đọc trong mùa Tết
PHẠM CHU THÁI
Lạnh chân Lạc-đà
Chỉ với Đêm Giã Từ Hà-Nội và tập truyện ngắn đầu tay , người đàn ông Nam-Định ấy đã có thể trãi qua bao đêm ôm vào lòng những thân hình vũ nữ bậc nhất của Hòn Ngọc Viễn-Đông . Với số tiền nhuận bút Con Sáo Của Em Tôi , chàng thanh niên Thái-Bình nọ đã có thể chia tay căn nhà thuê mái dột dưới chân cầu ngoại ô để vào cư ngụ thẳng miền đất kinh đô hoa lệ Sàigòn , và trở thành nhà văn thành công nhất của Miền Nam-Văn Nghệ . Nơi con hẻm cụt Lý-thái-Tổ của gia đình đôi vợ chồng nhà văn kia , để nuôi ăn 3 món tiêu chuẩn canh-sào-mặn cho 6 miệng và nuôi uống 2 món kinh điển rượu-bia cho nhóm bè bạn Lưu-Linh , nguồn kinh tế thâu hoạch chủ lực , chính là những con chữ đau đẻ hằng đêm Tôi Nhìn Tôi Trên Vách được viết ra của gia chủ . Để tìm hiểu chính xác thân thế và sự nghiệp của người nữ chủ nhiệm tờ nhật báo lẫy lừng sóng gió nhất của Sài-Thành khi xưa , là phải khởi đi từ thế giới văn chương ; lại không phải văn chương khởi đi từ cái nóng nhiệt đới , như một sự đồng lõa , tiếp thêm sinh lực lên thân xác người thiếu phụ thành thị hiện sinh nửa đêm thức giấc vùng ngoại ô cạnh người tình phi công đã sớm cạn dòng mệt mõi vì chuyến bay đêm trong Mặt Trời Tháng Tư , mà phải tinh mắt nhận ra ngay từ thuở dậy thì , câu nói “Em lên anh nhé” là đã tín hiệu cơn trào lưu cách mạng tự do-bình đẳng , là đã có sóng ngầm nữ quyền đang mưu nhằm lật đổ giềng mối-kỷ cương ; nghiệp duyên được thai nghén ấy , là từ giọt máu khởi đi trong một trận Mưa Không Ướt Đất .
Ôi ! Cái thời hoàng kim gìn vàng giữ ngọc của chữ nghĩa-văn chương-bút mực …đã chấm hết rồi .
*
Người làm văn vào đời như xướng ca . Phải quên đi giấc mộng Vô-Kỵ của một thời lãng mạn , để chỉ nhớ câu văn đáng nhớ ấy của Đỗ Long Vân ( 1934 – 1997 ) . Người ta chỉ thấy vị giáo sư văn chương từ Sorbonne đi về ấy chết đi trong cảnh bần hàn , đói nghèo . Nhưng người ta sẽ chẳng bao giờ thực sự thấy : cái đói nghèo bần hàn trong suốt hơn 20 năm kia chỉ là phương tiện mà chính nhà thơ-ngậm ngùi-biên khảo đã xem như cách tự trừng phạt mình lúc cuối đời , vì đã dám mơ giấc mộng thống nhất Chính-Tà từ thuở tả khuynh : Người nữ sinh viên già / Ôm ngư lôi và phóng pháo .
*
Trong mười năm đầu tiên khởi đầu cuộc sống lưu vong tị nạn Cộng Sản vào đầu thập niên 50 ở thủ đô Paris-Pháp Quốc , nhà văn Ba-Lan Czeslaw Milosz đã phải trãi qua cuộc sống rất cơ hàn , nghèo đói . Nhưng cái khổ , cái buồn lớn nhất mà Milosz phải gánh chịu , lại không phải vì cơ hàn , vì thiếu ăn thiếu mặc . Mà là : từ khu Montmartre đến Saint-Germain-des-Prés , từ những hộp đêm ở La Chapelle đến những quán cà-phê mang tên Flore , Dôme , Deux Magots … đang trở thành những ngôi giáo đường tập trung bọn băng đảng văn nghệ sĩ hiện sinh-cộng sản , mà giáo chủ của bọn chúng là cặp bài trùng yêu nghiệt Sartre-Beauvoir ; nơi đấy , chàng đã bị chúng nó tập chung , quy kết như thằng phản tiến bộ , phản cách mạng , và đấu tố chẳng khác gì con chó ghẻ ; bởi với chúng : chống Cộng Sản tức là con chó ghẻ - Sartre . Mười năm ấy , suốt đời Milosz chẳng bao giờ quên , nếu không có đôi bàn tay chân thành nhân ái của nhà văn Albert Camus đưa ra nâng đỡ , tương trợ , thì có lẽ chàng cũng đã gục ngã , chết bầm dập lẻ loi vô địa táng vì bọn trí thức nghệ sĩ khốn nạn đó , bên vệ đường trời mùa Đông Paris , ừ ! ừ ! như con chó ghẻ lâu rồi .
*
“ Triết lý ư ? Nó là một điều gì rất hữu hình xác thịt : hoặc , nó làm cho người ta có cái nhìn hờ hững lạnh lẽo với tha nhân thế sự ; hoặc , nơi những người như Camus , thì nó lại dẫn dắt con người đến tình nghĩa chân thành của huynh đệ .”
“ La philosophie est une chose bien charnelle : elle refroidi le regarde ou , comme chez Camus , elle introduit dans l’homme la cordialité d’un frère ”
( Czeslaw Milosz , 1911-2004 )
*
Hồ Hữu Tường là nhà văn có tài , kể chuyện rất lôi cuốn , có duyên . Truyện ông viết , nó thích thú say mê đọc trong suốt tuổi hoa niên . Nhưng cái mộng đích thực của tác giả Phi-Lạc lại không phải là cái mộng nhà văn , mà là cái mộng Quân-Sư : gửi thư kêu gọi truất phế Bảo-Đại vì là bù nhìn của thực dân Pháp , rồi lại chỉ đạo Bảy-Viễn để nã đạn vào anh em Ngô-Đình vì là tay sai của đế quốc Mỹ , xử dụng Kỳ Hương của Bửu Sơn để khai chiến Hồi Chuông của Giáo Đường , xách động đôi cánh tay Quốc Sư Vạn-Hạnh dân tộc xuống đường để nện búa đóng đanh vào đôi lòng bàn tay Đấng Gia-Tô ngoại lai , thúc dục Tiếng Trống Hồ-Thơm trỗi lên để đánh cho tan nền văn minh xâm lược của bè lũ Khổng-Mạnh . Để còn lại gì ? Để chỉ còn lại trên vũ đài văn hóa-tư tưởng-chính trị : nền Văn Minh Tu Sĩ của Thích-Ca ( bao gồm cả nền Văn Minh Kỹ Sư , vì Đạo đã đi vào Đời , Tu Sĩ đã biết thế nào là Hồng-Quần , thế nào là Bướm-Chim ) hội thoại nền Văn Minh Chánh Ủy của Mác-xít . Để đi về đâu ? Để đi về cái tổng hợp biện chứng cho chủ nghĩa dân tộc , cái tập đại thành cho thế giới mai sau : nền Văn Minh Long Hoa-Di Lặc .
Đó là tất cả những điều mà người viết quyển sách Tương Lai Văn Hóa Việt Nam đã không viết trắng ra trong quyển sách ấy , nhưng đã thổ lộ trong Trầm Tư , phác họa trong lá thư gửi Jean-Paul Sartre ( Dialogue - Lá Bối 1965 ) và đã thể hiện ngấm ngầm xúi bẫy trong cuộc đời . Không ít người đã xem ông là “ báu vật ” . Và chính ông cũng tự xem mình là “ gà đẻ trứng vàng ” . Cuối đời , ông vẫn còn tin vào những người anh em Cộng Sản Đệ Tam , những cựu tù cùng cảnh ngộ Côn Đảo năm xưa , sẽ biết dùng mình , sẽ biết đãi ngộ tài năng của mình . Và dứt khoát là những người anh em ấy sẽ không dám giết mình , bởi vì : giết gà thì mất trứng !
Nơi Cõi-Bên-Kia , chắc hẳn là tác giả Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp mong được diện kiến Đức Di Lặc lắm . Nhưng nếu Ngài Di Lặc hóa trang thành Khổng thành Mạnh thành Jésus để tiếp ông , thì Quân-Sư tính sao đây ?
*
Ông Khổng không phải là người Tàu , ông Gandhi không phải là người Ấn , Homère không phải Hy , Shakespeare không phải Anh , Simone Weil không phải là cô gái Pháp gốc Do Thái , Thích-Ca không phải da đen , Jésus-Christ không phải da trắng . Lãnh thổ sắc màu chẳng tài nào có thể ngăn chận được con tim vô lượng của họ . Cái Ngôn , cái Pháp của họ , là : Trăm sông đổ về biển / Nhứt bổn tán vạn thù . Có hiểu như thế thì mới có thể hiểu tại sao cha ông xưa rất xem trọng Nho-Phong , nhưng lại luôn liều thân đánh Tàu . Và tại sao người lính Phù-Tang kia chọn ở lại , đã không cùng đồng đội quay về cố hương khi tan chinh chiến , như trong cuốn phim Cây Đàn Miến-Điện ( The Burmese Harp-1956 ) . Và có hiểu như thế thì có lẽ ta sẽ không còn tiếp tục nói mãi rằng : ông Tố-Như than ba trăm năm sau , lấy ai là người khóc cho cá nhân ông Du Nguyễn .
*
Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại
Bách lý Hồng sơn chính khí đồng
( Nguyễn Du )
*
Cả cuốn truyện dành cho tuổi thơ ấy , điều cốt yếu mà tác giả muốn gởi lại , có lẽ là vài lời mật truyền tâm-ấn mà con chồn đã trao tặng cho Hoàng Tử Bé trước khi chia tay :
“ On ne voit bien qu’avec le coeur . L’Essentiel est invisible pour les yeux ”
( Le Petit Prince – Saint Exupéry )
*
Tôi là một người ở buổi giao thời và tôi sẽ chẳng bao giờ được cảm thông . Câu nói chân xác nhất về mình , vì lẽ gì Phạm Quỳnh đã không thể nói thẳng với đồng bào của mình ? Có lẽ vì nhìn thấy dân tộc sẽ đi vào con đường đấu tranh-vũ lực-khốc liệt-bạo tàn-giai cấp . Và đó sẽ là con đường dẫn đến tai ương thảm họa khôn lường cho vận nước mai sau mà suốt đời vị chủ bút Nam-Phong và vị quan Thượng-Thư Bộ-Lại đã cố tránh
*
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
( Vũ Hoàng Chương )
Câu thơ ấy , ai lại chẳng bảo là THIỆN , là MỸ . Nhưng nếu trong thời gian an trí ở căn nhà tranh đầu dốc Bến-Ngự , cụ Phan Bội Châu đọc nó , cụ sẽ nghĩ sao ? Là một người nhiệt huyết hăng say bôn ba hoạt động cả đời , bị rước lấy thất bại cũng đã nhiều , bị thế nhân lường gạt cũng đã lắm , về già bình tâm soạn quyển Khổng-Học-Đăng , ắt cụ sẽ dốc kinh nghiệm cả đời mình : chậm rãi đọc câu thơ từ mặt trước , rồi lại trầm mặc khép đôi tròng mắt thịt mà nhìn siêu hình câu thơ từ mặt sau , bằng bí cấp của Nho-gia , để đi tìm cái CHÂN . Bí cấp ấy là gì mà lại được tôn xưng là Vạn-Thế ? Và Sào-Nam sẽ nghĩ sao về thơ của Hoàng ? sẽ nghĩ sao về con người của Vũ ?
*
The dress is for sale , I’m not . Cái lời đến ngây ngô của cô Diana Murphy xinh đẹp kia với tay tỉ phú sõi đời John Gage nọ ( Indecent Proposal ) , rồi sẽ bị thử thách và trả giá về sau . Chỉ có đôi ta không bao giờ ly biệt . Nghe qua là đã biết trình độ còn đáy giếng , liên khúc học trò . Nhưng tất cả đều chẳng có gì đáng trách , vì đó là sự thơ ngây chân thành . Mai sau , sức hút của hồng trần , cuồng phong của thế kỷ bể dâu , sẽ làm nám mặt : Phong trần đến cả sơn khê / Tang thương đến cả hoa kia cỏ này , như Ôn-Như Hầu đã ngậm ngùi khai thị . Cũng là tiếng đàn năm xưa ấy nhưng không thể gảy lên , chỉ vì Lòng còn gửi áng mây Hàng . Đêm trăng ở sông Đáy , lúa vàng ở Sài-Sơn rồi cũng sẽ trở thành quá vãng vì người xưa đã không còn , đất lề quê thói đã đổi thay sau một cuộc trường kỳ tiêu thổ . Chẳng một ai lại có thể ngờ , sau cơn quốc biến hỏa hoạn đốt cháy Trường-Sơn , từ vùng rừng rậm Phi-Châu heo hút bỗng nghe cất lên một Bài Ca Vọng-Cổ , khiến kẻ thất thổ ly hương phải bật khóc xót thương cho Lục-Tỉnh Nam-Kỳ rơi vào vòng vô sản , rồi sẽ mất dần gạo trắng cá tôm . Cánh diều thả lên trên bầu trời nhiều mây ở vùng vịnh San Francisco , ta cũng biết rõ , là cánh diều đầy thương tích , sẽ mãi mãi chẳng còn là cánh diều ấu thơ bay lượn trên bầu trời thiên thanh ở miền đất quê hương Kabul thuở nào ( The Kite Runner ) . Yêu nghiệt thay , yêu nghiệt thay trong cuộc đời này , là đầu môi thằng Iago đang dùng độc kế cho Othello và Desdemona vào tròng . Qủy quyệt thay , qủy quyệt thay trong cuộc đời này , là chót lưỡi tuyệt phẩm gian trá của tay Sở Khanh đang êm thắm sửa soạn bí mật cho mình cơn đào tẩu : Paris em yêu ơi , anh đã để quên con tim .
*
Mời ông mua ít bánh dầy . Thanh âm rao hàng giọng Bắc-54 của bà cụ ấy khiến nó đứng sựng lại bên lề đường giữa khu chợ Á-Đông , trong một ngày lạnh cuối Thu . Nước mắt bỗng trào ra : chính là thanh âm xưa kia của Mẹ nó , đã gần 20 năm cách biệt 2 phương trời .
- Dạ vâng , cụ cho con xin 2 cái .
- Còn 5 cái , ông lấy nốt nhé .
- Dạ vâng , dạ vâng …
- Có bánh xu xê đỗ xanh ngon lắm , vừa mới làm đêm qua , mời ông lấy thêm ít cái .
- Dạ …dạ …
Trên đường lái xe về nhà , nó chợt nhận ra sự sơ ý trong cách xưng hô của mình : nó cũng đâu còn trẻ dại , cũng đã bạc trắng mái đầu .
( Sau này có người biết chuyện , kể lại nó nghe : Bà cụ trước kia có chồng là vị sĩ quan miền Nam , chết đi để lại người vợ ở tuổi 40 và 5 con thơ ; đã có bao nhiêu là mai mối đến dạm hỏi người góa bụa còn mặn mà xuân sắc ấy , nhưng người quả phụ lại nhất nhất từ chối , đáp lễ rằng : nhà tôi có 4 cô con gái , rước đàn ông vào nhà , mai sau có xẩy chuyện gì , thì còn mặt mũi nào mà dậy bảo các con ; vì thế mà từ cô tiểu thư Hà-Nội ở với bố mẹ nơi căn nhà gạch mặt tiền cạnh Hồ-Tây 54 , đến bà sĩ quan Trung Tá có xe hơi nhà lầu khu Phan Đình Phùng-Cao Thắng 75 , mà quốc nạn lưu vong tự xoay sang tần tảo : bánh chưng , bánh dầy , bánh giò , bánh rán , bánh khúc , bánh gai , bánh xu xê … những món thức ăn dân dã mà không kém phần thanh lịch của Hà-Thành đã được cẩn mật gia-truyền tự thuở tóc ngang vai , một mình gà mẹ làm lụng chắt chiu gầy dựng sự nghiệp trong suốt hơn 30 năm nuôi nấng 5 con giữa vùng trời gíá băng Bắc-Cực ; giờ đây thì các con bà đều đã xong đại học , thằng út cũng đã ra luật sư dọn lên thủ đô làm việc cho chính phủ liên bang ; bây giờ chỉ thỉnh thoảng người ta mới thấy : cô con gái áp út còn ở chung nhà với mẹ lái Mercedes chở bà cụ xuống khu phố Á-Đông bán bánh , những bửu vật của đất Thăng-Long xưa giờ đây đã thiên-đô , gánh hàng xén hiện đại chỉ là chiếc xe 2 bánh do sức lực còn bám rễ từ truyền thống nghìn năm cần cù hai sương một nắng của bà cụ đẹp lão 80 tuổi tự tay kéo đi , bánh rất thơm ngon tinh khiết , ngoại hình đẹp , giá lại bèo , thêm khéo chào hàng , bán chỉ thoáng là hết , như minh chứng nghìn đời bất di bất dịch cho quy luật thành công nơi chốn thương trường .
Nghe xong chuyện , có lẽ vì vị trà Tân-Cương tối ấy được người chủ nhà pha hơi đậm tay đãi khách , khiến nó về thao thức suốt đêm và bần thần tự hỏi : nền Nho-Học ấy đã cáo chung , vì lẽ gì bà Tú-Xương , bà Yên-Đổ , bà Sào-Nam , bà Bùi-Hữu-Nghĩa … vẫn chưa tuyệt chủng ? Mai sau thân xác nó cáo chung , liệu rồi linh hồn nó có tuyệt chủng ? ) .
*
Miền cát lạnh chân Lạc-đà bé bỏng
( Bùi Giáng )
*
Il faut être dans un désert , car celui qu’il faut aimer est absent .
( Simone Weil )
*
Thuốc phiện có thể đưa con người đến ảo tưởng , đến cảnh giới phi thực . Có người đã ví nó với Tôn Giáo . Nhưng những kẻ nghĩ rằng : sau cái chết là hết , là cát bụi , cái Ác cái Cộng Sản mà họ đã nhúng tay hay đồng lõa nơi trần thế , cái tài hoa mà họ khéo che đậy du dương sơn phết mĩm cười nhỏ nhẹ yêu thương bịp đời ở chốn dương gian xưa , sẽ chẳng bao giờ có cái Lưới-Trời , có cái Ngày-Phán-Xét vì Thượng Đế đã chết , Chúa đã bỏ loài người Phật đã bỏ loài người ; những kẻ ấy lại cũng là đang mang một ảo tưởng vĩ đại .
*
Làm cây Thông đứng giữa Trời mà reo
Uy-Viễn Tướng Công đã biết gì về đời Thông lúc vị-ngộ , sao dám lộng ngôn ? Để có được dáng xanh vươn lên cao ngất reo vui dâng Đời khi đường mây gặp hội , là Thông kia đã phải trần thân trong những trận cuồng phong gió hú khốc liệt bỏng da của cực điểm âm hàn , đã phải oằn mình dưới ách nặng đè nén bao phủ bởi mưa tuyết đóng băng trong cảnh vật mười phương sắc trắng của mùa Đông Bắc-Cực ; mà kham nhẫn dọn mình tái tê đón chờ cái Lý của Tuần-Hoàn , chu kỳ Khép-Mở của Càn-Khôn . Và như sự trở về của Oreste trong vở bi kịch của Sophocle : O Lumière bénie ! Je te tiens dans mes bras ? Garde-moi ainsi toujours , muôn vật sẽ Phục-Sinh với sự qui-hồi của Ánh-Dương , mà ta biết : đã có từ vô thỉ và sẽ mãi có đến vô chung .
***
Phạm Chu Thái
Hiver 2017 - Canada
© gio-o.com 2017