đọc trong mùa Tết

 

 

Nguyễn Thị Hải Hà

ẩm thực trong tiểu thuyết và điện ảnh

 

tản mạn

 

 

Khi đột ngột phải rời bỏ quê hương không thể mang theo của cải vật chất, người di dân nào cũng mang theo trong lòng một chút quê hương; bên cạnh ngôn ngữ mẹ, là hình ảnh và mùi vị của thức ăn.

Ra đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

 

Không có cơ hội sử dụng tiếng mẹ đẻ hằng ngày, người di dân vẫn có thể thực hiện món ăn của quê hương dù không hoàn toàn đúng với hương vị. Thức ăn vì thế biểu lộ đậm nét tính chất của người di dân. Mời bạn đọc cùng quan sát tính chất di dân trong phim “Babette’s Feast,” phim “The 100-feet Journey,” và truyện ngắn Quyến Rũ Nhà Sư.

 

“Babette’s Feast” (Đại tiệc của Babette) là cuốn phim của đạo diễn Gabriel Axel dựa vào tiểu thuyết cùng tên của Isak Dinesen. Babette là người Pháp. Khi cuộc cách mạng 1871 xảy ra, chồng và con của Babette đều bị giết. Babette được Achille Pappin, ca sĩ opera nổi tiếng ở Paris, giúp nàng trốn thoát sang Na Uy. Ông viết thư giới thiệu nàng đến tá túc với hai chị em Martine và Philipa ở một làng quê hẻo lánh biên giới của Na Uy và Đan Mạch. Pappin đã từng yêu mến giọng hát của Philippa muốn đưa nàng về Paris để chinh phục trái tim khán thính giả. Babette xin làm người giúp việc không lương để đổi lấy chỗ cư ngụ. Hai cô chủ, thời còn trẻ rất đẹp, hãy tưởng tượng nét đẹp của Cate Blanchet trong vai Lady Galadriel (phim Lord of the Rings). Hai cô chủ nhân giờ đây có tuổi, vẫn ngoan đạo, làm việc thiện và sống rất thanh đạm. Ở với chủ được mười hai năm, Babette trúng số mười ngàn francs, một tài sản rất lớn vào thời ấy. Vào dịp 100 năm sinh nhật của ông mục sư vốn là trưởng làng, và cũng là người cha đã quá cố của hai cô chủ, Babette xin nấu một bữa cỗ tặng hai cô chủ và những người bạn trong hội đồng tôn giáo, với điều kiện nàng được toàn quyền chọn món ăn với rượu và sẽ đài thọ tất cả chi phí của buổi tiệc. Đến dự tiệc hôm ấy có đại tướng Lorens, người ngày xưa ngưỡng mộ sắc đẹp của Martine nhưng vì cảm thấy không xứng đáng với nàng, nên bỏ đi xa. Sau khi thành công, ông cưới người hầu cận của nữ hoàng. Đại tướng Lorens là người duy nhất trong số mười hai người dự tiệc, đủ lịch lãm để biết món ngon vật lạ Paris. Buổi tiệc có bảy món ăn, trong đó có ba món đặc biệt đòi hỏi vật liệu hiếm quý, nhiều công và phải khéo tay: Súp Thịt Rùa, Bột Áp Chảo Trứng Cá Muối, và Bánh Nướng Nhồi Chim Cút. 

 

Figure 1 - Súp Thịt Rùa

 

Lorens trầm trồ không ngớt khi nhận ra món Súp Thịt Rùa ăn kèm với rượu sherry hiệu Amontillado.

 

Figure 2 - Blinis Demidoff - Bột áp chảo bên trên là trứng cá muối (caviar), kem sữa chua, ăn kèm với rượu Veuve Cliquot 1860.

 

Blinis Demidoff, bột kiều mạch áp chảo ăn với caviar (trứng cá mặn) và kem sữa chua đi kèm với rượu Veuve Cliquot 1860. Câu truyện xảy ra vào thời điểm 1883 hay sau đó một, hai  năm, do đó rượu này rất đắt tiền vì chẳng những là rượu ngon lại còn đã hơn hai mươi tuổi.

 

Figure 3 - Cailles en Sarcophage

Và đặc biệt là món “Cailles en Sarcophage” (chim cút đặt trong bánh bột xốp nhiều lớp đem nướng,tương tự paté chaud nhưng không lấp bột bên trên, bên trong có gan ngỗng và nước sốt nấu bằng nấm truffle) ăn kèm với ruợu Clos de Vougeot Pinot Noir.

 

Lorens kể rằng ở Paris có một nhà hàng danh tiếng; Café Anglais chuyên phục vụ giai cấp thượng lưu những món ăn nổi tiếng, mà ông nhận ra trong bữa tiệc. Người đầu bếp của nhà hàng là một người phụ nữ. Hai vị chủ nhân nghĩ rằng Babette giàu có với số tiền trúng số sẽ trở về Paris sinh sống, nhưng nàng tuyên bố sẽ ở lại làng. Tất cả gia tài, mười ngàn francs, đã được dùng để làm buổi tiệc đãi mười hai người hôm ấy.

 

Nếu bạn là người rời xứ sở với hai bàn tay không làm bất cứ nghề gì để kiếm sống có lẽ sẽ thắc mắc tại sao Babette sử dụng toàn bộ gia tài để tổ chức buổi đại tiệc mà thậm chí nàng cũng không cùng ăn trong bữa tiệc ấy. Nhiều nhà phê bình phim ảnh đã phân tích, sự hy sinh tài sản của Babette cho buổi đại tiệc giống như sự hy sinh của Chúa Jesus dành cho mười hai môn đồ trong “The Last Super.” Theo quyển truyện, người trong làng kiêng rượu, sống thanh đạm vì họ theo khuôn khổ tôn giáo và cũng vì họ không phải là những người giàu có. Cuộc sống hằng ngày với những hiềm khích nhỏ nhen khiến người trong đạo không còn cư xử tốt đẹp với nhau. Buổi đại tiệc của Babette với thức ăn và rượu vốn dành riêng cho những người trong một thành phố giàu có nhất của nước Pháp đã thay đổi tâm hồn của những người dự tiệc khiến họ trở nên yêu thương nhau. Thức ăn ngon như một ân sủng của Thượng Đế. Thức ăn ngon giống như một tác phẩm lớn của một nhà nghệ sĩ lớn, làm người thưởng thức rung động và thay đổi cảm xúc của họ cho dù họ muốn hay không muốn bị thay đổi. Babette dùng buổi tiệc để chứng minh nàng là một nhà nghệ sĩ tài ba, thức ăn là tác phẩm nghệ thuật. Tôi mạo muội, xin thử giải thích quyết định của Babette bằng quan điểm của người di dân.

 

Trước nhất xin bạn hãy nhớ Isak Dinesen cũng là người di dân, tên thật của bà là Karen Blixen gốc người Đan Mạch. Bà kết hôn với Bá tước Blixen và mở đồn điền cà phê ở châu Phi. Cuộc hôn nhân tan rã bà một mình chăm lo đồn điền cho đến khi bị phá sản. Bà dùng kinh nghiệm sống ở Kenya để viết tác phẩm nổi tiếng “Out of Africa” (Giã từ châu Phi) được chuyển thành phim do Robert Redford đóng với Meryl Streep. Phim có một cảnh thật trữ tình, Redford gội đầu cho Streep bên bờ suối. Blixen trở về Đan Mạch và sống cho đến cuối đời. Mười lăm năm sống ở Kenya Blixen mang tâm trạng của người di dân. Nhưng khi trở về quê hương bà trở thành kẻ lạ, không thể hội nhập, ngay trong xứ sở bà đã được sinh ra. Đó cũng là tâm trạng của người di dân. Tôi cho rằng Babette mang nhiều đặc tính của người di dân ảnh hưởng bởi tiểu sử của Blixen.

 

Người di dân yêu mến văn hóa nguồn gốc của họ. Babette muốn giới thiệu với người trong làng bằng một bữa ăn hoành tráng dành cho giai cấp thượng lưu, Babette gián tiếp giới thiệu giai cấp, tài năng, và văn hóa của nàng. Babette vì hoàn cảnh trở thành đầy tớ, không sử dụng thuần thục ngôn ngữ của người địa phương nàng như một người câm và điếc, nhưng nàng có một quá khứ giàu có văn minh và sang trọng.

 

Babette xây dựng lại quê hương đã mất bằng màu sắc và mùi vị của thức ăn. Sống trong khuôn khổ thanh đạm của tôn giáo và điều kiện tài chánh của người trong làng, lòng hoài nhớ quê hương của Babette, như một cơn đói kéo dài mười hai năm, được thỏa mãn bằng một buổi tiệc với các món ăn do chính tay nàng thực hiện.

 

Sử dụng toàn thể gia tài vào một bữa ăn khiến nàng không còn khả năng trở về cố quán, Babette khẳng định rằng nàng nhận xứ sở mới làm quê hương. Chúng ta, những người lớn lên với quan niệm chim bay về tổ, hay ảnh hưởng bởi những câu thơ Đường “cử bôi vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương” cho rằng người di dân nào cũng muốn trở về cố hương. Tuy nhiên, nhớ cố hương không đồng nghĩa với ý muốn hồi hương. Cả gia đình Babette nằm trong tổ chức cách mạng Pháp. Năm 1871 họ chiếm đóng Paris, sau đó, những người làm cách mạng bị nhà cầm quyền đàn áp dã man, nhiều người bị giết chết. Những người giết chết chồng con của Babette là những người trong giới quí tộc từng ngự trị ở Café Anglais thưởng thức những món ăn cầu kỳ do chính tay nàng thực hiện. Babette không muốn trở về một nơi chôn giữ quá khứ đau buồn và nơi đó không còn người thân do đó để dành số tiền mười ngàn francs không còn cần thiết. Giữ một số tiền lớn trong một làng quê  có cuộc sống thanh đạm có thể gây ra đố kị. Và tiền trở nên vô nghĩa nếu người ta không có hàng hóa để tiêu tiền. Để nấu bữa ăn huy hoàng, Babette phải đặt mua vật liệu từ Paris. Nàng không sợ nghèo, vì nàng đã quen với cuộc sống thanh đạm, và với tài năng của nàng, chuyện kiếm sống không phải là khó khăn cho lắm. Nước Pháp sẽ mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ trong tâm tưởng của Babette với màu sắc và hương vị của thức ăn.

 

“Tôi là một nhà nghệ sĩ lớn!” Nàng nói.

Nàng yên lặng một lúc, rồi lập lại: “Tôi là một nhà nghệ sĩ lớn, thưa hai cô.”

Một lần nữa, sự im lặng xâm chiếm nhà bếp.

Martine nói: “Từ bây giờ chị sẽ nghèo suốt đời, Babette.”

“Nghèo?” Babete nói. Nàng mỉm miệng, như cười với chính nàng. “Không, tôi sẽ không bao giờ nghèo. Tôi đã nói với hai cô chủ, tôi là một nhà nghệ sĩ lớn. Người nghệ sĩ, xin thưa, không bao giờ nghèo cả. Chúng tôi có tài năng, một thứ tài sản của nghệ sĩ, mà người thường không bao giờ biết đến.”

 

 

Nước Pháp có một thời là bá chủ châu Âu. Thức ăn Pháp luôn được xem là khuôn mẩu của sự thanh lịch và sang trọng trên thế giới. Trong hầu hết phim ảnh nổi tiếng của Hoa Kỳ và Anh quốc, khi nói đến những buổi tiệc huy hoàng người ta thường đưa ra một thực đơn với các món ăn của Pháp. Babette, tuy là di dân, làm người hầu cho một gia đình trong ngôi làng hẻo lánh ở Na Uy, nhưng nền văn hóa giàu có và hùng mạnh nơi nàng xuất thân được nhiều quốc gia tiếp nhận và kính trọng. Ngược lại, Ấn Độ dù là một quốc gia giàu mạnh và có nền văn minh lâu đời, văn hóa ẩm thực Ấn Độ trong phim “The Hundred-Foot Journey” – “Cuộc Hành Trình Dài 30 Mét” vẫn bị xem là nhược tiểu khi so sánh với văn hóa ẩm thực của Pháp.

 

“Cuộc Hành Trình Dài 30 Mét” do Lasse Halström làm đạo diễn dựa trên quyển truyện cùng tên của Richard Morais. Trong khi “Đại Tiệc Của Babette” trung thành với chi tiết của truyện, chỉ thay đổi địa danh của làng quê thuộc Na Uy sang Đan Mạch vì trung thành với hình ảnh làng quê trong truyện. Kịch bản phim thay đổi nhiều chi tiết, và điều này khiến kịch bản phim linh động hơn. Để tránh rườm rà, tôi xin chỉ dùng chi tiết trong phim.

Hassan Kadam và gia đình là người Ấn theo đạo Muslim. Họ xuất thân từ giai cấp nghèo, khởi đầu từ công việc giao thức ăn trưa cho những người làm việc trong ngân hàng ở Mumbai. Dần dần họ trở nên chủ nhà hàng phồn thịnh. Vì biến động chính trị, nhà hàng của Papa Kadam, bố của Hassan, bị đốt cháy và mẹ chàng chết trong biển lửa. Papa đưa cả gia đình sang Pháp đến một thành phố nhỏ lập nghiệp. Họ mở nhà hàng Maison Mumbai (Nhà hàng Mumbai) đối diện với “Le Saule Pleureur” (Liễu Rũ), nhà hàng Pháp một ngôi sao Michelin.

 

Gia đình Hassan gặp sự kỳ thị chủng tộc ngay từ những ngày đầu tiên. Madame Mallory chủ nhà hàng Liễu Rũ khinh thường, “đất đai nhà cửa ở vùng này đắt đỏ, một đám di dân như các người lang thang từ Ấn Độ sang Pháp không mua nổi nhà đất để mở nhà hàng đâu,” khi bà biết trước đó Papa đã xin giảm giá khách sạn họ tạm trú trong lúc chờ sửa xe. Madame Mallory, gặp ông thị trưởng xin đóng cửa nhà hàng Mumbai House với lý do họ mở nhạc to quá. Madame Mallory câng mặt lên nói: “Nếu thức ăn của các người cũng ầm ĩ như âm nhạc của các người, tôi đề nghị hãy làm giảm cường độ của nó.” Nhân viên nhà hàng Liễu Rũ chê sự bình dân của nhà hàng Mumbai, “bọn họ đẩy một xe chứa toàn thức ăn cho mèo dù họ chẳng nuôi mèo.” Khi Hassan ngây thơ cho Madame Mallory xem thực đơn của ngày mở cửa nhà hàng, bà ta cho người đi săn lùng, mua hết cá tôm và nguyên liệu Hassan sẽ dùng. Và khi sự tranh chấp đến mức quyết liệt, nhân viên trong nhà hàng Liễu Rũ đã bôi bẩn vách tường mặt tiền và sau đó phóng hỏa nhà hàng Mumbai. Madame Mallory tranh chấp để bảo vệ sự hưng thịnh của nhà hàng Liễu Rũ nhưng bà không phải là người độc ác hay chủ mưu phạm pháp. Bà đuổi việc anh trưởng bếp đã đốt nhà hàng Mumbai, mở một chỗ trống để tiếp nhận một tài năng mới.

 

Hassan, tuy là đầu bếp nhà hàng Ấn Độ nhưng cũng thích học nấu món ăn Pháp. Được Marguerite là phụ tá của Madame Mallory hướng dẫn, Hassan bắt đầu học nấu vài món ăn Pháp. Khi nhà hàng Mumbai bị đốt cháy, Hassan bị phỏng cả hai bàn tay. Marguerite mách nước, khi Madame Malleroy thu nhận nhân viên, bà thử tài người xin việc bằng cách bảo họ chiên món trứng omelet. Chỉ cần ăn thử một miếng trứng là bà có thể nhận ra khả năng của người đầu bếp, có triển vọng để trở thành đầu bếp giỏi hạng nhất hay không. Với hai bàn tay còn băng bó, Hassan nhờ bà làm món trứng omelet qua sự chỉ dẫn của chàng và món trứng đã chinh phục được Madame Mallory. Trở thành nhân viên của nhà hàng Liễu Rũ, Hassan mang hành lý vượt đoạn đường ba mươi mét, khoảng cách từ nhà hàng Mumbai sang nhà hàng Liễu Rũ, cách nhau là một con đường, như một biểu tượng ngăn cách hai nền văn hóa bản xứ và di dân.

 

Đặc tính di dân trong phim “Cuộc Hành Trình Dài 30 Mét” được biểu lộ như sau:

 

Người di dân biết thích ứng với hoàn cảnh. Khi Mansur, anh của Hassan, muốn loại khỏi thực đơn món thịt cừu vì sợ không đủ thời gian nấu cho thịt mềm. Hassan đề nghị Mansur ướp thịt bằng rượu vang. Mansur, để sống còn ở xứ này, chúng ta cần phải biết thích nghi với hoàn cảnh. Chúng ta phải sử dụng những gì chúng ta có thể tìm thấy. Rồi cầu nguyện với ơn trên là nó sẽ thành công.”

 

Người di dân biết làm lại từ đầu. Mặc dù các con lo ngại Papa Hassan vẫn cương quyết mở nhà hàng. Đã quen vất vả, biết mua chuộc quan liêu chức trách, biết lùi đúng lúc ông giữ được sự sống còn của nhà hàng Mumbai, khi Madame Mallory dùng thế lực của bà để đóng cửa nhà hàng của Papa.

 

Người di dân biết khai thác lợi điểm và đặc tính di dân của họ. Papa biết người ta đến nhà hàng Liễu Rũ để ăn ratatouille, escargot, hay frog’s legs, nhưng họ sẽ đến nhà hàng Mumbai để ăn … cà ri, và đặc biệt món cá mang tên Hassan.

 

Người di dân biết là để thành công, họ phải sống hòa đồng với người bản xứ. Hòa đồng nhưng không đánh mất bản sắc của mình. Khi Papa trả thù Madame Mallory bằng cách mua hết bồ câu, Hassan đã tự tay nấu món Bồ Câu nấu với sốt nấm truffle bằng cách nấu chàng học trong sách và mang qua nhà hàng Liễu Rũ.

 

Và người di dân trở nên yêu mến xứ sở đã dung chứa họ. Điểm chung của “Đại Tiệc của Babette” và “Cuộc Hành Trình Dài 30 Mét”  là về lâu về dài, đất nước dung chứa họ trở thành quê hương thứ hai. Babette chọn ở lại Na Uy. Hassan làm đầu bếp của nhà hàng danh tiếng ở Paris, nhưng một đêm sau khi xong việc ngửi thấy mùi gia vị trong thức ăn của một người đồng nghiệp, Hassan đã nhớ nhà, nhớ người yêu, quay quắt đến nỗi chàng lấy chuyến xe lửa sớm nhất trở về. “Chỗ nào có người thân yêu, chỗ ấy là quê hương.”

 

Tấm ảnh dưới đây, được cắt ra từ cuốn phim. Papa để trả đũa Madame Mallory, biết là vị Bộ trưởng sẽ đến nhà hàng Liễu Rũ ăn tối, sở thích của Bộ trưởng là món chim Bồ câu nướng có chan nước sốt nấm truffle, Papa thua mua hết bồ câu trong chợ. Đầu bếp nhà hàng Liễu Rũ phải dùng thịt gà để thay thế. Hassan học làm món bồ câu trong sách, mang món bồ câu trong nước sốt truffle sang thay mặt Papa xin lỗi Madame Mallory.

 

Sau đó là món cá mang dấu ấn của Hassan. Ông thị trưởng của thành phố đã dặn Hassan phải gói thức ăn còn lại cho ông mang về, một cử chỉ rất là không phải của người Pháp thanh lịch.

 

Figure 4 - Pigeon in truffle sauce

Figure 5 - Cá hấp, món đặc biệt của nhà hàng Mumbai do Hassan nấu 

 

Truyện ngắn “Courting a Monk” hay Quyến Rũ Nhà Sư của Katherine Min cũng là một điển hình trong việc dùng thức ăn như biểu tượng của người di dân. Gina, một cô gái gốc Hàn, tuy sinh ra ở Hàn quốc nhưng cô theo bố mẹ sang Mỹ từ lúc hai tuổi. Bố của Gina bảo rằng “Nó Mỹ còn hơn người Mỹ.” Gina yêu một chàng Mỹ, da trắng, ăn chay theo đạo Phật. Bữa ăn đầu tiên ở phòng ăn của đại học Micah ăn đậu hủ nấu đậu xanh, còn Gina ăn thịt bê cuốn thịt heo muối và phó mát. Gina ra sức quyến rũ Micah. Lên giường ngủ chung, Micah xếp hai tay lên ngực như một vị thánh. Nhưng Gina kiên trì quá nên Micah đầu hàng sự quyến rũ của Gina. Gina đưa Micah về gặp bố mẹ.

 

Mẹ tôi đã dọn bàn và trải khăn màu xanh trong phòng ăn. Có ly pha lê để uống rượu vang, và muỗng nĩa bằng bạc có chạm hình hoa. Mẹ tôi nướng một ít thịt gà, hơi khô vì quá lửa, đậu và cà rốt nấu hơi mềm quá – đó là những món ăn mẹ dành để đãi khách Mỹ khi mời họ dùng cơm chiều. Nói về món ăn Hàn, mẹ tôi là đầu bếp thượng thặng. Cái món sườn ướp và miến xào thịt bò với rau cải của mẹ, bánh bột nhồi thịt heo, tôm chiên và kim chi mẹ tôi tự tay làm chứa trong vại rất tuyệt vời. Nhưng món ăn Mỹ thì mẹ tôi nấu không khéo, và Mẹ không thích chúng. Tôi nghĩ, Mẹ cho rằng các món ăn Mỹ nấu cho đúng kiểu, phải tẻ nhạt như thế.

 

Nhưng Micah lại đòi ăn cơm với kim-chi khi thấy bà mẹ vợ tương lai dọn cho ông bố vợ tương lai.

 

Khi cuộc trò chuyện tạm ngưng, và sau khi chúng tôi đã ăn rất nhiều món mệnh danh là” thức ăn lịch sự để đãi khách,” mẹ tôi dọn bớt bát đĩa và mang vào một bát cơm với kim-chi cho bố tôi. Mắt Micah sáng ngời lên. “Bác cho cháu một ít thức ăn đó có được không, Bác Kim?” Mẹ tôi nhìn Micah với vẻ nghi ngờ. “Cay lắm đấy,” mẹ tôi nói.

“Ồ, cháu rất thích thức ăn cay,” Micah trấn an. Mẹ tôi đi lấy bát cho Micah. “Cháu có dùng đũa được không?” mẹ tôi hỏi, khi Micah bắt đầu ăn.

“Mẹ à, đừng chú ý đến anh ấy nhiều quá,” tôi nói.

 

Bà Min đã khéo léo miêu tả sự khác biệt của hai dòng văn hóa Đông Tây bằng thức ăn. Khi hai người thuộc hai chủng tộc khác nhau tìm cách hòa hợp thì người của chủng tộc này đón nhận và chấp nhận thức ăn của người của chủng tộc khác. Trong khi Gina không thích ăn kimchi, thì Micah lại tự động xin bà mẹ vợ tương lai cho anh ăn món ăn Hàn.

 

Người Việt mình có câu thơ “hương gây mùi nhớ,” khi xa quê hương, mùi hương, trong đó có mùi thức ăn quen thuộc sẽ đưa bạn về với quê hương và kỷ niệm. Khán giả sẽ đồng ý với Hassan và Marguerite, “Food is Memory.” Với những người xa nhà xa quê hương, thức ăn ngon nhất là thức ăn trong trí nhớ.

 

 

Bản sắc di dân qua thức ăn trong truyện và phim ảnh

 

Bạn hỏi tôi về thức ăn của người Mỹ, họ ăn những món gì? Sự hiểu biết của tôi về món ăn của người Mỹ rất phiến diện. Tôi đi ăn trưa chung với những người làm việc vài lần đi vào nhà hàng Mỹ. Thỉnh thoảng đi dự buổi dã ngoại do người Mỹ tổ chức hay chung tiền ăn tiệc Giáng sinh đã giúp cho tôi có khái niệm về thức ăn của người Mỹ. Tôi có thể mở một cuốn sách dạy nấu ăn hay mở một cái thực đơn của nhà hàng là có thể tự thỏa mãn óc tò mò nhưng làm như thế thì hơi nhàm. Tôi nghĩ tìm trong các tác phẩm văn chương phim ảnh về món ăn của người Mỹ có lẽ thú vị hơn. Mong rằng bạn sẽ đồng ý với tôi.

 

Bữa ăn sáng

 

Bữa ăn đầu ngày rất quan trọng. Một số các nhà dinh dưỡng cho rằng bữa ăn sáng nhiều chức năng ngoài việc bồi dưỡng cơ thể thu nạp năng lượng, nó còn có nhiệm vụ giúp cho người ta tránh bệnh béo phì. Ăn sáng giúp người ta cưỡng lại chứng thèm ngọt hay ăn quá độ khi đói. Có bữa ăn sáng nào lừng danh hơn “Breakfast at Tiffany?” Đây là một phim dựa vào truyện vừa của Truman Capote do Audrey Helpburn đóng vai chính, Holly Golightly. Tiffany không phải là nhà hàng ăn, mà là hiệu kim hoàn nổi tiếng ở New York. Ngay từ đầu phim khán giả nhìn thấy Holly vừa ăn điểm tâm vừa nhìn vào cửa kính của Tiffany, “window shopping,” ngắm nhìn nhưng không cón tiền mua. Holly mặc áo dạ tiệc rất sang trọng rời khỏi xe tắc xi, trời mới vừa sáng, tiệm chưa mở cửa. Nàng ăn cái bánh “Danish” và ly cà phê còn nằm trong bao giấy. Bánh “Danish” và các bạn bè của nó như “bagel với cream cheese” hay “donut” là thức ăn sáng bình dân của người Mỹ. Dân ở thành phố đi làm, ghé tạt ngang một quán cà phê nho nhỏ mua thức ăn sáng “to go” gồm có các loại bánh này cùng với ly trà hay cà phê. Hình ảnh cô gái trẻ còn mặc áo dạ hội và nữ trang (giả) lấp lánh buổi sáng sớm châu đầu vào tường kính của một hiệu kim hoàn nổi tiếng nhất thành phố New York, là một hình ảnh không bình thường. Đạo diễn Blake Edwards, đã khéo léo giới thiệu với khán giả nhân vật của ông là một cô gái sống về đêm. Thời ấy Truman Capote gọi nhân vật của ông là “American geisha.” Người Mỹ hiện nay có chữ khác, dành cho những cô gái không làm nghề ăn sương nhưng cho thuê nhan sắc và sự hiện diện của nàng trong những buổi dạ hội sang trọng trong vòng tay của một đại gia thiếu người tình, “call girl.”

 

Súp

 

Súp (soup) là món ăn thường ngày của người Mỹ gần giống với món canh của người Việt. Trong bữa ăn tối, món súp được xem như món khai vị hay chuẩn bị. Người Nhật có món súp miso chỉ toàn nước với vài miếng đậu hủ nhỏ như hạt bắp, để dằn bụng trong khi chờ bữa ăn chính được dọn ra. Tuy nhiên, súp cũng có thể là món ăn trưa đơn giản. Chỉ cần một chén súp với vài miếng crackers là tạm đủ cho bữa ăn trưa. Súp để ăn trưa có thể là chicken noodles hay clam chowder (súp sò hay súp nghêu). Chicken noodles, còn gọi là súp gà, thường được xem là chính hiệu Hoa Kỳ, tương tự như apple pies (bánh táo). Súp gà được xem là thức ăn bồi bổ tinh thần, mang cho người ăn cảm giác được mẹ, vợ, hay người yêu săn sóc lúc bệnh. Bởi vậy người ta có một loại sách tâm lý có tên là “Chicken soup for the soul.” Tuy nhiên, có giả thuyết cho rằng súp gà không phải của người Mỹ, mà có nguồn gốc từ Do Thái. Súp nghêu thường gặp ở các nhà hàng phục vụ thức ăn trưa có hai loại. Nghêu nấu với cà chua, cần tây, nước trong và loãng gọi là Manhattan clam chowder. Boston clam chowder, nghêu được nấu với khoai tây và sữa nên có màu trắng ngà, đặc, vị béo, hấp dẫn như nước cốt dừa ăn với chè đậu. Súp nghêu Boston chiếm một chương trong quyển “Moby Dick,” được xem là sách cổ điển gối đầu của giới cầm bút.

 

“Moby Dick” là câu chuyện về một vị thuyền trưởng tên là Ahab. Suốt cuộc đời Ahab đi tìm con cá voi trắng khổng lồ để trả thù vì nó đã cắn mất một chân của ông. Moby Dick là tên thuyền trưởng Ahab đã đặt cho con cá voi. Người kể câu chuyện là Ishmael, một trong những thủy thủ của Ahab. Khởi đầu từ Manhattan Island, Ishmael đến New Bedford, thuộc tiểu bang Massachusett thì trời đã tối. Bụng đói, Ishmael và anh bạn đồng hành Queequeg, bước vào lữ quán Try Pots. Chủ quán hỏi: “Nghêu hay cá tuyết (cod)?”

 

“Chuyện gì với cá tuyết vậy, thưa bà?” Tôi lễ phép hỏi.

“Nghêu hay cá tuyết?” bà ta lặp lại.

“Nghêu cho bữa ăn tối? chỉ một con nghêu lạnh tanh; ý của bà là như vậy, phải không bà Hussey? tôi nói; “Tiếp đón khách hàng như vậy thì lạnh nhạt quá, thưa bà!”

Bà Hussey vội vàng đi qua chỗ hai cánh cửa đã mở sẵn dẫn vào trong bếp, hô to “hai phần nghêu,” rồi biến mất.

“Queequeg,” tôi nói, “mình có thể chia nhau bữa ăn tối bằng một con nghêu không?”

 

Ở đây tôi xin mạn phép giải thích thêm vì có thể bạn đọc không hình dung được chuyện hai người ăn bữa tối chỉ bằng một con nghêu. Khác với Việt Nam, những loại nghêu sò ốc hến thường rất nhỏ. Một con nghêu hay sò lông cỡ lớn chỉ độ hai hay ba ngón tay. Người Mỹ có loại nghêu Cherry Stone Clam mỗi con nghêu có thể to bằng hai bàn tay chụm lại. Một con nghêu này nấu cháo hai người ăn thì vẫn ít, nhưng dễ hình dung hơn là một con nghêu nhỏ cùng cỡ với loại sò lông. Tôi cũng lấn cấn, không thể phân biệt được con sò và con nghêu có khác nhau hay không, và con sò thì nhỏ hơn hay lớn hơn con nghêu. Xin độc giả tha cho khiếm khuyết này.

 

Hơi ấm bốc mùi thức ăn từ nhà bếp bay ra như muốn che dấu những điều không tốt đẹp trước mắt chúng tôi. Nhưng khi món súp nghêu bốc khói được mang ra, sự bí ẩn được giải thích một cách thú vị. Súp được nấu bằng những con nghêu nhỏ, không to hơn hạt óc chó nhưng tươi ngon, và cùng với bột bánh bích qui. Thịt heo ướp muối được thái nhỏ cho vào trong súp, đậm đà mùi bơ, và được rắc thật nhiều tiêu. Chúng tôi đói meo trong chuyến tàu lạnh giá, nhất là Queequeg; nhìn thấy hải sản, và món súp nghêu ngon lành ngoài sức tưởng tượng, chúng tôi ăn ngấu nghiến chỉ chốc lát là hết sạch. Khi dựa lưng vào ghế nghĩ đến câu hỏi nghêu hay cá tuyết của bà Hussey, tôi bỗng muốn làm một cuộc thí nghiệm. Bước đến cửa nhà bếp, tôi hô to “cá tuyết,” rồi trở lại chỗ ngồi. Chỉ một chốc sau mùi thức ăn thơm lừng lại bốc lên, nhưng lần này có vị khác, sau đó món súp cá tuyết được mang ra đặt trước mặt chúng tôi.

 

Sandwich – xăng uých

 

Đối với người Hoa Kỳ, bữa ăn trưa thường khá đơn giản. Như đã nói ở phần trên, một chén súp với vài miếng bánh bích qui mặn, cũng đủ cho bữa ăn. Bánh bích qui mặn có thể thay thế bằng một mẩu bánh mì bằng nửa bàn tay. Có người cần ăn no hơn một chút thì có thể mang theo, hay mua ở tiệm, bánh mì xăng uých (sandwich). Khách hàng có thể chọn kết hợp nửa chén súp với nửa cái xăng uých bằng với giá tiền một cái xăng uých. Cũng xin nói thêm, xăng uých cũng có thể là bữa ăn tối, một cách đơn giản. Bạn có thể tìm thấy bánh mì xăng uých trong rất nhiều phim. Có lẽ không có phim nào mang đặc tính Hoa Kỳ hơn phim “Annie Hall” của Woody Allen, hay “When Harry Met Sally” kịch bản phim của Nora Ephron. Bà Nora Ephron có một yêu thích đặc biệt với món ăn. Bà nổi tiếng với bài tùy bút “Crazy Salad” (Xà lách điên) và kịch bản phim “Khi Harry gặp gỡ Sally” của bà có một cảnh trong quán ăn rất thú vị.

 

Cả Woody Allen và Nora Ephron đều là người theo đạo Do Thái. Kịch bản phim của hai người đùa giỡn tài tình sự khác biệt của văn hóa ẩm thực trong món ăn thường ngày của người Mỹ, điển hình là bánh mì xăng uých. Người theo đạo Do Thái có một nguyên tắc là thịt bò muối pastrami hay cornbeef phải ăn với bánh mì làm bằng lúa mạch đen và tương hạt cải (mustard) chứ không ăn với bánh mì trắng và sốt mayonnais. Trong phim “Annie Hall,” Woody Allen (Alvy, Do Thái) và Annie (Công giáo) đến một quán ăn Do Thái, Alvy kín đáo nhăn mặt không hài lòng vì Annie đã gọi xăng uých pastrami, bánh mì trắng, sốt mayonnais với cà chua và cải xà lách. Tương tự, Sally cũng phạm nguyên tắc như Annie. Harry, anh chàng ngoan đạo, gọi thịt bò muối và bánh mì lúa mạch đen. Cả hai đạo diễn, Woody Allen và Rob Reiner đều dùng bánh mì xăng uých để làm ẩn dụ, ngầm báo cho khán giả biết rằng sự dị biệt về tôn giáo giữ vai trò rất lớn trong sự xung đột tình cảm của lứa đôi. Đến đây, tôi cần phải nhắc đến một cảnh (scene) độc đáo trong phim “Khi Harry Gặp Sally”

 

Harry muốn gây ấn tượng mình là một anh đàn ông sành sõi trong việc mang khoái cảm tình dục cho phụ nữ, bảo rằng, phụ nữ khi ân ái với anh không bao giờ giả vờ đạt khoái cảm. Sally cãi lại, bảo rằng trong những cuộc ân ái, thế nào cũng có ít nhất một lần phụ nữ giả bộ đạt đến đỉnh thống khoái của tình dục. Để chứng minh, Sally (Meg Ryan) tự vò tóc, vuốt cổ, lim dim, từ những tiếng rên ư ử đê mê cho đến chuỗi tiếng hét “yes yes YES” giữa tiệm ăn nổi tiếng (thức ăn được cẩn thận tuân theo luật tôn giáo) Katz ở Lower East Side của Manhattan. Đạo diễn Rob Reiner, thường mời bà mẹ của ông đóng một vai nhỏ trong phim của ông, trong phim này đã mời mẹ đóng vai người đi ăn ở Katz. Bà mẹ Reiner ngồi ở bàn bên cạnh sau khi quan sát cơn hứng tình (giả bộ) của Sally đã buột miệng nói với người hầu bàn: “Lấy cho tôi món giống như món cô ấy đã ăn.” 

 

Bánh mì xăng uých là một biểu tượng được hai đạo diễn danh tiếng trong điện ảnh Hoa Kỳ sử dụng rất thành công trong việc thể hiện sự xung đột văn hóa và là ẩn dụ trong việc thể hiện tương lai của hai đôi tình nhân. Alvy và Annie chia tay nhau nhưng Harry và Sally sau nhiều ngày sóng gió rốt cuộc tìm đến với nhau. Ai dám bảo thức ăn chỉ là thức ăn, hay bánh mì xăng uých chỉ là bánh mì xăng uých?

 

Các món ăn khác cho bữa ăn trưa

 

Alfred Hitchcock khởi đầu làm phim nước Anh, nhưng nổi tiếng là đạo diễn Mỹ với loại phim căng thẳng thần kinh. Tương truyền ông sành điệu ăn ngon (và vì thế mà chiều rộng và chiều cao của ông bằng nhau). Chọn bất kỳ một vài phim của Hitchcock, bạn sẽ gặp rất nhiều bữa ăn cả bình dân lẫn sang trọng. Trong phim “Psycho” khi Norman Bates (Anthony Perkins) mời Marion Crane (Janet Leigh) ăn tối, bữa ăn thật đơn giản, chỉ có bánh mì xăng uých và sữa. Norman ngắm Marion ăn và nói rằng “Cô ăn ít như chim.” Người xem không khỏi rùng mình cho Marion vì tầm mắt của nàng ngừng lại trên những con chim đã chết được nhồi bông treo chung quanh tưởng như Norman ám chỉ rồi số phận nàng sẽ trở thành một con chim (đã chết).

 

Trong một phim khác của Hitchcock, “To Catch A Thief” (Bắt Kẻ Trộm) có hai bữa ăn trưa rất đáng ghi nhớ. John Robie (Cary Grant) biệt danh Hắc Miêu, là một kẻ trộm đại tài trèo tường vượt mái nhà nhẹ nhàng như mèo. John chuyên trộm nữ trang của các bà mệnh phụ giàu có, để tài trợ cho cuộc sống giàu sang của chàng. Chàng bỏ nghề, sống ẩn dật (trong giàu sang) ở French Riviera, bây giờ là Côte d’Azure, một vùng biển thanh lịch của Pháp. Lisa Freemont (Grace Kelly) thiếu nữ rất xinh đẹp và giàu có đang du lịch với bà mẹ ở vùng biển này thì một chuỗi vụ trộm nữ trang xảy ra. Mọi nghi ngờ đều hướng vào Hắc Miêu John Robie. Chàng phải bắt cho được kẻ trộm để tự thanh minh nếu không sẽ bị tù oan uổng, vì cảnh sát đã bắt đầu vây chàng và vòng vây đang dần dần xiết chặc lại. Kế hoạch của Hắc Miêu là kêu gọi sự giúp đỡ của một nhà bảo hiểm nữ trang nhiều thế lực để tìm cho ra những bà mệnh phụ giàu có đang nghỉ hè ở vùng biển gần tư gia của chàng. Để bàn tính kế hoạch Hắc Miêu mời ông trùm bảo hiểm Hughson đến nhà ăn trưa. Bữa ăn được dọn ra ở ban công có nắng vàng và hoa nở đủ sắc màu rất đẹp. Bà bếp của Hắc Miêu dọn ra món bánh “quiche Lorraine.” Đây là một loại bánh pie nhân mặn do chính tay bà bếp nhồi bột. Trong bữa ăn Hắc Miêu tiết lộ, bà bếp trước kia cùng với chàng tham gia lực lượng du kích chống Đức. Ông trùm bảo hiểm khen bánh quiche Lorraine rất ngon, bột bánh xốp, phồng, tan trong miệng, nhẹ như không khí. Hắc Miêu đáp lời, vâng, hai bàn tay nhồi bột ấy đã từng bóp cổ một tên Đức chết không kịp ngáp. Ông trùm suốt bữa ăn cứ ngó chừng ra phía sau có lẽ sợ bà bếp. Lisa Freemont nghi ngờ Hắc Miêu là thủ phạm của những vụ trộm nên tìm cách quyến rũ chàng, dự tính thường xuyên ở bên cạnh chàng để bắt quả tang. Tuy nhiên thái độ hào hoa phong nhã và tỉnh táo đến độ hững hờ của Hắc Miêu khiến Lisa phải lòng chàng. Lisa chở Hắc Miêu đi picnic ở một chỗ vắng vẻ nhưng rất thơ mộng, nhìn thật xa ra biển cả. Nàng cố gắng gây ấn tượng với chàng bằng cách lái xe bạt mạng trên con đường dọc theo bờ biển French Riviera. (Chính bờ biển này Princess Grace Kelly đã qua đời vì tai nạn xe hơi.) Lisa mở giỏ picnic rồi hỏi John một câu hai nghĩa, “ngực? hay đùi?” Nhiều người Mỹ quan niệm rằng, về khuynh hướng tình dục, đàn ông chia ra làm hai nhóm. Một nhóm thích sự quyến rũ bộ ngực, còn nhóm kia thích đôi chân. Câu hỏi của Lisa Freemont có vẻ hớ hênh nhưng thật ra nàng chỉ hỏi ý của Hắc Miêu thích ăn món gì cho buổi picnic. Hai người chia nhau bữa ăn trưa thú vị gồm có thịt gà, chai rượu, và cái hôn đắm đuối. À câu này dành cho bạn nào tò mò, phần ăn của nàng là cái ức gà.

 

Boeuf en Daube – thịt bò hầm rượu vang đỏ

 

Virginia Woolf là nhà văn Anh, bà được nhắc nhở ở Hoa Kỳ nhiều đến độ tôi tưởng bà là người Mỹ. Là người Anh, thuộc giới giàu có, sành điệu ăn uống, bà thích thức ăn Pháp hơn thức ăn Anh. Trong quyển “To the Lighthouse” (Đường Đến Hải Đăng) bà nhắc đến hai món ăn. Món súp khai vị được vị khách của gia đình Augustus Carmichael, thích đến độ đòi ăn chén thứ nhì. Món ăn chính được đãi trong bữa ăn tối là món Bœuf en Daube, thịt bò hầm có cho rượu burgundy. Trong bữa tiệc này, bà Ramsay ngầm nhận biết hai người bạn của bà đính hôn với nhau, dù họ không tuyên bố trong bữa tiệc.

 

“Đặt nó xuống chỗ kia,” nàng nói, giúp cô gái người Thụy Sĩ đặt nhẹ nhàng xuống trước mặt nàng cái nồi màu nâu rất to, bên trong là món thịt bò nấu rượu, Bœuf en Daube – riêng với nàng, nàng thích các món gà vịt hay ngỗng nướng hơn.”

 

Hai người khách của bà Ramsay, Minta Doyle và Paul Rayley, đến trễ vì Minta làm rơi cái trâm (di vật của bà ngoại) và Paul phải giúp Minta đi tìm. Thái độ và cách xưng hô của hai người khiến bà Ramsay nhận ra họ đã đính hôn với nhau. Đoạn dịch tiếp theo sau đây là ý nghĩ của bà Ramsay về món Bœuf en Daube.

 

[…]mùi thơm phưng phức của dầu ô liu và nước dùng bay lên từ món ăn màu nâu, khi Marthe nhẹ vung tay mở nắp nồi. Chị bếp đã bỏ ra ba ngày trời để chăm món ăn này. Và chị ấy đã rất thận trọng, bà Ramsay nghĩ, cho muôi vào nồi thịt nấu mềm, chọn một miếng mềm nhất và ngon nhất cho ông William Bankes. Nàng nhìn vào đĩa thức ăn, vành đĩa bóng người, với những miếng thịt màu nâu và vàng thơm phức trộn lẫn vào nhau, bốc lên mùi lá nguyệt quế và rượu vang, bà nghĩ: Món này để ăn mừng […]

 

‘Thật là một sự thành công,’ ông Bankes nói, đặt con dao xuống. Ông ấy đã để hết sự chú ý vào món ăn, mùi vị đậm đà và thịt rất mềm. Nấu một cách hoàn hảo. Làm sao bà có thể tìm được nguyên liệu để nấu một món ngon tuyệt vời ở giữa vùng hẻo lánh như thế này? Ông ta hỏi nàng. Nàng là một phụ nữ tuyệt vời. Tất cả sự yêu mến và kính trọng của ông đã phục hồi, nàng biết thế.

 

Đây là một công thức nấu món ăn Pháp của bà tôi, bà Ramsay nói, giọng đầy tự hào. Dĩ nhiên là món ăn của Pháp. Những món được gán cho là món ăn của Anh thật là dở tợn (họ đồng ý với nhau). Chỉ có biết cho bắp cải vào nồi đem luộc đến nhừ. Hoặc là nướng thịt cho đến khi nó khô khốc dai nhách như là da bò. Hay là đem gọt bỏ hết lớp vỏ ngon lành bổ dưỡng của rau cải. Trong lớp vỏ rau cải ấy, ông Bankes nói, chứa toàn chất bổ. Còn sự hoang phí, bà Ramsay nói, cả gia đình người Pháp có thể sống no đủ với tất cả những thứ mà người đầu bếp người Anh ném bỏ đi.”

 

Thức ăn được dùng để chỉ sự khác biệt giai cấp

 

Bữa ăn có khi được dùng để miêu tả sự chênh lệch trong đời sống của giới giàu và nghèo, địa chủ và nông dân, hay quí tộc và hầu cận. Leon Tolstoy dành cả hai chương trong “Anna Karenina” cho bữa ăn trưa của Levin và Oblonsky để nêu rõ quan điểm trái ngược của hai nhân vật về hôn nhân và hạnh phúc. Levin là một đại điền chủ có ngôi biệt thự to lớn ở nông thôn. Chàng thầm yêu Kitty, con gái của một nhà quí tộc, muốn cầu hôn với nàng nên hẹn ăn trưa với bá tước Oblonsky để hỏi ý kiến, xem chàng có cơ hội thành công hay không. Một trong những lý do khiến Levin ngần ngại là vì chẳng những là con nhà giàu, xinh đẹp và đức hạnh, Kitty trẻ hơn Levin khá nhiều; Nàng mới mười tám còn chàng đã ba mươi hai. Kitty là em vợ của Oblonsky. Ba mươi bốn tuổi, Oblonsky suýt bị vợ ly dị vì ngoại tình với cô giáo tư gia cho mấy đứa con của chàng. Oblonsky phải cầu cứu người chị, Anna Karenina đến giúp chàng giải hòa.

 

Oblonsky đề nghị đi ăn ở nhà hàng bán cá bơn vì anh ta đã ăn chịu ở nhà hàng này từ lâu. Dẫn khách đến tiệm chàng ăn chịu là một cách lấy lòng chủ tiệm. Levin vì mãi lo nghĩ đến ý trung nhân nên bảo ăn ở đâu cũng gật đầu. Tuy nhiên khi đến nơi thì Oblonsky đổi ý, ngoài cá bơn chàng còn gọi thật nhiều món ăn khác. Ba tá hàu tươi, vodka với một ít cá để nhắm, súp, cá bơn với sốt Beaumarchais, thịt bò nướng, gà trống tơ quay, trái cây tươi nhiều loại cắt nhỏ trộn với nhau thành xà lách để tráng miệng, parmesan (phô mai) để nhấm nháp trong khi chờ món kế tiếp được mang ra, một chai sâm banh và hai chai rượu vang Chablis. Chỉ có hai người ăn trưa một bữa tú hụ toàn những món đắt tiền là một sự xa hoa đáng trách, nhưng đó là dụng ý của Tolstoy. Ông biểu lộ sự bất mãn khi giới giàu có ăn uống linh đình còn giới nông dân và những người hầu hạ, những buổi lễ tiệc của họ may lắm cũng chỉ có súp nấu bằng lá sách bò, khoai tây, và bột mì loại thứ phẩm. Thức ăn ê hề, nhưng Levine bảo rằng chàng thà ăn súp bắp cải và cháo kiều mạch. Anh hầu bàn nghe lóm Levin nói như thế đã dùng tiếng Pháp hỏi gặn  lại, như thể chế nhạo. “Súp nấu kiểu Nga phải không, thưa Ngài.” Dùng dao bổ mấy con hàu, Levin cũng nhận thấy rằng chàng thích ăn bánh mì với phô mai hơn.

 

Oblonsky hỏi: “Xem chừng hàu tươi không phải là món khoái khẩu của anh?”

“Tôi thấy hơi kỳ. Ở nông thôn, chúng tôi cố gắng dùng bữa thật nhanh để có thể tiếp tục cho xong việc. Ở đây anh và tôi cứ rề rà kéo dài bữa ăn càng lâu càng tốt. Do đó mà chúng ta gọi món hàu tươi.”

“Điều này cũng bình thường thôi,” Oblonsky nói: “Mục đích của cách sống văn minh là: tất cả mọi thứ được cống hiến cho sự hưởng thụ.”

“Nếu quả thật như thế thì tôi thà làm người kém văn minh.”

 

Oblonsky trấn an Levin, tin rằng Kitty sẽ nhận lời cầu hôn vì Dolly vợ của Oblonsky có thiện cảm với Levin. Tuy nhiên Oblonsky vì xích mích với vợ nên không biết rằng cả Kitty và bà mẹ đều chấm con gà trống tơ Vronsky, đẹp trai và trẻ trung, làm chàng rễ tương lai. Cả hai suy tư, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Oblonsky dường như muốn giải thích hay biện hộ cho sự dan díu của chàng với cô giáo của đám con.

 

“Giả tỉ như anh có vợ, và anh rất yêu vợ, nhưng anh lại đem lòng yêu một người đàn bà khác nữa…”
“Xin lỗi anh, tôi không thể hiểu được điều này. Nó thật là khó hiểu với tôi, như thể sau một bữa dạ tiệc linh đình, bạn lẻn vào tiệm bánh ăn trộm một ổ bánh mì.”

Đôi mắt của Oblonsky dường như sáng rực hơn bình thường.

“Sao lại không chứ? Bánh mì nhiều khi thơm ngon đến độ anh không thể cưỡng lại được.”

Giả vờ đùa nghịch, Oblonsky hỏi: “Thế thì làm sao bây giờ?”

Levin trả lời thẳng thừng. “Đừng nên ăn trộm bánh mì.”

 

Từ năm 1870 ông Tolstoy thay đổi quan niệm sống, từ bỏ những ham muốn nhục dục của trần gian. Anna Karenina xuất bản năm 1877 biểu lộ quan niệm sống tiết chế xa hoa của ông. Càng về già ông càng trở nên đạo hạnh. Những năm tám mươi, ông đã tự trừng phạt khi ham muốn nhục dục với vợ. Thái độ này có lẽ để hối lỗi ngày còn trẻ ông đã hoang đàng đến độ đè một cô nông dân ông gặp giữa đường để thỏa mãn cơn khao khát tình dục. Người Việt mình cũng thật là thâm thúy khi dùng thức ăn để đáp trả chuyện bội bạc trong tình vợ chồng “ông ăn chả thì bà ăn nem.”

 

 

Nguyễn Thị Hải Hà

 

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html

 

 

© gio-o.com 2018