đọc
trong mùa Tết
photo: Hoàng Huy Mạnh
NGUYỄN THỊ HẢI HÀ
VƯỜN ĐÁ CỦA CHÙA RYOAN-JI
tản mạn
Khoảng thời gian vườn đá Ryoan-ji xuất hiện trong phim Late Spring (Xuân Muộn) của đạo diễn Yasujiro Ozu không dài. Chỉ vài khung ảnh, trong đó hai ông bố, Somiya Sukichi và Onodera Jo ngồi nói chuyện gả con đi lấy chồng. Sukichi nói, đại ý, có con gái thì phải lo chuyện hôn nhân cho con, thúc hối nó đi lấy chồng; Nhưng mà nó đi lấy chồng thì mình lại có cảm giác bị mất mát, phụ bạc. Cái kiểu than thở của ông bố người Nhật cũng giống như bố mẹ Việt than thở con gái là con người ta, con dâu mới là con mình. Mình nuôi con cho đến khi khôn lớn để con đi lấy chồng hầu hạ săn sóc người khác. Khán giả, qua đôi mắt của hai ông bố đang ngồi, nhìn ra vườn, từ cụm đá này sang cụm đá khác. Mấy cụm đá nằm chơ vơ giữa bãi sỏi như mấy hòn đảo trên mặt biển. Ông Jo nói như để xoa dịu tâm tình ông bạn già. Thì chúng mình đã chẳng cưới con gái của người ta về nhà mình đó sao. Sukichi cười nhẹ nhàng, rồi lại nhìn ra mấy cụm đá giữa vườn. Trong đoạn phim này, vườn đá Ryoan-ji xuất hiện nhiều hơn hai diễn viên. Vườn đá Ryoan-ji nổi tiếng từ bao giờ mà đạo diễn Yasujiro Ozu mang nó vào phim? Phim nổi tiếng nhờ vườn đá hay vườn đá nổi tiếng nhờ phim?
Tôi dùng chữ “vườn đá” để dịch chữ stone garden hay rock garden thường gặp trong các sách tiếng Anh. Người Mỹ không phân biệt rõ ràng cách dùng chữ rock và chữ stone. Người Nhật gọi vườn đá là karesansui có nghĩa là dry landscape, vườn khô, không nước. Vườn đá được cấu tạo toàn bằng những tảng đá và hòn đá giữa bãi sỏi với một ít rêu viền chung quanh đá. Đá được dùng làm biểu tượng thay thế núi, đảo, hay cầu. Một chuỗi nhiều hòn đá có chiều cao thấp khác nhau là biểu tượng của thác. Sỏi và cát được dùng để thay thế giòng sông, suối, biển.
Phim Late Spring ra đời năm 1949. Không biết người Tây phương chú ý đến vườn đá trong chùa Ryoan-ji từ lúc nào, nhưng vào thập niên 1950 có một người tên Bean Porter (nhà văn, bác sĩ, kiêm họa sĩ) đã khen ngợi vườn đá Ryoan-ji như “một bài thơ đẹp đẽ, bức điêu khắc đơn giản, bài luận triết sâu sắc, bức tranh tuyệt vời, và kiến trúc hùng vĩ.” Lời khen có vẻ quá đáng không khỏi khiến tôi tự hỏi, tại sao vườn đá Ryoan-ji nổi tiếng ở phương Tây? Khá nhiều sách vở ở phương Tây gọi vườn đá là vườn Thiền. Tại sao? Và trước nhất, Thiền là gì?
Thiền là gì?
Nhiều người bảo rằng không thể định nghĩa chữ Thiền. Rằng như một người bị trói đứng bên bờ vực thẳm, môi ngậm sợi dây leo để giữ thăng bằng. Có người đi ngang nhưng người ngậm sợi dây không thể há miệng để kêu cứu. Trả lời hay giải thích chữ Thiền được so sánh với hành động há miệng của người ngậm sợi dây bên bờ vực thẳm. Có người lại cho rằng Thiền không thể giải thích bằng lời, chỉ có thực hành Thiền thì mới tìm ra ý nghĩa của Thiền. Nghe vậy, nhưng tôi vẫn mạo muội đi tìm một khái niệm đơn giản về chữ Thiền, làm điểm bắt đầu trong cuộc đi tìm giải đáp cho những thắc mắc cá nhân về vườn đá nói chung và vườn Thiền Ryoan-ji nói riêng.
Chữ Thiền có nguồn gốc từ tiếng Phạn dhyana, vào Trung quốc biến thành chữ ch’an sau đó vào Nhật trở thành zen[1] dịch ra tiếng Việt là thiền. François Berthier, trong quyển “Reading Zen in the Rocks” bảo rằng: “Zen không phải là một tôn giáo.” Thiền là một nhánh của Phật Giáo chịu ảnh hưởng của Lão giáo. Thiền cũng không phải là Triết học vì nó không giống triết học của người Hy Lạp, hay người Đức. Thiền là một cách suy nghĩ, và là một cách sống.[2]
Như thế, đối với một người đọc bình thường, đọc để hiểu biết tổng quát, không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và là người ngoại đạo, liệu Thiền có thể được xem là một tôn giáo của người sống theo lối Thiền? Người theo đạo Do Thái bảo rằng đạo Do Thái không chỉ là tôn giáo mà là một cách sống của họ. Nếu như chi nhánh của một con sông cũng là một con sông, thì chi nhánh của một tôn giáo cũng là một tôn giáo? Nếu Phật Giáo và Lão Giáo nằm trong bộ môn triết lý Đông phương thì Thiền, chi nhánh của Phật Giáo pha trộn tư tưởng Lão Giáo có thể được gồm chung vào triết lý Đông phương không?
Tu thiền thì làm gì?
Nhiều người quan niệm muốn hiểu Thiền là gì cách tốt nhất là tu Thiền. Thiền giả quan niệm rằng trong mỗi người đều có tính Phật bị che khuất. Tìm ra tính Phật trong con người là hướng đến mức giác ngộ. Tu Thiền có ba cách: giải công án Thiền, ngồi Thiền để tĩnh tâm suy nghĩ, và hành Thiền bằng cách làm việc lao động tay chân. Cả ba phương pháp này đều giúp thiền sinh hướng đến giác ngộ.
Tại sao gọi vườn đá là vườn thiền?
Chữ vườn dùng trong bài này có nghĩa khá hẹp; tôi phân vân giữa chữ vườn đá và vườn khô, không biết có chữ nào thích hợp hơn. Người Mỹ dùng chữ garden để chỉ những khu vườn trồng rau cải hay hoa của cá nhân tương đương với chữ vườn của người Việt. Chữ garden cũng dùng để chỉ những công viên hoặc tư viên rộng lớn hơn, có hoa và cả nhiều loại thảo mộc hiếm quí, như Longwood Garden ở Philadelphia hay New York Botanical Garden của thành phố New York. Người Việt thường dùng chữ công viên để chỉ những khu vườn rộng lớn, thí dụ như Tao Đàn. Đa số, các vườn/garden thuộc về chùa (temple) hay đền thờ (shrine) của Nhật Bản tương đương với Longwood Garden hay New York Botanical Garden của New York ở mức độ rộng lớn và nhiều thể loại. Vườn đá, kare-sansui, dry landscape, như Ryoan-ji không giống định nghĩa chữ vườn và công viên của người Việt. Cũng xin nói thêm rằng, chùa Ryoan-ji có một khu vườn bình thường khá rộng lớn bao gồm nhiều loại cây lá, hồ ao, và cầu.
Bên cạnh khu vườn cây lá bình thường này, chiếm một góc nhỏ kín đáo nép mình sát bờ tường của chùa, là vườn đá Ryoan-ji, một khoảng sân hình chữ nhật, diện tích 248 mét vuông theo Wikipedia; hay 250 mét vuông (10mx25m) theo David và Michiko Young - The Art of Japanese Architecture; và 200 mét vuông theo François Berthier – Reading Zen in the Rocks. Vườn đá Ryoan-ji là một bãi sỏi, giữa có mười lăm hòn đá chia làm năm cụm: 5, 2, 3, 2,và 3, các hòn đá trong mỗi cụm có kích thước khác nhau.
Chúng ta quen với khái niệm vườn phải có cây lá, và hoa. Vườn của Hoàng Gia, gọi là thượng uyển, phải có đầy kỳ hoa dị thảo. Nhật Bản vào thời kỳ Heian (794-1185) ảnh hưởng văn hóa thời Đường Trung quốc, một công viên phải có hội đủ cây lá mang màu sắc cho cả bốn mùa. Trong vườn có nhiều thứ trang trí như chim và thú; hồ có cá nhiều màu sắc, có đảo nhân tạo, hòn non bộ, cầu, suối, thác và nhà thủy tạ để ngắm trăng. Sang thời kỳ Muromachi (1338-1573) quan niệm sống đơn giản của các Thiền sư ảnh hưởng khuynh hướng thẩm mỹ của người Nhật. Người tu bấy giờ loại bỏ cách sống xa hoa phù phiếm, và không đặt niềm tin vào các pho tượng hay kinh điển. Thiền sư Muso Soseki quan niệm xây dựng vườn chùa cũng là một cách tu Thiền. “Ai không tin vào việc xây vườn là người không biết gì về đạo” (Berthier, 3). Vườn được thiết lập trong thời kỳ này đa số thuộc loại kare-sansui, bao gồm đá, sỏi, và cát. Loại bỏ mọi thứ rườm rà, hào nhoáng, phô trương, dễ hư hỏng, mau phai tàn, càng đến gần với bản chất Phật tự nhiên của con người, càng dễ hướng đến mức đạt đạo. Các chùa ở Nhật trải qua nhiều cuộc nội chiến, nhiều lần bị cháy rụi, cây cỏ lá hoa cũng bị thiêu hủy theo chùa. Vườn đá tồn tại lâu dài chính nhờ sự vắng mặt của những thứ trang điểm rườm rà. Khi ngồi trước vườn đá, nhờ vắng bóng những thứ hào nhoáng mà người tu dễ tập trung tư tưởng hơn. Đây là một trong vài nguyên nhân người Tây phương gọi vườn đá là vườn Thiền. Một cách gọi mà sau này có người cho rằng không đúng. Thêm nữa, để được gọi là vườn Thiền, vườn phải nằm trong khuôn viên hay thuộc về chùa Thiền, và phải do một Thiền Sư đảm trách việc thiết kế và xây dựng. Mặc dù Ryoan-ji được nhiều học giả phương Tây gọi là vườn Thiền và nằm trong khu vực vườn Thiền nhưng vì không ai biết được chắc chắn tác giả của vườn nên trong phạm vi bài này tôi xin chỉ gọi là vườn đá, cũng để phân biệt với khu vườn đầy đủ thảo mộc hồ ao cũng có thể gọi là vườn Thiền.
Ai là tác giả của vườn đá Ryoan-ji
Ryoan-ji, có nghĩa là Long An Tự, là ngôi chùa Thiền thuộc phái Myoshin-ji, chi nhánh Rinzai. Được công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1994. Vườn đá Ryoan-ji ở trong khuôn viên của chùa Thiền (Zen Temple) Ryoan-ji. Người Việt mình thường hay dùng chữ cửa thiền, hay thiền môn cùng nghĩa với chùa Phật; nhưng ở Nhật, chùa Phật Giáo khác với chùa của Thiền Giáo. Ryoan-ji không phải là vườn đá đầu tiên do Thiền sư xây dựng. Theo Berthier, vườn Thiền đầu tiên là vườn đá chùa Saiho-ji, do Thiền sư Muso Soseki xây dựng vào những năm 1339 - 1344. Thiền sư Soseki là một trong những nhà thiết kế vườn Thiền nổi tiếng của Nhật Bản thời bấy giờ. Thoạt đầu ông theo học phái Shingon, nhưng vì thích sự đơn giản của Thiền ông xin vào học tu ở chùa Kenningji năm 1294, lúc ông 19 tuổi. Vườn Thiền đầu tiên do ông thiết kế vào năm 1312. Hai vườn Thiền nổi tiếng nhất là vườn Saiho-ji và Tenryuji. Muso Soseki được xem là cha đẻ của vườn Thiền. Công của ông trong việc xây dựng vườn Thiền rất to lớn.
Trong khi người ta có chứng cớ vườn đá chùa Saiho-ji và Tenryu-ji là do thiền sư Muso Soseki xây dựng; vườn đá Ryoan-ji không có tiểu sử rõ ràng. Không ai có thể khẳng định tác giả vườn đá Ryoan-ji. Chùa Ryoan-ji trước kia là một biệt thự để nghỉ mát ở thôn quê của phái Tokudaiji, Hosokawa Katsumoto mua lại năm 1450 và biến nó thành một chùa Thiền. Ông là Thủ tướng Nhật và thuộc dòng dõi hiệp sĩ samurai. Năm 1467 chùa bị cháy rụi trong cuộc chiến tranh Onin. Thời điểm chùa được xây lại không được các sử gia đồng ý với nhau. Người ta cho rằng vườn Thiền được tái lập vào những năm 1499 -1507, dưới sự bảo trợ của Hosokawa Masamoto (1466-1507), con của Katsumoto. Năm 1797 chùa bị cháy lần nữa, nhưng vườn đá không bị hư hại. Ryoan-ji có lẽ không phải do Thiền sư Soseki thiết kế bởi vì nó khác biệt với cách thiết kế của ông. Vườn Saiho-ji và Tenryu-ji rộng lớn và nằm giữa quang cảnh thiên nhiên. Trái lại, vườn đá Ryoan-ji, (thật ra tên là Hojo garden) nhỏ bé và nằm lọt thỏm ở mé vườn, nép vào vách tường như ẩn núp. Tương truyền, người ta chẳng ai để ý đến vườn đá Ryoan-ji vì vẻ thanh đạm của vườn. Cho đến khi vị shogun Toyotomi Hideyoshi (1536-1598) đến chùa để chiêm ngưỡng một cây đào rất to lớn ở bên cạnh vườn thiền thì người ta mới để ý đến chùa. Và mãi đến thế kỷ thứ 17 sau khi cây đào chết rồi người ta mới ca tụng vẻ đẹp của những hòn đá trên bãi sỏi của vườn đá Ryoan-ji.
Hosokawa Masamoto thuộc dòng dõi họa sĩ phục vụ dưới trướng của shogun Ashikaga. Vào thời ấy, nhiều họa sĩ kiêm công việc thiết kế vườn và vườn Thiền. Vì thế nếu Masamoto là tác giả của Ryoan-ji thì cũng hợp lý. Ngoài ra, có người cho rằng tác giả vườn Thiền Ryoan-ji là Tessen Soki, một nhà sư tu ở Ryoan-ji có tài thiết kế vườn. Ông là tác giả của một tài liệu về nghệ thuật làm vườn đá. Ông cũng nhiều lần bày tỏ khuynh hướng dùng vật liệu xây dựng đơn giản và nghệ thuật trừu tượng. Tuy nhiên ông về hưu năm 1477 và có lẽ năm 1499, năm mà các sử gia đồng ý với nhau vườn Ryoan-ji có thể được bắt đầu xây dựng, thì ông có lẽ đã qua đời.
Bên dưới một cụm đá, một hòn đá to và hai hòn đá nhỏ màu xanh, có ghi lại hai cái tên: Kotaro và Hikojiro. Đây có thể là tên của hai người giúp việc cho các Thiền sư xây dựng vườn Thiền Ryoan-ji, hoặc có thể cũng chính họ là hai nhà thiết kế vườn thiền tài hoa nhưng không được ghi nhận công lao. Ký tên dưới hai hòn đá là một hành động táo bạo và rất dễ bị phát hiện, mà người ta không bôi xóa cũng không trừng phạt hai người làm vườn này điều đó có thể giải thích rằng đây là một sự ngấm ngầm đồng ý và ghi công. Sở dĩ những người thợ làm vườn này không được công nhận công lao là bởi vì vào thời ấy, xã hội Nhật Bản rất phân chia giai cấp. Những người làm nghề đao phủ, đồ tể, chôn cất người, hay lao động tay chân đào đất vét mương, bị xem là giai cấp cùng đinh bẩn thỉu kawaramono. Họ không được phép làm việc ở những nơi sạch sẽ cao quí như hoàng cung, chùa chiền. Họ bị xem là bẩn thỉu đến độ các hiệp sĩ samurai cũng tránh không giết họ (sợ máu của họ vấy bẩn gươm). Các thiền sư cần những người kawaramono khuân vác đá từ bờ sông về chùa để xây dựng vườn Thiền nhờ làm việc dưới sự hướng dẫn của các thiền sư lâu ngày dần dần họ phát triển tài năng có thể thiết kế cũng như tự xây dựng. Họ được ghi nhận công lao bằng cách được cho phép ký tên vào phía dưới hai hòn đá để lưu danh một cách âm thầm.
Vườn đá Ryoan-ji có mang ý nghĩa gì không?
Một vị thiền sư tên Dogen Donei tu ở chùa Ryoan-ji đã thuật lại câu chuyện như sau: Đời Hán (206 BCE – 220 CE) có một vị quan tên là Liukun đã đánh đuổi tất cả loài cọp ra khỏi khu vực ông cai trị. Vườn đá Ryoan-ji minh họa một con cọp mẹ đưa đàn con vượt biển đi lánh nạn. Những cụm đá trong vườn Thiền Ryoan-ji có thể được xem như là các hòn đảo thần tiên, trôi lênh đênh trên biển, nơi các nhà ẩn sĩ sinh sống. Hoặc đây có thể là biểu tượng Ngũ Hành Sơn. Theo truyền thuyết của Trung quốc, Ngũ Hành Sơn là biểu tượng của trung tâm thế giới với bốn ngọn núi chắn ở bốn chân trời và tượng trưng cho Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.
Nhưng, vườn đá Ryoan-ji có cần phải mang một ý nghĩa nào đó hay không? Phải chăng các vị Thiền sư chỉ muốn sáng tạo vườn đá nói chung một tác phẩm nghệ thuật với vật liệu thô sơ, đường nét đơn giản, như cách sống của người tu Thiền. Vườn đá chỉ là một tác phẩm nghệ thuật trong không gian ba chiều, tương tự như installation art của thời hiện đại. Vì là một tác phẩm nghệ thuật nên sự giải thích ý nghĩa của vườn đá Ryoan-ji không là điều cần thiết. Có khi không biết gì về ý nghĩa của tác phẩm lại tốt hơn. Sự tối nghĩa của vườn đá Ryoan-ji càng làm tăng vẻ huyền bí và như thế hấp dẫn người xem hơn.
Công dụng vườn đá của chùa Thiền
Vườn đá của chùa Thiền được dùng để tu Thiền. Trong khung cảnh yên tĩnh và dáng dấp đơn giản của vườn đá, thiền sinh dễ tập trung tư tưởng giải công án thiền. Bản chất khó hiểu của vườn đá tự nó phải chăng cũng là một công án thiền. Người ngoại đạo đến nơi đây, sống chậm lại, nuôi dưỡng nội tâm, và thư giản. Vườn đá có thể không cần phải mang trọng trách gì cả mà chỉ là một tác phẩm installation art như bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật khác chúng ta thường gặp trong đời sống, trên đường phố, hay viện bảo tàng. Nói như vậy, nhưng tôi không chắc bạn có thể tìm được ở vườn đá Ryoan-ji sự tĩnh mịch cần thiết cho tâm hồn vì luôn luôn nơi đây rất đông du khách. Tôi đến nơi này vào đầu tháng 11 năm 2019, Kyoto vẫn còn rất ấm áp. Trong ánh nắng chói chang hắt lên từ bãi đá sỏi tôi tự hỏi nếu mình biến thành một con kiến bơi trong cái biển sỏi đá nóng bức kia, leo lên mười lăm cái núi đá để nhìn về quá khứ và tương lai, thì tôi trong hình thể con kiến sẽ ra sao? Và đâu rồi tiếng kêu chói chang của ve sầu có thể soi thủng những núi đá này?
Vườn đá xuất hiện nhiều trong văn chương và phim ảnh Nhật
Ai đó đã nói chúng ta chỉ nhìn thấy những gì chúng ta biết. Có lẽ đúng như vậy. Kể từ khi tôi biết về vườn đá, tôi nhìn thấy vườn đá nhiều hơn. Trong the Late Spring, Yasujiro Ozu đã cho hai ông giáo sư ngồi nói chuyện hôn nhân của con cái cạnh vườn đá chùa Ryoan-ji. Yasunari Kawabata đã cho hai nhân vật nữ đến viếng thăm vườn đá chùa Saiho-ji. Saiho-ji giới hạn số lượng du khách vào chùa để bảo vệ các loại rêu hiếm mọc trên đá. Lệ phí vào xem vườn rất cao, tương đương 30 US đồng mỗi người. Du khách phải làm đơn xin phép trước ít nhất là 7 ngày và phải đọc kinh trong chùa chừng nửa giờ trước khi xem chùa. Vườn đá chùa Saiho-ji bao gồm những tảng đá rất to, giống như những bậc thang dẫn du khách lên trên đỉnh trời, hay giống như một dòng thác nước chưa kịp chảy xuống. Tương truyền khi hoàn toàn im lặng, người ta nghe tiếng thác chảy sầm sập xuống từ đỉnh trời. Nghe thấy tiếng nước chảy ở một nơi không có nước đã khiến cho Ueno Otoko, nhân vật trong “Beauty and Sadness - Vẻ Đẹp và Nỗi Buồn” trở nên vô cùng sợ hãi phải bỏ dở chuyến tham quan chùa.
Tôi ngạc nhiên lẫn thú vị khi nhìn thấy vườn đá trong cảnh cuối phim “The Hidden Fortress – Đồn Canh Bí Mật” do Akira Kurosawa làm đạo diễn. Nếu bạn yêu thích đoạn múa đám cưới của loài chồn và múa dân tộc trong buổi đưa đám tang các vũ công mặc trang phục đầy màu sắc trong bộ phim “Kurosawa’s Dreams - Những Giấc Mơ của Kurosawa” bạn sẽ rất thú vị với cuộc múa trước đống lửa trong phim Đồn Canh Bí Mật. Cuốn phim này nói về nàng công chúa Yuki Akizuki, 16 tuổi bị thua trận và lạc vào địa phận của địch thủ. Đại tướng Makabe Rokurota có trách nhiệm hộ tống công chúa và mang 200 khối vàng, tài sản của hoàng gia, trở về vương quốc của dòng họ Akizuki. Rokurota dùng hai người kawaramono giúp khuân vàng. Vàng được dấu vào những thanh củi khô và nhân dịp quốc gia của địch có lễ hội đốt lửa họ trà trộn vào đám đông. Trải qua nhiều gian khổ đoàn người về đến cố xứ. Hai người kawaramono được thưởng một lạng vàng. Họ quì trong sân cúi lạy công chúa và vị đại tướng. Trước mặt công chúa và đại tướng, có nghĩa là phía sau hai người cùng đinh này là một vườn đá kare-sansui. Không biết vườn đá này thuộc về chùa Thiền nào, hay chỉ là một installation art của phim trường dựng lên để thu hút mắt nhìn của khán giả.
NGUYỄN THỊ HẢI HÀ
01/2020
[1] Watts, Alan. “The Way of Zen.” First Vintage Spiritual Classics Edition, Feb. 1999. p. 54
[2] Berthier, François. “Reading Zen in the Rocks.” Trans. Graham Parkes. The University of Chicago Press. p. 1