LÝ ỐC BR

Với theo câu đối Kỷ Hợi

 

XUÂN KỶ HỢI TA NHẮC MÌNH ĐỪNG NGU QUÁ LỢN

 

Trò chơi đối câu đối có từ xa xưa trong văn học cổ điển Nho Văn VN. Tôi xin nêu vài ý về câu đối theo sự hiểu biết và yêu thích của riêng cá nhân.

1- Trước tiên, đếm xem câu xuất đối có bao nhiêu chữ. Để câu đối đối cũng buộc phải có đúng bấy nhiêu đó chữ.

2- Tự phân đoạn câu xuất đối theo một tiết tấu nhịp điệu tự nhiên.

 

XUÂN KỶ HỢI/ TA NHẮC MÌNH/ ĐỪNG NGU QUÁ LỢN

 

3- Để ý cách dùng chữ có gì đặc biệt

... Hợi ... Lợn (giống nhau)

... Ta ... Mình (như nhau)

 

4- Để ý vần bằng trắc, để khi ráp 2 câu xuất đối của người  và đối đối của mình sẽ nghe có điệu bổng trầm, xuôi tai hay hơn.  Chú ý các chữ cuối các phân đoạn mà quý vị đã tự phân chia ra trước.

 

XUÂN KỶ HỢI (Hợi vần trắc)

TA NHẮC MÌNH (Mình vần bằng)

ĐỪNG NGU QUÁ LỢN (Lợn vần trắc)

 

Khi làm câu đối lại, các chữ vị trí này nên có các vần tương phản với các chữ trên. Trắc thành bằng, bằng ra trắc.

Nguyên tắc là như vậy. Khi thành câu đối đáp nghe có hay hay không lại là chuyện khác. Cái gì cũng vậy, phân cắt thuộc về chết. Đoàn hợp thuộc về sống. Cái toàn thể và ý tưởng sẽ khiến câu đối sống động, hoặc hóm hỉnh vui tươi hoặc nghiêm trang khuê các, hoặc trầm tịch u buồn v.v... Tùy theo tâm thế của người làm câu đối (muốn).

 

Một câu đối đối được xem là hoàn hảo khi nó có đủ các điều kiện chỉnh vế, chỉnh vần, chỉnh ý và hay. Trong thực tế nếu không thể đáp ứng tất cả các điều kiện này chan chát, người đối đáp cũng có thể du di lướt qua một cách nhẹ nhàng hơn.

Tuy vậy nguyên tắc số chữ nguyên câu buộc phải theo đúng. Và nguyên tắc luật bằng trắc của chữ cuối cùng cả câu đối cũng phải giữ đúng:

 

XUÂN KỶ HỢI TA NHẮC MÌNH ĐỪNG NGU QUÁ LỢN

TẾT CỤ HEO Ả DẶN DÒ CHỚ LẠI LÃO TRƯ 

 

Câu đối đối trên tôi làm không chỉnh lắm. Chỉ theo đúng 10 chữ câu xuất đối của Gió O, và chỉ theo đúng vần bằng trắc đối nhau ở chữ cuối cùng (Trư đối với Lợn).

 

Northwest, USA 2019

Lý Ốc BR