Thư Chủ Biên

Tháng Chạp … Cá Biệt

 

 

Ngày … tháng … năm …

Tôi đang gọi Tháng Chạp về.

Tháng Chạp luôn luôn là khoanh thời gian ngọt ngào trong tôi.

Tự dưng thích hai chữ “chạp mả”. Tức là cuối năm đi thăm mộ và thắp hương cho người trong gia đình và gia tộc có ngôi mộ.

Thời bây giờ người ta đốt cốt, hỏa táng nhiều hơn.  Không có những ngôi mộ để cuối năm đi chạp mả nữa.

Tôi yêu âm “Chạp” và âm “Giêng” quẩn quanh khoảng cuối và đầu thời gian của một năm. 

Như thi sĩ Nguyên Sa yêu chúng trong bài thơ dưới đây của ông


Chào tháng Chạp, hôm nào thì đến Tết?
Em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng
Bầu trời mây ở dưới áng mi cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?...

Tháng Giêng và anh vươn vai và mở cửa
Trời trên cao, em cũng ở trên cao
Tháng Giêng cho anh một nụ hoa đào
Anh gởi cho em một trời mộng tưởng...

Bài hát đó mang cho anh hò hẹn
Em nhớ mang vàng cho cúc, ngọc cho lan
Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan
Và một chút vai em cho huệ trắng...

Con chim én cùng với thơ bay trong nắng
Trên môi anh dường có ngọn cỏ thơm
Là ngón tay nào trong mười ngón tay em
Có cả nụ hôn đầu quanh quất đó...

Tháng Giêng và anh rủ nhau ngồi dưới phố
Tô môi hồng xin nhớ cánh sen non
Tháng Giêng chờ một chút lượng xuân em
Nụ cười đó, anh chờ xuân vĩnh viễn

Tháng Giêng và anh rủ nhau châm điếu thuốc
Điếu thuốc đầu năm và điếu thuốc đầu ngày
Vòng khói tròn khuyên phía trái, bên tai
Tà áo em có nhánh cười trong vũ điệu

Tháng Giêng và anh rót đầy trong ly rượu
Một góc trời âu yếm, khúc Bolsa
Yêu cuộn tròn trong tám chữ mây qua
Khi em tới lượn vòng trên mái tóc...

(Tháng Giêng Và Anh, thơ Nguyên Sa)

 

 

Vì yêu thương ngôn ngữ - chúng tôi vì tình yêu chữ nghĩa - mới để lại cho đời thêm một đời sống chữ nghĩa. Đời tác phẩm. Thế nên mặc cho ngoài kia đời tràn dâng tháng “January of 2020" thế nào thì trong tôi chữ nghĩa vẫn dâng tràn cảm xúc “Chạp” khi tôi thảo những con chữ này...

Của thế giới Gió O và của tôi thao thức những ngày cuối năm âm lịch để viết cái gì cho năm cũ …

Thế giới “Lời” hay “Chữ” kỳ diệu với chúng tôi, những người sáng tác, là thế.

 

Khi tôi chọn lựa đi hẳn vào việc sáng tác bằng Tiếng Việt ở Hoa Kỳ.  Có lẽ một trong những nhu cầu mạnh mẽ thuở tôi mới đặt chân lên xứ người, là ôm vào lòng các tác phẩm Tiếng Việt lạc lõng ở một ngã đại lộ cường hào quốc tế . Tôi sống ở xứ sở Hoa Kỳ một xứ sở thượng phong Tiếng Anh. Chứng kiến trong các đại học America mà tôi phải giảng dạy hàng ngày như một giáo sư hướng dẫn. Các tác phẩm tiếng Anh được mang vào giảng dạy và thảo luận.  Được tung hê trên New York Times, trên The Atlanta, The Washington Post, trên Paris Review, trên Yale Review, … trên internet, hàng giây hàng phút hàng ngày hàng tuần hàng tháng hàng năm … Nhìn sang thế giới sáng tác tiếng Việt Hải Ngoại thiệt là lẻ loi anh dũng ... Tôi thấy bâng khuâng nghĩa hiệp. Làm cho tôi dứt hẳn tiếng Anh xử dụng hàng ngày ra khỏi đầu.  Để quyết tâm đầu tư vào tiếng Việt . Quyết viết và suy nghĩ bằng tiếng Việt. Chỉ là máu ngựa chứng mang theo từ thuở ra đi 1975 khỏi sân trường Đà Lạt  với những giờ Việt Văn trong giảng đường Minh Thành ấy.  Bây giờ mấy chục năm nhìn lại, tôi không hề hối hận chút nào khi đã quyết tâm đầu tư vào các sáng tác Tiếng Việt thay vì dốc sức sống thẳng và đâm đầu vào sáng tác bằng Tiếng Anh toàn thời gian trong hơn 40 năm sinh sống ở Hoa Kỳ.  Tôi lớn lên và sinh sống ở Việt Nam chỉ hơn 20 năm. 

Nói chuyện danh tính ngôn thuận của Văn Chương Hải Ngoại . Một quan sát khá thú vị của tôi là trong khi chúng tôi hoan hỉ nhận mình là Nhà Văn Hải Ngoại, thì có ông Thanh Viet Nguyen, người rất nổi tiếng trên thế giới là nhà văn Mỹ gốc Việt, lại lập ra một trang web và cài cái identity của ông và các bạn Viet của ông rất ngộ. Ông viết bằng tiếng Anh và tuyên bố “Những Nhà Văn Việt Ly Hương” “Diasporic Vietnamese Artists Network (DVAN) . Theo Viet Thanh Nguyen, “Through nurturing Vietnamese diasporic writers, artists and readers, DVAN reshapes how Vietnamese people are perceived and builds an international, diasporic community of artists in conversation with Vietnamese in Vietnam and with other diasporic communities at large”. (dịch Nôm:  Qua sự nuôi dưỡng các nhà văn Việt ly hương, nghệ sĩ và độc giả, Hội Những Nhà Văn Việt Ly Hương biến tướng lại làm thế nào để Người Việt được nhìn nhận và xây dựng một cộng đồng quốc tế của những văn nghệ sĩ lý hương trong đối thoại với người Việt tại Việt Nam và với các cộng đồng ly hương khác trên thế giới”  theo (http://www.dvan.org/) (Chú ý: từ Ly Hương , tôi dịch từ Diasporic, thật ra từ này xuất xứ do người Do Thái ám chỉ tình trạng ly hương khỏi đất nước Babylonia của người Do Thái vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên).

Ông Thanh Viet Nguyen rất muốn nhận mình là “Nhà Văn Hải Ngoại – Nhà Văn Ly Hương” của nước Việt Nam.  Độc giả mà ông nhắm tới là người Mỹ hay người thế giới, không phải là độc giả Việt Nam. Có người sẽ nói tại sao lại phân biệt người đọc Việt Nam và người đọc thế giới. Đã là một người đọc thì có thể là một người đọc thế giới. Đúng. Bạn có thể là người đọc thế giới khi tâm thức của bạn và tâm thức của người viết “xử” với nhau một cách bình đẳng. Nhưng rất tiếc, tôi thấy, sự bình đẳng không - hay chưa - hiện diện trong phần lớn người đọc thế giới. Và cả người viết thế giới cũng thiếu cái tâm thức bình đẳng, khi mà các khối ngôn ngữ vốn đã bất bình đẳng. Tiếng Anh được đọc và đón nhận nhiều hơn Tiếng Việt. Một người chăm chú viết Tiếng Anh có tâm thức đến với độc giả mình, khác với một người chăm chú viết tiếng Việt.

 

Trong năm 2019 tôi chứng kiến vài tác giả trong nước lẫn ngoài nước giao sách cho các nhà xuất bản ở Việt Nam in.  Xong rồi lại chạy lên internet ịn một bản khác và phân trần là “bản này mới là nguyên bản đầy đủ hơn”.

Quyển thơ vừa xuất bản của Nguyễn Thùy Song Thanh, nhà thơ than là bị đục mất 10 bài ngoài ý muốn.  Và có những bài, chị viết cho tôi : “ổng xén đầu xén cuối tuy thích”

Ông Nguyễn Hữu Liêm dạy triết ở San Jose City College mới xuất bản sách nghe rất kêu, là quyển “Cám Dỗ Việt Nam”. Ra mắt sách khắp nơi Đà Nẵng Sài Gòn Đà Lạt Hà Nội vừa xong thì lập tức lên Facebook của mình, ịn lại bài và tuyên bố: “(Bài gốc chưa đăng trong tuyển tập Cám dỗ Việt Nam đã xuất bản ở VN).

Thế nghĩa là thế nào.

Qua hai kinh nghiệm mới xảy ra trong tháng 7 năm 2019, tôi vẫn nghĩ mức độ khả tín về cởi mở Tự Do Ngôn Luận của nhà nước Việt Nam năm 2019 là vẫn chưa tin nổi.  Mà không biết đến bao giờ mới tin nổi.

Đây là một điều thất vọng về xứ sở Việt Nam sau 40 năm hết chiến tranh. Liệu những cách mạng gia nào có khả năng thay đổi Việt Nam có nhìn ra được rằng điều cần làm một cuộc cách mạng ở Việt Nam nhất, vẫn là một cuộc cách mạng về niềm tin.

Làm sao để sách giáo khoa là sách đáng tin. Làm sao để những anh hùng dân tộc là anh hùng thật. Làm sao để một bịch đường made in Viet Nam làm một bịch đường đáng tin là ngon, rẻ, đẹp, lành mạnh. Làm sao lời đăng trên bao bì là lời nói thật về chất lượng. Làm sao để người Việt có thể hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu là cầm một cái thẻ tín dụng từ Việt Nam đi mua hàng nơi nào người ta cũng nhận …

Gian dối lừa đảo đang ngự trị tại Việt Nam như một nữ hoàng Cầu Muối đang  thống trị xứ sở ấy.

 

Năm qua Gió O với loạt bài mới phê bình nhà thơ và thơ Tô Thùy Yên của nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc xuất hiện trên Gió O là loạt bài độc giả, đặc biệt độc giả trong nước, tìm đọc ráo riết. Tăng view gio-o.com đáng ngạc nhiên. Nguyễn Tà Cúc có một lối phê bình gây sự. Có những bạn văn viết email cho tôi phàn nàn nói sao lại để một lối viết phê bình như thế xuất hiện trên Gió O. Thưa rằng tôi thấy không có gì sai quấy trong xì tai của nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc. Miễn là nhà phê bình đưa ra các bằng chứng và và lập luận minh chứng cho điều mình tả xung hữu đột.

Thời gian bay thật nhanh.  Tháng 8 năm 2018 –  tháng 8 năm 2019 . Giỗ đầu của em tôi, Lê Nghĩa Quang Tuấn.   “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại …” (nhạc Phạm Trọng Cầu) . Tôi đọc Ocean Vuong mà nghĩ  đến thơ Lê Nghĩa Quang Tuấn.  Một bên Tiếng Việt một bên Tiếng Anh.  Thơ văn của Lê Nghĩa Quang Tuấn phản ánh ám ảnh “Tính Nữ”, tính “Lành”.  Ngày nay nhiều nhà văn đồng tính nam phô bày “Tính Nữ” trong các sáng tác của họ và được ca ngợi tù tì, như trường hợp cây viết đồng tính Ocean Vuong ở văn đàn Mỹ hiện nay. Dấu hiệu này đáng chú ý.   Để mong rằng các “Tính Nữ” bắt đầu được đón nhận một cách tích cực, bình đẳng, và ngợi ca, trong đời sống nhân loại; từ lâu vốn bị chế ngự và hoành hành bởi các “Tính Đực” như tính “Ác”, tính “Dâm”.

Gió O với sự đỡ đầu của giáo sư Berkeley Nguyễn Vũ Khuyên đã tổ chức một Chiều Thơ Lê Nghĩa Quang Tuấn vào chiều chủ nhật 25.8.2019 tại  Berkeley để tưởng nhớ tài hoa Lê Nghĩa Quang Tuấn khi lìa bỏ trần gian đúng một năm .

Cuộc triển lãm tranh Võ Đình đã được nhà thơ Phan Tấn Hải nồng nhiệt quảng cáo giúp cho trên Việt Báo trước đây, nay có vẻ khó thực hiện . Lý do chủ quan là hiện sức khỏe nhà văn Trần Thị Lai Hồng yếu. Chị vợ sức khỏe không dồi dào nên tranh chồng không ai phụ. Chị cũng đã dời từ Florida về California. Tôi rất muốn đưa một số tranh của Võ Đình lên Gió O và bán giúp cho chị Trần Thị Lai Hồng. Nhưng loay hoay mãi vẫn chưa làm được, và không biết phải làm như thế nào cho thích hợp. Tôi biết nhà văn Trần Thị Lai Hồng cũng rất muốn bán bớt những tranh của họa sĩ Võ Đình. Không ai giữ tranh tốt cho bằng người mua tranh ái mộ tài hoa của người họa sĩ.

Tết Con Tý 2020 năm nay Gió O phóng bài của nhà văn Phan Thanh Tâm và nhà văn Đoàn Nhã Văn viết về họa sĩ nhà văn Võ Đình . Bài của nhà văn Phan Thanh Tâm mới, và bài của nhà văn Đoàn Nhã Văn đã cũ . Nhưng vì trước đây bài này bị tin tặc phá nát, nay nhờ nhà văn Đoàn Nhã Văn gửi cho, nên tôi đưa lên lại.

Trong năm qua tôi nhận được một tin buồn trễ tràng, là nhà văn Ngô Văn Tao đã qua đời tại Canada vào tháng Chín năm 2017! Không một thông báo. Cho đến nay tôi cố liên lạc với gia đình những vẫn chưa được. Gió O sẽ làm một số đặc biệt tưởng nhớ nhà văn Ngô Văn Tao khi tìm thêm được thông tin về sự ra đi của anh, một trí thức tài hoa đáng nhớ của Văn Học Hải Ngoại .

Số Xuân Con Chuột của Gió O này dùng lại những ảnh bảnh của nhiếp ảnh gia Hoàng Huy Mạnh. Những ảnh chụp các chú chuột leo quanh dưa hấu hay trong miệng chén hạt dưa. Các ảnh này đã dùng cách đây 12 năm, Xuân Con Tý trên Gió O năm 2008. Không ngờ số Xuân ấy trúng phùa tin tặc nặng nhất. Gần như các bài vở của số Xuân Con Chuột 2008 đã ấy mất hết. Vì vậy Gió O rất sung sướng dùng lại các ảnh ấy để vinh danh công trình thu ảnh của Hoàng Huy Mạnh xứ Cao Bồi Houston vào số Tết năm nay.

Canh Tý 2020 đi một vòng 60 năm Canh Tý 1960, với cái bìa báo Xuân bất hủ của nhật báo Tự Do ở Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm. Bìa báo Xuân Tự Do năm 1960 thủ đô Sài Gòn năm ấy có vẽ bức họa 5 con chuột đục khoét một quả dưa hấu. Tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí thời đó gây đình đám. Vì đang là chế độ Ngô Đình Diệm mà lại có tin đồn là 5 con chuột ấy ám chỉ 5 "con chuột" anh em nhà họ Ngô tham quyền cố vị. Gồm Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, và bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu). Lịch sử sang trang. Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị chính quyền Mỹ và các chú quân đội ngu ở Miền Nam ám sát vào năm 1963.  Mà trước đây ông Ngô Đình Diệm từng được Mỹ nuôi ở Mỹ một thời gian từ 1951 - 1954 rồi Mỹ mới đưa về Việt Nam biến ông thành một vị tổng thống thời Đệ Nhất Cọng Hòa – 1955 -1963 trong Nam, thời Quốc Cọng phân tranh 1954-1975 tại Việt Nam.


Bìa báo Xuân Canh Tý 1960 của nhật báo Tự Do do ông Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm,
phát hành tại thủ đô Sài Gòn của nước Việt Nam Cọng Hòa

 

 

2020 là năm con chuột, năm Canh Tý, nên câu đối của Gió O là:

Nửa đêm giờ tí canh ba
Canh chừng chuột tí sục vào nồi canh
Canh ba giờ tí nửa đêm
Rình trông lũ chuột vờn quanh miệng bình

Câu đối trên bị than là câu đối khó! Có lẽ vì vậy mà cho đến nay chúng tôi chưa nhận được câu đối đáp nào.  

 

 

Số Tết năm nay nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái gửi cho Gió O đoản khúc thơ khác của Nh. Tay Ngàn, Đi Ngoài Vòng Tuyệt Đối. Đọc thơ Nh. Tay Ngàn là một khơi mở đặc biệt trong tôi. Hai người mở cánh cổng Văn Chương Hải Ngoại với tôi là nhà thơ Thi Vũ và nhà thơ Nh. Tay Ngàn khi nhà thơ Thi Vũ sáng lập nên tờ Quê Mẹ năm 1976 ở Paris . Tờ Quê Mẹ là một tờ báo trí thức dấn thân vừa đẹp vừa sang vừa văn chương chất lượng có tầm vóc quốc tế của Văn Chương Hải Ngoại. Cả hai người, Nh. Tay Ngàn và Thi Vũ, xuất phát từ đất Paris - Quê Mẹ những năm đó. Hai ông hai thái cực, một ông tối một ông sáng. Hai thủ lĩnh hai phương trời cách biệt. Nhưng điểm họ khơi mở là những suy tư có tầm trí thức Việt ở ngã đại lộ quốc tế. Tôi đánh giá cao hai người sáng tạo này trong vai trò khai mở Văn Chương Hải Ngoại với vai trò tờ Quê Mẹ của ông Thi Vũ Võ Văn Ái.
  

Mỗi năm làm trang Tết khi nghĩ về nhu cầu cần ký họa là tôi nhớ đến một ông lăng xăng dễ thương là họa sĩ Hà Cẩm Tâm. Tôi nhờ vẽ ký họa là ông làm ngay. Tôi mở điện thoại phone ông, là ông lập tức hẹn một cái quán Starbuck nào đó … Ông mang theo một đống giấy mực và cây viết lông, đòi vẽ ngay tại trận. Ông ưa chơi mực trắng đen. Họa sĩ Hà Cẩm Tâm là một người cực duyên dáng, tài năng, thông minh. Gặp ông là thấy vui là thấy sôi máu sáng tạo. Tính sáng tạo trong con người ông rất cao. Sáng tạo ngay cả trong những nhận xét nhỏ bé trên bàn chuyện phiếm. Trò chuyện với họa sĩ Hà Cẩm Tâm là một niềm vui không đáy. Bây giờ ông không còn. Sắp đến ngày giỗ ông tháng Ba. Có lẽ tôi sẽ gọi chị họa sĩ Lê Quế Hương và em Mây Lan làm cái giỗ nho nhỏ ở đâu đó và mang tranh Ngựa của họa sĩ Hà Cẩm Tâm ra ngắm chơi.

Vừa ra giêng năm nay thì nhận được tin nhà văn Hồ Trường An qua đời ở Troys, Pháp thọ 77 tuổi . Hồ Trường An là cây bút khá năng nổ ở Hải Ngoại trong hai thập niên 1980 và 1990 . Sách ông viết chuyện đàn bà vớ vẩn nhưng bán chạy. Ông được một cái tên rất đàn bà: Hồ Trường An Bà Già Trầu.

Chỉ đọc tên và đọc chuyện của Hồ Trường An, có thể tưởng là Hồ Trường An là tên đàn bà con gái . Không hiểu sao cái vụ giả giả thật thật của chữ và đời, lại quyện vào một câu chuyện dính đến Hồ Trường An. Trên trang Phây của Gió O Hải Ngoại thòi ra chuyện tuyển tập Trăng Đất Khách do nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa của tờ Làng Văn xuất bản tại Toronto Canada hồi năm 1987 . Khi hai chúng tôi chào nhau, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Lan và tôi chào nhau, nhắc lại chuyện có tác phẩm cùng xuất hiện trong tuyển tập 18 cây bút nữ Hải Ngoại này. Tôi nói ồ tuyển tập ấy có một ông không phải là bà, lộn chuồng, là ông Cao Bình Minh, chứ không phải bà Cao Bình Minh. Thì bỗng có một bạn Phây tên là Ngon Vo mới kể cho chúng tôi nghe là vụ in lộn ấy do nhà văn Hồ Trường An lúc đó làm chủ bút tờ Làng Văn của Nguyễn Hữu Nghĩa ở Canada đã lấy tác phẩm ấy bỏ vào thành ra là lộn chuồng. Đây là nỗi oan Thị Mầu của nam tác giả Cao Bình Minh. Nhà văn Hồ Đình Nghiêm trong mục tưởng nhớ Hồ Trường An mất, trên Facebook của mình cũng nhắc đến nhân vật Cao Bình Minh của Hồ Trường An . Hồ Đình Nghiêm viết: Anh có kể cho mình nghe một nhân vật vừa nổi lên trên văn đàn, tức thì có tới năm nhà văn nam đeo đuổi riết róng: "Cao Bình Minh thích hạng đàn ông vai u thịt bắp, mấy thằng chả chẳng liệu sức, kéo dài cùng lắm là ba lá thư là nàng cho leo cây".



(thư từ nhà văn Hồ Trường An gửi cho nhà văn Hồ Đình Nghiêm, tài liệu của nhà văn HDN)

 

Trong lúc Nguyễn Thị Lệ Liễu và tôi cùng làm trang Tuyển Tập Thơ Tình Nam 1975, chúng tôi cùng khám phá ra trước 1975 có một số bút danh nữ nhưng thực ra là nam, ví dụ như  nhà thơ Nguyễn Bạch Dương ký tên Lê Thị Tư, Võ Tấn Khanh ký tên Tôn Nữ Hoài My,  Nguyễn Phú Long ký tên Hoàng Thị Bích Ni

Lâu lâu nhắc lại điều này để thấy sự không thật của thế giới văn chương . Tác phẩm là tác phẩm . Nó không phải là đời thật

Nhưng sự giả của những lời viết  có thể làm cho nhân loại hoa mắt, mù lòng, và tin lấy tin để vào những lời viết giả dối ấy.

Tôi là người đã từng tin vào LỜI dối gian ấy lâu năm . Trong nhiều năm tuổi nhỏ, tôi đã tin những tác phẩm viết trong giấy, những lời kinh đọc trong nhà thờ, những lời tụng trong chùa là SỰ THẬT

Và rồi chính tôi, kẻ cũng đã rất ái ngại về Sự Thật trong đời viết và đời sống, như tôi viết: “Kẻ Ám Ảnh Sự Thật

 

LÊ THỊ HUỆ
KẺ ÁM ẢNH SỰ THẬT

Hai mươi năm tôi giấu sự thật như giấu một đề thi
Hai mươi năm tôi tìm kiếm sự thật trong những cơn bay
qua bao nhiêu bến bờ lạ


Đêm đêm về ghì siết sự thật
lạnh như băng
sắc như một nhát dao
cứa xẻ tim tôi chỉ một đường gân sự thật


Run rẩy như tên khờ
không giấu nổi sự thật
mộng mơ vén cuộc đời bằng hài tím tuổi thơ
xiếc vèo vèo qua chiếc đu dây ngay thẳng 

Sự thật làm tim tôi khó thở
chết ngất in một năm mù mịt giữa xuân thì
sống dậy thấy mình thành người đàn bà quá quắt
chỉ ân ái với sự thật 

Hai mươi năm tôi chọn làm kẻ bòn hương cho sự thật
với tấm lòng mối lái cải lương
say sưa ca hát qua những phỉnh phờ
trên môi những người khôn khéo lời
trong mắt những người gian ngoan ngọt

tấm thảm đỏ giữa đời không sự thật
tôi qua sông nhung lẻ loi
chọn cơ đơn làm lữ hành
nước mắt có khi rơi xuống 
giữa những cơn xử trảm của tưởng như bạn
đòi xẻo lưỡi tôi vì đã nói lên sự thật
 

Đốm lửa nhỏ nhoi
đã kiên trì đi cùng tôi qua suốt kiếp
có khi tôi phải tự ấm một mình
để không quỵ ngã giữa những cơn say
sự thật 

1.1.1995


Kẻ Ám Ảnh Sự Thật qua giọng đọc của Lê Thị Huệ

 

 

 Và như nhạc sĩ Billy Joel viết “Honesty

BILLY JOEL
HONESTY

If you search for tenderness -  Nếu bạn kiếm tìm chút âu yếm
It isn't hard to find –  Nó không khó kiếm
You can have the love you need to live -Bạn có thể sở hữu tình yêu để sống
But if you look for truthfulness – Nhưng khi tìm sự thật
You might just as well be blind – Bạn có thể mù lòa đi
It always seems to be so hard to give - Sao sự thật luôn luôn khó quá để tặng trao

Honesty is such a lonely word – Thành thật là một từ cô độc
Everyone is so untrue – Sao nhân loại cứ dối gian
Honesty is hardly ever heard – Sao Chân Thật khó được phát ngôn
And mostly what I need from you – Và chính ra đó là điều tôi cần ở bạn

I can always find someone – Tôi luôn luôn có thể tìm ra người
To say they sympathize – Nói họ thông cảm
If I wear my heart out on my sleeve – Nếu tôi phơi tim ra ngoài tay áo
But I don't want some pretty face- Nhưng tôi không cần một khuôn mặt hoa xinh đẹp
To tell me pretty lies – Mà nói với tôi những lời gian dối
All I want is someone to believe – Tôi chỉ cần người tôi tin được

Honesty is such a lonely word - Chân Thật là một từ cô độc
Everyone is so untrue - Sao nhân loại cứ dối gian
Honesty is hardly ever heard - Sao Chân Thật khó được phát ngôn
And mostly what I need from you- Và chính ra đó là điều tôi cần ở bạn

I can find a lover – Tôi có thể kiếm được một người tình
I can find a friend – Tôi có thể kiếm được một người bạn
I can have security – Tôi có thể cảm thấy an toàn
Until the bitter end – Cho đến cuối chặng đường đắng cay
Anyone can comfort me – Người nào cũng có thể an ủi tôi
With promises again – Đầy những hứa hẹn
I know, I know – Tôi biết , tôi biết

When I'm deep inside of me – Lúc mà tôi cố thủ trong tôi
Don't be too concerned – Đừng có mà lo lắng chi
I won't ask for nothin' while I'm gone – Tôi không đòi hỏi điều chi khi tôi rời xa
But when I want sincerity – Nhưng khi tôi nói tôi cần Sự Chân Thành
Tell me where else can I turn – Hãy cho tôi biết tôi có thể tìm ra nó nơi đâu
Cause you're the one that I depend upon – Vì bạn chỉ có bạn là người mà tôi nương cậy

Honesty is such a lonely word- Chân Thật là một từ cô đơn
Everyone is so untrue- Sao nhân loại cứ gian dối
Honesty is hardly ever heard - Sao Chân Thật không bao giờ được nghe
And mostly what I need from you- Và chính ra đó là điều tôi cần ở bạn

 

Nghe Billy Joel hát Honesty trên Youtube

 

Có lẽ con người sinh ra từ một hũ Chân Thật là bào nhau của mẹ. Sống là bươi ra khỏi hũ nhau rồi tập khời cái thật lẫn cái giả để tìm cách sống sót và tìm cách chiến thắng. Khi chết, con người bày ra một hũ giả Thiên Đàng và Niết Bàn để chui vào

Những tác phẩm sáng tạo của loài người, từ Kinh Thánh Kinh Phật cho đến Harry Potter, là giả dối từ căn bản

Mang lên bàn cân, xem ra, đời sống già giả dối hơn chân thật ./.





 

Mùa Xuân Con Tý 2020
Sân Nhà Gió O

Lê Thị Huệ