi chia tay ở sân ga, anh Thi Vũ ôm cháu và nói : Cháu phải là Walt Whitman cho nước mình mở mặt nghe cháu ! Ỷ Lan chưa được đọc thơ cháu, chỉ đọc lén một bài viết cho trường về lịch sử nước Mỹ. Sợ quá ! Viết quá hay. Bản chất “Hồng mao” của mình đâu rồi ? Chắc phải thua !! Chị Thư không bao giờ ăn chung với mình, không ngồi ngang cùng ghế. Chị nói chị đau bao tử, nhưng thực sự chị sợ không đủ ăn cho mọi người. Chờ cả nhà dùng xong bữa cơm, chị mới vào bếp ăn một mình. Ngồi nói chuyện, chị ngồi xổm ở một góc nhà. Chị giữ cái khiêm tốn của một người thục nữ miền quê. Chung quanh anh Thư có rất nhiều bạn thân tình. Anh Tài, anh Khánh... còn ở Philadelphia chưa đổ bộ về. Ở đây có anh Lý hay lại chơi. Người thanh niên này đã bốn năm sống đời “độc thân tại chỗ” rất cô đơn. Vợ con anh bị kẹt lại bên nhà. Anh có mời Ỷ Lan đi ăn sáng trong một tiệm Mỹ — do người Việt nấu. Ăn sáng theo kiểu Mỹ khó ăn hết vì phần ăn quá nhiều. Ăn xong no suốt ngày. Vùng New Jersey có hiệu ăn nấu thức ăn miền Nam rất ngon tên là “La Việt”. Hỏi anh sao chọn tên “La Việt” ? Anh trả lời “la” hay “le” là theo kiểu Pháp. Việt là mình. Ai thích ăn thì “la” lên, ai không thích thì làm lơ (le). Thật là Pháp-Việt đề huề trên đất Mỹ !”
Ỷ Lan Faulkner
(Trích cuốn Quê Nhà, NXB Quê Mẹ, 1987)
5/2024