Nguyễn Thị Hải Hà

 

những bữa ăn trong trí nhớ

 

tản mạn

 

Chuyện ăn uống là chuyện quan trọng. Người mình có nhiều câu tục ngữ về bữa ăn. Thí dụ như: “ăn để sống không phải sống để ăn,” “Miếng giữa làng bằng sàng xó bếp,” và “miếng ăn là miếng tồi tàn.” Trí nhớ tôi quay về thời thơ ấu, có bài học thuộc lòng. Và đúng nghĩa với chữ thuộc lòng, tôi thuộc mãi từ lúc học cho đến bây giờ, có lẽ ngót nghét cũng phải gần sáu mươi năm.

Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần
Xa xa con đã đến gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon nhà khó cũng ngon
Khi vui câu chuyện thêm dòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.

(Không nhớ tên tác giả)

 

Tủ lạnh nhà tác giả ngày 18 tháng Tư năm 2020, giữa đại dịch Covid-19

 

Nếu không có đại dịch Covid-19 chẳng mấy khi tủ lạnh nhà ở Hoa Kỳ trống trơn như thế này. Đa số các gia đình quen biết với tôi đều có hai tủ lạnh, hoặc một tủ lạnh và thêm một tủ đông đá (freezer) để chứa thịt.  Có nhà có ba tủ lạnh và tủ nào cũng đầy kín thức ăn.  Nhà tôi thì chỉ có một tủ lạnh thôi.  Tuân theo lệnh cấm túc của tiểu bang New Jersey bắt đầu vào 9 giờ tối ngày 21 tháng Ba năm 2020, lần cuối cùng ông nhà tôi đi chợ là ngày 20 tháng Ba. Còn tôi, lần cuối cùng đi chợ là một tuần trước nữa.  Tính đến ngày tôi viết bài này (18/04/20) đã gần một tháng.  Rau cải tươi nhà tôi hết sạch. Trái cây tươi nhà tôi hôm nay còn một quả táo. Hôm qua ông nhà tôi nướng pizza loại đông lạnh mua ở siêu thị, khi ăn nướng lại. Pizza thường được ăn kèm với món sà lách (tossed salad) gồm sà lách dưa leo củ cải tím vân vân.  Tôi bào một trái táo, thái mỏng một miếng thơm/khóm, thái lát mỏng hai quả cà chua cuối cùng, chế biến thay cho món sà lách.  Quả thơm là quà của cô em chồng. Sà lách hơi ngọt, nhưng thiếu rau tươi chịu vậy thôi.  Mấy hôm trước tôi đã nấu hộp đậu cô ve (green bean), bắp hộp, và chick pea hộp chung với sườn làm canh súp.  Dưới hầm nhà tôi còn đậu que, bắp, thơm, mỗi thứ vài chục hộp.  Có nghĩa là một hay hai tuần nữa vẫn không đói, nhưng ăn mãi một thứ sẽ rất ngán. Phụ nữ làm bếp, thường rất e ngại phải lập lại món ăn, sợ chồng và nhất là sợ con chê không ăn.  Hầu hết gia đình nào cũng thế, trẻ con trong nhà chỉ ăn món mẹ nấu một lần, hôm sau là chê không đụng đến.

Thời tôi lớn lên thì khổ hơn nhiều nên dễ chấp nhận chuyện ăn lại thức ăn cũ hay ăn mãi ăn hoài một món. Ăn uống thời đại dịch vẫn còn sướng chán, hơn thời ở trong trại tị nạn.  Bạn nào đã từng ở trong trại tị nạn, có còn nhớ được ăn gì không? Khi mới vừa đến đất liền của Mã Lai, tôi và những người đi cùng ghe được đưa vào một trại tị nạn, bây giờ tôi không còn nhớ tên trại cũng không nhớ nó ở đâu, có lẽ một nơi nào đó sát bên bờ biển nơi ngó ra ngoài khơi là đảo Bidong. Tôi nhớ hình như ở đó một tuần hay mười ngày.  Ngày nào cũng vậy, buổi sáng được phát cho hai lát bánh mì sandwich, không nướng, một quả trứng luộc và một hộp trà cúc.  Không hiểu tại sao tôi không nhớ ở trại tị nạn buổi trưa mình ăn món gì, chỉ nhớ bữa ăn sáng.  Ăn thì đủ no nhưng rất ngán. Bánh mì sandwich không nướng nó rất mềm, chỉ chực nhũn ra trên đầu ngón tay.  Ở Việt Nam từ nhỏ đến khi đến trại tị nạn, tôi chẳng khi nào ăn bánh mì sandwich, trứng thì chiên kiểu ốp la, trứng tráng, hay trứng khi thịt, chẳng bao giờ ăn trứng luộc.  Còn trà cúc, nó chua chua ngọt ngọt thật là khó uống.  Nhưng mà đã là ăn mày thì đâu có thể đòi hỏi.  Tôi như con mèo hoang, người ta cho cái gì thì ăn cái nấy.  Có ăn, không đói là may rồi. 

Ở trên đảo Bidong, chúng tôi được phát gạo, nước mắm, dầu ăn, đậu xanh, đường (ít thôi), cá hộp. Ngày này qua ngày khác, những người không có tiền để mua thêm thức ăn (người Mã Lai bán) thì cơm chiên dầu nêm nước mắm. Thỉnh thoảng được Hội Lưỡi Liềm đỏ phát cho vài trăm gram thịt gà là sang lắm. Đậu xanh thì chúng tôi làm thành giá ăn thay rau. Hoặc để dành đường lâu lâu nấu một nồi chè. Củi thì lấy trên núi. Có nhiều người ngay lúc còn ở đảo Bidong đã sợ mùi cá hộp vì ăn lâu ngày và ăn mãi một thứ.

Nói chuyện ăn, tôi bỗng dưng nhớ lại những bữa ăn trong quá khứ. Không phải vì thức ăn ngon mà vì hoàn cảnh mình được cho ăn.

Lúc ghe tôi đi còn chừng nửa ngày sẽ đến Mã Lai thì bị tàu hải tặc bắt được. Chúng nó rượt ghe tôi có lẽ cả tiếng đồng hồ mãi đến khi máy ghe bị hư, vì chạy hết tốc lực mà còn bị vướng rong biển nên vỡ máy. Cái máy sơ cua yếu quá chạy không kịp. Bọn hải tặc lùa hết tất cả chúng tôi lên tàu đánh cá, rất to lớn, trang bị máy móc tinh vi.  Sau khi cướp tiền vàng của người trên ghe bọn chúng cho chúng tôi ăn cơm nóng, gạo trắng tinh, nóng bốc khói. Tôi không nhớ tôi có ăn cơm này hay không, không nhớ mùi vị của cơm.  Có thể là tôi không ăn vì ăn không nổi, tôi bị say sóng liên tiếp mấy ngày, ngồi không vững. Lúc mới lên tàu của bọn cướp trời đang buổi chiều. Sau khi cho ăn xong bọn chúng nhất quyết lùa tất cả số người trên ghe chúng tôi (79) cộng thêm số người Việt trên ghe của chúng (22) đã bị cướp trước đó, xuống chiếc ghe đã bị vỡ máy. Cái máy sơ cua cũng bị chúng phá nát luôn. Mục đích là để giông bão giết chúng tôi. Chúng tôi cầu khẩn van lạy nhưng chúng không động lòng. Tôi nghĩ lúc ấy mà bảo chúng tôi nếu bọn mày ở lại trên tàu chúng tao đưa vào đất liền sẽ bắt chúng mày làm nô lệ và gái điếm chắc cũng có người bằng lòng để tránh cái chết ngay trước mắt. Bữa ăn, coi như là bữa ăn ân huệ dành cho những người sắp lên đoạn đầu đài hay ra pháp trường xử tử. Bây giờ tôi không còn nhớ bữa ăn có ngon không, gạo có thơm không, nhưng vẫn nhớ khi rời tàu đánh cá trở lại ghe nhỏ bị hư, chân trời có màu đỏ lựng pha màu tím rịm lẫn chút màu cam và vàng những chỗ mây thưa còn lóe ánh mặt trời. Hoàng hôn trên biển đẹp vô cùng, nên thơ vô cùng, đến độ tôi biết bước xuống chiếc tàu vỡ máy là bước vào cõi chết, nhưng màu hoàng hôn trên biển vẫn làm tôi chua chát nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Hai câu này trích trong bài Hoàng Hạc Lâu, có nghĩa là: chiều xuống không biết quê nhà ở nơi đâu. Khói sóng trên sông khiến người ta buồn bã. Vẫn biết mình ở ngoài biển không phải sông, và lúc đó cũng không có khói sóng, nhưng đúng vào dịp buổi chiều. Vả lại tôi chỉ thuộc được có mấy câu thôi.

 

Trở lại chiếc ghe cũ vỡ máy, bây giờ có 101 người. Anh tài công, hồi chiều bị bọn hải tặc chém, máu chảy lênh láng nằm trên nóc ghe bất động, chắc chết lâu rồi, không biết làm gì với cái xác của anh đây. Chắc là quấn lại thả xuống biển làm thủy táng, tôi nghĩ thế.  Mùi máu khô tuy loãng trong gió biển nhưng vẫn đượm mùi tanh. Chúng tôi cựa quậy trong bóng tối dưới hầm ghe, chật chội không đủ chỗ nằm.  Nước biển từ bên ngoài, theo kẽ hở của những chỗ chai trét chưa khô, ngấm vào ướt lưng tôi. Tôi ngủ thiếp đi giữa cơn sợ hãi.  Sáng hôm sau khi tôi thức dậy, cơn say sóng biến mất, tôi thấy mình khỏe hơn và bụng đói cồn cào.

Nước uống chứa trong hầm ở mũi ghe bị nước biển tràn vào, và khi máy thuyền bị vỡ có chút xăng, dầu nhớt, gì đó tràn vào.  Xăng để chạy máy còn nhiều.  Gạo còn nhiều nhưng bị thấm nước biển. Chúng tôi trôi lênh đênh trên biển không biết bao lâu. Tuy nhiên sau khi rời tàu hải tặc, tất cả mọi người trên ghe đều tỉnh táo hẳn lên.

Hai mươi hai người mới bị nhập vào chuyến ghe của chúng tôi là những người đánh cá chuyên nghiệp ở đảo Phú Quý.  Vì là dân biển nên rất khỏe mạnh. Vẻ tự nhiên không sợ hãi bão táp của họ khiến mọi người cảm thấy được trấn an rất nhiều.

Buổi sáng hôm ấy có một đàn cá rất đông bơi chung quanh ghe của chúng tôi. Vài người đảo Phú Quý, nghiêng người theo mép ghe, bằng tay không chộp được vài con cá nhỏ cỡ bàn tay. Họ mổ bụng những con cá này lấy ruột cá làm dây câu cá. Một người, rồi nhiều người, đám thanh niên thành phố cũng tham gia câu cá như một trò chơi.  Hễ con cá vừa mớm lấy mồi thì giựt mạnh và nhanh cho nó rớt lên ghe.  Hoặc là người nào đó bên cạnh chộp cá thật nhanh, bằng tay.   Số cá bắt được khá nhiều, ít nhất cũng phải hơn 101 con, đủ cho tất cả mọi người. Tôi được ăn một con cá, có lẽ cũng có người được hai hay ba con. Tôi không còn nhớ những ngày sau đó chúng tôi ăn uống như thế nào. Đại khái là trời mưa to một đôi lần, chúng tôi căng tấm nylon che thuyền hứng nước mưa, chứa trong mấy cái bao nylon để uống dần dần. Tất cả giày dép bằng cao su, quần áo cũ làm giẻ rách, phơi khô đem đốt làm củi nấu cơm. Thỉnh thoảng chúng tôi được chia cho một vắt cơm, hơi sượng sượng vì gạo còn sống, mặn mặn vị nước biển, hăng nồng mùi xăng dầu.

Chúng tôi trôi bềnh bồng, khi thủy triều đưa vào gần bờ thấy đảo đầy cây cối, khi thủy triều kéo ra xa bờ nhìn chung quanh chỉ thấy biển giáp trời. Chúng tôi nhỏ bé như đàn kiến bò trên cái hộp diêm. Với tuổi trẻ, không biết lo xa, vẫn còn thức ăn và nước uống nên tôi không sợ hãi lắm, ngoại trừ những khi gặp bão sóng lớn. Tôi nhớ mình có cảm giác bình thản khi nghĩ đến cái chết. Mừng là mình không để lại phía sau mình con thơ. Có mẹ già nhưng mẹ thì có chị lo rồi. Chỉ tự hỏi không biết cái chết sẽ là hình thức nào, chết vì đói, hay chết vì no nước biển.

Không nhớ bao lâu, có thể là ba ngày, có thể là năm ngày sau đó chúng tôi được tàu đánh cá của dân Mã Lai kéo vào bờ. Chúng tôi chưa hề bị đói khát cực độ. Ở trên ghe, không làm gì nên cũng không thấy đói nhiều. Thỉnh thoảng thấy đói một chút như có cái gì đó nhéo vào bao tử nhưng chập sau là quên đi. Điều may mắn là chuyến ghe 101 người không có ai bị chết. Anh tài công bị chém chảy máu nhiều, nhưng anh chỉ giả chết để bọn hải tặc đừng quay trở lại thanh toán anh.

Bữa cá luộc trên ghe không phải là bữa ăn vỏn vẹn tôi nhận từ những anh đánh cá đảo Phú Quí. Khi lên đảo Bidong nhóm người này ở cạnh nhà với tôi. Vừa lên đảo là họ đã đi vòng quanh, làm quen với dân biển Mã Lai trên đảo, thuê thuyền dân Mã Lai để đi câu. Lệ phí thuê thuyền là một phần trong số cá, các anh đảo Phú Quý câu được.

Vì ở cạnh nhà nên các anh đảo Phú Quý nhiều lần cho tôi cá. Họ nấu sẵn, bảo chị cứ lấy ăn đi, ăn hết tụi tui đi câu tiếp. Loại cá các anh đảo Phú Quý thường câu được là loại cá thân hình dài và hẹp trông giống như dây nịt, mũi cá rất dài và nhọn như lưỡi kiếm. Thân cá óng ánh màu xanh. Thịt cá màu trắng rất trong. Tôi đoán đây là loại cá kìm. Nhớ mang máng các anh đảo Phú Quý gọi là cá gươm, vì mũi của nó giống cây gươm. Cá câu được các anh rửa sạch cho vào nồi đổ ngập nước cho chút xíu muối luộc lên. Ăn cá không. Thay cơm. Tôi ăn cá mấy chục năm, cá kho, cá chiên, cá hấp, cá khô, cá chưng, nhưng vẫn nhớ món cá luộc nước muối. Ngon lắm. Nếu bạn ăn cơm chiên bằng dầu nêm mước mắm ngày này qua ngày khác thì sẽ thấy cá luộc muối ăn rất ngon. Nhớ suốt đời không chỉ vì mùi vị cá, mà còn tri ân tấm lòng hào phóng của những người đảo Phú Quý.

Trong suốt cuộc đời, tôi có nhiều bữa ăn ngon. Má tôi nhiều khi làm đám giỗ cũng làm mì xào, cà ri, vịt tiềm, nhưng quanh đi quẩn lại, như xuất hiện giữa thinh không, trong tôi cái hình ảnh, tôi và má, ngồi chồm hổm dưới đất, chén cơm nguội và khô nướng. Khô sặc khi nướng lên, tươm dầu, thơm mùi cháy xém. Dưa leo thái mỏng, xoài sống băm theo chiều dài của quả xoài, bào mỏng, rưới chút nước tương xì dầu. Khi xoài và dưa leo vừa ngấm nước tương, ăn rất ngon. Chúng tôi ăn kiểu này thường xuyên. Trong những bữa ăn như thế này tôi tập ăn rau dấp cá lần đầu tiên. Tôi dập tắt cái mùi tanh tanh, vị chua chua, bằng cách kẹp lá dấp cá giữa xoài và dưa leo có chút xì dầu. Lúc ấy tôi vẫn chưa ăn được rau húng lủi vì nó hơi cay. Đến bây giờ tôi vẫn thích cho chút xì dầu vào dưa leo thái mỏng ăn với cơm.

Ở đoạn trên, tôi có chép lại trong trí nhớ bài học thuộc lòng. Có lẽ hình ảnh những bữa ăn cơm nguội ngồi dưới đất quây quần bên đĩa dưa leo xoài băm với má tôi khiến tôi nhớ đến bài học thuộc lòng. “Các con về đủ quây quần bữa ăn. Cơm dưa muối khó khan mới có. Của không ngon nhà khó cũng ngon…” Có thể ngược lại, bài học thuộc lòng khiến tôi nhớ lại những bữa ăn cơm nghèo với má tôi.

Người mình nói “ăn để sống không phải sống để ăn,” “miếng ăn là miếng tồi tàn” rồi lại nói “miếng giữa đàng bằng sàng xó bếp.” Tùy theo trường hợp xảy ra câu nào cũng đúng. Mấy miếng cơm sượng sượng, hôi xăng dầu, mặn nước biển là ăn để sống.  Miếng ăn có thể gây nhục cho người ăn. Bạn chắc còn nhớ câu chuyện Hàn Tín, người mang tiếng hèn vì luồn trôn giữa chợ, lúc quá đói phải ăn nhờ bát cơm của Phiếu Mẫu, thì biết cái bất hạnh của người cần “miếng ăn là miếng tồi tàn.”

Chuyện ăn uống là chuyện quan trọng. Có biết bao nhiêu câu chuyện về bữa ăn trong lịch sử, văn học, phim ảnh, nghệ thuật.  Trong Babette’s Feast (Buổi đại tiệc của Babette) Babette đã dùng tất cả gia tài của nàng, 18 ngàn francs, để tổ chức một buổi tiệc thật sang trọng xứng đáng hàng vương giả, đãi mười hai vị bô lão trong một làng chài. Họ là những người đã cưu mang nàng khi nàng rời Paris đi tị nạn. Họ có sống khổ hạnh và chay tịnh của những người tu hành. Bữa đại tiệc đã ít nhiều thay đổi tinh thần của họ. Babette tị nạn ở làng chài khoảng 12 năm, nếu tôi nhớ không lầm, trong khi chồng và con nàng đã chết trong cuộc cách mạng ở Pháp. Một buổi tiệc của Babette bằng cả gia tài, thật là đắt giá, nhưng có lẽ không đắt bằng ly rượu của nữ hoàng Cleopatra.

Có lẽ không ai biết “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp” dùng sự vinh quang của yến tiệc để mua lấy quyền lực cho bằng nữ hoàng Cleopatra.  Bà nữ hoàng Ai Cập đã dùng những buổi tiệc linh đình để chiếm cảm tình của hoàng đế La Mã Julius Caesar.  Khi Caesar bị ám sát, bà lại dùng yến tiệc để quyến rũ Mark Antony người kế vị Caesar.  Tự hào là bà có thể đãi đằng những bữa tiệc đắt tiền nhất thế giới cho xứng đáng với địa vị của Antony, Cleopatra đã tháo chiếc hoa tai bằng ngọc trai cho vào ly rượu vang (có pha dấm).  Tương truyền dấm có thể làm tan ngọc trai vốn được cấu tạo bằng chất vôi, ly rượu vang của bà là ly rượu đắt tiền nhất thế giới.  Hồi xưa người ta tin như vậy, nhưng thời nay, nhiều người làm thí nghiệm kiểm chứng thấy rằng ngâm trong dấm thì viên ngọc trai cần đến 36 tiếng đồng hồ mới tan.  Và Cleopatra có lẽ đã nuốt hoa tai bằng ngọc trai của bà kèm theo rượu.  Antony cũng qui phục dưới mưu trí và nhan sắc của bà nhưng cuối cùng cuộc tình kết hợp giữa chính trị và quyền lực của hai người cũng chẳng được vẹn toàn.  Cleopatra tự sát bằng rắn độc khi Mark Antony bại trận.

À mà thôi.  Tôi đã lạc đề, lang thang từ bữa ăn sang ly rượu, vì thế ngừng ở nơi đây là đúng lúc.

 

Nguyễn Thị Hải Hà

04.2020