đọc trong mùa Tết
Bút Nhóm Gạch Nối chụp hình lưu niệm trong chương trình Tưởng Niệm Thuyền Nhân
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
tin nhà, quà Mẹ
...Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về,
Nay én bay đầy trước ngỏ mà tin con vẫn xa ngàn xa.
Ôi nhớ xuân nào thưở trời yên vuị
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơị
Bên mái tranh nghèo, ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Ðỏ hây hây những đôi má đàọ...
(Xuân Này Con Không Về; Nhạc sĩ: Trịnh Lâm Ngân)
Chiều thứ Ba chớm thu. Tôi ra bưu điện Garden Grove gởi tập thơ về quê. Mẹ nói Ban Giám Hiệu của trường phổ thông trung học Trương Định ở quê tôi muốn có tập thơ đầu tay của tôi. Có nhiều người ở quê tôi còn giữ tập thơ, nhưng không muốn cho trường mượn, sợ trường xin luôn. Dì tôi còn giữ hai quyển mà 15 năm trước tôi đã gởi tặng Ông Bà Ngoại. Ông Bà tôi đã khuất mấy năm nay, nhưng tôi đã ghi tặng cho Ông Bà, nên Dì nói gởi cho trường cũng không tiện.
Đó là tập thơ đầu tay của tôi, được xuất bản năm 2002 tại Đại học Cal State Fullerton, mang tên “nếu Mẹ thích - if you like, Mom.” Thơ song ngữ với bản dịch 13 thứ tiếng, với các bài nhận định văn học từ Tiến sĩ Thomas Klammer, Trưởng khoa ngành Khoa Học Xã Hội tại Đại học CSU Fullerton, và các vị giáo sư khác. Có lẽ vì tình Mẹ vốn là một đề tài muôn thưở của nhân loại, nên 1,000 quyển thơ đã nhanh chóng di cư vào cõi người, chỉ còn dăm quyển ở lại với tôi. Tôi giữ để làm quà cho các con. Có một số Thầy Cô dạy Việt Ngữ đã đề nghị tôi tái bản tập thơ nhiều lần, mà tôi mãi lo thai nghén bồng ẵm mười năm nay, nên chưa vâng lời các Thầy Cô được. Tháng Hai năm 2016, khi tôi hướng dẫn khoá tập huấn cho Trường Việt Ngữ Kitô Vua thuộc Giáo xứ St. Columban ở Garden Grove, Cô Hiệu trưởng đã để dành vài bản trong suốt 14 năm và tặng cho các Thầy Cô. Một cô giáo đã nói với tôi:
- Trong sách có nhiều bài thơ ngắn dễ thương để dạy các em tập đọc.
Bưu điện nằm ở góc đường Stanford và Nutwood, thường đông người. Tôi vừa đứng vô hàng thì có người khều tay tôi nói nhỏ:
- Cô cho hỏi thăm...
Tôi quay lại. Một phụ nữ mảnh mai, thấp người, búi tóc, ăn mặc giản dị, đi cùng một cô gái cũng nhỏ con trạc mười bốn tuổi đang đứng sau lưng tôi. Tay bà cầm một túi ny lông, cô gái cầm một cái hộp của bưu điện. Tôi hỏi:
- Dạ, Cô cần chi?
Bà trả lời nhỏ nhẹ, ngập ngừng:
- Cô làm ơn chỉ dùm. Tui chưa bao giờ gởi đồ ở bưu điện.
- Cô cần gởi gì vậy?
- Tui gởi ít đồ cho con trai đi lính. Nó xin mấy cái này, vì trong quân đội không có.
Tôi nhìn cái hộp giấy người con gái đang cầm, và nhìn túi ny lông. Tôi đưa tay ướm thử trọng lượng đồ đạc trong túi, rồi nói với người mẹ:
- Hộp này lớn quá. Cô lấy hộp nhỏ hơn, đỡ tốn cước phí. Nhất là những hộp hay bao thơ flat fee có định giá sẵn, mình để đầy thì thôi. Gởi đồ nặng cách này rất lợi.
- Cô chỉ dùm, tui không biết cái nào rẻ, cái nào mắc.
Tôi bước ra khỏi hàng, đi đến chỗ kệ để các bao bì và chọn một cái vừa phải đem lại cho bà. Người mẹ hỏi tiếp:
- Cái bao này có bị rách không cô?
- Dạ không rách đâu cô. Cái này có bọc lớp bong bóng ny lông ở trong, khó rách lắm.
Tôi ướm bịch ny lông lên trên bao thơ khổ lớn tôi mới đem lại, rồi đề nghị:
- Bây giờ mình để thử vô coi vừa không Cô. Để cái lớn trước.
- Dạ, cô coi dùm.
Tôi lấy từng món đồ để vô bao thơ, chọn cái nặng và lớn để vô trước. Tôi xếp đồ vô bao thơ mà cố làm sao để tránh xâm phạm sự riêng tư của người gởi. Sau khi để hết vô, tôi hỏi:
- Còn gì không Cô?
Người mẹ vội vàng thò tay vô túi áo:
- Dạ còn cái thơ.
Cái thơ tay xếp làm tư. Tôi muốn hỏi bà: “Mẹ ơi, Mẹ có bao giờ nghĩ, có bao nhiêu người trên thế giới ở năm 2017 này còn nhận được một bức thư tay không?” Những dòng mực đen trên giấy học trò thật đều đặn. Đã mười mấy năm rồi tôi mới thấy lại một lá thư viết tay. Hai mươi bốn năm trước, khi mới qua Mỹ, tôi là đứa siêng năng viết thơ về thăm nhà nhất: thăm Ông Bà Ngoại, thăm các Dì các Cậu, thăm anh chị em họ, thăm bạn bè. Năm 1998, khi về thăm nhà lần đầu với Ba Mẹ, các bạn cũ từ thời trung học hẹn gặp, dắt tôi đi chơi, rồi viết lưu bút cho tôi, trong đó có địa chỉ. Tôi cũng viết thư tay cho vài bạn trong mấy năm sau đó, nhưng vì đã vô chuyên ngành và đi thực hiện phỏng vấn truyền khẩu ở nhiều nơi, tôi lu bu quá nên sau một thời gian đành ‘xếp bút nghiên.’ Cánh thư tay của người mẹ không quen này làm tôi xao xuyến. Nó nhắc nhớ một quãng đời di cư hội nhập của tôi, và đánh dấu một thời đại đã qua, trước khi kỹ thuật thông tin điện tử bành trướng, chiếm lấy thế giới, và thay đổi nếp sống nhân loại. Tôi nhìn cánh thư như nhìn một cổ vật từ tiền kiếp. Tôi xa xứ đã 24 năm, và đã 10 năm chưa về thăm quê, nhưng những sợi dây vô hình vẫn bao quanh tôi. Tôi trang trọng để lá thơ lên trên cùng, rồi xếp bao thơ lại.
- Vừa đủ đó Cô. Chút nữa tới phiên con, con sẽ giúp Cô gởi luôn.
- Cám ơn cô!
Nụ cười nhân hậu của bà khiến tôi chạnh lòng. Có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam ở Mỹ cũng giống như người mẹ này? Có bao nhiêu thanh niên gốc Việt lên đường nhập ngũ mà thiếu thốn từ cục xà bông, ống kem đánh răng, cái bàn chải, cái ổ khoá? Những thanh niên ấy là đồng bào của tôi đến hai lần: một là cùng dòng máu da vàng, hai là cùng quê hương Hoa Kỳ. Khi đến phiên tôi, tôi đưa cả hai mẹ con đến quầy bưu điện và nói với cô nhân viên người gốc Đại Hàn mang bảng tên Katy:
- Xin cô Katy làm ơn giúp người mẹ này gởi gói quà cho con trai đi lính ở Missouri.
- Được, để tôi cân thử xem. À, bưu phí khoảng $16 đồng.
Cô
Katy nhìn bao thơ rồi nói:
- Gởi cái này còn mắc. Để tôi cho cái hộp không, sẽ rẻ hơn. Bây giờ cô hãy điền tên và địa chỉ người gởi và người nhận vào đây. Bưu phí chỉ còn $13.60.
Tôi nói lại cho người mẹ biết, và ghi số tiền xuống giấy để bà biết mà trả cho nhân viên bưu điện. Trong lúc hai mẹ con ghi tên và địa chỉ, tôi lo gởi quyển thơ của mình. Cô Katy nhìn tôi e ngại:
- Bưu phí quốc tế mắc lắm!
- Không sao đâu Cô. Tôi cần gởi nên không ngại giá cả.
Quyển sách nhỏ xíu của tôi muốn bay về Việt Nam thì phải chịu cước phí cao hơn gói quà cho người trai đi lính ở Missouri. Tôi trả lời, và điền tờ giấy hải quan để kê khai món đồ được gởi, cũng như bảo đảm là trong đó không có chất độc hại và những vật cấm. Tôi vừa điền xong thì tiếng chuông báo giờ trên điện thoại cầm tay của tôi reo lên, nhắc tôi đến giờ đón con. Ngày nào cũng như ngày nấy, chuông reng đến mấy lần, nhắc tôi đủ việc: đánh thức con dậy, đưa con đi học, đón con về, cho con đi ngủ, đưa con đi tập võ, vv. Tôi vội vàng trả tiền rồi chào hai mẹ con. Cô Katy nói:
- Chị cứ an tâm. Tôi sẽ giúp cho cô và em.
Tôi nói lại cho hai mẹ con biết, rồi tất tả chạy ra xe. Tình Mẹ Việt Nam dịu dàng, bao la. Biển Thái Bình chảy trên đất liền, ở quê hương thứ hai mệnh danh ‘miền đất hứa.' Chảy lênh láng trên mắt tôi. Điểm chung giữa hai bưu kiện là tình mẫu tử: tôi gởi lòng biết ơn của tôi đối với tình mẫu tử tôi nhận được từ Mẹ tôi, từ Bà Ngoại, từ các Dì, từ những người phụ nữ Việt Nam tôi đã gặp, từ Mẹ Việt Nam quê hương yêu dấu; người mẹ kia gởi tình mẫu tử qua bức thư và những vật mà con trai bà cần, gởi sự chăm sóc thương yêu cho đứa con xa nhà. Một điểm chung khác là những dòng chữ tiếng Việt trong cả hai bao thơ. Tôi viết tiếng Việt từ tâm tình của một đứa con, bà viết tiếng Việt với tâm tình của người mẹ. Tôi không quen hai mẹ con bà, nhưng giữa chúng tôi lại có bao điểm nối thiêng liêng, sâu thẳm. Không có gì ngẫu nhiên trên đời này. “nếu Mẹ thích" và gói quà Mẹ gởi cho người con trong quân ngũ gặp nhau tại bưu điện chiều nay là một cái duyên. Tập thơ của tôi và gói quà của người mẹ đã ở lại bưu điện, rồi đi về hai ngã. Nhưng chúng sẽ ở mãi trong lòng tôi như hai mệnh đề có chung một giải đáp, hai trục để giữ cho cuộc đời tiếp tục tồn tại.
Tin nhà. Quà Mẹ. Tôi nghĩ đến những người lính da vàng phục vụ đất nước mà tôi quen biết hoặc đã gặp trên quê hương Việt Nam và quê hương Hoa Kỳ. Những người trai ra đi vì lý tưởng bảo vệ sơn hà xã tắc. Người ta có thể chống chiến tranh, nhưng không ai có thể phủ nhận sự đẫm máu độc ác của những chế độ độc tài, từ Stalin, Hitler, đến các lãnh tụ Cộng Sản. Người ta có thể lên án chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa tư bản, nhưng họ không thể chối bỏ cái giá cần có của tự do, dân chủ. Nếu như nhà dân quyền Martin Luther King đã nói, bất công ở bất cứ nơi nào là bất công ở mọi nơi, thì tôi nghĩ, những người lính này, dù họ chiến đấu ở nơi nào, cũng góp phần vun bồi tự do và công bằng cho đất nước và dân tộc của họ, và có thể cho nhiều người khác nữa, như những quân nhân thời đệ nhị thế chiến đã đánh bại Hitler lập lại hoà bình trên thế giới. Cái gì cũng có mặt trái của nó. Chiến tranh sẽ đi cùng với chết chóc, ly tan, khói lửa, sinh tử - nhưng trong nhiều trường hợp, nếu không có chiến tranh, thì chết chóc có thể còn nhiều hơn và kéo dài lâu hơn. Tôi không muốn có chiến tranh, nhưng tôi hiểu, trong tương bang quốc tế, những xung đột vũ trang là một thực tế. Và nỗi đau là điểm chung mà con người dù ở phía nào của chiến tuyến cũng cảm nhận và phải đối diện.
Nên trong chiều đầu thu ấy, hình ảnh gầy gò, hiền lành, chịu khó của người mẹ một quân nhân như đoá hoa lài nở giữa bưu điện. Đoá hoa ẩn mình trong trái tim bà, nhưng đài hương toả ngát vào đời tôi. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên bà, dù tôi chỉ ở bên bà 15 phút. Bà là hình ảnh của biết bao người mẹ khác, xé lòng đưa con nhập ngũ, không biết ngày về, sống chết vô định. Bà là hình ảnh của những người Mẹ Việt Nam, những phụ nữ tảo tần ở mọi nẻo đường thế giới, vẫn luôn gói ghém gởi gắm cả cuộc đời cho con. Bà gợi tôi nhớ đến quê hương ở bên kia Thái Bình Dương, đến mười lăm thế kỷ chiến chinh mà quê hương tôi phải gánh chịu, đến niềm thao thức cho tự do dân chủ cho Việt Nam, đến cái sợi dây thiêng liêng nối những trái tim Việt với nhau. Và tôi nhớ đến em nuôi đang phục vụ trong binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến. Chúng tôi quen nhau khi Bút Nhóm Gạch Nối tại Đại học UC San Diego nhờ tôi cố vấn cho Dự án Tưởng Niệm Thuyền Nhân niên khoá 2008-2009. Dự án có nhiều phần khác nhau, tôi cố vấn chung về nội dung, giới thiệu các em với những nơi cần liên lạc, và đạo diễn cho vở kịch “Vượt Biển.”
Em nuôi của tôi tên Hoàng. Trong bao kỷ niệm của Hoàng với gia đình tôi, tôi nhớ nhất là lễ tốt nghiệp sĩ quan của Hoàng. Khi còn nhỏ, tôi không có cha, chỉ biết Ba đang đi cải tạo, rồi đi vượt biên. Hình ảnh duy nhất của Ba mà Mẹ còn giữ lại được sau khi mọi thứ bị tịch thu hay đốt cháy sau 1975, là tấm ảnh Ba ra trường sĩ quan Đà Lạt. Ba mặc quân phục, đứng chung nhiều quân nhân khác. Chỉ có Mẹ mới biết Ba đứng đâu, vì tôi nhìn vào hình, mấy chục thanh niên mặc đồng phục, ai cũng giống ai. Khi sang Mỹ, tuy đã phỏng vấn và viết nhiều tài liệu về các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ được tham dự một nghi thức nào của quân đội. Mãi đến ngày 18 tháng Sáu, 2012.
10 giờ 30 sáng hôm ấy, hai sĩ quan Hải Quân và hai sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến được thăng cấp. Hoàng là người gốc Việt duy nhất mặc quân phục hôm đó, cũng là tân khoa vừa ra trường cử nhân hai ngành Truyền Thông (Communications) và Giáo Dục (Education) tại Đại học UC San Diego. Buổi lễ diễn ra tại Viện Hòa Bình và Công Lý (the Peace & Justice Institute) trong khuôn viên Đại học tư thục University of San Diego, một ngôi trường nổi tiếng là diễm lệ, nằm trên đồi, nhìn xuống vùng downtown và hải cảng San Diego phồn thịnh.
Buổi lễ trang trọng do Trường Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến tại San Diego tổ chức với sự hiện diện của sĩ quan giáo sư, Đại Tá Patrick Rabun, và vị Linh mục linh hướng của quân đội Hoa Kỳ. Đại Tá Rabun, theo lời Hoàng, là một vị tướng khả ái, thân thiện với cấp dưới, và rất thực tế. Ông là người phát biểu trong lễ thăng chức. Có hai điều ông nhấn mạnh cho những sĩ quan mới ra trường. “Cuộc đời đầy bất công.” Nhưng không vì vậy mà ta không phấn đấu. “Và giờ đây, các anh là những người lãnh đạo, là tấm gương soi của thuộc cấp. Nhưng không ai hoàn hảo, nên hãy luôn luôn sống trong tinh thần đào luyện.”
Được thăng chức, chính thức tiếp nhận vai trò lãnh đạo trong quân ngũ, Hoàng đã cho tôi biết cảm nghĩ của mình. Hoàng nói bằng tiếng Việt, “Là một quân nhân trong quân đội đã là một vinh dự cho em. Được làm một sỹ quan, em cảm thấy tự hào hơn. Vì ngoài phần đóng góp cho công cuộc bảo vệ đất nước đã cưu mang gia đình em, em bây giờ lãnh nhận trách nhiệm chỉ huy và lo lắng cho những chiến binh ưu tú và dũng cảm nhất trong quân đội. Em rất hãnh diện ngày hôm nay được trở thành một Thiếu Úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.”
Nhưng Hoàng không chỉ là một sĩ quan. Anh cũng là một thành viên rất tích cực trong cộng đồng người Việt trong nhiều môi trường khác nhau, từ học đường đến tôn giáo, từ những sinh hoạt sinh viên đến những công việc xây dựng những thế hệ ngày mai trong cộng đồng nhà lẫn trong xã hội đa chủng Hoa Kỳ. Hoàng có một vẻ ngoài bình dị, nhưng đời sống của anh rất phong phú. Trong nhiều năm qua, anh vẫn tham gia sinh hoạt trong các hội sinh viên Việt Nam tại UC San Diego, như Hội VSA và Bút nhóm Gạch Nối. Bên cạnh dự án Tưởng Niệm Thuyền Nhân, Hoàng vẫn góp mặt trong các chương trình văn hóa và thiện nguyện của VSA, nhất là những đêm Culture Night tại trường UCSD. Ngoài ra, anh cũng tình nguyện làm phụ giáo tại các trường tiểu học trong suốt những năm theo học tại UCSD, giúp đỡ những học sinh tại các vùng dân cư có thu nhập thấp trong Quận San Diego. Phần lớn các học sinh mà anh giúp là người gốc Mễ Tây Cơ, nên anh cũng dùng tiếng Tây Ban Nha để hướng dẫn các em. Là một Trưởng trong phong trào Thiếu Nhi Fatima, một đoàn thể Công Giáo tiến hành tại Cộng đoàn Thánh Phêrô ở Torrance, Hoàng đã nhận được nhiều bằng tưởng lệ vì những đóng góp thiết thực của anh trong việc hướng dẫn sinh hoạt tâm linh, đức dục, và thể dục cho thanh thiếu niên trong Giáo xứ. Anh đã sinh hoạt Thiếu Nhi trong suốt mười tám năm khi còn sinh sống tại Nam California. Một sự bền bỉ đáng quý.
Trong mùa cuối của chương trình học tại UCSD, Hoàng đã được điểm A cho lớp tiếng Việt. Cô giáo Kim Loan, có mặt tại buổi lễ thăng chức, đã nói, "Bài luận cuối mùa của Hoàng rất khá! Có chuẩn bị kỹ lưỡng." Cô cười thật hãnh diện khi thấy học trò của mình chững chạc trong cương vị mới. Khả năng tiếng Việt của Hoàng khá dồi dào, tuy anh vẫn khiêm tốn cho rằng tiếng Việt của mình còn giới hạn. Khi mới gặp, tôi nghe Hoàng nói vậy thì cũng 'tin' như vậy. Sau này, khi có dịp trao đổi với Hoàng trong sinh hoạt với các nhóm sinh viên, tôi mới biết, mình đã lầm to. Tuy sang Mỹ khi mới 9 tuổi, nhưng Hoàng nói tiếng Việt rất lưu loát, và có thể viết tiếng Việt khá hoàn chỉnh – tuy có thể không thèm bỏ dấu phần cuối của bài luận thi cuối khóa nếu sắp hết giờ! Anh vẫn giữ một nếp sống rất Việt Nam – có lẽ do sự giáo dục từ trong gia đình. Bạn bè ít ai biết được Hoàng là một người con chí hiếu, vì anh là một người khá kín đáo. Với đồng lương lính đang thời sinh viên, có bao nhiêu Hoàng đều gởi về phụng dưỡng cha mẹ già. Hoàng đã giúp Ba Má mua nhà để gia đình có nơi an cư, và sang một cơ sở thương mại để ông bà lập nghiệp, lại có việc cho tuổi già đỡ buồn chán. Mỗi tháng, anh đều thu xếp để lái xe về thăm nhà, cho dù Má vẫn muốn phải chi trưởng nam của mình có thể về nhà thường hơn.
Chỉ có điều, Ba Má mong có dâu và cháu nội cả mấy năm nay, mà chàng lính thuỷ chưa chịu nói gì, dù có nhiều người muốn gả con gái cho chàng. Đời lính nay đây mai đó. Cũng vì không muốn có một người con gái phải làm chinh phụ chờ mình, nên chàng sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến nhất quyết không nghĩ đến chuyện hẹn hò. Cũng có thể vì Hoàng còn chưa an tâm chuyện nhà, còn muốn lo thêm cho Ba Má, nên chưa dám có thêm trách nhiệm làm chủ gia đình riêng của mình. Tôi chọc, hỏi bộ tính ở giá sao, thì Hoàng nói:
- Em còn đi lính, phải xa nhà. Thương ai thì người ta phải chờ em, tội lắm chị!
Nhưng nếu Hoàng muốn tránh không để ‘người khác’ phải khổ khi xa mình, thì anh không thể tránh cho ‘người nhà’ phải khổ khi xa anh. Ba Má – có lẽ nhất là Má, vì Má rất khắn khít với Hoàng – sẽ trở thành những chiếc bóng vào ra, mong ngày con nghỉ phép về thăm nhà. Trong gần 10 năm biết Hoàng, tôi nhận ra nhiều điều hay ở người lính thuỷ này. Hoàng rất vui tính, tuy mới nhìn thì dễ lầm là người nghiêm nghị. Hoàng luôn giúp đỡ bạn bè, và tham gia rất nhiều sinh hoạt thiện nguyện tại trường, trong cộng đồng, và ở nhà thờ. Nhưng Hoàng lại rất ít nhờ người khác việc gì. Cái gì cũng tự làm. Sau này, khi hoàn tất trách nhiệm quân nhân, Hoàng nói sẽ đi dạy, vì thích giúp trẻ em. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong suốt bao năm qua, Hoàng đã tình nguyện giúp cho nhiều chương trình phục vụ thanh thiếu niên. Mỗi lần lái xe từ Torrance về San Diego để trở lại trường sau khi sinh hoạt Thiếu Nhi, Hoàng lại mang theo thức ăn do Má nấu để ăn từ từ. Mùa thu 2012, Hoàng đã xa nhà, xa miền Tây Nam Hoa Kỳ nắng ấm, để đến đóng quân ở miền Đông và tiếp tục chương trình đào tạo sĩ quan. Anh đã không còn được ăn cơm Má nấu, không được gặp gia đình trong nhiều năm, đã sống giữa tuyết lạnh mùa đông. Tôi không biết ai sẽ buồn hơn: Hoàng, hay Má của Hoàng. Rồi Hoàng được chuyển qua đóng quân ở Hạ Uy Di, và bây giờ thì ở Nhật. Tôi chọc: Hoàng đi Nhật, gặp Nhật Hoàng?
Hoàng chào đời tại Bình Trưng Đông, huyện Thủ Đức. Ba Hoàng vốn là một cựu Đại úy pháo binh trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ trong quân ngũ từ năm1968 đến 1975. Ông bị bắt đi tù cải tạo 7 năm, và gia đình sang Mỹ theo diện H.O. năm 1993. Nghiệp quân nhân – lúc nào cũng là những chia xa với gia đình, những bôn ba rày đây mai đó, sống một đời theo kỷ luật và tinh thần chiến đấu, phục vụ, và chịu đựng cả những thiệt thòi. Cứ tưởng khi xem những bản nhạc lính của miền Nam trước 1975 trên các video ca nhạc là xem lại một quá khứ. Chuyện nhà binh – không phải chỉ là chuyện của 'thế hệ trước,' khi binh đao khói lửa còn tràn lan trên quê hương thưở nào. Chuyện nhà binh cũng là chuyện của những thế hệ hôm nay của người Việt tại hải ngoại, của hậu duệ của các quân nhân của hôm qua. Tôi chợt nhớ ra, không phải là một chuyện ngẫu nhiên khi Hoàng thích nghe những bài nhạc tiền chiến. Phải chăng, từ trong tiềm thức của cha mẹ, từ trong kinh nghiệm của thế hệ trước, cái mầm phôi của một đời quân ngũ đã hình thành, để khi Hoàng thành nhân, anh đã chọn con đường mà như đã có cái duyên cái nợ với anh từ lâu.
Hoàng có một biệt tài mà ít ai biết, vì anh vốn ít nói: tài đóng kịch. Trong Dự án Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam, Hoàng 'được' chọn vào vai thuyền trưởng trong vở kịch "Vượt Biển." Kịch bản do nhóm chủ trương cùng soạn, và sửa đi sửa lại trong suốt thời gian tập dợt. Ở phần hai của vở kịch, thuyền trưởng bị té xuống biển chết, nhưng Hoàng nói:
- Chết như vậy vô nghĩa lắm!
Hoàng muốn Thuyền trưởng chết vì cứu một thuyền nhân trên tàu. Trong vai trò đạo diễn cho vở kịch, tôi thấy yêu cầu của Hoàng hợp lý nên đã để cho "Thuyền trưởng" được chết có ý nghĩa. Hoàng chọn nhảy xuống biển để vớt một thuyền nhân vị thành niên, hy sinh mạng mình cho tha nhân. Hoàng là người luôn cho đi, từ việc nhỏ đến việc lớn. Lần đó, tôi mới sanh mổ nên không đến dự dạ tiệc gây quỹ của Hội SAP-VN được. Hoàng và cô em nuôi của tôi đi cùng với vài người bạn khác từ San Diego lên Quận Cam để dự Gala Cho Em Niềm Hy Vọng. Sau tiệc, các em ghé nhà thăm tôi. Tôi đem bắp luộc ra. Thấy Hoàng ăn ngon, tôi chọc:
- Hồi nãy em nhường cho các cô ăn hay sao mà còn đói vậy?
Hoàng cười tỉnh bơ:
- Trời lạnh, bắp nóng, ăn ngon chị!
Bữa đó Hoàng trúng sổ xố, được cái ishuffle. Tôi khen đẹp. Hoàng nói:
- Em có rồi! Chị lấy đi!
- Nhưng chị có biết cài nhạc vô đâu!
Vậy là Hoàng đem về, cài nhạc vô. Khi nghe, tôi mới biết, Hoàng hay nghe nhạc tiền chiến, dòng nhạc buồn da diết của thời cha mẹ, và những bài mang tình tự quê hương như “Tôi yêu tiếng nước tôi.” Thảo nào, khi thằng con nuôi còn nhỏ, có lần Hoàng lên chơi với nó, rồi hai cha con ôm nhau trên võng ngủ. Hoàng hát bài “Những đồi hoa sim,” chưa hết bài thì thằng nhỏ (và Hoàng) ngáy rầm rầm. Tôi tức óc ách. Tôi ru dân ca mà con tôi không ngủ, nhưng Ba Nuôi nó hát bài nhạc tiền chiến là nó ngủ liền. Còn ngáy thiệt lớn cho tôi nghe. Nó thiên vị Ba Nuôi nó rồi! Hôm đến từ giã để đi học tiếp bậc sĩ quan ở Virginia, Hoàng mặc quân phục, đội nón quân nhân. Thằng bé con nói với Hoàng:
- Ba Nuôi nhớ về thăm con nghe!
Hoàng cười mà không nói năng gì. Thằng nhỏ hôn Hoàng một cái. Tôi thấy Hoàng chớp chớp mắt. Hai cha con ôm nhau thật lâu. Tôi đi chỗ khác để tránh thấy lính thuỷ làm mưa. Trước khi về, Hoàng mở mấy cái lon trên áo tặng cho thằng bé. Tôi đem cài lên hình Đức Mẹ được thêu tay để xin Đức Mẹ phù hộ cho Hoàng được bình an. Mỗi lần nói chuyện trên điện thoại, thằng bé con hay hỏi khi nào thì tía nuôi của nó về chơi. Có lần tôi quên là Hawaii đi sau Quận Cam mấy tiếng, nên sáng đó trước khi đưa con đi học, tôi gọi Hoàng để thằng bé mừng sinh nhật Ba Nuôi. Tôi mở speaker, hai cha con nói qua nói lại ít câu, tôi nghe giọng Hoàng còn rè, nên giật mình:
- Em đang ngủ hả?
- Dạ. Bên này mới 5 giờ sáng hà chị.
Tôi vội vàng ‘bái-bai' rồi cho Hoàng đi ngủ tiếp. Lúc Hoàng qua Nhật, tôi gọi thăm. Bữa sau Hoàng gọi lại, nói, ‘Hôm qua chị gọi em lúc 2 giờ sáng.’ Ai mà nhớ! Ở Quận Cam thì biết giờ Quận Cam. Ai ở xa, khác giờ, bị gọi sớm ráng chịu! Tôi còn nhớ ngày 25 tháng Năm, 2015, Hoàng viết trên Facebook và dẫn lời nhạc Việt:
As we go to the beach, the park, the bar, a BBQ, enjoying with friends and family today...remember to set aside a moment of silence and reflection for all those who went before and paid the ultimate sacrifice...Then continue on and have one on their behalf, for they have done their job so you and I can do whatever we wish on this day.
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.
Ngày Hiền Mẫu và ngày Chiến Sĩ Trận Vong chỉ cách nhau có hai tuần trong tháng Năm. Cả hai ngày này đều có ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt đối những người khoác áo quân nhân và gia đình họ, và những ai nuôi lòng biết ơn đối với người lính. Như người mẹ quân nhân ở bưu điện chiều thu này. Trong cuộc sống, con người có rất nhiều cơ hội để giúp đỡ nhau, nhất là những khi hoạn nạn như Katrina, như Harvey, như Irma, bằng việc đóng góp tài chánh, hay đến tận nơi để cứu trợ. Nhưng trong cái lặng lẽ bình thản của mỗi ngày, chúng ta vẫn có thể làm cho đời sống xung quanh tốt đẹp hơn bằng những sự quan tâm giúp đỡ rất nhỏ. Và khi đó, chúng ta được bước vào những tình thương rất lớn, lớn hơn những gì chúng ta đã làm. Như tôi được bước vào cõi yêu thương của người Mẹ Việt có con đi lính trong quân đội Hoa Kỳ. Bước vào tâm thức mẫu-tử muôn kiếp của nhân loại. Cho tôi được thấy cuộc đời đẹp hơn, ý nghĩa hơn, và cảm động hơn.
Nên trong mùa Xuân Mậu Tuất 2018 này, lòng tôi thổn thức khi nghĩ đến “bao lớp trai hùng chào xuân chiến trường” và những người mẹ “vẫn chờ tin con...” ở khắp nẻo đường đời.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
http://www.gio-o.com/TrangDaiGlasseyTranNguyen.html
© gio-o.com 2018