Như Quỳnh de Prelle
tôi và văn chương bên ngoài Việt Nam
tản
mạn
Có nhiều câu chuyện khác nhau mà suốt hơn 40 năm nay, chúng ta những ai yêu mến văn học Việt Nam nói chung, văn chương Việt bên ngoài đất nước nói riêng đều quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của nó cùng với tiếng Việt, thứ ngôn ngữ sống còn trong đời sống văn học của chúng ta. Tôi là một người thuộc thế hệ sau, cũng là người mới xuất hiện gần đây trên các trang văn chương tiếng Việt bên ngoài Việt Nam như Gió O, Da Màu, Hợp Lưu, Du Tử Lê, Người Việt, Uyên Nguyên, Sáng Tạo, Trẻ online, …. trong nước có trang Văn Việt như một trang văn chương tự do bên ngoài, có nhiều người viết ở bên ngoài tham gia hay trang chủ nhật của một vài cá nhân tự làm và có trong tập 40 năm thơ hải ngoại cùng với 53 các nhà thơ khác. Trong giới hạn của một bài viết nhỏ tôi xin phép được đề cập đến chủ đề thế hệ chúng tôi với văn chương tiếng Việt bên ngoài Việt Nam hay là những chủ thể trên các trang văn chương mạng hiện nay ở nước ngoài, sự kết nối giúp cho tiếng Việt và văn học tự do có mảnh đất để nảy mầm, phát triển. Với những cô chú, anh chị đi trước mà tôi có dịp được đọc, được biết, hoặc họ đang sống hoặc đã mất, tôi xin phép không nhắc lại ở đây vì lịch sử văn chương tiếng Việt luôn có tên họ như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Võ Phiến….
Văn chương hải ngoại, đương nhiên là những người ở bên ngoài dải đất hình chữ S, đang sống và làm việc ở nước ngoài, khắp nơi trên các lục địa. Nhưng trên các trang mạng online thì có một lực lượng người viết và sáng tác ở trong nước, cùng vượt biên, vượt tường lửa để cùng những người viết bên ngoài tạo nên những dòng hợp lưu, đối lưu khác nhau, sự đồng nhất và thống nhất của văn chương tự do. Tôi quan tâm từ 2 phía vì bản thân tôi là một người trưởng thành từ blog, từ internet. Tôi vẫn nhớ ngày xưa khi bắt đầu có internet ở Việt Nam, bạn tôi từ Nhật gửi cho tôi những tài liệu từ các thư viện ở Mỹ mà anh ta có được, chúng tôi phải đọc trên những bản mềm như thế, rất khó với những bản gốc viết tay, vì khi đó, ebook hay internet chưa phát triển, chưa kể, việc vào net ở Việt Nam rất chậm, bị ngăn cản từ nhiều lý do.
Và khi nói đến văn chương hải ngoại trong mắt của tôi, tôi hình dung như tôi đang sống ở Brussels, thủ đô của vương quốc Bỉ đồng thời là thủ phủ của Châu Âu hiện nay, với sự đa dạng văn hoá, nhiều màu sắc. Thì văn chương mạng tiếng Việt ở bên ngoài đất nước cũng như thế. Có nhiều người viết do nhu cầu tự nhiên và bản năng. Có nhiều người do công việc, nghề nghiệp. Có nhiều người viết bên cạnh công việc khác để kiếm sống….. Có nhiều người viết do khả năng và công việc từ trước, họ tiếp tục viết khi sống ở nước ngoài, như tôi. Nhiều người viết ở trong nước vượt biên ra bên ngoài, xuất hiện trên các trang văn chương hải ngoại.
Do lịch sử di dân sau 1975, nỗi nhớ quê hương và phải rời xa đất mẹ, có một thế hệ người viết luôn thấm đẫm các đề tài này. Một người như thế hệ của tôi từ trong nước, khi đọc những trang văn như thế, tôi hiểu hơn, sự mất mát, nỗi nhớ nhà, và những quá khứ đi qua mà thế hệ tôi không thể có sự trải nghiệm ấy.
30 năm sống và trưởng thành ở Việt Nam, thế hệ chúng tôi điềm tĩnh hơn với lịch sử, nhìn nhận mọi câu chuyện từ nhiều phía. Và chỉ có sự đồng cảm, chữ và chữ, tình chữ mới đem lại cho chúng ta cái nhìn thấu đáo, đa chiều, sự chấp nhận khác biệt. Cũng như các anh chị thế hệ trước, đón nhận chúng tôi, những người đi sau, một tiếng nói khác, riêng tư hơn, rõ ràng hơn cái tôi. Rất nhiều người hỏi tại sao không thấy nỗi nhớ trong sáng tác của tôi. Vì đơn giản, tôi không có cái nhìn viễn xứ, tôi không ngóng vọng cố hương. Tôi không ở Việt Nam là do cá nhân tôi lựa chọn cho chính mình, vì tình yêu và tiếng nói tự do. Khoảng cách không gian không làm cho chúng tôi xa Việt Nam hơn mà giúp chúng tôi nhìn rõ dân tộc mình hơn, hiểu rõ hơn khi chúng tôi ở bên ngoài, khi tôi tiếp xúc với những người bạn khác trên khắp trái đất này. Tôi mang những giá trị từ gia đình Việt Nam của tôi, như sự lễ nghĩa, nét văn hoá truyền thống của người Việt, sự tôn trọng người con người như bố mẹ, ông bà tôi đã và đang sống. Nhưng tôi không cực đoan chủ nghĩa dân tộc như rất nhiều bạn khác ở các nước Đông Âu mà tôi gặp khi họ cùng thế chế chính trị như chúng ta. Tôi có cái nhìn cởi mở hơn, rõ ràng hơn theo các giá trị sống của tôi như sự Tự do, Bình đẳng, Gia đình, sự tiến bộ và văn minh, sự trưởng thành của cá nhân tôi…. Bởi thế, ngòi bút và những trang viết của tôi như thế. Và tôi cũng đọc những bạn viết cùng trang lứa thế hệ tôi trên chữ của tác phẩm, trong sự cảm nhận của riêng tôi, thoát khỏi những định kiến, tù đày trong những tháp ngà chữ nghĩa, những giá trị có sẵn được khẳng định.
Tôi tin những người viết họ viết trước hết cho chính họ, nhu cầu của họ như ăn, mặc ở, đi lại. Họ viết và viết. Cứ viết. Như tôi viết trong suốt bao nhiêu năm, rồi đến lúc tôi xuất hiện cùng các bạn. Chúng tôi, theo tiếng nói của tự do, tìm mọi cách vượt biên, tìm lẽ sống, nơi trú ngụ cho những tác phẩm của mình. Chúng tôi tồn tại. Có thể không phải bằng các văn bản giấy hay những bài phê bình ngoạn mục, hoành tráng. Và chính là sự hiện sinh của tác phẩm. Sự thiệt thòi của thời đại chúng tôi đang sống, là mọi thứ trôi đi rất nhanh, rất nhanh. Nhưng sự dài lâu, bền vững của mỗi người phụ thuộc vào sự kiên trì và chịu khó. Tôi chưa bao giờ nghĩ viết lách hay văn chương là cuộc chơi. Văn chương là công việc hàng ngày của tôi. Tôi phải viết. Phải viết. Cứ thế, thời gian cho tôi nhiều câu trả lời, mà chính tôi không hề biết trước đó ngoài tình yêu vô điều kiện. Tôi tin ở những người viết như thế. Tiếng Việt còn sống, khi chúng tôi viết và đọc tiếng Việt bằng ngôn ngữ ấy giữa trùng trùng sóng của những dòng ngôn ngữ khác. Sự xuất hiện của các bạn viết trong nước trên những trang viết bên ngoài, cho chúng tôi sự kết nối sâu sắc hơn, tôi hiểu hơn, họ đang nghĩ gì, họ đang viết gì, hay sự bon chen, háo danh rồi lịm tắt. Tôi thích dõi theo dòng chảy ấy như một nguồn sống trong thẩm mỹ và thưởng ngoạn. Có cả những người Việt viết bằng ngôn ngữ khác, tôi cũng đọc họ, như đọc một tác giả nước ngoài, chứ không phải đọc họ vì họ là người Việt mà tôi phải đọc.
Và có những người viết ở bên ngoài, họ có lực lượng bạn đọc đông đảo ở Việt Nam, họ có giải thưởng trong nước. Có những người viết họ chỉ viết trên những trang văn chương thuần tuý là văn chương. Có nhiều bạn trẻ chuyển từ sáng tác sang dịch thuật. Đó cũng là sự cần thiết dành cho các tác phẩm bên ngoài với ngôn ngữ khác, được chuyển thể sang tiếng Việt. Nhờ kết nối mạng xã hội như Facebook hay blog, chúng tôi kết nối nhau nhanh hơn, hiểu nhau nhiều hơn trên những trang cá nhân của họ, trên những chia sẻ của họ, sự quan tâm của họ.
Và với đối tượng nào hay mục đích nào dành cho văn chương, tôi luôn tin, văn chương là văn chương luôn tồn tại, dù lặng lẽ hay ồn ào. Văn chương hải ngoại là một bộ phận quan trọng của văn chương tiếng Việt nói chung. Và với cách kể chuyện theo hình thức nào thì sự sáng tạo với ngôn ngữ và ý tưởng hay sự tồn tại các giá trị luôn là sự sống của tác phẩm. Tôi luôn tâm niệm rằng:
Thi ca với Như Quỳnh là Tình yêu của nghĩa rộng. Là chữ, sự sáng tạo gắn với nghệ thuật thường ngày. Là con người không xa lạ, không thị phi, không định kiến và không phán xét. Viết và viết và viết. Chữ cứ hiện ra như thế trên các bản thảo trong các file của máy tính xách tay, trên những trang giấy viết vội ở đâu đó. Mọi lúc, mọi nơi, ý tưởng đến và ở lại trong một cái đầu chưa bao giờ ngừng nghỉ nghĩ suy, ngay cả lúc thư thái nhất, trầm nhất, chữ đã dịu dàng, mang lại cho tôi sự sống tiếp theo, và ở lại đây, để chia sẻ và kết nối với bạn đọc, với những tình yêu văn chương vô điều kiện, không biên giới, không đòi hỏi sự ích kỷ thưởng lãm độc tôn nào. Thi ca đã trở thành sự hiểu biết và nhận thức trong các sáng tác cũng như hành trình sáng tạo của Như Quỳnh.
Như Quỳnh de Prelle
http://www.gio-o.com/NhuQuynhDePrelle.html
© gio-o.com 2018