Nguyễn Thị Hải Hà

Tiểu Thư Nora và Chàng Lãng Tử

 

truyện ngắn

(kỳ 1)

 

Một tuần sau khi Cá Linh, con gái út của tôi và chủ của con mèo, dọn đi Baltimore làm việc,  mèo Nora biến mất.

Buổi sáng hôm ấy, trước khi đi làm tôi cho Nora ăn, rồi nhấc cửa kính lên để nó có thể ra vào bằng cái cửa lưới nhỏ bất cứ lúc nào nó muốn. Lúc nó mọp người cắm đầu vào tô thức ăn nhai nhỏ nhẹ, tôi vuốt bộ lông mượt mà của nó. “Giờ chỉ còn hai bà cháu mình nghen con.” Nó quay đầu liếm bàn tay tôi, một cử chỉ thân thiện hiếm có, làm tôi cảm động. Người ta thường bảo giống mèo lạnh nhạt kiêu kỳ. Thật ra không phải vậy. Mèo chỉ bày tỏ cử chỉ âu yếm khi nào chỉ có nó với chủ nhân. Khác hẳn với chó lúc nào cũng ồn ào, nhảy chồm lên người chủ hôn hít ướt át sướt mướt, con mèo làm người chủ thấy vinh hạnh mỗi khi được con mèo đặt lòng tin. Phải tin lắm, thân cận lắm nó mới đến gần dựa vào chân. Và khi được mèo hôn lên mũi lên trán chủ nhân thấy hoàn toàn hạnh phúc.

Buổi chiều đi làm về không thấy Nora quấn bên chân đòi ăn, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi lên phòng nhỏ út tìm. Thường ngày con mèo nằm ngủ ở góc giường, đôi khi trong ngăn tủ. Chỉ khi nào nhà có người lạ nó mới trốn dưới gầm giường hay trong tủ đứng (closet). Có lẽ con mèo ra cánh rừng sau nhà. Mùa hè nó vào nhà ngủ rất trễ, thường khi sau mười hai giờ; tuy nhiên nó không bao giờ bỏ bữa ăn. Tôi nấu cơm làm việc nhà, ăn xong rồi đi ngủ sớm. Hai giờ khuya thức giấc tôi sang phòng Cá Linh tìm con mèo lần nữa nhưng nó vẫn chưa vào nhà. Bắt đầu lo lắng, tôi xách đèn pin đi tìm.

Sau nhà tôi là một rẻo rừng. Gọi là rừng thì hơi quá đáng nhưng phải nói là rất nhiều cây cao. Có cây dễ chừng hai ba chục mét. Tất cả cây đều đã ra lá dày đặc. Gai góc vướng víu áo quần tôi. Lia cái đèn bấm qua những gốc cây ngã đã được cưa từng khúc, tôi cố nhìn xuyên qua mảng tối. Bụi hoa honey-suckle tỏa hương ngào ngạt. Tôi quanh quẩn tìm ở đầu tường, sau tường, dưới bụi rậm, sau gốc cây ngã, sau những khúc gỗ cưa, sau những tảng đá to nhỏ. Tôi nhón chân nhìn về phía hồ bơi nhà của Steve và Robin, vẫn không tìm thấy Nora. Đạp lên xác lá khô xào xạc, tôi nghĩ đến con rắn to màu vàng bò len lỏi sau bụi tường vi mấy hôm trước, và e ngại bị rắn cắn nên tôi dò dẫm trở vào nhà.

Nora biến mất. Như tan vào không khí loãng.

 

* * *

 

Kể từ khi Nora biến mất, con mèo hoang Boyfriend cũng không đến nữa. Lúc sau này, tôi cho Boyfriend ăn mỗi ngày hai lần. Mỗi lần cho Nora ăn tôi cũng mang thức ăn để ngoài sân cho Boyfriend. Hôm nào tôi quên là Boyfriend kêu gào um sùm. Trời mưa tôi để chén thức ăn dưới gầm bàn để Boyfriend không bị ướt. Có khi mưa lớn Boyfriend không đến. Buổi chiều đi làm về tôi thường để ý tìm con mèo này, coi vậy mà cũng nhớ cái mặt có đốm đen với hai cái răng nanh nhọn hoắc trông rất xấu xí và dữ tợn của nó. Boyfriend cẩn thận lắm, chỉ đứng ở xa xa rình rập. Nó nằm chờ sẵn bên hông nhà, hễ nghe tiếng Nora kêu nho nhỏ đòi ăn, và tiếng mở nắp hộp thức ăn thì nó mon men đến gần cái tô để thức ăn. Chỉ sau khi tôi quay vào nhà, cửa đóng rồi nó mới đến ăn. Nó vừa ăn vừa ngó dáo dác, chuẩn bị chạy.

Có một buổi chiều nắng ấm, Nora nằm ở một góc sân, Boyfriend nằm ở một góc khác. Xem bộ tướng, nó có vẻ quen thuộc và thoải mái với sân nhà tôi. Cả hai chẳng buồn nhìn nhau. Ngay cả khi tôi cho Boyfriend ăn, Nora cũng chỉ nhìn thờ ơ. Có lần tôi cho thức ăn vào chén của Boyfriend, Nora mon men đến gần, tôi để ngón tay ngang miệng chén và nói. “No. Con!” Nora thong thả đi chỗ khác. Riết rồi, tôi nghĩ nó có thể hiểu được hai thứ tiếng. Tôi có cái tật nói lộn xà ngầu, nghĩ một đàng nói một nẻo, thỉnh thoảng nói tiếng Việt với người Mỹ, và nói tiếng Mỹ với người Việt. Chắc Nora nghe mãi nên quen.

Những ngày sau đó thỉnh thoảng tôi lại vào phòng của Cá Linh, với hy vọng nhìn thấy Nora đã về và nằm chờ sẵn. Chỗ nằm của nó vẫn còn dính đầy vết lông. Ttrước đó tôi cằn nhằn con tôi, “không khéo lông mèo bám đầy phổi thì chết!” Có lẽ nào Nora đi tìm cô chủ của nó? Từ đây đến Baltimore lái xe nhanh thì cũng bốn tiếng đồng hồ. Một con mèo đánh hơi đi tìm chủ sẽ mất bao nhiêu ngày? Bao nhiêu tuần? Qua bao nhiêu rừng, bao nhiêu cầu, bao nhiêu xa lộ, bao nhiêu chướng ngại gian truân? Nora không phải là con mèo khôn ngoan xuất chúng nên tôi không tin nó đi tìm Cá Linh. Tôi định gọi điện thoại hỏi con tôi có thấy con mèo không nhưng hỏi thì nó sẽ biết con mèo mất tích. Tôi chưa muốn nói cho Cá Linh biết chuyện này.

Tôi sang nhà hàng xóm hỏi có ai nhìn thấy con mèo Nora của tôi không. Ở đây không ai bắt trộm mèo để ăn thịt. Những loại mèo hiếm quí có thể bị bắt trộm đem bán, nhưng Nora chỉ là con mèo tam thể bình thường chẳng ai trộm làm gì. Và hàng xóm tôi chẳng ai có vẻ dữ tợn hành hạ thú vật để có thể bắt giết con mèo rồi ném xác.

Tôi sang nhà vợ chồng Patti và John hỏi có nhìn thấy Nora không? Nhà này có nuôi một con chó màu nâu đặt tên là Hershey, cùng tên với một loại kẹo chocolat nổi tiếng. Patti nói: “Chẳng nhớ chính xác hôm nào, nhưng tôi thấy Nora nắm đuôi con mèo hoang loại tuxedo, băng qua đường Mountain Parkway để ra đường 22.”

Giữa Nora và Boyfriend dường như không có tình ý mặn mà gì cho lắm, thế mà…! Tôi tự hỏi những lúc hai đứa nằm quay lưng lại với nhau trên cái sân sau nhà tôi, chúng đã thầm thì gì với nhau mà cùng một lúc cả hai biến mất.

 

* * *

 

Suốt mấy ngày qua Lãng Tử và Tiểu Thư không có một bữa ăn đủ no. Đang mùa mưa nước uống tìm không khó mấy. Một vũng nước bằng bàn tay cũng đủ cho cả hai đỡ khát. Ngày đi đêm nghỉ, ồ không, nói nhầm rồi, ngày nghỉ đêm đi, băng rừng lướt bụi, len lỏi trong phố mạo hiểm băng qua xa lộ, hai con mèo không tìm được thức ăn. Mưa làm trôi tất cả mùi hương cũ nên cả hai không còn ngửi ra phương hướng nữa. Bây giờ muốn đi tới thì không biết đi đâu, muốn quay trở lại đường về cũng mất… mùi.

Lúc băng rừng, Tiểu Thư bắt được con rắn lớn hơn chiếc đũa, da vàng. Nàng vật chết con rắn và chia đôi với Lãng Tử. Sau đó Tiểu Thư bắt ốc sên, mối, dế, cào cào ăn đỡ đói. Loại thức ăn này, khi còn ở nhà Tiểu Thư có bắt thì chỉ để vờn chơi, chơi chán rồi bỏ chứ không ăn. Thậm chí cả chim và chipmunk cũng không ăn. Tiểu Thư bắt được, đem khoe tài săn thú với chủ, vờn chơi với mấy con mồi cho đến chết. Bây giờ trên đường rong ruổi, đói quá, Tiểu Thư muốn ở lại trong rừng để bắt chim nhưng Lãng Tử không chịu. Thậm chí, Lãng Tử cũng không chường mặt ra lúc ban ngày, chỉ dám đi ban đêm.

– Ban ngày, không đi đường xa thì cũng phải quanh quẩn gần phố gần nhà người ta để kiếm cái gì bỏ bụng chứ. Núp trong bóng mát hoài làm sao có thức ăn? Mình có làm gì phạm pháp luật đâu mà trốn chui chốn nhủi thế này! Tiểu Thư cằn nhằn Lãng Tử.

Nghe là biết nàng quạu lắm rồi, vì nàng nói trống không, không chịu xưng tên hay xưng em. Người ta bảo dạy vợ từ lúc ban sơ mới về. Nhưng Tiểu Thư chưa là vợ, cũng không hẵn là người tình, hai đứa cùng nhau trốn đi giang hồ thôi.

– Đi lạng quạng ra đường, loài người thấy mèo hoang như chúng mình nguy hiểm lắm. Loài người, không phải ai cũng dễ dạy dễ thương như chủ của em. Đám người này, họ có thể tạt nước sôi vào người mình. Thậm chí bắt mình để ăn thịt nữa.

– Dóc tổ hoài! Ở đây ai mà ăn thịt mèo? Cũng chẳng ai đánh đuổi mình làm gì. Mình có làm gì họ đâu. Thôi đi kiếm cái gì ăn đi.

Lãng Tử nhảy vào một cái thùng rác nhỏ, bươi tứ tung chập sau nhảy ra mang theo một gói nhỏ bằng giấy. Chàng mọp người ăn ngấu nghiến, vừa ăn vừa ngó dáo dác chuẩn bị tha thức ăn bỏ chạy nếu có người xuất hiện. Trông chàng giống hệt như lúc đầu mới đến nhà Tiểu Thư làm quen. Thỉnh thoảng chàng ngẩng đầu lên nhìn, nhe răng nanh gầm gừ, và liên tục liếm mép. Tuy thế chàng chẳng mời Tiểu Thư cùng ăn. Tiểu Thư tức giận. Khi nàng bắt được con rắn, dù đang rất đói, nàng có thể ăn một lúc cả hai con rắn nhỏ như thế, nhưng nàng vẫn chia đôi thức ăn với chàng. Còn Lãng Tử, vốn quen tật bao nhiêu năm là mèo hoang, thường xuyên đói khát, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nhường. Miếng ăn là chuyện cá nhân. Hễ chàng tìm được thức ăn là chàng bảo vệ thức ăn đến cùng.

Tiểu Thư, vén đuôi thật gọn, ngồi bên cạnh buồn bã.

– Người gì mà tham ăn và vô tình.

– Hử? Hử? Cưng nói gì? Thì cưng phải nhảy vào trong thùng rác mà tìm thức ăn. Anh vừa mới ăn một cái hot dog có cả ketchup nữa. Ngon tuyệt vời.

– Không. Em không ăn được thức ăn trong thùng rác. Từ nhỏ đến giờ em chưa bao giờ tìm món ăn một cách hèn hạ như thế. Em chỉ ăn thức ăn dành riêng cho mèo, thỉnh thoảng em được ăn sữa chua, sốt cà, cá tuna khui từ trong hộp, có khi được ăn cả tôm luộc đã bóc vỏ sạch sẽ nữa chứ. Em nghe lời dụ dỗ đi theo chàng nên khổ như thế này. Em tưởng anh sẽ bảo bọc nuôi nấng em khi em hầu hạ phục vụ anh.

– Đừng có mè nheo lắm chuyện! Lãng Tử gắt gỏng. Trong cuộc đời mèo hoang, làm gì có chuyện được (một con mèo khác) nuôi nấng bảo bọc. Muốn được bảo bọc thì phải chịu mất tự do sống trong sự kiểm soát của loài người. Còn với mèo hoang thì mạnh ai nấy kiếm sống. Nếu giỏi thì phải dạy loài người biết cách nuôi nấng mình. Ở đây nam nữ bình đẳng mà cưng!

– Thôi anh đưa em về với chủ của em. Họ tử tế với em, nâng niu nuông chìu em. Anh dụ em theo anh rồi bỏ đói em. Làm sao mà em nhảy vào thùng rác cho được. Mà nhảy vào được thì chưa chắc đã nhảy ra được. Anh xem em đầy đặn bệ vệ như thế này. Tiểu Thư khóc rưng rức.

– Nói vậy mà nói được! Ai dụ em hồi nào? Chính em mới là người rủ anh bỏ trốn, em quên rồi sao? Chứ anh thì muốn ở lại nhà em. Bà chủ của em rất ngoan. Anh huấn luyện bà, nên cứ đến giờ cho Tiểu Thư ăn là bà cũng cho anh ăn. Thật ra bà cho anh ăn gấp đôi phần ăn của em. Bà cho em ăn ít vì bà sợ em béo phì. Còn anh thì gầy gò như thế này nên bà cho ăn nhiều để vỗ béo. Giá mà đừng nghe lời em xúi dại, thì đâu đến độ bị đói như thế này.

– Thì tại anh khoe anh đi khắp năm châu bốn biển, biết nhiều chuyện hay chuyện lạ, thế giới nằm trong lòng bàn tay anh. Anh chê thế giới của em nghèo nàn, nhỏ hẹp, tù túng, tủn mủn toàn chuyện vợ chồng con cái yêu ghét của con người. Anh làm em thèm sống cái thế giới rộng lớn giàu có của anh nên mới rủ anh trốn đi.

– Thôi, nếu em không chịu lục thức ăn trong thùng rác thì anh sẽ đưa em đến chỗ này. Em có thể bắt chuột được không?

– Chuột nhỏ cỡ con chipmunk thì được. Còn chuột cống to bằng cái đùi của loài người thì chúng sẽ nuốt em mất.

– Bây giờ thì em nắm đuôi anh, đi trong im lặng, không được khóc. Anh ghét nhất là nước mắt đàn bà.

Tiểu Thư và Lãng Tử chui vào một lỗ dưới chân tường, rơi vào một hầm tối. Nhờ đôi mắt mèo và có bóng đèn nhỏ trên tường nên chúng nhìn thấy lối đi.

– Đây là đâu vậy?

– Hầm của một nhà hàng Tàu không mấy đắt khách. Hễ vào nhà hàng Tàu thì chắc chắn là có chuột.

– Nếu một trong hai bắt được chuột thì chia nhau nhé? Tiểu thư muốn có một hợp đồng với Lãng Tử, dù chỉ là hợp đồng bằng lời.

– Không, em bắt chuột em ăn. Anh không ăn chuột. Ai mà vào nhà hàng để ăn chuột chứ? Lãng Tử gạt phắt đi.

Không ăn chuột thì ăn gì? Tiểu Thư thắc mắc nhưng không muốn hỏi e cãi vã thêm. Từ khi trốn đi với nhau, Lãng Tử ngày càng nạt nộ nàng nhiều hơn. Lãng Tử nghĩ thầm, mấy con mèo được chủ nuôi cho ăn đến béo phì thật là khờ khạo. Nhà hàng Tàu thường có cá chiên, vịt quay theo kiểu Tứ Xuyên, tệ lắm thì cũng có xá xíu, “General Tso chicken”. Hễ đầu bếp ngó lơ thì mình ngoạm miếng cá miếng thịt chạy đi. Đúng là trộm thức ăn không dễ gì, nhưng không phải là không làm được. Nhiều khi, ăn trộm dễ hơn tự mình đi bắt chuột.

– Em ngồi ở đây, góc này, núp sau mấy bao gạo, dễ nhin thấy chuột và loài người khó nhìn thấy em.

Đói meo và lạnh, Tiểu Thư im lặng nghe ngóng. Tiệm đã vắng khách, chỉ còn lại hai cô gái hầu bàn và hai người rửa chén. Tiểu Thư nghe giọng nói hách dịch của một người dường như là ông chủ:

– Cô xuống hầm lựa bao gạo thơm mang lên đây để chuẩn bị cho ngày mai.  Xuống cầu thang rẽ bên tay trái, mấy bao gạo thơm được chất ở tận trong cùng của lối đi.

Có một giọng nói khác đàn ông. Giọng người Việt.

– Ở dưới tối lắm, góc đó không có đèn, cô cần có cây đèn pin mới thấy đường. Cô chờ một chút tôi tìm đèn.

Ông chủ gằn giọng:

– Rửa chén cho xong đi để tôi còn đóng cửa. Việc của mình chưa xong mà lại đi lo việc của người. Cô đi ngay cho tôi.

Người đàn ông rửa bát quay sang nói nhỏ với một người nào đó.

– Cô bé này ở Việt Nam mới sang, còn khờ lắm. Có lẽ cha mẹ không khá lắm nên cô xin chân hầu bàn kiếm thêm tiền đi học. Thằng chủ Tàu này lúc trước mướn mấy cô gái Tàu không có giấy tờ hợp pháp, cô nào thằng chả cũng làm thịt hết. Mấy cô gái kia không dám thưa kiện…

– Mình tìm cách nào giúp cổ đi, tội nghiệp. Cũng là người Việt với nhau.

– Thẳng chả đuổi mình làm sao? Cậu còn trai tráng độc thân không sao chứ tui vợ đùm con đề, lại không biết tiếng Anh tiếng U, tui mất việc là gia đình tui xính vính.

- Anh sao nhát thế. Mất việc này thì tìm việc khác. “Chốp” rửa chén thì ở đâu mà chẳng có. Mình không giúp con bé này thì không đáng mặt đàn ông. Mình chỉ cần đi xuống dưới giả bộ rượt mấy con mèo hoang hay phụ cổ khiêng bao gạo. Mình nói lớn đánh động để thằng chả không tiện làm chuyện tồi bại.

Cô gái đi xuống hầm, cố tìm bao gạo trong bóng tối. Lối đi rất hẹp, chỉ vừa cho một người đi, xoay trở không dễ dàng. Tiểu Thư lùi vào trong hốc, thu người nhỏ lại. Trong bóng tối Tiểu Thư nhìn thấy dễ dàng, nhưng cô gái mới từ ngoài sáng vào nên mắt chưa điều tiết kịp. Cây đèn bấm nhỏ xíu, gần hết pin lóe ánh sáng vàng vọt. Suýt tí nữa cô soi trúng Tiểu Thư.

Gã đàn ông ở ngay phía sau cô gái. Hắn đè cô gái lên mấy bao gạo chất chồng. Tay trái hắn chặn cổ, khuỷu tay gối lên mái tóc cô gái làm cô đau đớn kêu lên. Gã cao lớn, bề ngang gấp đôi cô gái và cao hơn cô một cái đầu. Cô gái vóc dáng nhỏ nhắn, rất trẻ, chừng mười sáu. Tay phải hắn giật mạnh đứt tung cúc quần vải mềm. Cô phải mặc quần vải mềm và áo khoác khi hầu bàn. Dây kéo tụt xuống, cái quần rơi xuống đến mắc cá chân. Cô gái không kịp kêu la, chân hắn đã chèn vào giữa hai chân cô gái. Đã chuẩn bị trước, hắn chỉ mặc có cái quần đùi boxer. Đầu gối hắn ghìm thúc vào bụng cô gái. Cô khóc nức nở, hai tay cố níu kéo cái quần lên như sợ mình lõa lồ thay vì chống cự tên chủ. Tiểu Thư gào lên: “Đấm vào trái Adam của hắn, móc mắt hắn, chứ kéo quần làm gì.” Tiếng gào của nàng thoát ra khỏi mõm chỉ là tiếng meao lẻ loi. Tiểu Thư vốn không biết kêu thành tiếng lớn. Bà chủ vẫn thường cười nhạo nàng là con mèo độc nhất không biết kêu lớn tiếng. Gã chủ thò tay vào cửa quần boxer, móc dương vật, cố bẹt chân cô để nhét dương vật của hắn vào cửa mình cô. Tiếng khóc của cô gái, tiếng vật huỳnh huỵch của tên chủ, làm Tiểu Thư hoảng sợ. Tiểu Thư tìm đường chạy trốn. Nàng nhảy lên càng lên bao gạo, lên đầu gã đàn ông, bị trượt, nàng níu lại. Móng vuốt của Tiểu Thư cào lên đỉnh đầu sói sọi của hắn, rồi cào lên cổ, và lên vai hắn. Trong cơn đau đớn, hắn thét lên, nắm lấy Tiểu Thư ném ra xa. Tiểu Thư vói tay chụp nhằm mũi và mắt hắn trước khi rơi xuống đất. Hắn loạng choạng ngã người xuống đất.

Cô gái thừa dịp, nhảy lên trên người hắn bỏ chạy. Hai người đàn ông nhân viên rửa chén, chạy xuống. Họ hy vọng gã chủ thấy có người sẽ buông tha cô gái. Nhưng gã chủ xem hai người nhân viên rửa chén như “nơ pa.” Hắn chẳng sợ gì mà đuổi luôn một lúc cả ba người sau khi hiếp dâm cô gái. Một trong hai người nhân viên rửa chén trông thấy Lãng Tử đang rình trong bếp chờ ăn cắp cái đầu vịt quay, nên chộp cổ Lãng Tử. Người kia chạy xuống hầm khi đến gần gã chủ nhân đang ôm mặt kêu rên, nhìn thấy Tiểu Thư đang tìm cách chạy ra khỏi hầm, anh ta nắm cổ Tiểu Thư. Sau đó cả hai người ném hai con mèo ra ngoài cửa. Hai người nhân viên rửa chén trở vào đỡ ông chủ dậy mồm liên tục chửi rủa hai con mèo chết toi chết tiệt. Mặt gã chủ đẫm máu, cả hai gọi xe cứu thương. Không khéo móng mèo làm trầy tròng mắt thì gã chủ nhân dám bị mù lắm à.

 

* * *

 

Bị ném ra khỏi hầm gạo, Tiểu Thư và Lãng Tử chạy thục mạng. Bụng cả hai vẫn còn đang đói meo. Cố gắng để không lạc nhau, tuy đói và đau, cả hai mừng là mình vẫn còn sống. Trời về khuya dày đặc sương mù. Những giọt sương li ti, bắt đầu thấm ướt lông của hai đứa. Nép mình dưới một bụi cây thấp và rậm rạp sương đọng thành giọt chảy xuống đầu. Đói, lạnh, và khốn khổ. Lãng Tử nhích lại gần Tiểu Thư tìm hơi ấm. Tiểu Thư, bản tính thiếu nữ, bắt đầu rửa mặt, rửa tay, liếm bộ lông, liếm chỗ chân, bị gã rửa chén nắm chặt lúc nãy, cho bớt đau. Thấy Lãng Tử gạ gẫm dựa vào người, Tiểu Thư gầm gừ:

– Không được lộn xộn nghen.

Lãng Tử nhỏ nhẹ:

– Dựa vào nhau cho ấm thôi. Anh chẳng làm gì đâu.

– Anh hay leo lưng em bắt em cõng em không thích.

Lãng Tử thầm nghĩ, con mèo này kỳ cục. Mình theo đuổi cô ả đã lâu mà thấy cô ả hình như không biết thèm phái nam. Thật là ngược thiên nhiên. Bụng Lãng Tử cồn cào. Chợt, cả hai cùng nhổm dậy. Trong gió thoảng mùi thức ăn. Mùi thịt bò, mùi cá hồi, có cả mùi thịt gà nữa chứ.

Trước mặt hai đứa là một cái hồ mông mênh. Bên kia hồ là một ngôi nhà to, vẫn còn thấp thoáng ánh đèn mờ mờ trong sương. Không có cách nào khác hơn là chạy vòng theo bờ hồ để đến ngôi nhà. Cả hai chạy thật nhanh và thật lâu, thấy đỡ lạnh nhưng không đỡ đói. Cái đói nhân lên gấp đôi gấp ba lần sau khi chúng ngửi thấy mùi thức ăn. Tưởng tượng tìm thấy thức ăn trong ngôi nhà làm cả hai phấn chấn tinh thần. Băng qua một nghĩa địa nhỏ chừng hơn chục ngôi mộ, cả hai nấp sau những bia mộ dò xét trước khi tìm cách vào ngôi nhà. Đây là nghĩa địa của những người Do Thái đến lập nghiệp ở vùng này, bây giờ mấy ngôi mộ hoang tàn này được xem là di tích lịch sử. Ngôi nhà cả hai nhìn thấy từ bên kia bờ hồ thật ra là một nhà hàng Ý có tiếng trong vùng. Nhà hàng không mở cửa nhiều giờ, hoạt động kín đáo trong vùng khá hoang vắng nhưng nổi tiếng nhờ di tích lịch sử và phong cảnh đẹp. Nhà hàng vốn là cottage nghỉ hè của một đại gia nổi tiếng ở New York được tân trang để hoạt động như một nhà hàng nhưng vẫn giữ nhiều chi tiết cấu trúc nội thất của một biệt thự cổ xưa ở vùng thôn dã. Nhà hàng không có nhiều khách hàng địa phương, chủ yếu là phục vụ khách hàng giàu có từ vùng xa cần chỗ tổ chức lễ sinh nhật, dạ tiệc hay đám cưới, thường thường chỉ mở cửa từ thứ Sáu đến Chủ Nhật. Đêm đã khuya, có lẽ đã quá giờ đóng cửa, nhưng chẳng hiểu sao vẫn còn đèn sáng. Tiểu Thư và Lãng Tử rón rén đến gần, và đi chung quanh ngôi nhà hàng tìm lối vào. Cửa hầm, nơi giao và nhận hàng hóa, mở toang. Giờ này, chẳng còn ai dám bén mảng đến những nơi vắng vẻ như thế này, nhất là bên cạnh nghĩa địa. Mùi thức ăn càng lúc càng rõ dần, vật vờ bay ra từ cửa hầm.

Tiểu Thư và Lãng Tử nhẹ nhàng len theo bậc đá chung quanh cửa hầm và đi vào bóng tối. Từ dưới chân cầu thang nhìn lên, Tiểu Thư nhìn thấy bức tường màu ngà đầy ánh sáng. Bóng người đàn ông hắt trên nền tường như một khúc phim. Người đàn ông mở két tiền, hốt hết tiền cho vào túi. Bất thình lình có một bóng người khác, thấp hơn, mập hơn xuất hiện trên nền tường. Hai bên nói chuyện với nhau, giọng người cao lớn giận dữ quát tháo. Giọng người thấp mập có vẻ phân bua. Nghe toàn những chữ sí sí no no soldi, rubare, uccidere. Tiểu Thư thầm thì hỏi Lãng Tử.

– Họ nói gì thế?

– Em biết nhiều ngôn ngữ lắm mà không hiểu sao?

– Em chỉ biết tiếng Anh và tiếng Việt. Anh đi nhiều nơi mà không biết tiếng này sao?

– Họ nói tiếng gì giống như tiếng Ý. Anh chỉ nghe được chữ yes, no, tiền, ăn cắp, giết.

– Còn thức ăn thì ở đâu?

– Có lẽ còn thừa trên những đĩa thức ăn mà họ chưa dọn rửa.

– Họ làm gì kệ họ, mình kiếm cái gì bỏ bụng đi rồi tính.

– Phải cẩn thận kẻo họ thấy mình thì chết với họ.

Cả hai rón rén lên cầu thang, mắt vẫn dán vào bóng hai người đàn ông in trên tường. Ở trên đầu cầu thang, Tiểu Thư và Lãng Tử thấy một người đàn ông cao lớn cầm khẩu súng nhỏ trên tay. Đây là một người da trắng tuổi trạc năm mươi, ăn mặc đĩnh đạc với bộ com-lê đen, giày đen, áo sơ mi trắng có thắt nơ đen. Tiểu Thư nghĩ người này ăn mặc trông giống Lãng Tử quá. Một trong những điểm làm Tiểu Thư tin cậy Lãng Tử, đủ để trốn nhà đi giang hồ với hắn, là cách ăn mặc của hắn. Người kia là một người da sậm, giống như người Mễ, ăn mặc khá tồi tàn, quần jean áo polo màu xám đã cũ, giày sneaker có thủng lỗ bên cạnh, vẻ mặt hiền lành nhưng đầy nét sợ hãi, hai tay giơ đến vai, và mắt lấm lét nhìn khẩu súng. Nhìn thấy Tiểu Thư, người da trắng đá một cái rất mạnh, Tiểu Thư văng ra ngoài cửa hầm nằm bất động. Lãng Tử nhanh chân nhảy vụt lên bàn rồi lên trên thanh kèo nhà, gần chỗ cái máy đen treo lơ lửng từ trên trần nhà. Người da trắng rót rượu đưa cho người da sậm, nói cái gì đó, ra hiệu uống đi. Người da sậm sợ hãi vâng lời uống hết ly rượu. Rót tiếp. Uống tiếp. Sau khi bị bắt uống cả chục ly rượu người da sậm trở nên loạng choạng. Người da trắng bảo anh ta cởi hết quần áo ra. Xong, hắn hất họng súng ra hiệu người da sậm đi ra cửa sau. Lãng Tử loay hoay xà nhà, cạnh cái máy thâu hình tự động, vô tình bật máy và ống kính máy quay theo hướng hai người đàn ông, một cao một thấp, một người da trắng và một người da sậm, một chĩa súng một giơ hai tay lên ngang vai, đi ra hướng cửa hầm. Máy bật đèn đỏ nhấp nháy. Lãng Tử từ xà nhà nhảy xuống chạy vào bếp hướng theo mùi thức ăn.

Ngoài sân, Tiểu Thư hồi tỉnh, bò lết nấp vào bụi hoa bên góc tường. Người da trắng ra dấu bắt người da sậm đi xuống dưới hồ nằm sau rặng liễu rũ đong đưa. Nước lên đến bụng người da sậm, đến ngực, rồi đến cổ. Người da sậm liểng xiểng và lè nhè cái gì đó không rõ, rồi ngã chìm xuống nước. Rất lâu, hắn ta không xuất hiện. Người da trắng quay trở vào ôm quần áo người da sậm ném vào trong hồ nước.

Hắn ta lái xe đi, không để ý đến hai con mèo. Và cái máy quay hình vẫn còn nhấp nháy cháy đèn.

Lãng Tử xuất hiện, mang theo một miếng xương gà vẫn còn dính thịt. Tiểu Thư vẫn nằm im không nhúc nhích.

 

(còn tiếp)

 

Nguyễn Thị Hải Hà

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html

 

© gio-o.com 2015