đọc trong mùa Tết

 

NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

Biểu Tượng Heo Trong Huyền thoại, Điện ảnh, và Văn học

 

sưu tầm, dịch và tổng hợp

 

 

Người miền Nam gọi là con heo. Miền Bắc, gọi con lợn. Ở miền Nam có bánh da lợn và bánh tai heo. Không thấy ai nói bánh da heo và bánh tai lợn. Heo thì có heo nhà và heo rừng. Trong giống heo nhà có gồm chung một loại heo nhỏ, màu đen hoặc đốm đen, là heo mọi. Tiếng Anh có nhiều chữ để chỉ con heo, hoặc lợn. Mãi cho đến thế kỷ thứ mười chín, chữ “swine” là chữ được dùng thường xuyên nhất. “Pig” ban đầu được dùng để chỉ “a young swine” một con heo còn bé. “Boar” là heo nọc tuy nhiên thường dùng để chỉ loài heo rừng. “Sow” là heo nái. “Barrow” heo nọc bị thiến. “Hog” được dùng chung cho loại “swine” hoặc “barrow.” “Farrow” trước kia dùng để chỉ heo con, sau dùng để chỉ đàn heo con mới sinh.

 

Đối với người Do Thái và người Hồi Giáo, heo là con vật bẩn thỉu vì vậy giáo dân không được phép ăn thịt. Người nào không tuân theo giới cấm sẽ bị Chúa hay Giáo Chủ trừng phạt. Tuy vậy vẫn có những quốc gia, đưa loài heo vào hàng thần linh. Albina là một nữ thần Etruscan (thuộc về nước Ý thời cổ), gốc gác là một con heo nái màu trắng, tương tự với nữ thần Eridwen của huyền thoại Celtic (bao gồm các quốc gia Ireland, Scotland, Wales). Babi Ngepet là một con heo quỉ trong huyền thoại Indonesia. Huyền thoại Wales có Hen Wen là vị thần heo nái đã sinh ra con mèo khổng lồ Cat Palug về sau đánh nhau với Vua Arthur. Hildisvíni là con heo đực của vị thần Freyja trong huyền thoại Norse. Gullinbursti là một con heo nọc có bộ da với lông cứng bằng vàng mọc dọc theo xương sống. Bộ da này có thể chiếu sáng trong bóng tối. Gullinbursti được dùng làm quà tặng cho Frey, vị thần tượng trưng cho nắng và thời tiết tốt đẹp, bảo vệ sự sinh tồn và thịnh vượng cho loài người. Kamapua’a huyền thoại Hawaii là một cậu bé nửa người nửa heo, thần tượng trưng cho khả năng sinh sản và là thần bảo vệ của hòn đảo Maui. Moccus là một vị thần heo Celtic bảo vệ thợ săn và chiến sĩ. Trư Bát Giới là một con heo trong huyền thoại Trung quốc đã theo Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh. Sau cuộc thỉnh kinh thành công, Trư Bát Giới trở thành Bồ Tát.

 

Dường như người Tây phương thời cổ xưa vì sợ sự tàn phá của một loài heo rừng khổng lồ mà đưa chúng vào huyền thoại. Heo, được tôn thờ vì sợ hãi chứ không kính yêu. Lưu truyền mãi đến ngày hôm nay, heo luôn luôn là biểu tượng cho sự khinh ghét vì những đặc tính như dâm dục. Phim ảnh về tình dục tục tằn (pornography) được dịch ra là “phim con heo”. Con heo cũng là biểu tượng cua sự ngu xuẩn. Người Việt mình thường chê trách một người nào đó bằng thành ngữ “ngu như heo.”Tiếng Hy-lạp cổ có một thành ngữ được dùng để chỉ người ngu mà hay làm ra vẻ khôn ngoan dạy đời; đó là “a pig contending with Athena” có nghĩa là heo là dám đối đáp với Athena, vị nữ thần bảo hộ thành phố Athen. Bên cạnh hai con heo rừng của Calydon và Heracles, tôi sẽ kể bạn nghe sau đây, Hy lạp còn có con heo rừng (nái) Crommyonian sow là mẹ của con heo rừng Calydon, bị Theseus, vị thần lập nên thành phố Athen, giết chết. Câu chuyện heo Crommyonian cũng na ná như hai huyền thoại kia lại ít chi tiết ly kỳ nên tôi bỏ qua.

 

Cuộc săn heo rừng ở Calydon.

 

Figure 1 Cuộc săn heo rừng ở Calydon. Ảnh của Wikipedia

 

Calydon là một thành phố của Aetolia, vào thời Hy Lạp cổ, nằm ở bờ phía Tây của con sông Evenus cách bờ biển chừng 11 km. (Theo Wikipedia). Calydon vào thời ấy rất thịnh vượng, được nhắc nhở nhiều lần trong tác phẩm Iliad của Homer. Oeneus, vua của Calydon thường dâng hiến lễ vật cúng tế Artemis, nữ thần chúa tể ngành săn bắn, con của Zeus và là chị/em sinh đôi của thần Apollo. Có một năm, Oeneus quên kèm tên Artemis trong các món lễ dâng cúng các vị thần. Nổi giận vì cho là Oeneus khinh thường mình, Artemis thả con heo rừng khổng lồ của bà đến tàn phá tất cả ruộng vườn nhà cửa và giết hại dân chúng của Calydon. Dân chúng rút vào kinh thành cố thủ, con heo rừng lại canh ngay trước cửa thành khiến dân không thể cày cấy hay săn bắn, dần dần lâm vào nguy cơ bị chết đói. Oeneus kêu gọi anh tài cứu giúp quốc gia. Người nào giết con heo rừng khổng lồ này sẽ được thưởng bộ da và cặp nanh của nó.

 

Một người thì có lẽ khó mà thắng được con heo rừng của Artemis, tuy nhiên rất nhiều anh hùng của Calydon đã đáp ứng lời kêu gọi của Oeneus. Trông số này có Argonauts, đoàn quân đã từng đi săn con cừu thần có cánh với bộ lông bằng vàng, và hoàng tử Meleager, con vua Oeneus. Người yêu của Meleager là Atalanta, săn bắn rất tài giỏi, cũng được mời tham dự cuộc săn.

 

Atalanta, nguyên là con nuôi của Artemis. Thuở nhỏ đã từng được nuôi bằng sữa của Artemis. Lớn lên nàng thường được Artemis ủy quyền quán xuyến công việc. Tài năng của nàng vượt xa người thường. Hoàng tử Meleager giết chết con quái vật, tuy nhiên, phần thưởng cao quý của người chiến thắng được chàng trao cho Atalanta vì nàng là người đầu tiên bắn trọng thương con quái vật.

 

Đoàn săn bắn không đồng ý việc giải thưởng cao quý này lại được trao cho một người đàn bà. Mấy người con của Thestios, cậu của Meleager, cướp phần thưởng này, và vì thế Meleager giết cả cha lẫn con của người cậu. Ngày xưa, khi Meleager mới sinh ra, có một vị thần tiên tri, nhìn mấy cây que củi đang cháy trong lò sưởi, rồi bảo rằng: “Bao giờ cây củi ấy cháy hết, Meleager sẽ chết.” Mẹ của Meleager vội dập tắt cây củi rồi cất vào trong áo. Đang cơn giận con trai của mình giết chết em trai và cháu, bà rút cây củi đang giấu trong áo ném vào lửa, vì thế giết chết Meleager.

 

Người ta bảo rằng thần Artemis sai Atalanta đi giúp đoàn người săn con heo rừng khổng lồ để chia rẽ đoàn quân sâu xa hơn, và trả thù vua Oeneus. Trong cuộc săn, người này bắn lầm người kia, các vị anh hùng đâm ra thù oán giết chóc lẫn nhau, xã hội càng thêm hỗn loạn.

 

Bộ da con heo rừng được thờ trong đền Athena Alea ở Tegea, Laconia tương truyền được nhìn thấy hồi thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Bộ nanh heo rừng khổng lồ xứ Calydon, có chu vi gần 89 centimeters. Bài học duy nhất của cuộc săn heo lưu lại cho đời sau là sự qui tụ rất nhiều anh hùng (heroes) chung tay góp sức với nhau để cứu quốc gia đang gặp nạn.

 

 

Cuộc săn heo rừng của Heracles

 

Figure 2 – Heracles, Eurystheus, và Erymanthian Boar - Wikipedia

 

Người Hy-lạp cổ đưa heo rừng vào huyền thoại không chỉ một lần. Săn heo rừng trở thành một trong mười hai công việc khó nhọc mà Heracles phải thực hiện để chuộc tội.

 

Heracles (còn được biết bằng tên La-mã, Hercules) là con của Zeus. Vị chúa tể của các vị thần này có người vợ chính thức tên là Hera. Mẹ của Heracles là Alcmene, một trong những người vợ lẽ của ông. Hera vì ghen nên thường tìm cách hãm hại Heracles. Ngày chàng còn nằm nôi Hera cho hai con rắn thân tín của bà đến giết Heracles. Tuy nhiên, cậu bé Heracles đã bóp chết hai con rắn. Từ khi sinh ra chàng đã có một sức mạnh vô song. Hera không bỏ cuộc. Bà biến Heracles trở nên điên loạn, và trong cơn điên chàng đã giết chết vợ và các con.

 

Ân hận vì vợ con chết dưới tay mình, Heracles đến đền Delphi cầu xin với các nhà tiên tri lời sấm truyền chỉ cách cho chàng chuộc tội. Sấm truyền Heracles phải đến chầu vua Eurystheus, và thực hiện 12 công việc nhọc nhằn cực độ do vị vua này chọn lựa. Theo lệnh vua Eurystheus Heracles giết con sư tử thần Nimean rơi từ trên mặt trăng xuống, con rắn chín đầu Hydra, và bắt sống con tuần lộc có bộ lông bằng vàng, thú cưng của thần Artemis. Công việc thứ Tư, Eurystheus sai Heracles đi giết một con heo rừng khổng lồ sống trên núi Erymanthos thường xuyên xuống núi giết người và phá hoại mùa màng.

 

Tương tự trường hợp Calydon, heo rừng Erymanthos cũng do Artemis thả xuống trần gian để trừng phạt người dân. Erymanthus nhìn trộm vị nữ thần Aphrodite đang tắm, vì thế nàng đánh mù mắt Erymanthus, con của vị thần Apollo. Apollo trả thù cho con bằng cách sai con heo rừng (của Artemis) đi giết Adonis, người tình trẻ tuổi đẹp trai của Aphrodite. Robert Graves, một học giả chuyên nghiên cứu huyền thoại Hy-lạp, cho rằng đời sau ghi chép nhầm lẫn nên gán cho nữ thần Aphrodite, thật ra đó chính là Artemis.

 

Nếu tin theo giả thuyết của Robert Graves, câu truyện vừa kể bên trên trở thành, Erymanthus nhìn trộm Artemis tắm vì thế nữ thần đánh Erymanthus, cháu gọi bằng cô, đến mù mắt còn gửi cả con heo rừng đến phá hoại mùa màng trên vương quốc của cháu. Thật là một người cô hung tợn. Và Heracles phải giết con quái vật này để chuộc tội giết vợ con.

 

Trên đường đi giết con heo rừng Erymanthos, Heracles giải cứu Chiron, người bị xiềng trên đỉnh núi. Hằng ngày có con đại bàng đến rỉa gan của Chiron để ăn. Heracles giết chết chim đại bàng cứu Chiron, vì thế được ông ta chỉ cách để bắt giết con heo rừng khổng lồ Erymanthos. Vì đang giữa mùa đông, Heracles lùa con heo rừng vào cánh đồng tuyết thật dày khiến nó bị lún sâu không chạy được. Heracles bắt trói và khuân về để trước mặt Eurystheus. Hoảng sợ vì con thú khổng lồ và hung dữ, vua ra lệnh đem giam nó vào một cái chum khổng lồ “pithos” phân nửa chum được chôn dưới đất. Vẫn còn kinh sợ, vua Eurystheus van xin Heracles đem con quái thú đi thủ tiêu. Người đời sau, Roger Lancelyn Green, kể thêm rằng Heracles ném con quái vật ngoài biển khơi, nó bơi vào nước Ý, và nanh của nó được lưu giữ trong đền thờ Apollo ở Cumae.

 

 

Heo rừng thường thường rất dữ tợn và nguy hiểm. Nữ thần Venus đã lên tiếng cảnh cáo Adonis, không nên đi săn heo rừng, nanh của nó có chứa sức mạnh của sấm sét. Tuy vậy, phim ảnh Hoa Kỳ có một con heo rừng rất hiền lành, chỉ biết ăn sâu bọ, đó là Pumbaa, nhân vật trong “the Lion King.” Pumbaa theo tiếng Swahili, Đông Phi, có nghĩa là ngu ngốc, kỳ khôi, cẩu thả, bất cẩn. Pumbaa tuy vậy lúc cần cũng là một chiến sĩ can trường, và sẽ tức giận nếu kẻ nào không phải là bạn mà dám gọi Pumbaa là con heo. Châm ngôn của Pumbaa là “Hakuna Matata” có nghĩa là chẳng hề gì đâu, đừng lo nghĩ, hãy cứ vui mà sống.

 

 

Nhưng Pumbaa chỉ là con heo rừng trong phim hoạt họa. Thế còn có con heo nào được đóng phim không. Có chứ. Không chỉ một con mà cả ngàn con trong phim “The Pigs and the Battleships” (1961) hay “Bầy heo và Đoàn Chiến Hạm.”

 

“Bầy heo và Đoàn Chiến Hạm” là tên của cuốn phim do Shohei Imamura làm đạo diễn và dựa vào tiểu thuyết của Kazu Otsuka.

 

Hai nhân vật chính trong phim là Kinta và Haruko. Phim lấy bối cảnh Yokosuka, một thành phố cạnh biển vào thập niên năm mươi, chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản chấm dứt không lâu. Nhân danh bảo vệ Nhật Bản lúc ấy đã giã từ vũ khí, Hoa Kỳ mở nhiều trại Hải quân dọc theo chiều dài của quốc gia Thái Dương Thần Nữ. Phim cho thấy quan điểm của Imamura về xã hội Nhật vào thời điểm ấy, khác hẳn nếu không nói là hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Yasujiro Ozu. So sánh quan điểm của Imamura với Ozu mà không với đạo diễn nào khác là bởi vì Imamura là phụ tá đạo diễn cho Ozu trong rất nhiều phim. Với bộ phim thành công này, Imamura khẳng định tài năng, là một người dẫn đầu khuynh hướng New Wave (Làn Sóng Mới) của Nhật Bản. Người xem nếu quen thuộc và yêu thích quan hệ cha con, vợ chồng, với những xung đột ngấm ngầm bên dưới bộ mặt lặng lẽ trầm ngâm của các nhân vật; quen thuộc và yêu thích quan niệm thẩm mỹ của vườn Thiền, trà đạo, cắm hoa, thơ haiku sẽ cảm thấy bực bội, hay choáng váng với cách miêu tả xã hội Nhật của Imamura.

 

Kinta lớn lên trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, ông bố nghiện rượu làm nghề kéo xe thuê. Anh lêu lỏng, lười biếng, làm tay sai cho băng đảng Himori, chuyên tống tiền những chủ tiệm nhỏ trong vùng để kiếm tiền tiêu vặt. Haruko giúp việc cho một cái bar nhỏ, yêu Kinta, mơ một ngày nào làm đám cưới với Kinta và thoát ly gia đình. Chị của Haruko hành nghề gái bán bar, lấy tiền mang về giúp mẹ nuôi em. Mẹ Haruko đã hứa gả nàng cho một người Mỹ đứng tuổi để lấy ba chục ngàn. Và tiền đã lấy trước. Haruko muốn Kinta cùng chạy trốn với nàng đến Kawasaki để tìm việc làm và bắt đầu cuộc sống tự lập.

 

Cứ mỗi lần một chiến hạm Hoa Kỳ cập bến, thành phố Yokosuka trở nên bát nháo với quang cảnh cờ bạc, say sưa, đĩ điếm. Khung ảnh của Imamura miêu tả những anh chàng lính Mỹ to lớn, đần độn, và dâm dục. Người Nhật thì tham lam, trộm cắp, lường gạt, và đánh mất phẩm giá.

 

Băng đảng Himori kiếm lợi bằng cách nuôi heo, cung cấp thịt cho các trại lính Hoa Kỳ. Kẻ cắp gặp bà già, băng đảng này bị lường gạt, ký hợp đồng với một tên bịp bợm. Họ nộp tiền trước để được mua thịt hộp phế thải của lính Mỹ và dùng thịt này để nuôi heo. Băng đảng Himori bị bịp hết tiền, thua lỗ. Haruko mang thai, phá thai, hẹn hò đi chơi với lính Mỹ say rượu, bị hiếp dâm, ăn cắp tiền của lính Mỹ, bị bắt, vào tù, được chuộc ra và phải lấy chồng Mỹ để trả nợ. Haruko bỏ trốn đến trại nuôi heo. Kinta tổ chức bắt trộm tất cả heo trong trại đem bán để lấy tiền và trốn đi với Haruko. Kế hoạch không thành, Kinta bị băng đảng đối lập cướp tất cả các xe heo, và bản thân anh ta bị bắt lên xe heo đưa vào thành phố. Kinta dùng súng uy hiếp tài xế của các xe vận tải chở heo phải thả heo ra, và trong cuộc xung đột Kinta bị bắn chết. Đàn heo tràn ngập thành phố chen chúc trong các ngõ hẻm dẫm đạp lên người ta khiến nhiều người bị chết. Haruko nhìn thấy cái chết của Kinta, một mình bỏ thành phố ra đi.

 

Người xem phim không khỏi nghĩ rằng Imamura đã dùng hình ảnh đàn heo tràn ngập thành phố đè chết người dân như biểu tượng của lính Mỹ dày xéo nước Nhật.

 

 

Nếu trong thời cổ đại của Hy-lạp con heo rừng khổng lồ là biểu tượng cho sức mạnh và sự hung tợn của thú vật khống chế loài người, thì trong thời hiện đại con heo của George Orwell là biểu tượng của sự độc tài, sử dụng quyền hành đàn áp và dối gạt người dân. Tuy chê bai loài heo tham lam và dâm dục, loài người, nhất là các nhà độc tài thật ra cũng chẳng khác gì loài heo. Ở phần cuối truyện “Animal Farm” Orwell viết:

 

“The creatures outside looked from pig to man, from man to pig, and from pig to man again; but already it was impossible to say which was which.”

Dịch là:

“Loài thú ở bên ngoài đưa mắt nhìn từ loài heo sang loài người, rồi từ loài người sang loài heo, rồi lại từ loài heo sang loài người; nhưng không thể nào phân biệt kẻ nào là heo, kẻ nào là người.”

 

Người Anh (và Mỹ) khi biểu lộ sự khinh bỉ một người đến tột độ, họ mắng là đồ heo. Somerset Maugham đã cho một nữ nhân vật, Sadie Thompson, Altogether [1934.] Rain, kêu lên. “You men! You filthy dirty pigs! You’re all the same, all of you. Pigs! Pigs!” Dịch là “Lũ đàn ông các anh! Bầy heo bẩn thỉu! Các anh toàn như nhau cả. Cả một lũ heo! Heo! Heo!”

 

Bên cạnh sự bẩn thỉu, ngu xuẩn, tham lam, tham ăn, và dâm dục, ít thông dụng hơn, con heo còn tượng trưng cho sự giận dữ tột độ. Trong vở kịch Lysistrata của Aristophanes, đám phụ nữ đồng lòng biểu tình, từ chối chăn gối với chồng và người yêu, để phản đối chiến tranh, có câu: “I will set loose my sow,” nghĩa đen là “tôi sẽ thả rong con heo nái,” nghĩa bóng là “tôi sẽ bày tỏ cơn giận dữ của tôi.”

 

Shakespeare đã tận dụng chi tiết, cờ hiệu của vua Richard III có hình con heo trắng. Ông vua này bị Shakespeare gọi là “Heo” thí dụ như: “the boar” (3.2.11), “elvish-marked, abortive, rooting hog” (con heo bị quỉ ám gây ra thất bại), hay con heo phá hoại của quỷ (1.3.227) và

The wretched, bloody, and usurping boar,
That spoiled your summer fields and fruitful vines,
Swills your warm blood like wash, and makes his trough
In your emboweled bosoms” (5.2.7-10)

Con heo khốn nạn, khát máu, xâm chiếm,
Phá hoại ruộng vườn và vườn nho mùa hè đang tốt tươi,
Máu của bạn tuôn chảy ra như là nước để rửa, và làm cái máng cho hắn
Bằng cái lồng ngực bị mổ toang của bạn.

 

Người Do Thái và Hồi Giáo chê thịt heo bẩn không ăn, nhưng với người Việt thịt heo là vật liệu để nấu thành những món ăn ngon không thể thiếu. Ngày thường ở các hàng quán bán thức ăn, thịt heo là nguyên liệu chính trong cơm sườn, gỏi cuốn, chả giò, bánh canh giò heo. Đặc biệt, với ngày Tết, bên cạnh dưa chua, củ kiệu, thịt heo nạc lưng kho với trứng là món không thể thiếu. Phổ thông đến độ, thịt heo xuất hiện cả trong hai câu đối nổi tiếng, lưu truyền từ bao năm cho đến bây giờ.

 

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.
Dây leo pháo nổ bánh chưng xanh.

 

Xin chúc độc giả một năm mới ngon miệng với nồi thịt kho nước dừa thơm ngát.

 

Nguyễn thị Hải Hà

 

 

©  gio-o.com 2019