Y Ban

THẦN CÂY ĐA VÀ TÔI


truyện vừa

Một đêm vào quãng canh 3, khi giấc ngủ đang rất sâu thì tôi bị đánh thức bởi tiếng gõ của. Tôi nằm định thần mấy phút mới ra mở của. Thằng em trai nghịch tử của tôi mặt rầu rầu, không chào hỏi tôi lao thẳng vào trong nhà. Tôi cài cửa lại định lên gường đi ngủ tiếp. Tôi đã quen với cái cách nó đến nhà tôi kiểu này là chỉ để vòi tiền. Lần này tôi dứt khoát sẽ không nhả ra một xu. Thấy thái độ của tôi có vẻ cương quyết thằng em tôi cất lời :

 -Chị có quen đâu thuê hộ tôi chiếc xe để tôi đưa thằng cò về quê.
 -Thằng cò nào?
 -Thằng cò con con Hồng.
 -Con Hồng, người yêu của cậu ấy à ?
 -Thì còn con hồng nào nữa.
 -Thế nó có con rồi à ?

 -Đẻ lúc chiều, mẹ băng huyết. Thằng bé suy hô hấp. Đưa cả lên bệnh viện trên này cấp cứu. Lúc nãy thì thằng cò đi rồi.

 -Thế thằng cò có phải là con cậu không ?
 -Thì con tôi chứ còn con ai nữa.

 -Đến cơ sự này cơ à ? Thôi cậu chờ tôi thay quần áo đến bệnh viện xem thế nào. Rồi thuê luôn xe của bệnh viện chứ giờ này thuê đâu ra xe.

 Đến bệnh viện trời đã tang tảng sáng. Tôi đi qua một cây đa to. Tán lá xanh rậm rì. Khoảng dưới tán cây đen thẫm. Tôi rùng mình vì sợ. Tôi cũng chẳng thể lý giải nỗi sợ hãi này là sao ? Nỗi sợ hãi truyền từ thời trẻ con của tôi đến nay. Tôi đã sắp thành một bà già. Tôi đã đương đầu với bao sự chết chóc rồi. Về một khía cạnh nhỏ nào đó thiên hạ còn bảo tôi đã thành ma thành quỉ. Vậy mà khi đi qua một cây đa vào ban đêm tôi vẫn rùng mình vì sợ. Nếu còn trẻ tôi sẽ chạy thật nhanh. Chỉ có điều bây giờ chân tôi bước đi đôi khi đã run rẩy.

 Thằng cò đã được bệnh viện gói gọn ghẽ như một cây giò. Tôi dơ tay đón nó. Cô y tá nhìn tôi chằm chằm :

 -Bà nội hay bà ngoại nó thế ?
 -Bác. Tôi chỏng lỏn.
 -Chả trách, nhìn mặt là biết. Cô ta ăn miếng trả miếng.

 Tôi lật khăn phủ để xem mặt thằng cò. Nó bé xíu lạnh ngắt. Tôi khóc, nước mắt rơi trên mặt nó. Tim tôi đau ngột ngạt. Tôi muốn khóc to và hờ rằng : Con ơi khổ quá chừng, cái lũ đàn ông đàn bà khốn nạn ấy, chúng chẳng lường hết sự đời. Chúng cứ vin vào cái gọi là tình yêu ấy để làm xằng rồi cho ra những đứa trẻ tội nghiệp này. Chẳng biết con sống có được sung sướng hơn cái chết này không ?

 Tôi cố gắng kìm nén để không gào rú lên rằng : Tội nghiệp quá trời ơi, ít nhất thì cũng để cho nó nhìn thấy tia nắng mặt trời một lần đã chứ.

 Tôi câm lặng.

-Này bác, bác có muốn thuê xe mang nó về quê không ?
-Thuê ở đâu hở cô ?
-Đây này, cháu làm phúc giúp bác đấy thôi chứ cháu không phải là cò mồi gì đâu. Bác mang mảnh giấy cháu đã ghi tên, địa chỉ này ra cổng bảo vệ, nhờ anh bảo vệ gọi giúp. Cháu là cháu hay thương người.
-Vâng, cám ơn cô. Rồi chắc là nhà xe sẽ tính cả công cô vào đó, chứ chúng tôi chẳng dám quên ơn cô đâu.
-Rõ là cái nhà bác này..

Cái khía cạnh thành ma thành quỉ của tôi nó hiện nguyên hình là thế đó.

 Thằng cò bé xíu nhưng nặng trĩu trên tay tôi. Tôi  ôm chặt nó vào người để cố truyền cho nó chút hơi ấm. Ngoài trời mặt trời đã ló rạng. Tôi đưa tờ giấy cho thằng em bảo :

-Nhanh chân ra cổng bảo vệ gọi xe rồi  tôi bế nó ra sau. Cậu tính luôn xem bế nó về đâu, về nhà ta hay về nhà mẹ nó.
-Chị ơi, dù chưa cưới xin thì nó cũng là giọt máu của em rồi, nó là của nhà ta rồi. Em xin chị cho nó về nhà ta.

 Chưa khi nào thằng em tôi nói năng nhũn nhặn thế.

-Thế thì cậu nói với lái xe đưa nó về nhà ta.

Tôi bế thằng cò đi chầm chậm, mắt không nhìn xuống đường mà chỉ nhìn vào mặt thằng cò. Mặt nó im phăng phắc. Tôi bế thằng cò đi qua gốc cây đa. Bấy giờ trời sáng nên tôi mới nhìn rõ. Người ta xây xung quanh gốc đa thành một cái bệ cao có thể ngồi lên đó để nghỉ chân. Cái bệ quanh gốc đa mời gọi tôi thiết tha. Tôi không thể không ngồi xuống đó. Tôi ngồi xuống và để thằng cò lên đùi. Nắng bắt đầu tia mạnh. Nắng xuyên qua vòm lá xuống mặt thằng cò. Tôi khóc rú lên, mở mắt ra đi cháu ơi. Mở mắt ra một lần thôi cũng được. Đã làm người rồi mà không nhìn thấy nắng ư ? Tôi khóc vật vã. Đột nhiên có một người đàn bà từ đâu ngồi xuống bên cạnh tôi. Chị ta vỗ vào vai tôi :

-Chị nói đúng quá. Đã làm người mà không nhìn thấy nắng thì chưa làm người. Chị có muốn tôi làm cho mắt thằng bé này mở ra nhìn thấy nắng không ?

-Được vậy tôi đội ơn chị lắm.
-Nhưng chị phải giấu kín việc này. Nếu chị mà nói ra cho ai biết thì tôi sẽ bắt nó nhắm lại đấy nhé. Nào, bây giờ thì chị hãy đặt nó sát vào cái gốc đa kia.

Tôi làm theo sự chỉ dẫn của chị ta. Chị ta cúi xuống mặt thằng cò hít hà một lát. Tiếng thằng cò ọ ẹ. Tim tôi đập như vỡ tung lồng ngực. Tôi chộp lấy thằng cò chạy ngược vào bệnh viện. Tôi cứ chạy bừa vào một phòng, gào to :
-Các bác sỹ ơi, nó sống lại rồi. Thằng cò sống lại rồi.

Những bóng áo trắng ào đến vây xung quang hai bác cháu tôi. Một sự sống diệu kỳ, người ta xuýt xoa. Thằng cò ở thêm bệnh viện 3 ngày nữa rồi xuất viện, khoẻ mạnh như những đứa trẻ bình thường. Mẹ nó cũng xuất viện sau nó một tuần. Chấp nhận nuôi con một mình. Thằng em nghịch tử của tôi lại lao vào các cuộc tình mới.
 
Còn tôi cuộc sống cuốn đi. Năm thì mười hoạ tôi nhớ về thằng cò, lúc nó ọ ẹ khóc dưới gốc đa. Về sự xuất hiện của người đàn bà tôi lại ngờ rằng chính lúc đó do tôi khóc quá thành ngớ ngẩn cả người mà ảo tưởng ra vậy thôi.

 Tôi ngủ. Giấc ngủ như quỉ ám. Tôi muốn thoát khỏi giấc ngủ nhưng hai mắt cứ nặng trĩu. Rõ ràng nắng đang chiếu gay gắt vào mắt tôi. Người tôi nặng trịch như đá đeo. Sự cố gắng của tôi thật là vô vọng. Thì thôi vậy, cứ khép chặt hai mi mắt lại. Còn trí não muốn ngủ hay thức thì tuỳ.

-ồ, thì ra là chị à ? Vì chị muốn gặp tôi mà chị bắt thân xác tôi phải chịu cái trạng thái khủng khiếp này phải không? Tôi nói với người đàn bà.
-Chị bảo sao? Chị đã gặp tôi rồi à? Cái đận tôi bế thằng cò đã chết ngồi xuống gốc cây đa trong bệnh viện phải ư?

-Thì sao mà chị khóc thế. Được rồi tôi sẽ nghe chị nói đây. Bây giờ chị không còn nơi trú ngụ nữa ư ?
-Nhưng này, chị bảo chị là thần cây đa, vậy chị hãy làm cách nào để cho tôi gặp chị thật thoải mái, chứ tôi cứ nửa thức nửa ngủ thế này. Tôi chẳng có tâm trí nào mà tiếp chuyện chị được đâu.
-Thôi thì tôi tin chị rồi, được chưa ? à này chị nói chị không có nơi trú ngụ à? Trên sân thượng nhà tôi có một cây đa, tôi trồng trong chậu. Cái cây đa này tôi mua năm trước. Khi đó kẻ bán cây cắm thêm mấy bông hoa lan vào nói là cây hoa lan. Tôi đã thích trồng một cây hoa lan nên đã mua nó với giá 15.000 đồng.

-Chị nói sao ?Chuyện đó mà chị cũng biết à ? Thì có thế thật. Tôi là phụ nữ. Mà phàm phụ nữ ai cũng thích mua rẻ. Lý ra một cây hoa lan thật chí ít cũng phải 50.000 đồng chứ làm gì có cây hoa nào 15.000 đồng bao giờ. Nhưng nếu là cây đa thì chỉ có 10.000 đồng. Quân lừa đảo nó đã ăn ngon ơ của tôi 5000 đồng. Tôi mà bắt được nó thì nó rũ tù. Luật pháp nước ta nghiêm lắm. Có một thằng bé trấn lột có 2000 đồng mà phải phạt tù những 5 năm cơ đấy.

-Này, thế này. Cây đa mà tôi tưởng nhầm là cây lan ấy hoá ra là cây đa thật. Bây giờ rễ của nó đã trổ mành mành vào không khí, cành là nó xum xuê, xanh rờn. Đẹp đáo để. Nhà chị hãy trú ngụ vào đấy. Cứ gì  phải là cây đa ở bệnh viện ấy. Tôi sẽ chăm sóc cây đa của tôi thật tốt cho chị ở. Ta sẽ bầu bạn với nhau nhé. Tôi cũng cô quạnh lắm chị ơi.

 Nước mắt tôi ướt đầm gối.
 
Tôi tỉnh giấc chiều đã chạng vạng. Thì ra là một giấc ngủ ngày. Đầu hơi váng vất nhưng chân tay lại nhanh nhẹn, chứ chẳng như mọi khi đã đổ ra ốm to rồi. Kỳ lạ là tôi không sao nhớ được giấc mơ chiều.

 Cơm niêu, nước lọ một mình nên nhanh. Tôi pha một ấm trà, bỏ vào khay thêm phong kẹo lạc. Tôi leo lên sân thượng. Trên sân thượng tôi kê một chiếc chõng tre bên cạnh cây đa trồng trong chậu. Tôi ngồi xuống chõng rót nước ra chén.

-Chị rót cho tôi một chén được không? Tiếng một người đàn bà.

Tôi giật bắn người rồi run lên vì sợ.

-Đấy chị lại sợ rồi. Chị đã bảo tôi là gặp nhau kiểu gì cho thân xác chị không phải trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Tôi cũng chẳng muốn thế đâu. Tôi muốn gặp chị lúc chị trong trạng thái tỉnh táo, nhận thức được nhưng lại biết chị hay sợ. Sợ quá cũng làm người ta mê muội đi đấy.
-Thế chị là thần cây đa đó ư ?
-Vâng, là tôi.
-Vậy chị hãy xuất hiện trước mặt tôi là một người đàn bà như hôm xưa tôi gặp chị ở gốc đa.

Một người đàn bà ngồi trước mặt tôi. Tôi rót chén nước mời chị ta. Chị ta đón chén nước tôi mời rồi lại đặt xuống khay.

-Cây đa của chị đây phải không ?
-Vâng, nó đấy.

-Cây đẹp lắm, Cây này mà cắm xuống đất chỉ một năm thôi là có tán mát trú nắng rồi. Giọng thần cây đa uống nước.

-Tôi đã trú ngụ ở cây đa ấy từ khi nó bé như cây đa này, Chị có tin tôi thì tin. Cái cây đa ấy 500 tuổi rồi đấy. Cái cây đa đẹp như vậy lẽ nào lại đem chặt nó đi. Thần cây đa khóc nấc lên.
 
Tôi vỗ vỗ vào vai chị ta :
-Chị kể đi, tôi nghe chị nói đây mà. Nói ra được nó đỡ ức.

-Vâng tôi sẽ kể cho chị nghe. Khi họ xây bệnh viện trên khu đất ấy cây đa đã to lắm. Bóng mát của cây đa toả rợp cả trăm m2. Họ đã khoanh đất lại để dành cho cây đa một khoảng rộng. Cái bệnh viện này là nơi đón những đứa trẻ ra đời. Tôi đã được chứng kiến bao nụ cười và bao nước mắt. Có một điều tôi xin thề với chị rằng, tôi chỉ là người chứng kiến chứ chưa khi nào tôi ra tay can thiệp vào một chuyện đời nào hết. Tôi là thần tôi không nói dối chị đâu.

-Thế sao người ta lại bảo nói dối thành thần.
-Thì có thần nói dối mà chị.
-Thế thì chuyện của thằng cò là thế nào ?

-Chuyện thằng cò là thế này. Khi đó diêm vương đi tuần qua, thấy chị khóc thảm thiết quá tôi bèn níu ông ta lại. Tôi đòi xem sổ Nam Tào của ông ta. Ông ta đã nhầm thằng cò này với thằng cò khác. Đứa trẻ vừa sinh ra chưa kịp đặt tên, con trai thì đặt là thằng cò, con gái đặt tên là cái Hĩm. Cái thằng bé kia họ trần còn thằng cò nhà chị đặt theo mẹ là nguyễn.

-Vậy là chị cũng có can thiệp vào ?
-Tôi đã bảo chị là trường hợp đặc biệt. Tôi với chị có duyên kiếp với nhau. Tôi đã nhìn trước được sự thể thế này. Tôi đang cần một nơi trú ngụ.

-Vậy chị hãy kể chuyện tiếp đi.
ở cái nơi đây lạ lắm. Nói nó có số thì bảo rằng số. Thì cứ cho rằng có số phận đi. Thì cái nơi này chỉ có số phận con người quyết định chứ chẳng có bàn tay con người nào quyết định được cả. Mà cái số phận con người theo như cách hiểu của con người bây giờ là do trời định là sai toét. họ cứ đổ cho trời để mặc nhiên sống theo ý của họ, bất chấp cả đất trời. Vậy thì tất yếu là họ sẽ phải gánh hậu quả.

 Tôi kể cho chị nghe cái thời trước đây. Cái thời chị là một cô công nhân quét rác, một chị nông dân hay một mệnh phụ bà lớn nào đó, khi cần sinh nở cứ vào đây là người ta phải đón đỡ cho đến khi mẹ tròn con vuông. Mà lại chẳng phải trả đồng tiền nào cả. Có khác chăng là khi nhìn vào liễn cơm người nhà mang vào. Phu nhân, bà lớn thì gạo trắng ngần thơm phức, lại giò nạc thịt nạc thăn, trứng gà con so..Còn trong liễn cơm của người lao động thì cũng có cơm trắng, gái đẻ sao nỡ bắt ăn cơm độn, một chén nước mắm, một quả trứng. Cũng có những phu nhân, bà lớn động lòng, thôi thì cùng là thân gái cả. Nhìn thấy đồng loại gái ăn uống kham khổ quá bèn xẻ cho ít thức ăn. Cái cách đó chẳng làm cho người khác sung sướng hơn được đâu mà chỉ làm cho người ta thêm ngậm ngùi. Thì trong đồng loại gái không phải là phu nhân, bà lớn ấy cũng đâu phải chỉ là nông dân, công nhân ít được học hành, Còn có nhiều phụ nữ học hành tử tế, chỉ số IQ rất cao. Họ học hành kiến thức đã đành, họ lại còn được trau dồi về tư tưởng và đạo đức. Họ được giáo dục rằng :Xã hội mà họ đang thụ hưởng đây là một xã hội công bằng dân chủ. Ai cũng có cơm no áo ấm, ai cũng được học hành. Làm công chức nhà nước thì ăn lương theo bậc, lại cộng thêm sự phân phối hàng hoá theo tem phiếu. Vậy thì ai cũng giống ai chứ. Thôi thì lúc ở nhà đóng chặt cửa lại ăn rau cháo nhì nhằng. Chứ đến đây bày biện tô hô ra cả. Có cô giáo đi đẻ, bày liễn cơm mới vài miếng đậu rán, được cháu của một bà phu nhân xẻ cho mấy miếng thịt thăn rim. Nể người cho miệng thịt vào mồm mà nghẹn đắng không nuốt được, nước mắt cứ chảy ròng ròng. Nào cái người đàn bà này có xa lạ gì. Chị ta đến xin điểm cho thằng con trai, mang theo một đôi gà trống thiến, 20 kg gạo tám. Cô giáo vì mục đích giáo dục cao cả đã dứt khoát không nhận. Tối đấy cả gia đình cô đã ăn cơm với ngô rang. Ngô rang đựng vào rá, khoa học bảo nhai thật kỹ mới tiêu được. Hai vợ chồng cô giáo mỗi người một cuốn sách, vừa đọc sách vừa thong thả nhai ngô. Thi thoảng lại nắm tay nhau trong rá ngô. Chị vợ hỏi : Tay ải tay ai ? Anh chồng đáp : Tay giảo tay giáo. Chị vợ thêm : Tay viển tay viên. Rồi cười với nhau sung sướng.
 
Những câu chuyện thường ngày là thế. Thi thoảng điểm xuyết những câu chuyện đặc biệt hơn. Một chuyện thế này. Có một anh nông dân đang đêm vợ lên cơn đau đẻ anh ta bèn lấy chiếc xe bò lót rơm vào để vợ ngồi lên trên, rồi chạy xuống bếp ôm cả ổ trứng lẫn con  gà mái đang ấp cho vào xe bò, cứ thế chạy trong đêm đen đưa vợ vào bệnh viện. Người vợ cũng là nông dân chiều còn đi gặt lúa. Ngồi chỗm chệ trên xe, đau mà không dám kêu rên vì thấy chồng đang lo lắng cố kéo xe. Đến bệnh viện sản phụ được đưa thẳng vào phòng khám. Bác sỹ khám xong tứa mồ hôi hột: Ngôi ngược, máu ra ồ ạt. Lệnh được phát đi, chuẩn bị phòng mổ và máu cấp cứu sản phụ.

 Trời đã nhờ nhờ sáng. Với tiên lượng xấu nên một cô y tá đi tìm anh chồng. Dưới gốc cây nhãn anh chồng đang ngồi ôm đầu cạnh ổ gà. Lũ gà con đang mổ vỏ trứng chui ra. Cô y tá hỏi : Anh có phải là người nhà của chị Hiền không?

-Vâng, tôi đây. Khổ quá chị ơi. Chúng nở cả rồi thế này thì lấy trứng đâu mà luộc. Tôi cuống quá nên mới lấy nhầm ổ gà sắp nở. Lý ra phải lấy ổ gà mới ấp hôm qua.
 
Cô y tá nhìn lũ gà con lẩy bẩy,lông vẫn còn ướt, rồi lại nhìn mặt anh chồng suýt phì cười. Lại nhớ phận sự phải đi báo tin không hay kia mà rầu mặt xuống.

-Anh đi với tôi vào đây. Chị nhà phải mổ.
-Mổ ư? Mổ là mổ thế nào? Lần trước nó chả đẻ ở bụi chuối, đẻ dễ hơn vịt. Nay có bệnh viện, người ta bảo đẻ ở nhà lạc hậu mới mang đến bệnh viện.

-Thì anh cứ đi với tôi đã. Anh chồng mĩên cưỡng đi theo cô y tá. Vào đến cửa phòng đẻ thì đúng lúc một cô y tá khác đi ra, hỏi cô y tá vừa đi vào:

-Đã gọi được chồng sản phụ Hiền chưa?Báo với người nhà đẻ con trai 3,5 kg rồi nhé.
-Sao bảo phải mổ?
-May không tả được, chuẩn bị xong bàn mổ rồi đưa bệnh nhân sang. Lúc nhấc mông chị ta đặt lên cáng thì nó sổ ra ngay, may mà nhanh tay đỡ được thằng bé nếu không thì rơi tọt xuống khay.

-Đấy, tôi nói rồi mà. Anh chồng cười lớn. Tôi đã nói với cô là lần trước nó đẻ rơi mà. Thôi, giờ tôi biết lấy trứng đâu mà luộc cho vợ tôi bây giờ.
 
Cô y tá nọ bèn kể lại câu chuyện ổ trứng nở con cho cô y tá kia nghe. Cô y tá kia cười rũ rượi một lúc rồi móc túi lấy ví ra.

-Chuyện của anh thật vui. Thôi thế này tôi biếu anh 2 đồng. Anh ra kia mua cho chị nhà bát phở. Còn đàn gà thì anh mang về nuôi.

-Nhưng mà cầm tiền của chị tôi áy náy lắm. Các chị đã đỡ đẻ cho vợ con tôi rồi mà tôi lại còn lấy tiền của chị nữa.

-Anh chẳng phải áy náy. Thì cứ cho là tôi mua mấy con gà của anh đi. Anh đem về nuôi hộ tôi. Đến tết tôi có gà ăn thịt.

-Thế là giải pháp tốt đấy.

Câu chuyện tưởng chỉ đến đấy. Cô y tá kia nói cho có chuyện để anh nông dân khỏi áy náy khi cầm tiền của cô. Nào ngờ đến tết anh nông dân đã chở một bu gà đến bệnh viện tìm bằng được cô y tá để trả đàn gà đã được nuôi lớn.
 
Còn một chuyện khác thế này. Một chiếc xe hơi màu đen bóng loáng đỗ trước cửa bệnh viện. Cánh cửa xe mở ra một thiếu phụ trẻ đẹp bước xuống xe. Thêm 2 người phụ nữ nữa từ trong xe chui ra. Một người xách va li, một người cầm chiếc nôi em bé. Trước khi chiếc xe ô tô này đến bệnh viện đã có cú điện thoại gọi cho lãnh đạo bệnh viện. Bàn đẻ, dụng cụ vô trùng tốt nhất và cả hoa nữa đã sẵn sàng phục vụ.

Thiếu phụ mặt hồng hào, tự tin bước vào phòng đẻ. Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân xong, lệnh lại được hốt hoảng truyền đi : Rau tiền đạo. Thiếu phụ bị mất máu. Máu của thiếu phụ lại thuộc nhóm máu có yếu tố Rh (-), trong khi hơn 95 % người Việt Nam có nhóm máu Rh (+). Bệnh viện bèn ra lệnh điều xe và cử một bác sỹ tìm đến nhà người bán máu chuyên nghiệp có cùng nhóm máu với thiếu phụ. Thật rủi người bán máu chuyên nghiệp vừa bị công an bắt vì tội ăn trộm chó. Hàng xóm của người bán máu chuyên nghiệp là một quan chức. Nhà ông này luôn kín cổng cao tường nên có là hàng xóm cũng không nhìn thấy gì trong đó. Còn đã là người phải lấy máu mình mà ăn thì luôn luôn đói rồi. Hàng tuần nay cả nhà người bán máu chỉ có cơm độn khoai với muối trắng. Lũ trẻ con đói protít ngớ ngẩn cả người. May sao vào khoảng 10 giờ đêm tối trước có con chó trắng ở đâu chạy sộc vào nhà. Bố con người bán máu chuyên nghiệp đóng chặt cửa bắt được con chó. Lại còn tắt hết đèn điện chỉ thắp ngọn đèn dầu leo lét để mổ thịt chó. Lại còn không cả dám thui, sợ mùi thơm tố giác. ấy vậy mà sáng hôm sau đã bị công an tóm. Người bán máu chuyên nghiệp đã chắp tay xin tha. Công an cũng muốn tha vì người bán máu chuyên nghiệp này là người hiền lành, chăm chỉ chưa bao giờ phạm tội. Nhưng lệnh trên thì phải chấp hành. Vị quan chức kia đã điện cho lãnh đạo của công an phải làm thật nghiêm. Đó là con chó quí hơn người.
 
 Vì không có máu để tiếp, cả mẹ và con đều không cứu được. Thật là đau xót. Nhưng sẽ đau hơn nhiều nếu vị quan chức kia mà biết con và cháu ông không cứu được là vì ông đã coi con chó quí hơn người. Các cụ đã có câu : Cứu một người phúc đẳng hà sa là thế.
 
Năm ấy bệnh viện mất danh hiệu thi đua.
 
Đấy là những câu chuyện thời lương của một bác sỹ mới ra trường được 60 đồng.
 
Còn câu thời nay là thế này. Toà án nhân dân thành phố vừa xử lý một vụ án : Người giúp việc ăn cắp tiền. Một cô bác sỹ làm việc tại bệnh viện phụ sản thuê một người giúp việc cho gia đình. Người giúp việc là một phụ nữ có họ hàng xa ở quê, hiền lành chất phác. Cô bác sỹ bận việc ở cơ quan nên mọi việc nhà cửa, từ đưa con cái đi học đến nấu nướng, cho trẻ ăn, chăm sóc chúng..tất tật đều do tay người giúp việc. Người giúp việc làm cho cô bác sỹ được hai năm thì cô bác sỹ phát hiện người giúp việc đã ăn cắp tiền của mình. Bèn tra khảo, doạ nạt thì người giúp việc khai thật : Em đã lấy của chị tổng cộng 27 triệu. Em đã đào hố chôn kỹ ở nhà em rồi. Có công an trời cũng không tìm ra đâu. Chị tha được thì tha không có em đi tù mấy năm về cũng có ít vốn cho con em đi học, đổi đời.
 
Cô bác sỹ bèn mang người giúp việc ra toà. Trước toà người giúp việc khai : Mỗi tuần chị ấy đi trực một lần, có khi hai lần. Lúc về nhà chị ấy mệt lắm, lăn ra ngủ ngay. Hai túi áo của chị ấy đầy phong bì. Mỗi lần cháu chỉ lấy một chiếc phong bì thôi, nên chị ấy không phát hiện ra. Lần cuối cùng cháu lấy ngay phải cái phong bì người ta đã đánh dấu nên bị chị ấy phát hiện ra.

-Thế toà hỏi bị cáo lần cuối. Bị cáo có trả lại tiền không.

-Cháu xin đi tù ạ. Cháu có hai đứa con còn nhỏ. Khi đi tù về cháu sẽ cho chúng đi học tử tế để chúng thi vào nghề bác sỹ. Về già cháu sẽ sung sướng được đổi đời. Toà tuyên phạt người giúp việc 5 năm tù giam. Còn cô bác sỹ đi mướn một người giúp việc khác. Từ bài học mất mát cô bác sỹ đã rút ra bài học xương máu. Đó là khi đi trực về dù có mệt thế nào thì cô cũng cất tất cả phong bì vào két. Số tiền đi trực của 2 năm trước trừ đi 27 triệu bị người giúp việc lấy cắp, cộng với số tiền đi trực của năm nay không bị mất cắp cô bác sỹ đã mua cho mình một con xe hơi với giá 50.000 usd. Trong khi đó lương của bác sỹ có thâm niên công tác 15 năm như cô, cộng với tiền nhà nước phụ thêm chỉ vào khoảng 150 usd, chưa đủ để cho 2 đứa con cô học thêm và ăn quà sáng. Tất nhiên việc học thêm và ăn quà sáng của con cô bác sỹ thuộc tốp có cha mẹ kiếm được tiền. ở cái bệnh viện này có khoảng 20, 30 chục bác sỹ kiếm được nhiều tiền như cô bác sỹ kia. Mặc cho dư luận xã hội kêu gào y đức. Y đức là cái gì? Đầu tiên là phải khẩu hiệu này đã : Sống và làm việc theo pháp luật. Cái đó dễ hiểu hơn y đức nhiều. Vậy cứ triểu theo luật pháp thì họ có vi phạm pháp luật không ? Không nhé. Vi phạm thì có mà rũ tù chứ chẳng chơi. Đồng tiền cứ tự chảy vào túi họ đấy chứ. Họ chỉ may mắn là đã được làm việc ở bệnh viện nhà nước đầu tư cho nhiều trang thiết bị tốt. Nhà nước đã đầu tư hàng núi tiền chỉ cho một số bệnh viện tuyến trung ương, còn thì lại bỏ bê những bệnh viện ở nơi xa. Mà những nơi xa đó thì nhiều dân nghèo. Dân nghèo thì cũng lắm bệnh. Trang thiết bị tốt, có phương tiện để chẩn đoán bệnh tốt, có bác sỹ giỏi thì họ sẽ điều trị bệnh tốt, rồi  y đức sẽ tốt ư ? Sai toét. Đó chính là cơ hội để tiền chui vào túi họ một cách hợp lý nhất. Thế là họ cứ việc múa tay trong bị. ở cái bệnh viện này còn được lợi thế hơn vì là nơi ra đời của một con người. Cái câu các cụ nói, chửa là cửa mả, chả biết đúng đến đâu, cứ chuẩn bị trước mọi tình huống. Hay nhất là cố quen cho được một vị bác sỹ hoặc là gom góp một số tiền để còn lót tay bác sỹ. Người ta nói nhiều lắm, kể nhiều chuyện lắm. Nào là đi tiêm một mũi thuốc, chiếc kim bé tí tưởng là chích vào đều như nhau, vậy mà không chịu chi thêm mấy nghìn thì cứ gọi là đau thấu tim thấu ruột. Đây lại cả một đứa bé chui ra từ cái lỗ bé tẹo, sơ sểnh một chút là mất mạng như chơi. Có đồng tiền coi như tính mạng được bảo lãnh. Mà lạ tiền này được bảo hiểm bằng vàng hẳn hoi. Từ đợt vàng tăng giá thì tiền bỏ phong bì cũng phải tăng thêm.

 Một cô bác sỹ mua được ôtô riêng, một anh bác sỹ mua được ô tô riêng..Nó, bác sỹ thấp niên hơn mình mà mua được ô tô, chẳng lẽ ta đây cao niên hơn nó mà không mua được ô tô riêng hay sao? Thế là đua nhau mua ô tô. Khốn nỗi, nhà nhỏ phố nhỏ thì làm sao mà chứa nổi ô tô. Thuê ga ra thì vừa xa vừa đắt. Nhưng cái chính là giao thông kinh hãi thế kia bố ai dám lái ô tô đi ngoài đường. Nhìn xe máy đi đã chóng cả mặt. Cái sân bệnh viện rộng rãi, vừa là bãi để ô tô, vừa là nơi đi an toàn hất. Chiều chiều, hết giờ làm việc chui vào ô tô ngồi, mở băng nhạc thư giãn rồi cua tay lái sành điệu mấy vòng. Cũng là để văn ôn võ luyện đến lúc về hưu không quên. Lúc đó có thời gian mới đi đó đây. Chứ bây giờ làm gì có thời gian dỗi. Dỗi là dỗi thế nào, bạc triệu một ngày đấy.

 Cũng từ cái việc chiều chiều cua tay lái sành điệu mấy vòng, đến chỗ cây đa đường thắt vào nên mấy tay lái chưa vững bị cà xe vào bậc thềm, xướt cả sơn. Xướt chân xướt tay xướt da xướt thịt mấy ngày là khỏi. Có ai dữ da thì cũng chỉ vài viên kháng sinh. Thời buổi si đa thì nhớ phải đeo găng khi khám bệnh. Xướt sơn con xe hơi mới là đi tong vài triệu. Mà cái bậc gạch xây gốc đa cũng tệ. Chẳng chịu nhún mình một tí, chơi ngay một mảnh sơn to trên con BMW nhập nguyên chiếc mới cóng của bác sỹ viện phó. Một cuộc họp lãnh đạo được triệu tập gấp. Nghị quyết được đưa ra : Để nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, công nhân viên của bệnh viện phải xây ngay một sân chơi cầu lông. Địa điểm : Sân cây đa. Giao cho phòng hành chính thực hiện ngay trong một tuần. Ngay ngày hôm sau cây đa bị hành quyết. Người ta đã đào tận gốc, trốc tận rễ. Nhìn từ giời cao mặt đất bị nhổ mất cây đa sâu hoắm, đỏ ngầu như một vết sâu quảng trên thân thể người.

-Chao ôi cái cây đa đẹp là thế mà bị họ chặt mất rồi hả chị ?
-Chặt mất rồi chị ơi.
-Đã lâu chưa ?
-Nửa năm nay rồi.
-Thế sao nay chị mới đến tìm tôi.
-Tôi đã tìm về trú ngụ cùng với bạn tôi ở cây đa giữa đồng.
-Thế sao chị không ở đấy mà lại tìm đến tôi.
-Chị pha ấm trà khác đi. Trà nhạt rồi đấy.

Tôi cầm ấm nước trà đứng lên đổ bã, rồi quay lại hỏi chị ta.

-Chị có cần dùng thêm kẹo lạc nữa không ?
-Vâng chị cho tôi xin một chiếc nữa.
 
Tôi rót cho chị ta một chén nước trà đặc và cố nhìn cho rõ cái cách chị ta uống trà thế nào ? Chị ta đưa chén trà nóng lên miệng thổi phù phù rồi húp đến soạt, nuốt ực vào cổ và khà một tiếng. Đó là cách uống bỗ bã của đàn ông. Quay sang tôi chị hỏi:

-Chị đã hết tò mò chưa? Tôi đang là người mà. Tôi nói cho chị một bí mật nhỏ này nhé. Thần mà hoá vào lốt người thì thần cũng như người mà thôi. Cũng ái, ố, hỉ, nộ, tham, sân, si. Người mà thành thần thì cũng chỉ là người thôi, cũng chẳng thể thoát được ái,ố, hỉ, nộ, tham, sân, si. Chỉ có bớt bớt một chút thôi.

-Đó là bí mật đấy chị ạ. Tôi đã thích là người từ cái độ gặp chị ở gốc cây đa trong bệnh viện. Tôi đã nhìn thấy chị khóc không giống như mọi người vẫn khóc. Tôi đã nhìn chị rất kỹ. Thường khi khóc mặt người ta thay đổi lắm. Thế mà mặt chị không thay đổi chút nào. Nó vẫn cứ y nguyên vậy, chỉ có hai hàng nước mắt là chảy tới tấp xuống mặt thằng cò. Đột nhiên nước mắt tôi cũng nhỏ xuống. 500 năm tôi chưa khi nào có một giọt nước mắt. Nay bỗng nhiên tôi có nước mắt. Và tôi đã thấy tôi trong hình hài phụ nữ.

-Chị là người đa đoan.
-Có nhẽ như vậy.

-Thôi, để tôi kể tiếp cho chị nghe câu chuyện của tôi. Tôi về cây đa giữa đồng để tá túc . Cây đa này cũng bằng tuổi tôi. Chúng tôi cùng một mẹ, được bầy chim sáo ăn quả rồi nhả hạt xuống các nơi khác nhau. Hàng năm chúng tôi thường về tụ hội cạnh mẹ chúng tôi.
 
Tôi về đó, an nhàn thanh thản giữa cánh đồng lúa và đất trời. Âý vậy mà có mấy ngày được thanh thản đâu. Cứ hàng ngày hai quan ngài Nam tào, Bắc đẩu lại cầm tráp đến hỏi : Cô có gây hấn gì với loài người không ? Sao mà người ta kêu khấn cô nhiều thế.

-Nào tôi có gây hấn với ai đâu. Họ đã đào tận gốc trốc tận rễ nơi trú ngụ của tôi rồi. Tôi phải lánh về đây ở tạm.

-Thế sao họ cứ khấn cô phù hộ độ trì cho họ, lại còn khấn cô tha cho họ.
-Các ông là Nam tào, Bắc đẩu các ông phải biết chứ sao lại hỏi tôi.

Rồi một hôm hai quan ngài Nam tào, Bắc đẩu đến triệu tôi đi.

-Thượng đế bảo cô phải đến tận nơi xem sự thể thế nào. Rành rành cho cô chứng kiến.Tôi đi với hai quan ngài Nam tào, Bắc đẩu trở lại bệnh viện. Nơi cây đa cũ bị đào tận gốc trốc tận rễ người ta trồng lại một cây đa con. Cây đa non đang lên mơn mởn. Non dại thân xác, non dại sự đời, cây đa non ấy đã biết gì đâu. Thế mà dưới cây đa non đó họ để một bát hương to đùng. Đến nhập nhoạng tối, tấm áo blu được cởi ra, mặc áo thường dân vào họ mang lễ vật ra gốc đa non xì xụp khấn vái. Họ khấn rằng, họ người trần mắt thịt nên đã không nhìn thấy thần thánh trú ngụ trên cây đa to. Nên họ đã chặt mất cây đa nơi trú ngụ của thần để đến nỗi bị thần trừng phạt. Nay họ đã hối cải rồi. Mời thần về ngự lại trên cây đa họ mới trồng và chứng dám cho lòng thành của họ. Phù hộ độ trì cho họ tấn tài, tấn lộc, tai qua nạn khỏi.

Tôi nghe họ khấn mà phát khóc. Tôi đã khóc theo cái cách của chị. Mặt tôi phẳng lì và nước mắt tôi rơi lã trã. Nào tôi có trừng phạt gì họ đâu kia chứ. Tôi đã mất nơi trú ngụ chỉ lặng lẽ đi tìm một nơi trú ngụ khác. Khi tôi ở giữa cánh đồng tôi đâu còn nhìn thấy những sự việc đã xảy ra ở bệnh viện này. Nay tôi trở lại đây tôi đã nhìn thấu tỏ. Tôi biết, hơn ai hết họ đã biết cái kết cục sẽ đến là thế nào. Nhưng họ lại không tự chịu trách nhiệm. Họ cứ lòng vòng đổ lỗi cho số phận, cho thần cho thánh.
 
Chuyện đã rõ ràng đến thế này.

 Có một sản phụ đã lớn tuổi lại đẻ con lần thứ 3. Kết hợp các điều kiện cho một cuộc sinh nở bình thường thì ở trường hợp này có nhiều rủi ro. Gia đình bèn cậy nhờ một bác sỹ ở bệnh viện . Khi sản phụ chở dạ, gia đình mang vào bệnh viện, kèm theo một phong bì tiền đã được bảo hiểm theo giá vàng. Việc mổ để bắt con ra nếu không có tai biến bất thường thì chẳng có gì khó. Vị bác sỹ này đã có thâm niên mổ hàng trăm sản phụ. Ca mổ diễn ra suôn sẻ, chỉ 15 phút sau một bé trai nặng 3,5 kg oa oa khóc chào đời. 30 phút sau thì người mẹ cũng được đưa xuống phòng hậu phẫu. Xuống phòng hậu phẫu vẫn phải có bác sỹ theo dõi để đề phòng các diễn biến bất thường sau mổ như truỵ tim hoặc đờ tử cung..Nhưng thường là chẳng sao cả nên chỉ giao lại cho y tá hoặc nữ hộ sinh theo dõi. Vị bác sỹ mổ thuộc típ người ăn chó cả lông ăn hồng cả hạt. Vậy nên mồm thì nói nhờ, tay lại không chịu chi ra. Vậy nên các y tá đầu cũng gật gật nhưng hai tay lại sỏ vào túi áo, phắn. Mặc cho sản phụ một mình. Vậy là cơ sự đã xảy ra. Sản phụ bị đờ tử cung, máu chảy ồ ạt không cầm được. Đến khi người nhà gọi được bác sỹ thì sự đã rồi. Sản phụ chết. Vị bác sỹ vô cùng hiểu biết luật đời bèn ôm ngay 350 triệu đồng đến bồi dưỡng cho gia đình. Thoạt đầu gia đình đau đớn quá dứt khoát không nhận tiền, cứ một mực đòi kiện. Sau, nguôi ngoai tặc lưỡi, thôi thì số giời. Kiếp người chẳng ai thoát khỏi số giời. Có kiện cũng chẳng lấy lại được người đâu. Giá được nâng lên 500 triệu đồng, vị bác sỹ thoát khỏi vòng lao lý.

 Chuyện là thế, rõ rành rành ra đấy. Cái luật pháp cũng chỉ do người đặt ra. Cái luật đời cũng do người đặt ra. Vào viện theo qui định của pháp luật bệnh nhân đã phải nộp từng này, từng này. Dùng thuốc này thì phải trả từng này, từng này. Rành rành từng con số rõ ràng. Các nhân viên y tá, hộ lý, bác sỹ đã được ăn lương nhà nước để làm các việc đó rồi. Thế thì cứ triểu theo đó mà làm. Càng chặt chẽ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bởi luật pháp mà nghiêm thì con người sẽ ít phạm tội hơn. Con thú thì phải dạy bằng roi. Con người thì phải dạy bằng luật pháp. Cái lý thì chỉ có vậy thôi, cứ chiểu theo mà làm. ấy vậy mà ở nơi đây họ bầy đặt ra cái gọi là y đức, nào là lương y như từ mẫu. Mẫu là gì ? Mẫu là mẹ. Tất cả mẹ đều là tốt chứ ? Không nhé. Chả có mẹ giết con để sống với người tình đó sao. Thế nhé, có một kẽ hở rồi nhé. Lương y như mẫu ( ác).

Thế là họ bèn đặt ra luật đời. Cái luật đời là thế này : Cứu bệnh như cứu hoả. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người thân mình bị bệnh thì cũng như nhà mình bị cháy. Bằng mọi giá phải cứu lấy. Vào bệnh viện là vào cái xứ sở khoa học mịt mùng. Người ta là thầy người ta là thần, bảo sao chỉ biết nghe vậy. Có cái nghe thấy đúng quá, có cái còn ngờ ngợ. Ngờ ngợ nhưng cũng chỉ biết để đấy, chớ có cãi nhời mà toi mạng.

 Cái thời mà thuốc được cấp phát đến tận đầu gường. Cái sự ngờ ngợ chỉ là thuốc này có uống khỏi bệnh này lại tòi ra bệnh khác hay không ? Chẳng ối người uống viên thuốc cho khỏi đau đầu thì máu dạ dầy ộc ra. Lại có người, nhà thuốc vừa rút mũi tiêm ra, nấc nấc lên mấy cái rồi lăn cổ ra chết ngay.
 
Cái chết ấy người ta đổ cho bác sỹ yếu kém về chuyên môn hoặc do bất cẩn. Nay ít xảy ra thế, bác sỹ bây giờ đều là người có tay nghề cao. Và họ có lắm mánh lới. Bệnh ngoài da không phạm phải tim gan phổi phèo có mạnh tay thì chỉ đau thấu gan ruột chứ không chết người. Người thân xót quá phải móc hầu bao ra chi cho bác sỹ. Đồng tiền này được bảo hiểm bằng vàng đấy. Lâu thành lệ. Người bệnh mới vào sẽ được người bệnh cũ rỉ tai cho biết. Nhà nào keo kiệt, nhà nào nghèo kiết thì sẽ phải chịu nạn. Tiền này không vi phạm pháp luật. Người bệnh phải bỏ tiền ra một cách tự nguyện. Có tay bác sỹ làm cao một tí, ra điều không nhận, bệnh nhân đã chẳng chắp tay lạy như tế sao là gì ?

 Có những người giỏi giang thật sự thì bệnh nhân càng phải luỵ. Không luỵ thì chết à ? Mà có phải chết thật thì cũng phải cố chữa cho hết thầy hết thợ đi đã.

 Có những bác sỹ tầm tầm thì họ lại có mánh khôn ngoan riêng. Họ mặc áo blu trắng đi qua đi lại, buông những lời lửng lửng lơ lơ. Đã vào bệnh viện mà bác sỹ buông những câu lửng lơ là cầm chắc cái chết. Người nhà nào chẳng sợ kiếp vía, mà chẳng bám chắc lấy bác sỹ. Chi tiền ra, nôn tiền ra, ồ thế chứ. Thôi được rồi để tôi nói với bác sỹ giỏi nhất chữa cho nhé.

 Cũng có một tầng lớp lao động nghèo trong bệnh viện này. Đó là y tá hộ lý. Họ phải trực tiếp chăm sóc bệnh nhân y lệnh bác sỹ nhưng họ lại không được lộc, đồng lương thì ít ỏi. Thế mới ra cơ sự. Mặt họ như đá đeo suốt ngày, họ bẳn gắt, họ mắng nhiếc người bệnh. Biết ý mà rỉ tai nhau đổi lấy ít tiền lẻ như khi đi lễ chùa. Khi họ đến chăm sóc thì bỏ tiền vào túi cho họ, thái độ họ sẽ khác hẳn. Họ mang em bé đi tắm, không biết ý gài sẵn tiền vào khăn của em bé thì sẽ biết tay. Em bé sẽ khóc suốt, đau tim người mẹ lắm.

-Đấy cái sự thể nó rành rành ra thế, tôi can dự vào chỗ nào được mà họ lại cứ khấn tôi kia chứ.

-à, mà chuyện đã hết đâu. Đó là chuyện của bệnh nhân. Còn chuyện này là của họ, của các vị bác sỹ ấy. Chuyện thế này. Có một vị bác sỹ tay nghề giỏi giang. Lộc vào nhà như nước. Theo như các cụ nói thì vị bác sỹ này đang ở vào thời vận đỏ như vông đông như tiết. Vị bác sỹ có một gia đình đầm ấm, có vợ đẹp con khôn. Hai đứa con ngoan ngoãn như thiên thần. Một con gái lớn đã học đại học. Một con trai đang ở tuổi thiếu niên. Vậy rồi sầu thảm ập đến. Đứa con trai đang ở độ tuổi thiếu niên trong giờ ra chơi chạy nhảy ở sân trường bỗng lăn đùng ra ngất. Nhà trường gọi xe cấp cứu chở đến một bệnh viện. Đưa cháu vào một khoa cấp cứu để thở ô xi thì bình ô xi han rỉ mở mãi không được cái van. Mở tủ lấy thuốc cấp cứu thì thuốc hết. Bế cháu chạy vào trong khoa cấp cứu. Trong khoa cũng hết thuốc. Thầy giáo chạy ra hiệu thuốc mua được thuốc về thì cháu hết thở. Như vậy là từ lúc mang cháu vào viện đến 15 phút mà không  được cấp cứu. Đứa con yêu của vị bác sỹ mất đi thế giới này chẳng còn gì nữa. Tiền chẳng là gì, tài cũng chẳng là gì, lộc cũng chẳng là gì.

 Vị bác sỹ phát đơn kiện nhà trường đã không mang cháu đi cấp cứu kịp thời. Nhà trường kiện bệnh viện đã không cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Cuối cùng là hoà cả làng. Vị bác sỹ chỉ còn một nỗi niềm oán thán. Sao nhà trường không gọi điện thoại ngay cho vị. Vị là bác sỹ giỏi. Nếu được đưa kịp thời đến bệnh viện của vị chắc hẳn cháu bé không chết. Vị tin tưởng là thế vì có cơ sở hẳn hoi. Trong đợt diễn tập cấp cứu nhanh của thành phố, bệnh viện của vị đã giành giải nhất, còn cái bệnh viện đã không cấp cứu kịp thơì con của vị chỉ giành giải bét. ấy là nỗi ân hận rất lớn trong đời vị bác sỹ. Vị mang lễ vật ra gốc cây đa non cầu khấn.

 Từ ngày con chết không thấy vị diễu ô tô quanh sân buổi chiều nữa.

Thần cây đa đã ngự tên cây đa cảnh nhà tôi. Cứ buổi tối thần lại hoá thành người đàn bà để cùng tôi nói chuyện sự đời. Tôi một người đàn bà vừa dại khờ, cả tin vừa nhạy cảm đến nanh nọc. Vì thế tôi đành chịu một kiếp sống vô phúc, không chồng không con. Tôi có một việc làm lương thiện. Tôi sống đạm bạc để chắt chiu cho tuổi già.

 Cây đa nhà tôi là cây đa cảnh, tôi trồng ở trên chậu. Tôi đã cắt hết những chiếc rễ thập thò trong không khí vì chúng chỉ  chờ tôi nhãng đi là bâm vào đất. Tôi biết nếu cứ để một rễ đâm được vào đất thì chỉ vài tháng sau cây đa của tôi sẽ lớn vổng lên phá tan cả cái chậu cảnh. Thần cây đa phải ngự trên cây đa đó thật là khổ sở. Mỗi buổi sáng tôi đã nhìn thấy cơ thể xõng xoài của thần phủ trên cây đa của tôi. Một vị thần 500 năm tuổi mà phải ngự trên cây đa cảnh bao giờ. Tôi đã có lần ý tứ nói với thần hãy trở về cây đa giữa cánh đồng mà ngự. ở đấy thần sẽ được sống thật sự. Nhưng thần lại bảo còn duyên phận với tôi. Một buổi tối trong hình hài phụ nữ tôi đã nhìn thấy thần yếu quá rồi. Tôi bèn quyết định để cho những chiếc rễ đa bâm vào đất. Cây đa của tôi lớn nhanh như thổi và vị thần thì cũng hết ốm đau.

 Cuộc sống của tôi đang cô đơn là thế bỗng dưng có bầu có bạn. Khi có bầu có bạn người ta sẽ cả tin. Tôi đã không nhìn thấy những rễ đa đã bám nhằng nhịt khắp bờ tường của tôi. Cho đến một hôm tôi ngửi thấy mùi hương ngào ngạt. Từ lâu rồi tôi chấp nhận thân phận để sống. Tôi không còn cầu khấn ai nữa. Nhà tôi tạnh không một chút hương khói. Tôi lùng sục đi tìm. Thì ra đây, dưới đám rễ nhằng nhịt của cây đa nhà tôi có ai đó đặt một ban thờ. Trên ban thờ có lễ vật và hương đang cháy nghi ngút. Lạ kỳ hơn là có một ngã đàn ông trẻ đang phủ phục khấn vái. Tôi dỏng tai nghe ngã trai khấn. Con nam mô thánh thần xin thánh thần cho con ăn con đề hôm nay. Con đã vét nhẵn túi, hôm nay mà không trúng thì con đứng đường. Tôi không nghe ngã trai khấn vái nữa mà đi vào nhà. Tôi pha ấm trà bê lên sân thượng. Tôi chờ thần cây đa. Trong lòng tôi ấm ức lắm. Có là thần đi nữa thì cũng phải hiểu rằng đây là nhà của tôi. Có muốn làm gì thì cũng phải hỏi qua tôi đã chứ. Thì ra thần cũng chỉ là một mụ đàn bà nông cạn. Tôi đã chẳng còn sợ thánh thần gì nữa, tôi quyết sẽ đuổi mụ thần đa ra khỏi nhà tôi. Tôi sẽ cắt hết những rễ đa bâm vào đất. Tôi sẽ chặt bớt cành. Cây đa của tôi sẽ là cây đa cảnh ngày xưa. Chờ một lúc lâu mà không thấy thần đến. Chắc biết tôi sẽ tống cổ ra khỏi nhà nên không dám đến. Tôi sẽ chờ đến khi nào lộ mặt ra thì thôi. Lại mùi hương khói ngào ngạt. Tôi không thể chịu được bèn xuống dưới gốc đa. Lại cái ngã trai trẻ. Trên ban thờ lễ vật rất xôm. Ngã trai đang phủ phục khấn tạ: Con người trần mắt thịt nên có mắt như mù. Ngày nào con cũng đi qua đây mà không nhìn thấy thần linh hiển. Hôm nay có thằng bạn mách cho mới biết. Ngài đã cho con ăn ngon con đề lại hai nháy con lô. Con mang hương hoa đến khấn tạ ngài. Xì xụp một thôi cho hương cháy chỉ còn một phần ba thì ngã trai hạ lễ để lại tên ban thờ mấy quả cam và 10.000 đồng. Từ tức giận tôi chuyển sang ngạc nhiên quá. Một tháng tôi đi làm mới được 500.000 đồng. Một ngày tôi chỉ giám tiêu 7000 đồng. Tôi không biết cái ban thờ này ai mang đến nhưng nó ở trên đất của tôi. Cây đa này cũng là cây đa của tôi. Sáng hôm trước khi mở cửa tôi đã nhặt được dưới đất 20.000 đồng. Tôi cứ nghĩ mình đánh rơi nhưng trong lòng thì đầy phân vân vì tôi chưa bao giờ làm rơi tiền cả. Chẳng lẽ mụ thần đa đã cố tình bày đặt cái trò này. Quả là vậy mụ thần đa đã đứng bên tôi từ bao giờ. Mụ bảo tôi : tiền lộc của chị đấy. Tôi gắt lại mụ : của nhà chị thì chị lấy đi tôi không lấy thứ đó đâu. Mụ bảo tôi : Này chị định dắt nghiện đến đây sao. Chị không cất ngay tiền và hoa quả đi thì chỗ này sẽ là nơi bọn nghiện nhòm ngó. Rồi chị có được an thân không. Nghe tôi đi. Tôi với chị có duyên phận mà. Thì đây chính là duyên phận đấy. Thôi chị nghe tôi đi. Trà chị pha nguội hết rồi.

 Tôi nghe theo chị ta và cái đầu nóng bừng của tôi nguội dần. Tôi đổ ấm trà đã nguội đi để pha một ấm trà mới. Tôi đợi trà ngấm mới rót cho chị ta một chén. Chị ta đón chén nước từ tay tôi đưa ngay vào miệng hít hà : Ôi tôi nghiện trà chị pha mất rồi. Tôi biết chị đã giận tôi lắm. Chị đã định đuổi tôi ra khỏi nhà chị. Nhưng chị đã quên mất cái điều tôi đã nói với chị rằng, thần mà đội lốt người thì thần cũng chỉ là người mà tôi. Người mà thành thần thì cũng chỉ là con người. Mà đã là người thì tất yếu là thích bày đặt chuyện này chuyện nọ. Đố chị thấy ai không thích bày trò. Tôi đã bày đặt ra cái chuyện này đấy. Thứ nhất là vì chị sống đạm bạc quá. Đạm bạc với thân chị đã đành. Chị đạm bạc cả đến giấc mơ. Mấy đêm trước tôi thấy chị mơ về thăm thằng cò. Chị mơ chị mua cho nó được một bộ quần áo mới. Nó đã thích lắm cứ ôm lấy cổ chị. Chị cũng thật sung sướng. Đến khi tôi thấy chị tỉnh giấc chị đã tự mắng mình, đáng nhẽ là chỉ nên cho nó chiếc áo thôi. Cả bộ quần áo hết trăm bạc chứ ít đâu, để còn dành tiền tết về tạ mộ cha mẹ. Mà chỉ là giấc mơ chứ nào chị đã về thăm được thằng cò đâu. Tôi muốn cho chị có thêm chút tiền bạc. Nhưng cái chính là tôi muốn chị chứng kiến cái sự đời. Chị sống một cái kiếp của chị chị đã nghĩ rằng chị thấu hiểu cái sự đời ư? Không, chị chưa biết gì cả đâu. Tôi biết rất nhiều điều nhưng có một điều tôi lại không thể biết được là vì sao tôi lại chọn chị để làm cái điều này.

 Một đồn mười , mười đồn một trăm. Thế là bỗng dưng căn nhà của tôi thành nơi người ta đổ đến khấn vái. Không chỉ có mấy ngã trai ham hố chuyện đề đóm và những người lao động nghèo khó mà còn có cả những chính khách và mệnh phụ phu nhân. Bây giờ là cái thời của dân chủ, người ta nói thế, nên dù có là chính khách, mệnh phụ hay là người lao động nghèo thì cũng khó phân biệt lắm. Có một điều kỳ lạ trong tín ngưỡng của người dân nước tôi là ai cũng đưa tiền để dụ thánh thần. Tôi hỏi thần cây đa chuyện đó cớ là sao? Trong khi phật vẫn dạy chúng sinh là từ bỏ tà tâm, từ bỏ tham sân si. ấy vậy mà trước cửa Phật họ cũng mang tiền ra dụ. Thần cây đa cả cười bảo tôi : có mỗi một điều cốt lõi nhất trong tín ngưỡng của người dân nước chị mà chị cũng không biết. Nó giống như kim chỉ Nam soi dọi mọi hoạt động. Đó là, trần sao âm vậy. Thời đại của kim tiền, đi đến cửa nào không chi tiền ra đố có xuôi lọt. Cửa trần thế thì cửa âm cũng vậy.

 Tôi đã hiểu nhẽ đời. Cái kẻ u mê, cả tin như tôi khi mà hiểu ra nhẽ đời rồi thì sẽ làm đến cùng. Tôi bèn cải tạo cái nhà 9 m2 của tôi thành một cái miếu. Tôi đặt tên là miếu cây đa. Trước cửa tôi xây hai con ghê đá. Trong nhà tôi đặt 3 ban thờ. Tôi khói hương ngào ngạt suốt ngày.Tôi mua chiếc áo nâu sồng về mặc. Thế là nghiễm nhiên tôi thành chủ đền ngày ngày thu lộc. Tôi có vẻ bằng lòng với đoạn đời mới. Tiền tôi thu về nhiều gấp mấy lần đi làm mà lại nhàn nhã tấm thân, mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Thậm chí buổi tối tôi còn nghêu ngao hát. Tôi mua chè thật ngon về đãi thần cây đa. Cứ chiều tối thần cây đa vẫn cùng tôi ngồi uống chè. Tối ấy thần cây đa bảo tôi : lúc trước tôi đã nói với chị về duyên phận giữa tôi và chị. Sự thể là thế này. Con người sống ở đời ai cũng luỵ thần thánh. Mà chưa có ai nhìn thấy thần thánh bao giờ. Thực chất ở đời có người thành ma thành quỉ, có người thành thần thành thánh. Tôi đã để cho chị nhìn thấy tôi rồi nhé. Vậy là có thần có thánh thật chứ không phải là không.  Thánh thần thì đôi khi cũng hay can thiệp vào kiếp người nhưng họ cũng có kiếp sống và có việc làm của họ. Làm sao mà đổ hết thời gian đi can thiệp vào kiếp người được. Thần thì ít người thì nhiều. Vậy thì việc của con người thì để cho con người tự giải quyết nhé. Tôi đã dính quá sâu với con người nên thượng đế đã buộc tôi linh ứng những điều con người cầu khấn. Nhưng tôi là thần lên tôi không thể hiểu hết được duyên cớ của con người. Đấy chính là duyên phận giữa tôi và chị. Tôi sẽ cho chị một khả năng, đó là chị sẽ nhìn thấu mọi uẩn khúc trong những lời cấu khấn. Sau đó chị sẽ lấy đạo lý, pháp luật, việc làm..của con người mà linh ứng những lời cầu khẩn đó. Thế nhé.

 Tôi sợ toát hết mồ hôi. Tôi là một kẻ nhạy cảm và thông minh, tôi đã hiểu tôi phải làm gì. Tôi quỳ xuống chân thần cây đa vái lạy. Thần cây đa đỡ tôi ngồi lên ghế : Không kịp nữa rồi, chị có đánh đổi bằng cái chết của chị thì chị vẫn cứ phải thực hiện sứ mạng của mình thôi. Nhưng chị đừng sợ, tôi sẽ luôn ở bên cạnh chị.

 Thế là trong ngôi đền của mình tôi đã biết được những câu chuyện này.

 Câu chuyện người đàn ông của lịch sử.

 Người đàn ông đã luống tuổi. Ông đến miếu cây đa vào mỗi sáng sớm, khi mặt trời vừa kịp ló rạng. Ông đã thu xếp với tôi trước việc này. Ông thường mặc một bộ quân phục bạc màu, ở đất nước tôi chiến tranh liên miên nên cái thứ quân phục bạc màu không phải là thứ hiếm. Tuy nhiên nó cũng không chứng tỏ được điều này nọ cho chủ nhân của chúng. Tóm lại nhìn bề ngoài ông là một người không có gì đặc biệt. Nhưng ông là một con người đặc biệt, điều này chỉ có tôi và thần cây đa biết. Ông đang mang một mối suy tư khôn nguôi. Hàng ngày ông phải đối diện với nó. Ông không thể trốn tránh được. Mà ông cũng không thể tìm sự chia sẻ ở con người ông tiếp xúc. Ông đã tìm đến ngôi miếu này.

 Nhiều năm trước,ông là một anh nông dân lương thiện. Cái nghề con trâu đi trước cái cày theo sau chả cần học hành gì nhiều. Đất nước có chiến tranh thanh niên trai tráng phải ra chiến trường đuổi giặc giữ nước. Ông cũng ra nhập vào đội ngũ đó. Con người lương thiện thì ở nơi nào cũng vẫn là người lương thiện. Nơi hòn tên mũi đạn ông không hề né tránh, ông luôn làm theo mệnh lệnh của người chỉ huy. Tai ông rất thính và đôi chân ông khoẻ mạnh. Mệnh lệnh phát ra là ông đã xông lên phía trước. Ông luôn tâm niệm lời dặn của bố ông khi tiễn ông ra trận : Con ơi con ngươi có số rồi, nếu số con không chết thì hòn đạn nó sẽ tự khắc tránh con ra. Con hãy nhớ điều đó để đừng làm một thằng con trai hèn nhát. Trong một trận đánh cuối cùng ông đã cùng đồng đội húc xe tăng vào cánh cổng thép của tổng hành dinh của địch nhưng chiếc xe cuả ông bật ra vì cổng thép quá vững chắc. Chiếc xe tăng thứ hai đã xông tới húc đổ cổng thép. ông đã lao ra khỏi xe tăng cầm là cờ tổ quốc chạy vào dinh luỹ của địch. Đó là một căn nhà được xây khép kín. Ông không nhìn thấy cầu thang để lên tầng thượng. Ông còn đang tìm kiếm cách để leo lên trên tầng thượng của ngôi nhà thì bỗng bức tường trước mặt tách đôi ra như câu chuyện cổ tích, vừng ơi mở cửa ra. Một quân nhân hàm tướng phía địch. Quân nhân đó nói với ông : Thưa ngài giải phóng, xin hãy đi theo tôi. Đây là cầu thang máy, ta sẽ lên trên đó nhanh hơn. Ông do dự vì đã nhìn thấy cái gọi là cầu thang máy đó chỉ nhỏ như chiếc hầm cá nhân mà lại không có đường thoát. Vị quân nhân đó lại nói với ông : Thưa ông chúng tôi biết chúng tôi thua rồi. Tôi chỉ muốn đưa ông lên mái thượng để treo cờ tổ quốc lên đó. Ông đã đi theo vị quân nhân đó và là người đầu tiên cắm lá cờ tổ quốc lên dinh thự quan trọng nhất của địch.

 Chiến thắng, ông thành một nhân vật lịch sử. Tên ông và chiếc xe tăng của ông đã vào sách giáo khoa của bọn trẻ con.  Chiếc xe của ông vào viện bảo tàng. Còn đồng đội của ông trên chiếc xe thứ hai đã húc đổ cổng thép thì về làng cầy ruộng. Họ lấy vợ sinh con. Những đứa trẻ con họ học bài học lịch sử về chiếc xe tăng và người cắm cờ. Những người lính trên chiếc xe thứ hai thi thoảng lại gặp nhau trong bữa rượu để ôn lại một thời hào hùng của họ. Những đứa con trai của họ nghe câu chuyện cha kể để hôm sau đến lớp đã kể lại cho bạn nghe rằng sách giáo khoa viết sai. Chính cha chúng mới là người húc đổ cổng. Bạn bè nhiều đứa ngờ, bảo rằng sách không khi nào viết sai, cũng như thầy cô không khi nào dạy sai cả. Chỉ có cha mày là người nói láo. Đứa con bênh cha lao vào đánh bạn rồi khóc ấm ức. Có lẽ đứa con kia sẽ cả đời ấm ức nếu không có một bức ảnh của một phóng viên nước ngoài chụp chiếc xe tăng lao đổ cánh cổng thép. Bài học lịch sử được soạn lại. Tuy nhiên ông vẫn là người đầu tiên cắm lá cờ. Ông vẫn là nhân vật lịch sử. Lại vài chục năm sau nữa vị quân nhân đã đưa ông vào cầu thang máy đã kể lại cho phóng viên nghe câu chuyện vào thời khắc lịch sử đó. Thế là lịch sử phải soạn lại lần nữa.

 Câu chuyện của ông là như vậy. Cha ông đã nói với ông là con người có số mệnh sống chết chứ cha ông không hề nói cho ông biết rằng ông phải nắm giữ một số mệnh lịch sử đó. Khi đó ông đã báo cáo với cấp trên toàn bộ sự thật diễn biến của trận đánh cuối cùng. Ông chờ ngày được trở về làng với cái cày và con trâu.Nhưng cấp trên lại ra lệnh, ông lại chấp hành. Và bây giờ ông đã rất đau khổ khi phải đối diện với chính mình. ông là một người lương thiện. Phẩm chất đầu tiên của người lương thiện là phải trung thực. Có phải ông không trung thực? Ông là một người lính và ông đã chấp hành mệnh lệnh. Ông hiểu điều đó nhưng ông vẫn đau lòng. Tại sao? Vẫn là bài học lịch sử đó nhưng chỉ thêm vào vài ba dòng nữa thôi thì bọn trẻ đã không phải học đi học lại mà lại thật dễ hiểu biết bao. Rằng là chiếc xe tăng của ông lao vào trước nhưng chiếc cổng quá kiên cố lên không đổ ngay được. Đến lực húc của chiếc xe thứ hai thì nó đổ. Nhưng-Điều này cần nhấn mạnh nếu không có cứ hích thứ nhất thì chiếc cổng cũng không thể đổ được. Cổng đổ ông là người đầu tiên lao lên. Nhưng-Điều này cần nhấn mạnh, đó là một toà nhà hiện đại và kiên cố, đó là một toà nhà mà chưa một anh giải phóng nào được biết. Điều chưa biết thì cần phải hướng dẫn học hỏi, đó là lẽ thường. Người quân nhân đã dẫn ông lên tầng trên bằng cầu thanh máy, ông ta nói là đã thua rồi. Nhưng-Điều này cũng cần nhấn mạnh. Nếu ông không là người lương thiện để mà tin người thì liệu ông có vào cầu thang máy đó không? Đã chẳng có bao nhiêu chiến sỹ đã hy sinh trong tích tắc của chiến thắng là gì?

  Đó tất cả là sự thật, mà cũng rất là con người.

  Câu chuyện của người đàn ông là thế.

 Thần cây đa bảo tôi linh ứng những suy nghĩ của con người cứu giải điều đó đi. Tôi chẳng biết linh ứng điều gì, bỗng chỉ nhớ lại câu chuyện cũ xưa của mình. ấy là cái thời mơ mộng. Người ta đã dạy cho mơ mộng thế, rằng con người phải cao sang không được có dục vọng thấp hèn. Rằng ăn thịt là dục vọng thấp hèn, ăn đường đen bổ hơn đường trắng. Cái thời đấy tôi và anh đã yêu nhau say đắm. Một lần sau chuyến đi công tác về anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện rằng. Đội của anh xuống kiểm tra một tàu nước ngoài. sau khi dã làm xong nhiệm vụ họ đã mời đội anh dùng bữa, bữa đó có những món ăn anh chưa bao giờ tưởng tượng ra. Sau đó anh vào nhà vệ sinh. Mọi thứ trắng tinh thơm tho khiến anh phải quay ra hỏi lại. Có người vào chỉ cho anh. Anh đi xong thì đồ thải vẫn nổi lềnh bềnh trên nước trong vắt. Anh không biết làm cách nào cho nó lặn xuống. Anh vô cùng xấu hổ vì dẫu sao cũng đã tốt nghiệp đại học hẳn hoi. May thay anh đã nhìn thấy chiếc cốc nhỏ. Anh đã hứng nước  và đổ vào đó cho đổ thải lặn xuống. Phải mất nửa tiếng mới giải quyết xong.

 Cô đã vô cùng xấu hổ vì câu chuyện của anh. Cô đã gào lên là anh thật tầm thường. Anh là một con người tầm thường. Anh đã xin lỗi cô rất nhiều vì tưởng cô đã thật yêu anh và thông cảm với anh hết thảy. Cô bảo cô không thể sống chung với người tầm thường. Cô đã kiên quyết bỏ anh. Anh đã nài nỉ cô mãi mà không được. Rồi anh ra đi. Cô đã không thể yêu ai được nữa nên đã chịu kiếp sống cô đơn đến giờ.

 Người đàn ông cất tiếng gọi : Bà chủ đền ơi.

Tôi bừng tỉnh đi đến chỗ ông.

 -Ông gọi tôi có việc gì ạ?
 -Tôi muốn nhờ bà một việc. Hôm nay tôi thấy lòng thanh thản quá. Chưa khi nào tôi thấy lòng mình thanh thản đến vậy. Ngày mai tôi có việc đi xa. Tôi phải vào trong đó để dự lễ kỷ niệm. Tôi sẽ không đến ngôi đền này ít bữa. Tôi gửi bà ít tiền, nhờ bà mua hương thắp hương giùm tôi để cho tôi thanh thản. Hôm nay tôi vui quá bà ơi. Lòng tôi thanh thản lạ. Thì ra là đôi khi mình sống đó mà chả là được sống cho mình bà nhỉ. Nhưng mà cứ được là người lương thiện là tốt rồi bà nhỉ.

 Tôi thật chẳng hiểu câu chuyện ra sao nữa. Tôi đang đeo nặng nỗi sầu của mình thì người khác lại thanh thản. Thần cây đa bảo tôi: Đó là sứ mạng của chị. Tôi đã lấy câu chuyện của chị để linh ứng cho người đàn ông đó. Người đàn ông đó đã hiểu cái điều tôi muốn nói khi linh ứng câu chuyện của chị cho ông ta. Rằng đến một tuổi nào đó của cuộc đời thì dẫu có là con người của lịch sử, con người của công chúng hay chỉ là con người riêng của một mình bản thể đó thôi thì những nỗi đau, nỗi buồn, sự luyến tiếc..cũng chỉ là của riêng bản thể. Không ai sẻ chia, không ai gánh vác hộ. Biết được điều đó lòng sẽ thanh thản hơn nhiều.

 Câu chuyện của những cựu chiến binh.

-Ông ơi ông làm gì thế, ông ra ngó cháu cho tôi một tí nào ?
-Tí đừng chạy qua đường như thế xe nó cán chết bây giờ. Ông ơi ông ngó cháu cho tôi với.

-Ông làm gì mà tôi gọi mãi thế ?
-Ô thì ra ông ngồi xem ti vi à ?

-Bà ơi, cái quân Mỹ khốn nạn nó lại đem quân đánh I Rắc rồi. Bài học ở Việt Nam mà nó không chừa ư ? Khốn khổ những người dân vô tội. Khốn khổ lũ trẻ con vô tội.
 
Ông khóc nức lên.
-Ông khóc cái gì thế ? Ông xem ti vi rồi ông khóc đấy à ? Này để đến tối hãy xem rồi mà thương vay khóc mướn nhé. Ông ra trông thằng bé hộ tôi đi. Giờ tan tầm xe cộ đi lại nườm nượp, nó cán chết thằng bé bây giờ. Trẻ con I rắc thì có cả thế giới xót thương chứ ông có biết tai nạn giao thông ở đất nước ông trung bình một ngày chết bao nhiêu người không ? Sao ông không xem cái chương trình đó, số người chết trung bình một ngày bằng một cuộc chiến tranh đấy ông ạ. Mà cái chết này thì chẳng có thế giới nào xót thương đâu ông. Ông ra ngó thằng bé cho tôi đi thổi cơm.

-Loại đàn bà óc bã đậu, suốt ngày chỉ biết xó bếp. Phải biết lên án bọn đế quốc dã man chứ. Bà không đi chiến đấu bà không biết được thế nào là chiến tranh.

-Có tôi biết thế nào là chiến tranh chứ. Đàn ông các ông ra trận còn chúng tôi phải chờ đợi. Sự chờ đợi thật là khủng khiếp, lắm lúc muốn chết đi còn hơn là phải chờ đợi đến nghẹt tim. Tôi sợ cái sự chờ đợi lắm. Ông biết chứ, tôi sợ sự chờ đợi lắm. Tôi sẽ đập ngay cái ti vi này đi, ông có đứng lên không ? Đây không phải là nước I Rắc, đất nước này không có chiến  tranh nhưng tai nạn giao thông hàng ngày cướp đi sinh mạng cuả con người bằng một cuộc chiến tranh, ông hiểu không ? Ông đứng lên trông cháu ngay, tôi không thể chờ cái tai nạn giao thông được. Tôi cũng không thể chịu được cái việc ông cứ ăn không ngồi rồi với cái quá khứ hào hùng của ông. Con cái ông đang phải lao động cật lực mới có miếng ăn. Ông cũng phải làm đi chứ. ít nhất là ông trông cháu chứ ông đừng khóc cho trẻ con I Rắc như vậy.
 
Người đàn ông này cũng  có một quá khứ cũng rất hào hùng. 18 tuổi vào bộ đội. Tham gia trận đánh đầu tiên bị địch bắt đầy ra Côn Đảo. ở tù Côn Đảo mấy năm đất nước được giải phóng. Ông sống sót trở về nhà.Ông là một chiến sỹ cách mạng kiên cường nên được nhà nước trọng đãi cho đi học ngành kinh tế ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp về nước được bổ nhiệm làm giám đốc một xí nghiệp đang làm ăn thua lỗ. Ông làm việc cần mẫn và sáng tạo. Ông áp dụng những điều đã học được của bọn tư bản đang giãy chết vào sản xuất. Ông khoán sản phẩm cho từng người lao động. Người lao động sẽ ăn lương trên sản phẩm mình đã làm ra. ấy là ông cũng làm liều vậy, ai ngờ lại tốt. Xí nghiệp được vực dậy. Người lao động có thu nhập tốt. Bản thân ông là giám đốc cũng đươc xí nghiệp mua cho một con xe hơi để đi hội họp và công tác . Rồi tai hoạ ập đến vì chính con xe này. Có một cấp trên của ông muốn mượn con xe cho gia đình đi nghỉ mát. Ông lật tung các công văn, nghị định, luật pháp...chẳng có điều khoản nào về việc cho mượn xe. Ông cũng rất nể cấp trên nhưng lại là người tôn trọng luật pháp. Ông không cho cấp trên mượn xe. Thôi thế là tong. Thằng con trai ông bảo ông. Tong là tong thế nào. Ông chỉ đi học một lớp chính trị cao cấp, rồi về làm công đoàn chuyên trách chờ hưu.

 Ông buồn, quả là buồn. Ông mới nghĩ ra cách tập hợp các chiến sỹ cách mạng bị tù đầy ở Côn Đảo đến nhà ôn lại những ngày tháng hào hùng. Vợ con ông chiều ông, mua đồ ăn thức nhắm về cho các cụ nhắm để có sức ôn nghèo kể khổ. Nhưng đến cái ngày ông làm một chiếc băng rôn màu đỏ, to, kẻ dòng chữ trắng : “Nhiệt liệt chào mừng ngày giải phóng nhà tù Côn Đảo”chăng trước nhà thì vợ con ông quyết liệt phản đối. Vợ ông bảo ông mang ra gốc cây mà treo. Con ông thì bảo : Cha ơi vẫn biết cha có công lao với đất nước rồi nhưng bây giờ có mang ra gốc cây treo thì cũng phải xin phép sở Văn hoá không người ta cũng phạt cho. Thế thì tao treo ở nhà tao đứa nào phạt. Ông bảo. Nhưng nhà có phải nhà của riêng ông đâu, ông không nghĩ đến tương lai của con cái sao ? Con ông bảo ông.

 Ông giận lắm đến rủ ông bạn cựu chiến binh khóc cho trẻ con I rắc đến miếu cây đa.

-Theo chị ta linh ứng thế nào cho hai cựu chiến binh này đây ? Tôi hỏi thần cây đa.

-Vậy theo chị ta linh ứng thế nào ? Thần cây đa hỏi tôi.
-Chị hỏi thì tôi nói. Đất nước tôi 4000 năm lịch sử...
-Chưa, chưa chứng minh được 2000 năm lịch sử đâu.
-Thì 2000 năm lịch sử, chiến tranh liên miên. Giữ nước, đánh đuổi ngoại xâm là nhưng cựu chiến binh đó. Lớp con cháu được hưởng sự yên bình thì lại quên ơn thế là không được.

-Chị nói có cái lý của chị, còn vợ, con, cháu của họ cũng có cái lý của họ chứ. Hết chiến tranh thì phải lo mà làm mà ăn . Quá khứ hào hùng có làm con người no bụng được không.Đánh đuổi ngoại xâm xong rồi mà chết đói thì còn khốn nạn hơn. Mà chính chị cũng phải hiểu điều này, đâu phải trên trái đất này chỉ có đất nước chị bị giặc ngoại xâm. Chị hãy nghe một ngươi của nước láng giềng nói với nhà ngoại giao của đất nước chị nhé : Tôi khâm phục đất nước ngài đã anh dũng chiến đấu để đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc, nhưng tôi cũng vô cùng khâm phục các vị lãnh đạo tiền bối của đất nước chúng tôi đã không mất giọt máu nào của nhân dân mà cũng giành độc lập tự do cho dân tộc. Tôi cũng thấu hiểu rằng một nước chiến tranh liên miên như thế thì không có thời giờ và trí tuệ cho công việc lao động sản xuất. Tất yếu nhân dân đói khổ là phải. Nhưng chúng tôi chỉ có thể ủng hộ về mặt tinh thần chứ vật chất thì xin thứ lỗi cho. Làm được một đồng đô la cũng rất vất vả. Tự các ngài phải lao động để kiếm ra một đồng đô la đó.

-Thật thế à chị, có phải người ta nói thế không ? Sao tôi xem trên ti vi có bao giờ người ta nói thế đâu.
-Vậy nên tôi mới nói cho chị biết.
-Có lý nhỉ, có lý nhỉ.
-Hai người đàn ông vẫn đang chờ sự linh ứng của chúng ta kìa. Thần cây đa nhắc tôi.
-Vâng, để tôi nghĩ một chút.

-Thế này chị xem đã được chưa, người đàn ông khóc cho trẻ em I Rắc có thể khóc vào đêm, còn đến giờ vợ thổi cơm thì phải trông cháu. Vợ của ông là một người vợ rất đảm đang, chung thuỷ. Hồi chiến tranh bà đã nuôi cha mẹ chồng và chờ chồng đằng đẵng 10 năm. Còn người đàn ông muốn chăng khẩu hiệu ở trước cửa nhà thì chẳng hiểu chút nào về văn hoá tâm linh của vợ con ông. Họ kiêng cái từ nhà tù. Chứ trong thâm tâm, họ rất nể trọng ông.

-Có lý, có lý nhỉ. Thần cây đa tấm tắc.

Hai người đàn ông hạ lễ chia nhau.

-Ông mang phần này về cho cháu. Thằng bé đít tôn nhà ông kháu thật. Nó thông minh lắm nhé. Hôm trước tôi đến chơi nó bảo tôi : ông ơi ông có biết trên trời có ai không hả ông ? Tôi mới bảo không biết. Nó bảo : Có bà nữ oa nương nương. Nó mấy tuổi ông nhỉ ?

-Nó được 4 tuổi rồi ông ạ.
-Này ông, không biết có phải tôi lẩm cẩm không, chứ sao tôi cứ có ý nghĩ thế này. Là vì cái thằng cháu nội tôi nó cũng như thằng bé nhà ông, nó thông minh và đáng yêu quá. Tôi cứ nghĩ dại đất nước ta mà bị chiến tranh nữa thì tôi sẽ mang thằng cháu nội đi trốn để lớn lên nó không phải đi bộ đội ông ạ.

-Trời ơi sao ông lại có ý nghĩ giống tôi thế. Cái bà vợ tôi óc chuột nhắt cứ gào lên tôi không chịu trông nom cháu. Chứ tôi phải nghĩ kế lâu dài. Tôi phải tìm cách bảo vệ cháu tôi lâu dài. Nói dại giống ông đất nước ta mà bị chiến tranh nữa thì tôi sẽ mang cháu vào rừng sâu để trốn.

-Mà này ông, ông cũng lạ sao lại cứ đòi chăng cái khẩu hiệu giải phóng nhà tù đó trước nhà, vợ con nó kiêng chữ tù. Bây giờ sớ rớ là tù, mà tù này chẳng phải như hồi ông tù đâu.

-Tôi hiểu rồi ông ạ. Thôi ta đi về trông cháu đi ông.


chữ ký của nhà văn Y Ban

 Câu chuyện người đàn ông viết văn.

 Bữa cơm chiều tươm tất được dọn ra trong một căn phòng nhỏ. Lâu lắm mới dành đủ tiền mua hẳn một con ngan ré về ăn. Hai đứa trẻ con hau háu ngồi chờ hiệu lệnh của mẹ là “chiến”.Người bố lấy cút rượu rót một chén rồi cất giọng gọi vợ :Mẹ nó vào đi cho con nó ăn. Người vợ đáp lại: Tôi xong ngay đây, rửa nốt cái tay rồi vào. Người chồng lại nói :Thì xem cái đã, hôm nay thời sự có gì mới không ? Người vợ tất tả đi vào :Canh nóng canh nóng đây. Xin mời cả nhà ngon miệng.

 Bọn trẻ ăn rào rào. Người vợ gắp bỏ vào bát chồng một miếng thịt, rồi cũng đưa vào miệng một miếng thịt. Miếng thịt ngan mới ngon ngọt làm sao. Người chồng thì cứ nhìn đăm đắm vào tivi. Đột nhiên anh ta hô to :Tiên sư thằng này phải xẻo dái nó. Phải xẻo dái nó đi. Xẻo dái nó đi.

 Bọn trẻ đang ăn ngừng nhai, chị vợ nuốt vội miếng thịt vào họng. Mọi con mắt đổ dồn lên ti vi. Trên ti vi đang chiếu một phóng sự về tình cảnh khốn khổ của người nông dân khi không còn đất trồng trọt. Đất của họ bị thu hồi cho một dự án xây dựng khu biệt thự của một chủ đầu tư người nước ngoài.
 Người vợ chán ngán thở dài :Chuyện đại sự, không phải của mình. Thôi cả nhà ăn đi.
 
-Xẻo dái nó, phải xẻo dái nó. Chính nó là thằng đã ký quyết định thu hồi đất.
-Bố ơi, phải xẻo dái thằng kia hả bố. Thằng con trai 5 tuổi chỉ vào người đàn ông đang phát biểu trên ti vi.

-ồ thằng con của bố khá lắm. Sao con biết mặt cái thằng ấy. Chính là nó đấy. Nó đã ký quyết định thu hồi đất của dân.
-Bố ơi thế phải xẻo dái chú T hả bố.
-Xẻo dái nó, phải xẻo dái nó.
-Thế có xẻo dái chú Toàn Tít không hả bố.
-Phải xẻo dái thằng kia, xẻo dái thằng kia.
-Xẻo dái chú Toàn Tít hả bố.

-Không chú Toàn Tít là bạn con ạ. Chỉ xéo dái thằng kia thôi.
-Xẻo dái chú T hả bố. Vì chú ấy là kẻ thù phải không bố?
-Đúng thế.
-Thôi tôi xin anh có được không? Con kia tắt ngay ti vi đi. Tiếng người vợ gào rú lên.

Bốn con người cúi mặt vào bát ăn của mình, Người vợ buông đũa trước lên gường nằm. Đứa con gái đứng lên theo mẹ. Rồi người chồng bỏ đũa. Thằng con trai 5 tuổi ngơ ngác nhìn. Đĩa thịt ngan còn đầy nguyên. Canh nóng đã nguội ngơ nguội ngắt.

Chị vợ tức không thể ngủ. Chị ta đã nói cho anh chồng nhiều lần rồi, rằng đến bữa ăn chớ gây chuyện bực mình. Bữa ăn ở nhà này còn khốn khó lắm, nào đã dư rả gì đâu. Có miếng ăn ngon thì vui vẻ mà ăn để cho cái sự tiêu hoá nó tốt. Để cho thức ăn nó biến thành xương thành thịt cho bọn trẻ đang tuổi lớn. Để cho nó biến thành óc để bọn trẻ học hành giỏi giang, nhỡ đâu được thành ông nọ bà kia, đổi đời.

 Chồng chị cũng hiểu rõ cái suy nghĩ của chị. Chỉ vì là anh ta đang quá ức chế. Anh ta cũng là người học hành giỏi giang đấy thôi.Nghe theo lời của cha rằng đất nước ta đang bước vào thời kỳ hiện đại hoá công nghiệp hoá, anh phải học cái nghề chế tạo máy móc. Đó mới là cái chủ đích. Anh ta thi đỗ vào khoa chế tạo máy của đại học Bách khoa lừng danh. Tốt nghiệp đại học anh ta được điều về nhà máy chế tạo ô tô. Sau mười năm làm việc miệt mài một lần anh đèo vợ về thăm quê. Chiếc xe máy 67 cà tàng cứ rù rù đi sau con ô tô hoa mai. Hai vợ chồng anh ta tha hồ mà hít thứ khói đen từ con xe ô tô hoa mai thải ra. Vợ anh  ngồi sau lẩm bẩm ca thán rằng sao thời buổi này mà vẫn còn loại xe khốn khổ thế. Một lúc anh ta tăng ga hết cỡ thì vượt được qua con ô tô hoa mai. Chị vợ kêu thốt lên : Anh ơi con xe này của nhà máy anh chế tạo đây này. Ô sao bảo hiện đại hoá công nghệp hoá mà ngồi trong xe lại đội nón thế kia hả anh. Thà cứ như xe công nông lại đi một nhẽ. Nghe vợ lải nhải mãi anh ta bực mình đáp : Thì là công nông cải tiến chứ là gì mà rộn. Thế anh học khoa chế tạo máy cơ mà, xe công nông thì ở nhà em thằng cậu làm nông dân chỉ học hết lớp 4 nó cũng làm được xe công nông. Vậy cậu ấy có biết cải tiến xe công nông thành xe hoa mai không ? Ngay cái tên của nó hay như vậy cơ mà. Thế mà em cứ đi khoe chồng em giỏi lắm, làm những là nghề chế tạo máy. Hai vợ chồng cứ mải cãi nhau con xe hoa mai nó lại vượt, nó xì cho một đám khói đen đặc làm anh chồng ho sặc sụa. Ho đến thắt gan thắt ruột, không đi tiếp được. Cũng may gần về đến nhà chị vợ nhắn người làng về, một lúc sau thằng cậu đánh con công nông ra dinh cả con 67 lẫn anh rể chị gái về nhà.

Anh ta cũng không còn nhớ rõ quyết định nào với quyết định nào nữa. Chỉ bởi vì cũng quá là người lương thiện, chấp hành tốt mọi chế độ chính sách. Cái khi anh ta đang làm kỹ sư hẳn hoi trong một cơ quan của nhà nước. Lương không cao nhưng ổn định. Đánh đùng người ta gọi anh ta lên bảo nhà nước có chủ chương về một cục, anh ta trong diện đó. Thì thôi nhà nước đã bảo là đúng. Anh ta chẳng dám chống lại. Có mấy người cũng trong diện như anh ta nhưng cương quyết không nhận quyết định. Thế rồi mấy tháng sau nhà nước lại bảo diện như anh không phải về một cục nữa. Không kịp nữa rồi, chỉ mấy tháng mà người ta đã tinh giảm được ối người lương thiện như anh để có chỗ lấy vào một loạt người mới.

Anh ta đi làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm cơm cho vợ con. ở đời đi làm thuê thì chỉ ráo mồ hôi là hết tiền, vợ con nhếch nhác vẫn hoàn nhếch nhác. Cũng may anh ta được chia cho hơn 10 m2 nhà ở căn phố nhỏ. Anh ta bèn mở một hiệu sách cho thuê. Kiếm được mà thanh tao. Anh ta tưởng đã yên ổn. Nào ngờ đánh đùng, cái miếu hoang nho nhỏ ở đằng sau nhà anh bỗng dưng được nhà nước công nhận là di tích lịch sử. Cái miếu thì nhỏ nhưng diện tích khuôn viên của nó thì đến gần 2000m2.ở giữa đô thị đất như thế là rất lớn rồi. Xây dựng lên thì cũng bề thế lắm. Người ta lại muốn bề thế hơn, bên cạnh miếu người ta muốn có cả chùa. Người ta đã tính toán kỹ. Miếu thì ít người vào, chỉ có chùa thì nhiều người đến. Nhiều người đến thì chùa lắm tiền lắm lộc. Bây giờ đang có nạn quan chức tiêu tiền chùa là gì. Đấy cái lý nằm ở chỗ đó. Thế cho nên một dãy phố dài chưa đến 1 km mà có đến 3 chùa. Nhà anh ta đã ở đây từ cha qua đời con mấy chục năm nay thành nằm trong khuôn viên chùa, phải di dời. Anh ta uất ức. Mười mấy năm lăn lộn với thị trường đã dạy anh ta bài học ngõ ngách của cuộc đời. Anh ta bèn đi tranh đấu. Có đấu tranh mới hiểu được rằng luật pháp không dành cho người nghèo. Đó là cái cách họ dụ khị nhân dân mà thôi, chứ làm gì có pháp luật cho người nghèo hèn bao giờ. Không thắng được thì anh ta chửi đổng. Chửi không hả được thì anh ta treo cổ lên.

 Câu chuyện của anh ta là thế. Nhưng như thế thì anh ta còn có lối thoát chứ còn chị vợ thì bế tắc hoàn toàn. Chị ta không có quyền chết. Bây giờ chị ta đang phải sống cho hai đứa con của chị ta. Chị ta đã đến miếu cây đa nhiều lần. Lần nào cầu khấn xong cũng nước mắt lưng chòng ra về. Thì chính vị thần cây đa và tôi cũng chưa có cách gì để linh ứng cho vợ chồng chị ta.

-Hay là cho vợ chồng chị ta trúng số độc đắc. Thần cây đa bảo tôi.
-Không được, chưa khi nào anh ta mua xổ số cả. Tôi phản ứng.
-Thì để vợ hoặc con anh ta mua xổ số. Thần cây đa cố nài nỉ tôi.

-Vấn đề ở đây là lối thoát cho sự bế tắc của anh ta chứ không phải là cơm áo đơn thuần. Nếu bỗng dưng nhà anh ta hoả hoạn cháy sạch bách anh ta sẽ tìm được phương kế kiếm gạo tiền ngay. Tôi bác bỏ gay gắt ý đồ của thần cây đa.

-Thôi được rồi, thôi được rồi chị bình tĩnh mà suy nghĩ cho thấu tình đạt lý. Đây là chuyện của loài người các chị chứ không phải chuyện của thần đâu nhá. Tôi đã nói với chị rồi mà. Toàn là chuyện của con người tự gây ra cho nhau đấy chứ, sao cứ đi cầu khấn thần.

-Tôi tìm ra rồi. Tôi reo lên. Cho anh ta thành nhà văn. Anh ta sẽ viết những điều mình bức bối. Vả lại cái nghiệp văn chương hay lắm. Nó có ma lực lôi kéo người ta không khác gì ma tuý lôi kéo con nghiện. Hay quá tôi đã tìm ra rồi.

-Quả đúng, quả đúng.
Một thời gian sau, chị vợ mang lễ vật thật to đến miếu cây đa. Tôi nghe rõ chị ta khấn :Con lạy thần linh, thần linh đèn trời soi tỏ tâm tưởng của nhà con. Nhà con hạnh phúc lắm. Cả đời đâu có mơ tưởng được thành nhà văn thế này. Chồng con vui, các con con vui thế là con hạnh phúc lắm. Con tấu lạy thần linh soi tỏ cho lòng thành của chúng con.

Nghe chị vợ khấn lại nhìn tỏ được tấm lòng và việc làm của chị ta mà tôi không thể cầm lòng được. Chồng viết văn nhưng chưa thành danh. Thi thoảng một tác phẩm in được thì như chỉ như hương hoa trong cuộc sống của nhà anh ta. Bao khổ cực của gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ lên vai chị vợ. Chị ta phải bỏ nghề cô giáo mầm non cao quí của chị ta để ra vỉa hè bán ăn đêm cho khách. Món cháo chim cu bổ dưỡng đêm cho đàn ông thì đôi vai chị ta ngày càng so lại. Nhưng chị ta đã hạnh phúc thực sự.

Làm quan 5 công 5 tội thì đã là tốt cho dân cho nước rồi.

Thực là tôi không thể hiểu nổi, ngoại cái miếu cây đa có thần cây đa ngự trị thì còn những vị thần nào đó ngự trị ở thế gian này. Tôi hỏi vị thần cây đa, vị thần cứ một mực nói rằng không còn vị thần nào khác :Chẳng vị thần nào chịu ở cái thế gian khốn khổ này đâu, chẳng qua là do tôi phạm tội mà phải đầy xuống đây thôi.

- Thế nhà chị phạm tội gì ?
- Tôi phạm cái tội là biết quá nhiều sự việc của dương gian. Lại thêm cái việc thằng cò nhà chị vì tôi đã phát hiện các thần thánh cũng làm ăn gian dối.
- Vậy chị giải thích thế nào về việc ông quan nọ đã đến đây cầu khấn.
- Thì tất yếu việc nó phải đến như vậy. Nhà chị đã xa lánh sự đời lâu quá rồi. à mà cái kiếp dân đen như chị sao mà biết được quan người ta sống ra sao.

Cái vị quan mà cái người đàn ông khi chưa thành nhà văn cứ một mực đòi xẻo dái cũng đã đến miếu cây đa cầu khấn. Đầu tiên là chị vợ. Một người đàn bà phốp pháp đang ở độ tuổi tốn chồng. Mệnh phụ không mang nhiều lễ vật nhưng lại phúng rất nhiều tiền : Để cho nhà miếu hương hoa suốt cả ngày. Mệnh phụ bảo thế. Mệnh phụ khấn : Xin thần linh hãy lắng nghe lòng con mà linh ứng cho con đường đi nước bước. Chuyện của con thế này. Xưa kia con cũng lam lũ lắm. May nhờ phúc của ông bà tổ tiên và các thần linh mà chồng con được cất nhấc. Nay nhà cửa con chẳng thiếu một thứ gì, đồ ăn thức uống nhà con toàn sơn hào hải vị bổ âm bổ dương. Khổ nỗi bổ âm thì âm phát mà bổ dương thì dương chẳng phát cho. Chồng con bị hỏng cái đấy rồi. Mấy năm nay con sống chay tịnh, mà nào con có phải là kiếp tu hành đâu. Con khao khát, thèm muốn lắm. Con cầu xin thần linh cho cái ấy của chồng con khoẻ lại. Con đau khổ lắm thần linh ơi.

Lần sau mệnh phụ đến cùng với chồng là vị quan nọ. Một người đàn ông tươi tốt mặt mũi sáng láng. Lòng dạ con người này cũng chưa đến mức đen tối hết. Điều khốn khổ nhất là vị quan này ở vào cái vị trí trên đe dưới búa. Trên bảo mà không nghe thì coi như đi đứt, nghe theo quan trên rồi thì búa rìu dư luận phang cho tới tấp.Lại còn lòng dân oán thán. Cái lũ ngoại bang thì nó không ngoan vô cùng. Cứ làm xong việc với nó mới thấy được mình dại qúa. Thì đã rồi, cả trên lẫn dưới cứ ngậm bồ hòn làm ngọt. Cái dự án xây chung cư cao cấp của bọn ngoại bang đó. Nó đưa ra dụ khị nơi đây sẽ thành một mô hình về nhà ở tân tiến nhất. Sẽ có nhà máy sản xuất để tạo công ăn việc làm cho nguời nông dân bị mất đất. Và chính người nông dân sẽ được ở trong nhưng chung cư đó. Dự án chia ra nhiều gian đoạn, sẽ thực hiện dứt điểm từng giai đoạn một. Ngon quá, thế là ký quyết định thu hồi đất. Để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài nên phải ưu tiên. Giá đền bù giải phóng mặt bằng cho dân bèo bọt, chỉ có mấy chục ngàn đồng một m2 đã thế ông tỉnh cắn một miếng, ông huyện cắn một miếng, ông xã cắn một miếng, còn lại đến tay dân chỉ là mười mấy ngàn đồng. Có mặt bằng rồi, quân ngoại bang thuê xe của ta đi xúc cát của ta ở bờ sông về đổ nền. Lấy mất nhiều cát sông bị sói lở, nhà cửa bị trôi cả xuống sông.San nền xong quân ngoại bang chia lô bán nền. Bán với giá cao chót vót, lên đến mấy mươi triệu đồng một m2. Cái quân ngoại bang nó khôn thật, nó nhắm ngay chỗ đất đẹp bên đường. Thuận lợi đủ đường. Người ta đổ xô vào mua, chả mấy chốc mà bán hết veo. Tiền thu được bọn chúng đổi ra đô gửi vào ngân hàng Thuỵ Sỹ được mấy triệu. Thôi xong, thế là người ta lại hại dân ta rồi. Vẫn còn kịp. Phải bắt chúng nộp thuế thật cao. Thế là có cớ cho chúng chuồn hợp pháp. Chúng bảo trước nhà nước có chính sách ưu tiên chúng mới làm nay không còn ưu tiên nữa thì không làm được. Đau hơn hoạn. Đấy các vị quan này chỉ vì non tay mà thành ra hại dân vì thế mà nên tội. Còn nhiều vị quan khác thì tham lam vô độ mà thành hại dân bán nước.

 Lại có những vị quan đi bán tên mà thành tội. Cũng khốn khổ các vị này. Vì các vị ấy quá luỵ luật đời. Có thành đạt và giàu có đến mấy mà không có người nối dõi tông đường thì cũng là người vô phúc. Rồi của nả để lại mà chẳng ai hương hoa cho thì của nả cũng thành đất. Rồi, phàm các vị khi chết đi phải có người làm lễ cầu siêu mới siêu thoát được nếu không cứ là ở dưới 18 tầng địa ngục. Có kẻ gian manh biết được điều đó bèn tạo cớ để được nhận là cháu là con nuôi. Đang thiếu con mà có kẻ đến nhận làm con để thờ phụng chẳng tốt lắm thay. Thế là nhận con. Thời buổi được quen biết ông to bà lớn thì coi như vốn đã đầy nhà rồi. Đã chả có một người con nuôi họ Lã bán trời không văn tự là gì. Tiền người nghèo muốn vay để làm ăn thì khó khăn vô cùng. Lên cửa này, xuống cửa khác hàng chục bận cũng chỉ vay được đôi triệu là cùng. Thế mà họ Lã chỉ vì quen biết vay được của nhà nước hàng mấy chục tỉ. Thiên hạ đã kể lại rằng, nỗi lần thị đi chùa thì phúng tiến hàng trăm triệu đồng. Thị đã nghĩ rằng khi thị đổ tiền vào chùa là thị đang làm việc phúc đức. Thị sẽ không bị trừng phạt. Đã có phật phù hộ rồi thì thị cứ thế mà làm. Sáng ngày ra có ai khen thị xinh đẹp thị rút túi cho luôn mấy triệu. Thị tiêu tiền của dân như nước. Đến khi vỡ lở thị đi tù thì tiền của dân đã đi tong. Với số tiền thị tiêu đó nếu đem cho dân vay thì hàng ngàn hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo và hàng trăm mạng người đã được cứu sống. Chỉ vì đất nước nghèo không có tiền mua thuốc.

 Vậy thì làm quan thật khó lắm thay. Ngu dốt cũng là tội. Tham lam cũng là tội. Có một ông quan người Trung Quốc đã tổng kết rằng, đời làm quan 5 công 5 tội là tốt với dân với nước rồi. Nay cứ triểu theo đó mà tính xem công tội mình thế nào. Tự mình mà tính lấy thôi chứ thần linh nào tính hộ.
 Còn cái chuyện cái ấy nó hỏng thì thật oan cho thần linh lắm. Quan ông tiệc tùng tối ngày ăn nhiều chất đạm quá. Cơ thể bị thừa chất đạm mới sinh ra bệnh gút. Cái bệnh gút đau nhức lắm. Muốn khỏi nó thì phải uống thuốc. Mà đã uống thuốc tây chữa được bệnh gút thì tất yếu là sẽ hỏng cái của quí của quan ông thôi. Có thần linh nào can thiệp vào chuyện đó đâu. Thôi quí bà về đừng ăn thức bổ âm nữa. Sắc lá răm uống mà diệt dục đi.

Chị ởi chị ơi.

-Đàn bà mà trán ngắn là loại độc ác,gian mưu. Vú to thì kém thông minh và mông to thì đa dâm. Người lùn thì rất thâm hiểm. Thần cây đa bảo với tôi.

 Một ngày có hai người đàn bà cùng mang lễ vật đến miếu cây đa của tôi. Một người đàn bà có nhân dạng hệt như thần cây đa đã nói với tôi. Còn người đàn bà kia thì nhiều tuổi hơn và cao nghều. Điều đó khiến tôi chú ý.Họ sắp lễ ra mâm đầy thành kính. Sau đó thì họ khấn vái thần linh. Người đàn bà lùn khấn : Con tấu lạy thần linh, con lễ vật cao sang đến cửa ngài. Ngài phù hộ cho con đi tươi về tốt, đi một về mười. Làm ăn khấm khá bằng năm bằng mười thiên hạ. Để lũ chúng nó có mắt như mù có tai như điếc có mồm như câm. Con tấu lạy thần linh.

Người đàn bà cao thì khấn : Con lạy thần linh cho con sáng mắt sáng lòng, hoàn thành tốt công việc được giao. Cho cả nhà con vui vẻ bình yên. Cho các con của con khoẻ mạnh học hành giỏi giang.

Những lời khấn chẳng có gì đặc biệt. Hầu hết người ta đều khấn như thế. Một nửa thì khấn như người đàn bà lùn, một nửa thì khấn như người đàn bà cao kia. Tôi không nghe họ khấn nữa đi pha một ấm trà uống với thần cây đa.

-Sao chị không nghe họ cầu khấn ư ? Thần cây đa nói với tôi.
-Có gì đặc biệt đâu mà chị bảo tôi nghe họ. Tôi nói với thần cây đa.
-Thì nào tôi có bảo họ khấn gì đặc biệt đâu. Mà tôi bảo nhà chị hãy nhìn vào cuộc đời của họ kia mà. Chị thử nhìn để kiểm chứng xem tôi nói hình tướng học có đúng không.

-Thôi thì cứ uống trà đi đã. Mưu mô gì đến loại dàn bà chúng ta đâu. Sâu sắc thì cũng như cơi đựng trầu mà thôi.

-Chị lại bảo thủ rồi. Thôi chị cứ ngồi uống trà, tôi sẽ linh ứng vào não chị vậy.

Trên chiếc xe Spacy người đàn bà lùn đèo người đàn bà cao. Người đàn bà lùn nói với người đàn bà cao :Chị ơi cơ quan mình đang có nhiều biến động lớn đấy. Chị em mình phải chớp lấy thời cơ.

-ối dào cô trẻ cô còn leo cao chứ chị yên phận thủ thường. Chị bằng lòng với cuộc sống này rồi.

-Chị ngu lắm. Thế thì để đứa ngu nó dẫm lên đầu mình à ? Làm sao phải phấn đấu chị là trưởng em là phó.
-Gớm cô em hôm nay khiêm tốn. Chị làm trưởng thế đếch  gì được. Thôi chị làm chủ tịch công đoàn để phò tá cho em vậy. Em mà lên được đừng có giệt chị đấy.
-Chị chuyên môn vững vàng nhất nhì cơ quan giệt làm sao được chị.
-Cô em có lòng với chị là tốt lắm rồi.

-Thế mà đã 10 năm rồi chị nhỉ. Em với chị duyên phận với nhau, vào cùng một ngày. Thôi chị em mình cứ dắt tay nhau mà lên. Nhưng em bảo chị này. Chị sống thật quá. Cơ quan làm gì kệ nó, đứa nào nó vớ vẩn thì đứa ấy bị trù cho không ngóc đầu lên được. Cái mồn chị cứ toang toáng, phát biểu ý kiến nọ phát biểu ý kiến kia.

-Thì họ làm sai lè lè. Mình có học thức hẳn hoi mà cứ chịu để họ làm sai mãi hay sao.
-Cả xã hội này sai chứ mình cơ quan ta sai đâu nào. Bây giờ thời buổi nó vậy thì chị phải nghe em chứ.

-Tính cô nó khéo từ trong bụng mẹ rồi tôi sao mà theo kịp cô. Thế hôm rồi mất toi đôi giày mới mua cho vợ thủ trưởng hả?
-Đôi dép có đáng là bao đâu chị. Bỏ con săn sắt bắt con cá sộp đấy. Em còn bỏ số tiền gấp hàng trăm đôi giầy ấy chứ. Cái gì chẳng có giá của nó. Cái chính là mình nắm bắt được giá của nó để xùi ra tức thì.

-Nhưng lần sau cô khéo một chút chứ để mọi con mắt của anh chị em nhìn vào. Ai đời mụ vợ thủ trưởng vừa mới khen đôi giày của cô một lời cô đã cởi phắt ra Lồng ngay vào chân mụ rồi. Lại còn quì xuống cài quai cho mụ nữa chứ.

-Thôi đi về. Đi chơi với chị mất cả hứng.
-Thì có chị em thân thiết tao mới nói. Bây giờ bầu lãnh đạo cũng phải bỏ phiếu kín đấy. Quả là có thân thiết nhau mới nói thẳng ra thế chứ. Cái sự thân thiết để nói thẳng nói thật này nó đã được vun đắp cả một qúa trình chứ đâu phải ngày một ngày hai gì. Cùng vào cơ quan một ngày nhưng người đàn bà cao đã có một quá trình làm việc tại nơi khác, chuyên môn của người đàn bà này đã nổi tiếng trong giới. Còn người đàn bà lùn kia thì chỉ là một cô mới ra trường. Cái sự ra trường cũng nhiều vẻ lắm. Có người ra trường học hành giỏi giang hẳn hoi mà cũng chưa làm ngay được việc,phải học hỏi còn chán. Người đàn bà lùn này đã vào trường hệ B, cái hệ dành cho lũ con cháu dốt nát nhưng quen biết và có tiền. Đã vào theo hệ B lại chẳng chịu học hành thì tất yếu sao mà làm việc được. Sản phẩm đầu tiên của người đàn bà lùn là ăn cắp của người khác. Cuộc họp mang người đàn bà lùn ra cạo. Mặt người đàn bà lùn lạnh băng. Cái kiểu mặt không có sự thay đổi thời tiết. Cái mặt mà nó chuyển thì người ta còn muốn nói chứ nó lạnh băng thế kia chẳng ai còn buồn nói làm gì cho mệt.  Người đàn bà cao thương xót quá mới bảo ban cho từng tí một. Giống như trẻ con tập viết được mẹ bắt tay dạy cho nét chữ đầu tiên. Được cái người đàn bà lùn có cái mánh mồn mép đỡ chân tay nên người đàn bà cao cũng mát dạ. Công việc làm lâu rồi quen. Chị em càng thân thiết hơn.

- Chị ơi chị à, em có việc này băn khoăn mà chưa biết hỏi ai. Chị là thân em nhất nên em mới hỏi chị. Em đang băn khoăn không biết có nên lấy anh ấy không?
- Lấy thằng H. ấy à.
- Vâng thì mấy năm nay em chỉ có yêu mình anh ấy thôi mà.
- Thế thì sao lại không lấy?
- Em sợ anh ấy không có con.
- Sao lại không có con ?
- Vì anh ấy bị quai bị.

- Nó bị bao giờ ?
- Mới bị năm trước.
- Thế mày thấy nó thế nào.
- Em nói chị không được cười đâu đấy. Hồi mới yêu nhau em ngủ với anh ấy. Lúc anh ấy xuất ra tinh trùng bắn vọt lên mặt em. Bây giờ nó chỉ rim rỉm ra ngay chỗ rốn thôi chị a.
- Trời ơi mày làm chị mày cười chết mất. Mới quan hệ với nhau thì nòng súng còn nhỏ,lực bắn mạnh thì tất yếu đạn phải bay xa. Dùng lâu nòng giãn ra rồi thì bắn xa sao được. Mày lo lắng thật thì chị khuyên thật mang nhau đến bệnh viện mà thử. Nếu mà nó bị bệnh thật thì lựa đường chối đi. Hạnh phúc đời người không chứ có phải chuyện chơi đâu.

- Nhưng em cũng thương anh ấy. Như thế có phũ phàng quá không?
- Cái gì phũ phàng ?
- Chuyện đến bệnh viện ấy.
- ừ, kể ra cũng hơi phũ thật. Thế thì mày dùng bao cao su đi. Rồi cho ngay vào ngăn đá tủ lạnh. Sau đó đưa đến bệnh viện họ xét nghiệm cho
- Để em thử xem.
- Thôi tao khuyên thật. Lấy nhau nó là số đấy đừng đắn đo làm gì. Mày đi thử biết nó vô sinh mày có dám bỏ nó không?

- Chắc là em không bỏ được anh ấy đâu. Thôi em nghe lời chị vậy. Đấy chị em đã thân nhau đến mức ấy cơ mà. Có chuyện thầm kín đến mức sống để dạ chết mang đi còn nói được với nhau. Ngoài cái tình mẫu tử thì cái tình bạn như vậy cũng cảm động lắm thay. Rồi đến cái ngày họ cùng được đưa ra chi bộ để xem xét việc cất nhắc lên làm tổ trưởng. Cái chức tổ trưởng là cái chức vớ vẩn nhất, nó chẳng được xếp vào ngạch quan chức. Cái chức tổ trưởng thường được thủ trưởng nghĩ ra để dụ khị người lao động. Cái người làm hùng hục như trâu húc mả, mà đầu óc hơi ít trí tuệ thì sẽ được làm tổ trưởng. Đôi chị ẻm chị em này, người đàn bà lùn thì thậm ngu dốt nhưng lại khéo nịnh vợ sếp, vợ sếp đã chỉ đạo sếp nhiều lần là phải cất nhắc cô ta. Còn người đàn bà cao thì hay thắc mắc nọ kia. Nghĩ mãi mới ra cái chức tổ trưởng ở cơ quan hành chính sự nghiệp này. Quả là sếp tài. Sếp nghĩ được những 2 chức tổ trưởng, một sẽ cho người đàn bà lùn để làm vừa lòng vợ. Một sẽ cho người đàn bà cao để cho khỏi thắc mắc nọ kia, rác tai. Trước chi bộ người ta đã chỉ ra những yếu điểm của từng người. Người đàn bà lùn thì chuyên môn còn yếu và khéo quá. Khéo đến mức không thật. Những khuyết điểm đó dễ khắc phục thôi. Còn người đàn bà cao thì hay thắc mắc thì bây giờ ít thắc mắc đi. Thực ra buổi họp đó là họp kín theo nguyên tắc. Nhưng đã có người gọi người đàn bà cao ra rỉ tai. Và một người khác gọi người đàn bà thấp ra rỉ tai. Người đàn bà cao nói :

-Tôi thắc mắc đúng luật đấy chứ. Bây giờ sống và làm việc theo pháp luật cơ mà. Tôi có thắc mắc sai đâu.

Người đàn bà lùn thì lẩm bẩm một mình :
-ếch chết tại miệng.

Rồi đúng cái ngày sếp triệu tập ban bệ để họp dân chủ lần cuối để chính thức công nhận cái chức tổ trưởng cho hai chị ẻm chị em thì người đàn bà lùn gọi điện cho sếp. Người đàn bà lùn nói với sếp :

-Chị N nói với em rằng tại sao tháng này chưa có tiền phụ cấp vệ sinh cho chị em nữ. Đấy anh xem một ít tiền nhân đạo của thủ trưởng nhân văn như thế mà cũng đi thắc mắc. Đúng là con người nhỏ nhen. Người nhỏ nhen thì không thể làm lãnh đạo được.

Thủ trưởng đã đưa vấn đề đó  ra cuộc họp để nhắc nhở người đàn bà cao là đang trong thời gian thử thách thì không nên thắc mắc những chuyện nhỏ nhặt, nó hèn kém con người đi. Sau đó thủ trưởng còn gọi riêng người đàn bà cao vào phòng để tâm tình :

-Trong thời gian nhậy cảm em nên ý tứ đừng có thắc mắc nhiều. Anh biết em có năng lực chuyên môn, em lại là thủ lĩnh của quần chúng. Anh đưa em lên chức tổ trưởng để em đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Lãnh đạo thì không được đứng về phía quần chúng nữa. Nếu em là tổ trưởng thì hàng tháng em được thêm 100 ngàn tiền phụ cấp nữa đấy. 15 ngàn tiền phụ cấp vệ sinh hàng tháng thì nhằm nhò gì. Em hiểu ý anh nói chưa? Chị em phải biết đoàn kết dắt tay nhau mà vào chứ.

Người đàn bà cao dư thừa thông minh để hiểu ý thủ trưởng nói. Người đàn bà cao cũng dư thông minh để hiểu cái chức tổ trưởng là như thế nào. Nhưng 100 ngàn đồng thì lại là chuyện khác. Thời buổi giá cả leo thang đến chóng mặt thì thêm được đồng nào chẳng hay đồng ấy ư? Nghĩ đến 100 ngàn đồng sắp bị tuột khỏi tay người đàn bà cao không khỏi cay đắng. Nhưng người đàn bà lùn vẫn bả lả :Chị ởi, chị ơi. Lại còn đưa người đàn bà cao đến miếu cây đa cầu khấn.

- Đấy câu chuyện của hai người đàn bà là như vậy đấy. Theo chị tôi phải linh ứng thế nào cho họ đây. Thần cây đa hỏi tôi.
- Thôi thì cứ làm theo lời khuyên của vị thủ trưởng kia, để cho họ đoàn kết họ dắt tay nhau cùng vào.
- Thế thì chẳng còn đạo lý gì nữa ư?
- Đạo lý là cái thứ gì hả chị?
- Chị sống ở dương gian mà chị lại không biết đạo lý là gì mà còn đi hỏi tôi.
- Thì quả là tôi đã quên mất đạo lý là gì rồi. Câu chuyện mà chị được chứng kiến đó nó phổ biến lắm. Bộ giáo dục thì đang lo phổ cập chữ còn cái câu chuyện này thì nó được phổ cập từ lâu rồi. Nó chính là đạo lý đấy.

- Tâm hồn chị sao mà tàn nhẫn.
- Chính chị đã bảo tôi rằng chị không sống cuộc sống của loài người nên chị không biết được rành tỏ con người đã sống với nhau thế nào.
- Thế thì tôi lại phải dùng lời phán của thần với chị rồi. Chị nghe rõ đây.

Đây là thời kỳ hạ lai.
Trên bình diện cả 5 châu lục.
Tầng o zon thiếu.
Hạ lai đầy đầy ô chượt.
Nhiễm, cảm, không có bản lĩnh.
Không tự mình bằng linh điểm.
Non yếu thế dẫn đến trầm cảm.
Không cân bằng, thiếu năng lượng điện nhân.

-Thời hạ lai đầy đầy những điều xấu xa, nếu không tự mình  bằng linh điểm tức là sức khoẻ thần kinh tốt thì nọc độc không nhiễm đựơc vào cơ thể. Linh điểm được trang bị bằng học vấn và được hỗ trợ bằng bước đi của nhân loại.
-Tôi đã hiểu điều chị nói rồi. Thôi tôi với chị cùng chờ. Ngày mai hai chức tổ trưởng đó sẽ được quần chúng bỏ phiếu kín để đảm bảo tinh thần dân chủ.
-Chờ thì cứ chờ,chứ tôi tin rằng cái cơ quan của hai người đàn bà với 95 % đã tốt nghiệp đại học, họ là những người có học thức họ sẽ tự nhận ra con người tốt xấu.

-Tất nhiên là họ nhận ra chứ và họ còn thừa cả chỉ số IQ để nhận ra mình là người giỏi hay người dốt. Nhưng mà này chị không được can thiệp vào đâu nhé.
-Lẽ dĩ nhiên.

 9 giờ sáng ngày hôm sau, phiếu tín nhiệm được kiểm. Người đàn bà lùn được 31 phiếu, người đàn bà cao được 29 phiếu. Như vậy người đàn bà cao đã kém người đàn bà lùn  2 phiếu bầu nhưng thực chất chỉ kém 1 vì một phiếu là của chính người đàn bà cao, còn người đàn bà lùn đã thẳng tay gạch những 3 nét vào tên người đàn bà cao. Nét gạch lộ liễu đến mức phải làm người kiểm phiếu thốt lên :Thù gì nhau thế này!
 
Thần cây đa buồn lắm, bỏ cả uống nước chè và ăn kẹo lạc. Tôi phải ra sức an ủi.
-Thực ra cái việc bỏ phiếu như vậy ở cái đất nước này nó chẳng nói lên được điều gì. Có khi đầu họ nghĩ một đằng tay họ làm một nẻo. Có người thì thích làm nhiễu, có người thì coi đó là một trò chơi hay hay. Vậy thôi.
-Vậy mà người ta vẫn căn cứ vào phiếu bầu để bầu ra những lãnh đạo đó thôi.
-Chả trách chị phải mượn đến tôi làm quân sư cho chị. Chị là thần mà chị chả hiểu tí gì về mảnh đất chị đang ngự trị. Mảnh đất này người ta nói vậy mà không phải vậy. Chị đã không được nhìn thấy một sự nực cười ư, cả một quốc hội đề cử một người và bầu một người. Đến một trò đơn giản nhất là kiếm lấy hai người rồi bỏ phiếu lấy một người mà người ta khinh dân đen đến mức người ta cũng không thèm diễn nữa là.
-Tôi sẽ linh ứng thế nào cho hai người đàn bà này đây?
-Thì căn cứ theo phiếu bầu mà linh ứng.
-Vậy là dung túng cho cái xấu ư?

-Nhưng họ có vi phạm pháp luật đâu nào. Đã rất công bằng và dân chủ nhé. Đố chị đi kiện ai được đấy. Chỉ có bởi vì cái tốt có giúp cho người ta tiền bạc đâu. Nó phải là sự nhộm nhoạm, nhờ nhờ thì người ta mới kiếm được tiền nhé. Đồng lương kiếm được theo đúng pháp luật chỉ đủ cho một nửa nhu cầu cuộc sống. Còn một nửa thì phải thiên biến vạn hoá, phải biết lách chỗ nọ luồn chỗ kia, phải biết vận dụng chỗ cập kênh của điều luật này điều luật khác…một cách chân chính.

-Một cách chân chính là thế nào ?
-à,là cho một nhóm người hoặc một tập thể cùng hưởng. Nếu mà chỉ vận dụng cho cá nhân hưởng thì là vi phạm pháp luật rồi.
-Vậy là cái nhóm người đông kia họ đã rất hiểu điều đó.

-Lẽ tất nhiên. Và họ còn biết đó là một cách  để làm một sự đối trọng, để mặc cả cho sai lầm mà họ có thể mắc phải.

-Liệu người đàn bà cao có mang tiền đến đút lót để được chức tổ trưởng không? Sao mà tôi thấy hồi hộp và đau lòng quá.

-Chị không hiểu gì cả. Cuộc bỏ phiếu này không phải là hai chọn một. Mà chỉ là thủ tục để hợp pháp hoá hai cái chức tổ trưởng đó. Ngày hôm nay thủ trưởng đã triệu tập một cuộc họp mở rộng bao gồm Đảng, Đoàn, Công đoàn và ban lãnh đạo để thông báo kết quả của cuộc bỏ phiếu. Và không quên triệu tập cả hai đương sự đến để uý nạo về tinh thần, trách nhiệm của người lãnh đạo. Thủ trưởng nói : Đúng tinh thần chỉ đạo của Ban bí thư về phát triển lãnh đạo nữ. Cơ quan ta đã bồi dưỡng được hai cán bộ nữ lên chức tổ trưởng. Một sẽ làm tổ trưởng tổ xây dựng chiến lược phát triển cán bộ nữ. Một sẽ làm tổ trưởng tổ bảo vệ. Tôi xin lưu ý là đồng chí làm tổ trưởng tổ bảo vệ vẫn làm chuyên môn của mình là chuyên viên các vấn đề sắc tộc của Đông Nam á. Tổ trưởng tổ bảo vệ chỉ là kiêm nhiệm. Phụ cấp cho chức vụ mới của hai đồng chí là 100.000 đồng một tháng. Để nghị hai đồng chí xoá bỏ những thù hằn vặt vãnh của phụ nữ để đoàn kết cùng dắt tay nhau tiến lên. Nếu cứ để mất đoàn kết tôi sẽ kỷ luật.

Thế là người đàn bà cao được thêm chức tổ trưởng tổ bảo vệ.
-Tôi sẽ linh ứng cho họ điều gì nữa ?
-Chả cần nhà chị linh ứng cho họ điều gì nữa. Họ sắp đặt còn hơn cả thần thánh. Chị có biết trật tự của bầy cừu không.Trên thảo nguyên mênh mông bầy cừu cứ ngoan ngoãn gặm cỏ và ca thán. Cứ ca thán đi lũ cừu, đó cũng là một phần cuộc sống của các ngươi mà. Sẽ chẳng có sự thay đổi nào đâu.  Nhưng con cừu nào đi chệch hàng con cừu đó sẽ được làm món chả nướng.

-Ô kìa lại có khách đến chị ơi. Lại hai người đàn bà chị ạ

 Câu chuyện của những nhà hành pháp nữ

Người đàn bà này đại diện cho ngành y tế. Bà đang rất bức xúc về một vấn đề : Gái mại dâm. Trong thời đại HIV/AIDS nếu cứ để gái mại dâm trôi nổi trên thị trường không có cơ quan ban ngành nào quản lý thì căn bệnh thế kỷ sẽ bị phát tán rất nhanh. Mặt khác nhà nước lại thất thu một khoản thuế đáng kể. Đấy là lý của bà thứ nhất.
 
Còn cái lý của người đàn bà thứ hai, người phụ nữ ở đất nước này là những người đàn bà đoan chính, nhất mực thuỷ chung, tam tòng tứ đức. Tam tòng là gì ? Khi còn con gái ở với cha mẹ thì tòng Phụ (cha), đi lấy chồng thì tòng Phu (chồng), chồng chết thì thì tòng Tử (con). Tứ đức là Công, Dung, Ngôn ,Hạnh. Có đứa con gái nào theo con đường mại dâm chỉ là nhất thời thôi, rồi sẽ hối cải. Bây giờ nhà nước lại đường đường chính chính công nhận đó là một nghề thì chẳng hoá ra là chôn các nết đẹp truyền thống của người phụ nữ dân tộc này à. Không, không bao giờ có thể chấp nhận. Người đàn bà này đại diện cho những người phụ nữ.

 Hai cái lý của hai người đàn bà khác nhau đã đành mà bề ngoài của hai người đàn bà cũng khác nhau một trời một vực nữa. Người đàn bà đại diện cho ngành y tế thì rõ là một người đàn bà đẹp. Dẫu đã có tuổi nhưng vẫn còn bốc lửa và quyến rũ lắm.Người đàn bà đại diện cho chị em phụ nữ thì gầy đen, héo khô. Rõ là kiểu người dễ tiết hạnh khả phong.

 Họ cùng mang lễ vật đến miếu cây đa để cầu khấn. Họ sắp sửa phải cùng bảo vệ lý lẽ của mình trong một cuộc họp quan trọng.
 
Lý lẽ gì cũng không bằng cuộc sống. Cứ từ thực tế cuộc sống là suy ra lý lẽ. Cuộc sống của người đàn bà đẹp thế này. Cha mẹ đã cho bà một nhan sắc, trời lại còn cho thêm bà một tí tuệ trên trung bình. Nhan sắc ấy với trí tuệ kia là đã dư rả vốn cho bà sống một cuộc đời tốt đẹp. Bà có một công việc tốt và có một tấm chồng tốt. Vậy là có con mắt cấp trên dòm tới. Cấp trên dòm thấy ở bà các điểm tốt sau, nó có công việc tốt thì nó cũng phải tìm cách giữ lấy. Nó có thằng chồng tốt nó cũng phải tìm cách mà giữ lấy. Các ả đàn bà là hay quá mù ra mưa. Cứ có đàn ông tán tỉnh là chán ngay chồng. Nó mà chán chồng nó bám nhằng nhằng vào mình thì bỏ bố. ả này chắc phải chín chắn hơn chứ, dại gì mà đi chán chồng. Đó chẳng là cái bình phong tốt hay sao. Suy đi tính lại đã chán cấp trên bèn vời người đàn bà đẹp lên gặp bàn về công chuyện. Vừa bàn công chuyện vừa thả lời tán tỉnh. Người đàn bà vốn thông minh nên cũng hiểu ngay vấn đề. Sau đợt đi công tác người đàn bà đã làm vừa ý cấp trên  giường khách sạn nên được bổ nhiệm ngay một chức mới. Có chức mới thì có cấp trên mới. Sẵn đường đi nước bước người đàn bà đẹp cứ thế tăng tiến vù vù. Ngồi chót vót trên đỉnh cao danh vọng người đàn bà đẹp mới soi mình trước gương để rồi chợt thương thân. Cái tấm thân cha mẹ cho đẹp đẽ thế này mà chỉ dùng để làm nệm thôi ư? Sao lại như vậy nhỉ. Hỏi có mấy lần được sung sướng. Có, có cái hồi sống yêu thương với chồng cũng có biết thế nào là sung sướng. Vậy rồi sống với cấp trên thì sao? Cũng dục vọng ấy, cũng đòi hỏi ấy. Không dục vọng, không đòi hỏi sao là con người. Nhưng xem ra nó tuột hun hút đi đâu mất. Có lúc cũng muốn dối lòng nói một câu yêu đương ngọt ngào để tăng gia vị cho cảm xúc.Em yêu anh, anh yêu em, sao những từ nó sáo đến vậy. Tim thì đập nhàn nhã, đầu thì rỗng toang tuyếch. Thôi thì môi cũng nên thi thoảng gắn vào nhau một chút. Rồi xong. Bình tĩnh vào nhà tắm, bình tĩnh mặc quần áo. ấp tay vào má nhau chào từ biệt. Ngày mai có gặp nhau ở hội nghị thì giơ tay ra bắt,ánh mắt lạnh lùng.

 Từ thương thân người đàn bà nghĩ ra kế sách. Có mấy thằng đàn ông trẻ cũng đang muốn thăng tiến, cũng đang muốn chị mưa móc cho. Thế là người đàn bà cho vời đến bàn công việc. Công việc cứ thế mà làm. Đàn ông trẻ làm việc khác hẳn. Biết chiều đàn bà già lắm. Cất nhắc lên chức mới. Chức mới có quyền và tiền. ấy nhưng không phải là chức vĩnh viễn đâu nhé, vẫn phải biết chiều sếp nữ đấy. Còng lưng mà chiều. Gái già dai như chão rách. Cứ sau một chập đi công tác với sếp nữ về, sếp đàn ông trẻ vội lao đi tìm ngay gái mại dâm. Chúng đã trẻ lại được dạy dỗ bài bản. Phải đi nạp ngay cái sướng chứ không ngu đi mất.

 Đấy là lý do thứ nhất là vì sao không thể dẹp bỏ nạn gái mại dâm.

 Lý do thứ hai, thời buổi bây giờ làm ăn nhiều bất trắc, các thầy tàu lại nhan nhản khắc nơi. Có vụ làm ăn nào không suôn sẻ thì phải đi giải đen. Nhẹ thì đi ăn thịt chó. Nặng hơn thì đi chơi gái. Mà nặng nữa thì phải đi mua trinh.Gái đồng trinh hay gái còn trinh? Điều này thầy tàu cứ mập mờ không nói rõ nên ối anh mất tiền oan. Chả có vụ tày giời là gì. Một quan to phạm tội tham nhũng lại còn không biết chia phần trăm thoả đáng, bị đe doạ tố cáo. Tìm đến một thầy tàu. Thầy phán phải mua 3 cái trinh mới tai qua nạn khỏi. Bèn nhờ một má mì bắt mối cho. Ai ngờ có kẻ biết trước bèn đón lõng ở khách sạn bắt quả tang vị quan đang giao cấu với trẻ vị thành niên. Mà ở đất nước này luật pháp nhiều ưu việt lắm. Bất cứ ai có hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên đều phạm tội hiếp dâm, mặc cho trẻ vị thành niên kia có là gái bán dâm hay không. Thế là tội trạng chuyển thành hiếp dâm trẻ em. Vị quan bị bắt, tội tham nhũng được khép lại. ối kẻ múa tay trong bị. Người nhà vị quan mới tìm thầy tàu bắt đền. Thầy tàu bảo nó đã chả thoát tội là gì. Bây giờ nó có mang tội tham nhũng nữa đâu. Tuy vậy thầy tàu cũng bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình. Rồi thầy tự biến báo, bảo nó đi mua gái đồng trinh kia mà. Gái đồng trinh mới ứng chứ gái bán trinh sao ứng. Mấy ngày sau báo chí công bố trẻ vị thành niên kia vẫn còn trinh thầy tàu cả mừng. Đấy, bảo nó đi mua trinh mà nó có làm thủng trinh được đâu, chả trách nó không thoát vòng lao lý là phải. Trong vụ này chỉ trẻ vị thành niên kia có lợi, đã được nhà nước bảo hộ, trong vụ này toà bắt đương sự bồi thường cho một khoản tiền kha khá, thì lại còn khoản bán trinh cũng kha khá mà vẫn còn trinh, lại bán lần nữa. Được khoản tiền to mở hẳn nhà hàng riêng.

 Còn lý do thứ 3 nữa là. Nhu cầu của xã hội càng ngày càng phát triển. Xã hội cần cả mại dâm nam nữa. Thế mới là nam nữ bình quyền. Các quí bà chồng làm ra tiền, con làm ra tiền nhưng lại không chăm sóc họ về mặt tình cảm. Bỏ bê họ đi tìm thú vui riêng thì tất yếu họ cũng phải đi tìm thú vui của họ. Rồi các cô nàng bán hoa kia, khi được đồng vốn khá rả thì cũng biết thương thân chứ. Đem thân đi làm thú vui, thú sướng cho người nhưng có được lần nào sướng không? Cuộc sống cao thì cũng phải biết vui biết sướng chứ. Các cô nàng cũng đi tìm mại dâm nam để được ít nhất một lần trong đời tận hưởng thế nào là cảm giác được hầu hạ, được sung sướng chứ.

 Xã hội thương mại là một xã hội có cung ắt phải có cầu. Nhu cầu mại dâm là tất yếu. Vậy nên phải để cho nó một hành lang pháp lý cho nó tự bảo vệ mình. Cho người tiêu dùng cũng được bảo vệ. Nhà nước thì được thu thuế.
 Còn cuộc đời của người đàn bà dễ tiết hạnh khả phong kia thì sao? Cha mẹ bà cho bà một tấm thân xấu nhưng trời cũng cho bà một trí tuệ sáng láng. Trời cũng bù đắp cho bà một tấm chồng xứng đôi vừa lứa. Thế rồi bà không biết cách ăn ở gĩư chồng thành ra nó bỏ nó đi mất. Bà bất cần. Bà lao vào học hành trau rồi để tấn tới. Nhà nước cũng bảo hộ cho những người như bà bằng chủ trương phát triển cán bộ nữ. Bà cứ thế thăng tiến lên đỉnh cao danh vọng. Khi trên đỉnh cao danh vọng, khác với người đàn bà đẹp kia là soi mình vào gương thì bà lại ngó từ trên cao xuống ban phát. Cậy mình là phụ nữ bà cứ thế mặc nhiên ban phát sự yêu ghét. Có một người đàn ông trẻ không chức không quyền mà khi bà ban phát cho sự yêu thương giám cả gan tuyên bố, có đi làm phò đực thì cũng từ chối tiếp loại khách như bà. Láo chưa. Thế là mày ra đường là cái chắc. Bà xấu người nhưng bà mưu sâu. Bây giờ cái thân mày chưa hơn gái đứng đường là mấy thì mày mới tuyên bố hùng hồn như thế. Để cho mày nếm mùi vinh quang, nếm cuộc sống nhung lụa rồi mới lấy của mày đi xem lúc đó mày tuyên bố thế nào nhé.

  Anh chàng đột nhiên cứ thăng tiến vù vù như mả nhà anh ta được táng trong hàm rồng. Chỉ trong nội 3 năm từ anh chàng chân đất mắt toét anh ta nhảy phắt lên chức giám đốc. Lên chức giám đốc mới có mấy tháng mà anh ta đã xây được nhà to. Cuộc sống vương giả, sáng ô tô rước đi làm chiều về đi mát xa tắm hơi. ấy là chưa kể em út vây quanh hàng đàn. Người đàn bà mưu sâu để cho anh chàng quen bén cuộc sống vương giả vừa đủ một năm thì dăng bẫy. Mà thật ra bẫy cái loại như anh ta đâu có khó gì. Chỉ một cú điện thoại mời đi khách sạn ăn uống và vòm là anh ta hiểu ngay. Rồi chỉ việc chộp. cái loại nhãi nhép như tên này có gì đáng kể. Chiến công của bà phải kể đến là đã triệt hạ được 3 quan chức kỳ cựu trong một kỳ đại hội quan trọng. Ba quan chức anh hai ra Bắc dự đại hội thấy con gái bắc kỳ trắng nõn nà, thân hình liễu yếu đào tơ mới sinh lòng ngây ngất của lạ. Buổi tối được nghỉ ngơi bèn đi mò gái. Ba anh đi trước,bà mò theo sau. Ba anh vào khách sạn bà quay về alô điện thoại. Ba anh bị tóm sống, ngày hôm sau báo chí nhất loạt đưa tin. Ba anh mất chức lại còn bẽ mặt. Một thời gian sau câu chuyện lắng dần. Chỉ còn lại một câu chuyện tiếu lâm, kể rằng, mấy chị hai sau khi nghe tin mấy anh hai đi dự đại hội quan trọng bị đuổi về vì tội đi chơi gái mới tỏ lòng ái ngại. Rằng : Mấy thằng chả ngu thiệt có mấy ngày mà cũng không nhịn được.

 Người đàn bà dễ tiết hạnh này thừa biết chỉ có mấy thằng chả không nhịn được mấy ngày quan trọng, còn vô khối thằng chả  biết nhịn mấy ngày quan trọng và chơi xả láng những ngày không quan trọng. Cầu nhiều như thế thì ắt cung cũng phải nhiều. Mà cái mặt hàng này chẳng mất vốn mà lại lãi nhiều.

 Bà cũng hiểu rất rõ cái lý của người đàn bà đại diện cho bộ y tế. Từ sâu thẳm phần người của bà, bà cũng cho rằng phải là như vậy. Nhưng một phần người nữa của bà là bà ghét cay ghét đắng cái bọn đàn ông hiếu sắc. Chúng chỉ bị cái mẽ bề ngoài dẫn dụ mà bỏ qua cái đẹp bên trong. Như bà đây, bà có hơi xấu về hình thể nhưng tâm hồn bà cũng lãng mạn lắm chứ. Tâm hồn bà cũng đẹp lắm chứ.

 Vậy nếu mặc nhiên công nhận đó là một nghề, có hành lang pháp lý thì lấy đâu ra cớ để mà đánh úp cái bọn đàn ông hư đốn ham của lạ. Từ cổ chí kim ở cái đất nước này  là cái thứ vòng vo. Cứ theo cái bài đồng dao của trẻ con mà xem nhé: Con chim sẻ nó đẻ cành chanh tôi lấy mảnh sành tôi chanh nó chết được ba chậu máu được sáu nong đầy ông thầy ăn một bà cốt ăn hai còn cái thủ cái tai đem lên biếu chú chú hỏi thịt gì thịt con chim sẻ nó đẻ cành chanh tôi lấy mảnh sành tôi chanh nó chết được ba chậu máu được sáu nong đầy ông thầy ăn một bà cốt ăn hai còn cái thủ cái tai đem lên biếu chú chú hỏi thịt gì thịt con chim sẻ nó đẻ cành chanh tôi lấy mảnh sành tôi chanh nó chết được ba chậu máu được sáu nong đầy ông thầy ăn một bà cốt ăn hai...Để rồi : Thả đỉa ba ba chớ bắt đàn bà phải tội đàn ông cơm trắng như bông gạo tiền như nước đổ mắm đổ muối đổ chuối hạt tiêu đổ niêu cứt gà đổ phải nhà nào nhà ấy phải chịu tội nặng.

Đấy mới là cái lý do chính của bà.

-Chị ơi bây giờ ta linh ứng cho họ thế nào đây? Tôi hỏi thần cây đa

-Ơ kìa sao nhà chị khóc?
-Tôi cảm thấy nhụt hơi qúa. Tôi không muốn ở đây nữa. Tôi không muốn chứng kiến thêm nữa.
-Tôi cũng thế. Tôi mệt mỏi quá rồi. Tôi đã không thể làm gì cho đồng loại của tôi.

-Kia lại có một người nữa vào miếu. Chị ra đóng cửa lại bảo không tiếp khách nữa. Thần cây đa bảo tôi.
 
Nghe lời thần cây đa tôi đi ra cửa nói với người đàn ông vừa bước vào : Anh ơi, hết giờ tiếp khách rồi mong anh thông cảm.
 
-Cái gì, chùa miếu mà cũng phải có giờ tiếp khách à. Lạ nhỉ. Này, tôi không về thì nhà chị làm gì tôi. Nói để nhà chị biết là thằng này cùn rồi thằng này thích đến lúc nào là đến thích về lúc nào là về. Chẳng có ai bắt bẻ được thằng này đâu. Này nhà chị có biết cái thằng chí phèo của ông Nam Cao nó là thằng nông dân nó không có chữ trong đầu nên nó không biết cách chống lại thằng Bá Kiến chứ tôi đây được ăn học tử tế, ối chữ trong đầu. Tôi dư biết cách chống lại chúng nó nhé. Tôi cóc sợ chúng nó đâu. Ông là ông sợ người tử tế chứ ông sợ gì cái lũ lưu manh ấy. Ông đến đây là vì ông còn chút lương thiện đấy, nếu không á ông sẽ có cách của ông làm cho lũ chúng nó bẽ mặt. Ông là ông còn muốn lương thiện đấy.
 
-Nào bà chị cho mượn cái đĩa để sắp lễ. Thôi đừng nhăn nhó thế mất thiêng đi. Tôi ra lễ kha khá cho nhà chị. Khổ chả có cái thời buổi nào như bây giờ đến thần thánh cũng ăn đút lót. Nghe anh ta nói mặt tôi tê dần như có kiến bò. Tôi im lặng bỏ đi để mặc cho anh ta sắp lễ và nói lẩm bẩm một mình. Tôi đi pha một ấm trà rồi bê đến bên cạnh thần cây đa. Thần cây đa ngồi im lìm như đã hoá đá. Tôi biết đó là lúc thần đang linh ứng để nhìn thấu cõi lòng của con người. Đầu óc tôi mênh mang, như trong hộp sọ không hề có não. Tôi bắt đầu thoát khỏi thân xác của mình.

 Chuyện của những người làm báo

 Người đàn ông này làm trong một toà soạn báo. Anh ta là một cây bút sắc sảo đã viết nhiều bài phóng sự điều tra về tham nhũng nổi tiếng. Nhắc đến tên anh ta rất nhiều người dân trầm trồ. Nhưng ở đời thường là : Chân mình dẫm cứt bê bê tay cầm bó đuốc đi rê chân người. Chính toà soạn báo của anh ta là một ổ sâu mọt tham nhũng. Sẵn máu nghề nghiệp trong người anh ta đã điều tra ra chân tơ kẽ tóc của ổ sâu mọt đó. Anh ta bèn báo cáo với chi bộ. Chi bộ không giải quyết vì là bộ ba trong chân kiềng: Đảng, chính quyền, công đoàn. Anh ta báo cáo với công đoàn cũng phạm phải bộ ba chân kiềng. Với chính quyền, tức là bộ lãnh đạo của báo. ối chà chà, đó là một khối đoàn kết trên dưới một lòng. Vụ này bọn nó khôn biết chia chác nhau đều đây. Thế là buộc lòng anh ta phải viết đơn tố cáo lên cấp trên. Chẳng mấy thời gian thanh tra của cấp trên về toà báo để thanh tra. Trưng tập 2 cuộc họp, sau đó ban lãnh đạo viết 2 trang báo cáo với 1500 từ đưa cho thanh tra kèm một phong bì 10 triệu đồng nhuận đọc. Phong bì được đưa giữa thanh thiên bạch nhật không phải đưa kín và lời nói cũng giữa thanh thiên bạch nhật : Chuyện nhỏ cơ quan giải quyết được mà cũng phải phiền đến các anh. Toàn bộ sự việc đã được trình bày rõ trong báo cáo. Phiền các anh phải mất công đọc. ở toà báo có chế độ gọi là nhuận đọc xin gửi các anh. Xong.

 Xin được diễn giải đôi chút về 10 triệu đồng kia. 10 triệu đồng tuỳ từng trường hợp cụ thể mà nó được gọi như sau : Tài sản lớn, trong trường hợp vụ án cướp tài sản; Quỹ xoá đói giảm nghèo : Hộ nghèo ở đất này chiếm tỉ lệ là 16% với thu nhập 120.000 một tháng, đó là số tiền cho 90 hộ nghèo sống trong một tháng và có thể cho 10 hộ nghèo vay để phát triển làm ăn thoát nghèo ( một triệu đồng thì làm được gì trong thời buổi này mà thoát nghèo được ?Xin thưa cái bọn nghèo có đưa cho nhiều tiền thì cũng chẳng biết làm ăn gì đâu mà thoát nghèo, đưa cho nhiều thì làm sao mà thu hồi vốn được. Là chủ trương thì cứ phải làm, làm phải có cách. Đó là cách làm.). Và là cái tết vui cho 5000 người ( Mỗi người được 2000 đồng để mua muối, tết là ngày vui của dân tộc, sao lại để đồng bào vùng cao cứ phải ăn ngô nhạt vậy)... Nhưng 10 triệu đồng đó chỉ đủ chi cho một bữa nhậu trung bình, là tiền boa trung bình cho một cô gái bao trung bình, là phong bì cỡ trung bình..

 Thế là anh chàng phóng viên sắc sảo kia mắc tội vu khống lãnh đạo, phải án kỷ luật treo bút 6 tháng. Anh chàng ấm ức nhưng cũng không biết cách gì để chống lại. Anh ta dồn tiền mua một con máy vi tính để viết bài đánh thuê cho báo ngoài. Anh ta đến một siêu thị máy tính được quảng cáo trên ti vi hẳn hoi. Anh ta mua một con máy Asian hẳn 5 vé. Anh ta rước con máy về với một giấy bảo hành 2 năm và được đổi linh kiện trong vòng 30 ngày. Anh ta hăm hở bắt đầu một công việc viết báo với chức danh cộng tác viên( chức danh nhà báo thì anh ta đang bị kỷ luật mà). Con máy chạy tốt. Sang ngày thứ 31 thì con máy dở chứng hỏng luôn 3 bộ phận quan trọng : ổ cứng, nguồn và mên bót. Anh ta gọi cho bộ phận bảo hành. Một nhân viên bảo hành đến vỗ vỗ vào con máy một cái thế là máy chạy luôn, chữa xong nguồn. ổ cứng thì nhân viên niêm phong bảo mang về hãng mới chữa được. Hẹn ngày hôm sau mang trả. Ngày hôm sau, hôm sau, hôm sau nữa vẫn không thấy nhân viên bảo hành mang trả ổ cứng, anh nhà báo cộng tác viên chỉ biết nhăn nhó. Đúng lúc nhăn nhó cao trào thì có cô bạn phóng viên đến thăm. Nghe chuyện cô bạn phóng viên bảo : anh đưa cho tôi cái máy điện thoại tôi doạ bọn này vãi tè ra quần. Cô ta bấm máy của giám đốc chứ không thèm gọi cho đám nhân viên lau nhau : A lô, anh có phải là giám đốc của siêu thị máy tính..Chỗ anh có mạng Internet không ? ..Anh vào Goole và đánh cái tên yz vào đấy, anh sẽ biết tôi là ai..Thế này nhé, cách đây 35 ngày tôi có mua một chiếc máy vi tính của cửa hàng nhà anh với giá 500 đô chứ bèo bọt gì. Nhưng bây giờ tôi hi sinh luôn 500 đô ấy, tôi chơi với anh đến cùng đây. Tôi đã mượn của bạn tôi một chiếc máy vi tính xách tay tôi sẽ đến trước cửa hàng của anh ngay bây giờ tôi sẽ viết về sự làm ăn bất tín của cửa hàng anh cho ít nhất 10 tờ báo và tôi sẽ gào rú lên cho nhân dân đến xem cửa hàng của anh làm ăn bố láo ra sao..Anh nói sao, đến ngay bây giờ à. Đợi tí, này địa chỉ nhà anh thế nào. Đây ghi đi, đến ngay nhé.

-Thấy chưa, anh thấy chúng vãi tè ra quần rồi. Đến ngay bây giờ cho mà xem.

Chưa đầy nửa giờ sau nhân viên của cửa hàng đã đến mang theo cả ổ cứng mới, nguồn mới và mên bót mới. Anh chàng nhà báo cộng tác viên hả hê ra mặt và vô cùng khâm phục cô bạn. Chưa hết cô bạn phóng viên còn nói chuyện này với anh ta :

 -Tôi đến để nói với anh rằng anh sống khờ quá. Nếu anh tha được cho bọn chúng thì tha luôn còn nếu không tha được thì phải hành hạ chúng đến nơi đến chốn chứ. Anh là nhà báo tài mà anh không biết cách che thân.

-Thì cô bảo tôi phải làm sao bây giơ, người ta đã thanh tra rồi, kết luận rồi mình còn làm gì được nữa. án tại hồ sơ.

-Bố này ngu bỏ mẹ, lúc nào cũng kín cạnh như viết báo điều tra sợ người ta kiện. Tôi hỏi bố nếu như trường hợp vừa rồi, bố cứ án tại hồ sơ thì có mà mùa quýt sang năm người ta cũng chưa đem giả cho bố cái ổ cứng.

-Thế cô bảo tôi phải làm sao đây.
-Phải chí phèo.
-Chí phèo là sao.

-Là chí phèo ấy chứ sao. Là cào mặt ăn vạ ấy.Là cái cách tôi vừa làm để đổi con máy vi tính cho anh ấy. Đấy là cách hưũ hiệu nhất đấy. Nếu anh chỉ gọi điện thoại và giở lý ra với nó ấy à, thì hàng tuần nữa nhé nó mới đến chỉ để bảo hành cho anh thôi chứ chẳng khi nào nó thay linh kiện cho anh đâu, rồi cứ thế mà gọi đi gọi lại nhé.Mà cái giống máy này í à, được là được ngay còn đã trục trặc thì cứ trực trặc suốt.

-Tôi hiểu ý của cô rồi, nhưng mình là cái thằng trí thức hẳn hoi mà lại đi làm thế thì ..

-Bố này bảo thủ bỏ mẹ. Trí thức trí ngủ gì, để nó ép cho hộc máu ra như vậy mà còn sĩ diện. Nhưng anh nghe tôi đây, chính vì anh là trí thức anh có học có hành nên anh hiểu được cái đúng cái sai, Anh phải đấu tranh chứ. Anh đã học chủ nghĩa Mác chưa? Đã học tư tưởng Hồ Chí Minh chưa? Đã học lịch sử Đảng chưa? Đây chính là đấu tranh. Chẳng lẽ một đảng viên như anh lại đi thủ tiêu đấu tranh ư?

-Tôi hiểu ý cô nói rồi, nhưng chúng tham những cả dây nên bảo vệ nhau như bảo vệ mạng sống, mình, dân lành, lương thiện chứ phải thần phải thánh gì đâu mà đấu tranh. Biết thua là cái chắc nên thôi không đấu tranh nữa.

-Là tôi thương cho anh, thương cho chúng ta tôi mới nói chuyện với anh. Tôi cũng hiểu như anh chứ,rằng chúng ta phận con sâu cái kiến, phận dân đen thì chẳng khi nào mà thắng được họ. Vậy chẳng lẽ chúng ta cứ chịu dương mắt mà nhìn hay sao. Vì là hôm qua tôi đi lấy tin mới ngồi la cà với mấy người nông dân bị mất đất đi kiện. Họ kiên trì kiện ngày này qua tháng khác. Họ sống lắt lay dưới gốc cây. Họ ăn xin để đi kiện. Tôi mới bảo với họ rằng, trứng trọi với đá sao thắng được, thôi các bác bỏ cuộc đi về quê sống có họ hàng đùm bọc. Họ bảo với tôi, vẫn biết là trứng trọi đá không thắng được, nhưng chả nhẽ cứ để chúng sống phè phỡn. Phận kiến thì làm kiểu kiến, thi thoảng mình chí cho chúng một nhát để chúng khó chịu. Cô không thấy chứ, cái cách này cũng hay đáo để. Cái thân chúng quen sung sướng rồi, nhưng trong đầu chúng cũng còn óc chứ, chả lẽ là cứt hết hay sao. Cứ thi thoảng ta làm con kiến ta bò vào người chúng ta chí một nhát. Có đang đêm ngủ ngon cũng phải thức giấc, có đang cực khoái cũng rụt lại. Thi thoảng thôi, thi thoảng.

 Đêm qua tôi đã nghĩ ngợi mãi về cái triết lý của người nông dân kia và tôi nghĩ đến anh. Anh cũng làm con kiến đi thi thoảng anh chí cho chúng một nhát, chứ không cứ chịu nhìn chúng khoái trá sao. Một niềm khoái trá nữa của chúng là chúng đã hạ gục được anh. Trong bữa rưọu nghĩ đến sự thất bại của anh chúng cũng khoái trá thêm, rưọu ngon hơn. Đi chơi với gái chúng nghĩ đến sự thất bại của anh chúng cũng cương cứng hơn..

-Nhưng chúng không còn cảm nhận được tia nắng buổi sáng và tiếng chim hót bên cửa sổ.

-Thôi bố này hâm nặng rồi. Bệnh của anh âm ỉ từ lâu hay là vì cú sốc vừa rồi mà anh sinh bệnh thế ? Tôi thật phí lời với anh. Nhưng chẳng lẽ tôi thua anh à? Này, hiện tại anh lĩnh một tháng bao nhiêu tiền ?
-Thì lương giữ nguyên còn mọi thứ cắt hết.

-Khổ chưa? Thế khi chưa bị treo bút thu nhập của anh là bao nhiêu?

- Trung bình 6 triệu một tháng. Giờ tôi đánh thuê báo ngoài cũng được kha khá.
- Thực chất của vấn đề là tôi biết ở báo M có 6 đứa kết đảng đi kiện tổng biên tập. Vấn đề chúng kiện không to bằng báo mình và cũng đã được thanh tra hẳn hoi, kết luận và khắc phục hậu quả rồi nhưng chúng vấn kiện. Thế mà chúng cũng không bị treo bút, không bị cắt lương, lại còn được xếp loại là phóng viên đặc biệt, trực thuộc tổng biên tập muốn làm gì thì làm, muốn viết gì thì viết. Ông thấy có tài không?

- Vậy họ đã làm gì mà tài thế ?
- à, họ chí phèo họ cào mặt ăn vạ, họ làm con kiến thi thoảng họ chí một nhát.
- Thế thì tôi chẳng làm được đâu.

- Thì tôi đã bảo anh làm đâu, là tôi chỉ kể chuyện  cho anh nghe, rồi anh tự quyết lấy thôi mà. Chuyện của 6 người họ đã làm thế nào. Họ học lại cái cách của một cô phóng viên trẻ của một tờ báo nọ. Cô này  được TBT nhận về toà soạn. Học hành thì vừa phải nhưng nhan sắc có thừa thì tất yếu được TBT o bế. Đi họp báo về chỉ biết bệ nguyên thông cáo báo chí là thành tin. Hôm đó rủi cho cô thông cáo báo chí nó lại viết một sự việc bằng tiếng Anh là open tour. Cô ta cao vút giọng hỏi những người có mặt trong toà soạn ô pen tua là gì ? Một người trả lời: là vén váy lên. Khi cô vén váy lên đi lấy chồng, một chàng trai trẻ thì TBT tức lắm mới đầy cô ta xuống phòng vi tính. Cô ta bèn trả đũa lại. Cô ta đội mũ bảo hiểm, mặc quần rằn ri vào phòng TBT và nói róng rả từ tầng dưới : Phải bảo hiểm thế này để cho TBT không hôn và không vén váy lên,,,,TBT hãi quá bèn phải trả cho cô ta chức phóng viên đặc biệt. Cô phóng viên này lại kể rằng cô đã học cái cách này từ một chị nhà thơ nọ. Một chàng làm cùng đã có vợ rồi lại còn đi yêu chị ta, rồi lại còn hứa bỏ vợ để lấy chị ta. Chị ta cũng đã yêu lại hết mình, mà đợi mãi mà chàng không bỏ vợ. Đến lúc chị nhà thơ có bầu rồi mà chàng cũng không bỏ vợ. Thế là chị nhà thơ mới ra tay,nhân lúc chỉ có hai người trong phòng, chàng lại còn định âu yếm nữa chứ, chị ta mới xé toang quần áo đang mặc trên người và xô của chạy ra kêu lên bị hiếp. Chàng kia bối rối quên cả chạy trốn thế là,,,mất việc. Chị nhà thơ này lại học cái cách của chị quét rác..

- Thôi cô vào chuyện chính được không? Tôi có quen 6 cái người đấy, để xem có học được gì ở họ.

- Cách của 6 người đó rất đơn giản. Họ đã nghiên cứu kỹ bộ luật hình sự của đất này. Không có hình phạt nào cho kẻ chửi bậy cả. Ông nhớ là chửi bậy chứ không phải là chửi bóng chửi gió chửi sỏ chửi xiên… là vi phạm pháp luật đấy nhé. Thế là họ chửi. Họ phân công một chị phụ nữ cứ giáp mặt TBT là cười cười rồi bảo : Thằng mặt lồn. Xong rồi lại đi. Vài lần như thế mà TBT của họ không hề có một phản ứng gì, cũng cứ cười cười rồi đi qua. Họ mới họp nhau để ra cú đòn cuối. Hôm ấy TBT tiếp một nhóm bạn tại quán rượu, 6 người gài sẵn máy ghi âm, máy ảnh, những thứ lúc nào cũng kề sẵn bên người của PV. Mà lạ kỳ tại sao TBT lại không có thứ đó sẵn bên người nhỉ, nếu không cũng quật lại được 6 người kia. Có điều là 6 người kia đã biết tỏng, có đưa máy ghi âm cho TBT của họ thì ngài cũng không biết sử dụng, vì cuộc đời làm báo của ngài có cộng lại chỉ được mấy cái tin. Có lần trong cuộc họp ngài nói : Các phóng viên cần phải chú ý phân biệt rành mạch đâu là tin của mình đâu là tin của cộng tác viên, chứ cứ lấy tin của cộng tác viên làm tin của mình là không được. Hôm trước tôi đã phải tiếp một cộng tác viên đến kiện vô cùng khiếm nhã mà người ta vẫn tức. Trở lại câu chuyện trong quán rượu, 6 người bàn nhau rất kỹ. Phân công nhau rõ ràng, người này chụp ảnh, người này ghi âm, người này lập biên bản, người này phỏng vấn và người này gọi 113 ( trong trường hợp có xô xát lớn ). Bàn kỹ lưỡng họ cũng gọi một bàn nhậu. Họ vừa ăn vừa nhìn sang bàn rượu của TBT của họ. Sếp có chuyện vui gì mà cao hứng thế. Mà bạn bè ngồi cùng sếp có vẻ chí cốt cả. Giờ N bắt đầu. Một người đàn ông (lần này là người đàn ông trong 6 người ) tiến thẳng sang bàn sếp mặt rất trịnh trọng. Đến bên cạnh sếp nói nhỏ vào tai sếp nhưng cũng vừa đủ để cho người xung quanh sếp nghe thấy : Này tao vừa địt cả mẹ mày lẫn vợ mày đấy. Mặt sếp đỏ tía chuyển sang tím ngắt nhìn trừng trừng vào mặt thằng nhân viên cấp dưới rồi lặng lẽ bỏ đi. Thế là thất bại, cả bọn 6 kẻ thu đồ nghề tiu nghỉu ra về. Họ cầm chắc thế thua mà vẫn phải bái phục bản lĩnh của sếp. Thì ra đó là một tài năng. Cái tài chịu nhục hay là sếp không còn liêm sỉ. Thì ra họ đã nhận chân được một điều ai làm sếp cũng tài.Chẳng tài năng thế thì sao làm sếp. Khi đã nhận ra tài năng của sếp thì họ cũng phải nhún mình. Một cuộc dàn xếp nho nhỏ và 6 người thôi không chửi sếp nữa, để cho sếp hạ cánh an toàn. Nhưng thi thoảng họ vẫn kiện, như kiến ấy thi thoảng lại chí một nhát.

-Chị ơi mình linh ứng cho người đàn ông này thế nào đây? Thần cây đa hỏi tôi.

-Thì ông ấy đã biết cách rồi đấy thôi. Ông ấy chẳng vừa giở cái văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc khi bước vào miếu cây đa là gì.

-ồ chị nói phải quá.
-Chúng ta không còn việc gì phải làm ở đây nữa đâu chị ơi. Tôi đã biết vì sao họ khốn khổ đến vậy, họ nghèo đến vậy. Nhưng ta mà không đi nhanh đi thì họ lại đổ lỗi cho chúng ta đấy chị ạ.
-ở cái đất này chẳng thần thánh nào theo kịp họ đâu.

 
- Thôi tôi với chị về cây đa giữa đồng. Tôi với chị sống với gió mây trăng sao. Việc của con người thì phải để cho con người giải quyết lấy thôi. ở cái đất này chẳng thần thánh nào theo kịp họ đâu. Họ đã tự xếp đặt hơn cả thánh thần. Chị nói thật đúng quá.

-Đi chị đi.

 Tối đấy thần cây đa và tôi đã lặng lẽ rời khỏi miếu cây đa.

Y Ban

Thần Cây Đa Và Tôi, truyện vừa của nhà văn Y Ban,  trích trong tập truyện vừa Thần Cây Đa Và Tôi do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn xuất bản, Hà Nội, tháng Bảy 2005