rắnhường2013

 

Hồ Đình Nghiêm

 

RẮN ĐÃ TRỐN KHỎI VƯỜN ĐỊA ĐÀNG

 

tản mạn

 

 

tháng hai thân thể bùng vỡ ra

những con rắn bò đi xa

tôi sống nổi, nổi, nổi

trôi như những đám mây loang…

     (lê thị huệ,  Tạp chí Văn số 87)

 

 

Truyện cổ ghi: Rắn đu thân trên cây, lè lưỡi nhọn hoắc ra thủ thỉ, xúi dục đôi nam nữ ăn lông ở lỗ vô công rỗi nghề đứng xớ rớ bên dưới: Thử xơi qua trái táo này đi, cắn ngập răng vào, ngon hết biết, trái cây đặc sản đấy, ngậm mà nghe. Apple nầy đời thường hổng có đâu, hàng hiệu chính gốc, chẳng có phun tẩm hóa chất như mấy anh Tẩu bụng chứa cả bồ dao găm ưa chơi khăm thiên hạ.

 

Người nhẹ dạ cả tin hay rắn lươn lẹo tà đạo? Chẳng biết mèo nào cắn miêu nào, nhưng hiệp một thì người thất cơ. Big boss không ưa bị vi phạm chủ quyền, bộ luật chưa kịp soạn thảo nhưng thiên đường là nơi hãy nghe thượng đế nói và hãy nhìn những gì thượng đế làm. Hai đứa tham ăn, bên thua cuộc, bị xua đuổi, dắt díu vượt biên xuống trần gian từ độ ấy. Rắn còn phục mình trên cây hay bị chịu hình phạt nào thì không nghe sách xưa nói năng chi (cũng thừa).

 

Tự khởi thủy, rắn là con vật có lí lịch xấu như thế đó. Là mầm mống gây chia rẽ, đâm thọc người này kẻ nọ, xúi dục hận thù. Chưa nghe ai thử khen  nó một tiếng, ngoại trừ dân-nhậu-thấy-con-gì-nhúc-nhích-là-xơi. Lẫu thập cẩm đấy, ninh đủ ngũ xà, nhiều chất đạm, phòng chống cảm mạo uể oải tứ chi (nghe tựa bác sĩ thú y), chưa kể điều hệ trọng từng ghi trong bí kíp: Đêm về trả bài cho tới sáng, dứt khoát làm bà xã hài lòng. Và từ hài lòng vượt quá giới hạn của nhăn nhó để càm ràm suốt năm canh. Bình sanh hổng ra gì sao hổm rày phổng phao trở chứng. Chị không tin hả? Sao tui đâm nghi ngờ thằng chả quá. Mẹ rượt! Đồ ó đâm. Ôn hoàn dịch vật gì đâu không! Phá giấc mộng lành riu riu giấc điệp của tui. Đau vô hạn, từ nửa người, khúc dưới.

 

Người ở vùng miền xài tiếng Pháp rắc rối xếp rắn vào giống đực. Le serpent, mà không “La” con rắn. Người nói tiếng Việt thì đề huề chẳng chia phe đảng, nhưng trong ngôn ngữ tuồng như có ý kì thị đờn bà, bao xấu xa phản trắc cứ đổ riết vào mình họ cả, thứ mình mẩy mà Tây phương luôn ga-lăng, nịnh đầm, coi trọng: Chớ đánh đàn bà dẫu chỉ bằng một cành hoa hồng. Này nhé: đồ đái không qua đầu ngọn cỏ, đồ thứ mình xà chuyên cắm sừng lên đầu chồng, đồ con mẹ lòng dạ rắn rít đẻ con không có lỗ đít… Những cụm từ “lăng loàn, mất nết” đều vấy lên đầu bù tóc rối của họ cả. Đờn ông vô can, chẳng dây dưa? Hoặc bất quá người đời chỉ nhẹ phán: Lũy có bồ nhí. Lão gần xuống lỗ rồi mà bày đặt có mèo! Ức hiếp phụ nữ quá chăng? Hỡi cánh mày râu, bộ tính độc quyền chuyện mèo mả gà đồng ư? Đồ rắn mắt!

 

Vô hình trung, rắn lần lượt bò về phía mỹ nhân cả, đích thị là giống cái; giống đực thì chỉ biết ăn nhậu và nói phét: “Nam vô tửu như nữ vô kinh”. Đừng hiểu lẩm kinh ấy là kinh sách để má nó khinh! Kinh nguyệt đó tía, dậy đi nghen. Lạnh gáy chưa? Sao không bảo đàn ông mà chẳng ực ngụm rượu thì ủ rủ khác gì cờ xí thiếu gió thổi phất? Chữ nghĩa cứ lung tung cả lên. Đồ phường bán trời không văn tự!

 

Năm rắn đang lừ đừ bò lại gần. Khi nhà nước Canada biến từ tâm làm bến đậu, thâu nhận kiếp trôi sông lạc chợ, mình khoác áo khinh cừu ở trại tị nạn Cửu long nghe giang hồ đồn: Gia-nã-đại là xứ tuyệt không có rắn rít. Ừ nhỉ, cũng phải, băng tuyết thế này thì chủng tộc giòng họ loài bò sát kia phải mang phận di dân thôi, tìm tới đất hứa chứ láng cháng xứ này mần răng chịu đời cho thấu thứ âm độ lạnh cắt da kia. Muốn ngó thấy nường rắn, mãn nhãn và thưởng thức thì phải chơi bảnh, bỏ ra hơn 50 Gia kim để xực một chén bát bửu do đầu bếp chính hiệu Quảng đông hầm lửa riu riu với nồi đất nung made in Hồng-kông. Nường mang tên hổ mang, (La) thị cạp nong hay (Le) văn rung chuông, và tô bát bửu công phu nọ chỉ lềnh bềnh đôi ba khúc trắng hếu mình hạc xương mai đã lột da co quắp của nường. Theo lời đồn, húp xong nó, hơi tanh tưởi một chút, nhưng người bạn nóng rần từ đan điền lên, tợ hồ vừa đả thông hai huyệt nhâm đốc, cơ hồ như mới nằm xuội lơ mang thân hứng chịu qua màn mát-xa mùi mẩn trong tiệm hớt tóc Thanh Nữ (thanh chứ không phải Thánh). Cho hay rắn đã chết vậy mà thịt thà nó cũng gây tê mê kịch độc cho đứa ưa thử của lạ. Nếu độc thân tại chỗ, chưa vợ con, nguồn lửa chí dương chạy rậm rật trong huyết quản sẽ xúi nó chong đèn xả óa mần thơ diết dăn từ đầu hôm tới gà gáy sáng mà tứ chi không hề bải hoải, đau lưng hoặc run tay mỏi gối. Thực đơn (dấu diếm) của nhà hàng Tàu có nhiều món siêu khủng, thế mới biết do đâu ngày xưa vua chúa hoàng hậu vương phi cung tần ăn chơi tới bến sau màn che trướng rủ, nhất dạ lục giao sanh ngũ tử là chuyện nhỏ như con thỏ. Và bây giờ, rắn đã trở lại, lợi hại hơn xưa.

 

Tuyết xuống đầy, mới bôi xóa màu thềm bẩn, phút chốc trông ra chẳng còn nhận dạng hình khối của chiếc xe câm tiếng chịu đựng đứng yên bên lề. Cây cối, nhà cửa, con đường đồng loạt mặc chung một chiếc áo cộm trắng, nhìn và phát hiện ra cái im sững, như cảnh giới kia đang biến đổi thành một tấm thiệp Mừng Giáng sinh và chúc khỏe năm mới. Yên bình tới độ phát hoảng. Lạnh lẽo đến mức phải tự kiếm tìm một ngọn lửa nhỏ nhoi, thắp sáng vào trí óc ngầy ngật luôn tưởng nhớ luồng gió hung hãn xứ nhiệt đới đã thôi thổi qua đời mình nực nội, ngoại trừ một tìm về, điều bất khả.

 

Nhã Ca ở Huế hay tìm vào Sài-gòn khi làm ra bài thơ rất được ngợi ca: Này anh, em cũng tựa sương mù, khi về tay nhỏ che trời rét, nghe giá băng mòn hết tuổi thơ. Nếu sang xứ tuyết, e có lúc lời thơ phải ắp đầy một bỏng rát của nắng nôi, của gió Lào, của biển lửa trầm luân để cân bằng một trạng thái tâm lý chăng? Mình quay lưng đoạn tuyệt với thứ sắc màu cảm mạo giăng bủa ngoài kia, đến kệ sách và làm rơi vương vãi xuống nền lạnh, xao xác thứ hình ảnh ấm cúng nhòe mờ. Tạp chí Văn số 87, nhặt lên, mở ngọn đèn vàng để thầm đọc tên vai kề vai trên trang bìa đóng khung tháng 9 năm Một Chín đã cũ Tám Chín. Ngày tháng đó, em ở đâu? Người khuất mặt luôn bồi đắp vào lòng ta một suối nguồn ân sũng. Đi vật lộn với đời sống bên ngoài ú ớ ngôn ngữ lạ bở hơi tai và đêm về lai tỉnh chong đèn mộng cuồng tới em để hàng tháng gửi vào cõi ta bà những hư hao tâm sự. Em là ai mà cho ta niềm mê muội chẳng cưỡng chống? Rồi ta bị đày ra khỏi vườn địa đàng với lòng tin sắc son em không hề là thanh xà bạch xà chuyên rù quến dụ khị ta, kẻ lầm lạc dẫm chân vào sạn đạo. Lầm lạc và lầm lỡ cũng một nghĩa như nhau. Khi ta chết đừng mang ta ra biển, hồi sinh từ sóng bạc đầu há chẳng sợ sao? Phải biết ke chớ. Phải đợi vết thương khép miệng chớ. Ưa rỉ rả chảy máu kiếp này sang tới kiếp sau ư? Sao không trùng điệp núi đồi thiếu gì chỗ chơi vui? Đà-lạt Pleiku chẳng hạn, Buôn Mê hay một đỉnh cao so với bình nguyên hoang mạc.

 

Làm ơn đưa em lên núi cao

Ngó ra hạnh phúc ở nơi nào

Ngó ra những phương trời viễn mộng

Đi với em em tìm cho coi

 

Làm ơn coi em như con riêng

Em buồn bỏ ăn năm bữa liền

Em buồn em đói vì trông đợi

Làm ơn nuôi em đâu bao nhiêu

 

Em nằm xuống giữa mấy lần ván mỏng

Giữa mấy lần gối mộng tiếc phù hoa

Giữa đêm thâu tang chế khóc trăng tà

Giữa đôi bờ sinh tử đón người qua…

 

Thơ ai thế? Của một người nữ hình như bằng tuổi mình và vượt trội hơn mình giữa những lằn ranh suy tưởng. Kinh nghiệm hơn, từng trải hơn, dịu dàng hơn, đớn đau hơn, đằm thắm hơn… Những thứ hơn ấy làm nên tên người: Vũ Quỳnh Hương. Bài “Khi Em Nằm Xuống” dài hơn những trích đoạn lộn xộn của mình, nhưng chỉ ngần ấy cũng đủ mang mình tới tiếp cận thứ cảnh giới của bạt ngàn cảm xúc, cái sự “ngộ” mượt mà chẳng nói nên lời. Cám ơn ngọn lửa sưởi ấm tự phương xa. Sao không dưng, một đêm trở trời nào lửa kia vụt tắt để bóng tối vật vã tiếc nuối. Mình biết người chưa “nằm xuống giữa mấy làn ván mỏng” nhưng cái im tiếng kia là thứ cáo phó muôn đời không nên yết thị. Hãy là đốm sáng, những con đom đóm vẫn điểm xuyết cho màn đêm chút hư ảo đầy quyến rũ. Hãy ví mình là con rắn truyền thuyết chuyên xúi dại người ăn trái cấm. Người đã hơn một lần nuốt trôi, có nhớ không?

 

Làm ơn cho em vin cánh tay

Đi vào những lối đã an bài

Có khi em khóc vì trắc trở

Làm ơn cho em xin bờ vai

 

Làm ơn hãy đờn ca xướng hát

Hãy bạn bè cạn chén đầy vơi

Hãy cười khóc quên niềm đau xót

Làm ơn đưa em đi nhậu chơi…

 

Hình như trong thơ của mỗi người nữ luôn váng vất chút buồn. Chút thôi, chẳng vật vã lớn tiếng. Là khói sương trên mặt hồ trở lạnh, cứ nhẹ tỏa lan. Trần Mộng Tú cũng vậy, thơ chị rất dễ đi vào lòng mình bởi thứ tâm sự gần kề với thành khẩn, dễ làm mình đón nhận, sẻ chia với một mở lòng của kẻ đồng cảm. Vũ Quỳnh Hương còn cài đặt vào chữ, còn biết tự trấn an mình bằng chút khôi hài đen nhưng Trần Mộng Tú không vậy, chị mẫu mực trong cách trình bày, dù khi đớn đau ta có thể xé rào, phá lệ. Chữ buồn của tiếng thơ Trần Mộng Tú thực sự nguyên chất, không pha chế gì khác, tinh ròng, đậm đặc. Mình lại mạn phép tác giả bằng lối trích dẫn cóc nhảy, bài “Chuông Gọi Hồn Ai” có những câu đẹp vì sự giản đơn mà tác giả như muốn dụng tâm tìm tới:

 

Mai em về Người có lòng rộng mở

Tay bao dung ôm nhẹ chút dư hương

Em bé nhỏ đời cuốn đi trong gió

Trái tim hồng sót lại một giọt sương

 

Mai em về tìm thăm ngôi nhà nhỏ

Bên thềm trăng Người có đón em vào

Em sẽ úp mặt lên chăn gối cũ

Tìm hương xưa trong tóc rối ngọt ngào

 

Khi em về mắt nâu Người khép kín

Gối chăn xưa bầy bán giữa chợ đời

Trăng thơ mộng vỡ tan trên thềm cũ

Chuông giáo đường rộn rã gọi hồn ai.

 

Hơi cổ điển trong cách trình bày, một vài từ hơi sáo mòn, nhưng cốt lõi nằm ở chỗ lời than van ấy có rót được vào tai bạn không. Thứ chuông kinh cong mãi đồng vọng giữa lòng sầu. Mà tại sao chúng ta ưa vặn vẹo như rắn bò thế kia? Mình có chút kinh nghiệm này e có khi bạn từng trải nghiệm qua, đó là cùng một bài thơ có khi sự lãnh hội của ta bị biến đổi khi thấy hay, khi thấy chẳng đạt. Ngay chính tác giả làm ra bài thơ ấy cũng sẽ có lúc tâm đắc, lại có khi đọc lên bèn đỏ mặt những muốn độn thổ. Cái sự cố nọ chẳng biết giải thích sao cho chín mùi, cho vỡ lẽ. Luật biến thiên của trời đất cũng ảnh hưởng tới cõi lòng ta chăng?

 

 

Văn số 87 còn có sự góp mặt của hai người nữ nữa: Nguyễn Thị Long An và Cao Bình Minh. Nhưng sáng tác của nhị vị ấy rơi vào thể loại truyện ngắn. Có Ý Ngôn (chắc nam nhi?). Có bạn Trần Vũ với truyện Đầm Lầy Hạnh Phúc. Và mình, vụng dại với Niệm Tình Tha Thứ

 

Xin hãy thứ tha khi mình đặt ra đây một dấu hỏi: Giờ này quý vị đang làm gì? Điều bất thường nào biến thành đá tảng chận lối giữa đàng, khiến quý vị dậm cẳng rồi thầm lặng quay lưng. Mực in chưa hoen mờ trang sách có tên quý vị, những Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Long An, Cao Bình Minh, Ý Ngôn… Những dàn trãi mà có thời quý vị bỏ công chia sẻ, với mình, giờ này vẫn lay lắt một đốm lửa chưa tàn lụi. Không ngoa ngôn, nó làm mình ấm, ít nhất, vào cái buổi chiều tơi bời gió tuyết chốn đây. Cái buổi bất minh như đón đợi một giao thừa. Vũ Quỳnh Hương, cho mình mượn tạm “chiếc áo ngự hàn” để khoác thân:

 

“Em cố xếp đời nhau ngay thẳng

Làm ơn đừng băng qua giữa đường

Em chở trăng sao về tới cửa

Làm ơn đừng nổi cơn ngang xương

 

Để em đi kiện với hư không

Để em mua bảo hiểm cõi lòng

Để em treo giá từng giấc mộng

Làm ơn trả lại em tình yêu”.

 

Có thi sĩ nói, đại loại như: Của cho đi ai lấy lại bao giờ. Thơ văn là khu vườn trưng bày kì hoa dị thảo, là “mực viết ra ai gôm tẩy được bao giờ”. Hiện trạng, nó xác xơ quá, tựa hồ chẳng ai buồn tay cắt tỉa tưới nước nhặt lá lượm hoa. “Em đã theo chồng bỏ cuộc chơi?”. Không, đời nào. Em theo chồng thì em nên bạch hóa niềm hạnh phúc ấy, nhân đôi lên, cho một kẻ buồn nhưng vạn người vui, bởi em lỡ phận là tằm ăn dâu. “Người về ta chẳng cho về, ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”. Được không? Có bị mang tội sách nhiễu tình dục chăng? Eo ôi, cuộc chơi nào cũng găm ở đấy một lề luật cả. Khó khăn quá. Lầy lội một vũng tuyết ngập gối, bước e dè.

 

Số báo Văn mình đang cầm trên tay tựa một tờ lịch cổ xưa vàng ố. Giam giữ thứ quá khứ mà mỗi một nhớ về là mỗi một tiếc nuối. Là vườn xưa chập chờn ong bướm, và hoa, mang từ bốn phương lại nở rộ mỗi hạn kỳ, để trong phần sổ tay, người chăm sóc vườn Mai Thảo bao giờ cũng thủy chung một lời: “Cám ơn sự hợp tác quý báu của văn hữu”. Văn hữu, giờ này người đang ở đâu? Computer, internet đã giết người rồi ư? Người bỏ vườn xưa, đi không để lại một âm hao. Trần Mộng Tú còn viết, nhưng thưa lại, lơi đi. Trần Vũ thì co thân, trùm chăn phủ đầu, chưa tỉnh thức. Chỉ một người nữ dựng bảng hiệu Gió O Chấm Còm và mình lẻ loi phương này buốt giá còn buồn miệng tỉ tê chuyện vãn, thoạt ngắn thoạt dài. Tiền nhân nói: Rượu ngon phải có bạn hiền. Quả không sai, nhưng hà cớ gì phải là rượu, thơ văn cũng vậy thôi. Anh viết, chị viết, tôi viết, nhà nhà đều viết. Ngó qua ngó lại, thúc đẩy, xúi giục, hổ tương và hậu vận là tất thảy đều chen vai một giấn liều. Thập niên 1980 là cả một lên đường đầy hưng phấn. Tiếc nuối, mình dùng chữ ấy e còn thiếu. Sự hoài tưởng bao giờ cũng bần thần, kéo theo nỗi thất vọng cho cái đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, ung thư niềm tin của dòng văn chương hải ngoại.

 

Tuyết đã ngưng, thôi làm nát tan khung trời hẹp. Mình xếp bút nghiên, rủ bạn hiền đi nhậu “cạn chén đầy vơi” một phen. Dộng, mặc, cài, phủ, choàng, trùm… ngoài thân một đống quần này áo nọ tựa thằng người nộm, biến tướng. Mình tắt đèn, đóng ập lại cánh cửa, nơi có treo cuốn lịch chết sững những con số đen đỏ, và hàng chữ đóng ngập đinh, in mực xanh (dờn) câu nói của Che Guevara: “Live your life as though you were already dead”.

 

 

Hồ Đình Nghiêm

 

 

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html

 

 

 

© gio-o.com 2013