http://www.gio-o.com


Olga Dror

VÂN CÁT THẦN NỮ TRUYỆN
CỦA ĐOÀN THỊ ĐIỂM:
TRUYỆN GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

lê thị huệ dịch

Phần lớn các chuyện kể mà chúng ta biết được về nữ thần Việt Nam Liễu Hạnh  phát sinh từ Vân Cát Thần Nữ Truyện của bà Đoàn Thị Điểm.  Bài viết này phân tích truyện đó, lập luận rằng trong thực tế đó là một tác phẩm hư cấu phản ảnh các quan điểm, kinh nghiệm và ước vọng của tác giả về sự tự do nhiều hơn cho phụ nữ.

Không phải thi ca, không phải triết lý, cũng không phải khoa học nhân văn ở vào một vị thế để tổng hợp một tiểu thuyết, nhưng chính một tiểu thuyết lại có khả năng tổng hợp thi ca, triết lý và khoa học học nhân văn.  Tiểu thuyết là một hình thái tổng hợp trí thức tối cao. Milan Kundera (1)

Bài viết này là một khảo hướng nghiên cứu vấn đề giải phóng trong Vân Cát Thần Nữ Truyện, được viết trong thập niên 1730 bằng tiếng Hán (văn tự Trung Hoa cổ điển được phiên âm sang Việt Ngữ) bởi bà Đoàn Thị Điểm, một nữ văn sĩ Việt Nam.  Truyện viết về một trong những vị thần chính yếu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Bà Chúa Liễu Hạnh.  Bà là một trong Bốn Vị Thần Bất Tử, được xem như “một biểu tượng cho khả năng sinh tồn, tính bất khuất của dân tộc và đất nước từ thượng cổ cho đến ngày nay. (2)  Cùng lúc, Liễu Hạnh là một nhân vật hàng đầu trong đền thờ các Mẫu, các vị thần bảo trợ và bảo hộ.  Sự tôn thờ bà, được tin là khởi sinh trong thế kỷ mười sáu, đã trải qua một phục hồi đáng kể trong thập kỷ vừa qua, đặc biệt tại miền bắc Việt Nam.

Truyện của bà Đoàn Thị Điểm về bà Chúa Liễu Hạnh đã thu hút sự chú ý của tôi vì hai lý do.  Trước tiên, theo một vài học giả người Việt Nam, đây là “truyện đầu tiên và đầy đủ nhất” về vị nữ thần danh tiếng này.(3)  Thứ nhì, tác phẩm được viết bởi một nữ tác giả đã được tuyên dương, là một sự kiện quan trọng bởi vì chỉ có rất ít các nhân vật như thế trong văn chương Việt Nam thời xưa, và họ lại càng đặc biệt hiếm có trong thế kỷ mười tám khi mà Vân Cát Thần Nữ Truyện được ấn hành.  Hơn nữa, đây là một truyện đuợc viết bởi một người phụ nữ về một người phụ nữ khác, nên nó có thể có một tầm quan trọng đặc biệt để hiểu biết về nhãn quan của tác giả.  Mặc dù tác phẩm này được xem như một bản văn có thẩm quyền về nữ thần Liễu Hạnh bởi một số các văn gia và học giả sau này, tôi lập luận rằng đó là một chuyện hư cấu, dựa trên sự tôn sùng Bà Chúa Liễu Hạnh hiện hữu vào thời điểm đó nhưng có một sự tương đồng mạnh mẽ với cuộc đời của chính bà Đoàn Thị Điểm, và rằng tác phẩm đã bày tỏ một thái độ phê bình của một phụ nữ học thức đối với xã hội đương thời của bà ta.

Bài viết sẽ bắt đầu giới thiệu về bà Đoàn Thị Điểm và nhiều sự cứu xét khác nhau phát sinh từ những gì được hay biết về cuộc sống của bà.  Sau đó, chúng ta sẽ tìm đến Vân Cát Thần Nữ Truyện, một truyện về nữ thần Liễu Hạnh, tóm tắt câu chuyện và phân tích nó để lĩnh hội thông điệp được chuyên chở trong hình thức và nội dung của nó và để vạch ra những điểm giao tiếp giữa cuộc đời của bà Chúa Liễu Hạnh với cuộc đời của chính bà Đoàn Thị Điểm.  Tôi muốn nêu ra ý kiến rằng bà Đoàn Thị Điểm đã chọn một vị thần từ tôn giáo dân gian và đã hư cấu vị thần thành một nhân vật văn chương tiêu biểu cho một người đàn bà được giải phóng trong một xã hội bị chế ngự bởi những nguyên tắc đạo đức Khổng học, một người đàn bà đã có thể đua tranh một cách thành công với giới đàn ông trong sự chủ động viết ra tác phẩm văn chương.

Tính cách lịch sử [sử tính] về sự tôn sùng bà Chúa Liễu Hạnh nằm ngoài khuôn khổ của bài viết này; chỉ cần phát biểu rằng bà Đoàn Thị Điểm đã không nặn ra vị nữ thần, người mà sự tôn thờ có thể dõi tìm ngược lại ít nhất là trong thế kỷ mười sáu. Được tương truyền rằng nữ thần là một con người có thực, sinh ra từ huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản) trong tỉnh Nam Định, bắc phần, đã được phong thần sau khi chết và sau hết trở thành vị thần đứng đầu trong đền thờ các Mẫu, một sự tôn thờ đã trở nên rất phổ biến tại miền bắc.  Tác giả đã thu thập tin tức mà bà có được về bà Chúa Liễu Hạnh để viết thành một câu chuyện, không phải về tôn giáo, mà lại về chỗ đứng của một người đàn bà có học thức trong xã hội.  Trong tiến trình [sáng tác], bà đã thanh lọc và hiển nhiên chuyển hóa các phiên bản đương có về các thần thoại.

Kế đến, truyện của bà Đoàn Thị Điểm đã trở thành sự trình bày nổi tiếng nhất và phổ biến nhất về nữ thần Liễu Hạnh, sau này được dùng làm căn bản và nguồn cảm hứng cho nhiều thần thoại, truyện tích và tiểu sử.  Các câu chuyện lâu đời truyền khẩu về vị nữ thần được kể lại trong dân gian Việt Nam ngày nay thực sự bắt nguồn từ truyện của bà Đoàn Thị Điểm, như là những truyền tích đươc ghi lại trong phần lớn các văn bản.  Hai phiên bản quan trọng nhất được tìm thấy trong quyển Truyền Kỳ Tân Phả (New collection of marvelous stories) của bà Đoàn Thị Điểm và quyển Tiên Tử Phả Ký, quyển gia phả từ thế kỷ mười bẩy của dòng tộc Trần-Lê. (4) Ông Đặng Văn Lung nhận xét rằng:

Nói chung, mọi tác phẩm đều nhìn nhận rằng quyển sách sớm nhất mô tả chuyện/sự tích về Mẫu Liễu chính là truyện … của bà Đoàn Thị Điểm … Sau bà Đoàn Thị Điểm, nhiều người đã mô tả các nguồn gốc của Mẫu bằng thơ Nôm (thổ ngữ Việt Nam) … Về cốt truyện, nói chung mọi bản viết thì tương tự như nhau, chỉ có vài chi tiết được thêm thắt. (5)

Tác Giả

Bà Đoàn Thị Điểm ra đời tại xã Giai Phạm, huyện Văn Giang (trong tỉnh Hưng Yên ngày nay) vào năm 1705, nhưng được nuôi lớn từ gia đình bên mẹ của bà nơi xã Vu Điện, nay thuộc huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định.(6)  Cha của bà, ông Đoàn Doãn Nghi, thi trượt kỳ thi hội tại tỉnh, trở về quê và mở một trường dạy học cùng hành nghề thày thuốc. Ông có hai người con: một con trai, Đoàn Doãn Luân, đứa con lớn tuổi hơn, và bà Đoàn Thị Điểm.  Bất kể là con gái, bà Điểm được theo học cùng người anh.  Khi đến mười sáu tuổi, bà được cho làm con gái nuôi cho một người bạn của cha bà, một quan chức cao cấp, ông Lê Anh Tuấn, là người sau đó muốn tiến cung bà vào phủ chúa Trinh.  Tuy nhiên, bà đã không đồng ý với sự sắp xếp này và muốn quay về nhà hơn.  Ở cả nhà ông Lê Anh Tuấn lẫn gia đình của chính mình, bà đã được tiếp xúc với các nhà trí thức đương đại.  Bà đã là một thiếu nữ xinh đẹp, có học thức cao, và nhiều người đàn ông muốn hỏi cưới bà, nhưng bà cương quyết từ chối, xem tất cả họ là không xứng với trình độ trí thức của bà.  Bà Đoàn Thị Điểm “thường hay thà rằng đừng lập gia đình hơn là phải kết hôn với một người mà mình không lấy làm yêu thương.”(7) Vì không tìm được người xứng đôi, bà vẫn giữ đời độc thân.

Năm 1729, khi ở tuổi hai mươi bốn, cha bà từ trần; không lâu sau đó, anh bà cũng mất đi, để lại cho bà trách nhiệm trông nom hai đứa con của anh bà cùng người chị dâu đau ốm nặng.  Bà đã hành nghề thày thuốc và dạy trẻ để trợ giúp gia đình người anh và mẹ già, nhưng bà vẫn tiếp tục việc học của mình.  Về sau, bà đã chấp nhận trở thành một trợ giáo riêng cho hoàng triều, nhưng chỉ sau một thời gian, bà lại quay trở về quê và mở một trường dạy học.  Bà Điểm chỉ lập gia đình vào lúc đã ba mươi bẩy tuổi.  Chồng bà tên là Nguyễn Kiều, một học giả quan chức là người mà bà hiển nhiên đã tìm thấy một sự  tâm đắc về mặt trí thức, nhưng, gần như ngay sau đám cưới, ông phải sang Trung Hoa ba năm để chu toàn công vụ trong khi bà vẫn ở lại Việt Nam.  Sau khi hồi hương, ông được bổ nhiệm làm việc tại cơ quan chính quyền tỉnh Nghệ An, và bà Điểm đã đi theo chồng.  Bà đã mất tại đó, không có con, vào năm 1748 khi bà được bốn mươi bốn tuổi.(8)

Bà Đoàn Thị Điểm viết Vân Cát Thần Nữ Truyện vào thập niên 1730, khi dạy học tại quê nhà của bà trước khi kết hôn.  Truyện này được gộp trong một tuyển tập của bà có nhan đề là Truyền Kỳ Tân Phả.  Bà đã viết ở một thời điểm khi mà văn chương Việt Nam tiến vào một giai đoạn phát triển mới.  Có nhiều văn gia tự do, có học thức hơn, một số người thuộc các gia đình nghèo khó, là những người không có chức vụ trong chính quyền và, giống như thân phụ của bà Điểm, kiếm sống bằng việc hành nghề thày thuốc và dạy học.  Những văn gia này đã tạo ra một môi trường trí thức cởi mở đối chọi với ý thức hệ Khổng học, và họ đã viết với sự quan tâm lớn lao về cuộc sống của cá nhân và về những cảm tính riêng tư.  Họ đã vay mượn cốt truyện cho các câu chuyện [sáng tác] của họ từ văn học dân gian và từ đời sống của người nghèo để thách đố Khổng học, mặc dù không trực tiếp.(9)  Truyện của bà Đoàn Thị Điểm trở thành một trong những sáng tác nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Vân Cát Thần Nữ Truyện

Trước tiên tôi sẽ trình bày một cách tóm lược truyện của bà Đoàn Thị Điểm về bà Chúa Liễu Hạnh.(10) Để tiện cho sự thảo luận, truyện kể được chia làm mười ba phần, mười hai phần trong đó sẽ được ghép thành từng cặp đối chiếu nơi phần phân tích (được đánh số La Mã) và một phần được dùng làm đoạn chuyển tiếp nằm giữa câu chuyện (được đánh dấu như phần T) .

I.   Tại làng Vân Cát, huyện Thiên Bản, có một người đàn ông chính trực tên Lê Thái Công, là kẻ thường xuyên cầu nguyện đức Phật và đốt hương [nhang]. Ông có được một người con trai.  Vào thời trị vì Thiên Hựu (khoảng 1336-7), người vợ đang mang thai của ông không sinh nở được dù đã quá hạn khai hoa nở nhụy.  Bà bị ốm nặng, không thể ăn hay uống gì cả, nhưng bà thích mùi thơm của cây hương.  Bất kể các nỗ lực của thày pháp, cơn bệnh của bà ngày càng trầm trọng hơn.  Một hôm, một kẻ lạ mặt xuất hiện, tuyên bố rằng ông ta có thể giúp bà ta  sinh nở mau chóng, nhưng gia nhân gác cổng không cho vào.  Thái Công nghe thấy thế và vội vàng mời kẻ lạ mặt đó vào trong nhà.  Người đàn ông này là một Đạo Sĩ và có dắt một chiếc búa bằng ngọc nơi tay áo. Ông ta ném chiếc búa ngọc xuống đất, và Thái Công tức thời lăn ra bất tỉnh.

II. Trong giấc mơ, Thái Công, cùng với một người khổng lồ được chỉ định đi tháp tùng ông, lên tới Thiên Cung của Ngọc Hoàng Thượng Đế (vị thần tối cao của Đạo Giáo). Ở đó ông nhìn thấy một thiếu nữ, đứng hàng thứ nhì trên Thiên Cung, đã đánh rơi và làm vỡ một chén cúng bằng ngọc khi dâng lên Ngọc Hòang. Vì việc này, Ngọc Hoàng đã ra lệnh trục xuất nàng ra khỏi Thiên Cung để đi xuống trần gian, và người khổng lồ đã giải thích với Thái Công rằng “lần này nàng chắc chắn bị đuổi khỏi Thiên Cung.”

III. Khi Thái Công hồi tỉnh, bà vợ ông đã sinh ra được một đứa con gái.  Đêm hôm đó, hương đốt tỏa mùi thơm lạ thường trong nhà.  Thái Công kết luận rằng giấc mơ của ông có nghĩa rằng một nàng tiên đã được hạ sinh, vì thế ông đặt tên cho con gái là “Giáng Tiên” (nàng Tiên hạ xuống trần).  Nàng con gái lớn lên rất xinh đẹp, thích đọc sách, thổi sáo và làm thơ mà nàng hay ngâm nga lên.  Một hôm, Thái Công nhận ra rằng những bài hát của con gái mình trở nên rất buồn bã, và ông hiểu con gái mình ở vào tuổi yêu đương. Ông cho nàng làm con nuôi một vị quan hưu trí sinh sống tại làng Vân Cát.  Trong khu vườn nhà này, nàng đã gặp gỡ một thư sinh tên là Đào Lang, con trai nuôi của vị quan.  Thư sinh ngỏ lời xin cưới và cha mẹ đôi bên đều đồng ý về cuộc hôn nhân của họ.  Sau ba năm sống trong hạnh phúc và sinh được hai đứa con, Giáng Tiên đột nhiên mất đi ở tuổi hai mươi mốt, mà không có triệu chứng bịnh tật gì cả.  Gia đình buồn rầu thương tiếc.


IV. Nàng tiên bay về trời, nhưng nơi đó nàng cảm thấy còn liên hệ rất nhiều với số phận nơi trần thế của mình; nàng trở nên buồn bã, và các nàng tiên khác, động lòng thương hại, đã thuyết phục Ngọc Hoàng Thượng Đế cho phép nàng trở về trần gian.  Trước khi rời Thiên Cung, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã ban cho nàng tước hiệu Công Chúa Liễu Hạnh.

V. Nàng quay về làng cũ, ngay đúng vào ngày giỗ thứ nhì của nàng, và nhận thấy cha mẹ nàng, người anh và người cha nuôi vẫn âu sầu về cái chết của nàng.  Liễu Hạnh giải thích cho họ rằng nàng là tiên và nơi chốn của nàng là phải ở trên Thiên Cung; và nàng quay về nhà vì nàng thương nhớ họ, nhưng nàng không thể ở lại với họ, bởi vì linh hồn của nàng không còn ràng buộc với trần gian nữa.  Nhưng nàng hứa rằng họ sẽ tái hợp trong tương lai bởi vì cha mẹ nàng có tạo công đức và tên của họ đã nằm trong Sổ Sinh Mệnh Trên Trời.

Sau đó, Liễu Hạnh đã thăm viếng kinh đô, nơi mà chồng nàng đã di chuyển các con của họ đến đó. Ông sống một mình, đã từ bỏ mọi việc học, và còn sầu não.  Liễu Hạnh đã giải thích cho ông rằng mình là một nàng tiên và rằng tình yêu nơi trần thế của họ là tiền định, vì thế, ông không nên buồn rầu đến như thế, bởi sau này họ sẽ tái hợp với nhau.  Nàng đã quở trách là chàng phải nhớ đến bổn phận của mình đối với cha mẹ chàng và người cha nuôi, cần gắng sức tu thân, và trông nom việc gia đình.  Sau khi trải qua một phần trong đêm với chồng, nàng biến mất.  Dấu tích duy nhất của nàng chỉ là những đám mây trên bàu trời.

Sau này, nàng hóa trang, khi thì thành một bà già, khi thì thành một thiếu nữ thổi sáo dưới ánh trăng.  Những kẻ tìm cách trêu chọc nàng đều bị trừng trị bởi các tai ương, trong khi những người dâng phẩm vật cúng hiến nàng đều được giáng phúc.  Dân chúng cúng lên nàng bạc tiền và lụa là, mà nàng đã trao lại cho cha mẹ mình.  Sau hết, cha mẹ nàng mất đi, cha mẹ nuôi và chồng nàng cũng từ trần, và các con nàng trưởng thành.  Không còn gì ràng buộc với trần gian nữa, nàng bắt đầu viễn du khắp nơi trên đất nước, tìm kiếm những phong cảnh đẹp.

VI. Một lần nàng tình cờ đến một nơi hoang vắng trong tỉnh Lạng Sơn, nơi đây nàng đã đến thăm viếng một ngôi đền và ngồi xuống để cất tiếng hát.  Phùng Khắc Khoan, một học giả nổi tiếng,(11) xuất hiện, và xúc động sâu xa vì tài năng thơ phú của nàng, nhưng ngay vào lúc ông muốn bày tỏ sự tán dương của mình, bà Liễu Hạnh biến mất và không để lại dấu vết nào.  Không dấu tích gì ngoài một chiếc gậy cùng hai bài vị trên đó có khắc một vài chữ mà chỉ có một mình Phùng Khắc Khoan là giải thích được.  Các chữ trên bài vị thứ nhất có nghĩa “bà Chúa Liễu Hạnh”; các chữ trong bài vị thứ nhì có nghĩa là một người nào đó trong gia đình họ Phùng sẽ sửa sang lại ngôi đền.

T. Sau lần đó, người ta không rõ chỗ ở của bà Chúa, nhưng các dấu tích của bà được nhận thấy tại các địa điểm ngoạn mục khắp nơi trong nước.  Về sau, nhớ nhung nơi náo nhiệt, nàng đã quay về kinh đô.

II. Phùng Khắc Khoan khi đó đang ở kinh đô, vừa trở về từ một công tác tại Trung Hoa: ông cũng vừa đảm nhận một chức vụ quan trọng tại một trong các bộ sở và xem đó là một gánh nặng khi so sánh với một cuộc sống an hòa nơi thôn dã.  Một lần, để cố làm khuây khỏa tinh thần, ông có mời hai người họ Ngô và họ Lý, cùng đi dạo và uống rượu với ông.  Trong khi đang thả bộ và làm thơ, họ thấy mình ở Hồ Tây trước một quán rượu mà chủ nhân lại chính là bà Chúa Liễu Hạnh.  Trong bữa tiệc, họ đã có cơ hội kính trọng không chỉ khả năng đối đáp bằng thi ca của nàng, mà còn cả về sự thông thái của bà khi giải thích chữ nghĩa cho một người ngư phủ lạ mặt, một người khổng lồ, “với đôi chân trên mặt đất và đầu đôi trời, xuất hiện gần quán rượu và để lại ba con cá.  Trong buổi chiều tối, ba người quay về nhà dưới ánh trăng.  Về sau, họ có trở lại nơi này, nhưng chỉ thấy mặt nước hồ, không còn dấu vết gì cả về quán rượu mà họ đã từng đến.  Khi đó Phùng Khắc Khoan đã kể lại cho hai người bạn trẻ về cuộc gặp gỡ của ông với một nàng tiên ở Lạng Sơn trên đường đi sứ Trung Hoa.  Cả ba đều ao ước có dịp gặp lại nàng tiên.

III. Về phần bà Chúa, sau khi rời Hồ Tây, bà xuất hiện tại tỉnh Nghệ An, nơi bà đã gặp một thư sinh mồ côi, còn trẻ và nghèo tên Sinh, người mà bà xác định rằng như là hóa thân của người chồng quá cố Đào Lang của bà.  Không tiết lộ lý lịch của mình, Liễu Hạnh đã cố gắng thuyết phục chàng hãy để nàng trải qua một đêm tại nhà chàng, nhưng để giữ gìn sự chân thật và đức hạnh của mình, chàng đã cự tuyệt lời thỉnh cầu của nàng.  Vài ngày sau đó, chàng nhìn thấy một tờ giấy lông hình hoa treo trên một cây đào với một bài thơ mà chàng nhận thấy thật tuyệt vời và khó có thể giống như bất kỳ bài thơ nào được viết bởi người phàm. Chàng tức thời làm ra một bài thơ của chính mình để đáp lại những gì chàng vừa đọc và ghi lại bên cạnh bài thơ của nàng.  Nhưng từ giây phút đó trở đi, chàng bắt đầu khát khao mong đợi người đàn bà mà chàng cho là tác giả của bài thơ.  Chàng ngóng nhìn và chờ đợi trong vô vọng.

Một ngày kia, khi đang rảo bước sau một cơn mưa dai dẳng, chàng nghe thấy giọng một người đàn bà chào đón chàng từ xa.  Sung sướng, chàng thư sinh thú nhận rằng chàng đã nhớ mong nàng tha thiết kể từ sau lần gặp gỡ đầu tiên, và người đàn bà đã kể cho chàng nghe câu chuyện của nàng.  Nàng nói nàng cũng là một kẻ mồ côi, vẫn né tránh mọi người vì họ thường châm chọc nàng, và nàng thú nhận rằng nàng đã tức thời nhận ra nơi chàng một nho sinh học thức và cảm thấy rất bị lôi cuốn bởi chàng.  Khi chàng đề nghị tìm người mai mối, nàng đã bác bỏ ý kiến này, nhấn mạnh đến việc kết hôn mà không cần đến bất kỳ nghi thức nào.  Họ cùng trở về nhà và đính hôn dưới ánh trăng.  Họ kính trọng và thương mến nhau; nàng tiên đã quở trách người chồng, kẻ đã sao nhãng việc học tập để quấn quít bên vợ, phải chăm lo lại việc học và để không chỉ trở thành một học giả nhằm thỏa mãn tự ái của riêng mình, mà còn gắng trở thành một quan chức để giúp đỡ người khác.  Chàng đồng ý với các lập luận của nàng.  Trong một năm, nàng sinh hạ được một con trai; người chồng đã thi đỗ và được bổ nhiệm làm việc tại Quốc Tử Giám.  Nhưng, một ngày kia, bà Chúa bật khóc.  Nàng đã giải thích với chồng rằng nàng là một nàng tiên đã làm vỡ chiếc chén ngọc và bị trục xuất khỏi thiên đình; nay thời hạn trừng phạt đã hết và nàng phải trở về Trời dù nàng rất lấy làm buồn rầu.  Sau khi nàng ra đi, người chồng trở nên rất sầu não, và nhận thấy quan quyền không còn mục đích nào nữa, nên xin về hưu ở một địa điểm xa xôi hoang vắng.  Tại nơi đó, chàng nuôi nấng đứa con và không bao giờ kết hôn nữa, đặt mọi tinh thần vào thi ca.

IV. Bà Chúa, sau khi trỏ về Trời, nhớ nhung tình yêu vĩnh cửu của mình, và nàng đã thuyết phục Ngọc Hoàng Thượng Đế hãy cho phép nàng quay trở lại Trần Gian.

V. Với hai nàng tiên tháp tùng, tên Quế và Thị, nàng đến làng Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa.

VI. Bà Chúa có quyền năng đáng nể: người tốt được giáng phúc, kẻ ác bị trừng phạt bởi tai ương.  Nhận ra quyền năng này, dân chúng trong vùng lo sợ và lập một ngôi đền để cầu khẩn nàng.  Thời trị vì niên hiệu Cảnh Trị (1661-71), triều đình có nghe tin đồn về nàng, nghĩ rằng nàng là ma quỷ, và đã ra lệnh một đội quân cùng đi với các thầy pháp đến trấn áp nàng.  Ngôi đền bị phá thành tro bụi.  Không phải đội quân của Nhà Vua đã khuất phục được nàng, mà chính các ma thuật của thày pháp đã tỏ ra mạnh hơn quyền năng của nàng.

Không bao lâu cả vùng bị ảnh hưởng bởi một nạn dịch giết hại hết các loài muông thú.  Người dân trong vùng ở trong trạng thái kinh hoàng và lập đàn để tế lễ.  Bà Chúa xuất hiện trên lễ đàn, tuyên bố rằng bà là một nàng tiên, và nói với dân chúng hãy thỉnh cầu triều đình xây dựng một ngôi đến mới.  Chỉ khi đó nàng mới giải trừ các tai họa, xua đuổi sự bất hạnh và giáng phúc; ngược lại, không một ai trong vùng còn sống sót.

II. Triều đình thừa nhận nàng là “linh dị” (siêu nhiên và lạ thường), phong nàng tước Mã Hoàng Công Chúa (Vị Công Chúa Vàng được dâng cúng như vị Thần Chiến Tranh), và ra lệnh một ngôi đền mới được xây dựng trên núi Phố Cát.  Hơn nữa, khi quân đội nhà vua [có lần] đi đánh dẹp địch quân, Bà Chúa đã trợ lực trong cuộc chiến đấu.  Triều đình đã phong cho nàng tước hiệu danh dự hơn, Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương (Vị Vua Vĩ Đại đã mang lại sự chiến thắng và hòa bình) và đã ghi tên nàng vào sử sách.  Kể từ đó mọi vị vua đều có dựng tượng nàng và cho xây thêm nhiều đền để thờ cúng bà Chúa.


Phân Tích:

Trong nửa đầu, các Phần từ I đến VI, trình bày về hiện thân tại thế của Liễu Hạnh cho đến lúc có cuộc hội kiến đầu tiên với ông Phùng Khắc Khoan, một trí thức nổi tiếng thời cuối thế kỷ mười sáu và đầu thế kỷ mười bẩy.  Nửa sau, Các Phần VII đến XII, thuật lại cuộc gặp gỡ lần thứ nhì của nàng với Phùng Khắc Khoan và sự hiện thân sau đó của nàng cho đến khi nàng được thừa nhận bởi các quyền năng tại thế như là một nữ thần.  Hai phân nửa được nối bởi phần được đánh dấu là phần T, chứa đựng “bước ngoặt” hay “bản lề” trong câu chuyện mà tôi tin là phần nắm giữ chìa khóa cho việc phát hiện ý nghĩa của sự triển khai bố cục câu chuyện.  “Bước ngoặt” này, xuất hiện giữa hai cuộc gặp gỡ thứ nhất và thứ nhì của nàng với ông Phùng Khắc Khoan, phát lộ sự “tự do hay “tinh thần tự do” mà một người đàn bà có học thức có thể có và phải có trong việc thiết lập sự bình đẳng về trí thức và xã hội với giới đàn ông có học thức.

Cơ cấu hướng nội của câu chuyện góp phần vào nội dung của câu chuyện.  Có sự song đối về mặt ngữ nghĩa và sự nhắc nhở về thể câu đối của Việt Nam (parallel sentences), mỗi vế có giá trị riêng của mình và ý nghĩa không thể nào được hiểu trọn vẹn cho đến khi đọc vế đáp và xem xét cả hai vế như một toàn thể.  Các cặp vế trong văn bản như sau: I-XII, II-XI, III-X, IV-IX, V-XIII, và VI-VII.  Mỗi đôi vế không chỉ là một bước tiến trong sự phát triển bố cục, mà còn cấu thành một khúc riêng biệt và đầy đủ tự nó, phản ảnh một khía cạnh đặc thù trong sự tiến hóa của Liễu Hạnh.

Cấu trúc của truyện tạo ra các đôi vế theo hướng nội, di chuyển từ phần khởi đầu và phần kết thúc [ở vành ngoài] vào đến tuyệt đỉnh và nút mở giải trình ở tâm điểm. Sự phân tích của tôi có thể được tóm lược như sau:

Đôi vế đối ứng I-XII (Liễu Hạnh không được hay biết ở trần gian - sự thừa nhận Liễu Hạnh bởi triều đình và dân chúng như là một nữ thần) .  Hai vế đối nhau này được dùng làm khuôn khổ cho toàn thể câu chuyện.  Phần I, phần mở đầu, cho chúng ta nhìn thấy thế giới trước khi Liễu Hạnh bước xuống Trần Gian: dân chúng cầu khẩn đức Phật, mặc dù Đạo Giáo cũng được phổ biến.  Hồi kết cuộc, nơi Phần XII, khơi mở cho thấy Liễu Hạnh đã thay đổi thế giới như thế nào; dân chúng vẫn cầu nguyện, nhưng bây giờ họ cầu khẩn nơi nàng.  Phần I không đưa ra bất kỳ bằng cớ nào về ảnh hưởng hay sự can thiệp của Liễu Hạnh vào các chuyện trần gian.  Phần XII chứng nhận vai trò tích cực của nàng trong thế giới, bắt buộc người ta phải thừa nhận nàng như một thần linh.  Sự tăng cường vai trò của nàng có thể được tìm thấy một cách rõ ràng trong tất cả các cặp vế đối đáp khác của câu chuyện.  Chính vì thế, hai phần đối ứng này đã chứng nhận sự biến thể trong vị thế giữa vũ trụ của Liễu Hạnh, từ một nàng tiên vô danh trên Trời thành một vị thần uy lực mà dân chúng phải cầu khẩn.

Cặp vế đối ứng II-XI (Các lỗi lầm của Liễu Hạnh trên Thiên Đình và các lỗi lầm của nàng dưới Trần Gian, tại tỉnh Thanh Hóa).  Phần II trình bày Liễu Hạnh như một nàng tiên tại Thiên Cung hiển nhiên không mấy vâng lời hay cẩn trọng, và phần này kể rằng nàng làm rơi một chén ngọc, khiến Ngọc Hoàng Thượng Đế không còn chịu đựng được nữa nên ngài đã tống xuất nàng xuống Trần Gian.  Các từ ngữ dùng bởi người dẫn đường cho Thái Công đã giải thích những gì xảy ra – “Lần này chắc chắn nàng sẽ bị trục xuất khỏi Thiên Đình” – cho thấy đây không phải là lỗi lầm đầu tiên của nàng ở đó.  Các tội nhẹ trước đây của nàng có lẽ không mấy nghiêm trọng, và ngay cả việc đánh vỡ chiếc chén ngọc cũng không mang lại một sự trừng phạt thảm khốc, mà chỉ là một cuộc lưu đày hai mươi mốt năm dưới trần thế -- khó được xem là một thời gian dài khi nhớ rằng các nàng tiên thì bất tử.  Phần XI cho thấy tại tỉnh Thanh Hóa các lỗi lầm của nàng nghiêm trọng hơn và khốc liệt hơn, khiến cho triều đình đương thời tìm cách triệt hạ nàng và các ngôi đền thờ nàng, hiển nhiên là một sự trừng phạt tương xứng với các sai phạm nặng nề hơn là chỉ bị lưu đày xuống trần thế vì làm vỡ chén ngọc.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, sự trừng phạt nàng lại chứng tỏ được biến thành một loại tưởng thưởng.  Trong trường hợp thứ nhất, nàng đã vui sống dưới Trần Thế đến nỗi nàng không còn có thể tự tách rời ra khỏi cuộc sống dương gian và vai trò của nàng có tính cách thụ động như một chủ thể phải gánh chịu sự trừng phạt vì tội vô tình làm vỡ chén ngọc.  Tuy nhiên, trong trường hợp thứ nhì, nàng đã chủ ý bắt buộc dân chúng phải xây dựng lại các ngôi đền thờ nàng và phải thừa nhận nàng như một đấng thần linh và chính do hành động của nàng tại tỉnh Thanh Hóa đã đưa đến sự tưởng thưởng bằng sự thừa nhận chính thức và một sự tôn sùng phổ biến.  Tóm tắt, cặp vế đối ứng này cho thấy các trừng phạt Liễu Hạnh đã biến hóa thành các phần thưởng và một sự chuyển dịch từ thụ động chấp nhận hình phạt sang thành tích cực đáp ứng với sự trừng phạt.

Cặp vế đối ứng III-X (Cuộc lưu đày của Liễu Hạnh xuống Trần Thế như một người trần -- sự tự nguyện quay về Trần Gian cùng với hai nàng tiên Quế và Thị).  Phần III cho thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế đã trục xuất Liễu Hạnh xuống đầu thai dưới Trần Thế vào một gia đình gồm những người chính trực với chủ ý rằng họ có thể sửa chữa những khuyết điểm trong tính khí của nàng vốn đã làm cho Ngọc Hòang phiền bực và gây xáo trộn cho sự an bình trên Thiên Cung.  Nhưng đã không có sự thành công trong việc sửa chữa nàng, như được chứng minh bằng các sự diễn biến tiếp theo sự từ trần của nàng và bởi sự tái xuất hiện lần đầu tiên của nàng trên Trần Thế.  Trong Phần X, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã gửi nàng quay trở lại Trần Gian lần thứ nhì, cùng với hai nàng tiên khác, có thể được xem như hai kẻ canh chừng nàng.  Rõ ràng Ngoc Hoàng Thượng Đế đã từ bỏ việc cố gắng sửa chữa tính khí của nàng bằng việc cậy nhờ vào các con người nơi dương gian;  thay vào đó, Ngài đã phái theo các thiên sứ có năng lực siêu nhiên được giả định sẽ ngăn cản nàng không cho phạm những lỗi lầm dưới Trần Thế.  Tuy nhiên, như được thấy trong Phần XI, các nàng tiên Quế và Thị đã thất bại trong nhiệm vụ này.  Cặp vế đối đáp III-X cho thấy không phải các con người trần gian chính trực hay các năng lực của các thiên sứ nhà trời lại có thể kềm hãm được tiến trình biến hóa trong cá tính của Liễu Hạnh được.

Cặp vế đối ứng IV-IX (Liễu Hạnh tại Thiên Đình sau lần lưu trú thứ nhất dưới Trần Gian và sau lần lưu trú thứ nhì của nàng dưới Trần Gian).  Nơi đây chúng ta cũng chứng kiến một sự thay đổi quan trọng trong thái độ của Liễu Hạnh.  Trong Phần IV, lòng thương hại của các nàng tiên khác trước sự buồn rầu của nàng đã khiến họ trần tình với Ngọc Hoàng Thượng Đế để cho phép nàng được quay về Dương Thế.  Trong Phần IX, vai trò của Liễu Hạnh vốn đã rất tích cực, và chính tự thân nàng đã thuyết phục Ngọc Hoàng Thượng Đế hãy để nàng tái lập cuộc sống của nàng dưới Trần Thế.  Cặp vế đối ứng này khiến ta nghĩ rằng các sự biến thiên trong tính tình của Liễu Hạnh đã làm thay đổi tác phong của nàng đối với Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng như vị thế của nàng ngay trong chính Thiên Đình.

Cặp vế đối ứng V-VIII (Các cuộc lưu trú đầu tiên và thứ nhì của Liễu Hạnh như một nàng tiên hồi hương quay về gia đình của nàng).  Phần V mô tả sự xuất hiện của Liễu Hạnh tại làng Vân Cát vào ngày giỗ thứ nhì của nàng.  Nhận thấy các thân nhân buồn rầu về cái chết của mình, nàng an ủi họ với một sự tiên đoán rằng sau khi chết họ sẽ tái hợp vĩnh viễn.  Tuy nhiên, ngay dù nguyên nhân chính khiến nàng rời bỏ cõi Trời lần thứ nhì và để trở lại Trần Gian để tụ hôi cùng gia đình, nàng đã chỉ ở lại với các thân nhân của mình trong một thời gian rất ngắn trước khi tái hợp với chồng và các con của nàng tại kinh đô.  Nàng đã đến vào lúc tối khuya và ra đi trước buổi bình minh.  Tại sao cuộc thăm viếng lại ngắn ngủi đến thế!”

Liễu Hạnh bị trục xuất xuống Trần Gian và sinh vào gia đình của ông Lê Thái Công theo ý muốn của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chứ không phải do sự lựa chọn của chính nàng.  Nàng lấy chồng bởi vì chàng yêu mến nàng và hỏi cưới và cha mẹ đôi bên đồng ý; vai trò thụ động của nàng được định nghĩa bởi lòng hiếu thảo; vâng lời bố mẹ và người chồng. Đây là một tình trạng gia trưởng điển hình tại Việt Nam, và hoàn cảnh này đã không thể kiềm giữ cá tính của Liễu Hạnh.  Do đó, vì vẫn còn một vài cảm tính biết ơn đối với gia đình và không muốn dứt bỏ những giá trị của gia đình ông Lê Thái Công – có lẽ cũng là những giá trị của Ngọc Hoàng Thượng Đế -- nàng đã thăm viếng bố mẹ và người chồng, nhưng đã không thể ở lại với họ trong bất kỳ thời gian dài hạn nào cả.  Nhưng đôi khi nàng sẽ còn quay lại gặp bố mẹ của nàng (chỉ gặp bố mẹ không thôi, chứ không gặp chồng và các con) và mang biếu họ “tiền bạc và lụa là mà người ta cúng hiến nàng.”

Tình trạng trong Phần VII thì hoàn toàn khác hẳn, bởi Liễu Hạnh xuất hiện như một người đàn bà hoàn toàn tự do -- tự do trong mọi khía cạnh.  Trong phần này, không có dấu vết nào của cha mẹ nàng hay chồng nàng – “Chúng ta không còn bố mẹ hay bất kỳ thân nhân nào,” nàng nói với chàng Sinh, và chính nàng, chứ không phải chàng, đã đề nghị cuộc hôn phối.  Hơn thế nữa, nàng nhấn mạnh vào sự kết hôn không cần nghi thức chính thức, “không dựa trên các nghi lễ tầm thường.”  Lần này, Liễn Hạnh ở lại với chồng trong một thời gian khá lâu.  “Họ kính trọng và yêu thương nhau,” theo lời bản văn; trong cuộc hôn phối trước, nàng “chỉ kính cẩn chăm sóc cha mẹ chồng và vâng lời chồng,” là một người phụ thuộc vào người chồng hơn là một kẻ phối ngẫu ngang hàng hay, như trong cuộc hôn phối lần thứ nhì, là kẻ chủ động trong cuộc kết hợp.  Sự biến hóa chính xảy ra trong nàng, chứ không phải nơi người chồng của nàng, một hóa thân của người chồng trước ít nhiều cùng trong một tình trạng trước đây (một thư sinh và mồ côi).  Việc mô tả Sinh xuất hiện trong một hoàn cảnh tương tự như hiện thân trước đây của người chồng đầu tiên của nàng càng làm sáng tỏ sự chuyển hóa của Liễu Hạnh từ một người vợ phục tùng thành một người đàn bà độc lập, một người chủ động trong cuộc kết hôn này.  Nhưng ngay cả sự kết hợp như thế cũng không thể dập tắt được đòi hỏi tự do của Liễu Hạnh.  Không phải là người chồng đáng yêu hay đứa con trai mới sinh lại có thể buộc chân nàng vào một nơi chốn cố định, vào một người đàn ông, vào một nếp sống gia đình thường lệ.  Không thể viện dẫn một lý do khả tín để rời xa người chồng lần này, nàng đã đưa ra một sự lý giải thiếu thành thật, lập lại câu chuyện trước đây của nàng về việc bị trừng phạt vì tội làm rơi chén ngọc, và sự cần thiết phải trở về Thiên Đình do hạn trừng phạt nàng đã mãn.

Lý do cho một sự giải thích thiếu chân thật như thế được giả định không phải là do sự vô khả năng của bà Đoàn Thị Điểm trong việc sáng tạo ra một duyên cớ mới để Liễu Hạnh vượt thóat khỏi hôn nhân với nếp sống thông thường và các sự kiềm chế của nó, nhưng ở sự không đếm xỉa một cách cố tình của bà về một chi tiết nhỏ nhặt như thế.(12)  Bà Điểm có thể muốn nhấn mạnh rằng duyên cớ nào cũng không thành vấn đề; Liễu Hạnh muốn được giải phóng với bất cứ giá nào.  (Hay có thể [hiểu một cách nào] đó như là một sự cố vấn cho các phụ nữ khác muốn thử cảm thấy tự do bằng bất cứ cách nào hay chăng?)  Đối với Liễu Hạnh, tự do đã trở thành điều quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ nhân sinh hệ lụy nào.  Trong câu chuyện, không có bằng chứng về bất kỳ toan tính nào sau này để tìm gặp lại người chồng và con trai của bà.  Chính vì thế, trong hai phần đối ứng này, chúng ta nhìn thấy sự biến hóa từ một người vợ chung thủy, người con gái vâng lời cha mẹ thành một người đàn bà tự do quyết định lấy đời sống của chính mình.

Hai phần đối ứng VI-VII (Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Liễu Hạnh với ông Phùng Khắc Khoan tại Lạng Sơn và cuộc gặp mặt lần thứ nhì của họ tại Hà Nội).  Hai phần đối ứng này phải được xem là con đường dẫn đến cao điểm của câu chuyện.  Không phải các đọan này chỉ là đoạn viết trọng tâm của truyện, chiếm mười bốn trang trong tổng số ba mươi bốn trang (chỉ dành hai mươi trang cho năm cặp vế đối ứng kia), mà còn, từ quan điểm trí thức, là sự chuyển hóa từ một nàng tiên- đàn bà thụ động thành một nữ thần-đàn bà chủ động đóng một vai trò quan trọng nhất trong câu chuyện.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Liễu Hạnh với Phùng Khắc Khoan đã xảy ra tại vùng xa xôi nơi biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn khi nàng đi lang thang khắp nước “để tìm phong cảnh đẹp,” có nghĩa nàng không trông chờ bất kỳ sự tiếp xúc nào với con người.  Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của nàng với Phùng Khắc khoan, vai trò của nàng được giới hạn vào việc ngâm thơ cùng với việc thổi sáo, mà ông Khoan nghe được khi đi ngang qua đó.  Hầu như không có sự tiếp xúc nào giữa họ. Ông Khoan lấy làm cảm kích về thi ca của Liễu Hạnh, ông cất lời xướng họa, và nàng biến mất đi.  Nhưng cuộc tiếp xúc ngắn ngủi này đã khai mở cho nàng một thế giới mới: nàng đã nhìn thấy nơi nhà học giả một con người từ một thế giới khác với thế giới của các thân nhân của nàng, một người hùng rất học thức và giữ một địa vị xã hội cao.

Không phải sự ngẫu nhiên rằng sau cuộc gặp gỡ này nàng cảm thấy mệt mỏi về việc thăm viếng các phong cảnh thiên nhiên và khởi sự nhớ nhung “các nơi chốn náo nhiệt” (“bước ngoặt” nơi Phần T), có nghĩa rằng từ sự đơn độc nàng đã khởi sự tìm kiếm sự tiếp xúc với con người.  Cuộc gặp gỡ lần thứ nhì của nàng với Phùng Khắc Khoan hoàn toàn khác hẳn với cuộc gặp gỡ đầu tiên.  Nàng trở thành chủ quán rượu, đón tiếp nhà học giả trẻ tuổi cùng hai người bạn trẻ của chàng, là những người cũng đã đậu qua các cuộc khảo thí học lực.  Nàng đã không chỉ khởi xuất sự tiếp xúc với họ và xướng họa đối đáp thi ca, mà nàng còn giải thích ý nghĩa một bài thơ bí hiểm cho một ngư phủ khác thường.  Tất cả ba bực văn nhân học rộng đều phải nhìn nhận khả năng trí thức ưu việt của nàng.  Những yếu tố này trong câu chuyện soi sáng một sự chuyển hóa tinh thần trong bối cảnh của cuộc sống của nàng từ việc ngao du khắp đất nước để ngắm cảnh sang một lối sống nơi phồn hoa đô hội của Hà Nội, như được chỉ trong Phần T và là bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống trần gian của nàng.  Nói cách khác, nàng đã thu gặt được kinh nghiệm vững chãi, đưa đến mọi sự chuyển hóa khác mà chúng ta nhìn thấy trong các cặp vế đối ứng trước đây: sự thay đổi vị thế của nàng đối với gia đình, khả năng trí thức ưu việt của nàng đối với nhà học giả nổi tiếng và các văn nhân thân hữu của chàng, thái độ thay đổi của nàng tại Thiên Đình và, như kết quả của tất cả các điều này, sự chuyển hóa của nàng từ một nàng tiên thành một nữ thần, chính thức được thừa nhận bởi triều đình đương quyền và được tôn kính bởi dân chúng.

Vị anh thư của truyện, Liễu Hạnh là sản phẩm của cả các yếu tố trên trời lẫn dưới trần gian, nhưng phần lớn từ trần gian, bởi sự chuyển hóa làm biến đổi nàng một cách mạnh mẽ đã xảy ra nơi dương gian.  Đây là câu chuyện về sự giải phóng một người đàn bà, về một người phụ nữ đã thành công trong sự tự xác quyết cả ở trên Trời lẫn giữa con người nơi xã hội trần tục xuyên qua việc theo đuổi tính khí độc lập của mình và sự phát triển các khả năng trí thức của mình.  Hơn thế nữa, trong việc phong thần cho nàng, Liễu Hạnh đã vượt qua biên cương của giống phái: tước hiệu Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương (vi Vua vĩ đại mang lai sự chiến thắng và hòa bình) đuợc cấp bởi triều đình nhà Lê (Phần XII), sắc phong cho nàng không phải là một nữ thần, mà như một vị vua thuộc nam giới.  Cùng tước hiệu đó đã được phong cho các nam nhân anh hùng đệ nhất của Việt Nam, chẳng hạn như đức Trần Hưng Đạo, một nhà lãnh đạo quân sự trong thế kỷ mười ba.  Bởi vì tư thế của người đàn ông được coi trọng hơn rất nhiều trong xã hội Việt Nam, tước vị này đã là một sự thừa nhận bổ sung và là bằng chứng của quyền năng, thẩm quyền và sự chiến thắng trên một dấu tích ô nhục của xã hội cổ truyền.

Tác giả đã không che dấu sự khó khăn và nỗi cực nhọc về một sự chuyển hóa như thế, bởi để dành đạt được sự tự do, Liễu Hạnh đã phải hy sinh hạnh phúc cá nhân và gây ra sự đau khổ cho những người quanh nàng.  Sự lang thang giữa Trời và Đất và trên khắp miền của đất nước Việt Nam, biến thành mây (có nghĩa ở mọi nơi và không nơi cố định nào) phát lộ không phải sự bình lặng của tinh thần, mà là một cuộc theo đuổi.  Hơn thế nữa, sự xuất hiện thường trực trong truyện của mặt trăng, biểu tượng cho yếu tố âm (yin) hay “nữ tính: femaleness,” khắc sâu thêm ấn tượng này, bởi mặt trời, biểu tượng của yếu tố dương (yang) hay “nam tính: maleness,” chỉ được nhắc tới có một lần.  Một mặt, nó bày tỏ tầm quan trọng của yếu tố nữ trong thế giới, nhưng, mặt khác, nó cũng phơi bày sự thiếu hòa hợp là tình trạng chỉ hiện hữu khi có sự phối hợp của cả âm lẫn dương.  Chính vì thế, tác giả hiển nhiên đã muốn nhấn mạnh đến sự khó khăn của một người đàn bà trong việc phát triển sự độc lập của mình.

Liễu Hạnh đã lựa chọn quyết định của mình. Đó chỉ là lựa chọn riêng của Liễu Hạnh , hay đây cũng là một sự phản ảnh ước vọng của chính bà Đoàn Thị Điểm?  Từ những gì hay biết được nơi cuộc đời của Đoàn Thị Điểm, ít nhất đã có tám điểm tương đồng với phiên bản của câu chuyện về Liễu Hạnh trong Vân Cát Thần Nữ Truyện.  Thứ nhất, bà cũng lớn lên từ một ngôi làng rất gần cận với làng Vân Cát, “sinh quán” của Liễu Hạnh.  Thứ nhì, bà có người anh trai, và, theo câu chuyện của bà, Liễu Hạnh cũng có một anh trai như thế.  Thứ ba, bà và vị anh thư trong truyện của bà đều là những người đàn bà có học thức cao.  Thứ tư, bà Điểm, theo các tác giả viết tiểu sử bà, và Liễu Hạnh, theo truyện, đều là các người đàn bà đẹp, có sức hấp dẫn đàn ông.  Thứ năm, cả hai đều được cha mình cho làm con nuôi một nhân vật có địa vị xã hội cao.  Thứ sáu, cả hai đều tôn kính và chăm nom cha mẹ mình.  Bà Điểm không có con của chính mình, Liễu Hạnh có sinh con, nhưng không có bằng cớ nào về lòng thương yêu của nàng dành cho con trong câu chuyện.  Thứ bẩy, cả hai đều có đối đầu với các đàn ông trí thức và đã thành công trong việc dành được ưu thế trên người đàn ông.  Thứ tám, cả hai bảo vệ sự tự do cá nhân của mình, xem đó là kho tàng quý giá nhất.

Ba điểm sau cùng có thể được xem là có liên hệ đến tư tưởng Khổng học, chủ nghĩa chính thống để thống trị của giới trí thức.  Thái độ phức tạp của bà Đoàn Thị Điểm đối với Khổng học có thể được nhận thấy trong cuộc đời của bà.  Bà đã cự tuyệt trong thời gian dài không muốn lập gia đình và từ đó, sinh con và tập trung vào đời sống gia đình là điều sẽ giới hạn cuộc sống trí thức của bà.  Hơn thế, trong việc trước tác bà đã không chỉ xâm nhập một lãnh vực sinh họat trí thức theo truyền thống thuộc về phái nam, mà còn tạo dựng ra một anh thư triệt phá căn bản của Khổng học.  Bề ngoài, Liễu Hạnh thừa nhận Khổng học.  Người chồng đầu tiên của nàng, Đào Lang, là một sĩ tử, và nàng đã chọn người chồng thứ nhì của minh, chàng Sinh (tức hóa thân của Đào Lang) bởi vì chàng là một nho gia đứng đắn.  Hơn thế, tiếng tăm của Phùng Khắc Khoan như một nhà nho học là một trong những yếu tố tạo nên hình ảnh đáng kính nể của ông.  Tuy nhiên, trong thực tế Liễu Hạnh đã được bà Đoàn Thị Điểm mô tả như là một “kẻ phản đạo.”  Nàng thiếu sót lòng hiếu thảo đối với các bậc thân sinh già lão của mình (bà đã bỏ rơi cả hai người chồng và cha mình dưới trần của nàng, và Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng không thể chế ngự nàng nơi Thiên Đình), và nàng thiếu trách nhiệm đối với con cái (trong cả hai trường hợp nàng để con ở lại phía sau và bà Đoàn Thị Điểm chẳng nói đến việc nàng thương nhớ gì con cái).”(13)  Liễu Hạnh xem ra là một phiên bản Việt Nam của một Padua “Chua Ngoa” (Shrew) được mô tả bởi Shakespeare [Vở kịch "Taming of the Shrew” của Shakepeare, chú thích của LTH].  Nhưng nếu sau rốt Katharina bị chế ngự bởi Petrucchio, thì Liễu Hạnh đã đạt được sự giải phóng của mình và chế ngự cả đàn ông lẫn đàn bà, khiến họ phải tôn thờ nàng.

Hơn nữa, không chỉ Liễu Hạnh thiếu các đức tin của Khổng học, mà cả các đức lang quân của nàng cũng không có nốt.  Nàng ảnh hưởng họ để tiến hành việc học tập Khổng học, nhưng khi nàng biến mất, cả hai người chồng đều bỏ bê nhiệm vụ để lui về sống ẩn dật. Điều này chứng tỏ Khổng Nho không đóng một vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống của các người chồng của nàng; hơn thế, gia đình và tình yêu đối với họ quý báu hơn nhiều, và không có sự hậu thuẫn của một người đàn bà, họ đã không thành công trong sự học tập và trong chức nghiệp của mình.  Thái độ của Liễu Hạnh là một sự trả thù của đàn bà chống lại Khổng học, vốn đối xử đối với họ bằng một sự coi thường nào đó.


Đoàn Thị Điểm, Liễu Hạnh và Phùng Khắc Khoan

Một trong những chủ đề nổi bật nhất trong câu chuyện là mối quan hệ giữa Liễu Hạnh và Phùng Khắc Khoan.  Truyện của bà Đoàn Thị Điểm chứa đựng “sự mô tả sớm nhất và đầy đủ nhất các cuộc gặp mặt của họ.”(14)  Sự kiện về cuộc gặp gỡ của họ đã ăn sâu vào trong di sản văn học và lịch sử của sự tôn sùng Liễu Hạnh, và kể từ thời đại của bà Đoàn Thị Điểm trở đi, đã thấy xuất hiện trong nhiều tác phẩm.  Hơn thế, được nói để tưởng niệm cuộc gặp gỡ lần thứ nhì của họ, một đền được gọi là Phủ Tây Hồ đã được dựng lên ven bờ Hồ Tây tại Hà Nội.  Tôi lập luận rằng những phần này là một sự sáng tác thuần túy của tác giả quyển Vân Cát Thần Nữ Truyện trong sự theo đuổi mục đích của bà nhằm đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Tại sao Phùng Khắc Khoan lại được lựa chọn để đóng vai trò này? Để hiểu được điều này, chúng ta phải cứu xét không chỉ cặp Liễu Hạnh – Phùng Khắc Khoan, mà còn phải thêm bà Đoàn Thị Điểm và sự sử dụng ông Phùng Khắc Khoan trong việc sánh bước.  Sự du nhập các cuộc gặp gỡ trước tiên và trên hết là một cơ hội để bà Đoàn Thị Điểm phô bày năng lực trí thức khác thường của Liễu Hạnh, trong khi cũng cho phép bà lồng nhiều thi ca vào trong truyện.  Những đọan này nhiều phần không có trong các phiên bản truyền khẩu (được tạo ra bởi người dân bình thường, bởi nhân vật Phùng Khắc Khoan hấp dẫn nhiều nhất tầng lớp học thức trong quần chúng, giới mà trong đó ông là một người danh tiếng và được trọng vọng.  Hơn nữa, các đức tin dân gian phổ biến không cần đến việc hỗ trợ bởi bất kỳ tư liệu xác thực, các nhân vật lịch sử hay luật lệ thi ca nào cả.(15)  Cùng lúc, bởi việc ghép đôi họ lại với nhau, bà Đoàn Thị Điểm đã hợp thức hóa Liễu Hạnh như một cá nhân ít nhất có một tư thế xã hội ngang bằng với ông Phùng Khắc Khoan và kết quả, như một cá nhân có trị giá đồng đẳng cho sự phong thần, bởi chúng ta được biết là vào thời khoảng của bà, linh hồn của ông [Phùng Khắc Khoan] đã được thờ phụng tại miền bắc Việt Nam.

Ông Phùng Khắc Khoan được bà Đoàn Thị Điểm sử dụng vào những việc gì?  Là một người có học thức cao, có các sự tiếp xúc với giới trí thức và đã từng làm phụ giáo trong phủ chúa, bà hay biết và có thể rất ngưỡng mộ tiếng tăm của ông Phùng Khắc Khoan như là một trong những người chính trực và trung tín trong thế hệ của ông.  Nhà học giả này còn xuất hiện trong một truyện khác của bà, An Ấp Liệt Nữ Truyện (truyện về một người phụ nữ bất khuất tại An Ấp), trong cùng tuyển tập.  Truyện này được viết về một vị sứ giả triều đình được phái sang Trung Hoa và người vợ ông ta; Bà Điểm so sánh ông ta với ông Phùng Khắc Khoan, người mà bà rõ ràng đã nhìn như một kiểu mẫu cho một vị sứ giả lý tưởng.(16)  Trong truyện về Liễu Hạnh, bà đã dùng ông Phùng Khắc Khoan để tăng cường danh tiếng của một người đàn bà không chỉ bởi sự hiện diện của ông trong câu chuyện, mà còn bởi sự ngưỡng mộ của ông dành cho nàng và sau hết bởi sự thừa nhận của ông về khả năng trí thức ưu việt của nàng.  Bản chất phi-lịch-sử của các cuộc gặp gỡ giữa Phùng Khắc Khoan và Liễu Hạnh được vạch ra bởi sự vắng mặt của bất kỳ sự đề cập nào đến chúng trong phần trước tác của chính ông hay trong các tác phẩm viết về ông, ngoại trừ các sự tham chiếu nơi truyện của bà Đoàn Thị Điểm hay các lời tuyên bố chung chung nói rằng các cuộc gặp gỡ đã xảy ra nhưng không có bất kỳ chi tiết nào hơn nữa, điều có thể được xem như một sự tham chiếu âm thầm và thường lệ đến bài viết nguyên thủy của bà.  Một tác giả hiện đại xác định rằng có một vài tài liệu trong đó chính ông Phùng Khắc Khoan có nói về các cuộc gặp gỡ của ông với nàng tiên Liễu Hạnh.  Nhưng sự tham chiếu của tác giả này về nguồn tin tức này lại không có tính cách thuyết phục, bởi đoạn văn mà tác giả này trích dẫn ghi như sau: “Ông Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) nói rằng ông có gặp gỡ Liễu Hạnh, nàng tiên trên Thiên Đình … nàng đã xướng họa thi ca với ông”; nhưng không có một sự chỉ dẫn là ông Phùng Khắc Khoan đã nói điều này khi nào hay đó là một truyện tích thành văn hay truyền khẩu,(17)  Một nguồn tư liệu thứ nhì nằm ở sự kiện giả định về cuộc gặp gỡ của ông Phùng Khắc Khoan với Liễu Hạnh và nêu tên các bài thơ được đọc trong cuộc gặp mặt của họ, nhưng lại tuyên bố rằng tất cả tin tức này được dựa trên Vân Cát Thần Nữ Truyện của bà Đoàn Thị Điểm.(18)


Vân Cát Thần Nữ Truyện là gì?

Vân Cát Thần Nữ Truyện đã được sử dụng sâu rộng như là một sự tường trình căn bản về cuộc đời của Liễu Hạnh, và/hay như một phiên bản đầy đủ nhất của thần thoại về nàng.  Cả hai khả tính này đều cần được cứu xét.  Như nhà văn học dân gian Nga, Vladimir Propp, đã viết, “Từ một quan điểm nghệ thuật, các thần thoại thường yếu kém …  đây không phải loại hình thẩm mỹ.  Người kể chuyện không tìm cách, vô tình hay hữu ý, làm đẹp câu chuyện, mà chỉ muốn chuyển đạt điều mà người đó xem là thực tại.”(19)  Nhưng Vân Cát Thần Nữ Truyện thì khác, với đầy đủ các hàm ý văn chương và sự phong phú của lời thơ chau truốt.  Cấu trúc của truyện được dàn dựng công phu đến nỗi nó khó được xem như phù hợp với cấu trúc của thần thoại hay huyền thoại, thường được kể bởi và cho thường dân không thuộc giới văn học, và chính vì thế thường giản đơn về mặt cấu trúc của chúng và trong việc trình bày các diễn biến.  Ngoài ra, nhiều lời đối thoại, các bài thơ xướng họa đượm triết lý phức tạp, và các chân dung tâm lý được khai triển kỹ lưỡng của các nhân vật tràn đầy trong câu chuyện thì xa lạ với thần thoại và huyền thoại.  Các thần thoại thường là các tác phẩm của sự sáng tạo tập thể.



Tượng Mẫu Liễu Hạnh, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Ngược lại, tiểu sử của các vị thánh thường được viết bởi một người, nhưng truyện này không thể được xem là thuộc về lọai đó.  Khác với việc tập trung vào sự khai triển tâm lý, một tiểu sử về vị thánh cố gắng trình bày cuộc đời và ý niệm chính về một vị thánh càng rõ ràng càng tốt để có thể được lĩnh hội bởi mọi tầng lớp dân chúng và để lôi cuốn các kẻ tân tòng.  Hơn nữa, trong khi tác giả một tác phẩm như thế thường tuyên bố một cách trực tiếp mục đích của tác phẩm, bà Đoàn Thị Điểm đã không đưa ra một lời xác quyết như vậy.  Thay vào dó, bà đã ghép truyện của bà vào trong một tuyển tập có nhan đề làm liên tưởng tới “các câu chuyện tân kỳ” và không phải là một tiểu sử về một vị thần.  Một điểm đáng lưu ý khác là sự ám chỉ rõ rệt đến truyện Truyền Kỳ Mạn Lục (The collection of marvelous stories) của Nguyễn Dữ.  Được viết trong thế kỷ mười sáu, cũng bằng chữ Hán, tác phẩm này phóng tác một cách sáng tạo các câu chuyện trong tuyển tập của Trung Hoa viết hồi thế kỷ mười bốn nhan đề Jiandeng Xinhua (Các sự giải thích mới bên ánh sáng của ngọn nến có bấc được tỉa xén) của Qu You (Zongji) và được chuyển thể theo bối cảnh Việt Nam.  Nhiều truyện trong quyển sách này viết về các bà phù thủy, các nàng tiên và những sinh vật siêu nhiên khác.  Các chủ đề của một vài truyện trong đó gợi nhớ đến một vài phần trong tác phẩm của bà Đoàn Thị Điểm (thí dụ, các con người trần tục thăm viếng Thiên Cung, tình yêu giữa một người nam trần tục với một nàng tiên, vân vân). Được nuôi nấng từ một miền nơi mà sự tôn sùng Liễu Hạnh khá phổ biến, bà Đoàn Thị Điểm chắc chắn quen thuộc với điều này, và bà đã sử dụng vị thần để nói lên câu chuyện của bà về địa vị của một người đàn bà trong xã hội.  Né tránh việc thách thức trực tiếp với xã hội của mình, vốn vẫn còn bị thấm nhập một mức đáng kể các nguyên tắc của Khổng học, bà đã “che dấu” sự chỉ trích của mình trong một “Truyền Kỳ Tân Phả”; sử dụng tuyển tập các truyện của Nguyễn Dữ như một cái “thuẫn” [để che chắn], bởi vào lúc đó tác phẩm của ông đã được thừa nhận một cách trọn vẹn.  Trên căn bản tất cả những tư liệu mà tôi đã trình bày, tôi đề xuất rằng Vân Cát Thần Nữ Truyện không phải là một thần thoại, huyền thoại, hay tiểu sử một vị thánh, mà là một tiểu thuyết được dàn dựng công phu bao hàm các yếu tố của huyền thoại, thần thoại, sự tưởng tượng lãng mạng và tiểu sử của chính bà Đoàn Thị Điểm với các khuynh hương trí thức và các khát vọng của bà.  Tập tường thuật được viết như một tiểu thuyết trong đó Liễu Hạnh xuất hiện không phải như là một phần tử của tôn giáo nông dân hay dân gian, mà như một nhân vật đáng được tìm hiểu bởi các tầng lớp cao quý nhất trong xã hội.  Khối độc giả của truyện được hạn chế vào tầng lớp có học thức cao.  Cốt truyện dàn dựng công phu phát lộ các tư tưởng triết lý trừu tượng và các hàm ý văn chương, và ngôn ngữ Hán cổ điển mà tác giả sử dụng đã chỉ có thể được tiếp cận bởi một số rất ít các độc giả.  (Một tác phẩm viết bằng chữ Nôm sẽ phải viết sát hơn với ngôn ngữ nói phổ thông và có thể lĩnh hội được bởi người dân ít học khi được đọc to tiếng, không thực sự là văn bản chữ Hán)  Bà Đoàn Thị Điểm đã không viết truyện này để lôi cuốn các tín đồ thượng lưu cho một tín ngưỡng dân gian, mà đúng hơn, mà muốn họ quen biết với hiện tượng dân gian về Liễu Hạnh như được nhìn với nhãn quan của chính bà, nhãn quan của một người có học thức cao viết cho các người có học thức khác.  Khi làm như thế, bà đã nâng cao một tín ngưỡng dân gian, điều chỉnh nó theo thị hiếu và trình độ văn hóa của tầng lớp có học.  Tôi tin rằng mục tiêu chính của bà khi viết truyện này là để trình bày sự phát triển và sự giải phóng của một người đàn bà.  Điều này khó có thể được mô tả trong các câu chuyện thực tế bởi không được sự chấp thuận chính thức, nhưng nó có thể che dấu một cách dễ dàng trong một tác phẩm hư cấu lịch sử.  Và nếu, như học giả Nguyễn Thị Huệ đã nêu ra, “thần thoại về Thánh Mẫu Liễu Hạnh vượt quá khuôn khổ của một tín ngưỡng dân gian sơ khai và đã sở đắc một tính chất phát triển cao hơn,”(20) chính yếu là do công lao của quyển tiểu thuyết của bà Đoàn Thị Điểm, đã tạo ra một hình ảnh mới cho một tín ngưỡng cũ.  Hơn thế, truyện này, đặt trên tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh hiện diện trong thế kỷ thứ mười tám, tiếp đó, đã trở thành một nguồn tư liệu có thẩm quyền nhất để mô tả cuộc đời và sự phong thánh của bà Chúa.  Như cuộc thăm viếng tại chỗ của tôi tại Việt Nam đã phát hiện, phần lớn các tín đồ thông thường của đạo thờ Liễu Hạnh hay biết về bà từ truyện của bà Đòan Thị Điểm, ngay dù họ thường không biết gì về tác giả thực sự của câu chuyện và ám chỉ nó như một câu chuyện xưa được truyền khẩu. Chính vì thế, Vân Cát Thần Nữ Truyện đã tự nó ăn sâu vào trí nhớ của dân gian, và đã được chuyển hóa từ một tác phẩm văn chương của một tác giả thành ra một sự tạo lập văn hóa dân gian.

Olgar Dror

Tri Ân: Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu xa nhất đến các vị: Keith W. Taylor, Nguyễn Thế Anh, J.M. Law và Tamara Loos về các ý kiến quý báu đối với bài viết này.  Mọi sai lầm thuộc về trách nhiệm của tôi.
Olgar Dror là một ứng viên bằng Tiến Sĩ thuộc Department of Historỵ Cornell University, Ithaca, NY 14853 USA.  Tác giả có thể được tiếp xúc bằng email tại địa chỉ od14@cornell.edu

CHÚ THÍCH:

 

1.      Milan Kundera, “Lae Testament de somnambules”, Le Nouvel Observateur, 9 April 1982; được trích dẫn trong George Boudarel, “L’Insertion du pouvoir central dans les cultes villageois au Vietnam” trong Cultes populaires et sociétés asiatiques, biên tập, Alain Forest, Yoshiaki Ishizawa và Leon Vandermeersch (Paris, L’Harmatian, 1991), trang 87, Mọi phiên dịch trong bài viết này là của tác giả.

2.      Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh, Tứ Bất Tử (The Four Immortals) (Hanoi: NXB Văn Hóa Dân Tộc, 1990), trang 9.

3.      Sách dẫn trên, trang 101; Vũ Ngọc Khánh và Phạm Văn Ty, Vân Cát Thần Nữ, (Hà Nội: NXB Văn Hóa Dân Tộc, 1990), trang 22.

4.      Đoàn Lâm [?], “A Brief Account of the Cult of Female Deities in Vietnam”, Vietnamese Studies, 1, (1999), trang 16.

5.      Đặng Văn Lung, Mẫu Liễu, Đời và Đạo (Mother Liễu: her life and cult) (Hà Nội: NXB Văn Hóa Dân Tộc, 1995), trang 12.

6.      Bùi Hạnh Cần, Bà Điểm Họ Đoàn (Lady Điểm from the Đoàn Family) (Hà Nội: Trung Tâm Hoạt Động Văn Hóa Khoa Học, 1988), trang 11.

7.      Trần Cửu Chấn, Les grandes poetesses du Vietnam (Saigon: Impremerie de l’Union Nguyễn Văn Của, 1950), trang 10.

8.      Ngoài các nguồn tư liệu được trích dẫn ở trên, tiểu sử của bà Đoàn Thị Điểm được đưa ra nơi đây dựa trên quyển Hồng Hà Nữ Sĩ của Đỗ Thị Hảo (Hà Nội: NXB Phụ Nữ, 1986).

9.      Nikolai Nikulin, Vietnamskaya Literatura (Moscow: Nauka, 1971) các trang 70-1.

10.  Bản dịch dựa trên nguyên bản bằng Hán ngữ quyển Truyền Kỳ Tân Phả (âm tiếng Hán: Chuanqi Xinpu) trong Yuenan Hanwen xiaoshuo congkan/collection romans et contes du Vietnam écrits en Han, ed. Chan Hing-ho [Chen Qinghao] and Wang San –ching [Wang Sanqing], Chuanqilei [Marvelous stories genre], vol. II (Paris et Taipei: École Francaise d’extrême-Orient and Student Book Co., Ltd, 1986), các trang 24-42; và bản dịch sang Việt Ngữ trong Đoàn Thị Điểm, Truyền Kỳ Tân Phả, (Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1962) các trang 66-99.

11.  Phùng Khắc Khoan (1528-1613) là một học giả, nhà thơ, và quan chức Việt Nam nổi tiếng, một trong những người xuất sắc nhất trong thời đại của ông.

12.  Tôi nói ở đây về khả năng của tác giả chứ không phải về khả năng của Liễu Hạnh vì nhân vật sau đã không cần đến một duyên cớ nào hay hơn, bởi chồng nàng không hay biết gì về lần xuống trần gian, về sự trừng phạt, và cuộc quay trở về Trời trước đây của nàng.  Đối với người chồng, khi đó, lý do mà nàng nêu ra nghe mới lạ và khả tín.

13.  Sự kiện chính bà Đoàn Thị Điểm không có con rất có thể đã góp phần vào sự khinh xuất của Liễu Hạnh đối với con cái của nàng.

14.  Hà Đình Thành, “Phủ Tây Hồ và sự phụng thờ Liễu Hạnh trong Đạo Mẫu ở Việt Nam, biên tập Ngô Đức Thịnh (Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 1996), trang 150.

15.  Tôi có thể tin rằng thần thoại nguyên thủy được tạo ra bởi thường dân, bởi đạo thờ phụng Liễu Hạnh đã được phổ biến từ lâu trong các tầng lớp thấp kém.

16.  Đoàn Thị Điểm, Truyền Kỳ Tân Phả, trang 57.

17.  Hoàng Đạo Thúy, Đất Nước Ta, (Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1989), trang 83, được trích dẫn trong Hà Đình Thành, “Phủ Tây Hồ”, trang 163.

18.  Trần-Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan: cuộc đời và thơ văn, (Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1985), các trang 164-5.

19.  Vladimir Propp, Theory and History of Folklore, ed. Anatoly Liberman, và được dịch bởi Ariadna và Richard Martin (Minneapolis: University of Minnesota Press, 1984), trang 51.  Propp đang khai triển một sự quan sát bởi học giả người Hung Gia Lợi, G.U. Ergis trong một cuộc nghiên cứu về văn hóa dân gian của sắc dân Yakut.

20.  Nguyễn Thị Huệ, “From Buddha-Mother Man Nương to Holy MotherLiễu Hạnh”, Vietnamese Studies, 1 (1999): 87.

Nguồn: Olga Dror, Doan thi Diem's 'Story of the Van Cat Goddess' as a story of emancipation. Journal of Southesat Asian Studies, 33 (1), các trang 63-76, February 2002
 

Lê Thị Huệ dịch

© 2006 gio-o

Lời người dịch: Trong lúc tiếp xúc với tác giả để xin phép chuyển dịch bài viết này sang Việt Ngữ, tôi đã được Olga Dror cho biết sách nghiên cứu về Vân Cát Thần Nữ Truyện của cô sẽ được University of Hawai'i Press xuất bản vào đầu năm 2007. Và một tài liệu khác về tôn giáo tại Việt Nam, tập chú giải về tôn giáo ở Miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa vào thế kỷ thứ 18 của linh mục Adriano di St. Thecla,  lần đầu tiên được Olga Dror dịch (cùng với phần nhuận sắc) từ tiếng Ý sang tiếng Anh, đã được phân khoa Nghiên Cứu Đông Nam Á đại học Cornell ấn hành, địa chỉ: www.einaudi.cornell.edu/SoutheastAsia/publications.  Trân trọng giới thiệu những biên khảo qúi của nhà nghiên cứu về Việt Nam sáng giá nhất tại Hoa Kỳ hiện nay, Olga Dror, đến với bạn đọc Gió O. (lth)