nguyễn thị minh ngọc
NGƯỜI CỦA MUÔN NGƯỜII.
Có một thời gian, cứ bị nhòm ngó chuyện riêng xem đang yêu ai, tôi nói đùa, này , tôi đang yêu một chàng Nghệ Sỉ Ưu Tú.
Có người đoán già, đoán non, hiện chỉ có hai NSƯT còn “ở không” là Thành Lộc và Vũ Linh.
Nói như thế, thật ra cũng chẳng sai. Có một thời gian, gần như tôi “phải lòng” cả hai anh chàng nầy.Khi viết một vở, tôi cứ nghĩ, giá mà Lộc hay Linh đóng. Là nghĩ để có niềm hưng phấn mà viết thôi. Chứ thời cơ chế thị trường rồi. Mà ngay cả thời bao cấp, cũng chẳng có đâu quan hệ tuyệt vời giữa người viết và người diễn. Như cô đào hát thời Quan Hán Khanh, biết lao vào tích “Đậu Nga oan” sẽ là lao vào thân phận kép đầy nghiệt ngã cho người viết lẫn người diễn, cô vẫn khí khái :”Nếu ngài dám viết thì tôi cũng dám diễn”. Vở diễn xong, Quan Hán Khanh bị đi đầy, cô đào hát cũng xếp phấn son, tiễn đưa người tri âm tri kỷ.Bây giờ tôi đã lập gia đình ở tuổi hơn nửa thế kỷ, hai chàng trai kia đã quá tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” vẫn còn tiếp tục “ở không”. Hồi môn của tôi về nhà chồng là khá đông nhân vật lổn nhổn trong đầu chưa đủ hình dạng để ra đời. Ở một nơi xa xôi, ngồi với những nhân vật của mình, tôi vẫn không khỏi liên tưởng đến hai chàng-“người của muôn người” –kia, nhất là khi đọc đến những lời phân tích về một ngôi sao nam cũng có tên khởi đầu bằng chữ L, về lý do anh ta đã có được sự hấp dẫn độc đáo.
II.
Yếu tố đầu tiên, là khả năng hóa thân.
Khi còn làm việc chung trong vở “Hòn Vọng Phu’ của Lưu Quang Vũ –Mộc Linh, Vũ Linh thường tự phân tích về mình. Vóc dáng Linh không phải là lý tưởng, giọng ca không phải là độc đáo, dung mạo không phải là đẹp trai, giữ được khán giả đến giờ nầy, chủ yếu là nhờ đầu tư nghiên cứu , khổ luyện cho chuyện diễn mà thôi.
Chuyện hóa thân của Linh một thời không những để khẳng định tên tuổi Vũ Linh mà còn giúp khá nhiều cô đào -trước , cùng, và lứa đàn em của Linh- cũng có được sự yêu mến trong lòng khán giả. Từ Nguyễn Địa Lô, đến chàng Sơn xì ke, anh Vịnh lính thú, Lương Sơn Bá, chàng Xa Phu đi sứ, anh tướng cướp hoàn lương, chàng thông ngôn Lê Hữu Liêm mê cái đẹp tinh thần lung linh của sân khấu đến độ cuồng trí khi cái Đẹp bị xâm phạm, cưởng bức trong đời thường lẫn đời nghề.Những năm gần đây, Linh chưa có vai mới. Ở nhà, Linh diễn lại một số vai cũ. Với những khán giả nhiều tiền hơn, Linh cho thuê hay bán rẽ mình. Linh đã đòi một gia thật cao, thuận mua thì vừa bán, không thì đi chơi một vòng. Xong, về! Có người trách Linh “ngủ quên trên chiến thắng”. Tôi thì cảm nhận nỗi đau của Hữu –Liêm-người-còn-liêm-sĩ đã đeo bám Linh ngày ấy đến giơ,ø khi niềm tin của Linh với môi trường sáng tạo nghệ thuật của mình không còn nữa.
III.
Có người cho là Lộc may mắn hơn Linh khi Lộc có Tuấn và anh em đồng nghiệp, đàn em tụ về làm nghề ở Sân khấu IDECAF. Trước khi “ra riêng”, vốn nghề Lộc cũng đã là giấc mơ của nhiều diễn viên mới ra trường với ông Tư trong “Dạ Cổ Hoài Lang”, ông Sĩ trong “Khoảønh khắc còn lại”, Thiện Tâm trong “Giấc mộng kê vàng”, Chu Xung trong “Lôi Vũ”,Tom trong”Nhửng con thú thủy tinh”.Cùng với đạo diễn Kim Loan, Lộc đã giúp nhiều người thức tỉnh cùng anh khi khắc họa được đôi mắt “thấu thị” của một người mù, một khi đã xé toạt được vỏ ngoài hào quang trá ngụy che đậy những giá trị giả ác bên trong.“Nước giếng trong , con cá nó vẫy vùng”. Trong “ngôi nhà” của mình, Lộc có điều kiện để làm giàu có hơn vốn nghề của mình. Và cũng như Vũ Linh xưa, Lộc còn tạo một bệ phóng cho rất nhiều bạn nghề trưóc, sau và đương thời với mình. Do đó , Lộc cũng có điều kiện hơn để tạo được sự độc đáo hấp dẫn với khán giả hơn nhờ yếu tố thứ hai.Đó là khả năng hạnh phúc hoặc đau khổ say đắm trong tình cảm.
IV.
Lộc và Linh đều có điểm đáng yêu mà rất ít các ngôi sao khác có, đó là khả năng vắt kiệt mình, vắt đến mức không còn gì nữa để vắt, đến âm lõm vào tuổi thọ của kiếp nghề và cả kiếp người. Như đã nói, Lộc có môi trường thuận lợi hơn nên Lộc phóng tay thể nghiệm cả những vai mà biết trước rằng khán giả sẽ ghét hận. Có một cô giáo sau đêm diễn vở “Hãy khóc đi em” đã nói xạc vào mặt Lộc mà tôi tình cờ cùng nghe:
-“Anh có biết là em đã kìm chế ghê lắm để không nhào lên sân khấu mấy lần tát tai anh không?”
Vừa phúc khảo xong vở đó, đã nghe Lộc hét lên: “ Trời ơi, quá sai lầm khi nhận vai nầy vì chắc chắn khán giả sẽ không còn yêu nổi Thành Lộc nữa!”.
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, người đã khóc khi thấy sợi gân cổ Lộc to phồng lên trong một vai trong vở kịch “Vàng hay bạc nhái” thì nhìn ra khía cạnh tích cực của Lộc trong các vai ÁC, XẤU. Anh cho rằng Lộc đã khiến người ta sống tốt hơn khi được xem Lộc xóa chính mình như vậy. Và như thế sự cống hiến của Lộc cho cuộc sinh tồn trong môi trường Lộc đang sống hơn gấp mấy vạn lần những người chỉ rao giảng đạo đức suông bằng lý thuyết như anh.
V.
Không thể đòi hỏi điều đó nơi Vũ Linh. Vì sân khấu Cải lương- đặc biệt trong miền Nam nầy- có một luật bất thành văn, không chấp nhận anh nghệ sĩ đã lỡ đảm đương vai trừ gian diệt bạo trong vở nầy, sang vai khác, trở cờ đóng vai ngụy quân tử hay đại gian, đại ác..Thấy Lộc tung tẩy các vai giả gái trong “Tiếng chim vườn Ngọc Lan”, “Trùm lừa”, “Tin ở Hoa Hồng”, tôi cứ rủ rê một ngày nào đó làm thử làm “Bá Vương Biệt Cơ” mà vai Ngu Cơ của Trương Quốc Vinh sẽ nhờ Linh đóng. Bởi vì vấn đề đâu phải chỉ để “câu khách”. Không phải ngẫu nhiên mà phim nầy được báo giới Trung Quốc bình chọn đứng đầu trong một trăm phim hay nhất Trung Quốc từ xưa đến nay. Và trong mười phim đầu bảng, có mặt khá nhiều Trương Quốc Vinh, người đã dám trãi nghiệm mình trong nghề và nghề trong mình để đi đến tận cùng thân phận.
Linh có vẻ hào hứng nhưng nhiều người nói với tôi Linh không “dám”đóng đâu.
VI.
Trong bài báo “Sự hấp dẫn độc đáo của Lưu Đức Hoa”, yếu tố thứ ba được nhắc ở đây la øsự dũng cảm.Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn luôn nhớ mình đang ở đâu và khán giả của mình là ai.
Là người viết kịch bản, đồng thời, tôi vẫn không quên mình là “fan’ của hai chàng trai “người của muôn người” ấy.Trong giai đoạn nầy, Lộc đã có đường bay của Lộc, phần tôi vẫn mong đến ngày Linh gặp một “Huỳnh Anh Tuấn bên Cải lương” để anh còn có điều kiện phát tiết tinh hoa của mình hơn nữa.
Để có người còn mơ mộng
Anh vái trời cô thích Cải Lương
“Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn”
Một mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan
(“Cô Bắc kỳ nho nhỏ ”-thơ Nguyễn Tất Nhiên)
VII.
Mà hình như quanh Linh, vẫn có vài người sẳn sàng làm cho Linh điều đó. Có điều Linh chưa chịu nhìn ra.
Rằng trên sân khấu trò đời, không chỉ có những tên quan ba, hương hào, hương quản chỉ thích nhìn và vò nát những gì bên dưới lớp xiêm áo đầy kim sa mắt gà của các cô đào hát, cùng những bà vợ ghen tuông mù quáng chỉ thích xởn nát áo tóc cô.Vẫn còn những người yêu anh, và luôn mong anh lại rực rỡ trong vai trò “anh hùng diệt bạo tàn”, thể hiện hết chữ dũng của người NGHỆ SĨ.
Và cùng với chữ NGƯỜI, đó là những chữ đều phải viết hoa.
nguyễn thị minh ngọc