THI VŨ VÕ VĂN ÁI

Nhớ về Tạp chí Quê Mẹ ở Paris



 

Thiên hướng tôi thích thơ, văn, nghiên cứu, sống đời trầm tư. Chẳng hiểu sao mệnh thế đẩy đưa vào cuộc hành trình quốc tế từ đầu thập nên 60 thế kỷ XX. Tới năm 75, chiến tranh Viêt Nam chấm dứt sau bước chân bộ đội Bắc Việt giẫm chiếm Miền Nam. Ý nghĩ thoáng qua, nay là lúc xếp hoạt động lên đường văn hoá. Cũng là lúc tôi chuẩn bị luận án tiến sĩ với Giáo sư Maurice Durand, ông lâm bệnh qua đời, tôi tiếp tục với người kế vị là Giáo sư Pierre Lafont tại Trường Cao đẳng Thực hành ngành Sử ở Sorbonne.

Vào năm 1970 do thất vọng một ông Tăng mà tôi đặt lòng tin tưởng, nên bỏ đi làm nhà in. Trong cơn khủng hoảng thời ấy, tôi nghĩ với kế sinh nhai một nhà in sẽ thêm phương tiện ra báo, in sách. Ai ngờ ý nghĩ bạch diện thư sinh này chẳng thực tế chút nào, nên khó khăn chồng chất mấy năm đầu.

Đến năm 1975 nhà in vượt khó, ngày càng vững, thì xẩy vụ 30 Tháng Tư. Tôi mời một số bạn bè yêu thích văn chương họp bàn làm báo.

Thực ra ý thức làm báo do họa sĩ Phan Xuân Sanh, người Huế, nhét vào đầu tôi giữa thập niên 50. Hồi ấy sang Pháp tôi ghi danh học Y khoa. Vừa đi làm vừa đi học, cuộc sống khó khăn. Ở Saigon tôi cũng vừa đi dạy vừa học, nên  nghĩ qua Tây cũng vậy thôi, miễn có chí. Nhưng Paris không là Saigon. Thời tiết thay đổi từng mùa, đông tuyết lạnh lẽo, đời sống lạ lẫm. Tôi đến Pháp với 2 bộ áo quần nhiệt đới và 200 đồng Phật lăng trong túi, tính theo thời giá bây giờ khoảng 30 Mỹ kim. Việc làm phụ là đi rửa chén, tiếng Pháp gọi plongeur (thợ lặn), trong các quán ăn. Ì à ì ạch khoá học năm đầu. Chưa biết tính sao năm tới, tình cờ gặp lại hoạ sĩ Phan Xuân Sanh trên đại lộ Saint Michel ở Xóm La tinh của sinh viên. Anh ta nói với tôi : « Cụ học Y khoa làm chi ! Muốn thành đốc tờ à ? Rởm. Nước mình cần một tờ báo lớn như bên Tây. Cụ phải học văn chương, triết học để làm báo. Nếu cụ chuyển qua văn chương thì mình tìm cách giúp cụ ».

Phan Xuân Sanh theo học Mỹ thuật ở École des Beaux Arts, không là con nhà giàu, ở Tây nhưng sính ăn cơm Việt, lại không biết nấu. Biết tôi có tay nấu ăn anh thường lôi tôi về phòng trọ tầng thứ bảy sát mái  dành cho các chị ở (mansarde) nhờ nấu ăn. Nói là nấu nhưng chỉ có bếp gaz nhỏ dùng đi cắm trại với hai chiếc soong nhôm. Tôi kê đơn thực phẩm rồi anh chạy đi mua. Biết nấu là cách nói ẩu, có ai dạy tôi đâu. Nhẩm trong đầu những món ăn bên nhà, đào óc xem có gì trong đó, lần lửa quen tay. Hôm đầu hai đứa đói queo. Các món phải mua gồm có mỡ heo, do nhớ ngày xưa mẹ tôi hay ráng tép mỡ để xào các món. Món cơm chiên mà Tàu gọi là cơm Dương châu xào với mỡ heo ngon hơn xào dầu. Những ngày kỵ giỗ các bà mới làm khéo dùng dầu phụng, nhưng phải khử bằng lá trầu cho bớt mùi. Bên Tây người ta dùng dầu phụng, dầu hướng dương hay bơ xào nấu. Sanh tìm không ra mỡ heo, anh không biết mỡ heo tiếng tây gọi sao. Các bà đầm chẳng hiểu thứ ngôn ngữ dùng tay chân cùng miệng của Sanh diễn tả. Mòn xào su của tôi hôm ấy không thực hiện được. Mỗi lần tôi nấu bếp, anh ngồi xem ra vẻ thán phục, miệng ngâm đi ngâm lại hai câu thơ Tuyết trắng năm này lạnh lắm không / Mà sao lòng trống một mùa đông.

Anh liên lạc với chị Tâm Lạc kể lể hoàn cảnh tôi. Chị hỏi mỗi tháng cần bao nhiêu ? Tôi trả lời 50 Phật lăng. Thời ấy một bữa ăn sinh viên giá 56 xu, nhưng hoàn cảnh nghèo, trợ tá xã hội cho tôi giá đặc biệt 21 xu, tính thêm tiền cúp tóc và di chuyển tàu hầm (métro). Phòng trọ nhờ anh Lê Xuân Ba học kỹ sư điện cho tôi ở ké. Chị Tâm Lạc đồng ý giúp tôi ăn học mỗi tháng 50 đồng Phật lăng. Tôi bỏ Y khoa ghi tên học văn chương ở Sorbonne.

Được một năm chị Tâm Lạc theo chồng về Việt Nam, tôi mất nguồn tài trợ. Đang bơ vơ chưa biết tính sao. Tình cờ có người giới thiệu với một bạn Việt ở Đức có thể giúp tìm học bỗng. Tôi liền bỏ Pháp sang Đức. Sau ba tháng học rút tiếng Đức tôi vào đại học tiếp tục ngành Y. Được vài năm tôi về lại Pháp tiếp tục.

Năm 1963 vụ Phật giáo nổ ra ở miền Nam, tôi phát hành báo Tin Tưởng in ronéo quy tụ giới sinh viên Paris ủng hộ cuộc vận động cho tự do tín ngưỡng. Từ đây lần hồi đi vào những hoạt động quốc tế.

Năm 1966, Phạm Công Thiện bỏ học ở Mỹ qua Paris. Thiện lang thang như clochard, ngày ngày làm đuôi lãnh mẩu bánh mì và tô xúp, phần ăn xã hội dành cho giới không nhà này, Pháp gọi là SDF. Sau đó Thiện về ở với tôi. Chúng tôi rắp ranh làm báo văn nghệ. Thiện đề nghị lấy tên Hoa Nắng, tên một tập thơ của tôi. Hai tạp chí Bách KhoaVăn ở Saigon giúp đăng quảng cáo không lấy tiền công. Tin lan nhanh, đông đảo bạn văn, bạn đọc trong nước viết thư mừng rỡ, hoan nghênh và cộng tác, gây niềm hy vọng. Dự tính nhờ Thanh Tuệ, nhà An Tiêm, cáng đáng việc ấn loát ở Saigon. Nhưng rồi Thiện về nước mang theo bài vở cho 2 số. Thiện rút bài của mình in thành sách. Hoa Nắng lửng lơ vào ngủ cõi miên trường.

Đến năm 1975, tôi không muốn tờ báo mới dính dáng với tôn giáo hay bất cứ khuynh hướng chính trị nào, mà đất Paris đầy dẫy nhưng phe nhóm chính trị ước ao ra báo. Tôi mong mỏi làm tờ báo thấm đẫm văn học và tư tưởng, thay đổi lối nhìn về lịch sử và vốn cổ, làm mới văn học và ý thức hiện đại, thay đối mối ràng buộc trí thức thời thượng đang vất những người biết suy nghĩ vào hang động, ao giếng, dù tả dù hữu, mù loà theo lối nhìn nhị nguyên hoá thạch của phương Tây. Nhất là trước cuộc tang thương dâu bể, tôi mong người Việt quên đi chuyện bè phái, sứ quân, để có tiếng nói và suy nghĩ chung trước thế cuộc.

Một hai tháng sau ngày tang thương 30 Tháng Tư, tôi mời một số bạn lấy ý kiến xây dựng tờ báo. Buổi họp đầu tiên có hai chị Minh Đức Hoài Trinh, Tâm Quỳ, vợ chồng Vĩnh Ấn, vợ chồng Tôn Thất Kỳ, Yết Dương, Phương Anh, Ỷ Lan.

Khi đến họp chị Minh Đức mời tôi ra nói riêng. Chị bảo nhỏ : « Anh Thi Vũ, tôi sẽ làm chủ bút » nói xong đưa tôi bài xã luận để đăng. Tôi hơi ngỡ ngàng. Chưa cùng nhau thảo luận, mặt mũi báo như thế nào chưa hay, làm hay không cũng chưa biết, tôi quyền chi chia chức ? Nên đáp : Buổi đầu chưa biết anh chị em tính sao, chút nữa vào họp, chị đưa ý kiến này ra.

Bọn chúng tôi thường đùa giỡn như quỹ, chẳng coi chi nghiêm trọng trong đời, nên buổi họp khá vui nhộn, nhất là mệ Tôn Thất Kỳ và mệ Tâm Qùy phu nhân nhạc sĩ Tôn Thất Tiết và ái nữ nhạc sĩ Bửu Bác ở Huế nổi tiếng với bài Trầm Hương đốt.

Ai cũng hoan nghênh ý kiến tôi đề xuất làm báo. Đến lúc chọn tên báo, Minh Đức Hoài Trinh đề nghị lấy tên « Đông Phương ». Tôi dè dặc nói nội dung hay, nhưng sợ có kẻ xấu ghép với Đông Phương Hồng ca Mao Trạch Đông thì mệt mình. Tâm Quỳ vụt miệng bỡn : bọn mình là dân An-na-mít lấy Mít làm tên báo coi bộ gọn. Mọi người cười ngã nghiêng nhưng không đồng tình với chữ chẳng mấy thiện cảm mà người Việt gọi nhau ở Paris. Tâm Qùy nghiêm trang bỡn tiếp : Cộng sản vô miền Nam lúa hết rồi, lấy tên Lúa đi. Lại một trận cười. Sau đó một loạt tên như kiến bò vào danh sách … Có lẽ thấy không khí dân văn nghệ văn gừng đùa cợt kém nghiêm trang, Minh Đức Hoài Trinh không vui xin về sớm vì có hẹn. Tôi đọc câu ca dao biểu hiện tâm trạng dân lưu vong mới Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Ngó về Quê Mẹ ruột đau chín chìu. Mọi người đồng ý lấy Quê Mẹ làm tên báo. Tạp chí Quê Mẹ sinh ra tại Paris trong hoàn cảnh như thế.

Tôi liên lạc với một số bạn ở Paris từng chung cộng tác với Bách KhoaVăn ở Saigon, mời viết cho Quê Mẹ như Đặng Tiến, Trần Thiện Đạo, Võ Quang Yến. Ai cũng vui vẻ nhận lời.

Quê Mẹ số 1 phát hành ngày 1 tháng 2 năm 1976 vào dịp Tết Bính Thìn. Chủ nhiệm : Võ Văn Ái ; Nhóm Chủ biên : Đặng Tiến – Huỳnh Bá Yết Dương – Phương Anh – Thảo Hương – Thi Vũ Võ Văn Ái – Trần Thiện Đạo – Trúc Chi Tôn Thất Kỳ - Vĩnh Ấn – Võ Quang Yến.

Lời Ngỏ trên Quê Mẹ số 1 có những đoạn xác định hướng đi của tạp chí :

« Chiến tranh đã nuôi dưỡng quá lâu nỗi hận thù, niềm chia cách và lòng nghi ngại. Thứ chiến tranh hung bạo vừa chấm dứt. Đám mây đen trôi qua. Ai trong chúng ta còn đang tâm nuôi dưỡng mãi nỗi hoài nghi bạo sát ? (…) Chúng tôi, một số anh chị em làm văn nghệ . Thân tuy còn nơi lưu xứ, nhưng lòng đã trọn gửi về quê hương Việt Nam. Niềm suy tư, lòng nhớ tưởng đã lấy thói quen bật vào lời thơ, bài viết, hoạ phẩm, nét nhạc… chúng tôi không thể sống không sáng tạo. Bởi sáng tạo đưa người thoát ly khỏi mọi trùng vây nô lệ và cố tín của thường nhật nhân sinh. Sáng tạo đập vỡ những khối bất động, ù lỳ. Có sáng tạo qua từng hơi thở mới dũng hoạt được cuộc hiển sinh mầu nhiệm.

« Từ nhiều năm qua, chúng tôi ước vọng làm một tờ báo văn nghệ. Nhưng chiến tranh và sôi động chính trị đã khiến cho một dự trù thuần tuý văn hoá như thế khó có đủ duyên thành tựu. Nay tình hình đã đổi khác. Việc văn hoá có thể thực hiện và phải thực hiện hầu lấp bù những trống thiếu. Lý do khiến chúng tôi tự nguyện cho Quê Mẹ ra đời. Một lý do thầm kín khác là tạo diễn đàn văn nghệ cho người Việt hải ngoại, bất kể thuộc thành phần tín ngưỡng hay khuynh hướng nào (…) Ở đây chỉ có sự đón mời. Chúng tôi đón mời tất cả mọi người cùng chung bơi lội trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Truyền thống sáng chói trí tuệ, thâm thiết ưu tư cho nhau và vang vọng tiếng nói cười sum họp. Gặp gỡ  nhau trong truyền thống đó , trong nỗi an vui chất phác nầy, những nỗi nghi ngờ vô cớ tự bấy nay mới sụp đổ. Có thế, chúng ta mới thực sự giải hoá các nỗi cuồng vọng và bạo sát để thành lập một quốc độ thương yêu, một nòi giống tự cường. (…) Chúng tôi chỉ khước từ một điều : sư đố kỵ, lòng nghi ngờ và thói tranh chấp».

Quê Mẹ số 1 ra mắt dịp Tết, in khổ 13,50 x 21,50 cm, dày 109 trang, với sự đóng góp theo thứ tự bài vở của Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Thi Vũ, Trúc Chi Tôn Thất Kỳ, Trần Thiện Đạo, Vĩnh Ấn, Thảo Hương, Huy Tưởng, Đặng Tiến, Phương Anh, Yết Dương, Võ Quang Yến, Ỷ Lan Penelope Faulkner, và thủ bút bài nhạc Cõi Tạm của Trịnh Công Sơn.

Bìa in màu một bức tranh của Vĩnh Ấn, cùng một phụ bản Thuyền và Hạc bên trong. Tôi lo việc trình bày trang bài và ấn loát.

Có thể nói trong cộng đồng người Việt trên thế giới, tạp chí Quê Mẹ là một trong vài tờ báo xuất hiện đầu tiên sau cuộc tang thương u ám năm 1975.

Những tháng cuối 1975 sang đầu năm 1976, tin tức trong nước dập dồn theo bước chân những người Pháp gốc Việt hồi hương. Thảm hoạ trả thù dân miền Nam hiện ra qua ba cơ chế Hộ Khẩu, Lý lịch, Công an khu vực, kết thúc trong hai từ ngữ chết người Trại Cải tạo, Kinh tế mới… báo động lương tâm chúng tôi. Giới Phật giáo trong nước chuyển kín cho tôi cuốn băng ghi âm những lời trăn trối của 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể tại Thiền viện Dược sư tỉnh Cần Thơ ngày 2 tháng 11 năm 1975, tố giác nhà cầm quyền Cách mạng đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Văn hoá là gì nếu không là mệnh thế con người oằn lên theo nụ cười tiếng khóc, hạnh phúc hay khổ đau ? Bắt chụp loé lửa nhân tâm ấy phải chăng không là tiếng nói văn học nghệ thuật thoát ly con đường thẳng trầm luân tuyến tính vươn hướng thành mênh mông sáng tạo ?

Anh chị em chúng tôi họp ban biên tập và quyết định bổ sung thêm phần tin tức đến từ chế độ Bắc hoá miền Nam (Nordmalisation). Số tiếp phát hành ngày 15 tháng 6 năm 1976, in theo khổ nhật báo (tabloïde) chuyển thành tên  Quê Mẹ Thông tin. Lượng người đến Pháp bằng đường hồi hương hay Vượt Biển ngày càng đông. Nhờ vậy tin tức tăng theo. Vào giai đoạn này, có thể nói Quê Mẹ cung cấp tin Việt Nam khá đầy đủ. Hầu hết các báo Việt ở Hoa Kỳ lấy tin từ Quê Mẹ.

Quê Mẹ mở rộng hướng hoạt động nhân quyền quốc tế làm bệ phóng. Tâm trạng người Việt nói chung ở thời điểm 76 bị dao động và hoang mang. Một số trí thức ra đi năm 75 định cư Hoa Kỳ viết thư cho tôi nhờ tìm phương giúp họ trở về Việt Nam. Các phong trào, báo chí hải ngoại manh nha hướng về « kháng chiến bạo lực » như phản ứng nóng vội chưa qua sàng lọc lý luận. Chúng tôi nghĩ khác, Pháp rồi Mỹ bỏ tiền triệu tiền tỉ cho người quốc gia « Chống Cộng », nhưng các nhà lãnh đạo quốc gia đã thất bại. Thử hỏi sau 75 còn quốc gia nào dám bỏ tiền cho các ông kháng chiến ? Ngay các chính trị gia cầm quyền các cấp, và tướng tá đều co rút vào tư thế trùm mền. Chẳng ai lãnh đạo ai. Cơ bản họ Chống Cộng vì viện trợ. Chống Cộng để làm quan. Không vì lý tưởng, theo lý luận, hay vì lòng nhân đạo. Sự manh nha vì nhiệt huyết sau 75, thiếu tầm chiến lược nên chỉ un đúc những giấc mộng lúc tàn canh.

Cuối thế kỷ XX, thế giới đã đổi thay, nhưng đa số các nhà « kháng chiến » của ta vẫn ngâm nga thơ Đặng Dung « mài kiếm dưới trăng », hay uống rượu, thổi sáo làm Kinh Kha chờ đò nơi sông Dịch, với chiếc gươm quá dài rút không kịp nhanh khi động thủ. Thời đại của bom hạch nhân, người kháng chiến lúc ấy chỉ mơ màng cưỡi ngựa, mang gươm. Tình hình khách quan không cho phép cuộc kháng chiến bạo động nẩy sinh, ngoại trừ sự lừa đảo và đã là sự lừa đảo làm mất lòng tin son sắt người hải ngoại. Nó là phản ứng võ biền. Điều đã minh chứng hai, ba chục năm sau, ông Tổng thống và ông Phó Tổng Thống VNCH tranh đua bắn tiếng xin về Hà Nội !

Quê Mẹ giai đoạn này là tiếng gọi lay thức thoát ly giấc thuỵ miên vô vọng để thực tiễn giải quyết thực tại mà lịch sử vừa sang trang. Ngay công trình phân tích chế độ mới cũng là thao tác cần kíp, thay vì ngồi hờn oán hay bung xung chửi đổng. Người Việt nói chung thích châm biếm, phê phán, bươi móc, chửi bới, thứ vũ khí của kẻ yếu, kẻ mặc cảm. Chúng tôi muốn Vượt Cộng, thay vì Chống Cộng. Chống là đứng ở vị trí phản ứng, thụ động. Không chủ động. Cộng sản hành động, ta phản ứng. Phản ứng đến thua chạy vẫn chưa chịu hành động.

Quê Mẹ dùng nhân quyền như phương lược tâm công đánh vào lương tri thế giới. Tâm công là đánh vào lòng người không bằng gươm giáo, súng đạn, mà bằng lý luận, sự thật, để thuyết phục, biến kẻ thù nghịch thành người biết lắng nghe. Biến kẻ dửng dưng thành người trách nhiệm. Nguyễn Trãi đã sử dụng thành công con đường bất bạo này vào thế kỷ XV khi đối đầu với quân Minh : Ta không đánh mà người phải khuất.

Hiện tình Việt Nam sau 75, không còn là lúc lôi nhau ra chiến trường đổ máu nữa. Trái lại, hoạt dụng như thế nào nhằm nâng 5%, 10% chất Việt đang bào mòn, biến dạng trong tim người Việt theo Cộng, lên thành 70, 80% nếu không là 100% chất Việt.

Ở hoàn cảnh ý thức mà đa số người Việt thích thứ ngôn ngữ miệt thị, ai cũng gọi là thằng, thằng Tây, thằng Mỹ, thằng Tàu… Người ta giúp mình, nuôi mình, đều không thoát khỏi vi trí thằng. Trái lại chẳng thấy « thằng Việt » ở đâu, nên mất tư thế Việt trên chính trường thế giới. Suốt thời chiến tranh, các toà đại sứ VHCH chỉ làm công tác hành chính, bỏ trống mặt trận tư tưởng và báo chí cho phe Cộng sản hoành hành theo sợi dây giật của Liên xô, bỏ tiền mua đứt. Nay thất bại, càng chúi đầu đà điểu vào cát. Mắng những « thằng » quốc tế ngu dốt, chả hiểu biết gì về Việt Nam, nhưng tự thân người Việt lại chẳng làm chi cho các « thằng » kia hiểu mình. Cả một khối sách vở viết sai về Việt Nam qua các tay bút khuynh tả Âu Mỹ trong các thư viện Âu Mỹ, vẫn chưa thấy công trình nào của giới trí thức hay lãnh đạo viết sách phản biện.

Giữa năm 76, Quê Mẹ Thông tin lên khổ nhật báo, đi suốt 18 số.

Khoảng thời gian ấy, đoàn văn nghệ Hoàng Thi Thơ cùng minh tinh Kiều Chinh sang Paris trình diễn Ả Đào say. Trong đoàn có nghệ sĩ Việt Hùng. Anh để tóc dài như phụ nữ. Gặp tôi anh tâm sự tóc sẽ dài mãi cho đến ngày gặp lại vợ bị kẹt lúc rời Saigon. Ở Mỹ anh đọc và thích tính cách mới mẻ của báo Quê Mẹ, ngỏ ý muốn làm đại lý ở Los Angeles. Duy anh nhận xét : Có điều đáng tiếc ! – Tiếc gì anh ? Việt Hùng bảo tên báo Quê Mẹ đẹp quá, thơm quá, có hồn quá, thêm chữ Thông tin làm mất giá trị.

Nghe lời phê bình chí lý, từ đó chúng tôi bỏ chữ Thông tin, giữ nguyên tên Quê Mẹ như số ra đời .

Sau 18 số khổ nhật báo tabloïde, chúng tôi xuống khổ A4 kể từ đặc san Quê Mẹ Xuân Mậu Ngọ 1978, với một Bộ Biên tập mới :  Phương Anh, Nguyễn Thế Anh, Trúc Chi Tôn Thất Kỳ, Hoành Sơn Nguyễn Hùng Cường, Dổm, Lâm Hảo Dũng, Trùng Dương, Mặc Đổ, Luân Hoán, Phùng Hoan, Nguyễn Thị Hợp, Lê Mỹ Hương, Đào Đặng Trọng Giao, Trần Phổ Minh, Nh Tay Ngàn, Châm Khanh, Vũ Khắc Khoan, Cao Tiêu, Đan Quế, Hồ Trọng Khôi, Hương Khuê, Kích, Đặng Thế Kiệt, Ỷ Lan, Lê Đại Lãng, Lê Tài Điển, Catherine Lệ Hương, Trần Cao Lĩnh, Lý Đại Long, Bình Nguyên Lộc, Trần Ngọc Lũ, Phù Nam, Thích Huệ Nghiệp, Lê Mộng Nguyên, Đoàn Đức Nhân, Hoài Nhân, Lê Thành Nhơn, Võ Phiến, Nguyễn Nam Phong, Thường Quán, Việt Chi Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Thái, Mai Thảo, Lm René Gantier Thể, Phạm Công Thiện, Trần Hoài Thư, Lý Tường, Lucien Trọng, Hồ Trường An, Đỗ Tuân, Thi Vũ, Xuân Vũ Bùi Quang Triết, Vân Xưa Hồ Sĩ Khuê.

Thời gian làm Quê Mẹ Thông tin, ban biên tập có sự bất đồng. Sau số Quê Mẹ Thông tin, Đặng Tiến viết một thư ngắn, hoà nhã xin rút lui. Trần Thiện Đạo yêu cầu triệu tập phiên họp toà soạn. Thường khi Đạo hiền lành, điềm đạm, nhã nhặn, có công trình dịch thuật chỉnh chu các tác giả Pháp cho báo VănTân Văn ở Saigon. Nhưng tại buổi họp, ai cũng ngạc nhiên thấy Đạo ngang nhiên lớn lối. Trịnh trọng đứng thẳng người, đưa ngón tay trỏ chỉ vào mặt chúng tôi, Đạo chỉ trích việc phát hành Quê Mẹ Thông tin, cử chỉ tranh luận khá Bôn-sê-vích. Hiện lên trong đầu tôi một toà án tố khổ xuất cảnh sang Paris. Thói trí thức tả khuynh của thời bấy giờ dù họ ở đâu. Đến như bom nguyên tử của Liên Xô mới là trái bom hoà bình ! Đạo không đồng ý chúng tôi loan những tin bạo hành, phi nhân quyền gây bất lợi cho nhà nước XHCN và tuyên bố rút tên khỏi toà soạn. Võ Quang Yến hiền lành từ bản chất, chỉ nhỏ nhẹ xin anh chị em thông cảm cho anh rút lui vì không muốn động tới chính trị. Thế là ba bạn rời Ban biên tập ra đi, vì lý do không muốn đụng chạm tới sự thật nơi chế độ mới.

Thời ấy giới trí thức tả khuynh thần phục Hà Nội nói chung khá tự cao, tự đại, tự mãn. Họ là những kẻ tin mình nắm chân lý, chân lý chẳng dư cho người khác. Họ trở thành huyênh hoang, lâm những hành động bất công, giết người. Tôi bỗng nhớ lời Lenine phê phán năm 1920 tại Hội nghị Liên đoàn Thanh niên Nga sô viết :

« Khi mà một người Cộng sản cứ nghĩ trong đầu cái việc khoe khoang kênh kiệu về chủ nghĩa Cộng sản của mình, vì chỉ được hấp thụ những kết luận đã được người khác làm sẵn đó rồi, mà không hề chịu khó nghiêm chỉnh miệt mài học tập, mà không hề hiểu được những sự kiện mà mình phải khảo sát một cách phê phán, thì kẻ ấy chỉ là một người cộng sản quá tồi. Sự thiển cẩn nông cạn của kẻ ấy quả thực là nguy hiểm chết người ».

Tới lượt Phạm Công Thiện, Giảng sư Triết ở Đại học Toulouse, viết thư cho tôi yêu cầu rút tên khỏi bộ biên tập với cùng lý do như ba bạn nói trên. Bị giới chiến thắng ba mươi bưng bốc, Thiện lên giọng viết Lời cậy đăng có đoạn như sau : « Nước Việt Nam đang chuyển mình đổi thay qua giai đoạn mới, vận mệnh chuyển thành Tính mệnh trong hai mươi năm tới, Tính mệnh trong tât cả mọi ý nghĩa thiêng liêng cao lớn nhất trong thể mệnh trái đất – Trong giai đoạn mới này mà còn đặt vấn đề cng sản hay không cng sản là còn bị nô lệ vào lý luận nhảm nhí của chủ nghĩa hư vô Tây phương – 15.000.000 tấn bom của chủ nghĩa hư vô Tây phương đã liệng xuống đất Việt Nam mà hiện nay Việt Nam vẫn sống và sống như một từ Nam chí Bắc, vấn đề quan trọng nhất là sống, còn chuyện sống như thế nào là chuyện trà dư tửu hậu của chủ nghĩa hư vô Tây phương – Thà làm một người « nô lệ » chết đói tại nước Việt Nam còn hơn làm người « tự do » ở Huê Kỳ tràn đầy hư vô chủ nghĩa ; trên đời có những « nô lệ » cần thiết, nhưng « tự do » thì ngươc lại ».

Không lâu chi lắm, khoảng hai năm sau, Thiện ngỏ lời xin lỗi tôi và cộng tác viết bài cho Quê Mẹ. Một trong những bài thời ấy là « Phê bình và Phá huỷ công trình tư tưởng tập thể của Viện Triết học Hà Nội ». Có lúc còn tổ chức cho tôi về Toulouse thuyết trình thi ca Việt Nam. Thập niên 80 Thiện lên Paris thường xuyên ăn nằm nhà tôi, say sưa suốt ngày. Đặc biệt giai đoạn có chuyện buồn gia đình tiếp đến việc Đại học sa thải. Thiện uống rượu như hủ chìm. Thích uống cho say gây hưng phấn để nói năng ồn ào, phê phán, chửi đổng. Anh rụt rè khi không rượu. Thích uống nhưng không sành rượu. Bận nào đến tôi, anh lục lọi trong nhà và uống bất cứ thứ gì ngửi có chất cồn, uống chung một lần rượu vang, rượu khai vị, rượu thuốc, bière, không để lại một giọt nào và cũng chẳng mời ai cùng uống. Tết nào Thiện cũng lên một tuần lễ, mươi ngày nói là giúp tôi chuẩn bị số Xuân Quê Mẹ. Kỳ thực cậu ta bí tỉ suốt ngày, kéo chăn nằm ngủ, hoặc hát nghêu ngao nhạc Nguyễn Văn Đông Chiều mưa biên giới anh đi về đâu / Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu / Kìa rừng chiều âm u rét mướt / Chờ người về vui trong giá buốt / người về bơ vơ…  rồi tự dịch hát tiếp My love where are you going to ? / Why do you wait by the river? / The woods are cold and wet / I want you to come back / You come back lonely / Every night a lone shadow / And a half moon /  Reflects your own image

Có lần tôi kích : Ông bớt rượu đi, tình yêu mất thì uống nước lã ngồi viết bài cho Quê Mẹ. Thiện phản ứng : Ông bảo tôi viết cái gì đây ? Mười năm qua tôi không còn viết. Chẳng lẽ tôi cứ lập đi lập lại mỗi khi viết hay sao ? Từ đó tôi hiểu cái kẹt của Thiện. Lấy lại chỉnh tề, Thiện vụt miệng thách : Ông Thi Vũ có dám thi đua dịch kinh với tôi không ? Tôi dịch văn ông dịch thơ coi ai xong trước. Tôi ừ. Thế rồi Thiện xin chai nước lọc nốc ừng ực như xả rượu, hai thằng ngồi đối nhau trước hai bản kinh, mỗi đứa một bản. Khoảng 3 giờ đồng hồ chúng tôi dịch xong cùng lúc, bản văn của Thiện và bản thơ ngũ ngôn của tôi, 31 đoạn kinh Sutta Nipata (35-9, 42, 45-6, 50-6, 59-61, 63-75). Chúng tôi đặt tên « Hãy lang thang lên đường một mình như con Tê giác ». Bản kinh mà triết gia nổi loạn thiên tài Nietzsche thường đọc đi đọc lại, và thường nhắc đi nhắc lại với bạn bè câu « Hãy đi một mình như con Tê giác ».

Anh chị em cộng tác ở toà soạn chẳng ai kinh nghiệm làm báo. Bản thân tôi xưa nay chỉ biết viết bài. Báo Tin Tưởng chạy Ronéo năm 63 do tôi tự tay làm lấy xem như báo sinh viên trong tình hình sôi động và bí mật. Tổ chức và điều hành tờ báo, đành vừa học vừa làm. Nghe ai từng làm báo là đến học hỏi ngay.

Một nhà báo ở Saigon được qua Paris theo dõi Hội nghị Paris nên biết tôi. Anh ghé thăm và giới thiệu cho tôi một người « giỏi báo chí » vì người này phụ trách thông tin tại Toà Đại sứ VNCH ở Tokyo vừa đến Pháp. Gặp nhau mới biết là bạn học cũ thời Trung học Khải Định Huế giữa thập niên 40 : Từ Nguyên Trần Văn Ngô. Tôi mời cộng tác. Ngô hứa sẽ giúp ý kiến phát triển tờ báo và mỗi kỳ viết một bài cho mục « Sống trên đất Pháp » bày cho người Việt những thủ tục hành chính nhập cư, nhưng ra điều kiện phải trả 500 quan Pháp mỗi bài (lương tối thiểu của thợ thuyền Pháp thời ấy là 1500 quan). Tôi ngỡ ngàng khó xử. Vì các bạn bè cộng tác chỉ vì việc chung, vì tình bằng hữu hay vì vui, chẳng ai đặt chuyện nhuận bút. Có đặt tiền nhuận bút chúng tôi cũng bó tay. Nhà in của tôi còn gặp khó, mượn tiền các bà đại gia Việt ở Paris mua nhà in, trả tiền lời hai, ba phân mỗi tháng theo lối Việt Nam.

Nhưng nghĩ bụng cầu hiền tôi đánh bạo chấp nhận. Được đâu gần năm, Ngô đề nghị cải tiến manchette báo Quê Mẹ Thông tin, tự động đề Sáng lập Quê Mẹ : Võ Văn Ái và Trần Văn Ngô. Tôi không đồng ý, vì trái với sự thật. Các bạn khác thì được, Ngô là người đến sau, viết ăn lương một mục phụ, sao táo tợn đến thế . Từ đó tôi chấm dứt việc cộng tác.

Tạp chí Quê Mẹ sống trong khung cảnh hoạt động nhân quyền quốc tế và tìm kế sinh nhai. Không có ưu thế êm đềm, thoải mái một toà báo hẳn hoi. Ba lần nguy cơ đổ vỡ hay phá sản ập tới.

Lúc khởi sự có người thư ký văn phòng Phật giáo ở Paris do bà Cao Ngọc Phượng gửi từ Saigon sang giúp. Ông CB/PTN này bảo từng làm nhà in ở Saigon, nên khi tôi có ý định lập nhà in, ông khuyến khích và bảo đảm sẽ cáng đáng công xưởng. Nào ngờ khi mua xong xưởng in, mới biết ông xạo. Không biết chạy máy, không biết sắp chữ... Tôi chạy tìm anh Lương, đi lính cho Pháp thế chiến II, nay làm cho nhà in báo France Soir, nhờ đến dạy. Nhưng anh chỉ biết sắp chữ chì, lại chạy tìm người dạy chạy máy. Từ khó đến rối là khởi đầu nan.

Người Việt sống ở Việt Nam thập niên 50, 60 mới hình dung được việc sắp chữ. Thuở ấy, các nhà in ở Việt Nam phải có kíp thợ sắp những chữ chì lấy từ các hộc có 25 con chữ a, b, c, d. đ… Phải quen đọc ngược, vì sau đó trục lăn mực trên máy mới in ra giấy văn bản. Sau này có loại máy Lynotype đúc thẳng chì ra nhiều chữ một lần. Việt Nam chưa tiến bộ đến thế, nhà in nghèo của chúng tôi không dủ tiến sắm loại máy. Nói chi sự tân tiến như thời nay, đánh văn bản trên máy vi tính rồi chụp phim làm bản kẽm in offset. Vừa nhanh vừa tiện lợi.

Ngày nọ, lần đầu tiên nhận được món hàng lớn, in một tập san mấy chục nghìn bản. Cả tuần lễ sắp chữ xong, một đêm đi họp ở Paris về, « ông thợ in » Saigon mà cũng là « nhà văn nhớn » đã cao chạy xa bay. Trước khi đi ông cẩn thận phá nát xưởng in. Khuôn chữ niềng siết đưa lên máy, ông phá niềng, bấm nút điện cho máy chạy. Chữ chì rơi tung toé, cuốn vào các trục cao su lăn mực hỏng nát. Phá xong máy, ông chặt luôn sợi dây cáp trên máy xén giấy. Thế là hai bộ phận cơ bản của một xưởng in tan tành. Nói không xiết nỗi khó khăn từ đó, ngậm ngùi suy nghĩ về thân phận Việt. Ông ta có theo lý tưởng tuyệt mỹ nào chăng, thì sự phá hoại vô liêm sỉ ấy chỉ hạ lý tưởng ông ta thấp xuống đáy hèn hạ, côn đồ.

Cuối năm 78 phong trào Người Vượt Biển dâng cao gây xúc động thế giới. Chúng tôi xướng xuất và phát động chiến dịch đưa tàu Đảo Ánh Sáng ra Biển Đông vớt người lâm nạn. Hà Nội phản ứng dữ dội. Phía những người gọi là « quốc gia » như tờ Văn nghệ Tiền phong bên Mỹ đăng bài « Con Tàu Ma » chế diễu. Tại Paris, hai nhà báo « quốc gia » từng làm việc cho Quê Mẹ một thời tung tin vịt trong cộng đồng chúng tôi làm tàu để lấy tiền bỏ túi, hoặc chúng tôi đã gửi hai chục nghìn Mỹ kim về cho Hà Nội, v.v... Hai người này cung cấp tài liệu cho tuần báo cực hữu Pháp Minute viết bài vu cáo tôi biển thủ tiền bạc trong chiến dịch con tàu.

Tôi liền truy tố tuần báo Minute ra toà án Paris. Thất kiện, Minute phải đăng cải chính trên chính báo của mình cùng ba tờ báo khác (nhật báo Le Monde, hai tuần báo Express và Paris Match).

Ở Việt Nam, báo Công an thu tập loại tin theo kiểu hai “nhà báo quốc gia” nói trên, xào nấu chút đỉnh thành bản tin chính thức cho Đảng, vu rằng : « Năm 1979, một số báo chí Pháp, trong đó có bài viết của Gilles Lhote đăng trên tờ Nouvel Observateur ra ngày 14-7-1979 đã phanh phui Võ Văn Ái  biển thủ 155 triệu Francs tiền quyên góp ».

Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam thu chưa tới 10 triệu quan Pháp, làm sao tôi có thể biển thủ tới 155 triệu ?

Tôi biên thư cho toà soạn Nouvel Observateur hỏi về bài báo do Công an đăng tải. Nouvel Obs hồi âm xác định chẳng có số nào phát hành ngày 14-7-1979, thứ đến, không có ký giả nào ở toà soạn tên Gilles Lhote. Nouvel Obs cũng như hầu hết các báo lớn ở Paris, như Le Monde, Express, Le Point, Le Figaro, Paris Match, v.v… từng đăng quảng cáo không lấy tiền cho Lời Kêu gọi của Con Tàu chúng tôi tung ra, làm sao có thể viết một bài vu khống vô liêm sỉ như báo Công an ?

Ngoài sự phá hoại kịch liệt của những phe phái chính trị, hoặc từ những cá nhân ganh tị, xấu bụng, chúng tôi xuýt lâm nguy vì một tai nạn liên quan tới việc vận động tàu đi vớt người. Khác với việc vớt người chết đuối trong các kỳ bão lụt, chiến dịch đưa tàu ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển mang tác động chính trị quốc tế mà người Cộng sản Hà Nội lo sợ.

Một buổi sáng  dậy sớm làm việc, Ỷ Lan ngạc nhiên thấy có ai đem vứt hai chồng thùng gỗ dùng đựng trái cây trước mặt nhà in. Chồng chất cao hai thước tây. Ngạc nhiên nhưng không hiểu chuyện, Ỷ Lan mang xe chở đi vất. Tối ấy ra Paris họp Ủy ban Một Chiếc Tàu cho Việt Nam với các bạn Pháp. Họp xong nửa khuya về nhà. Từ xa thấy khói lửa bốc cao. Linh tính báo chuyện không hay. Đến gần thấy nhà in của người Pháp cạnh nhà in chúng tôi cách nhau chừng 15 thước bị đốt cháy. Tìm hiểu, ai cũng bảo chuyện thường ở đất Paris. Vì lý do chính trị hay gì khác bọn gian đặt các thùng gỗ trước nhà làm mật hiệu cho bọn sau đến đốt. May mà chúng tôi khênh đi trước. Đường chúng tôi ở là đường một chiều. Nhà in bị cháy số 21, nhà in chúng tôi số 25. Có lẽ bọn gian đến đốt không thấy hiệu lệnh thùng gỗ, mà gặp ngay nhà in đầu tiên ở đầu đường nên chúng ra tay. May cho mình mà rủi cho người. Làm việc nghĩa không phải lúc nào cũng suông sẻ.

Qua năm 1982, do cật lực hoạt động cho Tàu Đảo Áng Sáng ra Biển Đông vớt Người Vượt biển. Chúng tôi không dùng chữ Thuyền nhân dịch từ tiếng Anh Boat People như mọi người. Vì thuyền nhân, người đi thuyền, chẳng mang ý nghĩa hay ý thức gì. Trong khi Người Vượt Biển lấy lại thần trí của chữ Việt là vượt trong tên nước Việt Nam, vốn biểu tỏ hướng thoát vượt tinh tuý và chủ động của tư tưởng Việt. Càng đúng trong tâm trạng những người bỏ nước ra đi cuối thập niên 70. Lo cho con tàu, chúng tôi bỏ bê khách hàng in. Tám nhân viên và thợ thuyền nhà in lao tâm sức cho chiến dịch, cũng để chống trả sự phá hoại từ nhiều phía nhằm truy triệt con Tàu từ trứng nước. Tiền vào nhỏ giọt, tiền ra cho chiến dịch như thát. Bị vỡ nợ, sở Thuế vụ Pháp tịch biên gia sản chúng tôi. Tâm trạng này tôi ghi qua bài « Đêm ngày ở Gennevilliers » trong sách « Gọi thầm giữa Paris ».

Trước khi đem bán phát mải nhà in, sở Thuế vụ nhà nước Pháp cử một Uỷ viên Thanh tra Tài chính đến Nhà in kiểm tra sổ sách chi thu, ngân hàng… Kết luận bản Phúc trình, Uỷ viên Thanh tra tài chính viết : « Qua những khó khăn có thể biện giải bằng sự kiện hầu hết mọi hoạt động của ông Võ Văn Ái đã cung hiến cho công tác đấu tranh cho Nhân quyền và đặc biệt cho vấn đề [cứu trợ] những người tị nạn Việt Nam – Qua lý do bị mất hết khách hàng quen thuộc và chính yếu, tổng số tiền thu nhập trong hai niên khoá 1980 và 1981 của ông Võ Văn Ái xuống rất thấp ». (Que les difficultés s’expliquent par le fait que Monsieur Vo Van Ai a consacré la quasi-totalité de ses activités en faveur des Droits de l’Homme, et plus partuculièrement au problème des réfugiés vietnamiens – Que Monsieur Vo Van Ai, en raison de la perte de ses principaux clients, a réalisé un très faible chiffre d’affaires au cours des exercices 1980 et 1981)

Trong cơn hoạn nạn, trắng tay, may thay bạn bè quốc tế thuộc khối ly khai Liên xô cũ, Đông Âu, Ba Lan cứu chúng tôi, quyên góp mua lại Nhà in để chúng tôi tiếp tục công trình Quê Mẹ. Từ Mỹ có New York Review of Books và các báo lớn Pháp giúp đăng lời « Xin Cứu Nguy Quê Mẹ » do Leonid Pliouchtch, Chủ tịch « Hội Những Người Bạn Quê Mẹ » ký tên, giáo đầu bằng sự kiện :

« Tháng 6 năm 1981, Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã tịch thu trên toàn quốc 3 triệu ấn bản (trong số có 316,134 sách báo bí mật ; riêng thành phố Saigon có 60 tấn ấn phẩm chưa được phân loại) và phát hiện 205 nhà in bí mật – đây là con số đăng tải trên tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất bản tại Hà Nội tháng 10 năm 1981.

« Đứng đầu sổ các báo là Tạp san Quê Mẹ xuất bản tại Pháp từ tháng 2 năm 1976. Mỗi tháng hàng trăm tờ Quê Mẹ đã được bí mật chuyển về in lại và phát hành tại Việt Nam.

« Quê Mẹ đã trở thành tiếng nói chính yếu cho những ai chống đối sự áp bức độc tài tại VIệt Nam : nông dân, thợ thuyền, trí thức, Công giáo, Phật giáo, những người ly khai miền Bắc, v.v…

« Ngày nay tiếng nói ấy có thể bị tắt đi. Quê Mẹ mang nguy cơ đình bản tại Pháp. Quê Mẹ hiện hữu tới ngày nay là nhờ sự tài trợ của một nhà in thủ công nghệ, và cũng là nơi tận tình phục vụ cho các dân tộc bị ách độc tài trong thế giới. Nhà in này, nay đã thúc thủ trước những thuế má ngày càng nặng nề chồng chất nên đã phải ngưng hoạt động. Mọi Tài sản đã bị bán phát mại. Quê Mẹ không còn nơi ấn loát.

« Tuy nhiên vẫn còn cách cứu Quê Mẹ.

« Bằng cách hội đủ 200,000 F. để cho Quê Mẹ có thể tự túc thực hiện việc ấn loát, tiếp tục công tác thông tin và làm nhân chúng. 200,000 F là số nhỏ, nhưng thật lớn với bao ngươi ở Việt Nam đang chờ đợi một tiếng nói làm nhân chứng cho họ

Phải Cứu nguy Quê Mẹ ».

Ngoài chữ ký kêu gọi của Chủ tịch Hội, còn có 168 chữ ký hậu thuẫn của các nhân vật quốc tế và Việt Nam (một số vị tiêu biểu như Nguyễn Thế Anh, Raymond Aron, Boris Bajanov, Stanistilas Baranczak, Samuel Beckett, André Bergeron, Alain Besançon, Vladimir Boukowski, Cornelius Castoriadis, Leo Cherne, Cao Văn Chiểu, Pierre Daix, Natacha Dioujeva, Pierre Emmanuel, Brigitte Friang, Alain Geismar, André Glucksmann, Paul Goma, Natalya Gorbanewskaya, Marek Halter, Eugène Ionesco, Vladimir Jankelewitch, Nguyễn Đắc Khê, Lane Kirkland, Arthur Koestler, Cao Văn Luận, Czeslaw Milosz, Edgar Morin, Iris Murdoch, Norman Podhoretz, Philipe Sollers, Susan Sontag, Tăng Thị Thanh Trai, Phạm Công Thiện, Trần Hoài Thư, Oliviet Todd, Edwin Warner, v.v…).

Những khó khăn nói trên ngăn cản rất nhiều cho việc ra báo. Làm báo không chỉ viết bài, lên trang, ấn loát, gửi bán. Chúng tôi còn lao động ở nhà in lấy tiền sinh nhai, lấy tiền in báo. Mỗi ngày lao động chạy máy, làm bản kẽm, vẽ nhãn in, design… 18 giờ đồng hồ. Chúng tôi phải hoạt động rày đây mai đó, thuyết trình nơi này nơi kia, dự các hội nghị quốc tế, có mặt tại các khoá họp nhân quyền LHQ để cập nhật hồ sơ nhân quyền, phỏng vấn Người Vượt Biển mới đến, v.v…

Quán xuyến một lúc nhiều chuyện lắm khi đầu óc căng lên như dây đàn sắp đứt. Đời sống đạo chỉ khó một, khó trì tâm cho cá nhân người tu luyện. Sống đời, ngoài gi ữ tâm mình trong sáng, còn phải đối diện với nghìn địch thủ bất ngờ hiện đến như lưỡi hái tử thần. Nhớ Nerhu từng bảo làm chính trị là đi vào giông bão. Trên kia tôi nói việc thu tập hồ sơ, nghiên cứu bộ máy độc tài tại Việt Nam là việc cần kíp. Không hiểu bộ máy ấy tất không có đối sách, không có cách trình bày thuyết phục cho công luận thế giới  về một thưc tại bất ngờ nhưng lưu manh. Chúng tôi đã thực hiện cho LHQ 105 hồ sơ nhân quyền trên mọi lĩnh vực của đời sống tại Việt Nam.

Giữa năm 1978, Đoàn Văn Toại đến tìm tôi nhờ tổ chức cuộc họp báo cho Toại công bố « Chúc Thư của Người tù Việt Nam thương nước» viết tại Việt Nam tháng 8 năm 1975 với 49 chữ ký tù nhân có nhiều tên nổi tiếng. Vợ Toại người Pháp gốc Việt nên anh sang Pháp bằng đường hồi hương. Quen tranh đấu trong giới sinh viên Saigon, Toại chuẩn bị kỹ chuyến đi. Anh giấu trong hậu môn bản Chúc thư. Tôi nói với Toại Paris có nhiều tổ chức chống Cộng như Tổng hội sinh viên Việt Nam, Cộng đồng nầy cộng đồng kia, Toại nên nhờ họ hợp lực tổ chức họp báo, Toại bảo, đã đi gặp 7, 8 tổ chức chống Cộng ở Paris nhờ giúp, nhưng ai cũng từ chối. Tôi hiểu tâm lý của 13 tổ chức có mặt thời đó chỉ tin, chỉ chơi và làm việc giữa họ với nhau. Họ sợ kẻ lạ. Sinh viên đi với sinh viên, quân nhân đi với quân nhân. Toại có tiếng khuynh tả thời chiến tranh, là điều tối kỵ với người chống Cộng. Vì thiếu cơ sở lý luận người Việt ít thích tranh luận nên nghiêng về tranh chấp. Phần tôi thời nào cũng vậy, yêu công lý, trọng quyền con người, nên dễ đứng cùng lập trường với nhà văn Voltaire khi ông xướng ngôn « Tôi không đồng ý với các lời ông phát biểu, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để ông được biểu đạt ý kiến ấy. — Je ne suis pas d’accord avec ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’à la mort pour que vous ayez le droit de le dire».

Tôi hứa giúp Toại rồi bắt tay ngay làm hồ sơ báo chí 32 trang bằng tiếng Pháp mang tựa đề « Charte 78 – La Nordmalisation des prisons au Sud Vietnam » (Hiến chương 78 – Bắc hoá các nhà tù tại Miền Nam) gồm Thông cáo báo chí về nội dung họp báo, « Bản Tuyên ngôn người Việt mất nhân quyền » của nhóm Luật sư Trần Danh San viết tại Saigon ngày 18 tháng Tư năm 1975, Chúc Thư của Người tù Việt Nam thương nước với chữ ký của 49 tù nhân và chức vụ họ, kèm theo tài liệu nghiên cứu của Quê Mẹ « Chế độ nhà tù của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam » kèm theo bản đồ các Trại Cải tạo lao động đầu tiên tại Miền Nam, cùng danh sách 163 Văn Thi Nghệ sĩ và Trí thức bị bắt từ ngày 30 tháng Tư.

Thời gian chuẩn bị cuộc họp báo và in tập hồ sơ tôi yêu cầu Toại chấm dứt mọi tiếp xúc và giữ kín tin họp báo ; 3 ngày trước khi họp báo Toại phải đến ở nhà chúng tôi và không được xuất đầu lộ diện.

Cuộc họp báo tại Paris hôm 29 tháng 5 năm 1978 có thể nói là tiếng trống lệnh của người dân đất Việt gióng lên nơi phương Tây khai mào chiến dịch Tâm công quốc tế. Các đài truyền hình Mỹ, Pháp, Châu Âu, Châu Á, ký giả các báo lớn trên thế giới, các đài Phát thanh, trên 60 cơ quan truyền thông báo chí tham dự gây chấn động công luận. Sau ngày 30 tháng Tư ba năm trước, ngoài những bài báo, hình ảnh bộ đội Bắc Việt tiến chiếm Saigon, hầu như thế giới chẳng còn thấy, còn nghe gì nữa. Thế giới im lặng. Kẻ theo người chống đều im lặng, sự im lặng của những trái tim ngừng đập, ngỡ như đã làm xong công tác xích hoá cho Hà Nội. Một số tin tức thoát rỉ rả càng mang theo nỗi thất vọng với một chính quyền tự phong « giải phóng dân tộc » nay lộ dần bộ mặt thật của những người lính Bắc Việt đánh thuê cho Liên xô và Bắc Kinh.

Tôi nhân danh Đồng Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Cam bốt, Lào, Việt Nam và cơ sở Quê Mẹ khai mạc cuộc họp báo, giới thiệu Đoàn Văn Toại cùng tập hồ sơ « Hiến chương 78 – Bắc hoá các nhà tù tại Miền Nam ». Với một nhân chúng sống, tập tài liệu rút từ thực tại có lý luận, chúng tôi đã thuyết phục công luận thế giới. Phe tả Pháp và Châu Âu chuyển hướng, bỏ rơi Hà Nội, kéo theo phe tả Hoa Kỳ. Sự im lặng khó hiểu của phương Tây trước ngày 29-5-1978 nay chuyển thành lời lên tiếng rộn rã và hùng hồn phá tan huyền thoại người Cộng sản Bắc Việt.

Âm hưởng cuộc họp báo kéo dài nhiều tháng, lan khắp năm châu. Thời gian này phong trào Người Vượt Biển dâng cao, với biến cố con Tàu Hải Hồng chở trên hai nghìn người ra đi. Tôi mời các bạn Pháp, nhà văn, trí thức, ký giả, giáo sư thúc đẩy họ nối tiếp tinh thần cuộc họp báo vừa qua, để giương lên tấm biểu ngữ thương tâm của Người Vượt Biển, mà tôi xem như biểu tượng lịch sử. Bởi hai nghìn năm lịch sử qua những giai đoạn gian nan khốc liệt chưa bao giờ người Việt bỏ nước ra đi. Lấy biểu tượng trách nhau người mẹ chôn dưới máng xối nước khi sinh con giải thích tâm lý « chôn nhau cắt rốn », sự bám siết tổ tiên ông bà, người Việt không bỏ làng nước ra đi. Nhà văn nữ Claudie Broyelle, cựu thành viên Mao-ít từng sang giúp Bắc Kinh tuyên truyền nay vừa vỡ mộng, chị cảm thông sâu sắc với người Việt cùng nhà báo Olivier Todd hai người cật lực giúp chúng tôi. Nay có số người Việt nhắc tới Tàu Đảo Ánh sáng thường lầm lẫn xem như con tàu của Bác sĩ Bernard Kouchner. Chẳng qua, Bernard từng nổi tiếng với báo chí nhiều năm trước khi tung chiến dịch cứu đói ở Biafra bên Phi châu, rồi xướng xuất phong trào nổi danh « Y sĩ không Biên giới », bản tính thích làm trùm như kiểu hoạt động của giới sinh viên tả khuynh Paris 68.

Thời gian vận động Cứu Người Vượt Biển, tôi nhờ chị Olga Svintsova nhân danh tôi mời Bernard vào Uỷ ban. Anh làm chúng tôi xuýt gặp khó với báo chí, vì anh nhân danh Chủ tịch Y sĩ Không biên giới ký tên tham gia. Không ngờ lúc ấy nội bộ tranh chấp, các bạn Y sĩ  vừa lật đổ chức Chủ tịch của anh. Khi cho đăng Lời Kêu gọi Cứu Người Vượt Biển trên nhật báo Le Monde, tổ chức Y sĩ Không Biên giới liền ra lời cải chính xác định Bernard Kouchner không còn là Chủ tịch Y sĩ Không Biên giới và tổ chức họ không tham gia chiến dịch vớt người này. Thật đáng tiếc. May thay chuyện không đi xa hơn. Tôi còn nhớ buổi họp khai sinh con Tàu, ai cũng đồng ý phải cứu Người Vượt Biển nhưng ai cũng thắc mắc làm gì ? Nhà văn Bernard-Henri Levy hỏi tôi : « Ái, làm gì đây ? ». Tôi đáp : « Họ lênh đênh trên biển thì đi vớt họ thôi » Con Tàu khai sinh như thế. Bernard-Henri Levy hạ bút thảo ngay Lời kêu gọi để đăng báo và gửi hãng thông tấn AFP. Tôi còn giữ bản thảo thủ bút này.

Tàu Đảo Ánh Sáng tiên phong ra đời tại Pháp qua cuộc họp báo tại Paris ngày 27 tháng 11 năm 1978, đã gợi hứng cho những con tàu khác tại Ý, Đức, Na Uy, vân vân xuất hiện đi vớt Người Vượt Biển. Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự đồng tình của nhân dân Pháp hưởng ứng nồng nhiệt cứu Người Vượt Biển như thế. Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam đặt trụ sở tại toà soạn Quê Mẹ ở số 25 đường Jaffeux – thị trấn Gennevilliers ven đô Bắc Paris cũng là nơi đặt Nhà in VOV của chúng tôi. Hầu hết các báo Pháp đều đăng giúp không lấy tiền một trang lớn Lởi Kêu gọi Cứu Người Vượt Biển với 163 chữ ký hậu thuẫn của Văn Thi Nghệ sĩ, nhân vật, chính trị gia Pháp và quốc tế. Nhờ vậy phong trào phổ biến nhanh rộng. Đảng Cộng sản Pháp hốt hoảng tung chiến dịch phản công để quyên góp giúp Hà Nội « băng bó vết thương chiến tranh ». Trong vòng 2 tháng Đảng chỉ thu được hai ba trăm nghìn quan Pháp với những trang quảng cáo in lớn hai, ba thước dán khắp đường phố nước Pháp. Cùng thời gian ấy chúng tôi thu gần ba triệu quan. Hàng trăm thư mỗi ngày hoan nghênh hay gửi chi phiếu ủng hộ, áo quần ngày nào cũng chở về đầy trụ sở chúng tôi. Cạnh nhà in, chúng tôi tổ chức Quản Trúc để cuối tuần người tị nạn đến nghe nhạc, hàn huyên. Các ca sĩ Mỹ Hoà, Pauline Ngọc, Duy Quang, Julie Quang, hay ca sĩ Cải lương Hữu Phước, Hương Lan, Chí Tâm… đến hát không lấy thù lao. Chúng rôi phải đóng cửa Quán Trúc làm nơi chứa áo quần gửi tặng.

Dù chưa thu đủ tiền, chúng tôi bắt tay thăm dò chuyện thuê tàu. Tìm được năm nơi đồng ý cho thuê. Điều kỳ lạ, khi tiền đủ trong tay, cả năm nơi đều từ chối. Lấy cớ tàu hư, nơi thì phải sơn phết lại, nơi bảo đã cho thuê mấy hôm trước… Chưa hiểu lý do thật, thì có người báo chúng tôi rằng Công đoàn khuynh tả theo Cộng muốn ra tay phá dự án đi vớt người của trí thức Pháp và chúng tôi. Sự thất vọng trở thành phi lý.

Một đêm làm việc ở toà soạn Quê Mẹ, lúc 3 giờ sáng chuông điện thoại reng. Tiếng một phụ nữ Việt ở đầu dây bên Nouméa gọi sang nói : Tôi là độc giả Quê Mẹ, đọc báo thấy các ông không kiếm ra tàu thuê. Chồng tôi có chiếc Đảo Ánh Sáng, vừa hết hạn cho thuê. Nếu ông muốn, cử người sang Nouméa thương lượng với chồng tôi. Tôi sẽ bảo ông ấy chờ. Mừng hú vía. hôm sau chúng tôi cử người bay ngay qua Nouméa. Tàu có tên Đảo Ánh Sáng / Ile de Lunière nguyên nhân là thế.

Đài Truyền hình BBC làm bộ phim « Thần trí Châu Á » gồm 7 nước Châu Á, mà Việt Nam là một. Đoàn sang quay phim toà soạn Quê Mẹ và Quán Trúc. Một hôm Đài Truyền hình Hoà Lan đến phỏng vấn tôi. Ký giả là người đảng Xã hội, không ưa đế quốc Mỹ. Có một câu đại biểu cho sự suy nghĩ của giới tả khuynh thời ấy, ông ta hỏi : Vì sao ông chủ trương cứu vớt những Thuyền nhân vốn là tay sai của đế quốc Mỹ ? Tôi giải thích ông hiểu đa số người ra đi là nông dân, thợ thuyền, họ lo cho tương lai con cái nếu tiếp tục sống dưới chế độ bạo ngược độc tài Cộng sản, rồi tôi hỏi ngược : « Nếu ông đang đi trên các bờ lạch tại thủ đô Amsredam thấy một người chết chìm thì ông làm gì ? Ông nhảy ùm xuống cứu người ấy, hay ông điều tra người ấy khuynh tả hay khuynh hữu rồi mới quyết định cứu hay không ? ». Cuộc phỏng vấn được trình chiếu 3 lần trước Giáng sinh năm ấy, 1979, ở Hoà Lan. Nhân dân Hoà Lan gửi tiền ủng hộ cứu Người Vượt Biển lên đến bảy triệu quan Pháp. Đài truyền hình gọi báo tin cho tôi và mời Uỷ ban sang Hoà Lan nhận tiền.

Âm hưởng to lớn của thảm nạn Vượt Biển khiến LHQ phải tổ chức Hội nghị về Người tị nạn Đông dương năm 1980 mà Phái đoàn Quê Mẹ được mời tham dự.

Chúng tôi đặt trọng tâm hoạt động cứu Người Vượt Biển và vận động trả tự do cho Tù nhân Trại Cải tạo. Tại Uỷ hội Nhân quyền LHQ cũng như thường xuyên đi tiếp xúc các chính phủ hay Bộ Ngoại giao Âu Mỹ, Úc, Nhật, Singapore để thông tin về thảm trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.

Năm 1985 đươc tin Hà Nội sẽ kỷ niệm ăn mừng 10 năm chiến thắng, và mời 200 nhà báo quốc tế về Việt Nam tham dự. Chúng tôi vụt nghĩ trong ngày « chiến thắng » ấy phải có tiếng nói của những người bị áp bức, bị đày ải, bị chết mòn trong các Trại Cải tạo, vùng Kinh tế mới, hay không được tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng tôi thu tập một hồ sơ nhân quyền và tôn giáo 500 trang trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, chính trị, sang trụ sở LHQ ở New York kiện Hà Nội mười năm vi phạm nhân quyền theo thể thức ECOSOC 1503 vào dịp 30 tháng Tư. Cho đến năm ấy, Uỷ hội Nhân quyền LHQ còn đặt trụ sở ở New York. Năm sau mới đưa về Điện Quốc liên ở Genève, Thuỵ sĩ. Tất cả các tờ báo lớn trong thế giới đều nhắc tới sự kiện hy hữu này. Tuần báo Newsweek phỏng vấn tôi, Wall Street Journal viết bài xã luận về vụ kiện.

Với nhịp điệu không ngừng như thế chúng tôi có mặt tại nhiều Hội nghị Quốc tế Dân chủ hay Nhân quyền nói lên tiếng nói người Việt dân tộc bị bóp họng tại Việt Nam.

Tạp chí Quê Mẹ là chỗ dựa, nơi tập họp và truyền tin về chính nghĩa của con người Việt. Một chính nghĩa khoan hoà nhưng bất khuất, không sợ hãi.

Điều không may do thiếu am hiểu địa lý, khi mua lại một nhà in năm 1970 nằm ở thị trấn Gennevilliers, ven đô Bắc thành phố Paris. Các thị trấn ven đô quanh Paris có một số thị trấn nằm trong tay quản lý của Đảng Cộng sản Pháp gọi là Vòng Đai Đỏ. Đảng Pháp Cộng vốn không man rợ như Cộng sản Việt Nam. Trong ba mươi năm ở đấy họ khá bình đẳng, không làm gì nhiễu hại hay cấm đoán chúng tôi. Từ khi chúng tôi có nhiều hoạt động nhân quyền, vạch sai lầm áp bức của nhà cầm quyền Hà Nội, họ mới có vài áp lực. Một hôm ông Phó thị trưởng Gennevilliers mời tôi ra Toà thị chính. Hôm ấy ông yêu cầu tôi kiếm chỗ khác ở đừng ở thị trấn ông ta. Tôi hỏi vì sao ? Ông ấp úng tay kéo hộc bàn chỉ vào đấy nói : Ông làm chính trị, tôi có đầy đủ tài liệu đây, chúng tôi biết rõ ông lắm. Tôi đáp, làm chính trị đâu phải là tội phạm theo luật pháp Cộng hoà Pháp, mà tôi có làm chính trị đâu, tôi hoạt động nhân quyền. Ông thấy cần xử lý như thế nào ông cứ việc, việc tôi tôi làm, tôi chẳng dời nhà đi đâu cả.

Tới năm 2000, chẳng may khu đất nhà in và toà soạn Quê Mẹ bị liệt vào vùng chỉnh trang thành phố (ZAC). Theo luật pháp, ai cư trú vùng chỉnh trang bó buộc phải dời đi nơi khác. Dù vậy, tôi vẫn đưa Toà Thị chính ra toà án Asnières ở thị trấn kế bên không nằm trong Vùng Đai Đỏ. Chúng tôi thắng kiện. Toà Thị chính Gennevilliers kháng án lên toà Nanterre trong Vòng Đai Đỏ, thế là họ thắng kiện.

Buồn làm sao, khi phải bán đổ bán tháo máy móc nhà in ba mươi năm lập nghiệp. Chưa biết thất thểu về đâu sống.

Nhân trong vườn nhà in có cây Mộc Liên cao năm thước, mỗi năm vào cữ đông tàn, hàng trăm nghìn búp sen chúm nở màu hồng nhạt thơm ngát một góc trời. Cháu Uyên Minh viết lời kêu gọi dán khắp thị trấn, nhân danh Cây Mộc Liên không thể nào bứng gốc, chặt phá hay dời chuyển, xin đừng trục xuất chúng tôi !

Lần ấy thi ca thất bại. Chúng rôi ra đi lang thang như người Do Thái hai nghìn năm trước.


Thi Vũ Võ Văn Ái

Paris , giáp Tết Mậu Tuất 2018

 


bấm vào đây xem các bìa báo rất nghệ thuật của nhà thiết kế Thi Vũ Võ Văn Ái
Tạp chí Quê Mẹ Paris được xem là tờ báo in ấn và trình bày cao cấp nhất
trong các tạp chí uy tín và giá trị của hải ngoại từ năm 1975



http://www.gio-o.com/ThiVu.html

 

© gio-o.com 2018