http://www.gio-o.com/gio5de.jpgđọc trong mùa Tết




THI VŨ

hai bức tranh Tô Ngọc Vân,
một nét vẽ hồn thiêng

 



Mỗi lúc lên viện sách tìm tư liệu, tôi đều bước ngang hai bức tranh của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. Bức Thiếu nữ bên hoa Huệ sáng tác thời Pháp thuộc, và bức tranh cổ động vẽ từ năm 45, 46 ở Hà Nội với dòng thủ bút khắc hoạ của người đã khuất, chữ viết theo sóng triều « Hà Nội Vùng Đứng Lên ».

Nhìn tranh lần nào cũng nhớ lại câu cụ Phan Khôi viết vào tháng 7 năm 1956 trong bài « Phê bình lãnh đạo Văn nghệ » đăng trên Giai Phẩm Mùa Thu. Cụ viết : « Mồ ma Tô Ngọc Vân anh là một hoạ sĩ cụp vẽ mỹ nhân, anh còn vẽ bức tranh mầu là « Hà Nội đứng lên », trình bày một người thiếu phụ tuyệt đẹp đứng hiên ngang trong đống lửa, chung quanh là những nếp nhà đổ vì bom đạn. Thế mà sau đó anh chừa hẳn cái vai cụp ấy » chữ cụp trôi xa trong văn, nên lạ, nhưng thân gần đến hiện tỏ tính đam luyến.

Nước ta không có truyền thống hội hoạ. Thời xưa vẽ theo hội hoạ Trung quốc. Đầu thế kỷ XX, người Pháp thiết lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương tại Hà Nội. Nhờ Hoạ sĩ Tardieu, bạn thân của Matisse, tận tâm đào luyện, từ đó các hoạ sĩ của ta du nhập kỹ thuật phương Tây, dựng nền cho hội hoạ Việt Nam. Tây phương bắt đầu tiếp cận với những tài hoa mới như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Lương Xuân Nhị, Lê Bá Đảng, Bùi Xuân Phái, v.v.

Thiếu nữ bên hoa Huệ bố cục hình chữ nhật. Màu là ánh sắc đằm thắm hắt lên mắt người nhìn. Dáng ngồi mang hình bóng thai nhi trong bụng mẹ. Nay thành mỹ nhân giữa lòng vũ trụ. Cái đẹp cõi người. Hai bàn tay đón hồn hoa gửi thơm vào khứu giác, gửi nõn nà vào mắt, gửi lời vào lay thức cuốn từ điển nằm trong thư viện não. Tay đỡ chiếc cổ thon nâng bộ mặt trầm tư hồng má giữa mịt mùng câm lặng. Tất cả dội về ta niềm thanh tao  người nữ.

Bằng màu sắc cuồng nộ, nét cọ vỡ oà, Van Dongen phác hoạ người phụ nữ tình ái Trung Đông cho bộ sách Scharazade Nghìn Lẻ Một Đêm. Bằng màu sắc phớt nồng da thịt, Renoir đẩy người phụ nữ phương Tây ra nắng. Degas tung múa những tiên nữ bằng phấn hoa muôn sắc trước trò đời. Với đường nét điêu luyện thanh bén, cổ chon von, thân bồng bềnh hút gió trong màu sắc điềm đạm của những nụ hồng non, Modigliani bắt hồn ta hồi hộp thuở chớm mối tình đầu.

Tô Ngọc Vân nhắm mắt quên đi nét cọ, màu tranh bạo sắc, bố cục tung hoành theo lớp đàn anh nghệ thuật Châu Âu. Anh đưa lên tranh nét thanh tân người nữ việt. Biệt tích những sỗ sàng, những ham thích thô lỗ. Anh ngưng đọng trên màn tranh sự phương phi, phiếu diễu. Hơi người hay hương hoa phả ra từ tranh như ánh trăng trong nhạc Debussy ? Có ai thấy hoa Huệ vươn ngậm nụ vú nhú ? Và lưỡi gươm, không vẽ trọn trên tranh cổ động, loáng ánh trên mặt hồ Tây ?

Nhưng rồi chủ kiến ganh ghét, đánh giết thâm căn, ngăn tay người hoạ sĩ vẽ tiếp cái đẹp muôn đời… Chiến tranh vô nhân đến cướp đi  người hoạ sĩ Tô Ngọc Vân mới 48 tuổi đời khi ngã đạn ở Điện Biên. Cướp luôn những đoàn thiên nữ hồng môi má mặt còn giú mộng giữa năm lóng tay anh.

Ngày đất nước đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do, Tô Ngọc Vân chuyển sang vẽ tranh cổ động. Sự nồng nhiệt tuổi xuân lại tràn lên nét vẽ. Không là những con người sắp hoá robot, cơ bắp cuộn quanh các thớ thịt, mắt đăm đăm nhìn vào tương lai chờ « ca hát », nam nữ nắm búa liềm quyết tâm trước những ống khói cơ xưởng, hay vũ trang lựu đạn, súng trên tay lăm lăm tàn sát. Loại tranh cổ động ta thấy khắp pa-nô đường phố, nông thôn trong các nước Xã hội Chủ nghĩa – từ Liên Xô đến Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Cuba, Hà Nội…

Không.

Pháp tràn chiếm Hà Nội cuối năm 1945 sang năm 1946. Toàn dân đứng thẳng người nhập cuộc thành toàn quốc kháng chiến. Trong bức tranh cổ động kêu gọi Hà Nội Vùng Đứng Lên[i], Tô Ngọc Vân vẫn trình bày người mẫu nữ. Không chỉ là giống Cái, mà là Mẹ và Em – sự sinh thành ra nòi giống. Cái đẹp, cái thiện, cái chân lý. Cái Đẹp chống cái Xấu. Cái Thiện chống cái Ác. Cái Chân lý vượt qua đầu Tà kiến. Vô minh sụp đổ. Nô lệ thành Tự do.

Màn tranh màu nâu nhạt. Nét tranh nâu sẫm – màu dân giả thôn làng. Giữa ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, tóc người nữ cuộn sóng mây ngang trời như cờ phất. Từ lòng dạ người nữ, sông Hồng tuôn dưới ngọn Ba Vì qua hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Tay người nữ không còn ve vuốt hoa mà tuốt dốc chuôi gươm như ý chí. Ý chí Văn Thù Sư Lợi – một vị Bồ tát dùng gươm trí tuệ chặt chém vô minh. Ý chí « tuốt gươm thiêng vung cho nước  nhà » như động thái đầu Tây lịch hơn hai nghìn năm trước của hai người Phụ nữ khác.

Và lần đầu tiên tranh hát. Hát bằng đôi ba nét nhạc, mà lời là Hà Nội Vùng Đứng Lên. Không đứng lên sẽ đời đời nằm xuống… thành cát bụi bên đường.

Hà Nội Vùng Đứng Lên là bức tranh cổ động xuất hiện giữa bản lề năm 1945-1946. Một Guernica khác. Từ ý lực đến tâm hồn. Bởi thế tranh không còn cổ động, thứ cổ động ma tuý, lừa người để giết. Tranh biểu hiện – nét linh hoạ tượng trưng.



Xóm Linh Mai, phụ cận Paris

Giáp Tết Canh Tý 2020

THI VŨ

[i] Bức tranh cổ động đăng trên đây và lời giới thiệu trong bài tuy cùng chủ đề nhưng khác với bức tranh "Hà Nội đứng lên" mà cụ Phan Khôi thấy và viết trong bài «Phê bình lãnh đạo Văn nghệ». Vì bức tranh trong bài hôm nay thiếu các chi tiết cụ miêu tả « một người thiếu phụ tuyệt đẹp đứng hiên ngang trong đống lửa, chung quanh là những nếp nhà đổ vì bom đạn ». Cụ cho biết bức tranh ấy trưng bày ở cuộc triển lãm năm 1948. Có thể bức tranh vẽ năm 1948 dựa vào nội dung tranh đã hình thành trên đây xuất hiện ba năm trước đó ?