Nguyễn thị Hải Hà

âm thanh của mùa thu

tản mạn

 

Mùa thu bắt đầu từ bao giờ bạn có biết?  Nếu lá không đổi màu từ xanh lục sang vàng và đỏ và tím, làm thế nào để chúng ta nhận biết mùa thu?  Thêm nữa, tạì sao có mùa thu? 

Huyền thoại mùa thu

Người Hy Lạp thời cổ xưa có một huyền thoại về sự hình thành mùa thu và mùa đông qua điển tích hai mẹ con Demeter và Persephone.  Demeter là vị nữ thần chịu trách nhiệm sự tăng trưởng của cỏ cây, và sự thu hoạch mùa màng như lúa thóc, các loại hạt để ăn và gieo trồng, đặc biệt là giống bắp (corn).  Demeter có phép mầu, có thể làm tăng trưởng sự sống, thậm chí bà có thể giúp cây cối hay động vật đã chết hồi sinh.  Ngày xưa ở Eleusis, phía Nam Athens, những người tôn thờ Demeter thường tổ chức ăn mừng sự thu hoạch mùa màng, bằng những buổi ca hát và nhảy múa.  Người ta cũng làm lễ để tưởng nhớ ngày bà cứu Persephone ra khỏi cửa âm ti.  Demeter có nghĩa là “mother earth” – tượng trưng cho sự màu mỡ phì nhiêu của đất đai cũng như là nơi an nghỉ muôn đời của người chết.  Người dân thành Athens có chữ dành cho người đã khuất là Demeter’s people – người của Demeter.

Persephone là con của Demeter và Zeus (chúa tể của các vị thần).  Zeus đem Persephone gả cho Hades, em trai của ông ta mà không hỏi ý kiến của Demeter.  Hades, chúa tể cõi âm (Diêm Vương), quyết định mang Persephone về âm ti để giúp ông ta cai quản cõi âm.  Persephone, một ngày đẹp trời đang đi dạo giữa cánh đồng hoa vàng, thình lình mặt đất nứt ra làm đôi, từ kẽ nứt xuất hiện cỗ xe có cánh bằng vàng, và từ cỗ xe vàng có mấy cánh tay thò ra bắt cóc Persephone đưa về cõi âm.  Sự bắt cóc này tình cờ bị vài vị thần khác nhìn thấy.

Về cõi âm, Persephone từ chối bất cứ thức ăn nào Hades mang đến.  Nàng nhất định chỉ ăn thức ăn trần thế do mẹ nàng gieo trồng và thu hoạch.  Sức khỏe của Persephone càng lúc càng hao mòn.  Hades dụ dỗ nàng, hãy cố ăn để có thể sống cho đến lúc gặp lại mẹ.  Cùng lúc ấy, Demeter ngày đêm tìm kiếm con và càng lúc càng trở nên tuyệt vọng.  Sự buồn bã và tuyệt vọng khiến bà chểnh mảng nhiệm vụ; mặt đất trở nên lạnh lẽo, cây cỏ tàn héo, mùa màng cạn kiệt, và thức ăn khan hiếm.  Loài người có nguy cơ chết đói nên cầu cứu với Zeus.  Zeus ra lệnh Hades phải thả Persephone nếu nàng không chịu sống chung với Hades.  Persephone được dâng cho một quả lựu trong đó có mười hai hạt lựu nhưng sáu hạt đã héo chỉ còn lại sáu hạt lựu có thể ăn được.  Nhận ra đây là thức ăn trần thế do mẹ nàng gieo trồng, để kéo dài sự sống cho đến khi gặp lại mẹ, Persephone ăn dần dần, mỗi lần một hạt cho đến hết sáu hạt lựu này.  Tuy là thức ăn trần thế nhưng nơi ăn là âm ty, luật của Hades là hễ ai ăn thức ăn ở âm ti thì không được về trần nữa.  Zeus can thiệp, để tránh trường hợp Demeter có thể buồn đến chết vì bị mất con và gây ra sự chết đói của nhân loại, Hades đồng ý để Persephone về sống ở trần gian sáu tháng với mẹ rồi trở về với Hades sáu tháng ở cõi âm.  Sáu tháng Persephone về trần gian, Demeter cho gieo trồng cây cối, thu hoạch mùa màng rồi lễ lạc ăn mừng.  Sáu tháng kéo dài từ mùa xuân cho đến mùa thu.  Khi Persephone phải xa mẹ làm nữ hoàng cõi âm, Demeter trở nên buồn bã khiến mặt đất lạnh lẽo đóng băng.  Sáu tháng đó là mùa đông.

 

Ảnh lấy từ Wikipedia, Demeter, cầm đuốc thánh chúc phúc cho vị thần trẻ Triptolemus,
người đầu tiên gieo hạt bắp để trồng.  Sau lưng Triptolemus là Persephone, con của Demeter, nữ hoàng âm ti.

 

Âm thanh của mùa thu qua tiếng dế và bóng quạ

Mùa hè, đi đâu cũng nghe tiếng ve inh ỏi trên những ngọn cây cao.  Một ngày nào đó không để ý, cái âm thanh mà Basho bảo rằng xuyên thủng đá, bỗng trở nên im bặt.  Thay vào đó là tiếng gió lao xao.  Loại gió, khiến những chiếc lá aspen, như những đồng tiền treo lủng lẳng trên cây, lắc lư run rẩy không ngừng.  Loại gió làm lá rung nhưng cành không lay.  Tiếng gió nhẹ nhàng mà triền miên “thu phong xuy bất tận”[1] báo rằng mùa thu đang khẽ khàng về.  “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ.  Năm canh chầy thức đủ vừa năm.” Gió thu bao giờ cũng gợi trong lòng người những nỗi niềm miên man chảy.  Đầu mùa thu, lá chưa vàng rơi xào xạc, tiếng lá rơi chưa vang dội trong sương mù.  Một chút hơi lạnh thoáng qua, một chút sương mù buổi sáng, và tiếng dế réo rắt trong đêm khuya là những điểm thi vị của buổi đầu thu.

Nếu tiếng ve là âm thanh của mùa hè thì tiếng dế là âm nhạc của mùa thu.  Tiếng ve thường được nghe thấy vào ban ngày, ở ngoài vườn hay trong rừng.  Tiếng ve khi nguyên đàn đồng ca, âm thanh của chúng như tiếng mài kim khí có thể làm nhức óc, chẳng trách nhà thơ Basho bảo rằng xuyên thủng đá.

Dế thật ra xuất hiện vào mùa hè, nhưng không ai chú ý vì tiếng dế hòa vào tiếng côn trùng khác.  Đến khi trời trở lạnh, dế trốn vào trong nhà.  Người ta chỉ chú ý đến tiếng dế trong đêm thâu khi chung quanh hoàn toàn vắng lặng.  Tiếng dế ban đêm cũng như tiếng gió thu có thể làm người ta trăn trở. Người tự hỏi ta bị tiếng dế làm mất giấc ngủ, hay vì không ngủ được nên nghe thấy tiếng dế khóc than. 

Người Nhật có một bài thơ ngắn về tiếng dế.

Though the purity
Of the moonlight has silenced
Both nightingale and
Cricket, the cuckoo alone
Sing all the white night.[2]

Tác giả Vô Danh

Mặc dù sự thanh khiết
Của ánh trăng đã khiến
Cả dạ oanh và dế mèn im tiếng,
Riêng chim cúc cu
Cứ hót sáng đêm[3]

Một đặc điểm của tiếng dế ai cũng công nhận là dế gáy rất dai rất dài.  Nhạc sĩ Phạm Duy từng nghe dế gáy suốt đêm.  “Có con dế mèn.  Suốt trong đêm khuya.  Hát xẩm không tiền.  Nên nghèo xác xơ.” Có lẽ dế cũng như ve, là những người nghệ sĩ, chỉ biết làm thơ và ca hát suốt ngày, hay suốt đêm, không biết dành dụm tích trữ như kiến nên nghèo. 

Không chỉ người nhạc sĩ trăn trở chuyện giàu nghèo với tiếng dế trong đêm, ngay cả một vị quan Nhật, mang quyền nhiếp chính cũng trằn trọc cùng tiếng dế.

The cricket cries
In the frost.
On my narrow bed,
In a folded quilt
I sleep alone[4]

The Regent
Fujiwara no Go-Kyōgoku

Tiếng dế kêu than
Trong làn sương giá
Trên chiếc giường hẹp
Trong làn chăn gấp
Ta ngủ một mình.[5]

Tiếng dế, dù không inh tai buốt óc như tiếng ve, nhưng nó cứ ri rỉ ra rả suốt đêm như tiếng khóc nỉ non.  Khiến nhà thơ Phùng Quán phải bảo rằng:

Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi...[6]

Nhà thơ Phùng Quán, tôi đoán, ông đọc cho phu nhân nghe bài Xúc Chức của Đỗ Phủ

Xúc chức thậm vi tế,
Ai âm hà động nhân.
Thảo căn ngâm bất ổn,
Sàng hạ da tương thân.
Cửu khách đắc vô lệ,
Phóng thê nan cập thần.
Bi ti dữ cấp quản,
Cảm kích dị thiên chân.

Tôi thấy có ai đó dịch như sau:

Con dế rất nhỏ bé, 
Tiếng kêu động lòng người.
Nơi gốc cỏ kêu không ổn,
Dưới giường đêm yên thân.
Mi như người khách được cái không có nước mắt,
Người vợ bị ruồng bỏ khó mà chờ tới sáng
Tiếng đàn sáo gấp gáp,
Cùng đều gây cảm kích, tuy khác bản chất.[7]

Đỗ Phủ cho rằng con dế ở ngoài cỏ không được bình an nên vào dưới giường của loài người để được yên thân.  Tiếng dế Đỗ Phủ nghe như tiếng thở than của người vợ bị ruồng bỏ, chỉ khác một điều là tiếng dế không có nước mắt. 

Tiếng nỉ non của loài dế được người Tây phương ví von với tiếng gọi của lương tâm, thí dụ như tiếng chú dế Jiminy trong truyện Cuộc Phiêu Lưu của Pinocchio.  Truyện của Carlo Collodi được Walt Disney làm thành phim hoạt họa năm 1940.  Jiminy trong truyện vốn là một cụ dế đã hơn trăm tuổi, thông thái và nhân hậu.  Cố thuyết phục Pinocchio đừng nghe lời dụ dỗ của bạn xấu là Cáo và Mèo không được, cụ mắng Pinocchio “Mày chỉ là một con (thằng) rối, càng tệ hơn mày có cái đầu toàn là gỗ.”  Pinocchio nổi giận lấy cái búa ném trúng và giết chết cụ. 

Thì ra, khi muốn, người ta có thể dập tắt tiếng nói của lương tâm.

Tiếng kêu ri rỉ kéo dài bất tận của dế có thể làm người ta phát cáu vì không ngủ được.  Nhưng với người thích nghe tiếng dế, hay ít nhất là không bị tiếng dế làm phiền, thì có thể xem đó là âm nhạc của thiên nhiên không?  Nhà văn George Seden có viết quyển truyện The Cricket in Times Square được giải thưởng Newbery Honor 1961.  Trong truyện này con dế Chester có thể phát ra âm thanh như tiếng nhạc.  Nó đã chinh phục thính giả đầu tiên bằng bài hát Come back to Sorrento và sau đó là những bài hát nổi tiếng khác.

Nhà thơ John Keats trong bài thơ “To Autumn” cũng đã ví tiếng dế kêu như âm nhạc.

Hedge-crickets sing; and now treble soft
The red-breast whistles from a garden-croft;
And gathering swallows twitter in the skies.

Tiếng dế hát ca ở bờ dậu giờ càng êm ả hơn
Chim yếm đỏ huýt sáo ở ngôi nhà trong nông trại
Và chim én lượn ríu rít trên bầu trời[8]

Đây là những câu thơ John Keats ví von như một bản nhạc thu.

Âm thanh của mùa thu, ngoài tiếng gió thu và tiếng dế còn có tiếng quạ.  Ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, quạ xuất hiện quanh năm.  Một số nhà thơ thường nhắc đến quạ vào mùa đông, thí dụ như Robert Frost với bài thơ Dust of Snow; tuy vậy, quạ là loại chim được người Việt Nam nhắc nhở nhiều trong văn thơ (và âm nhạc) mùa thu.  Trước nhất là bài hát Thu Sầu của Lam Phương với những câu:

Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau
Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau.
Trên cao bao vì sao sáng, rừng vắng có bao lá vàng
Là bấy nhiêu sầu.

Nhạc sĩ Lam Phương đã dùng điển tích Ngưu Lang Chức Nữ, bị trời đày xa nhau, mỗi người sống ở một bên bờ của dòng sông Ngân Hà.  Hằng năm hai người chỉ được gặp nhau một lần vào mùa thu với chim quạ làm cầu bắc qua sông.  Vâng, điển tích của Tàu, nhưng mãi rồi nó cũng thành truyện của người Việt.

Còn một bài thơ nữa, không hề nhắc đến mùa thu, nhưng tiếng quạ trong sương, và ánh đèn chài của người đi câu luôn đặt tôi vào một đêm thu rất đẹp.  Bài Phong Kiều Dạ Bạc với những câu:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.[9]

Chim quạ, phát âm theo kiểu người miền Nam giống như chữ họa trong tai họa.  Có lẽ vì thế mà người ta thường có ác cảm với chim quạ, xem nó như điềm xấu, báo hiệu tai ương.  Tuy vậy, người xưa xem tiếng quạ là điềm báo hiệu tình duyên. 

Quạ kêu nam đáo nữ phòng.
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.

Chữ đáo ở đây phải chăng có nghĩa là quay trở lại?  Chữ này làm tôi liên tưởng đến chữ đảo.  Loài quạ cũng như diều hâu hay ó, thường hay bay vòng tròn đảo quanh con mồi.  Người ta cũng dùng chim quạ để bàn chuyện áo cơm, chỉ dẫn giúp người chỗ nào có thể tìm được mồi ngon.

Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Không chỉ có người Việt gắn liền chim quạ với mùa thu.  Nhà thơ Basho có bài haiku:

On a withered branch
a crow has settled -
autumn nightfall[10]

Trên cành héo khô
Con quạ đậu lặng yên
Chiều thu rơi[11]

Cùng bài thơ này, nhưng người khác dịch (từ tiếng Nhật sang tiếng Anh) có thêm chữ lonely có nghĩa là cô đơn đi kèm với chữ quạ.  Thật ra, khó biết được con quạ có cô đơn hay không.  Biết đâu chừng nó hài lòng sau một ngày kiếm ăn, no đủ, và chuẩn bị ngủ.  Một mình không hẳn là cô đơn. Quạ không nhất thiết là loại chim thiên di, bay về miền ấm mỗi năm khi trời trở lạnh.  Chúng có thể di cư nhưng có thể không đi hết cả đoàn. Có con đi, cũng có con ở lại.  Những đàn quạ ở miền hàn đới có thể bay đến miền ôn đới, và quạ ôn đới bay đến nhiệt đới chứ không đi thật xa như các loại chim thiên di khác.  Quạ có thể sống theo bầy, hay kiếm ăn một mình. Đỗ Phủ cũng xem quạ là loại chim mùa thu trong bài thơ sau đây.

Dã Vọng

Thanh thu vọng bất cực,
Thiều-đệ khởi tằng âm,
Viễn thủy kiêm thiên tĩnh.
Cô thành ẩn vụ thâm.
Diệp hi phong cánh lạc,
Sơn quýnh nhật sơ trầm.
Độc hạc qui hà vãn,
Hôn nha dĩ mãn lâm

Thơ Đỗ Phủ

Trông Cánh Đồng

Trời thu trông tít khôn cùng
Bóng dâm lớp lớp mây lồng cõi khơi.
Lặng trong dưới nước trên trời,
Thành hoang lấp ló, nửa vùi trong sương.
Gió lay rụng hết lá vàng,
Non tây thăm thẳm ngậm gương ác tà.
Muộn về chim hạc bay xa,
Từng đàn chim quạ đậu đà kín cây.[12]

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Mỗi lần đàn quạ cất cánh, hay đáp xuống, tiếng đập cánh và tiếng kêu của chúng phá vỡ cái tĩnh lặng êm đềm của mùa thu. Đỗ Phủ ví chim quạ như bầy tiểu nhân, có thể dùng thế đông mà chèn ép hạc tượng trưng cho người quân tử.

Quạ xuất hiện khá nhiều trong văn chương của phương Tây.  Năm 1634 John Milton đã viết về chim quạ và mùa thu trong Comus.  Lâu hơn nữa, quạ đã xuất hiện trong thánh kinh.  Thường xuyên quạ tượng trưng cho sự tối tăm, chết chóc, độc ác, và những điềm xấu khác.  Tuy vậy một đôi lần, chim quạ được biểu hiện tử tế hơn.  Trong truyện “The Snow Queen” của Hans Christian Andersen, con quạ đã giúp cô bé Gerda đi tìm Kay người bạn thời thơ ấu.  “Hãy lắng nghe tôi nói đây,” Con quạ nói với Gerda.  “Ngôn ngữ của cô rất khó nói.”  Quạ hỏi Gerda có nói và hiểu được tiếng quạ không, nếu được thì cuộc trò chuyện của hai người sẽ dễ dàng hơn.  “Không, tôi chưa học tiếng quạ.  Bà của tôi thì hiểu và có thể nói được tiếng quạ đấy.  Giá mà tôi học tiếng quạ trước thì hay biết mấy.”  Qua Gerda, quạ được xem là con vật thông thái và thân thiện.

Nếu thơ là một bức tranh bằng chữ, thì tranh là một bài thơ bằng hình ảnh.  Nổi tiếng cả trong giới hội họa và người thưởng ngoạn là bức tranh đàn quạ bay trên cánh đồng lúa mì của Vincent van Gogh.  Bức tranh được vẽ vào năm 1890 là một trong những bức tranh cuối cùng của nhà họa sĩ bạc mệnh.  Tương truyền ông đã dùng tiếng súng làm cho đàn quạ sợ hãi bay vụt lên.  Bức tranh vẽ những cánh quạ đen bay trên cánh đồng lúa mì đã chín vàng, với ba con đường mòn cụt lối.  Người ta cũng cho rằng, đàn quạ là điềm báo trước vận mệnh tai ương của ông.  Không mấy lâu sau khi hoàn tất bức tranh, ông qua đời.  Có người cho là ông tự tử.  Còn một giả thuyết khác là người ta ám sát ông. 

Lúa mì thường được trồng làm hai mùa.  Lúa mì trồng vào mùa xuân được gặt hái vào cuối mùa hè.  Chúng ta có thể suy luận rằng, bóng quạ trong tranh của Van Gogh là bóng quạ đầu thu.  Người Koyukon, dân tộc thiểu số ở Alaska có một bài cầu nguyện về chim quạ như sau. 

Make prayers to the raven. 
Raven that is. 
Raven that was. 
Raven that always will be. 
Make prayers to the raven. 
Raven, bring us luck.

Hãy cầu nguyện với quạ. 
Quạ hiện tại. 
Quạ quá khứ. 
Quạ tương lai. 
Hãy cầu nguyện với quạ. 
Này Quạ, hay mang may mắn đến cho chúng tôi[13]

Trở lại với chủ đề, mùa thu qua tiếng gió và bóng quạ, thiết nghĩ không có gì hợp cảnh hơn là mời độc giả cùng đọc lại bài thơ của Lý Bạch.

Thu Tứ

Thu phong thanh,
Thu nguyệt minh.
Lạc diệp tụ hoàn tán,
Hàn nha thê phục kinh.
Tương tư tương kiến hà tri nhật,
Thử thời thử dạ nan vi tình

Dưới đây là bản dịch của Trần Trọng Kim

Gió thu thanh,
Trăng thu minh
Lá rụng tụ lại tàn,
Quạ đậu lạnh giật mình.
Nhớ nhau biết đến ngày nào gặp,
Lúc này đêm ấy xiết bao tình.

 

Nguyễn thị Hải Hà viết xong vào tháng Mười 2021, New Jersey


 

 

[1] Lý Bạch, “Tử Dạ Thu Ca” trich Đường Thi do Trần Trọng Kim dịch và biên soạn, tr. 54-55

[2] “One Hundred Poems From The Japanese.” Kenneth Rexroth dịch, tr. 10

[3] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ bản tiếng Anh của Kenneth Rexroth

[4] “One Hundred Poems From The Japanese.” Kenneth Rexroth dịch, tr. 47

[5] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ tiếng Anh

[6] Phùng Quán, “Đêm Nghi Tàm Đọc Đỗ Phủ Cho Vợ Nghe.” tkaraoke.com

[7] Xin cáo lỗi với dịch giả bài thơ Xúc Chức của Đỗ Phủ.  Tôi không vào được trang thivien.net.  Bài thơ Xúc Chức và bản dịch đều của thivien.net, tôi dùng đoạn tóm tắt trên Google.

[8] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ tiếng Anh

[9] Bài thơ của Trương Kế.  Wikipedia tiếng Việt, có bản dịch của cụ Tản Đà

[10] Basho, Harold G. Henderson dịch, 1958

[11] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ bản tiếng Anh của Harold G. Henderson.

[12] Đỗ Phủ, “Dã Vọng” Trần Trọng Kim dịch và biên soạn.  Tr. 181.

[13] Nguyễn thị Hải Hà dịch.