NH. TAY NGÀN

Nng Sàigòn mê man tng phút

tạp ghi

 

Năm bảy mươi ba, mùa hạ, đất Pháp còn nóng vì tiết trời, tôi từ nhà thương điên Villejuif vào Paris, ý định không còn lạc quan chút nào nữa về bất cứ đời sống nào của bọn người xung quanh. Nhiều năm sống tại đất này tôi thường tự thương cho bản thân, những vết đen tôi không làm sao tẩy gội, từng đêm từng ngày dài. Tôi không có mộng, tôi không vui, thôi thì làm sao làm, sự bi đát vẫn là xây mộ bên nghĩa trang - giữa người sống và khổ lụy kín bưng bao giờ chẳng bấu riết trong giấc ngủ được. Một tháng sau tôi đáp phi cơ về lại Sàigòn. Tôi ứa nước mắt. Tôi thù trái tim đã đập sai nơi một cơn đau xảy trong giấc ngủ. Tôi tự thấy mình đều bất lực nói về đời mình cho mọi người nghe, thấy dáng mình đều truồng trần khi lầu chuông Paris rung nhẹ, giữa bàn tay và hơi thở mỗi giây luôn nhớp nhúa bụi đen mấy thời gian nào. Gần như trí nhớ tôi trở thành một cù lao bị tan loãng đi, mấy chốc sau nghe bên kia bắt đầu họp chợ, bán nhiều thứ khó định giá cả theo thói quen, lúc trực nhận ra, trước mắt đã thấy Sàigòn, ý tưởng và tâm tư cuốn vào nhau mà tia nhìn vốn mù mờ sai lạc hẳn. Đến chiều tối, Sàigòn lên đèn, một cơn mưa bất thần xua tôi vào cơn sốt. Nằm trong căn phòng chưa định ra mùi đồ ăn, tôi nhớ lại ở một nơi xa nào đó, một Paris và nhà thương điên đã nhốt mình, tôi buồn đến đau từng ngón tay một. Nửa đêm người gia đình kêu tôi dậy, tôi nói: “Trời Paris độc lắm. Dì đừng lo làm chi”; trong đầu và trong ngực tôi vẫn còn mù mù cơn nóng. Sáng ra dì tôi bảo tôi đã mớ, la rất lớn trong đêm rồi. Nhưng tôi cố thêm: “Trời Paris làm con mệt lắm, thôi dì lo ăn trước đi dì”. Tiếng kèn xe ngòai đường vừa nhắc nắng mai. Người ta ồn ào điều gì đó trước nhà tôi rồi. Tôi vào nằm lại trên giường, tôi ngủ mê man, đầu bị đau, tự nhủ đừng rên nơi cơn sốt nắng trời.

Tôi khổ lắm. Tôi mong đừng ai hỏi tôi về đời sống tại Paris. Đầu tôi bị lắc lư chứ bộ óc tôi đều bị bụi. Đừng hỏi tôi hoài về mùa đông có lạnh lắm không. Đừng hỏi chi hết để tôi quên chuyến métro ban đầu, vào khoảng năm sáu mươi bốn đó. Kẻ gây ác cảm bên một công viên ban đêm hoặc kẻ thù đi lính thời đại chiến thứ nhất. Nhưng đừng hỏi tới nhắc, tôi nữa về căn nhà nào xa thực xa, có tên là nhà thương điên Villejuif. Tôi nhục nhã lắm. Tôi thù đời như một thằng côn đồ bị té xe một cách vô tình vì trời mưa trơn trợt. Những ác mộng đen ngừ thế nào cũng khuấy đau trong xóm Pigale qua công trường Clichy rồi tới khu La tinh cà phê chiều.

Mà con thấy Sàigòn bây giờ ra sao? Như hồi xưa hay con nhớ nó đổi nhiều hay không?”, dì tôi dường như không hiểu tôi trả lời, ngay cả tôi cũng quên nhìn ra một thời nào phía trước, nhưng sau đó tôi có đáp: “Cũng vậy thôi, con đâu thấy đổi gì nhiều”. Và đúng lúc ngồi ngòai cửa ngó ra góc đường, tôi nghi ngờ những gì không thành thực bên trong, như cách quan sát một tô phở, cách xem nghề một người Tàu và nghiền ngẫm tâm địa người Mỹ. Một tuần sau tôi xin tiền dì tôi, rời đường Gia Long qua ở Thị Nghè. Tôi nói với dì: “ Bên Thị Nghè gần sông, mát mẻ chắc, con thì vừa khỏi bịnh chớ chẳng u mê như tuần rồi. Dì coi, ở Paris không phải mệt vì thời tiết đâu, đất họ cũng đông mà mình một thân, buồn bã lắm”. Lần khác gặp dì, tôi lại than y hệt: “Paris càng lúc càng độc chớ chẳng vừa đó dì”. Rồi tôi không cần dì tôi an ủi, như hồi còn nhỏ, tôi đi ra đi vô trong nhà, ngó trái ngó phải, lục kẹt hốc để nhìn vài vật còn giấu ngày xưa; trên vách tường phết vôi thấy bức hình chụp, tôi độ dì tôi đã bị già nhiều hơn. Một hôm ngồi trước máy truyền hình, ngó lại sau lưng, dì tôi đã ngủ. trên tường, chiếc đồng hồ gõ nhiều tiếng lạc đi. Tôi phong phanh hiểu giờ giới nghiêm ngoài đường vừa tới, ít người đi bộ trên hè và chỉ còn xe gắn máy phóng mau. Giữa tôi với tôi bấy giờ bị chia đôi những kỷ niệm cũ - dù mới đây có mười năm thôi.

Tôi than với L. rằng trong những năm cuối cùng tôi bị nhốt một cách đau đớn chứ chẳng như thư từ tôi nói với L. dầu Paris vốn chứa đựng nền văn vật lâu đời. Tuần sau dì tôi kêu về đường Gia Long, buổi trưa L. bỏ sở, thập thò rồi đứng khép sau cửa đợi tôi. Khi người nhà vào kêu, tôi trách L. nhiều lần, bảo đừng nên đứng đợi làm chi, trời nắng nóng, quen và thương nhau đã lâu. Lúc cùng L. đi ngang chùa Bà Đen, những kẻ ăn xin chìa tay, nói điều gì tôi mờ mợ ám ảnh mà chẳng hiểu. Tôi ngó mau vào trong, không hiểu luôn giá trị của chùa này dù hồi nhỏ biết nó nhiều và đến nay đã hoàn toàn sửa sang khá cổ kính. L. nói: “Anh nhớ hồi đó họ ít bán bông lài, giờ thì đầy đường”, nhưng tôi kéo nhẹ tay L. để tránh xe, không nhớ ra ngôi chùa khác ở đâu và nhớ thứ gì mơ hồ như nhang khói tan trên một đêm pháo cấm đốt. Khi L. đói, dường cử động bị lạc nơi xa xôi, nói đúng là không biết ăn tiệm nào và tiệm nào ngon cho cả hai. Phía trước chợ Bến Thành có một chỗ chúng tôi hay dẫn nhau tới ăn, bây giờ không khác mà đã đổi hoàn toàn chủ rồi, theo lời L. Đi dài qua đại lộ Hàm Nghi, ngó ngoái khu nhà thương thí, chút đốm hư như vội trèo ngang, tịch im, câm nín bịt bùng. Người bán dọc khu Chợ Cũ đông, chen vào nhau bề bộn, rất nhiều món đồ L. kiếm không thấy còn tôi lại đứng ngoài đợi một cách bồn chồn . Hàng Mỹ đa dạng lâu lắm rồi theo ý tính thời gian nơi tâm hồn tôi. Lát sau, tôi chạy tới nói với L. là đừng mua quần áo hay đồ đạc gì cho tôi. Cả hai tôi lẩn quẩn trong khu Chợ Cũ, xen vào đám đông, tự kéo mình theo tiếng động ồn ào vây quanh, tới chiều vào ăn một phần tôm nướng, trở về nhà nghe đàn em của L. báo xe chúng vừa bị ăn cắp hồi trưa. Căn nhà bị lục đục. Ba L. càng lo hơn theo tôi ngó ra. Tôi kêu ba L. bằng bác, nói: “Bác không đi chơi đâu sao bác?”, “Ờ, chút nữa bác sang kia”, rồi quát tháo mấy đứa con mình. Khi nắng tắt dì tôi mang trái cây cho gia đình L., ngồi nói chuyện buôn bán từ sáu năm về trước, rồi khi ba L. đi, tôi kêu dì tôi nên về vì hồi trưa có người ở Cần Thơ tới thăm. Buổi tối ngồi nghe vài bản nhạc Thái Thanh, nằm gần L., tôi chờn chợ mê ngủ. Tối hơn một dốc đen xua, ý và sự mơ mộng của đời tôi đều bay chập chờn hơn, đúng là những con thiêu thân bất tọai. Xa xa đã nghe vài tiếng nổ dội vào mái nhà. Tôi khó nhận nơi tóc L. hôm nay có gì buồn hơn hay đau đớn hơn. Mười năm tôi thay tôi bằng máu độc. Đến một ác mộng vờn, tôi cười với ai vào lúc hừng đông lên Paris?

Căn nhà sau nhà L. là nhà vợ chồng có hai đứa con còn nhỏ, đêm chúng khóc to và cuối đêm, chúng cứ ho như bị xuyễn.Tôi đóan trời đổi màu hoặc có bão ở nơi xa. Mỗi hôm nắng sớm lên, đưa L. tới sở rồi về bên đường Gia Long, ngồi vào bàn viết vài giây, đọc vài tạp chí hay quan sát các tờ báo lá cải, tôi lấy xe gắn máy chạy vẩn vơ. Thường thường nhiều đường bị kẹt xe. Tôi có tánh hay kéo xe mình lên lề lúc xe nghẹt; buổi chiều người cảnh sát kêu tôi lại hỏi giấy tờ, tôi lo âu ra mặt vội trình thẻ thông hành ra. Trong nhà tôi, hai người khác nói với tôi đừng nên quên đem theo giấy tờ lúc ra đường; thường hơn, họ hay hỏi tôi về đời sống sung sướng nước ngoài. Hôm tôi ngồi với dì tôi để nói chuyện với khách, dì tôi có hỏi đến những người Việt Nam tại Paris, nghe mấy người khách tiếp rằng con cháu họ cũng ở Paris và bên Đức nữa. Sau cùng tôi mới đáp: “ Người Việt bên Paris khó có tánh tử tế với ai”, tôi tiếp : “ Họ mê cái gì cái ấy đều là cấp bằng và tiền bạc, nếu tôi không lầm về sau nữa”. Dì tôi chưa rõ điều đó khi hỏi tôi về những gia đình đã quen từ bên nầy; tôi ít phạm tới cách nói ra lời và đôi khi lỡ lời; tới chừng nói ra tôi đều đặt kẻ tha hương đều là con chiên vật chất hóa, bi quan đến độ bi đát trong lòng. Trí nhớ về mùa đông bị dư thừa nơi đảo xa, rêu trong hoang phế, trí nhớ ấy đều làm tôi bắt đầu sau cơn ngủ quên luôn luôn. Một ngày xưa thói sử. Một chiều bế tắc trong chiến tranh, cái gì vô nghĩa hơn bện thành lời mỗi ngày mỗi năm. Ở xa Sàigòn, ngày tháng tự nhiên leo lên cán dao, thủ phạm giết kẻ mang tin yêu bao giờ cũng nằm sát trong bóng tối.

Tôi đi phất phơ ngoài hàng ba Nguyễn Huệ, xem sách, xem áo quần người ta bán, xem phim đã cũ hay vừa phát hành, lẩn thẩn nhìn qua bồn binh, lấy kiếng đen ra đeo, mua ba bao thuốc Dunhill, bật diêm đốt lên trong nắng. Ý định tôi đều bị lập lại khi băng qua cột cờ Thủ Ngữ, ngắm nước sông, nhớ mây vàng, ăn ba trứng vịt lộn, lo vơ vẩn vài xe tuần cảnh hiến binh Mỹ chạy qua. Buổi trưa nào nắng lên cao, mặt trời khó ai ngó mà không hắt hơi. Nhưng tới chiều Sàigòn đương mờ đi với lửa nắng, sự mệt nhọc đều do và chẳng cần sự than thở nữa vào đêm. Người sống và chiến tranh ăn tham đều đều gieo trong tàn bạo chứ chẳng ngồi ở xó để gọi nền văn minh, lửa và nắng chảy hòa vào nhau trên mồ hôi họ rồi chạy xuống những đe dọa khôn cùng trong sinh kế loạn ly. Ít khi nào tôi vào phòng trà nghe nhạc như xưa kia, đêm và Sàigòn lởn vởn mây phù lan qua ác mộng. Nhưng mà tự nghĩ, kẻ hỏi rồi tả chân điêu linh ngày mai cũng bắt đầu tối mặt, kẻ đi lên ngai vàng đang mưu kế với đồng tiền bị khô máu trong kia. Tôi bội bạc đến nỗi hay huênh hoang bảo chánh trị đều là chất áo mục đầy óc nhầy của mọi người từ khi mới lớn. Sự đời không thấy sinh sản ra giống thủy chung dù làm ăn mày trong một trăm năm của đời sống. Cơn nhớ không cần lên tới đồi Bửu Long, ngày trước, tôi và sự yếm thế xa trong cánh cửa nhà tu, khu đồi chỉ còn nơi điêu lụy nơi Biên Hòa.

Nắng chưa tàn, chiếc xe bị nổ bánh. Đường Hùng Vương nay đã đổi từ dốc cầu Thị Nghè xưa kia. Tôi nằm đốt thuốc, vừa tắt một bản nhạc Thái Thanh ca, giở lại tạp chí Sáng Tạo, tìm vài người tôi ưng đọc, tôi đọc. L. hỏi tôi: “Nghe anh nói với em anh quen ông gì làm báo Văn đó anh?”. “Báo Văn anh có lại toà sọan họ hai lần rồi, em coi đó”. Tôi chỉ mấy cuốn tạp chí mua hôm qua cho L., ở bên kia nhà chợt nghe một người chửi tục. “Ngồi lên đi anh, thấy anh già hơn hồi trước. Ngồi gần em nghe anh?” L. đợi tôi ăn, tôi khen đồ ăn ngon rồi ăn khá nhiều. Ý trong đầu tôi đều rần rộ khi biết mình đã quên cơn đói Paris. “Em không thấy vài tạp chí mới khác khá hơn báo Văn sao?”, L. đáp: “Gần như báo chí bị kiểm duyệt quá đi anh. Em không thấy”. Khỏang giờ giới nghiêm, xe ngoài đường dãn ra bớt, không khí loãng kín vào tâm tư mà ban ngày thành phố sôi trên các dòng cuồng tâm. Lúc nghe vợ chồng nhà bên kia cãi vã, tiếng vài con dơi bị liệm bến sông, sông Thị Nghè, tôi ít ngó tới bàn tay L., khói thuốc Dunhill chảy ngày đêm trên hai lỗ mũi tôi, các giấc mơ ước ao dường đã thành cơn mù sang cửa biển nâu. Đêm nằm cạnh L., tôi lo con mắt L. bị co giật nhè nhẹ, tôi không ngủ nổi. Mùa mưa mùa nắng đến rồi đi, tôi đến đâu tôi về, tôi đi đâu tôi khổ sở. Saigòn khi nắng đổ ngay cánh cửa nhà L., cả bụi bạc hà bụi xả cũng làm tôi sợ bước tôi đi. Không khi nào trí nhớ xẻ thành một hương thơm lúc nắng hạ tòan nghe tin chiến trường bắt đầu khai bằng nhục nhã.

“Mộng anh à? Mộng anh giản dị, một ngày hai bữa ăn, một vài người bạn thân, một sức khỏe như mười ba năm về trước, em coi anh ra sao?”. Rồi tôi kể vài thời tôi có bạn thân ở Sàigòn, tôi mơ hồ nói xa về tình bằng hữu; tôi và cánh tay cứ bị run đi, bạn bây giờ không còn kiếm ra đâu nữa; làm sao kiếm khi mười hai năm đều đều nghe bão đánh vào nôi?. Tôi ngồi lên ghế đặt trước sân nhà L., bụi xả đứng im và hai cây vú sữa đã bị đốn. Ba L. không hút thuốc lá như hồi xưa. Cách ăn nói đều dè dặt và hiền từ, điều tôi ái ngại mà đầy cung kính bên trong. Khi ba L. đi ngủ, tôi nghe bước chân L. đi tới rất mau, ngồi gần, úp mặt vào tay tôi. Trời có trăng. Trăng thì bị che vội trên mây đen. Bên ngoài cổng nhà, tiếng chó sủa mau, bọn cờ bạc ngoài kia như lo có lính bắt. Đêm khuya tôi bật đèn vì vài con chuột cứ chạy vào phòng cắn nhau, kiếm khúc cây thì chúng đã băng qua cửa nhà, leo lên mái nhà khác. L. theo nắm cánh tay tôi, nhưng đi qua chỗ võng, con chó bật sủa vang. L. nạt con chó. Nhà bên kia con chó cũng giật mình sủa theo. Trăng đã khuất sau dãy nhà. Đầu sông Thị Nghè thóang nghe chậm chạp tiếng rà của xe tuần tiễu.

Dì tôi kêu tôi đi Cần Thơ. Một tuần sau tôi lo âu xin về Sàigòn sớm. Tới Phú Lâm tôi và hai người khác bị soát giấy. Vài xe nhà binh nhiều lính đứng chận các xe vào đường, còn những người đi bộ hay xe máy đều cũng bị hỏi vài phút. Nắng trên các cây me rọi xuống mấy ổ đường hư. Bọn lính và bọn côn đồ khó phân biệt như rơm và rạ bên ruộng khô. Nhưng khi ngồi ăn với nhau, dì tôi không khỏi không lo cho tôi về lính. Có hôm tôi đang ăn cá hấp trên đường Phan Đình Phùng, tụi côn đồ đập lộn nhau chạy ùa ngay chỗ tôi ngồi, tôi tránh và vấp vào nồi đồ ăn, chúng làm rơi khá nhiều chén dĩa lúc xô xát. Về nhà tôi tức giận chúng hơn vì chẳng phải là không lo không khí bừa bộn mình bị vướng. Chủ nhựt trời khô. Dường vài cơn lạnh xa xa đưa về. Trên cao mường tượng các khỏang không bị mê lâu năm. Đi dọc Thảo Cầm Viên, ngó qua bên kia chợ, tôi nói: “Em nên bỏ theo đạo Công giáo cho rồi”, L. cười rất nhỏ, nắm chặt tay tôi. Nước sông có mùi một nhà xác bị che bằng hoa phượng cuối hạ vừa qua; người ta chen chúc nhau sống đông đảo, Sàigòn và con tim đều phải vá bằng mùi than van, như kẻ dưới tỉnh không nghề làm còn nằm ngủ rất mê lúc nắng xoay qua tiếng bom trong rừng nứa. “Em thấy anh đổi khác gì không?”, tôi hỏi rồi gượng gạo ngó qua một dốc cỏ đang úa xanh, trên tóc L., mười năm về trước vẫn còn mùi của một giấc mơ rất trong, L. đáp: “Em thích anh đem em theo với anh. Ở nhà không vui đâu anh”; tôi tự dưng bị đau trong ngực. Tôi nói thầm: “Rồi cũng khó cho anh, em không biết sao?” ; L. nghe được và tay hơi run đi.

Tôi tới báo Văn lần cuối cùng. Hôm nắng khỏe, tiếng đường Phạm Ngũ Lão bịt kín hai tai; tất cả đống văn chương đối với tôi không xoàng như một ý thức duy vật. Đầu đường đã phủ bụi rồi khói xô lên. Nắng làm chảy mồ hôi, sôi trong các ý buồn bã mà từ Paris tôi bị lảo đảo. Đúng cho tôi, tôi không nhớ đủ biến thân của lòai người, vật chất chỉ có nghĩa theo lời và đơn độc lúc bội danh. Ý thức rồi cứ trục vào cơn nhớ, nào là tiếng tiền gieo bên tấm thảm cỏ, nào là đổi thay trên căn diện tồn sinh, tôi đủ ý rồi tôi bắt đầu chua cay với các con đường đầy người cư trú. Họ than tiền, họ đau về số tử vi, họ tin một ngàn thứ lờ lợ trong gia đình họ đòi với nhau. Tôi bị quên. Paris và Sàigòn không xa bằng cơn nắng gieo qua mặt sông ngày. Tôi gặp một người bạn làm văn, nói rất ngại như chưa quen, sự lơ là kia bấy giờ làm tôi thanh kẻ tàn bạo trong bản thể. Tôi mất tự do từ lâu. Ngày sau tôi và L. đến một nhà in, tôi nghe người chủ bảo giờ đầy kiểm duyệt, khó ra sách lắm. Gặp hai người viết văn khác, tôi chỉ nói được với L. : “Anh thích viết văn mà lâu quá không in ra được, em xem, lúc anh đi, chỗ nào in được em biên thư cho anh”.

Đêm kia, từ giã dì tôi về nhà L., tôi tới đầu đường Nguyễn Du bị chận xét giấy tờ. Xe lính làm tôi bắt đầu lo ra, hỏi vài người quen thì họ cũng lắc đầu than với nghề họ không đủ sống yên. Đêm ấy tôi ca nhạc với L., tôi không cười với đứa em của L. biết gảy đàn tây ban nha, rồi thì tôi ra đập con chó trong nhà để nó đừng sủa. Đêm về sáng tôi vẫn còn nghe tiếng nổ trên không dội ngay vào ngực tôi. Con chó sủa lớn hơn. Đàn dơi đã mỏi cánh. Thằn lằn và chuột đều kì cà kì cạch gây tiếng động. Sáng ra, uống với tôi một chút cà phê sữa, L. hôn lên mặt tôi nhiều lần để đi làm. Ba L. hỏi han tôi về sức khỏe. Tôi đáp không có chi đâu và lát sau, bị quên tiếng cám ơn theo thói Paris làm tôi ngượng. Nắng lên rồi nắng bạc xuống Sàigòn. Chỉ trí nhớ thiếu một ám ảnh thần linh trên tiếng tim. Rồi tất cả bị mệt. Trí nhớ khô mà tâm hồn bụi ám. Sau các giác quan tạo ảo ảnh, thân và hơi thở bị nghiêng trên sông Đồng Nai. Nắng đi vào giọt mồ hôi tôi còm. Nắng reo ở đâu mùi thuốc súng. Những bản nhạc vô ý kia và vọng cổ tuôn mịt mờ theo tin chiến sự. Bầu trời không lộ một tuyệt đối bên cổng cây xanh, những lần nắng rụng thềm hoa phượng, chim sẻ hót liên tu, tìm con bồ câu chỉ hiểu Paris mới có.Những màu áo nữ sinh sửa sọan một mùa thi đã trôi qua, mong đợi sau cánh áo đức hạnh nào bấy giờ cũng phải hỏi tới cửa sau của căn nhà bị đốt, tiếng cướp xé đã lẩn trong sắc dương liễu đời xưa. Nắng không mờ những lối nhựa rồ xe Honda, ngả ba ngả tư chịu mòn cùng khói và bụi, cùng tiếng bỏ bom vụng về; lính, lính, trai trẻ, gái tơ, tiền, cái gì nữa sau đó đều xoáy nhừ bên tâm linh đã thủng sâu lằn máu đỏ bầm ở cuối một chiều tiếng tim bắt đầu loãng xa qua vòng không ảnh.

Đêm nọ trời mưa rào, tôi bắt đầu lên cơn ho và bị sốt. Ba L. khuyên tôi nên uống thuốc đi. Tôi lắc đầu, tỏ ý không bằng lòng lời khuyên. Đêm L. rờ ngực tôi tới thiếp ngủ. Cơn mệt đẩy tôi kết thành từng dây nhợi tối tăm, suốt đêm tôi khô cổ, đốt liên miên thuốc lá đến khi gà gáy sáng nhà sau. Những ngày khác, tôi kêu L. đi hoãn ngày về Paris như vé máy bay ghi trên đó. Cơn gió đêm tháng mười một nhuốm bão biển xa. Giữa một ảo vọng lạc loài, tôi và đám lá me bắt đầu xa cách. Sàigòn cũng nắng và ồn ào nhiều hơn. Nhưng Paris cũng đau và buồn khổ hơn. Ngày thành cơn đói và ngày đời ồ ra như cơn nôn. Tánh bi quan khó làm tôi nhắn gửi ai khi cầm viết. Giữa tôi với số mệnh cầm bằng sợi tóc cháy khét trong quan tài. Còn lại hơn tuần, đi ngắm các tiệm sách quen, mua vài cuốn sách mỏng, sách dịch cùng suy nghĩ mình sẽ còn gì nữa trên cơn nắng đau đau. Mùa mưa mưa nhiều. Mùa mưa cũng nắng đầy Sàigòn chớ đâu.

“Em lo lắm anh, Paris anh không có ai thân. Biết làm sao đây anh?”. Nghe L. rồi, tôi không hát nữa; kéo tóc L. bảo L. ca cho tôi nghe đi. Nắng chưa dứt. Một bầu trời lờ mờ những ác mộng về sau. Nắng ở đâu mà Sàigòn la lối như binh lính về thành? Trong bữa ăn, L. bật rưng nước mắt, kín đáo đi ra rồi trở vào với tôi. Cả hai tôi chỉ còn bước đi trên các vỉa hè bán buôn nhiều đồ xa xí Mỹ Châu cùng các tiệm sách trước kia tôi quý. Đêm nào đó gần giới nghiêm, tôi thoáng thấy một kẻ bị xe đụng nằm ngay bên lề đường, mọi người tới chỉ hỏi làm sao đó đồng lúc một chiếc xe chở heo chạy ngang qua. Tôi bỏ vào nhà, mùi cứt heo làm tôi bị ho một cách vô khoa học. Nằm gần tôi, tóc rơi buồn bã, L. không nói nhiều nữa mà như cố nhớ đã sửa sọan đồ đạc gì cho va ly tôi. “Anh hứa biên thư về em đều đều nghe anh ? Em chờ anh để em qua Paris với anh”. Tôi nói Paris khá thì đời sống vui. Khá hơn sống sướng và dễ quên. Nhưng đêm đã dầy. Sao trời ứa ra một mộng đời vô vọng. Cách đó xa xôi hơn, tiếng nổ chừa lại chỉ làm rõ những trò chơi không cần sự bắt đầu, các động từ trở nên bão rít. Tôi và Sàigòn là cơn nắng cửa mùa mưa. Lá me, lá phượng vĩ, con ve sầu. Tôi và L., tôi và Paris ban đầu khó nhận ra nhau, hai tôi ở trong một cơn nắng mà chất khói bay từ nhựa thuốc lúc về đêm - xa thì xa quá, gần thì ôi thôi, nắng và hoa đã vòng xuống một chiều sâu vô chừng nơi Tây Tạng.

Hôm sắp lên phi trường, lính xét giấy tôi, tôi lo hơn, tôi nói: “Tôi sắp về lại Paris, đâu có còn ở đây lâu đâu”. Buổi trưa đi tiễn tôi, dì và L. thấy tôi còn ho nên rất thương hơn khi từ biệt. “Con coi con mệt vì đâu, con?”; tôi ngỡ dì tôi quên Paris, nhưng L. nói: “Dì ơi, anh bị buồn gì đó bên kia đó dì”. Rồi lúc bước ra trường bay, tôi chợt nhớ nắng đã ran cả phần lưng. Không có mấy gió mà nắng đùa rát đau đôi lỗ tai. Trên máy bay tôi bần thần đánh rơi một tập báo Văn, lúc lượm lên, tay tôi chạm vào mâm đồ ăn cũng đổ theo luôn. Một lúc tôi bật nói nhỏ: “Đụ má chúng mày”; hơi thở với con người bắt đầu leo lên một chỗ nhiều mây trắng. Sàigòn không biết tôi có mặt một đêm sau chiến tranh. Và Paris, trời, tôi lập lại: “Đụ má chúng mày”. Tôi vốn còn trí nhớ khi tôi ở sâu trong một ác tà lửa cháy miên man.

 

Nh. tay ngàn

http://www.gio-o.com/nhtayngan.html

 

© gio-o.com 2010