PHẠM TẤN XUÂN CAO


CẢM GIÁC DƯỚI KHÍA CẠNH

TƯƠNG HỢP VỚI Ý TƯỞNG SÁNG TÁC NGHỆ THUẬT

 

tản mạn triết học

                     

Vừa lúc mà cảm giác mới bắt đầu hiện hữu thì không chỉ hiện hữu cho chúng, mà còn hiện hữu cho chúng ta, nghĩa là đã có ý thức, thì trong đa số trường hợp, cảm giác đều liền bị bao bọc bởi hoạt động tinh thần của tri giác”([1])

 

Đứng trước một cảnh sắc lộng lẫy và tráng lệ của thiên nhiên bao la, kì vĩ không thể không có một “con người” nào, ở họ, lại không nảy sinh cảm giác, dù là gì đi nữa một khi cảm giác đó được tri giác thành tri thức thể hiện dưới dạng cảm thấy và nhận xét của chủ thể. Người nghệ sĩ có được động lực thúc đẩy để sản sinh các tác phẩm của mình thì yếu tố cốt lõi đó không thể không có mặt của cảm giác được. Muốn hình thành nên ý tưởng sáng tác của mình, trước hết, người nghệ sĩ luôn luôn có sẵn trong đầu mình ý tưởng về tác phẩm mà mình sẽ viết nên, tạo ra. Nhưng đó là đối với những người sáng tác có định hướng cho mình, còn ở một số người sáng tác theo lối trực giác, cảm tính. Họ không cần có một đề cương, bản thảo chi tiết nói chung, mà, trước sự thăng hoa của cảm xúc, các tác phẩm nghệ thuật ra đời một cách hiển nhiên và nhanh chóng. Và yếu tố cảm giác đã góp phần không nhỏ đến thành quả này, mà cảm giác đó không đơn thuần chỉ là những cảm giác của thân xác bản năng, mà cảm giác có được sự lồng ghép, hợp lưu của ý thức tính của chủ thể.

“Cảm giác là một cảm tình của thân xác; do đó cảm giác còn khác triệt để với tri giác và ảnh tượng”([2]). Đứng trước thế giới và thông qua con đường nhận thức cảm tính con người có được một nền tảng tri thức về thế giới. Sự nhận biết đó chẳng phải là một điều gì đó Thiên Khải mà là tự thân con người có được nó là một sự thật và luôn đúng như thế! Qua giai đoạn nhận thức cảm tính thì tiến trình này sẽ bước sang giai đoạn nhận thức lý tính, chính ở đây, tri thức hiện diện cho con người có được nó thật sự họ được có được. Điều đó là đồng đẳng cho mọi con người, nhưng, không thể không xét đến trường hợp ngoại lệ, tiến trình đó xảy ra ở những cá nhân nghệ sĩ đích thực thì tiến trình hẳn sẽ mang một màu sắc khác; ở giai đoạn nhận thức cảm tính, trong tiến đoạn tri giác đối thể, ở nghệ sĩ, cảm giác của họ sẽ manh nha loại cảm giác mang sắc thái lý tính tỉ đối (“chính cái cảm giác ấy chúng tự ấn kí vào cảm quan của ta”([3])). Bản thân nghệ sĩ luôn ấp ủ trong mình một ngày nào đó sẽ tạo ra tác phẩm thỏa mãn đam mê, khỏa lấp những ước muốn cháy bỏng của mình, thì, trải qua quá trình lưu hành trong đời sống nội quan chính những đam mê đó có những định hướng tự thân nó là nó sẽ phóng xuất như thế nào, bảo đảm cho những ước muốn đó được khao khát của chủ thể thỏa mãn nên dòng lưu động trong sự ấn định đó luôn nội hàm vệt bóng của dải lý tính ý thức chính chủ thể đó. “trong khi cố xác định lại những yếu tố mà cảm giác đã tạo thành, thì não bộ cũng cho phép cảm giác thâu nhận thêm được một hiện hữu vị ngã (psour soi) là tính chất riêng của các sự kiện tâm lí. Từ đó, người ta có thể nói rằng chính bộ máy liên kết giữa não bộ với giác quan đã tạo ra cảm giác và trong một giới hạn nào đó tạo ra chính cả phẩm tính của cảm giác nữa”([4]). Nói cách khác “cảm giác là một tác động chung của chủ - cảm” [chữ của Trần Nhựt Tân]. Khi cảm giác thì ở quá trình đó có sự điều phối nhịp nhàng giữa cảm tính – lý tính. Chứ cảm giác không đơn thuần chỉ là một biểu hiện của cảm tính, khi ta nói cảm – giác thì sự định hướng về hai đơn từ đó đã khá rõ cho khái niệm chung mà chúng ta muốn nói về  nó. Như đã nói cảm giác xuất hiện khi có sự thăng hoa ở chủ thể, nhưng tình trạng thăng hoa đó có thực sự xảy ra thì cần phải đòi hỏi ở người có thăng hoa một khả tính liên hợp cảm quan. Tức là, đồng ý là có sự tác động gây ra cảm xúc mạnh ở sự vật hiện tượng nhưng có đó, dù là sự vật hiện tượng có đẹp đến ngỡ ngàng chừng nào đi nữa mà chủ thể cứ mang vác trong mình tính ù lì của cảm quan thì không cách nào thăng hoa đó thật sự thành hình từ cảm giác đích thực cảm giác mà chúng ta đang nói đến! Ở nghệ sĩ cảm giác đến như cơn gió thoảng qua giống bao người nhưng mùi thơm nồng của nó còn lại trong tầng nhận thức của họ là khác biệt một cách rõ ràng so với bao cá nhân bình thường khác. Sự ấp ủ đã bắt gặp cảm giác trong tính đón nhận hợp lí để rồi hòa vào cảm giác đang xuất hiện từ đó làm nên một phức cảm giác liên hợp. Một xung lượng của đam mê tuôn trào, sự cộng hưởng của những ước muốn, ý tưởng và thể tính thuận hành cho quá trình gợi mở sáng rõ nhất các đề xuất mà người nghệ sĩ xây dựng trước đó, dẫu nó chỉ tồn tại trong ý thức của họ mà thôi, những động lực của đam mê đó thôi thúc một cách mạnh mẽ những khao khát và đồng thơi cảm giác thành hình sẽ luôn dựa trên một xúc cảm tương ứng, cộng gộp vào nhưng không phải đơn thuần chỉ là phép cộng trong tính toán số học, hay đơn giản 4 là kết quả của phép tính 2 + 2. Nó hòa điệu một cách tỉ mẩn, phóng khoáng những tác chế đã định hình có, trực phát có, dung hợp trong tất cả sự dung hợp liên thể tính dưới tính chất của cảm giác, cảm giác này là cảm giác của không là cảm giác khi xác định đơn thuần là cảm giác và xác định nó là khác đi cảm giác như siêu cảm giác thì bản chất của cảm giác đó bị đánh mất đi đặc tính cảm giác cơ bản của thuần túy cảm giác có sự tác động của lý tính đúng cách, đúng mức độ. Cảm giác có ở nghệ sĩ là một siêu thể, nhưng không vì thế mà đồng nhất siêu thể này là siêu cảm giác – hành động đồng nhất đó là hoàn toàn sai lầm. Tác động của cảm giác ở nghệ sĩ mang tính đối xuất thế giới quan của chính nghệ sĩ đó nó không lưu hành như một thể trạng cộc lộc, thô kệch hay xuyết xoát để cường hóa nó lên như là kết quả của một tác động siêu nhiên nào đó. Một khi cảm giác thành hình thì định hình của những mơ tưởng giờ đây sẽ không là mơ tưởng nữa mà thực sự có sự không mơ tưởng ở chính bản thân nghệ sĩ rồi. Cảm giác là tác động từ ngoại giới vào con người và gây ra sự đáp kích đó là cảm – giác, đồng thời, chính cảm giác đó là sự hồi kích từ nội giới, nó tương quan trên hệ lý giác tính đầy thể hình dung trạng thức của chủ thể cái tôi nghệ sĩ.

“Không trương nào cũng là một hệ thống của những tương quan trừu tượng”(Lagneau)([5]).

 

[1] Trần Nhựt Tân, Tâm lí học, NXB Lao động, 2005, tr190.
[2] Sđd, tr190.
[3] Sđd, tr190.
[4] Trần Nhựt Tân, Tâm lí học, NXB Lao động, 2005, tr 190
[5] Sđd, tr177. 

 

Phạm Tấn Xuân Cao

Huế, 12/03/2013

http://www.gio-o.com/PhamTanXuanCao.html