phỏng vấn nhà văn

 

 T Ú Y   H Ồ N G

 

P H Ụ   N Ữ    V Ă N   C H Ư Ơ N G

 

Hoài Nam:   Trước khi vào chuyện, xin chị cho biết vài nhận định về văn chương.  Như Jean Paul Sartre từng thảo luận  “ Qu’est-ce-que la littérature ? “  Văn chương là gì ?

 

Túy Hồng : Xin mượn lời Phan Kế Bính : Văn chương là tất cả vẻ đẹp trong trời đất.”   Trong dịp nói chuyện này, văn chương là văn và thơ. 

Hoài Nam: Nói về phụ nữ, xưa cổ nhân dạy : “cái nết đánh chết cái đẹp.” Bây giờ, người ta nói :”cái đẹp đè bẹp cái nết,” nên vô số các bà các cô chăm chút sửa sang trau dồi nhan sắc, tìm đủ mọi cách quyến rũ qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động …  hoặc ăn mặc bắt mắt khêu gợi … mà không chú trọng đến việc trau dồi trí óc bằng sách vở chứ đừng hòng nói đến làm văn chương.  Chị nghĩ sao về vấn đề này ? 

 

Túy Hồng : Lúc còn học trường Quốc học Huế, anh bạn Nguyễn Loan ngồi bàn cuối kể rằng những ngày chúa nhật anh cùng mấy anh khác leo lên thượng thành cửa Thượng Tứ, đặt cái ống nhòm dòm vào hầu hết các nhà con gái loanh quanh.  Các vua Triều Nguyễn cho xây Thành nội gồm các Cửa Ngọ Môn,  Cửa Ngăn, Cửa Thượng Tứ v.v. … là để có những địa điểm cao nhìn xuống kiểm soát toàn diện thành phố.  Nhà cửa Huế thường có một miếng vườn và cái bếp đằng sau gió lùa gió lọt.  Anh thợ nhòm Nguyễn Loan nhận xét tận mắt từng mỗi hoạt cảnh từ cái bếp và khu vườn nhà các người đẹp :  người ngồi giặt áo quần cạnh bể cạn là bà mẹ; người quét rác là mẹ; người đem áo quần đã phơiõ khô vô nhà xếp lại là me;ï người chẻ củi là mẹ, người lãnh hết việc nấu ăn là mẹï.  Anh Nguyễn Loan kêu lên : “ Gái Huế thiệt là đoảng, bao nhiêu việc nhà mẹ làm hết !”

       Sau đó nhiều năm, tôi vào Saigon và lập gia đình.  Cái bếp của giới trung lưu Saigon quả là cái hầm.  Trờ Saigon nóng mà ướt.  Trời cay và nắng chói loá.  Cái bếp là chỗ hầm hơi nhất trong nhà.  Người nội trợ mỗi ngày đi chợ về nấu ăn với cái bếp dầu hôi lợm giọng.  Dầu hôi là dầu không thơm lửa phựt khét lẹt nên phải canh chừng.  Thứ bếp sắt đó có tám cái bấc (wick) – người Huế gọi là tim – vặn lên vặn xuống nhiều lần là kẹt.  Mỗi buổi chiều, người nội trợ phải vào bếp sớm, dùng kéo  cắt bỏ phần cháy của tám cái bấc, vứt đi, lau chùi cho sạch và đổ thêm dầu.  Đã là đàn ông Việt Nam thì không phải cho ăn gì cúi đầu ăn nấy, mà, mỗi bữa cơm, trưa cũng như  chiều, đều đòi hỏi món canh, món xào, và món mặn.

      Qua hình ảnh người mẹ của cố đô Huế và người vợ của giới trung lưu thủ đô Saigon, thì cái nết đã đánh chết cái đẹp, cái sửa sắc đẹp, cái son phấn áo quần; nhưng trên thực tế - trên sự thật và không gì ngoài sự thật -  cái nết đã thua cái đẹp bao nhiêu keo ?  Cái đẹp không những đè bẹp cái nết mà còn đập dẹp luôn cả cái tài, nói chi tới văn chương !  Ngày xưa Trương Chi, vì đâu anh không lấy được con gái quan thừa tướng, và vì đâu anh đã chết tương tư ?

 

nét chữ của nhà văn Túy Hồng

 

 

 

Hoài Nam: Chị có nghĩ rằng phụ nữ làm văn chương cũng là một cách “làm đẹp,”  đặc biệt là làm đẹp đầu óc ?

 

Túy Hồng: Văn chương là phô bày những gì người cầm bút đã chứng kiến từ đời sống bên ngoài và những gì người cầm bút cảm nghĩ.  Hai nhà, văn và thơ, cùng tả cảnh gia đình, phơi bày bất công xã hội, phản đối đàn áp, ca ngợi hoà bình …  Với nhiệm vụ đó, người làm văn chương thật rất có công và có ích.  Làm văn chương không phải là đi những bước nhàn du trên con đường vui mà phải khổ công tìm kiếm chất liệu để sáng tác.  Trong hoàn cảnh người đọc không mua sách và báo chí bám vào quảng cáo, người cầm bút có nên nản lòng hay nên phải nhân tình yêu văn chương lên nhiều lần ?

 

       Nhiều người tự hỏi tại sao các nhà văn âu Mỹ lúc về già vẫn viết nhiều và viết hay.  Tại sao các văn thi sĩ Việt Nam ta cứ càng ngày càng đuối sức  sáng tác, viết yếu đi ?   Và tại sao lại có những người cầm bút cứ nhẩy vào viết lách một vài tác phẩm rồi lại nhẩy ra, như ông tướng Tàu Trình Giảo Kim vung lên ba búa rồi bỏ chạy vậy ?  Các nhà văn  của các cường quốc thế giới học cao, đọc nhiều và đi du lịch khắp nơi nên tài năng thiên phú  của họ kéo dài cho đến già không hết thời.  Văn thi sĩ của quê hương nhược tiểu chúng ta nói chung không có được một trình độ trí thức cao như họ, tuy chúng ta cũng cố gắng làm đẹp đầu óc như họ….

 

       Viết là tự trói mình vào một cái nghiệp, đòi hỏi người cầm bút cần phải bền lòng dù công việc này nó ăn tươi nuốt sống tất cả thì giờ, mà cuộc đời vốn ngắn ngủi.

 

 

Hoài Nam: Chị là người phụ nữ lấy văn chương làm sự nghiệp.  Những động lực nào đã thúc đẩy chị chọn văn nghiệp ? 

 

Túy Hồng:  Ngày còn học Đồng Khánh Huế, thầy cô thường lấy những bài luận văn được chấm điểm cao nhất của Bùi Bích Hà đọc cho cả lớp nghe.  Hết năm đệ tứ sang trường Quốc học, giáo sư tài hoa Lê Hữu Mục khuyên học trò  mỗi khi đọc sách gặp một câu văn hay, nên ghi vào sổ tay.

  Tôi còn nhớ một vài câu đã ghi khi cuối tuần họp Gia đình Phật tử : “Có ngón tay thật cần thiết để chỉ vào vầng trăng.  Nhưng khi đã thấy được ánh sáng, ta còn nhớ chi đến ngón tay nữa!”   Hoặc :  “ Trời mưa xuống hoài.  Lá rụng đè lên lá.  Mưa rơi đạp lên mưa.  Gió xô gió ập vào lưng tôi.  Có bao nhiêu khúc xương của tôi đã nhão ra như vôi ?” 

Đó là trung tâm điểm nỗi buồn thân phận muộn màng.  Đó là đề tài tối cao tôi dùng để viết văn,  Khi mưa rơi và gió thổi, tôi thấy lá đàn áp lá và giọt mưa này đập tan những giọt mưa kia.  Khả năng tả cảnh của tôi chỉ đạt được nhiêu đó thôi. 

 

Gia đình tôi ai nấy  cùng mê đọc truyện Tàu và truyện kiếm hiệp.  Thuỷ Hử, Tam Quốc Chí, Thần Điêu Đại hiệp, Tiêu Thập Nhất Lang ….  Chị em tôi sống theo nhịp tay đong đưa mềm mại của vũ điệu T’ai Chi Ch’uan, tức Tài Chí, thế võ cao siêu nhất của người chinh nhân trong giáo phái Lão Trang, điệu múa của người  cầm kiếm ôm gươm theo đuổi nghiệp binh đao, môn võ công hàng đầu của người đấu kiếm trên thượng đài và của người chiến sĩ mê theo tiếng gọi của sa trường ngày xưa.  Chúng tôi có căn nhà xây trên một vị trí đẹp nhất nhì thành phố Huế là con đường Phan Chu Trinh trông xuống dòng sông An Cựu.

 

Tôi thương nghệ thuật và yêu quý tiền nhân đến độ khi Nhất Linh chết, tôi để tang ba tháng.  Dấu hiệu để tang là miếng vải đen nhỏ bằng ngón tay út gắn dưới vai áo dài trắng mặïc đi dạy học.

Mấy điều vừa kể không biết có phải là động lực  thúc đẩy tôi chọn nghề viết ? 

 

Hoài Nam: Xin chị kể vài chuyện vui nhỏ trong thời bắt đầu làm văn chương. 

 

Túy Hồng: Thuở ban đầu, tôi  gửi đăng báo  Phổ Thông hai mẩu chuyện khôi hài.  Nhà thơ Nguyễn Vỹ cho lên báo liền.  Báo phát hành ra tới Huế, một chàng đi xe đạp ngang nhà, ném qua hàng rào cái thư ngắn :

 Cô Tuý Hồng,

Tui đã đọc hai mẩu chuyện khôi hài của cô đăng trên báo Phổ Thông của nhà thơ Sương Rơi Nguyễn Vỹ.  Tui đã cạy miệng ra cười mà không nổi.  Tui xin cảm phục lòng can đảm cô đã dám đem hai mẩu vụn khôi hài vô duyên, buồn thiu, thiếu muối đó lên mặt báo.  Tui xấu hổ đã ở cùng xóm với cô trên con đường Phan Chu Trinh trông xuống dòng sông An Cựu.

                                                       Ký tên:   Vô danh

 

       Chị em tôi ai cũng đọc Phạm Cao Củng, Đoan Hùng - Lệ Hằng với trí phục thù … nên người nào cũng có ít nhiều óc trinh thám, nhưng cái thư này thì bị dấu nhẹm.  Sau đó, tôi gửi đăng truyện ngắn “ Bát Nước Đầy” và không bị gửi thư nặc danh.

 

Hoài Nam:  Khi viết văn, chị thường chọn đề tài như thế nào, và có ý chuyển đạt một vấn đề nào ?

 

Túy Hồng:  Một nhà văn nữ dễ thương không nên lạm dụng ngòi bút viết về cái tôi nhiều quá.  Trong quá khứ, nhóm nhà văn chống cộng Sáng Tạo đã bị chỉ trích “tự đặt mình lên trang mà thờ,” bị bắt bẻ “lấy cái tôi làm đề tài.”  Chọn đề tài, chọn đề thì dễ, nhưng có sức để viết cái đề ấy mới khó.  Nhà văn Việt Nam, từ thời “hậu Genève” 1954 đến thời kỳ “hậu mất Saigon” 1975, nói theo nhà văn Mai Thảo “ đã đem ngọn lửa văn hoá loé sáng vượt biên vào Nam và vượt biển sang Mỹ,” thật sự chưa ai có đủ sự dồi dào về đề tài, và sự thật  thì ngọn lửa văn hoá họ đốt lên ở Mỹ mỗi ngày một leo lét.  Nhìn chung, chỉ có sự làm mới từ ngữ thôi, và nhìn riêng về phái nữ thì các nhà văn trẻ viết bạo quá ! 

 

 

Hoài Nam: Còn về các nhân vật, thường là hư cấu hay có dựa vào kinh nghiệm bản thân hoặc theo nhân vật có thật ngoài đời ?

 

Tuý Hồng: Theo nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, tâm lý nhân vật  là phần quan trọng

 

Trước năm 1975, nguyệt san  Bách Khoa có một toà soạn với ghế xa-lông bọc nệm lót và trong phòng trị sự còn kê thêm một máy may Singer.  Nhà phê bình Lê Châu  tức chủ bút Lê Ngộ Châu,  theo Lê Tất Điều,  là người đọc bài vở để chọn  đăng, kỹ hơn các báo khác.

 

Các tác giả đến toà soạn đưa bài nghe được những câu như  : “ Về phía các tác giả nữ, Nguyễn Thị Vinh viết “tới”, gần sự thật hơn, các nhân vật, nhất là các vai đàn bà trong truyện được ghi đậm nét hơn, nói lên được lòng tốt và đức tính hiền lành của họ.”     “Các nhà văn nữ tiếp theo … có lối viết mới hơn, kêu hơn, vào sâu hơn trong vấn đề tình dục, nhưng vấp phải cái hỏng ở phần xây dựng nhân vật : họ không vẽ được cái mặt và cái chân tướng của người đàn ông, nghĩa là không hiểu tâm lý đàn ông.  Trùng Dương khá nhất trong đám, tả người đàn ông ra đàn ông khi đi đứng, lúc nói cười, lúc đưa điếu thuốc lên môi …  Trong cách mô tả này, Trùng Dương làm được việc hơn  Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thuỵ Vũ …Những người này đã chỉ cố nặn ra những hình người với những đường nét mờ, những chân dung xa lạ ngay cả với chính họ.  Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thuỵ Vũ và v.v. … đã tự thuật, đã ca tụng cái “ta” nhiều quá nên trong tác phẩm của họ âm thịnh dương suy.

 

Lê Châu nói thêm : “ Đổi đề tài đi chứ !  Tại sao nhân vật của Tuý Hồng cứ phải là cô giáo ?  Tại sao Thuỵ Vũ cứ chuyên viết về những cô gái bán snack bar ?”

 

Cổ nhân có nói tả người khó, tả ma quỷ dễ.  Trong những tác phẩm xưa, ta nhận thấy có sự hoà hợp âm dương, có người có ta, có đàn ông và có đàn bà.

 

Đọc văn đàn bà ngày nay, ta nhận thấy đàn ông trong các tác phẩm hình như phải nhận một hình phạt nho nhỏ nào đó.  Phải chăng trên cõi đời này đàn bà đã yêu đàn ông nhiều hơn họ được yêu lại ?  Phải chăng khi đọc họ, ta nghe được tiếng kêu buồn của tình yêu không được thoả mãn ?

 

Qua những nhận xét của Lê Châu, ta có nên nghĩ rằng viết về tình dục đòi hỏi một ngòi bút am hiểu, kinh nghiệm; không nên vô tội và ngây thơ, không hiểu đàn ông.  Ông là ai ?

 

Mới đây, năm ngoái, Thuỵ Vũ đã trả lời trong bài phỏng vấn  Thuỵ Vũ Chăn Dê :” Người nào vô văn chương mà ghê gớm, đó là vì trong đời sống hằng ngày người ta hiền quá, nên mới nhảy vô văn chương mà phá .”

 

Vậy, qua cả hai Lê Châu và Thuỵ Vũ, chúng ta có nên tạm nghĩ rằng trong tác phẩm của một số nhà văn nữ, đoạn văn nào họ lếu láo viết về tình dục là những đoạn văn không thật, không giá trị ?

 

 

Hoài Nam: Trong văn chương, xưa nay đặt nặng tinh thần trong nghĩa “văn dĩ tải đạo,” nhưng nay đặt nặng về thể xác, nhất là văn chương phụ nữ.  Chị quan niệm đàn bà viết văn phải như thế nào để thành công ?

 

Túy Hồng: Mảnh đời thơ ấu của chúng ta đã mở ra với trang sách “Quốc văn Giáo Khoa Thư.”  Bài học đầu tiên dạy “đi học phải đúng giờ” là bài thơ song thất lục bát “ Xuân đi học coi người hớn hở … “  Tiếp theo là những bài thuộc lòng khác “Ai bảo chăn trâu là khổ; Nhà ga là nơi xe lửa đậu; Cảnh quê hương đẹp hơn cả …”  Đó là văn chương dạy đạo lý.  Ngoài ra, sách Quốc văn Giáo Khoa Thư còn dạy chúng ta tập viết những câu văn không thiếu không thừa một chữ, những câu văn chữ  ít nhưng nghĩa nhiều, đã ấn sâu chữ tâm đầu tiên, một chữ tâm non nớt vào đầu óc tiểu học chúng ta.

 

        Rồi giã từ tuổi thơ, chúng ta vụt lớn lên với hai chương trình quốc văn và Pháp văn bậc trung học dạy ta ba tác phẩm chính yếu : Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, vaø Truyện Kiều,  tức trái tim Nguyễn Du.  (Cũng vẫn là văn dĩ tải đạo và chúng ta đã yêu thương Nguyễn Du của chúng ta vì người thầy đó đã dạy ta chữ tâm của đất nước và chữ tâm ở cửa địa ngục : luân lý đẹp nhất khi luân lý là lòng hy sinh hỉ xả).

 

       Về phía chương trình Pháp văn, sự có mặt của tác phẩm Madame Bovary của Gustave Flaubert đã gây nhiều tai tiếng cho học đường vì đó là một cuốn dâm thư : cô Emma, con gái một điền chủ, được đưa vào tu viện học lúc 13 tuổi.  Sau khi xuất viện, về quê sống với cha trông coi một trang trại và lấy chồng, bác sĩ Bovary.  Chàng này con của một bợm nghiện.  Về y học là một bác sĩ thơm tay chữa bệnh cho dân quê, nhưng trên tất cả mọi phương diện khác ở đời, Charles Bovary là một chàng ngốc, ngốc đặc và khờ dại.  (Con của bợm nghiện chăng ?)  Emma lười biếng, chán sống với chồng, không thương yêu con, mà mơ ngủ và nghĩ hoài tới những người đàn ông khác.  Emma ngoại tình, tiêu tiền.  Cuối cùng, Charles Bovary mang công nợ.  Emma hối hận, mua một nắm thuốc bột giết chuột về nhà ăn để tự tử.  Một thời gian sau, đứa con gái nhỏ lớn lên, Charles Bovary chết.  Chàng chết lãng mạn, trái tim chàng rách một nét bi thương.  Charles ngồi chết dưới bóng im lá nho non màu ngọc thạch, hương hoa nhài nhẹ nổi trong trời không, những con ruồi Spanish bu quanh hoa li-li.  Và trong tay chàng, Charles nắm chặt một lọn tóc trăm năm của người vợ.

 

        Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này năm 1856 đã đưa Gustave Flaubert và nhà xuất bản ra tòa về tội xúc phạm luân lý.  Cái chết của Charles Bovary có lãng mạn hay không ?  Cái kết cục câu chuyện gây một chút buồn, một chút đau, nhưng vẫn có một chút ngọt ngào.  Văn chương lãng mạn thời Pháp thuộc đã làm mềm yếu tuổi trẻ thồi đó.

 

        Nhạc Tây phương và văn chương lãng mạn Pháp cùng du nhập vào quê hương chúng ta một lúc: nhạc tình được đón nhận đến tận các chiến khu xa để trở thành nhạc tiền chiến, khí giới tinh thần của đoàn quân Việt Minh; văn xuôi và văn vần được đưa vào chương trình trung học, ở thành thị  dạy dỗ con em chuyện tình. 

 

        Ở Huế, Linh mục Nguyễn Hy Thích thuộc dòng tu khổ hạnh cực lực phản đối lối giáo dục ẻo lả này, một chương trình đồi trụy làm khô héo nhựa sống của thanh niên, lão hoá tuổi thanh xuân của đất nước.  Cha Thích nói : “Đây là một lối giáo dục tình tính tang.  Kim Vân Kiều là chuyện tình, Chinh phụ Ngâm và Cung oán Ngâm khúc là chuyện tình …  Đàn ông chớ đọc Phan Trần, đàn bà chớ đọc Thuý Vân Thuý Kiều.  Chinh phụ Ngâm phản chiến, Cung oán Ngâm Khúc là chuyện ghen tuông thường tình của đàn bà.

 

        Nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng kêu lên rằng Kiều là một con điếm.  “Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu !”  Và phải chăng bởi đường lối giáo dục thuộc địa này, một đường lối giáo dục già nua héo úa, nên hơn 70 năm về trước, nhà cách mạng Nguyễn Aùi Quốc cũng đã thốâng thiết than : “Hỡi Đông Dương đáng thương hại !  Người sẽ đi về đâu nếu đàm thanh niên sớm già này không sớm hồi sinh ?”

 

        Tóm lại, chúng ta biết ái tình từ cái tuổi hãy còn thơ ngây, cho nên bây giờ, những tác phẩm văn chương tình dục cũng có thể là một trong những hậu quả do những chuyện tình trong chương trình giáo dục.  Vì là phản ảnh của đời sống, một tác phẩm văn chương cần có sự cân bằng của luân lý và tình yêu, cao cả hoặc tội lỗi.

 

       

Hoài Nam: Trong một câu trả lời trên, chị nói rằng : “ Nhìn riêng về phái nữ thì các nhà văn trẻ viết bạo quá.”  Mới đây, tập san Hợp Lưu số 85 tháng 10 và 11-2005, trong bài Phụ nữ và Vấn đề Tình dục,  Nguyễn Văn Lục viết “  Trước đây, thập niên 60-70, đã có Tuý Hồng viết rất bạo dạn dữ dội.  Gái Huế đa tình, nay đã có nhà văn như Tuý Hồng buông thả, phóng khoáng, mở toang …      Chị nghĩ thế nào ?

 

Túy Hồng: Phụ nữ và văn chương !  Đàn bà viết gì thì chỉ có ông Freud và chính họ tự hiểu họ mà thôi.  Nhà phân tâm học Aùo Sigmund Freud và các nhà văn nữ đương đại của chúng ta cùng định nghĩa female hormone là những giọt dầu dâm dục trong cơ thể đàn bà, những giọt mỡ màu xám chì trong máu, những giọt nhớt từ các  phần mềm của phái yếu nhễu ra, và cũng là những giọt nước mắt béo từ ngọn nến tình dục muộn màng.

 

        Ngày nay, tại Mỹ, chúng ta có Lê thị Thấm Vân, Trịnh Thanh Thuỷ, Nguyễn thị Thanh Bình, Nguyễn thị Ngọc Nhung  v.v. …  và cách ba phần tư quả địa cầu từ Mỹ đến Việt Nam, chúng ta có Vi Thuỳ Linh, Đỗ Hoàng Diệu v.v. …

 

        Sau đây là trích đăng vài đoạn văn của Lê thị Thấm Vân :   Tôi nằm đây, đưa tay phải nhẹ đặt vào nơi đó.  Cửa mình của trần gian, cử mở ra sự sống.  Nơi chồng tôi bao lần vục mật, mân mê chùm lông man dại như rừng rậm hoang dã …  Henry Miller đã có lần viết : ‘tôi dấu chim tôi trong đám lông hoang dại của nàng.’    “Múc từng gáo, dội từ đỉnh đầu.  Nước ào ào tuôn dọc theo cơ thể.  Da loáng nước.  Cái thau nhựa xanh đặt ở góc phải tràn nước.  Khua tay ấm áp như da thịt mình, ở phần dưới …  Tôi ngâm mình trong thau nước đầy.  Những sợi lông bồng bềnh, khẽ vuốt ve, mân mê, màu ngô non, mướt nước … ”  (Xứ Nắng) 

 

        Một trích đoạn khác trong Âm vọng, cũng của Lê thị Thấm Vân :  “ Vú mình con không bú mà chỉ toàn đàn ông con trai bú, mút, ngậm, nút, mò, bóp, đè, ngấu, nhai.  Ngồi đếm lại, tổng cộng lại cũng hơn mười đầu ngón tay.  Thằng nào cũng thích , từ già đến trẻ, từ Mễ tới AnÁ, mà mình cũng thấy đã đía mới chết cha nhứ !  Cái vú bên trái mình thích được bú hơn vú bên phải.  Cứ mỗi lần thằng cha nào bú là nước l..  mình ứ ra, rồi nước dãi cũng tươm đầy họng, quặn cả bụng, chỉ muốn đ.. liền tức khắc.”

       Tôi chịu hết nổi, tuột gấp quần, chỉ kịp qua khỏi đầu gối.  Tôi ngồi bẹt xuống sàn xi-măng ẩm nước, góc tường lạnh thấm qua lưng, hất cái ghế đẩu nhựa sang một bên, ngón tay tôi run run đút sâu … luốn lách qua từng thớ thịt khe rãnh nhấy nhụa ấm nóng.  Sóng cuồn cuộn trên vũng bụng.  Ngón tay hút chặt.  Đầu môi con bạch tuột.  Tôi biết tôi muốn gì, làm gì, ngay trong giây phút này.  Tôi hoàn toàn thuộc về tôi.”

 

        Sau đây là hai đoạn văn của nhà văn nữ son trẻ Đỗ Hoàng Diệu,  kể chuyện một cô dâu trẻ bị ông nội chồng (đã chết) và bố chồng (đã chết) hãm hiếp rồi về nhà làm tình với chồng và sinh ra một đứa con :  “ Chồng tôi, tôi biết gọi anh là gì ?  … Tôi nằm im lẩm nhẩm bao điều vô nghĩa … Như một con thú, chồng tôi vật tôi như một con mồi.  Đôi mắt chỉ còn là hai vệt đỏ lục lọi da thịt tôi tan nát.  Không cởi tất , cứ thế Công chồng lên tôi, chọc sâu tàn nhẫn.  Tôi càng đẩy Công ra, Công càng cứa như dao đâm.  Không phải đâm mà anh chích vào người tôi những con trùng làm công tác huỷ hoại bộ nhớ.  Tôi nín lặng mặc cho Công quay lộn, mài dũa …”

 

        “ Tôi muốn cởi phăng áo, dướn ngực vào mặt Công.  Tôi muốn tri hô : ‘Tinh trùng anh loãng như nước máy.  Linh hồn anh là linh hồn của một tên hủi …’  Tôi thấy rõ trí nhớ tôi tan vữa dần sau mỗi cú thọc sâu của Công, chỉ có Buôn Hủi, làng Hủi, và người đàn ông Thượng tồn tại …  Khi Công chấm dứt, tôi không còn nhớ gì hết, kể cả 10 ngón tay vừa cấu nát lưng Công.  Tôi nhìn chúng xa lạ không hiểu đã xảy ra chuyện gì ban nãy.  Ngoài kia, ánh trăng đại ngàn vẫn ngời ngợi lung linh bên trên những con người thành phố thơm nức, sạch sẽ nhưng không trí nhớ.”  ( Đỗ Hoàng Diệu, Dòng Sông Hủi)

 

        Và sau đây là một đoạn văn ngắn trích từ bài phê bình văn chương của nhà phê bình Nguyễn Văn Lục, đăng trên Hợp Lưu số 81 :

        1/  Âm hộ như một giải phóng phụ nữ

        2/  Âm hộ như một bản cáo trạng

a)     về kinh nguyệt

b)     về màng trinh

c)     về mòng đóc

d)     về chuyện sinh đẻ

        Phải chăng đó là những câu kinh để tụng khi bắt tay làm tình ?  Nhà văn viết bạo bao nhiêu, nhà phê bình phê bạo bấy nhiêu.    Văn chương kiểu này thì ái quốc Hồ Chí Minh, cách mạng Huỳnh Thúc Kháng và khổ hạnh Nguyễn Hy Thích chắc nằm chết không yên !

 

        Trước hết, tình dục có phải xấu không ?  Nhà văn Irving Stone nói rằng tín đồ giáo phái Puritan phải kết hôn để sinh đẻ và có thể sinh ra những vị thánh.

 

        Sau hết, tình dục có phải tốt không ?  Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong văn chương tình dục qua ngòi bút các nhà văn nữ lớp mới, và làm tình, quả thật có sướng như họ đã tả không ?

 

        Viết là tưởng tượng – fiction – căn cứ trên thực tại – fact.  Tôi yêu fiction dựa trên fact..  Nghệ thuật có giá trị khi nó là sự thật, không phải của giả.  Tình dục không cho ta một nắm to của cái cảm xúc gọi là “sướng”, và không gây cho ta một chỗ đau nào đó trên thân thể.  Sự thật, giây phút tuỵệt đỉnh lúc ân ái  chỉ diễn ra chừng năm bảy tích tắc kim đồng hồ, và cái lượng đam mê cũng nhỏ thôi chứ đâu có bự như những nhà văn nữ lớp mới đã tả.  Sự thật thì ít nhưng chúng ta đã xít ra cho nhiều.  Sự thật thì bé nhưng chúng ta đã xé ra cho to.

 

         Tiền nhân chúng ta  đã rượu vào lời ra “Tứ khoái trên đời là ăn, ngủ, làm tình và đại tiện.”  Còn gì thích hơn ăn ngon ngủ kỹ.  Cái dâm đâu bằng cái khoái khẩu.   Trước màn ảnh TV mỗi đêm, đầu bếp thượng thặng Emeril , như một võ sĩ Tàu múa kiếm dưới trăng, đã đi những đường dao đẹp mắt trên cá thịt rau quả thật mềm mại và ngon lành.  Đầu bếp Trung Quốc Gary Lee, cũng một đêm nào ngồi trên tảng đá ăn trái lệ chi – trái vải – với vợ, đã nói : “Đức Khổng Tử là người sành ăn nhất nước Tàu.”

 

       Ngoài ra, theo ý kiến của các bác sĩ, lạm dụng tình dục rất có hại cho sức khoẻ.  Các nhà văn nữ lớp mới thật không để tâm gì đến vấn đề healthcare các ông bồ của mình gì hết, nhất là các ông bồ Việt Nam.  Đàn ông Việt Nam không phải là thứ dềnh dàng cao to như hải tặc Thái Lan, cũng không phải là quỷ tháng mười vampire, mà đúng như nhạc sĩ Lam Phương đã đàn hát tưng bừng  “ Nhìn  vào khe song trông anh ốm yếu ho hen … ”

 

       Một điều đáng tiếc nữa là trong tác phẩm các nhà văn nữ lớp mới, phần tả cảnh và phân tích tâm lý đã bị phần tả tình dục chiếm chỗ.  Điều này chúng ta cũng nhận thấy khi dọc một số tác phẩm các nhà văn Mỹ.  Các nhà văn nữ Việt Nam đã tỏ ra thiếu kinh nghiệm và không thực tế về tâm lý : con ngựa bà trời tức là con bọ ngựa cái, sau khi thoả mãn tình dục rồi thì cưa đứt đầu bọ ngựa đực ra mà ăn.  Có phải trong khi làm tình, người đàn bà cứ nằm mà nguyền rủa người đàn ông ?  Có phải sau khi làm tình xong, ngưòi đàn bà không nằm nghỉ xả hơi cho khoẻ mà phải mỉa mai kép độc của mình là tinh trùng anh loãng như nước máy !

 

       Về thơ, Trần Mộng Tú – nhà thơ trữ tình, người mang trong tâm hồn những tư tưởng vô bờ về cái đẹp nhưng vẫn đẩy được dòng thi ca dào dạt của mình vào những ngõ ngách đạo đức trong thi phẩm Ngọn Nến Muộn Màng, đã nói  Sao bây giờ người ta đổ xô viết bạo?  Đâu có phải là thời kỳ thịnh hành nhất của văn chương tình dục ?  Đề tài này bao nhiêu người đã viết rồi, các nhà văn bây giờ chỉ làm mới cách dùng chữ mà chữ nghĩa bạo hơn nhưng ý nghĩa chẳng có gì.  Với cái đà này thì văn chương sẽ không đi về đâu hết.”

        

         Xin lưu ý điểm này, chúng tôi đã trích ra những đọan  văn viết bạo để làm dẫn chứng cho phần trả lời.

        Trong những sáng tác ngắn hoặc dài, có những đoạn văn các nhà văn nữ lớp mới không viết bạo.  Họ viết tốt với những tư tưởng mới và lập trường suy luận riêng, chịu ảnh hưởng phương Tây, tôn trọng tự do cá nhân.  Họ là lớp trí thức trẻ, căn bản học vấn và tuy Âu hoá nhưng tình yêu lớn nhất của họ vẫn là tình đất nước.  Họ sẽ không ngừng lại sau vài ba sáng tác, họ sẽ tiến lên trên đường xa, ôm sứ mạng văn chương, vì đã đến lúc những trào lưu đã cạn dòng phải rút thoát để cho những ngọn triều trẻ dâng lên thay thế.

 

 

Hoài Nam: Với cương vị là một nhà văn nữ, chị nghĩ thế nào về nhận xét của Dương Thu Hương :  “ Nghề văn, nói chung là một nghề nguy hiểm.  Nghề văn, đối với đàn bà, một trăm lần nguy hiểm hơn.” 

 

Túy Hồng: Năm 1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, trong lúc ngót một triệu đồng bào di cư vào Nam tìm tự do, thì nhạc sĩ Hoàng Giác đang làm việc tại Đài phát thanh Saigon , vội vã “tung cánh chim tìm về tổ ấm”  trở lại miền Bắc.   Cộng sản Việt Nam, nhân đạo hơn  Cộng sản Bolshevik Nga sô và cộng sản Khờ-me- đỏ Pol Pot, đã tỏ ra ưu đãi các nhạc sĩ tiền chiến và bạc đãi văn thi sĩ vì nhà văn thường phản đối chính quyền và ưa viết sách chống cộng.  Dương Thu Hương là một cây bút phản kháng, bất khuất …  Nhưng tại sao nghề văn đối với những người đàn bà nguy hiểm một trăm lần hơn đối với những người đàn ông ?  Điều này tôi không hiểu.

 

 

Hoài Nam: Chị nghĩ là những nhà văn nữ hiện đại cần viết về thảm cảnh thân phận đàn bà, thay vì viết về tình dục, hay có một đường lối nào khác để thành công ?

 

Túy Hồng: Sống dưới chế độ Cộng sản, Dương Thu Hương bất khuất phản kháng, lòng can đảm vượt xa những anh hùng nam nữ xuống đường đả đảo Mỹ và Thiệu- Kỳ trước 75.  Từ 15 năm nay, tôi vẫn nghĩ Dương Thu Hương là nhà văn nữ viết hay nhất về thực trạng xã hội, về cảnh đẹp quê hương, về tài nấu cháo cá, và tình thương dành cho số kiếp đàn bà.  “Thân phận người phụ nữ Việt Nam hiện  nay vẫn ở tầng thứ nhất, nghĩa là vẫn ở cuộc tranh đấu quyết liệt cho sinh tồn …  Muôn đời, người đàn bà vẫn mơ ước được trở thành người đàn bà thực sự.”  (Lời Dương Thu Hương) 

 

Nguyễn thị Vinh viết đằm hơn với tám tác phẩm :  Hai Chị Em (1953), Thương Yêu

(1954),  Xóm Nghèo (1958), Cô Mai (1972) v.v. … Và mới đây, trong một bài nói chuyện dài ở Na-Uy, chị Vinh vẫn luôn ca ngợi danh dự của người đàn bà khác, chứ không phải chính “cái tôi” của chị.  Nguyễn thị Vinh thành công với lối viết hiền và nhẹ như văn chương Tự Lực Văn Đoàn. 

 

 

Hoài Nam:  Sức mạnh vũ lực của Napoléon từng được Victor Hugo so sánh với sức mạnh của ngòi bút nhà văn, khi nói “ Napoléon có một quốc gia, một quân đội hùng mạnh.  Nhà văn chỉ có một ngòi bút, nhưng đằng sau ngòi bút là lương tri.”  Chị có cùng quan niệm với Victor Hugo không ? 

 

Túy Hồng: Cách đây 15 năm, hàng hàng lớp lớp Việt Kiều hải ngoại hướng về quê hương hoan hô Dương Thu Hương, nhà văn nữ lớn nhất đang ở giữa chúng ta, đang đến và đã đến rồi.  Cờ đã phất, chất nổ phải được ném, và Dương Thu Hương sẵn sàng tranh đấu.  Một ông chủ báo trẻ ở Seattle tiểu bang Washington sau khi đi lễ chùa đã nói “ Dương Thu Hương, tôi xin bầu làm nữ Tổng thống của Việt Nam.”

 

 Rồi từ quốc nội có tin nhà văn phản động Dương Thu Hương bị nhà nước bắt giữ. Rồi báo Người Việt Cali loan tin Bác sĩ Bùi Duy Tâm đáp máy bay về quê hương phản đối nhà cầm quyền và giải cứu Dương Thu Hương.

 

Một thời gian ngắn sau, ở Seattle, tất cả đồng hương cùng đứng lên chào mừng Nguyễn Huy Thiệp sang thăm.  Giảng đường Đại học Washington được mượn dùng để Nguyễn Huy Thiệp được hỏi ý kiến.  Người phỏng vấn – Mỹ gốc cây Mít – đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, người thông dịch  chuyển sang tiếng Việt, Nguyễn Huy Thiệp trả lời bằng tiếng mẹ, phát ngôn viên đẩy qua tiếng Anh.   Phần hội đàm thân mật, nữ sinh viên khuyến khích, mọi người đặt câu hỏi.  Thắc mắc viên lên tiếng muốn biết về hiện tình sinh hoạt văn học quê nhà.  Giải đáp viên  ro ro tiếng Việt, chuyển ngữ viên đưa sang tiếng Anh.  Báo Người Việt Tây Bắc đăng một câu hỏi quan trọng của một số người ái mộ “  Thưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sau hai tập truyện ngắn vừa xuất bản, chừng nào ông sẽ gửi truyện dài dự thi và đoạt giải Nobel văn chương ?”  Nguyễn Huy Thiệp có lẽ quá cảm động về sự đón tiếp quá nồng hậu, đã trả lời : “Tôi luôn luôn cố gắng hoạt động.  Với tất cả mọi công việc, tôi đều cố gắng và mãi mãi cố gắng hết cả sức lực.”

 

Nhà văn Mỹ ăn khách John Jakes trong Love and War  nói một câu mà nếu không nói thì người Việt Nam cũng biết : Đối với người làm nghệ thuật, có ba cánh cửa giúp họ đi tới thành đạt.  Cánh của thứ nhất : được đám đông hoan nghênh; cánh cửa thứ hai : bị đám đông tẩy chay; cánh cửa thứ ba : tự sức mình.” 

 

Mười lăm năm trước, một ai nào đó đã nghĩ rằng sự tôn vinh quá độ của quần chúng đôi khi cũng có thể làm nhà văn lo âu và nhà văn vốn nhiều tự trọng sẽ trở nên dè dặt không dám viết những tác phẩm cho tương lai của mình, sợ không đáp ứng được lòng mong đợi của đám đông?

 

Về nhận xét của Victor Hugo, tôi không nghĩ rằng sức mạnh của một ngòi bút có thể so sánh được với vũ lực  “grande armée”  của Nã-Phá-Luân trên chiến trường Borodino quân Nga-sô đại bại năm 1812.

 

Hoài Nam:  Xin cảm ơn chị Tuý Hồng đã bỏ thì giờ nói chuyện với chúng tôi về Phụ nữ và Văn chương.  Xin chúc chị một năm mới an bình.

 

Hoài Nam phỏng vấn

© 2006 gio-o

Bản quyền thuộc tác giả và Gió O. Mọi cắt dán in ấn lại đều phải có sự chấp thuận của tác giả