THẾ DŨNG

Vì nàng vốn là dòng dõi doanh nhân ?

( chân dung nữ văn sĩ Anna Seghers 1900 -1983)

 

1. Sau Giải thưởng Kleist là quãng đời lưu vong

Với người đọc Việt Nam, nàng là một trong số không nhiều những tác giả Đức được nhớ đến. Người ta nhớ đến nàng vì cuốn tiểu thuyết Cây Thập Tự Thứ Bảy và cuốn Những người chết vẫn còn trẻ mãi.

Anna Seghers sinh năm 1900 tại Frankfurter/Mainz và mất năm 1983 tại Đông Berlin. Tên thánh của nàng là Netty Reiling. Cuốn sách đầu tiên nàng cho xuất bản dưới bút danh Seghers mang tựa đề “Cuộc nổi dậy của những ngư dân vùng St. Barbara” được giới bình luận đương thời đánh giá là có một giọng văn điển hình mạnh mẽ và cứng cỏi. Không ai hay biết đó là tác phẩm của một phụ nữ. Mặc dù cuộc nổi dậy tự phát của các ngư dân trong cuốn sách bị thất bại hoàn toàn nhưng sau này người ta cho rằng đó là sự khởi đầu tốt đẹp và nên thơ của một đời văn.

Netty Reiling đã học Hán học, Lịch sử và Lịch sử Nghệ thuật ở Heidelberg. Tại đó nàng đã quen, đã yêu một sinh viên người Hung-ga-ri tên là Laszlo Radvanyi. Chàng lớn hơn nàng nhiều tuổi và vốn là một Đảng viên Đảng cộng sản. Sau khi kết hôn nàng có thêm họ là Radvanyi. Có lẽ vì thế mà nàng vào Đảng từ năm 1928. Và cũng nổi tiếng nhanh chóng từ năm đó vì tác phẩm đầu tay “ Cuộc nổi dậy của những ngư dân vùng St. Barbara” của nàng được nhận Giải thưởng Kleist của Cộng hòa Weimar. Năm 1929, nàng trở thành thành viên của nhóm những ngưòi sáng lập “ Hiệp hội các nhà văn vô sản – cách mạng”. Theo đà nổi tiếng, nàng cho ra mắt cuốn sách thứ hai. Rồi cuốn sách thứ ba: “ Trên đường đến đại sứ quán Mỹ”. Tiếp theo là tiểu thuyết” Những người bạn đồng hành” được ký tên Anna Seghers; nhưng tất cả đều không gây ra tiếng vang. Và sau đó nàng lập tức di cư sang Paris cùng chồng bắt đầu quãng đời lưu vong (1932-1947)

2. Cuốn tiểu thuyết hay nhất được viết bằng tiếng Đức bởi ngòi bút của một nữ văn sĩ.

Tại Paris, trong thời gian di cư và sống lưu vong, nàng đã viết những cuốn sách được gọi là bi quan. Năm 1932, nàng mô tả những người nông dân Đức bằng cuốn “ Lương theo đầu người”. Nàng cố tình giải thích rằng người ta đã trở thành những phần tử Đức quốc xã như thế nào và không chỉ khắc họa mặt tiêu cực đơn thuần của những phần tử đó. Cho nên, nhiều người , kể cả đảng cộng sản Đức lúc đó cũng rất khó chịu và bất bình. Người ta chỉ trích rằng lẽ ra Anna Seghers nên viết một cách lạc quan hơn. Tuy nhiên, “Lương theo đầu người” lại vẫn là một trong những tác phẩm xuất sắc của nàng. Sau đó, Anna Seghers cho xuât bản tiếp cuốn "Con đường đi qua tháng Hai". Cuốn này nói về cuộc khởi nghĩa tháng Hai năm 1934 ở Aó . Tuy hơi khó đọc nhưng lại gây thú vị với những trường đoạn ngắn và rời rạc vì nàng đã cố gắng thay đổi bút pháp. Người ta có thể thấy một chút ảnh hưởng từ James Joyce (1), từ John Dos Passos (2)vào văn phong nàng. Tuy thế, Marcel Reich – Ranicki cho rằng đến ngày hôm nay, tất cả những cuốn sách kể trên của nàng đều không còn có ý nghĩa gì nữa. Theo ông, tại Paris nàng chỉ viết được có một tác phẩm then chốt . Đó là cuốn tiểu thuyết Cây Thập Tự Thứ Bảy. Một câu chuyện có bối cảnh nước Đức thời Hitler. Tiểu thuyết này là một hiện tượng hoàn toàn khác lạ và độc đáo trong lịch sử văn chương Đức. Marcel Reich – Ranicki khẳng định. Không có một nhà văn nữ nào có thể viết được một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng bằng tiếng Đức. Không một ai. Dĩ nhiên có những nữ tác giả nổi tiếng trong văn học, thơ ca và truyện ngắn viết bằng tiếng Đức. Annette von Droste - Huelshoff chưa từng viết tiểu thuyết. Và cả Else Lasker – Schueler cũng không. Hay như các truyện của Kaschnitz: Đó là một nữ thi sĩ xuất sắc…Có những tiểu thuyết nổi tiếng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của các nữ văn sĩ. Từ George Sand (3) cho đến Virginia Woolf (4). Thậm chí trong văn học Anh có rất nhiều. Giới nữ văn sĩ trong văn chương Anh rất mạnh. Còn trong văn học Nga thì không có một tiểu thuyết nào của các cây bút nữ. Anna Achmatowa (5) thì toàn là thơ. Và… cho đến hôm nay thì vẫn chưa có một nhà văn phụ nữ nào viết được tiểu thuyết nổi tiếng bằng tiếng Đức. Nhưng Cây Thập Tự Thứ Bảy của Anna Seghers là một tác phẩm kinh điển. Một cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Đức hay nhất bởi ngòi bút của một nữ văn sĩ”( TD-Trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức –trong Những Con Bệnh Khó Chiều – Lauter schwierige Patienten – Propylaeen-2002).

Với tiểu thuyết Cây Thập Tự Thứ bảy, Anna Seghers đã làm một điều khác thường. Trong khi rất nhiều nhà văn cộng sản khác cũng viết tiểu thuyết về Đức Quốc xã. ( Ví dụ như Wili Bredel, một nhà văn rất nổi tiếng ở C.H.D.C. Đức sau khi chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc nhưng l;ại không hề được biết đến ở Tây Đức). Các tác giả này thường vạch rõ là trong thời Đức quốc xã, nước Đức là một đất nước bất hạnh. Cả nước là một trại tập trung duy nhất trải dài từ Bắc chí Nam. Nhưng vẫn có những người cộng sản kháng chiến đã chiến đấu chống lại Hitler, kẻ bị cả nước căm ghét. Nhưng Anna Seghers đã không viết như vậy. Nàng đã làm một điều khác biệt. Nàng đã miêu tả cuộc chạy trốn khỏi trại tập trung đóng gần thành phố Mainz của 7 người đàn ông. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Goerg Heisler. Là người đàn ông duy nhất còn sống sót và là người cuối cùng đã chạy trốn thoát được sang Hà Lan. Sáu người còn lại đã bị Ghestapo bắt lại và xác bị găm lên các cây tiêu huyền được đóng thành hình chữ thập bằng các thanh ngang. Chỉ có Heisler là sống sót. Chỉ còn có một cây thập tự không có xác người. Cây thập tự thứ bảy. Phải chăng đó là niềm hy vọng. Niềm hy vọng vẫn còn bỏ trống. Nhân vật trung tâm, Heisler cũng giống như Anna Seghers, nàng cũng đã không còn ở Đức từ năm 1933. Nàng đã di cư sang Paris, còn anh chàng Heisler thì phải nằm trong trại tập trung. Anh ta không còn biết gì về nước Đức nữa và bắt đầu chạy trốn. Anna Seghers đã để cho Heisler nhìn thấy một nước Đức của năm 1937. và anh ta thấy rằng mọi người đều sống tốt. Người ta cười nói ôm hôn nhau. Họ vui chơI và bánh mỳ được bày bán. Cuộc sống vẫn tiếp diễn hoàn toàn bình thường. Việc tất cả mọi người đang phải chịu đựng những kinh hoàng hoàn toàn không đúng. Hỗu hết đều thấy nhà cầm quyền này nước Đức mới này, chế độ Quốc xã này không tồi tệ một chút nào. Đây là một điều đáng kinh ngạc. Và do đó cuốn sách đã bị chỉ trích không chỉ từ phía cánh tả. Sau này, cuốn sách cũng được xuất bản bằng tiếng Nga tại Liên xô cũ; nhưng đã bị rút ngắn lại vì người gạch bỏ một số đoạn mô tả về thời Đức quốc xã như thế. Thứ nhất, Anna Seghers đã rất dũng cảm khi dám tả sự thật. Thứ hai: Heisler chạy trốn hết nơi này đến nơi khác. Anh ta ngủ ở nơI này nơI kia. Xuất hiện tại ngôi nhà của người bạn gái cũ, anh muốn nghỉ đêm tại đó; nhưng lại nhìn thấy một đôI ủng chăn cừu mầu nâu. Thì ra cô bạn gái cũ đã có tình nhân mới. Và cô nàng đã ném Heisler ra khỏi cuộc sống của mình. Anh đành tìm đến một ả gái ăn sương và cầu xin :” Hãy để tôi yên, đừng hỏi tôi tại sao, tôi chẳng muốn gì ở cô cả, tôi chỉ muốn nằm ngủ bên cạnh cô thôi”. Heisler lang thang từ chỗ này sang chỗ khác. Bàn tay của anh bị thương và anh phải tìm đến một bác sĩ người Do Thái vì anh nghĩ có thể người bác sĩ đó sẽ không tống cổ anh ra khỏi nhà. Bất cứ ai mà anh gặp đều nghĩ anh là một kẻ đang chạy trốn khỏi trại tập trung. Hẳn anh ta đang bị Ghestapo truy lùng và cũng đã có những tấm ảnh truy nã. và bất cứ ai cũng đều cân nhắc câu: sẽ cứu hay không cứy gã ? Nếu cứu gã, ta sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Cuốn tiểu thuyết đã chất chứa một xung đột đạo đức trong những con người khác nhau. Rất ít người được biết là trước khi được xuất bản lần đầu tiên ở Mexico bản thảo “ Cây thập tự thứ bảy” đã được chôn giấu ở nhiều nơi khác nhau vì người ta sợ nó bị thất lạc. Marcel Reich – Ranicki đã từng trầm trồ:” Nếu được nói thì tôI phải nói rằng bố cục trong “Cây Thập tự thứ bảy” đã được sắp xếp thật khéo léo. Tất cả đều được xây dựng dựa trên con số 7. 7 kẻ chạy trốn. 7 cây thập tụ. 7 chương. Đó là một tác phẩm bố cục rất chặt chẽ và được dẫn dắt một cách tuỵệt vời…Và ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm cũng đã làm “ Cây thập tự thứ 7” trở thành một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế kỷ 20”.( TD trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức theo Sách đã dẫn )

3. “Quá cảnh” –“Cuộc dạo chơI của những thiếu nữ đã chết” hay là sự bất an của nữ văn sĩ ?

Ngoài “ Cây thập tự thứ bẩy ”, “ Quá cảnh” là một tiểu thuyết khá tiêu biểu đã được Anna Seghers viết tại Mác xây. Đó là một cuốn sách về những người chạy trốn, những người di cư ở Mác xây, những người không có hộ chiếu , đang chờ cấp hộ chiếu mới và cần có visa du lịch. Về văn phong, “Quá cảnh “ không có không khí hiện thực giống như “ Cây thập tự thứ bảy”. “Quá cảnh” có không khí của một thế giới dầy sự khiếp sợ. Một sự khiếp sợ bao trùm, chế ngự những người di cư. Và Marcel Reich-Ranicki đã cho rằng những người cộng sản sẽ không bao giờ tha thứ cho cái không khí khiếp sợ ấy trong “ Quá cảnh”. Có lẽ chính vì vậy mà khi sinh thời “ Quá cảnh” đã không được dịch sang tiếng Nga. Marcel Reich-Ranicki còn biết một sự kiện rất lạ và khó giải thích trong đời Anna Seghers. Ông kể “ Một lần, khi Anna Seghers đi dạo một mình và cô độc trên một con đường quốc lộ ở Mexixo. Bất ngờ, một chiếc ô tô đã đâm vào nhà văn và sau đó nó bỏ chạy ngay. Nàng đã nằm bất tỉnh ở đó hàng giờ, cho đến khi được đưa đến bệnh viện. Trong ba tháng liền, nàng đã sống gần như vô thức. Nói năng lộn xộn , và người ta nghĩ rằng nàng sẽ chẳng bao giờ còn có thể viết được nữa. Nhưng sau ba tháng đó, nàng đã khỏe trở lại. Và sau khi khỏe mạnh trở lại, nhà văn đã viết một câu chuyện-một câu chuyện hay nhất trong đời mình. “ Cuộc dạo chơi của những thiếu nữ đã chết”. Trong “ Cuộc dạo chơi của những thiếu nữ đã chết”, tác giả kể lại một cách tàI tình về một chuyến du ngoạn của những thiếu nữ từ 12 hoặc 15 tuổi của một ngôi trường ở Mainz. Mỗi cô gái trẻ đều có một số phận khác nhau theo dòng thời gian theo từng thời kỳ. Và thế là hình ảnh một nước Đức dưới thời klỳ của Adolf Hitlers hiện ra… Tất nhiên, khi nói vậy tôi không khuyến khích người ta nên đâm vào các nữ văn sĩ để họ viết ra những tuyệt tác. .. Người ta đồn rằng đó không phải là một tai nạn giao thông. Có ai đó đã muốn ám sát nhà văn. Và mệnh lệnh đó đã được phát đi từ xa. Rất xa…Rồi chuyện đó không ai có thể làm rõ. Nhưng chắc chắn là người ta rất e ngại Anna Seghers vì nàng đã biết quá nhiều. Nàng biết tất cả những điều nguy hiểm và người ta đã e sợ nàng rất có thể bắt đầu làm một điều gì đó với những thông tin này. Sự thật là sau chiến tranh, nàng đã sống ở Đông Berlin và không hề sang thăm Liên Xô cho đến khi nàng được nhận Giải thưởng Stalin…Tất nhiên là nhà văn đã sợ hãi. Đúng thế chỉ sau khi được nhận GiảI thưởng Stalin, Seghers mới du lịch sang Liên Xô cũ và cũng chỉ ở đó 2, 3 ngày rồi lập tức trở về nhà. Tại đó nàng cảm thấy không an toàn”. ( TD trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức theo sách dã dẫn ) Cho đến hôm nay, sự bất an của nàng cũng là chuyện thường tình như muôn chuyện khác ở đời. Bởi viết văn vẫn không ngừng là một công việc nguy hiểm.

4. Sự im lặng trong thời gian trở về sống ở Đông Berlin ( 1947-1983)

Mặc dù đã từng than thở với Bertolt Brecht (6) về không khí tỉnh lẻ ngột ngạt ở Đông Berlin khi gặp nhà viết kịch này ở Paris; Nhưng rốt cuộc năm 1947, Anna Seghers cũng đã về nước và quyết định sống tại C.H.D.C. Đức. Tại đấy, không có ai biết nàng là một người Do Thái. Điều đó đã được giấu kín. Người ta đã giấu kín điều đó vì những lý do chính trị tế nhị . Và sau đó rất lâu nàng đã chấp nhận tất cả. Đảng SED không muốn để cho nhân dân biết rõ lai lịch Do Thái của những nhà văn di cư vốn xuất thân từ Tây Đức và sau khi hồi hương lại được phép định cư tại Đông Đức.

Theo nhà nghiên cứu phê bình Peter Voss (7) thì trong suốt thời gian sống ở Cộng hòa dân chủ Đức, Anna Seghers đã chọn lựa một thái độ im lặng. Nàng không không bao giờ dám thẳng thắn trỉ trích hoặc phê bình một điều gì. Ngay cả sau ngày 17-06-1953 (8), và ngay cả cuộc nổi dậy ở Hung ga ry năm 1956 (9)…Thực tế là nàng đã không bao giờ còn đạt được ý nghĩa cũng như tầm cao của các tiểu thuyết , các câu chuyện viết trong lúc lưu vong nữa.

Maecel Reich-Ranicki thì nhận định: Tất cả các tiểu thuyết mà Seghers đã viết khi nàng ở DDR ví dụ như : “ Quyết định” và “ Niềm Tin” thật là tệ hại. Chúng chỉ được xếp ở trình độ thấp. Trong một tiểu thuyết nàng đã viết về lòng tôn kính với Stalin khi mà không ai bắt nàng phải làm điều đó. Seghers đã chẳng thể viết một tiểu thuyết ngang tầm với “ Quá cảnh” và “ Cây thập tự thứ bảy” được nữa ? Có một chuyện thú vị Biên niên sử” Những người chết vẫn còn trẻ mãI”, một tiểu thuyết lớn mà đầu tiên nhà văn đã viết một nửa tại Mexico; sau đó, nàng đã đem theo bản thảo này sang Đông Berlin và hoàn thiện nốt tác phẩm ở đó. Một nửa đầu tiên đã được viết rất tốt; nhưng nửa còn lại thì đã không như thế. Vì chắc chắn khi ấy đã có sự kiểm duyệt của Đảng và người ta đã đòi hỏi tất cả những gì có thể đòi hỏi ở tác giả. Tôi biết rõ điều đó vì khi còn ở Warschau tôi đã có bản thảo đó trong tay. Và đã có một bức điện tín được gửi từ Đông Berlin với nội dung : Yêu cầu giữ lại bản dịch, vẫn còn một số chương cần phải hiệu chỉnh lại”. Và chúng đã được hiệu chỉnh lại trong sự cưỡng chế theo quan điểm của Đảng. ( TD trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức theo Sách đã dẫn )

Rất nhiều nhà văn Đức đã bất bình trước thái độ câm lặng để an thân của Anna Seghers trước vụ xét xử Walter Janka (10) Giám đốc Nhà xuất bản Xây dựng tại Berlin vào năm 1957. Nàng đã có mặt tại tất cả các phiên xử và đã đồng ý đã chấp nhận tất cả những sự buộc tội vô lý của phiên tòa đối với Janka, người đã từng là giám đốc nhà xuất bản El Libro Libre ở Mexico và đã gặp gỡ nàng trong thời kỳ lưu vong. Người ta đã than phiền đại ý: lẽ ra nàng phải lên tiếng bênh vực Janka. Vì khi ấy, trên khắp nước C.H.D.C. Đức không có một người nào có thể tự do thoải mái hơn Anna Seghers. Khi ấy không ai dám đụng tới Seghers. Không ai dám làm gì động chạm tới một nhà văn nữ nổi tiếng thế giới. Người đã từng được DDR đề cử giảI Nobel văn chương. Mặc dù sự kiện đó đã không thành nhưng người ta ( người ở DDR) vẫn muốn xem nàng như người đã đoạt giảI Nobel. Nhưng không hiểu vì sao Seghers vẫn không ngừng sợ hãi và vẫn bó tay trước những điều có thể. Người ta đã đoán già đoán non là : có thể Seghers đã sợ người ta đang nắm trong tay những chứng cớ nào đó chống lại nàng. Tại C.H.D.C. Đức đã từng có tới 180 xí nghiệp, trường học cà các Viện nghiên cứu khác nhau đã được mang tên Anna Seghers. Tên của nàng đã có ở khắp nơI. Sau đó, người ta đã thay đổi suy nghĩ và cái tên đã bị bỏ đi. Không chỉ danh hiệu Tiến sĩ danh dự ở một trường Đại học mà cả việc có nên trao cho nàng Danh hiệu Công dân danh dự của thành phố hay không cũng đã được người ta đưa ra thảo luận công khai. Thậm chí , người ta đã từng muốn đổi tên ngôi trường đã mang tên Anna Seghers và tranh cãI rằng có nên tiếp tục giảng dạy “ Cây thập tự thứ bảy” trong nhà trường nữa hay không. Về vấn đề này, Marcel Reich-Ranicki đã phát biểu công khai: Tôi không phải là một quan tòa đạo đức xét xử Anna Seghers. Tôi không nghĩ đến việc đưa ra những lời nhận xét, phán xử về tư cách của nàng. Nhiệm vụ của tôi chỉ là phê bình văn học. Những câu chữ đã viết trong “ Cây thập tự thứ bẩy”, “ Cuộc dạo chơi của những thiếu nữ đã chết” hay trong “ Quá cảnh” đều không thay đổi sau tất cả những ứng xử của tác giả tại Cộng hòa dân chủ Đức cũ. Đó là những câu chuyện xuất sắc. Và chúng sẽ mãI mãi tuyệt vời. Và câu hỏi, liệu người ta có nên tiếp tục đọc nữa hay không “ Cây thập tự thứ bẩy”, “ Cuộc dạo chơi của những thiếu nữ đã chết” hay “ Quá cảnh “ thật vô lý. Trên thực tế, đó vẫn luôn là những tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc. ( TD trích dịch từ nguyên bản tiếng Đức theo sách đã dẫn )

5. Có thể thể tất vì nàng vốn là dòng dõi doanh nhân ?

Trong tư thế một nhà phê bình văn học, phát biểu công khai nói trên của Marcel Reich-Ranicki là một cái nhìn minh triết. Có thể nàng luôn có đức tin vào một chủ nghĩa cộng sản thế giới nhưng ông vẫn cho rằng “ chủ nghĩa Xô viết không xuất hiện trong tiểu thuyết “Cây thập tự thứ bẩy”. Nàng đã từng viết cuốn “ Nhiệm vụ đến miền đất hứa”, một cuốn sách có khuynh hướng của chủ nghĩa phục quốc Do TháI và Đảng đã từng không hàI lòng với nàng. Mặc dù người Do TháI hay đạo Do TháI không đóng nhiều vai trò quan trọng trong tác phẩm của nàng nhưng người ta vẫn không thể quên luận văn Tiến sĩ của nàng có tựa đề : “Người Do TháI và đạo Do TháI trong tác phẩm của Rembrandt” (11). Sau này người ta đã gạch bổ dòng chữ: Người Do TháI và đạo Do TháI trong…”và rốt cuộc đề tài và tiêu đề luận văn Tiến sĩ của Anna Seghrs đã được người ta cắt xén, xắp xếp giả mạo, khéo léo tới mức kinh tởm trong các ghi chép tiểu sử về nàng.

Nàng là một người đẹp, luôn được mến mộ. Và khi mà các nữ sĩ xinh đẹp thì đường đời của họ dù có lắm khúc khuỷu gập ghềnh thường vẫn có đôi chút may mắn dễ dàng hơn vì cái đẹp thường ít gây phiền toái. Trong cuộc đời mình Anna Seghers chưa bao giờ phải làm quen với sự đói khổ. Nàng cũng chưa từng phải chịu đựng sự thiếu thốn vật chất. Là một tri thức được dậy dỗ cẩn thận nàng có thể nói rât tốt tiếng Anh, tiếng Pháp và thậm chí cả tiếng Nga. Giống như rất nhiều nhà văn Đức cùng thời như Berltolt Brecht, như Arnold Zweig (12), Stefan Heym(13), Stefan Hermlin (14)…v..v.. Anna Seghers cũng không thoát khỏi số phận Đức. Gia đình nàng là những người Do Thái thuộc nhóm tín đồ Do thái ở thành phố Main. Những người bạn gái cùng học đã nói với nàng tất cả. Mẹ của nàng thì bị trục xuất sang Auschwitz (15) và rồi bị sát hại ở đó. Cha của nàng thì hình như đã mất trước cả mẹ nàng. Suốt những năm tháng lưu vong đằng đẵng, nàng luôn luôn tự thừa nhận về nguồn gốc, ngưỡng mộ quê hương của mình và trong ý thức sâu sa của nàng đã âm ỉ không nguôi niềm khát khao xây dựng một xã hội mới trên nước Đức. Dường như nàng không thấy cần thiết phải trở thành nữ anh hùng trước những phiên tòa của lịch sử. Nàng chỉ muốn sống một thân phận bình yên sau những tháng năm khúc khuỷu gập ghềnh.

Nữ văn sĩ Anna Seghers vốn là con gái của một gia đình thương gia Do Thái chuyên buôn bán đồ mỹ nghệ. Dòng dõi nàng vốn là những nhà buôn có văn hóa. Mà đã có máu doanh nhân trong huyết mạch thì tránh sao khỏi những lúc chỉ biết suy tính thiệt hơn lợi hại cho bản thân mình. Nhất là khi nhan sắc và trí tuệ tiến sĩ nghệ thuật của nàng không chỉ đã từng chạy trốn và lưu vong cùng với bảy cây thập tự trong một thời đại khốc liệt; mà còn phải quá cảnh qua nhiều biên giới đắng cay và trải qua vô số cuộc dạo chơi với những thiếu nữ đã chết trên quê hương. Marcel Reich-Ranicki (16) luôn luôn cho rằng, Anna Seghers - thực ra là một nữ văn sĩ sùng đạo và đánh giá nàng là một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc của thế kỷ 20. Còn tôi thì không bao giờ quên nàng vốn là dòng dõi thương gia. Trước thái độ ngậm miệng giành bình yên của Anna Seghers trong những phiên tòa của lịch sử, người ta có thể thể tất vì nàng vốn là dòng dõi doanh nhân ?

Thế Dũng

Chú thích :

(1) James Joyce,(1882- ?) Nhà văn Anh nổi tiếng như một nhà tiểu thuyết hiện đại với tác phẩm Uylise

(2) John Dos Passo (1896- ), nhà tiểu thuyết Mỹ nổi tiếng với cuốn Vé chuyển đi từ Manhattan

(3) George Sand, Nữ văn sĩ Pháp

(4) Virginia Woolf, Nữ văn sĩ Anh

(5) Anna Achmatowa, Nữ thi sĩ Nga

(6) Bertolt Brecht ( 1898-1956)-Nhà viết kịch và nhà thơ Đức nổi tiếngcủa thế kỷ 20.

(7) Peter Voss, nhà nghiên cứu phê bình văn chương Đức đương đại

(8) 17-06-1953, ngày diễn ra cuộc nổi dậy của công nhân Đức tại Berlin. Thời điểm chứa các sự kiện mà nhà văn Stefan Heym đã viết nên cuốn tiểu thuyết Năm Ngày Trong Tháng Sáu, để rồi mãi tới 30 năm sau (1989) mới xuất bản được.

(9) ) Cuộc nổi dậy ở Hungary : chính là cuộc cách mạng đòi dân chủ 23-10-1956, nổ ra 12 ngày tại Hungary dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nagy Imre, sau đó cuộc cách mạng đã bị đè bẹp bởi quân đội Xô Viết.

(10) Walter Janka, Nhà văn Đức, từng là Giám đốc nhà xuất bản Xây Dựng nổi tiếng-là nạn nhân của chủ nghĩa Stalin dưới thời Walter Ulbricht, bị xét xử và giam cầm oan khốc. Sau đó phải lưu vong nhiều năm ở nước ngoài. Mãi tới 28 tháng 10 năm 1989, Walter Janka mới được chính thức phục hồi danh dự tại nhà hát Đức ở Berlin trong buổi công bố tác phẩm Những khó khăn với sự thật

(11) Rembrandt Van Rifn ( 1606-1669), Họa sĩ nổi tiếng gốc DoThái

(12) Arnold Zweig ( 1887-1968), Nhà văn Đức đã từng là Chủ tịch Văn bút Đông Đức (1957-1967)

(13) Stefan Heym ( ?- 2000), Nhà văn Đức nổi tiếng đã phải sống lưu vong ở Mỹ nhiều năm và đã từng là Chủ tịch danh dự của Trung tâm Văn bút C.H.LB. Đức

(14) Stephan Hermlin, một nhà văn Đức.

(15) Auschwitz, Trại tập trung-nơi Phát xít Đức đã tàn sát hàng loạt người Do Thái.

(16) Marcel Reich-Ranicki ( 1920-…), Nhà phê bình văn chương nổi tiếng được mệnh danh là Giáo hoàng của văn chương Đức trong thế kỷ 20- Tác giả của cuốn sách   Những con bệnh khó chiều. 

 

đọc các bài viết khác của Thế Dũng trên gio-o

 

 

© 2007 gio-o