nhân giỗ đầu của

nhà tranh đấu nhân quyền, nhà thơ

THI VŨ - VÕ VĂN ÁI

(1935-2023)

SỐNG NƠI CÕI NGƯỜI

(Nhớ đâu viết đấy)

(trích hồi ký chưa xuất bản)

 

Giới thiệu của Ỷ Lan:  

Cách đây đúng một năm, ngày 26/1/2023, Anh Thi Vũ - Võ Văn Ái đã qua đời tại Paris sau một ca mổ tim nhẹ. Tôi vào nhà thương thăm anh buổi tối sau khi mổ. Anh vui vẻ, không đau đớn, còn nói chuyện say sưa về bài anh sắp viết về nhạc Văn Cao, về chiến tranh khốc liệt tại Ukraine, về bản phúc trình nhân quyền phải chuẩn bị cho cuộc họp Liên Hiệp Quốc sắp tới.

Sáng hôm sau, lúc 7 giờ, bỗng nhiên trái tim anh ngưng đập. Các bác sĩ Pháp làm hết mình để cứu vãn, nhưng không được. Họ rất buồn và thắc mắc, không hiểu vì sao chuyện xẩy ra như vậy, vì theo họ là ca mổ hòan tòan thành công. Lỗ tai tôi nghe họ giải thích xi-lô xi-la về lý do này nọ, các tình trạng có thể. Nhưng khi nhìn anh nằm trên chiếc giường, nước da hồng hào, khuôn mặt bình thản như trong giấc ngủ, thì tôi hiểu. Suốt 88 năm, anh đã sống mãnh liệt, từ lúc nhỏ bé dấn thân vào cuộc « cứu đời, cứu người », với bao nhiêu thăng trầm, sóng gió. Một hành trình đầy ắp những niềm vui, hạnh phúc, cùng nỗi thương đau, tuyệt vọng, cô quạnh, dưới búa rìu (đối khi rất bất công) của dư luận. Nên đến lúc trái tim đã tràn đầy, vậy thôi. It’s time to rest in peace at last.

Những kỷ niềm buồn vui đó, Anh Thi Vũ đã bắt đầu viết trong cuốn “Sống Nơi Cõi Người”. Rất tiếc anh không đủ thì giờ viết xong. Hôm nay, nhân dịp Giỗ đầu của anh, tôi mạn phép trích một đoạn hồi ký dưới đây. Đâu đó, anh Thi Vũ đã viết về cái chết như sau: “Khi cuộc đời bỗng đầy ắp sự sống, con người thác sinh vào chốn khác. Riêng thi sĩ thác sinh theo tiếng ca mình vào mọi con tim”.

Mong rằng Lê Thị Huệ và độc giả Gió-O sẽ đón anh Thi Vũ vào con tim, để anh còn sống mãi, và những người thương yêu anh sẽ không bao giờ cô đơn.

Nhân dịp ngày Giỗ đầu, nhớ thương Anh Thi Vũ - Võ Văn Ái

Ỷ Lan.

 


Thi Vũ Võ Văn Ái 1944 (ảnh do gia đình cung cấp)

1945

Biến cố đầu năm vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 là lịch sử sang trang cho một dân tộc gần trăm năm thuộc Pháp. Có thể tiên đoán, nhưng chẳng ai ngờ nhanh như úp bàn tay. Mấy năm qua, người dân Việt bắt đầu thấy bóng dáng người lính Nhật trên đường phố khắp nơi. Sao có việc lính một nước khác đi lại tự do trên ba nước Đông Dương thuộc Pháp ? Đồng là lính, nhưng khác lính Pháp. Đập mắt trước tiên là sắc da vàng như dân ta, người đẫm thấp, mà người Việt chúa phê phán gọi là “mấy ông lùn”. Đặc biệt chiếc gươm dài đeo lủng ngang lưng, với chiếc mũ cát-kết vải kaki, chân đi giày ống.

Ở Huế, bóng dáng những sĩ quan Nhật nói cười tự do. Họ ghé thăm các nhà dân, nói chuyện vồn vả, hỏi thăm dân tình, kể chuyện nước Nhật. Tôi chứng kiến một hôm hai sĩ quan Nhật vào hiệu Xuân Phúc số 79 trên đường Paul Bert, sau này đổi tên Trần Hưng Đạo, nơi bà nội tôi cùng các cô Lài, cô Tường Vi, chú Bính buôn bán. Trông họ hiền lành, thanh nhã. Họ hỏi thăm đủ chuyện. Họ thân ái bồng tôi lên đầu gối vừa khuyên cô Lài phải bắt cậu này tập thể dục mỗi sáng, quan trọng nhất ngồi xếp bằng tĩnh toạ, ngực trần ưởng phía mặt trời đón nguồn năng lực.

Thuở đó, chẳng hiểu nguyên cớ gì, kinh tế hay chính trị, người Việt chê các sản phẩm Nhật Bản. Ai cũng bảo đồ Nhật lạc xon lắm, chén dĩa, bình trà… ngó khéo và trình bày đẹp đẽ vậy thôi, chứ mau vỡ. Sau một thời gian ngắn, đồ Nhựt tự động nức vỡ. Người thì giải thích Nhật cố ý làm vậy để tăng lượng hàng sản xuất. Nhiều chục năm sau khi ra nước ngoài có dịp viếng thăm nước Nhật, tôi mới thấy sự phê phán gạt gẫm nếu không là ác ý. Trình độ văn hoá, nghệ thuật Nhật đạt tới đỉnh cao hiếm thấy ở châu Á. Phải chăng có hướng quảng cáo thiên vị đồ Tàu bền bỉ và nghệ thuật ? Không thấy ai so sánh, nhắc nhở nghệ thuật Việt Nam. Từ một thời thơ ấu, bọn trẻ chúng tôi chỉ nghe và ca ngợi đồ Tàu, đồ Tây. Không có đồ Việt. Đồ Việt bị loại vào đồ lạc xon, tức đồ bắt chước, giá trị ngang cùng hạng bét.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945 là một ngày kỳ lạ. Sự định giá Á Âu được chuyển giao yên thấm, bình lặng, ngoại trừ vài tiếng súng nổ rời rạc trong đêm. Giống cử chỉ cổi áo bẩn đưa giặt. Từ một đứa bé học tiếng Tây, ngày ngày nghe tôn ca đồng hồ Omega, máy chụp hình Kodak, xe đạp (gọi là “xe máy”) hiệu Saint-Etienne… bỗng trong giây khắc ý thức đến màu da cố hữu trên thân thể mình.

Sáng sớm đó, bà nội cho người lên hỏi mẹ tôi “Thằng Cả về chưa ?”. Thằng Cả là cha tôi, do ông là con trưởng. Những chuyện khó khăn, bương chải, cần kíp, pha phần nguy hiểm, bà nội đều sai thằng Cả. Khi tôi bừng dậy mới biết từ tinh sương bà nội sai người lên bảo cha tôi lên ngay Bến Ngự xem chú Ấm tôi có bình yên không. Thỉnh thoảng ông lên Bến Ngự thăm thuộc địa là bà hai. Đêm qua nghe súng nổ rang tùng chặp, sáng chưa thấy ông về. Cha đạp xe đi rồi biệt tăm. Đường phố ngày 9 tháng 3 vắng vẻ, người thưa thớt, vẫn truyền đi lao xao hai chữ lạ « đảo chánh ». Đêm qua Nhựt đảo chánh Pháp. Mấy ngày sau tin truyền mới rõ nghĩa trong một đêm ngắn, quân đội Nhật đã chiếm trọn ba nước Việt Nam, Cam Bốt, Lào thuộc Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Huế sáng đó, Tây còn cầm cự ở đồn Mang Cá, nơi từng chặp vung lên thinh không những tràng súng. Quân Nhật cấm mọi người ra đường để tránh đạn lạc. Nhưng vẫn có người mạo hiểm ra đi, vì không biết hoặc vì tò mò hóng chuyện, nên bị Nhật bắt.

Mẹ gọi tôi bảo chạy nhanh lên Bến Ngự xem xét tình hình cha tôi và chú Ấm. Chú Ấm tôi có tiệm vàng Kim Thịnh ở số 105 đường Trần Hưng Đạo. Nghe mẹ nói chú đào hoa, vợ con đề huề, nhưng ông hay đi đi về về với bà Hai, con gái một ông Thầy Bói ở đò trên sông Bến Ngự. Chú Ấm vốn thích bói toán, tử vi, luôn lay hỏi chuyện tương lai, nên đi lại bao lần với ông Thầy Bói. Đi luôn cho đến ngày khám phá ra mỏ vàng tình ái – ái nữ ông thầy bói.

Chú Ấm là người từng ám ảnh tôi thời trẻ. Do chú là em kế cha tôi, chú gần gũi, thân tình cha tôi so với các cô, chú khác. Mỗi lần tôi phạm lỗi gì trong nhà, như đi học ham đá banh về trễ, hoặc buổi trưa chờ ông ngủ, tôi rón rén trốn ra sông bơi… cha tôi rút chiếc roi mây bắt tôi nằm sấp, đánh vào mông ba, bốn roi tuỳ theo lỗi nặng nhẹ. Ông hay hỏi trước khi ra tay : « Ái, tội mi bữa ni đáng đánh mấy roi ?». Có lần tôi đáp : « Dạ ba roi », ông gầm gừ « Ba roi à ? Tao đánh năm roi ». Rút kinh nghiệm, lần này tôi thay đổi chiến thuật : « Dạ, hai chục roi ! ». Cha tôi răn đe : « Tội mi tầy trời mà đánh hai chục roi à ? ». Biết phận, tôi van nhanh nâng cao số roi : « Dạ ba chục ! ». Cha tôi gằn lên « Ba chục roi ? Phải năm chục roi là ít ». Rồi ông nói tiếp « Bữa ni tao đánh 3 roi cho chừa, mi còn nợ tao 17 roi, lần sau tau đánh tiếp ». Chiếc roi mây tròn nhẹ, thon thon, nhưng rất dẻo, đánh vào mông đau tấy da. Sau mỗi lần thọ hình, mẹ tôi phải lấy muối pha nước bôi lên vết tấy cho mau lặn. Mỗi lần đánh xong, ông hay nhắc chuyện xưa. Ông nói : Tau đánh vậy là ít, Ông Nội bây đánh tau trăm lần hơn. Tau có lỗi chi đâu, chỉ cần chú Ấm bay phạm lỗi là ông kêu cả tau ra đánh. Bắt hai đứa ngồi chồm hổm, nhảy cò ngược nhau và ông vút roi túi bụi…

Chú Ấm là thương gia, nhưng mê đọc sách, nhất là mê Krishmanurti. Chú dịch tập sách nhỏ Dưới Chân Thầy in phát cho mọi người. Chú là Phật tử thuần thành. Trí tưởng tôi còn nhớ những trưa nắng rát người, cha đạp xe chở tôi theo chú ra Phường Đúc trông coi việc đúc tượng đồng A Di Đà cao một thước rưởi đem cúng chùa Vạn Phước ở Huế. Chứng kiến từ lúc đắp lò, tạc tượng bằng đất sét, nấu đồng, rót đồng. Không khí vần vũ cõi thiêng liêng, huyền bí. Không riêng chuyện lửa khói, kỹ thuật, mà bao trùm một nguyện ước mơ hồ nhưng tất định. Tôi nghe những mẫu chuyện đúc tượng khó khăn, kỳ bí. Nếu không có lòng thành, đúc lần nào cũng hỏng. Phải ăn chay, tụng kinh, cầu nguyện, tinh khiết, v.v… Có khi cần cả lòng thành tập thể, như chuyện một bà già nghèo đến tặng một đồng xu đúc tượng. Ít ai lưu ý, xem thường vì bao nhiêu gia chủ, đại gia, tín thí đã cúng dường phủ phê. Lạ thay tượng đúc bao lần đều hỏng vì một vết lủng trên thân tượng. Có người nhắc chuyện bà già nghèo đến tặng một đồng xu,  mọi người tìm kiếm đồng xu ấy bỏ vào lần nấu đồng cuối. Tượng đúc xong quả nhiên không còn vết lủng.

Dù tôi còn bé nhỏ nhưng chú Ấm có phần biệt nhãn, chú hay khoe các bộ Kinh Phật, sách Krishnamurti hay tâm sự chuyện thế sự. Một hôm cha sai tôi mang tấm giấy ghi làn sóng các đài ở Saigon xuống cho chú. Chú bảo : Nì Ái, tau cho mi coi cái ni. Nói đoạn vào phòng lấy ra khẩu Browning mới tinh khoe với tôi. Bàn tay tôi nhỏ bé lần đầu sửng sờ cầm nắm món đồ sắt lạnh, nặng trĩu. Cảm giác lạ lùng với một vật gì như đến từ hành tinh khác, mang trọn quyền lực. Mãi lâu sau tôi trầm ngâm hoài với ý nghĩ về người chú kỳ lạ. Ông theo chân Krishnamurti vào nẻo đạo, ông thấm đẫm Phật từ bi… thế mà ông đi mua một khẩu súng lục. Vì đâu, vì sao tâm hồn người chứa chấp cùng thời hai mối sinh tử ?

Đây có phải người Việt sôi sục lòng yêu nước vào tháng năm lay thức 1945 ? Súng là giải pháp ? Súng trang bị cuộc chạm trán ? Kinh sách đắm vào tâm một giải pháp khác ? Nhưng sao chúng thông đồng ở thời điểm mà từ đó xương cốt chồng lên thành hệ quả ?

Cùng thời gian này, tôi bồn chồn với nguồn tin « Cởi Cà sa khoác chiến bào », với sự kiện 27 nhà sư lập « Trung đội Phật tử » ngày 27 tháng 2 năm 1947 tại Chùa Cổ Lễ, tỉnh Nam Định.

Do bà Nội trông tin chú Ấm, mẹ gọi tôi bảo chạy lên Bến Ngự xem tình hình chú và cha ra sao. Huế là thành phố nhỏ, chạy đây chạy đó không ngoài ba, bốn cây số rất vừa vặn với đôi chân chẳng lớn lao gì thuở ấy. Lao ngay qua cầu Trường Tiền. Tới bên kia sông thấy người tấp nập trước khách sạn Morin. Nhưng nghe tin báo Nhật đâm bể bụng thằng Mác-bớp, tôi liền chạy theo đám đông này vào toà Khâm sứ. Vượt khỏi cổng thấy ngay thây người mặc quần áo trắng to béo nằm cạnh bồn hoa, bụng bị đâm thủng, máu đỏ hoen áo quần xuống đất thẩm, ruột lòi một khối nhầy nhụa trắng bệch. Chưa hề thấy người chết, tôi đứng nhìn lạ lùng, bở ngở. Tâm tư trống rỗng, một dòng máu nóng cuộn khắp người. Lần đầu tiên tôi không còn thấy Tây hùng mạnh, cao quý. Tây cũng chết như mọi người. Xác tôi đang nhìn đã bị người Nhật da vàng thấp bé đâm chết, lòng thầm nghĩ « Tây đã hết thời ». Chưa bao giờ lòng tôi cảm nhận đoan quyết như bấy giờ, sụp đổ lớn lao như trời sập. Chẳng còn cơ tái hồi. Mạnh, đẹp, thông minh, văn hoá… những trạng từ hay ý nghĩ dồn hết cho Tây không lâu trong tôi trước đó. Nay tả tơi như lá vàng bị gió thốc. Con Tây đẹp, da Tây trắng bóc, ông Tây thông minh, nước Tây binh hùng tướng mạnh như Thống chế Pétain… mà đâu đâu cũng thấy treo hình ông đội mũ kê-pi thêu vòng hoa chiến thắng quang vinh, với giòng chữ xác định an ninh, trật tự Cần lao - Gia Đình - Tổ quốc, và bài hát chúng mới hát vang trường tiểu học Maréchal, nous voilà… (Thống chế, có chúng con đây…). Thế mà trong một đêm tháng 3, trong tích tắc vật ngã thành thây ma Mác-bớp nằm thẳng đơ, mất hồn, kiệt máu cạnh bồn hoa trong vườn toà Khâm sứ Huế - pháo đài kiên cố trấn chiếm thuộc địa.

Tôi rời toà Khâm Huế chạy sang hoà nhập đám đông chen chúc trước khách sạn Morin. Những gia đình Huế đi tìm người thân mất tích sáng hôm mồng 9 tháng 3. Nghe họ nói mới hiểu, sáng đó ai ra đường đều bị quân đội Nhật bắt đưa về khách sạn Morin tạm giữ để tránh cho dân nạn tên bay đạn lạc. Cả đám người đông đúc đều ngước mắt nhìn lên lầu tìm kiếm người thân. Từ các của sổ lầu một, nhiều bộ mặt người Việt nhìn xuống cũng tìm kiếm kẻ thân quen.

Với thể xác nhỏ bé của đứa trẻ mười tuổi, khó cho tôi nhìn rõ các mặt người. Vừa chen lấn, vừa nhướng người nhón gót. Chợt thấy khuôn mặt cha tôi trong đám người trên cửa sổ lầu một. Tôi chỉ kịp kêu lên cha, cha… rồi khóc nức nở, nước mắt đầm đìa mừng vui, hờn tủi. Tiếng cha tôi vọng xuống bảo đi về ngay báo tin cho mẹ, ông cho biết chốc nữa Nhật sẽ thả hết mọi người.

 


Thi Vũ Võ Văn Ái đầu thập niên 50 sinh họat trong tổ chức
Gia Đình Phật hóa phổ, sau này đổi tên là Gia Đình Phật Tử

 

Trích cuốn « Sống Nơi Cõi Người »,
 hồi ký của Thi Vũ Võ Văn Ái, sắp xuất bản.