đọc
trong mùa Tết
photo: Phạm Chu Thái
PHẠM CHU THÁI
CHIẾC GHẾ CÔNG VIÊN
tản mạn
Trên chiếc ghế công viên trong thành phố , người ta khắc lên hàng chữ :
“ Un peuple qui lit ne sera jamais un peuple d’esclaves ”
Nghĩa là : Một dân tộc (có khả năng , biết , thích) đọc thì sẽ chẳng bao giờ là một dân tộc nô lệ . Nhưng điều ấy có thật sự Đúng không ? Một dân tộc biết đọc , có thể có tràn lan sách vở tạp chí kiến thức chánh trị kỷ thuật khoa học danh nhân văn chương tiểu thuyết thi ca ngôn ngữ , có thể có không ít : Thạc sĩ , Tiến sỉ , Phó tiến sĩ ; có rất nhiều đếm không xiết : Thi sĩ , Văn sĩ , Họa sĩ , Nhạc sĩ , Tu sĩ , Đạo sĩ ; rồi lại không thiếu : Bác sĩ , Nha sĩ , Dược sĩ , Kỷ sư , Luật sư , Giáo sư , Ký giả , Học giả , Dịch giả ,Trí thức giả , Thượng tướng , Đại tướng , Thượng tá , Đại tá , Luật pháp , Công an , Dân biểu , Quốc hội , AK-47 , B-40 , T-54 … Nhưng có thể đó vẫn là một dân tộc nô lệ , như nồi ếch bị nung bởi “Vòng-Kim-Cô-Đỏ” yêu nghiệt . Có cần chứng minh không ? Các bậc Tiền nhân đất nước nó , cả làng chỉ được một vài người đi học , đa phần đều mù chữ , không biết đọc , chỉ biết : đánh cá , đốn củi , làm ruộng , làm mắm , thợ nề , thợ mộc , thợ rèn , thợ nung , dệt lụa , lát tre , chăn trâu , chăn bò , nuôi heo , nuôi vịt… Nhưng họ lại tạo dựng được một giang sơn , giữ gìn được một bờ cõi , biết chống ngoại xâm và tổ chức được một nếp sống gạo trắng trăng thanh , thái hòa gấm vóc , hình thành một dân tộc trãi mấy nghìn năm . Thế thì câu văn khắc trên chiếc ghế công viên trong thành phố là Sai chăng ? Nhưng nếu cứ một mực bảo rằng : thành phố này họ không ngu , da trắng thì chẳng bao giờ họ lại dại , câu văn khắc trên chiếc ghế công viên của họ dứt khoát là phải Đúng ; thì lại phải hiểu rằng : Tổ Tiên tuy mù chữ nhưng đều biết đọc . Họ đọc cái gì ? Họ đọc trong cái gọi là Vô-Tự-Chân-Kinh . Vô-Tự-Chân-Kinh là gì ? Vô-Tự-Chân-Kinh , kinh không có chữ , nên đơn sơ chỉ thuần là một khối CHÂN-TÌNH sâu nặng : tình non sông , tình đất nước , tình quê hương , cốt nhục , đồng bào , ruộng lúa , thôn làng , vườn rau , bụi chuối , hoa gạo , hoa ngâu , hàng cau , hàng dừa , hoàng hôn , bếp lửa , con trâu , con bò , con voi , con ngựa (War Horse) , con chó (Hachi) , hòn vọng phu , giọt máu đào , nồi cà bung , mắm tôm chanh , đậu phụ rán , tô canh chua , bông điên điển , giàn thiên lý , khói lam chiều , mưa nửa đêm , tình sơn nữ , trăng thiếu phụ , thùy dương rủ bóng , hoa xoan bên thềm … Nó chủ quan cho rằng : Mê-Linh , Bạch-Đằng , Diên-Hồng , Chi-Lăng , Hàm-Tử , Chương-Dương , Vạn-Kiếp , Lam-Sơn , Ngọc-Hồi , Đống-Đa … cũng là đều từ đó mà muôn dân khởi sinh giành độc lập , bảo toàn lãnh thổ . Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi / Hỡi anh trên đường cái quan / Dừng chân đứng lại nghe em đây ca đôi lời … cũng là đều từ đó mà anh trai tráng và chị gái quê , chàng văn nhân và cô ca sĩ đồng khởi cuộc giao hoan , lưỡng nghi hợp nhất mà bảo tồn nòi giống . Hơn trăm năm nay , thiên hạ sính duy tân , đã ngấm ngầm khinh rẻ và đánh tráo khối CHÂN-TÌNH ấy bằng những Étiquettes , bằng những khái niệm trừu tượng văn minh theo đuôi học mót , bằng những mối tình vờ hàng mã , vải thưa che mắt thánh : CÁCH MẠNG , DUY TÂN , XÃ HỘI , QUỐC TẾ , CỘNG SẢN , BÌNH ĐẲNG , DÂN CHÙ , TỰ DO , KHOA HỌC , HIỆN ĐẠI , TIẾN BỘ … Sophocle có sống lại , nghe Freud giảng dạy về cách mạng duy tân Phân-Tâm-Học , thì cũng chẳng còn nhận ra nhân vật Oedipe của mình khi xưa . Tố Như tiên sinh có tấm lòng hoài cổ , ghé lại thăm Thăng Long Thành , ngồi xuống ăn tô bún ốc , nghe lại thanh âm cố hương-hiện đại văn hóa nhân văn đỉnh cao xã hội chủ nghĩa dân chủ tiến bộ , ắt cũng kinh hoàng bật dậy mà giã biệt kinh kỳ .
Nó lái xe trở lại thăm thành phố , nơi 40 năm trước nó ở thuê trong căn hộ 1 phòng ngủ dưới chân chiếc cầu cổ đại nhất của thành phố , bước đầu cuộc đời tị nạn lưu vong . Rồi nó đã quen thuộc dần từng con đường góc phố trạm Métro giáo đường thư viện hàng quán rạp chớp bóng tiệm sách tiệm nhạc tiệm cà phê . Hôm nay , nó cố ý đậu xe rất xa , để được dịp thả bộ lang thang nơi phố cũ hè xưa , ôn lại biết bao kỷ niệm , rồi sẽ ghé quán cà phê quen thuộc thuở còn thanh xuân , nơi khu Vieux-Port dưới chân cầu , uống tách cà phê đen , thật nóng . Ngang qua công viên thành phố , chỉ vì vô tình nhìn thấy hàng chữ khắc trên chiếc ghế , khiến nó đứng lại thừ người , rũ xuống trên ghế đá công viên , bất động như một gã vô gia cư không nhà : mặc cảm phận mình , biết đọc biết abc có Tú Tài , mà nỡ đành thua kém 47 chàng Ronin mù chữ . Nó nghe Nana Mouskouri hát Je chante avec toi LIBERTÉ (Nabucco/Verdi) , nhưng nó cũng biết Bùi Thị Xuân mới là người hiểu trong máu thịt thế nào là TỰ DO khi cỡi voi ra trận , và kẻ nghìn năm xưa lặn xuống đáy sông cắm cọc Bạch Đằng mới là kẻ đã cảm nhận thực sự trong xương tủy thế nào là DÂN CHỦ .
*
Thời Xuân-Thu , trên bước đường hành lịch lữ thứ chu du , một lần dừng lại nhìn người ta hành Lễ và tấu Nhạc , Phu-tử cúi đầu khẽ than : Lễ vân , Lễ vân …. Nhạc vân , Nhạc vân …. ( Lễ mà như thế sao ? Lễ mà như thế sao ? …. Nhạc mà như thế sao ? Nhạc mà như thế sao ? …. ) . Lời than hắt hiu nơi chốn Đông Phương cổ đại ấy , nó trộm nghĩ , thi sĩ René Char chẳng thể biết , chẳng thể nghe . Nhưng chẳng hề gì . Trong vòng vây xiết chặt truy sát của bọn Gestapo nơi vùng rừng núi Basses-Alpes miền Nam nước Pháp trong Thế Chiến Đệ Nhị , bị trúng 2 tràng đạn , từng mảng thịt bung ra , dòng máu tươi đỏ thắm phun trào trên lớp tuyết , người chiến hữu cạnh Char trước khi ngã xuống , chỉ kịp kêu lên giữa thanh âm 2 tràng đạn , tiếng “Madame !” rồi từ giã . Nhưng may thay , trận bão tuyết từ dãy núi Alpes càng lúc càng dày đặc đổ xuống cánh rừng đã cứu mạng Char và đồng đội . Hoàn cảnh họ lúc ấy như cá . Không có lớp tuyết giá băng phủ kín trên mặt hồ che chở , thì cá hồ Léman đã thành mồi cho bọn thợ câu . Khuya đêm ấy , náu mình trong hốc núi , Char đã ghi xuất thần trong sổ tay của mình một câu văn rất thơ , rất hiu hắt : Nous errons auprès de margelles dont on a soustrait les puits ! ( Chúng ta đi quanh bờ giếng mà nước giếng ở bên trong thì đã bị người ta rút cắp hết rồi ! ) . Ba chữ “Bất-Bạo-Động” xưa kia của Gandhi , thì ngày nay cũng cùng chung số phận với giếng nước kia : Bờ thì còn , Ruột thì đã bị cắp , bị tráo hết rồi ! Nhưng nào chỉ riêng Gandhi phải gánh chịu thảm họa đó , còn vài kẻ khác nữa .
*
Cuốn sách Le Secret des Vietnamiennes (xb 2017) của nhá văn Kim Thúy , cô bé boat-people lúc 10 tuổi , không hẳn là cuốn sách về gia chánh , về bí cấp ẩm thực mà người phụ nữ xử dụng như một trong những vũ khí chiến lược , như người ta thường nói , để đi chinh phục . Bởi bên trong cuốn sách , tác giả còn chủ đích gửi gấm tâm tình đến tha nhân . Tha nhân trước hết là cốt nhục : Mẹ (Dì 3) , Dì 4 , Dì 5 , Dì 6 , Dì 7 , Dì 8 và Bà Ngoại . Rồi bè bạn : Monique , Nathalie , Éric , Sarah , Trí , Quốc , Marike Paradis … Đem tâm tình gửi vào chuyện bếp núc , đòi hỏi một nghệ thuật , và tài năng của tác giả , chính là : nghệ thuật dùng chữ nghĩa để chế biến món ăn từ vật chất thăng hoa cho xác thịt có được một linh hồn . Nó ái mộ tài năng đó , cô bé đó . Nó ăn bát cơm canh rau đay cua đồng , rau lang chấm mắm cáy từ tấm bé , lớn lên tha phương khách địa , đôi lúc bên mâm cơm chiều lữ thứ mà nhớ lại bát canh cua đồng rau lang mắm cáy quê nhà tấm bé đó , nó nhớ Bà nó , Mẹ nó . Nhưng nó hổ thẹn không có khả năng nghệ thuật chữ nghĩa để biểu lộ tâm tình , chỉ biết nấc lên : Bà ơi ! Mợ ơi ! Nó đoc quyển sách Le Secret đã một năm nay , bây giờ mỗi khi nhớ lại , nó nhớ nụ cười Kim Thúy nơi bìa sách và một câu văn tác giả viết về con mắt của Bà Ngoại nơi gần cuối sách : “ Elle voyait nos tristesses derrière nos sourires ” . Con mắt Bà Ngoại tỵ nạn lưu vong ấy , nó nghĩ , nào có khác gì con mắt vị vua Salomon phân biệt được đâu là người Mẹ thực . Nó cũng đã đọc mấy chục năm rồi , lá thư của Martin Heidegger , viết cuối năm 1945 , gửi cho người bạn là Jean Beaufret ( sau được in thành sách với tựa đề Pháp ngữ : Lettre sur l’humanisme ) , mà sau này mỗi khi nhớ lại lá thư ấy , nó lại nhớ đến con mắt , câu nói của Héraclite , mùa Đông ngồi sưởi bên lò nướng bánh , ngoắc tay vẫy gọi bọn trí thức học giả hiếu kỳ đến gần và chậm rãi nói : “Ici aussi les dieux sont présents “ . Và đó cũng chính là con mắt mà Mộng Liên Đường Chủ Nhân gọi là : “Con mắt trông thấu cả sáu cõi “ , khi viết về tác giả Đoạn Trường Tân Thanh . Hỏi Albert Camus , tác giả cuốn sách Malentendu : Mùa Thu là gì ? Con mắt Camus sâu lắng trả lời : Đó là Mùa Xuân thứ hai . Nhìn về thế kỷ quá khứ : Miên Trường phía sau , con mắt xanh Bùi Giáng lại thấy ra thế kỷ vị lai : Mùa Xuân phía trước . Đứng bên bờ sông Sorgue , lặng ngắm dòng nước chảy , như Phu-tử xưa kia đứng trên cầu , René Char cũng nhìn thấy ra lẽ biến dịch huyền vi : Pour l’Aurore , la disgrâce c’est le jour qui va venir ; pour le Crépuscule c’est la nuit qui engloutit ... Nó tin trên Đời này , có những người sở hữu được con mắt đó , cái nhìn đó . Nhưng tại sao họ lại có ? Bảo rằng Trời phú , không Sai , nhưng không hẳn Đúng . Để có được con mắt đó , tâm nhãn đó , những con người công chính đó , như Empédocle và ngọn núi lửa Etna , đều phải thọ lãnh cuộc đóng đinh trên thập giá Đời và tôi luyện suốt bình sinh trong lửa thiêng Lò Cừ đạo hạnh .
*
Bao giờ trở lại Đồng Bương Cấn
Những con người sinh ra và lớn lên trong Thế Kỷ 20 , chẳng thể nào quên được câu thơ trên của Quang Dũng . Câu thơ nói lên tâm trạng xa Quê và nhớ Quê . Ai trong chúng ta cũng đều xa Quê và nhớ Quê . Ai trong chúng ta cũng đều có một Đồng Bương Cấn riêng tư trong lòng : đó là Cà Mau , là Hà Tiên , là An Giang , là Rạch Giá , là Gò Công , là Cần Thơ , là Sa Đéc , là Sàigòn , là Đà Lạt , là Phan Thiết , là Nha Trang , là Huế , là Hội An , là Đà Nẵng , là Quảng Trị , là Hải Phòng , là Hà Nội , là Nam Định , là Sơn Tây , là Thái Nguyên , là Lạng Sơn , là Cao Bằng , là Móng Cái … Nhưng trên tất cả những dị biệt hữu hình hữu danh đó , chúng có một tên chung , một cơ thể , đó là Việt Nam . Nhưng chúng ta không thể nào quên câu thơ ấy , không phải chỉ vì có thế . Bởi nó còn khơi dậy lên trong ký ức chúng ta một thời điểm . Thời điểm khởi sinh một chu kỳ hủy hoại tang tóc thê lương vô tận cho giống nòi . Vào giữa Thế Kỷ 20 , khi Hoàng Cầm nhìn con sông Đuống nằm nghiêng nghiêng , tâm hồn còn ở cái thuở mơ mộng bay bổng theo “kháng chiến trường kỳ” , thì Đôi Mắt Người Sơn Tây đã nhìn ra “u uẩn chiều luân lạc” . Và đặt câu hỏi : Bao giờ trở lại . Câu hỏi tuy đặt ra , nhưng tác giả và người đọc đều hồ như linh cảm sẽ chẳng bao giờ có ngày trở lại như ước mong . Bởi ngày trở lại thì đường hoa đình đền miếu mạo cây đa bến cũ đều đã tan nát chẳng thể nào khô ráo lệ , sáo diều vi vút lúa vàng Sài-Sơn đêm trăng sông Đáy cá chép Đầm Bung cũng đều đã điêu tàn hoang liêu trong “tiêu thổ trường kỳ” . Ngày trở lại thì gia tộc họ hàng đều phân ly , đồng bào sắc tộc ruột thịt trở nên thù hận giết hại lẫn nhau trong cao trào văn minh Cách Mạng , trong tiến trình giai cấp đấu tranh-cải cách ruộng đất-chuyên chính vô sản của biện chứng pháp vô thần . Những họng pháo liên tục trong 57 ngày đêm nã xuống lòng chảo Điện Biên 1954 , tưởng rằng chỉ để đền đáp ân tình tiếng súng thần công hơn trăm năm trước bắn vào Cửa Hàn 1847 , nhưng có đâu ngờ đó còn là tràng pháo lệnh , tín hiệu một sự thay đổi sắc màu . Từ sắc màu Thực-Dân-Trắng-Phú-Lang-Sa đổi màu Thực-Dân-Đỏ-Xô-Tầu . Từ văn minh Giáo-Đường-Thiên-Chúa-Giáo xuống nền văn minh Thủy-Lợi-Mác-Lê-Mao . “Ngày ấy Thanh Bình chắc nở hoa” rồi cũng sẽ chẳng bao giờ có . Bởi đội ngũ liên minh vô sản còn tham vọng không ngừng “đốt cháy Trường Sơn” , mà dã tâm đích thực là gây cuộc binh đao , Trường Sơn chỉ là ẩn dụ , để đem thí đem thui đem nướng đem đốt cháy cho chết mẹ hết chết chùm hết người Việt Nam từ Nam Quan đến Cà Mau . Chỉ có thế mới trên cả tuyệt vời , mới xứng danh tiền phong cải tạo nhân loại đến một cứu cánh thế giới đại đồng . Sanh mạng Việt Nam chỉ thuần là phương tiện : con người , theo Marx , chỉ thuần là vật thể , chỉ thuần là công cụ lao động ; theo Mao , là lễ vật tế thần , xương cốt là củi , máu lệ là dầu , cho giàn hỏa cách mạng văn hóa vô sản cháy lên cháy lên giải phóng lên giải phóng lên anh hùng lên anh hùng lên trên lễ đài hữu nghị một nhà anh em DUY VẬT-VÔ THẦN . Giết ! Giết nữa ! Bàn tay không phút nghỉ . Đó không phải Thơ , đó là Cương Lĩnh chỉ đạo xuyên suốt , là nền tảng Đạo-Đức-Đỏ của Giai-Cấp-Đỏ , mà quỷ quyệt-đểu cáng-sát nhân là 3 bản sắc đặc thù , bất khả phân ly . Hòa Bình-Thống Nhất mà Cộng Sản đem lại , thì lại còn bạo tàn ghê tởm tinh vi hơn cả chiến tranh . Bởi vì sao ? Bởi vì đó là Sa-Mạc . Chiến tranh hay Đại-Chiến thì cũng chỉ dăm năm là ngưng . Sa-Mạc thì dai dẳng . Sa Mạc-Cộng Sản còn gớm guốc ghê rợn hơn cả sa mạc Sahara . Sahara chỉ phô bày cái mênh mông của cát vàng , thanh âm của Sahara là im lặng của vô biên . Sa Mạc-Cộng Sản thì làm cạn kiệt khô héo tình người , nhân dân hóa thành Ma thành Qủy , vì đã bị mác-xích-hóa , quản-lý-hóa , sa-mạc-hóa trong hang tối trường kỳ . Trong trường kỳ hang tối ấy : mọi bông Hồng đều phải học lao động , mọi chim Én đều phải bị cắt họng , mọi bó đuốc đều phải bị dập tắt và mọi Prométhée đều phải bị giá họa vu oan rỉa xác . Chẳng có Sa-Mạc nào trên lục địa trần gian này mà St-Exupéry đã hằng trãi nghiệm trong những chuyến bay đêm có thể sánh bằng cái Sa Mạc-Cộng Sản . Khi ta nhớ đến câu thơ , ta chẳng thể không nhớ đến thời điểm phát sinh , là vì thế . Một câu thơ , nêu một câu hỏi , xem nhẹ tợ lông Hồng , nhưng lại mang theo trong nó giông bão cuồng phong . Đúng thay ! Les paroles les plus calmes sont celles qui amènent l’orage– Nietzsche . Khác thay ! Giông bão Đất-Trời qua đi , để lại cho nhân gian Bảy Sắc Cầu Vòng ; giông bão Cộng Sản qua đi , để lại cho Đời mùi Xú Uế Thiên Thu ! Và tất cả đó , chính là ý nghĩa vô ngôn tàng ẩn trong phần Hình-nhi-hạ của câu thơ : Bao giờ trở lại Đồng Bương Cấn . Và vì thế , cũng sẽ là câu thơ mở đầu cho trang Sử Việt đầy oan khốc trong thời kỳ nô lệ Thực Dân Đỏ , giờ đây đã tan nhưng chưa rã .
Bao giờ trở lại Đồng Bương Cấn , còn cần được hiểu thêm trên bình diện khác , phần Hình-nhi-thượng . Đi vào Hình-nhi-thượng , thì phải đoạn tuyệt tình trần . Tất cả những đắng cay của tang hải và tình sử bướm hoa mật ngọt của Dưỡng Chất Trần Gian đều phải được khâm liệm . Cùng ở trong cánh Rừng Thệ-Đa : người nghe được thanh âm của Tào-Khê , người không nghe ; kẻ thầm lặng thấy trên dòng sông Bỉ Ngạn : Ác Qủy Gian Tà và Thiên Thần Chính Trực trong vô lượng sắc màu cảnh giới , kẻ thì nhảy dựng lên la toáng : Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu , thì đó cũng đều tùy theo căn cơ duyên nghiệp của từng người . Cùng cư lưu trên Quả Địa Cầu : Tôi da vàng , Anh da trắng , Chị da đen , Cô da nâu , Em da đỏ , có khác nhau màu da nhưng chúng ta cùng chung nhau một Định Mệnh , cùng bình đẳng với nhau trong Chỉ Số . Định Mệnh gì ? Đó là : chính giây phút mở mắt chào Đời , thì cũng là phút giây bắt đầu trên nẻo về Ly Biệt . Chỉ Số gì ? Đó là : Tôi triệu phú , Anh tỷ phú , Chị khố rách , Cô áo vá , Em ngực trần , chúng ta sẽ cùng bình đẳng tuyệt đối chia nhau một chỉ số KHÔNG khi giã từ . Giã từ đi về đâu ? Đi về Đồng Bương Cấn . Đồng Bương Cấn không phải là địa danh một cánh đồng nơi một vùng làng quê Bắc-Việt . Nếu phải hình dung , thì đó là một cõi bờ vô bờ cõi nơi chốn phù quang lược ảnh , thiên nhưỡng phân kỳ . Nếu phải dịch Đồng Bương Cấn ra ngoại ngữ , thì phải dịch ra sao ? Chắc phải dịch ra là Ithaque , là Ithaka (Ithaca) . Ithaque , Ithaka không phải chỉ là tên một hòn đảo độ trăm mét vuông nằm trong Địa-Trung-Hải , thuộc lãnh thổ Hy-Lạp , như các hướng dẫn viên du lịch trình bày . Ithaque , Ithaka lại cũng không phải chỉ là Vương Quốc riêng của Ulysse , sau khi đã kiệt sức mất dần dương khí bởi mùi thiên hương từ hai cánh hoa Lan vương giả hồ điệp kề bên một khe rãnh cực lạc hớ hênh giữa hai bờ cỏ thơm phương thảo trong hang động bất tử trường sanh của thần nữ Calypso , người chiến binh đầy mưu trí Con Ngựa Thành Troie trong chiến trận đã dần dà , sau 7 năm ngụp lặn chìm đắm trên hoang đảo tình trường , phục hồi chân khí chân tâm mà giong buồm ra khơi trở về với người vợ thủy chung Pénélope đang ngày đêm trông ngóng nơi quê nhà . Ithaque , Ithaka , Đồng Bương Cấn phải được nhìn trong một viễn tượng lớn rộng thâm sâu siêu hình . Đó chính là : nẻo về Quê Chung của tất cả đứa con đi hoang dưới gầm Trời cổ kim trên Mặt Đất vạn đại bể dâu phù trầm . The greatest journeys are the one that bring you HOME , ý nghĩa là thế . Và có hiểu như thế , ta mới hiểu tại sao trong buổi lễ tang Jacqueline Kennedy-Onassis , trước khi đặt chiếc quan tài vào nằm sâu trong huyệt mộ , người ta đã đọc lên những vần thơ về Ithaka để tiễn đưa nàng lần cuối : Arriving there is what you are destined for …You will have understood by then what these ITHAKAS mean .
*
Quang Dũng
Sáo diều thổi suốt đêm khuya
Lúa vàng Bương Cấn xẻ chia vui buồn
Vòng quanh Phủ Quốc chậm nguồn
Bến bờ sông Đáy mưa phùn nhớ anh
( Bùi Giáng , điếu tang )
*
Ngưòi ta khuyên tuổi già nên đi du lịch , thăm viếng bè bạn . Tuổi trẻ nó đã đi du lịch , về già thì chán . Nó chán Eiffel , nó chán Venise , hoa anh đào Nhựt Bổn nó cũng hững hờ , nhìn phong cảnh văn hóa văn minh vô hồn Trung Quốc ngày nay thì Lý Bạch phải khóc , Thôi Hiệu phải khóc , Đỗ Phủ phải khóc , Lý Thương Ẩn phải khóc , Tô Đông Pha phải khóc , Bạch Cư Dị thì triền miên khóc ướt đẫm vạt áo xanh . Thăm viếng bè bạn , bè bạn thiết thân của nó cũng đã chết gần hết . Nó phải làm gì cho hết quãng Đời sau ? Giờ đây , Rừng-Núi là bạn thâm giao của nó , những con Suối , dòng Sông , Đại Dương-Đại Hải , đều được xem là những bè bạn tri âm chung thủy . Căn nhà gỗ bằng thân cây sồi và quãng đời sống trong rừng thẳm của H.D.Thoreau , theo nó , là căn nhà và quãng đời nên thơ nhất . Thời gian ấu thơ sống nơi thiên nhiên rừng núi Côn Sơn cùng Mẹ và Ông Ngoại sẽ mãi mãi còn ở trong tim Ức Trai cho đến lúc bạc đầu , mà những : Trận Bồ-Đằng sấm vang chớp giật / Miền Trà-Lân trúc chẻ tro bay / Đánh một trận sạch không kình ngạc / Đánh hai trận tan tác chim muông … về sau , đều là phát xuất từ mối tình đầu “đại trung” “đại hiếu” nguyên thủy ban sơ đó . Cô gái chèo ghe tam bản bán hoa trái trên sông nước Hậu-Giang xưa kia , là cô gái Việt có đời sống thương hồ hạnh phúc văn minh bậc nhất hoàn vũ , Coco Chanel không thể sánh bằng . Điều ấy thì Lão-tử , Thérèse D’Avila , Gandhi , Einstein , Tolstoy , Walt Whitman , Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đều nhất trí . Căn chòi gỗ đơn côi hiu quạnh nằm trong cánh rừng già Forêt-Noire , nơi chiều tối Heidegger một mình lội tuyết đến tự đốt củi trong lò , đun bình cà phê , chong ngọn đèn dầu viết thâu đêm trên chiếc bàn gỗ tự mình đóng lấy , thì theo nó , căn chòi ấy chính là Bà Mụ thiên tài đã cưu mang cho ra Đời những đứa con thượng thừa thái thậm cô liêu : suốt bình sinh bõ công phác đất gieo hạt nhưng chẳng bao giờ được nhìn thấy buổi gặt hái mùa màng trong nghìn năm Thế Dạ . Car le Dieu songeant / Déteste / La croissance prématurée (Hölderlin) / Hãy xin hết kiếp liễu bồ / Sông Tiền-Đường sẽ hẹn hò về sau (Nguyễn Du) . Đi lầm lủi trong rừng , nhất là trong cảnh Mùa Đông Bắc-Cực tuyết rơi phủ trắng Đất-Trời , không gian cảnh vật hồ như nguyên thủy không một sinh linh bóng người . Một lần , trong màn sương , nó nhìn thấy cụ già mái tóc dầy bạc trắng khuôn mặt chữ điền rám nắng mặc quần đen áo nâu đội nón lá ngồi đan giỏ bên con đường làng , lững thững đi qua rồi nó mới hốt hoảng nhận ra chính là hình ảnh tổ tiên Phạm Ngũ Lão ngồi đan giỏ trên con đường làng Phù-Ủng quê mẹ . Đi Tây đi Rome về , thần khí văn hóa văn minh Tây-phương như nắm gọn trong lòng hai bàn tay , tại sao Nguyễn Trường Tộ vẫn còn mang guốc mộc mặc áo the đội khăn đống , bóng hình lãng đãng , như gần như xa , sắc mặt mông lung u buồn bất oán Thiên bất vưu Nhân , mà 41 năm sinh thời nó luôn ngưỡng phục kính yêu như người Anh Cả . Nó nghĩ , tâm sự u uất của Phan Hiển Đạo , Tôn Thọ Tường , thì sau này Phan Thanh Giản sẽ thập phần chua xót nhận ra , trước khi uống độc dược . Cũng là trong lúc đang lặng nhìn sa số Bông Trời phủ trắng cả Rừng Thông trên dốc Núi , ngẫu nhiên nó ngậm ngùi nhớ họ . Rồi những pho cổ lục , những trang sách xưa , những câu thơ xưa , những người xưa , không ước hẹn gì với nó , lại vô tình hiện về trong nghìn bước chân đi : tại sao trong buổi gặp Tản Đà và Nguyễn Thái Học nơi tòa soạn báo An Nam ở phố Hàng Lọng , người thi sĩ sông Đà núi Tản lại thốt lên câu “Ngài không hiểu bụng tôi” rồi lui vào nhà trong ? Giữa Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi luôn có sự ngăn cách , giữa Chương Dân và Lệ Thần không thể có đối thoại dài lâu , tại sao ? Trong gang tấc lại gấp mười quan san , ý nghĩa là sao ? Tại sao luôn có sự ngộ nhận thiếu cảm thông trên Đời ? Tại sao lại có Bi-kịch ? Biết nói gì đây : Ngày anh xa vắng , phấn son xếp lại chẳng dùng … Khi hoa vừa hé nhụy thì đời trai đi chinh chiến … Tôi thương mái chèo xưa … Nếu tôi đừng đưa em … I remember the night and the Tennessee Waltz … Those were the days … Somehow You needed me …I did it My Way … Có cặp tình nhân nào trên đời này yêu nhau hơn Tristan và Yseult , nhưng sao định mệnh lứa đôi lại tang tóc bi thương . Et si tu n’existais pas / Dis-moi pourquoi j’existerais . Martha sát hại Jan , người anh của mình , tại sao ? Achìlle quyết đấu Hector , để được gì ? Chiếc Cầu Sông Kwai nên lưu lại hay phá hủy ? Tại sao Mã phu nhân lại nhẫn tâm ác độc ám hại vị đại hiệp Kiều Phong ? Tại sao Simone de Beauvoir lại căm hờn thù oán Albert Camus đến chết ? Rồi cái chết trong dòng nước sông Cầu của Thiều Chửu ? Cái chết trong lòng chiến xa của anh em Ngô-Đình ? Rồi những đồi sim tím tóc nàng hãy còn xanh của Hữu Loan , con mắt mù của Thụy An , ấm trà Tân Cương quất mãi nước sôi / trà đau nát bã của Phùng Cung , Con Đĩ Chống Đảng-Tiếng Súng Hoa Cải và Chiếc Dép Thủ Thiêm . Ánh mắt trầm buồn khi ngồi xuống viết bộ Nho Giáo của Trần Trọng Kim , câu nói cuối cùng của Simone Weil trước khi khép mắt vĩnh biệt trần thế , chỉ có Thích-Ca hay Jésus-Christ mới có thể nói được một câu nói có hồn như thế , đôi mắt xanh ngời sáng và nụ cười hóm hém Gandhi của Bùi Giáng làm sao mà quên được . Nụ cười chân không Đông-Phương ấy , theo nó , chính là sắc trắng diệu hữu của những bông hoa Hạnh (Amandiers) một buổi sớm mai bừng nở nơi vùng đất Alger mà Albert Camus hằng tưởng đến trong những đêm đông Paris giá lạnh giữa một Âu-Châu đang lầm than trong khói lửa . Rồi những gương mặt trẻ thơ Á-Châu của Thằng Vũ-Bồn Lừa-Dzũng Đakao sau khi tan học chiều chiều cùng đá banh sân Hoa- Lư năm xưa của thằng Oanh , thằng Thực , thằng Trình , thằng Trung , thằng Lộc , thằng Lượng , thằng Đạm , thằng Nở , thằng Tài , thằng Thanh , thằng Thuận , thằng Tùng , thằng Qúi , thằng Tín , thằng Tàu , thằng Tiến , thằng Túy , thằng Kiều , thằng Minh , thằng Linh , thằng Đức , thằng Hoàng , thằng Hiển , thằng Vinh … chúng đã qua đi , nhưng chẳng thể mất . Đã 40 năm xa Quê chưa về , mỗi đầu Xuân ngày Tết , nó rơm rớm nước mắt . Nó không biết hát , nhưng nó cứ hát . Bước ra trình diễn trước đại sân khấu tráng lệ thiên nhiên của Núi Rừng hùng vĩ , nó cất tiếng hát : Tôi đi tìm lại một mùa Xuân / Dù không mong đến chuyện Tương Phùng / Sợ Xuân chưa hết mà Đông sang …Sợ khi tan biến … Sợ áo xanh phai … Tìm để mà tìm … Cái giọng gọi là hát ấy , khàn khàn lỗi nhịp , nghe rất nản , không được quyến rũ mê say trầm bổng như Andrea Bocelli-Romanza , lại càng không thể đạt được cái tố chất thiên phú ngọt ngào thủ thỉ Don Juan như Nguyễn Đình Toàn-Hỡi Em Yêu Dấu , nhưng chẳng ngờ lại có được tri âm , nhận được tràng pháo tay bao dung vô tận của muôn nghìn tùng bách , vang vang trong không gian tĩnh lặng vô thanh , trước cử tọa là hằng hà Thiên Nữ tán hoa : hoa tuyết trắng trinh bạch , đầy trời Bắc-Cực , rơi tha thiết xót xa trên chóp Núi , hương trinh buồn hơn khóc .
Bạn , nếu bạn có bắt chước nó mà mạo hiểm “du lịch” trong những con đường rừng , “thăm viếng” cố nhân bè bạn trong cảnh Trời tuyết băng giá lạnh hay trong cảnh Mưa Rừng siêu phàm thoát tục , thì khi trở về Hạ-giới , nó thành khẩn khuyên bạn : nên ăn ngay một tô phở nóng , thật cay , và uống ngay một ly cà phê đen , thật nóng . Rồi thong thả châm điếu thuốc . Chính giây phút ấy , nó tin rằng , bạn sẽ được đốn ngộ điều này : những bát phở mà Nguyễn Tuân miêu tả xưa kia , giờ thì đối với bạn chỉ còn là những bát phở căn cơ phàm phu , tiểu thừa ; những tách cà phê ở Saint-Germain-des-Prés , ở Deux Magots , ở Flore , ở Dôme mà Sartre và Beauvoir thường hay ngồi uống , giờ thì bạn thấy ra chỉ là những tách cà phê “Pharisiens” làm dáng , giả hình .
*
Khi hạ bút viết câu văn : “cái ĐẸP sẽ cứu rỗi Thế Giới” , thì Dostoïevski , nhà văn có gương mặt buồn nhất Thế Kỷ 19 , cũng có thừa sự công chính để nhận biết rằng mình chỉ là phân nửa tác giả , chỉ xứng đáng được hưởng phân nửa bản quyền . Phân nửa tác giả kia , phân nửa bản quyền kia , thì theo nó , là thuộc về Đôi Bầu Vú sáng ngời sức mạnh siêu nhiên , vừa cổ kính vừa tân kỳ , vừa bồng lai vừa hiện thực , của người thiếu phụ trong tranh Delacroix , tay cầm súng tay phất cao ngọn cờ khởi nghĩa , tiến công vào thành trì bạo quyền áp bức thống trị xưa nay : xưa là ngục thất Bastille , nay là ngục tù Cộng Sản . Hành động dũng cảm ấy , không còn là đặc sản riêng của một thời đại nào , chủng tộc nào , quốc gia nào . Nó đã trở thành biểu tượng chung cho toàn thể nhân loại thế giới kim cổ noi theo , chỉ bởi vì đó mới đích thực là : “cái ĐẸP cứu rỗi” .
Phạm Chu Thái
Hiver 2019 – Canada