photo:http://tiengnoiluongtri.com/



Thi Vũ Võ Văn Ái

Nhớ Thầy Huyền Quang

 

Lần cuối tôi gặp Thầy là năm 1974.

Bất kính khi gọi Đức Tăng thống bằng Thầy. Nhưng dòng hồi tưởng này là tiếng thầm thì trong tim với hình đã thành bóng của riêng tôi. Có ai vào đây tắc trách ? Thêm chi, đạo Phật thời tôi còn bé giản dị, thân tình, thắm thiết. Thưở ấy chữ Thầy mang khí hậu an lạc và giao hoà, nối kết lòng người, không phân cách ngôi thứ. Thầy hay Đạo là con đường. Chẳng là con đường ta giẫm bước. Con đường dẫn tới cao xanh không bụi bám.

Năm phút sau khi Thầy ra đi, tiếng chuông Nguyên Thiều vọng sang Paris báo tin. Tôi gọi điện cho một vài vị ở nước ngoài. Rồi ngồi bệt xuống. Biết rằng khúc quanh đã rẽ. Căn phòng làm việc bỗng hoang sa. Nước mắt trên da, lăn vào cổ họng, kéo núi đồi Bình Định vây phủ quanh thân.

Biển ngoài kia ầm sóng. Dãy núi cao bên trời rớt một đường chỉ di động của hàng người gánh bổi. Bình Định có những lò đường đen, có tiếng đánh võ trong đêm khuya, có tiếng còi và khói trắng chạy băng con tàu suốt từ Huế vào mỗi năm giờ chiều. Lũ nhỏ chúng tôi chạy băng đồng như những đốm hoa li ti chấm phá rượt theo tốc độ.

Tôi sinh ra trên biên giới Việt Hoa, rồi về Hà Nội. Ngày cha tôi lâm nạn, mẹ đưa về ở với ông bà ngoại. Đó là Bình Định thời năm tuổi. Ông ngoại dạy chữ Hán và hái trứng cá cho ăn mỗi khi thuộc bài.

Bình Định ấu thơ tôi và Bình Định bây giờ ngày Thầy mất như sợi dây nối hai đầu thế giới. Một thế giới tiếc thương, ly biệt.

Năm 1974 Thầy Thiện Minh cùng Thầy đến Paris thăm tôi sau cuộc hội nghị tôn giáo bên Vương quốc Bỉ. Ngày đó chiến tranh ngút ngàn nhưng vẫn có những phớt xanh hy vọng. Thầy Thiện Minh mời tôi về nước. Chúng tôi hẹn gặp nhau năm sau. Cái năm không bao giờ tới : 1975.

Thật khó cho tôi quen việc nhấc điện thoại hoặc thư từ qua bưu điện phương Tây, nay phải sống trong cảnh chờ chực nhiều tháng để có lóng tin chưa nghe xong đã loảng tan như khói thuốc. Thành ngữ “âm dương cách trở” bỗng hiện ra sinh sống với người Việt cuối thập niên 75.

Sóng nổi, nguời ra đi trên những chiếc bè li ti mang tin ra thế giới. Chúng tôi vúc luồng tin ấy như hạt móc trên đại dương. Những hạt móc chưng cất ngày đêm thành chai nước lạ. Tôi và thế giới cùng uống nhỏ giọt.

Những người có thể nói thay cho người không tiếng nói nay ngoảnh mặt làm ngơ là cánh hữu. Những người ồn ào hôm qua trong các phong trào phản chiến hay hoà bình bỗng im bặt theo cánh tả.

Bỗng một ngày rất sớm, 12 ngọn đuốc phựt lên từ Cần Thơ hôm 2.11.1975. Mười hai Tăng Ni tự thiêu phản đối. Không là nước mà lửa. Không là lửa mà tiếng nói. Tiếng nói lặng câm. Lặng câm như sự im lặng giữa lòng sấm sét. Tôi được vài tin tức le lói từ Thầy Thiện Minh, từ Thầy. Với cái vốn mỏng manh ấy, chúng tôi dựng lại niềm tin, như thả bước chân đầu trên con đường thiên lý.

Bất khuất và vô uý là vũ khí của những người như Thầy và Thầy Quảng Độ. Họ là ngọn gió mát thổi vào trần gian. Không dấu vết. Chỉ những ai nơi trưa hè nhiệt đới mới cảm nhận. Một con người vô uý, một con người ý thức là con người đánh đổ tất cả bạo quyền, dù tay không tấc sắt. Ý thức tuôn vào ngôn ngữ, vào tiếng nói, chuyển thành hành động như con suối xuống bình nguyên gầm thét hải triều.

Người ta hoan hô số đông, người ta cần tới tập thể. Song các năm tháng ấy, sinh mệnh đạo và nước treo trên một hay hai con người nơi địa danh bé tí, hẩm hiu nói ra chẳng ai biết : Quảng ngãi, Thái bình. Còn cả thủ đô kia : Saigon, còn cả thủ đô kia : Hà Nội, nườm nượp người. Nhưng các nơi ấy chẳng còn ai thương quý sinh dân, mà đạo Phật gọi bằng từ ngữ chúng sinh, trong nghĩa “chúng duyên nhi sinh” — những hình tướng, năng lực kết hợp làm nên sự sống, tức mọi loài. Từ sinh dân ra tới mọi hình thái nơi vũ trụ không cùng.

Thầy là người ôm ấp chúng sinh, tất không thể lặng câm trước nỗi oan khiên chỉ muốn vạch trời mà thét.

Thầy nói với tôi thập niên 90 : Tôi là người sổng không nhà, chết không mồ, đi không đường, tù không tội. Bốn cái không như đinh đóng vào thế phận con người lịch sử. Tôi đã tưởng Thầy sẽ chết không mồ thật, như tôi cũng sẽ chết tha hương. Ai ngờ Thầy sẽ có một Bảo Tháp trong vài ngày tới. Do những người đang lâm lụỵ như Thầy dựng xây và đưa tiễn. Bước tiến và thành công ấy đâu nhỏ. Nó báo hiệu sự sang trang như đêm rót vào ngày.

Một thời chúng tôi chuẩn bị cho Thầy bị quản chế ở Nghĩa Hành, vào Saigon mỗ khối u có nguy cơ ung thư. Bỗng một sáng Thầy gọi điện : « Anh Ái, tôi ra Hà Nội ». Tiếp đấy bao nhiêu người trong nước gọi điện cầu cứu, bảo tôi ngăn chuyến đi ấy, thì cũng là lúc tôi thấy tất cả hữu hạn của mình trong vô hạn. Nhiều người thất vọng, lo sợ sự đổ vỡ sắp hiện tiền. Tôi may mắn hơn, nhờ những điện đàm thường ngày nên biết Thầy không sa bẫy.

Cuộc đối thoại khéo làm sao : ông cựu thủ tướng Khải nói cán bộ cấp dưới phạm sai lầm với Thầy, với Phật giáo, chứ không là chính sách, xin Thầy mở lòng từ bi. Thầy đáp, ông Thủ tướng đã gọi từ bi thì chúng tôi xin hỷ xả. Thầy yêu cầu ông thủ tướng phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông thủ tướng trả lời cả nước chỉ có một tổ chức Phật giáo duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà Nước của Đảng. Cánh cửa đối thoại đóng lại từ đó.

Thầy nghĩ người dưng nước lã sao bằng người thân thuộc. Nên nhân cuộc mời thăm Thành hội Phật giáo Hà Nội, Thầy nói với ngài Thích Thanh Tứ, chúng ta hãy thống nhất Phật giáo và thoát ly khỏi chính trị, vì còn nằm trong Mặt trận Tổ quốc là còn xếp vó trong Dụ số 10. Ngài Thanh Tứ không khứng. Tôi hỏi Thầy vì sao ông ấy không khứng ? Thầy bảo họ sợ mất ghế khi thống nhất. Thời gian sau vào Saigon, Thầy lại gặp Hoà thượng Thích Trí Tịnh và lặp lại lời đề nghị. Tôi bộc trực nói thay, từ chối như ngài Thanh Tứ chứ gì ? Thầy bảo rằng thầy Trí Tịnh nói “Việc này phải do ông Nhà nước, chúng tôi có quyền gì đâu”. Cánh cửa đối thoại lại đóng lần nữa và khoá trái...

Sau này nhiều ngài cán bộ cao cấp nườm nượp từ Hà Nội vào Bình Định mời Thầy ra Hà Nội làm Viện trưởng Viện Đại học “sẽ mở” vì biết Thầy tha thiết đào tạo Tăng tài. Đại học là mồi nhử một số Tăng sĩ già hay trẻ, như giỏ cỏ treo trước mõm ngựa, khiến bao chiến mã hoá thành mặt ngựa... Bất thành, họ mời Thầy lên ngôi Pháp chủ Giáo hội Nhà nước. Chuyện cũng không thành.

Đầu tháng 10 năm 2003, Đại hội Giáo hội mở ra tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định để chấn chỉnh nhân sự cho hai Viện Tăng thống và Viện Hoá Đạo. Có một vị Tăng yêu cầu Thầy đóng cửa Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để chuyển Phòng này về trong nước, và giải nhiệm người điều hành Phòng Thông tin. Nếu khứng thì vị Tăng này sẽ mang về cho Giáo hội rất đông chư Tăng mới, và sẽ phát hành một tờ báo Phật giáo in hai mươi nghìn bản mỗi tháng. Thầy từ tốn hỏi, gần ba muơi năm qua ai bênh vực cho Giáo hội ở nước ngoài ? Người ta tự nguyện dấn thân, Giáo hội cũng không trả cho người ta một đồng xu, sao bỏ người ta ? Rồi thôi, chuyện không nói nữa.

Nhóm người trong Giao Điểm cũng nườm nượp về báo cáo và đề xuất như vị sư kia. Nhưng mỗi lần nói chuyện điện thoại với tôi Thầy lại nhắc như một bài ca đã lạc phách : Họ nói xấu anh dữ lắm, rồi Thầy cười bắt qua chuyện khác.

Từ giữa thập niên 90, trong nước bắt đầu bắn ra dư luận Thầy “lẩm cẩm”, khi nhớ khi quên bất thường. Phải chăng để gây ly gián, hoang mang ? Nhưng tôi vẫn đâm lo. Nhất là khi dư luận ấy đến từ những người trong nội bộ. Lạ một điều khi trao đổi việc Giáo hội qua điện thoại tôi thấy Thầy minh mẫn lạ kỳ, quyết đoán nhanh lẹ và hợp cách. Có những chuyện khẩn cần phúc trình, thì Thầy đã biết.

Vì vậy tương quan giữa Thầy và tôi như hai người thong dong đi dạo giữa rừng, mặc ngoài xa kia xe cộ ồn động, bụi hồng nổi gió. Niềm bí mật ấy êm ái biết bao. Như người đã tìm thấy hạt bảo châu trong áo rách. Đâu ngờ hai chữ “lẩm cẩm” ấy theo chân rùa xuất cảng ra hải ngoại mười mấy năm sau.

Các bà mụ đỡ đẻ dư luận manh tâm ở nước ta sao khéo thế.

Bây giờ đâu còn những lần điện thoại ưu tư việc nước, việc đạo. Bây giờ Thầy thực sự bước vào cõi không. Chẳng phải cõi không đối diện với cõi có. Mà là cõi không của vô tánh duyên sinh. Thuật ngữ gọi là chân không diệu hữu. Chân không sinh diệu hữu, diệu hữu hoá chân không.

 

Thầy đi
để lại
bóng mình
Nghìn năm mưa nắng
tạc hình dáng theo.

 

Thi Vũ Võ Văn Ái
         (trích Sống Nơi Cõi Người)