Phỏng vấn nhà thơ

Thi Vũ

THI  SĨ  VÀ  ĐỜI  SỐNG

Lê Vĩnh Phúc

 

 Lê Vĩnh Phúc : Chào anh Thi Vũ. Xin anh vui lòng cho biết anh khởi viết từ lúc nào và các tác phẩm đã được xuất bản của anh.


Thi Vũ  Tôi bắt đầu viết văn, làm thơ năm 10 tuổi do đọc thơ văn Cụ Phan Bội Châu. Những tập thơ  đã xuất bản :
- Mùa Xuân Xa, thơ, Paris 1966
- Mùa Rêu, thơ, Paris 1966
- Je Vous Parle De Ces Jours Absents, thơ, Paris 1968
- War Resistance and War Reality, tham luận, Paris 1968
- Un Ramo D'Incenso, thơ, Isola d'Oro, Ý đại lợi, 1968
- Tiếng Kêu Trầm Thống Trước Sự Tàn Phá Con Người, tiểu luận, Lá Bối, Saigon 1968
- Bất Bạo Động và Bất Tạo động, Vạn Hạnh, Saigon 1968
- Answer of Fire, thơ, Unicorn Press, Hoa Kỳ 1969
- Hoa Nắng, thơ, An Tiêm, Saigon 1969
- Twelve Poems, thơ, Unicorn Press, Hoa Kỳ 1969
- Kinh Ruột Tuệ Giác Siêu Việt (hay Biện chứng Phá Mê Trừ Khổ,
  dịch và chú giải bản kinh Prajnaparamita Hrdaya Sutra), Rừng Trúc, Paris 1973
- Thơ Tình Cho Người Lính, thơ, Rừng Trúc, Paris 1973
- Nos Pas, thơ, PJ Faulkner, Paris 1975
- Nguyễn Trãi, Sinh Thức và Hành Động, khảo luận, Quê Mẹ, Paris 1981 (in lần 3, 1990)
- Mẹ, Quê Mẹ, Paris 1984
- Gọi Thầm Giữa Paris, Quê Mẹ, Paris 1985
- Luận Chiến Nước Ngoài, Quê Mẹ, Paris (in lần 2, 1991)
- Freedom of Religion and Belief : a World Report (Vietnam Chapter), Routlege Press, London 1997
- Religious Freedom in the World : a global report on freedom and persecution (Vietnam Chapter),
  Center for Religious Freedom, Freedom House, USA 2000
- Human Rights and Asian Values:  the case of Vietnam,
  Nordic Institute of Asian Studies,”Democracy in Asia” series, Curzon Press, London 2000.

 

Lê Vĩnh Phúc : Hiện nay anh đang sống và làm việc tại Pháp. Anh đến Pháp trong hoàn cảnh nào?

Thi Vũ : Hội nghị Genève 54 kết thúc chiến tranh nhưng cũng chia cắt đất nước làm hai, thời điểm ấy tôi mang cuộc khủng hoảng nội tâm trầm trọng. Một mặt vỡ mộng với lý tưởng kháng chiến dân tộc bị những người Mác xít lợi dụng đưa quê hương vào tròng ách nô lệ mới. Mặt khác tiền đồ quê hương bị luân hiểm mà tôi đoán sẽ dài lâu. Nên tôi tìm cách ra đi, sang Pháp du học giữa thập niên 50. Nhưng chuyến Tây du, thầm kín là noi gương hai Cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, tìm xem nơi chân trời thế giới có phương cách nào cứu quê hương thoát khỏi cơn vong tính và vọng ngoại hay không. Lý lẽ thầm kín này đã quy hướng và đưa cuộc đời tôi vào những ngõ ngách bất ngờ, sóng gió.

Tôi đến Paris với 2 bộ quần áo xứ nóng và 200 quan tiền Pháp trong túi (tương đương 40 Mỹ kim ngày nay).


Lê Vĩnh Phúc : Như thế anh có gặp khó khăn hay trở ngại gì trong việc học hành không?

Thi Vũ : Khi ra đi nghĩ rằng vừa làm vừa học dễ thôi. Nhưng thực tế Tây phương không như mình tưởng, thập phần khổ ách. Tôi tới nhằm mùa đông, rét cóng như chưa từng. Phòng thuê sát mái (mansarde) không có sưởi, tôi mua lò cồn nhỏ để nung viên gạch cho thêm nóng. Năm đầu mỗi ngày tôi chỉ ăn một bữa. Không phải tu theo phái các thầy Phật giáo Nam tông, mà vì không có tiền ăn hai bữa. Các nhà ăn dành cho sinh viên, tuy rất rẻ, nhưng túi tiền tôi khá cạn. Phần ăn có hạn, nhưng ở Nhà ăn sinh viên có những rổ bánh mì cắt sẵn, tha hồ lấy thêm bao nhiêu cũng được, giống như ở Hoa Kỳ trả xong một lần tiền tha hồ uống năm ba cốc. Tội lận vào túi khá nhiều khúc bánh mì, dành làm phần ăn cho buổi tối với nước lã.

Tương lai mờ mịt.  Tôi long đong tìm phương tiện sống để học, một thời gian ngắn ở Ý rồi qua Đức sau trở lại Pháp. Thoạt đầu học triết và văn chương ở Sorbonne, vì hồi còn nhỏ mê triết, mười tuổi tôi đọc Nietzsche và Kant rồi đọc một số bộ kinh lớn của đạo Phật. Thuở bé tí ấy chẳng biết đọc có hiểu gì không, nhưng say mê vô hạn, ngày đêm không rời sách. Rồi tôi chuyển qua học Y khoa. Tưởng trót lọt, không ngờ một biến động trong nước làm tôi bỏ dở. Phải chăng tôi bị ảnh hưởng câu viết của Lỗ Tấn mà tôi đọc hồi nhỏ ? Lỗ Tấn học Y Khoa ở Nhật. Thời cuộc Trung quốc rối ren. Một hôm ông suy nghiệm học xong chỉ cứu được vài nghìn người, trong khi tâm bệnh thời đại đông triệu lần hơn và cần chữa trị khẩn cấp, nên ông bỏ học.

Vì sinh kế, có thời gian tôi giúp việc cho giáo sư Filliozat, nhà Ấn độ học, ở Collège de France, đồng thời dưới sự chủ trì luận án của giáo sư Maurice Durant rồi Bernard Lafont tôi theo học Trường Cao đẳng Thực hành tại Sorbonne, ngành khoa học lịch sử. Nhưng vì tình hình và hoạt động, tôi bỏ ngang không trình luận án tiến sĩ đã chuẩn bị xong (Triết lý hành động trong Phật giáo Đại thừa). Thời gian này tôi có giảng một số khóa Phật giáo tại ngành Phật học (Trường Cao đẳng Thực hành ở Sorbonne) theo lời yêu cầu của giáo sư André Barreau, ông cũng là giáo sư tăm tiếng về Phật giáo tại Collège de France.


Lê Vĩnh Phúc : Anh là một trong những người đã từng đưa chiếc tàu Đảo Ánh Sáng ra biển Đông để cứu người vượt biển. Xin anh kể qua những cố gắng của anh trong việc này.

Thi Vũ : Tháng 10.1975 đường về tắt nghẽn và thấy rõ hơn Cộng đảng áp dụng chính sách độc tài và trả thù nhân dân miền Nam, tôi mời một số bạn bè văn nghệ thành lập "Hội Văn hóa và Liên lạc Người Việt Hài ngoại", ra tạp chí Quê Mẹ làm cơ quan ngôn luận. Số đầu tiên phát hành tháng 2.1976. Thoạt đầu chỉ nhắm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt trước nền văn hóa nô dịch Mác xít. Dần dà thảm nạn Trại Cải tạo lùa hàng triệu dân vào cảnh tù đày, rồi thảm nạn kinh tế mới, tạp chí Quê Mẹ gánh thêm hoạt động nhân quyền. Hội thành lập 2 phân ban hoạt động, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển.

Sau 75, thế giới lặng câm về vấn đề Việt Nam. Thời chiến tranh, nhờ phe tả mà những cuộc biểu tình phản chiến nổi lên khắp thế giới. Hàng tuần, người xuống đường tính tới số trăm ngàn, số triệu cho "Hòa bình Việt Nam". Nhất là phe phản chiến trong các đại học Hoa Kỳ. Phản chiến nhưng ủng hộ Hà Nội.
Sau 75, hoặc không tin về những sự thật sắt máu CS tại Miền Nam, hoặc xấu hổ nên công luận, và là công luận phe tả ngậm tăm tảng lờ. Còn phe hữu thất trận theo ngày 30.4.75 nên chẳng muốn hó hé thêm. Tóm lại thế giới thành người câm, chẳng ai đoái hoài đến Việt Nam.

Tôi suy nghĩ thấy phải tranh thủ phe tả tại Pháp và Âu châu, chuyển được phe tả mới có bàn tay quốc tế hữu hiệu đánh xuống chế độ độc tài ở Hà Nội. May mắn, chúng tôi thành công rực rỡ qua cuộc họp báo tổ chức tại Paris trình bày về chế độ nhà tù Việt Nam với một tuyên ngôn của tù nhân trên 70 người ký tên mang từ trong nước ra. Cuộc họp báo nổ lớn. Có thể nói là cuộc họp báo quốc tế thứ nhất sau năm 75, tổ chức tại Paris ngày 29.5.1978, với sự tham dự của 60 ký giả quốc tế, truyền thanh, truyền hình Âu Mỹ. Đó là cú đấm nghìn cân đầu tiên giáng xuống đầu Hà Nội trên lĩnh vực nhân quyền. Sau cuộc họp báo tôi đi "tâm công" giới tả khuynh Pháp, khởi sự với giới cựu sinh viên phong trào Sorbonne 68, giới cựu Mao ít, như Claudie Broyelle, André Glucksmann, Alain Geismar, Bernard Henri Levy, v.v... rồi Raymond Aron, Jean Paul Sartre, Jean-François Revel, rồi Leonid Pliouchtch, Vladimir Boukowski, Maximov, Mstislav Rostropovitch, Czeslaw Milosz, Olivier Todd, Jean Lacouture, Michel Rocard, v.v.... Lôi được phe tả là giải quyết xong con đường chiến lược Tây phương làm hậu cần cho việc vạch trần sự dối trá, gian ác của Hà Nội.

Một hai tháng sau, xẩy ra vụ Hải Hồng, con tàu lớn nhất chở hàng nghìn người rời Việt Nam, tiếp theo phong trào Người Vượt biển (tôi cố ý dùng từ Người Vượt Biển vì liên quan tới yếu tính của chữ Việt, là vượt. Tổ tiên ta đã vượt thoát xâm lăng, khổ nạn để dựng lên chủ quyền dân tộc và văn hiến. Chữ Thuyền nhân thường dùng dịch từ Boat People không nói đủ hạo khí một dân tộc). Tháng 11.1978, nhờ âm hưởng của cuộc họp báo hồi tháng 5, tôi mời tất cả các bạn Pháp (đa số khuynh tả như đã nhắc tên trên đây) và giới ly khai Liên xô, Đông Âu họp để trình bày thảm nạn Người Vượt Biển và đề xuất tổ chức tàu ra Biển Đông vớt người. Đề xuất này biến thành Ủy ban Một Chiếc Tàu cho Việt Nam (Un Bateau Pour le Vietnam). Chủ yếu các bạn Pháp cùng với giới ly khai Đông Âu, Liên Xô tham gia Ủy ban, trụ sở Ủy ban đặt tại tòa soạn Quê Mẹ ở số nhà 25, rue Jaffeux - Gennevilliers, ngoại ô Bắc Paris.

Thoạt đầu, chúng tôi chỉ nghĩ phát động công luận thế giới lưu tâm đến thảm nạn Người Vượt Biển, tù nhân chính trị và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam mà thôi. Không ngờ thành sự thực. Tất cả các tờ báo lớn của Pháp cho in quảng cáo 1 trang không lấy tiền. Trong vòng 2 tháng Ủy ban thu được 5 triệu quan Pháp (tương đương 1 triệu Mỹ kim). Trong khi ấy Đảng Cộng sản Pháp mở chiến dịch chống trả chúng tôi, họ in bích chương 3 thước trên 3 thước dán khắp nước Pháp kêu gọi hỗ trợ Hà Nội băng bó vết thương chiến tranh. Sau một tháng vận động Đảng thu được 5 trăm nghìn quan Pháp, bằng 1/10 chúng tôi.


Lê Vĩnh Phúc : Khi tổ chức đưa tàu ra biển đông cứu người vượt biển anh có gặp khó khăn gì không?

Thi Vũ : Khi hoạch định chiến dịch đưa tàu ra biển Đông vớt người, chúng tôi thăm dò giá cả qua các hãng cho thuê tàu. Năm hãng thuận cho thuê với giá 20 nghìn quan Pháp mỗi ngày chưa kể xăng dầu và nhân viên. Khi có tiền, thì cả 5 hãng đều nại đủ cớ không cho thuê, hoặc tàu đang sửa chữa, tàu đang sơn, v.v.... Sự thật là thời ấy Công đoàn CGT (Cộng sản) rất mạnh, họ ngăn cản các hãng mà họ ảnh hưởng không cho chúng tôi thuê. Bức tóc bức tai mà chịu. Khởi sự không tin quyên góp đủ tiền. Khi có tiền thì lại không thuê được tàu. Nhưng rồi Trời Phật giúp. Một hôm vào lúc 3 giờ sáng, một bà độc giả Quê Mẹ gọi điện thoại từ đảo Nouvelle Calédonie sang. Bà nói tôi đọc Quê Mẹ thấy đang gặp khó trong việc thuê tàu, hiện chồng tôi có chiếc tàu vừa hết hạn cho thuê, ông Ái cần thì qua đây ký hợp đồng. Hôm sau chúng tôi cử người bay nhanh sang đó, ký thuê ngay chiếc tàu kẻo sợ có người phỗng tay trên. Đó là chiếc tàu mang tên Ile de Lumière (Đảo Ánh Sáng). Không nhờ một độc giả Quê Mẹ thì chưa biết ra sao.

Tại Paris, một số người thuộc các hội đoàn "quốc gia", trong đó có một ký giải từng làm trong cơ quan thông tin của VNCH, nói xấu cá nhân tôi tung chiến dịch để lấy tiền bỏ túi. Họ cung cấp "hồ sơ" cho tuần báo phát xít Minute (nay đã đóng cửa). Báo này không ngừng viết bài tố cáo Người Vượt Biển đến Pháp cướp công ăn việc làm của người Pháp. Nhân có sự tiếp tay của người Việt, báo này đục nước béo cò đánh lận con đen rằng Tàu của chúng tôi là hậu thân của một Con Tàu trước kia chở thuốc men về giúp Hà Nội trong thời chiến tranh chống Mỹ. Báo dùng hồ sơ của người Việt "quốc gia" cung cấp, in hình kèm bài viết tố cáo tôi lợi dụng Người Vượt Biển "làm tiền" cho cá nhân. Trước ngày Minute phát hành một ngày, ông ký giả nổi danh "quốc gia" kia dịch ra Việt ngữ bài báo mạ lỵ tôi đem phân phát trong các chợ người Việt. Lại có tin tôi quyên được 60 nghìn Mỹ kim gửi về giúp Hà Nội. Tôi kiện tuần báo Minute ra tòa án Paris. Cuối cùng tôi thắng kiện. Nhưng mất sức hoạt động, vì 3 tháng ròng phải làm sổ sách, dịch các thư độc giả gửi tiền ủng hộ ra Pháp ngữ làm chứng cứ. Bạch hóa 4 chương mục, một chương mục nhà in của tôi, một chương mục riêng của tôi, một chương mục của tạp chí Quê Mẹ và chương mục Một Chiếc Tàu cho Việt Nam do một bạn Pháp làm thủ qũy. Không một tơ hào lẫn lộn trong 4 chương mục về các chi phiếu gửi tới ủng hộ cho con tàu. Ngày xử,  ký giả viết bài trên Minute không ra hầu tòa, chỉ thuê luật sư chống kiện. Phía tôi toàn Ủy ban Một chiếc Tàu cho Việt Nam, người Pháp và ngoại quốc, trong có Leonid Pliouchtch, Olivier Todd, Claudie Broyelle, v.v.. đến làm chứng.

 

Lê Vĩnh Phúc : Đối với các nước ở châu Âu thì sao? Họ có ủng hộ và giúp đỡ tàu Đảo Ánh Sáng không?

Thi Vũ : Lúc ấy nhiều đài phỏng vấn đến từ Anh, Đức, Ý, v.v... Nhưng Hòa Lan ghi đậm một kỷ niệm. Đó là Đài truyền hình Hòa Lan sang Paris phỏng vấn tôi.

Cần biết sự kiện mà nay ai cũng quên rồi : Miền Nam không có chính nghĩa trong lòng thế giới. Một phần vì Liên Xô thông qua các đảng Cộng sản Châu Âu và toàn thế giới giúp đỡ việc truyền thông thế giới, mua chuộc báo chí ; Hà Nội cũng bỏ ngân qũy kếch sù cho việc tuyên truyền quốc tế. Trong khi ấy, các tòa Đại sứ VNCH không có đầu óc chính trị, thiếu ý thức dân tộc, đa số quan liêu, nên chỉ làm công việc thuần túy hành chính, chẳng làm công tác truyền thông và "tâm công" quốc tế. Vì vậy sau 75, người vượt biển lãnh đủ hậu quả thờ ơ nếu không nói là khinh ghét.

Dư luận báo chí phương Tây xem Người Vượt Biển là  "bọn tội phạm chiến tranh" vì làm tay sai cho "đế quốc Mỹ" thì chuyện gì cứu nguy cho chúng ? Tôi hoạt động trong không khí ác cảm và chống đối của Tây phương. Ký giả Đài truyền hình Hòa Lan là người theo đảng Xã hội, tả khuynh chống Mỹ. Nhưng vì tin tức Con Tàu sôi nổi thế giới nên Đài phải theo dõi truyền tin. Anh ký giả này đặt cho tôi câu hỏi : "Ông là người xướng xuất Con Tàu đi vớt người ở Biển Đông. Ông cho biết vì sao lại đi cứu những người cộng tác với Mỹ, nếu không nói là cứu bọn tội phạm chiến tranh ?". Tôi trả lời : "Trước hết nếu ông đến các trại tị nạn Đông Nam Á ông sẽ gặp những Người Vượt Biển thuộc thành phần nông dân, thợ thuyền, tiểu thương và đa số trẻ em. Vâng, có nhiều phụ huynh không đủ tiền ra đi phải giành dụm tiền bạc gửi con ra nước ngoài vì tương lai của chúng đã tắt ngấm dưới xã hội cộng sản. Tôi xin phép hỏi lại ông một câu : nếu ông đi dạo tại thành phố Amsterdam chằng chịt những con lạch. Nếu ông thấy một người chết đuối, ông sẽ làm gì ? Ông điều tra lý lịch người này xem hắn khuynh tả hay khuynh hữu trước khi quyết định cứu hắn ? Hay ông sẽ nhảy ngay xuống lạch cứu người chết đuối ?". Câu trả lời như thế đã khiến cho nhân dân Hòa Lan xúc cảm. Chương trình dự tính chỉ đưa lên màn ảnh một lần, nhưng do yêu cầu khán giả đã chiếu đến 3 lần cuộc phỏng vấn trước lễ Giáng sinh năm 78. Mười ngày sau, cơ quan thiện nguyện Hòa Lan điện thoại sang cho tôi mời sang Hòa Lan nhận số tiền nhân dân Hòa Lan đóng góp cho Con Tàu đi vớt người vượt biển. Tôi hỏi đi hỏi lại mới dám tin vào lỗ tai mình về một ngân khoản kếch sù : tiền Hòa Lan quyên góp sau 3 chương trình truyền hình phỏng vấn tôi tương đương 8 triệu quan tiền Pháp thời bấy giờ ! Tôi cùng toàn thể các bạn Pháp trong Ủy ban bay sang Amsterdam bàn thảo việc chi dụng số tiền thu được để cứu sống Người Vượt biển.

Ở đây cần nhấn mạnh điều quan trọng, là tất cả vấn đề tài chánh, chi thu của Con Tàu đều do các bạn Pháp cáng đáng ngay từ khi Ủy ban thành lập. Thủ qũy là một người Pháp. Chúng tôi chỉ lo việc vận động truyền thông, giao dịch với các tổ chức quốc tế. Cho nên những kẻ muốn làm hại Người Vượt Biển bằng việc phá hoại chiến dịch Một Chiếc Tàu cho Việt Nam đã đem tôi làm vật tế thần. Duy họ không nắm vững việc tổ chức nội bộ nên đã thiếu khôn ngoan trong việc chụp mũ tôi.

Có tiền, có tàu, nhưng việc đi vớt người cũng rất lao đao lận đận. Sau này phải viết một cuốn sách để rút kinh nghiệm cho lịch sử. Một mặt các quốc gia Tây phương không muốn nhận người đông, nên kém ủng hộ chiến dịch Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam, vì nó khuyến khích phong trào bỏ nước ra đi. Như lập trường của Tổng thống Giscard thân Brejnev thời ấy, nhưng sau này chúng tôi đã vận động làm ông thay đổi.  Chính sách của LHQ cũng thế, họ không giải quyết nổi số lượng người Việt đến các trại tạm cư ngày càng đông. Mấy lần tôi sang điều đình LHQ ở Genève đều gặp sự thờ ơ. Nội bộ Ủy ban Một Chiếc Tàu cho Việt Nam cũng chia hai khuynh hướng, một khuynh hướng cộng tác theo đề xuất LHQ, giảm nhẹ chiến dịch Con Tàu ra Biển Đông vớt người nhằm thối chí người trong nước muốn ra đi, còn tôi thì quyết đưa tàu ra biển Đông vớt người. Cuối cùng chúng tôi thỏa thuận hợp đồng hai khuynh hướng. Nghĩa là chấp nhận lời đề nghị LHQ biến con Tàu Đảo Ánh Sáng thành bệnh viện nổi tại Pulau Bidong lo việc y tế cho trại, lúc ấy 50.000 người ; chờ một buổi tốt trời nào đó xuất kỳ bất ý làm những chuyến đột xuất ra Biển Đông vớt người. Cũng may thời gian ấy lượng người Vượt Biển lên cao đỉnh, mỗi giờ đồng hồ có 55 người vượt biển tấp vào các bờ biển Đông Nam Á. Thế là Tàu Đảo Ánh Sáng kéo cờ chạy ra khơi cứu nạn.

Điều quan yếu nhất và kết quả không ngờ là chiến dịch Một Chiếc Tàu cho Việt Nam được quốc tế hóa. Với sức hoạt động xông xáo của chúng tôi, Tàu Đảo Ảnh Sáng đẻ ra hằng loạt tàu đi vớt người. Cuộc thuyết trình của tôi và triết gia André Glucksman tại Ý do Đảng Xã hội Ý tổ chức đã đưa đến việc chính phủ Ý điều 3 tàu hải quân ra Biển Đông vớt người, một con tàu của Na Uy rồi tàu Đức...

Sau đó xẩy ra nạn hải tặc Thái mà tôi ngờ có sự làm ngơ của chính quyền Thái cốt chồn lòng những ai muốn rời nước ra đi. Tôi liền mở cuộc vận động quốc tế chống hải tặc Thái, viết thư riêng can thiệp với người bạn đã mất, ông Lane Kirkland, cựu Chủ tịch Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO. Một thời gian ngắn ông đánh điện cho tôi biết thành quả là Chính phủ Hoa Kỳ đã điều Hài quân Hoa Kỳ vào vịnh Thái Lan truy kích hải tặc.


Lê Vĩnh Phúc : Nghe nói hồi ấy có người âm mưu đốt nhà in của anh. Việc này đã diễn ra như thế nào?


Thi Vũ : Hôm ấy chúng tôi đi họp 12 giờ khuya về thấy lính chữa lửa đầy đường, nhà in cách nhà in chúng tôi 3 căn bị đốt. Bọn cực hữu hay cực tả đốt lầm. Đường chúng tôi có 2 nhà in. Nhà in bạn nằm trước rồi mới đến nhà in chúng tôi trên đường một chiều. Năm giờ sáng hôm ấy, tôi lấy làm lạ thấy rất nhiều thùng gỗ chất trước nhà in của tôi. Tôi bèn chở đi vất. Sau này cảnh sát Paris cho biết đó là dấu hiệu kẻ gian đốt nhà. Chắc là tối hôm ấy kẻ gian chạy xe vào đường Jaffeux không thấy dấu hiệu mấy chục thùng gỗ chất đống, lại gặp ngay nhà in đầu tiên nên nổi lửa đốt. Gennevilliers là vùng thị xã Cộng sản Pháp, gọi là vùng đai Đỏ bao quanh Paris. Chúng tôi không biết ai là Bà Hỏa. Nhưng chắc một điều nếu không là phe tả, thì cũng là phe cực hữu.

 

Lê Vĩnh Phúc : Anh có tâm tình gì muốn gửi đến chúng tôi và bạn đọc không?


Thi Vũ : Việc các bạn đang làm trên lĩnh vực văn học là cơ bản và quan trọng. Văn chương thay đổi lòng người, mà lòng người là gì, nếu không là sinh phong mới cho văn hóa : một nền văn hóa mới chữa vết thương khủng hoảng tâm thức. Thơ là gì nếu không là mẹ đẻ của triết học : một người nhìn lên trời cao lúc xế chiều và mơ mộng, đó là bước đầu của triết học và tư tưởng.


Lê Vĩnh Phúc : Xin cám ơn nhà thơ Thi Vũ.
 

© 2006 gio-o