Nguyễn thị Hải Hà
14 ngày với 14 người Mỹ
đi làm việc tình nguyện
cho Habitat for Humanity
tản mạn
Đầu tháng Ba năm 2019 tôi cùng với 14 người tình nguyện tham gia tổ chức Habitat for Humanity, gọi tắt là Habitat, đi giúp xây nhà cho một gia đình người Việt Nam ở tỉnh Quảng Nam, huyện Phú Ninh, xã Tam Thái, làng Xuân Phú.
Tổ chức Habitat for Humanity được trang Wikipedia dịch ra là “Tổ chức hỗ trợ gia cư.”[1] (Tôi đính kèm link (đường truyền) trong phần ghi chú để bạn đọc tìm hiểu thêm). Habitat là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, giúp đỡ người nghèo có nhà ở, tuy đơn sơ nhưng tươm tất. Các cơ quan địa phương chọn người cần được giúp đỡ dựa trên một số điều kiện căn bản, thí dụ như gia đình nghèo, có ít nhất là ba người, đóng góp một số giờ tối thiểu vào công việc xây cất nhà giúp tổ chức Habitat. Habitat có thể cho mượn tiền để xây nhà với mức lãi thấp, và chủ nhà sẽ trả góp dần dần. Tình nguyện viên của Habitat sẽ góp sức lao động miễn phí vào công việc xây nhà từ một cho đến hai tuần. Chủ nhân ngôi nhà (và thân nhân) phải có khả năng hoàn tất căn nhà sau đó. Xin đừng nghĩ căn nhà hoàn toàn do Habitat tài trợ. Phần lớn chi phí xây cất nhà là của chủ nhân. Habitat có thể tặng một số tiền nhỏ lúc ban đầu. Tình nguyện viên, ngoài việc tự túc mua vé máy bay, góp một hay hai tuần lao động miễn phí giúp chủ nhân xây nhà, còn đóng thêm một số tiền nữa. Số tiền đóng góp này sẽ được chia làm hai phần. Một phần dùng để trả chi phí ăn ở của tình nguyện viên trong thời gian làm việc giúp Habitat. Phần còn lại dùng để giúp đỡ người địa phương.
Qua 14 ngày làm việc tình nguyện với Habitat tôi muốn ghi lại cái nhìn của tôi (xa Việt Nam gần bốn mươi năm, tự xem mình là người Mỹ gốc phèn), về nhóm người Mỹ tình nguyện làm việc cho Habitat.
Mười bốn người Mỹ này là ai?
Figure 1- Từ trái sang phải Patty Martinson, Connie Genger, LuAnne Engh, và Cookie (Willnette Cookie James)
Connie Genger là trưởng đoàn. Tuổi bảy mươi nhưng bà rất năng động chẳng kém gì những người trẻ tuổi trong đoàn. Connie gia nhập Peace Corps từ năm 2006 làm việc thiện nguyện ở Morocco và Nam Phi, tham gia Habitat hằng hai mươi năm, và xây nhà nhiều nơi trên thế giới. Nhìn sự năng động của bà khó ai biết rằng bà đã từng thay xương chậu (hip replacement), giải phẫu tim (open heart surgery), và gãy ống xương chân.
Patty Martinson độc thân, có bạn ở chung nhà và nuôi một con mèo (tuyệt quá, cùng sở thích yêu mèo với tôi). Bà là bạn cùng phòng với tôi mười bốn ngày ở Tam Kỳ. Sau đợt tình nguyện xây nhà ở Tam Thái, bà tiếp tục đi giúp xây cất (nhà vệ sinh và trại nuôi gia cầm) ở một chỗ khác.
Cookie là tên giữa của bà Willnett Cookie James, thường được dùng trong lúc giao dịch hằng ngày vì dễ nhớ. Cookie là y tá về hưu. Bà cũng là nữ mục sư chuyên giúp đỡ bệnh nhân chuẩn bị tâm linh sắp qua đời. Cookie sáng lập ra chương trình Tree of Life Quốc Tế chuyên hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em không may mắn.
Figure 2- Vợ chồng Rob và LuAnne
Robert làm chủ công ty phục vụ các công trường khai thác giếng dầu hỏa. LuAnne làm chủ cơ sở bán thuốc trị bệnh và dưỡng da. Rob đang giúp LuAnne giãn gân cốt sau một đêm khó ngủ.
Figure 3 – Mary Bagalso, Kenneth Couch, và Jen Nguyen
Ken ở tuổi tám mươi. Ông là ordained minister. Tôi không hiểu biết về tôn giáo nên đoán ông là một mục sư chính thức và có thể thực hiện tất cả mọi thủ tục và nghi lễ phục vụ giáo dân. Năm 2011 ông về hưu và bắt đầu tham gia tình nguyện cho Habitat ở Nicaragua. Ông ở trong Hội đồng quản trị thành phố Billings nhiều năm.
Mary Bagalso là nữ bác sĩ giải phẫu quân y. Jen Nguyen có cha mẹ là người Việt. Cha mẹ của Jen là người rời Việt Nam trên chiếc tàu Trường Xuân. Jen Nguyen là người trong nhóm quản trị Pinterest. Jen đi lần này là lần thứ nhì. Mary, lần thứ nhất.
Figure 4 - Vợ chồng Nelly Chung và Rob Streza
Nelly Chung và Bob Streza ở San Diego California. Cả hai đều là Kiến Trúc Sư thiết kế cảnh quan, yêu thích du lịch, nhiều lần tham gia xây nhà cho người nghèo ở Mexico. Mẹ của Rob là người Việt. Anh rời VN khi một tuổi. Thật là bất ngờ và vinh dự cho tôi, khi có một lần anh đang nói chuyện điện thoại với mẹ anh và tôi tình cờ đi ngang, anh trao điện thoại cho tôi nói chuyện với mẹ anh.
Figure 5 - Ryan Thiesen
Figure 6 – Eric Thiesen
Eric là anh, 35 tuổi. Ryan khoảng 30 tuổi. Nghề chuyên môn của Eric là ước tính giá thành cho đồ án. Ryan ở trong Ban phát triển kinh doanh. Cả hai làm việc cho công ty xây dựng hạng nặng do ông bố sáng lập bốn mươi năm trước. Eric đã tham dự Habitat mười lần, đi nhiều nơi trên thế giới. Đây là lần thứ ba của Ryan. Trước chuyến đi này là Sri Lanka và Guatemala ba lần. Đây là lần đầu tiên Eric và Ryan đến Việt Nam.
Figure 7- Al Belais đang cắt dây băng khánh thành sau hai tuần xây nhà
Al Belais là nhân viên xã hội đã về hưu. Ông và vợ ông, Martha, đều thích du lịch. Ông tham gia công tác tình nguyện nhiều nơi cả trong nước lẫn ngoài nước. Ông thích tìm hiểu và học hỏi văn hóa của các quốc gia khác.
Figure 8 - Brandon đứng trước căn nhà bắt đầu thành hình
Brandon Adams mới vừa bốn mươi tuổi, tóc dài bềnh bồng, râu cả tuần chưa cạo, vợ rất xinh, hai con một trai và một gái. Anh ở tiểu bang Maryland cách New Jersey khoảng ba giờ lái xe. Anh làm nghề quản lý đồ án, thích tìm hiểu về Phật Giáo và đọc sách của Thích Nhất Hạnh.
Tôi vừa giới thiệu vắn tắt về 14 người bạn đồng hành bây giờ xin nói một chút về mình. Tôi chưa bao giờ xây cất nhà cửa hay sửa chữa đồ dùng trong nhà. Tôi thích du lịch nhưng không say mê. Có dịp đi thì tốt, không đi cũng không sao. Tôi tham gia tình nguyện làm việc cho tổ chức Habitat vì thấy người Mỹ hăng hái đi giúp người Việt, mình là người Việt nghĩ cũng nên góp phần. Tôi ngần ngại vì biết xây cất nhà cửa không phải là ưu điểm của tôi; tuy nhiên, khi nhận ra tôi sẽ làm việc tình nguyện với 14 người Mỹ trong liên tiếp 14 ngày, tôi vui mừng chộp lấy cơ hội. Suốt ba mươi năm làm việc cho hãng xe lửa, tôi làm việc toàn với người Mỹ. Có người Việt làm chung công ty nhưng khác ngành và khác chỗ làm việc. Trong môi trường làm việc vì kinh tế, cơ quan có tôn ti trật tự, có cạnh tranh hơn thua, không phải là nơi mình có thể nhận thức khách quan hơn về những khía cạnh khác của con người, tuy tốt đẹp nhưng không luôn luôn được biểu lộ. Tôi muốn tìm hiểu người Mỹ ở một không gian khác; tôi tin rằng lúc ấy họ thoải mái hơn do đó càng thân thiện đáng mến hơn.
Bảy người trong nhóm tình nguyện, Connie, Cookie, Al, Ken, Rob, LuAnne và tôi đã về hưu. Patty vẫn còn làm một đôi ngày trong tuần. Connie gọi đùa đây là nhóm già. Sáu người còn lại được Connie tặng cho cái tên, đám con nít nhà giàu California gồm có Eric và Ryan, Rob và Nelly, Mary và Jen, Rob và Mary là bạn học chung với nhau từ hồi Trung học. Rob là người giới thiệu với Mary về Habitat. Brandon thuộc về nhóm trẻ nhưng không ở California.
Tôi có ấn tượng tốt với Eric ngay từ buổi đầu khi biết anh đã xây nhà cho Habitat mười lần, và sau khi Patty, bạn cùng phòng, mới vừa gặp tôi đã nói về anh em Eric và Ryan. “Hai anh chàng trẻ tuổi này rất vui vẻ và dí dỏm. Chị sẽ thích các cậu ấy thôi.” Tôi “chất vấn” Eric trong buổi họp nhóm lần đầu tiên.
“Anh còn trẻ thế này, đang tuổi làm việc, làm sao có thì giờ đi tình nguyện làm việc cho Habitat hai tuần lễ mỗi năm như thế này?” Tôi hỏi.
“Tôi làm việc cho bố tôi. Khi tôi nói muốn tình nguyện làm việc cho Habitat hằng năm, ông cho tôi thì giờ và tạo điều kiện cho tôi.”
“Mỗi lần đi như thế này rất tốn kém. Tiền đâu mà anh có thể chi tiêu cho chuyến đi?” Tuy câu hỏi của tôi khá sỗ sàng nhưng anh vẫn từ tốn trả lời.
“Có thể nói tôi làm ra khá nhiều tiền nên có thể trang trải sự tốn kém này.”
Về sau, trong lúc trò chuyện, LuAnne cho biết hai anh em Eric và Ryan khá dư dả. Cả hai đều đã có nhà riêng. Trẻ tuổi và có nhiều tiền, các cậu có thể ăn chơi bất cứ kiểu gì nhưng chọn tình nguyện làm việc cho Habitat, tại sao?
Habitat for Humanity có chương trình “global village” chủ trương kết hợp sở thích du lịch và ý muốn giúp đỡ người nghèo trên thế giới. Rất nhiều người, trong đó có ông Tám, chồng tôi, thay vì đóng góp tiền bạc rồi để hội từ thiện tùy ý, lại muốn đóng góp ngoài tài chính còn thêm sức lao động, và để được nhìn tận mắt kết quả của sự đóng góp này. Tham gia tổ chức Habitat thỏa mãn ý thích nói trên.
Người ta có thể đến bất cứ nơi nào trên thế giới, tại sao chọn Việt Nam?
Connie, Patty, Cookie, Al, Ken, Rob và LuAnne là người của tổ chức tôn giáo. Họ thích làm việc thiện nguyện, có ý muốn phục vụ xã hội, và giúp đỡ người nghèo. Nguyên nhóm này, trừ Al ra, không nhất định phải đến Việt Nam, họ có thể đi bất cứ nơi nào có người cần được giúp. Họ đã đi nhiều nơi trên thế giới thì sớm hay muộn họ cũng sẽ đến Việt Nam. Riêng lần này, họ đến Vietnam vì đáp ứng lời kêu gọi của bà Connie. Sáu người này có cùng tôn giáo và thường gặp nhau khi đi lễ ở nhà thờ. Connie mời Eric và Ryan vì hai cậu này đã cùng đi xây nhà ở Nam Mỹ với bà. Eric có nhiều năm kinh nghiệm với Habitat và bà rất quí kinh nghiệm này.
Rob và LuAnne nói, hai vợ chồng ông có cuộc sống rất đầy đủ và tốt đẹp. Ông nghĩ rằng đó là hồng ân của Thiên Chúa và ông muốn làm một điều gì đó cho xã hội tốt đẹp hơn để tạ ơn.
Nelly, cô kiến trúc sư mảnh mai nhỏ nhắn nói: “Tôi luôn luôn thích làm việc phụng sự lợi ích cho cộng đồng như một cách đền đáp lại cho xã hội vì tôi nhận được rất nhiều điều tốt đẹp từ xã hội và từ cộng đồng.”
Người tiếp xúc với tôi đầu tiên là bà Connie Genger. Tuy khả năng xây cất nhà của tôi chỉ ngang tầm thợ vịn, nhưng tôi có thể giúp bà, làm cây cầu nối giữa đoàn tình nguyện và người địa phương. Habitat Việt Nam có gửi cậu thông dịch viên trẻ tuổi, dễ mến, nói tiếng Anh khá trôi chảy. Nhưng cậu rất bận bịu một mình không thể xẻ làm đôi, còn tôi thì có mặt ở ngay đó lúc nào cần cũng giúp được. Dần dần tôi trở thành thông dịch viên không chính thức cho mọi người. Đi chợ, chọn món ăn, đi giặt quần áo, đi mua thuốc, đi mua tem gửi bưu thiếp, trò chuyện với người địa phương mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhờ khả năng thông dịch tiếng Việt-Anh của tôi. Có lần bà Connie nói nếu có tôi làm hướng dẫn viên du lịch Việt Nam chắc là thú vị. Tôi rất vinh hạnh nếu được làm hướng dẫn viên riêng cho bà, để đáp lại tấm lòng nhân hậu bà dành cho dân Việt Nam. Ngoài công việc xây cất ngôi nhà ở Tam Thái, Phú Ninh, bà còn tổ chức quyên góp sách vở bút màu mang tặng làng cô nhi Hòa Bình. Thoạt tiên bà muốn tặng cho các em học tiểu học. Tuy nhiên, cậu thông dịch viên cho biết là ý muốn của bà không được nhà cầm quyền địa phương chấp thuận. Bà đề nghị đem tặng số văn phòng phẩm này cho làng cô nhi Hòa Bình. Cũng đáng tiếc vì gần chỗ xây nhà, trong phạm vi đi bộ có một trường rất đông học sinh. Nếu bà không kiên quyết, có lẽ quà không được đến tay các em.
Figure 9- Các em cô nhi làng Hòa Bình
Figure 10 - Các em học sinh ở ngồi trường trong khoảng cách đi bộ gần ngôi nhà đang xây cất
Có lẽ tôi chú ý đến Eric nhiều hơn các thành viên khác vì cái lý lịch mười lần tình nguyện đi xây nhà cho Habitat. Eric nói, đi xây nhà cho Habitat đã cứu cuộc đời anh do đó anh phát nguyện đi xây nhà cho Habitat hằng năm. Có lần Eric bị ngã gãy xương vai. Thuốc giảm đau làm xáo trộn tinh thần của anh khiến cho anh trở nên buồn nản thất chí. Anh quen với một người tình nguyện cho Habitat, sau khi nghe người ấy thuyết trình về công cuộc xây cất nhà cửa cho người nghèo ở Việt Nam, Eric tham gia Habitat. Lần đi đầu tiên anh chọn giúp một quốc gia khác, không phải Việt Nam. Lần đi ấy thay đổi cuộc đời Eric. Khi kể chuyện Eric phải ngưng vài lần để ngăn giòng cảm xúc. Eric rất quan tâm đến văn hóa và môi sinh của quốc gia mà anh đến làm việc tình nguyện. Anh tỏ vẻ bức xúc khi thấy nước sông dưới một cây cầu rất đẹp ở Lào bị ngập ngụa rác thải như thể thiên đường của anh bị chà đạp. Anh không để trở ngại ngôn ngữ ngăn ngừa anh trong việc giao thiệp với người địa phương. Anh yêu cầu Lợi, cô láng giềng, dạy anh và mọi người trong đoàn cách làm bánh tráng, từ khâu xay bột, đến tráng bánh trên lò, phơi bánh, và nướng bánh.
Figure 11 - Eric đang tráng bánh và Lợi đang chống nạnh làm cô giáo dạy làm bánh tráng
Tất cả mọi người trong đoàn đều làm việc với tất cả sức lực. Ở Tam Thái, vào tháng Ba nhiệt độ trong ngày lên đến mức 35 độ Celsius. Đa số người trong đoàn sống ở miền Bắc nước Mỹ, quen không khí lạnh nên không chịu được cái nóng miền nhiệt đới. Mấy ngày đầu Connie và nhóm người ở Billing, Montana, thấy khí hậu Việt Nam dễ chịu so với Billings lúc ấy đang bị bão tuyết nhiệt độ xuống mấy chục độ âm. Vài ngày sau, thấm dần, cái nóng bắt đầu khiến mọi người thấy khó chịu. Tuy vậy, họ vẫn làm việc chăm chỉ, nhanh nhẹn, hăng hái hết mình trong cái nắng nung người, mồ hôi nhễ nhại. Tôi hết lòng khâm phục thái độ làm việc của họ; bất cứ người nào nhìn thấy họ làm việc sẽ tự bôi xóa cái thành kiến người ta hay đặt lên người Mỹ, vừa béo vừa lười “fat and lazy Americans.” Tôi hiểu tại sao những người này đều là những người rất thành công trong xã hội. Khi biết rõ mục tiêu, họ dồn tất cả sức lực và rất đoàn kết để đạt mục tiêu này.
Mấy anh thợ hồ, bạn và anh em của chủ nhà, đến góp sức. Anh chủ nhà là người có kinh nghiệm lâu năm, vừa làm vừa kiểm tra chất lượng xây cất của đoàn Habitat. Mấy anh thợ hồ trầm trồ sự dẻo dai của Ken.
“Ông ni tám mươi mà khỏe chưa hì. Ông làm việc khỏe hơn bọn mình. Mình mệt muốn nghỉ rồi mà ông vẫn làm không ngừng.”
Họ cũng khen cách xây tường của Eric rất đẹp, thẳng và rất đều đặn, như những người thợ hồ kinh nghiệm lâu năm. Được thợ hồ chuyên nghiệp khen tay nghề cao quả thật là một điều đáng tự hào.
Đàn ông, cao lớn, khỏe mạnh, như Eric, Ryan, Brandon, và Rob Streza làm việc lao động tay chân có vẻ dễ dàng. Rob Streza chẳng những chỉ làm việc chăm chỉ, anh cống hiến toàn vẹn sức lao động. Khi bắp tay bị đau vì dùng sức quá mức và chuyển động lập đi lập lại nhiều lần, anh dùng “duct tape” (băng keo giấy cao su bạc) để băng cứng bắp tay lại, dùng duct tape như một loại băng nẹp hỗ trợ gân và bắp thịt để giảm đau và tiếp tục làm việc như thường. Al và Rob Engh xấp xỉ bảy mươi cũng làm việc thật hăng say. Ngay cả phái nữ trong đoàn làm việc cũng rất mạnh mẽ, không dám nói là hơn các ông, nhưng thật ra chẳng kém chút nào. Nelly người mảnh mai (bề ngang mỏng hơn tôi) và nhỏ bé (chiều cao chỉ nhỉnh hơn tôi chút xíu) vậy mà cô đẩy xe đất, lát gạch thẻ xây tường, vừa mạnh mẽ vừa dẻo dai. Tôi thán phục quá không có lời nào nói cho cùng.
Thán phục sức khỏe của Nelly một, tôi thán phục sức khỏe của Mary và Jen gấp hai ba.
Figure 12- Mary Bagalso
Cả Mary lẫn Jen đều có thể lực của nhà thể thao. Mary bên cạnh có bàn tay khéo léo và bộ óc thông minh của bác sĩ giải phẩu, cô còn là nhà trượt sóng (surfer) chuyên nghiệp. Mary nhận lãnh công việc nặng nhọc từ đẩy xe cút kít chứa đầy cát, xi măng, đất, hay gạch thẻ; đến trộn hồ, đào móng. Jen cũng chẳng chịu kém. Thon thả, tóc dài, Jen có hình dáng đẹp như một người mẫu. Jen còn là người dạy tennis bán chuyên nghiệp. Trong công cuộc xây nhà, hai cô gái gốc Á châu (Phi Luật Tân, và Việt) đóng góp sức lực, so với cánh đàn ông thì bên tám lạng bên nửa cân. Còn tôi, nói ra xấu hổ, chỉ làm được việc nhẹ. Chuyền sô chứa hồ thì chỉ khiêng nổi một phần ba sô. Có một hôm đứng chuyền sô chứa xi măng ướt, tôi chẳng hiểu vì trời nóng hay đất lệch mà tôi ngã lăn kềnh ra mặt đất. Mọi người đỡ tôi đứng dậy xong Connie bảo tôi thôi ra ngoài kia nghỉ đi.
Tôi tự hỏi, rất nhiều quốc gia có tổ chức Habitat for Humanity, tại sao các tình nguyện viên lại chọn đi giúp người Việt. Với đa số tình nguyện viên, nơi nào cần và họ có thể giúp thì họ đến. Người ta có thể chọn địa điểm vì muốn tìm hiểu về địa phương ấy, một nơi được nghe nhắc tên nhiều lần nhưng chưa đến bao giờ. Việt Nam quyến rũ những người trẻ tuổi thích du lịch, thám hiểm, với những cái tên nổi tiếng trên thế giới như Sơn Đoòng, Fan Xi Pan, Mã Pí Lèng, Hoàng Su Phìn, hay Hạ Long. Eric và Ryan, có lẽ, thuộc về nhóm người nói trên. Patty, Rob và LuAnne, một phần vì lời mời của bà Connie, một phần vì họ là người thích du lịch nhiều nơi trên thế giới.
Rob Streza, tôi, và Jen Nguyên đều được sinh ra ở Việt Nam. Người có dòng máu Việt muốn giúp người Việt, là điều tự nhiên. Tôi rời Việt Nam gần bốn mươi năm, nay trở về tìm lại một chút quá khứ, tìm lại dấu tích những mảnh vỡ của cuộc đời bỏ lại giữa Sài Gòn. Rob, hay Jen, tôi đoán muốn đi tìm gốc rễ của họ, để hiểu mảnh đất nơi cha mẹ họ rời bỏ. Nelly sang Việt Nam để tìm hiểu quê hương chồng. Cô gái Mỹ gốc Hoa này rất dễ thương. Cô trò chuyện khá nhiều lần với tôi, có vẻ như nhìn thấy một vài nét tương tự giữa tôi và mẹ chồng cô, tuổi gần bằng nhau và có chung một quê hương trong quá khứ. Xin độc giả cho phép tôi lẩm cẩm nghĩ thế. Mary cũng như Nelly, về Việt Nam để tìm hiểu gốc rễ người hôn phối của hai người.
Có người chọn đến Việt Nam, có lẽ, vì cái tên Việt Nam được nhắc đến hằng ngày đối với những người lớn lên trong thế hệ chiến tranh Việt Nam.
Al Belais, chọn đến Việt Nam, vì lý do cá nhân. Thời ông lớn lên chiến tranh Việt Nam đến hồi gay cấn. Ông được miễn quân dịch nhờ lý do học vấn, tuy nhiên ông có người bạn cùng học với ông phải tham gia chiến trường Việt Nam và chỉ trong một thời gian ngắn, anh bạn ấy qua đời. Cái chết của người bạn đọng lại trong tâm hồn Al nhiều năm chưa phai. Ông muốn sang Việt Nam để tìm hiểu về một quốc gia mà bạn ông, một trong gần sáu chục ngàn quân nhân Mỹ, đã ngã xuống.
Bà Connie, thường tổ chức buổi họp nhóm cuối ngày, để rút kinh nghiệm làm việc. Có lần, trong buổi họp bà nói, tật xấu lớn nhất của con người là sự kiêu hãnh. Chiến tranh Việt Nam kéo dài qua suốt triều đại của năm vị Tổng Thống Mỹ cũng chỉ vì sự kiêu hãnh. Sự kiêu hãnh đã ngăn cấm các vị Tổng Thống không dám đứng ra nhận sự sai lầm của nước Mỹ trong chính sách đối với Việt Nam. Chính cái lòng kiêu hãnh đó đã giết chết hơn năm mươi tám ngàn người trai Hoa Kỳ. Bà không nói thẳng ra, nhưng tôi suy diễn rằng, lý do bà đến Việt Nam là để góp một phần nhỏ bé và riêng tư thông cảm với nỗi đau khổ người dân hứng chịu chiến tranh Việt Nam.
Bốn mươi tuổi, khi Brandon ra đời thì chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Lớn lên anh thường được nghe bạn bè của người chú nói về chiến tranh Việt Nam. Chú của Brandon tên Barry, qua đời ở Quảng Ngãi, láng giềng của Quảng Nam, nơi chúng tôi xây cất nhà. Ông Barry, chết vì bị cháy đến mức không còn nhận diện được. Phải rất lâu người ta mới có thể làm giấy tờ xác nhận danh tính của ông Barry. Anh đến Việt Nam muốn tìm hiểu về vùng đất mà chú anh đã gửi linh hồn.
Chồng của bà Cookie là cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam. Ông thoát chết ở Việt Nam nhưng trở lại Hoa Kỳ ông mang nhiều chứng bệnh tinh thần lẫn thể xác, gây ra bởi chiến tranh Việt Nam. Ông qua đời khoảng tháng 10 năm 2018 và bà tình nguyện đi giúp người Việt Nam, như một cách vinh danh cho chồng, và cũng để tìm hiểu về mảnh đất nơi chồng bà đã từng chiến đấu. Ngày còn sống ông không bao giờ muốn trở lại Việt Nam. Mỗi khi nghe bạn bè đồng ngũ sang Việt Nam để tìm lại, hay để đóng lại vĩnh viễn cánh cửa mở vào quá khứ, ông thường nói, đối với ông Việt Nam như một thứ địa ngục, ông thoát ra rồi không bao giờ muốn nghĩ đến nó, đừng nói trở lại.
Tôi từng e ngại bà Cookie, hay Brandon sẽ oán trách hoặc ghét bỏ người Việt Nam; trái lại, tất cả người trong nhóm đều mở cánh cửa trái tim, từ trong tâm hồn của họ tràn ra một thứ hương thơm ngát tình người, và họ rất yêu mến những người Việt Nam họ gặp trong mười bốn ngày tình nguyện ở Việt Nam. Tôi xin chọn một số ảnh cho độc giả xem. Cứ nhìn độc giả sẽ thấy lòng tấm lòng tràn đầy tình yêu đối với người Việt Nam.
Figure 13- Cookie bế em cô nhi. Đằng sau là Al áo trắng, Eric áo đen đội mũ lưỡi trai ngược và Brandon áo đen không mũ
Figure 14 - Brandon với các em cô nhi
Figure 15 - Brandon và người nữ tu
Figure 16 - Cookie và một người phụ nữ địa phương. Phía sau là Brandon.
Giao lưu với người địa phương
LuAnne làm việc lao động rất giỏi, suốt ngày đứng lắp gạch, trét hồ, xây tường trên giàn cao không lộ vẻ mệt, nhưng so với mục giao lưu với người địa phương thì bà giỏi hơn gấp mấy lần. Những ngày đầu chưa tiếp xúc với người địa phương, bà thường than không được giao lưu văn hóa Việt Nam. Bà đi chợ mua trái cây cho cả đoàn ăn tráng miệng rủ tôi theo để thông dịch. Như một nữ diễn viên điện ảnh, hay vợ của một nhà ngoại giao đang tiếp xúc với dân chúng, LuAnne trả giá, trò chuyện, hỏi han, và chụp ảnh với những cô bán hàng. Bà thường bảo tôi, nói với cô này, nói với cô kia, “cô rất là xinh đẹp,” hay “tôi thích cái áo của bà,” những câu ngắn nhưng làm người nghe có cảm tình ngay lập tức. Thấy trẻ nhỏ là bà xin bế, khen bé đẹp dễ thương. Nụ cười của bà luôn sáng rực trên môi.
Figure 17 - LuAnne bế em nhỏ gần chỗ xây nhà
Những ngày đầu tiên mới đến khách sạn tôi dẫn bà đi cắt tóc. LuAnne có mái tóc ngắn màu bạch kim rất hợp thời trang, nụ cười rạng ngời khiến cho bà trông rất trẻ và đẹp như một nữ minh tinh điện ảnh. Trong khi bà ngồi cho cô thợ trẻ cắt tóc với mũi kéo nhọn hoắc, trí óc của tôi đi lang thang. Tôi nhớ câu chuyện của một nữ thi sĩ nổi tiếng rất được mọi người yêu mến ở hải ngoại. Nhiều năm trước chị đưa người chồng Mỹ về thăm Việt Nam, ông đi hớt tóc, khi chị viết, chị nhìn lưỡi dao cạo mặt của người thợ hớt tóc kéo dài nơi gần cổ của chồng chị, tôi đọc được cảm giác rờn rợn của chị. Bà LuAnne và rất nhiều người trong đoàn, bây giờ, không hề biết cảm giác bất an giữa mũi kéo của người thợ hớt tóc và mối oán thù do ảnh hưởng cuộc chiến tranh Việt Nam.
Những lúc nghỉ ngơi chúng tôi thường đi loanh quanh trong xóm làm quen với người địa phương. Một nhóm người ngoại quốc vui vẻ ồn ào xây một ngôi nhà cho người trong xóm trở thành điểm chú ý của người địa phương. Các em nhỏ đạp xe ngang để xem. Người trong xóm ngừng lại trước nhà trò chuyện hỏi han. Có một ông cụ người nhỏ nhắn ăn mặc bảnh bao đến xem và bảo rằng chúng tôi, đoàn tình nguyện làm việc chậm quá, làm thợ hồ như thế này sẽ không đủ ăn. Không biết trả lời sao với ông cụ, tôi và Patty hay LuAnne cười làm thinh. Tôi thầm nghĩ chúng tôi đủ ăn rồi mới đi tình nguyện cụ ơi.
Không riêng người địa phương đến tìm xem chúng tôi xây nhà. Cả công an cũng đến. Tôi gặp một cậu công an rất trẻ, mặc áo màu tím hoa sim, đi xe gắn máy rất đẹp. Cậu nhận ngay cậu là công an cấp tỉnh được phái đến xem sự sinh hoạt của đoàn Habitat. Cậu bảo vệ chúng tôi và cũng bảo vệ người địa phương.
Figure 18- Patty, ông cụ chê chúng tôi xây nhà chậm, và LuAnne
Ryan và Brandon khám phá ra có đến ba ngôi chùa gần ngôi nhà chúng tôi xây cất. Trong một ngôi chùa, họ gặp một ông sư, và một cậu sinh viên nói tiếng Anh rất giỏi. Hôm sau Ryan, Brandon rủ tôi và Cookie đi trở lại ngôi chùa ấy. Lần này chúng tôi không gặp vị sư và cậu thanh niên, trái lại chúng tôi gặp một người nữ tu và cô đồ đệ của người nữ tu này. Cậu thanh niên giỏi tiếng Anh đã lên đường du học sang Úc.
Một lần khác, Cookie, Patty và tôi quẹo sang ngõ khác. Chúng tôi gặp một đống tro vàng mã trong đó có một số đồ sứ bị đem bỏ trong đống rác ở ven đường gần chùa. Cookie nhặt một một cái đĩa sứ hình rồng phụng, phía sau ở đáy đĩa có in chữ Bát Tràng. Khi thấy chữ Bát Tràng tôi biết chắc chắn đây không phải là món đồ cổ. Đây có thể là lễ cúng rồi dẹp bỏ tất cả đồ vật ở một ngôi mộ gần đó. Patty nhặt được mấy cái bình và chung rượu có nắp đậy cũng thuộc loại gốm sứ xanh và trắng. Tôi hơi sợ không muốn thu nhặt đồ ở mộ, rủi tốt vía lại rủ người dưới mộ theo mình về nhà. Tuy vậy tôi cũng không muốn làm hai người bạn cùng đoàn bị lây nỗi sợ vớ vẩn của tôi.
Figure 19 - Cookie đang cầm cái đĩa bà nhặt được
Những người hào phóng
Ở Tam Kỳ, tôi gặp một người bạn. Thúy Loan và tôi quen nhau từ hồi 2009 khi chúng tôi dùng yahoo blog 360. Khi biết tôi cùng phái đoàn tình nguyện Habitat đi xây nhà cho một người dân ở xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, cô đến thăm. Để bày tỏ lòng tri ân đoàn tình nguyện đã đến giúp một gia đình người dân Quảng Nam, quê nhà của Loan, nàng nhờ tôi gửi tặng người trong đoàn túi chứa quế để làm thơm quần áo.
Figure 20 - Túi bột quế thơm
Không chỉ riêng Thúy Loan, rất nhiều người chúng tôi gặp, khi biết chúng tôi đến Tam Thái, Phú Ninh làm việc tình nguyện, họ đều bày tỏ thái độ quí mến và đáp lễ với chúng tôi bằng tấm lòng hiếu khách của người địa phương.
Tấm lòng hào phóng của người địa phương không thể tính bằng tiền. Vợ chồng người hàng xóm, Lợi (người vợ) và Tư (người chồng) đã niềm nỡ đón chúng tôi như bạn bè. Đầu tiên vài người trong nhóm chúng tôi sang xem cô làm bánh tráng. Cô mời chúng tôi ngồi chơi, trò chuyện hỏi han. Cô rất yêu thích mái tóc thắt bính và màu da chocolate của Cookie, cô xin phép được sờ mái tóc, làn da và khen Cookie trẻ và đẹp mãi. Rồi cô mời chúng tôi nước trà vối. Sau đó mời chúng tôi ăn cơm. Và chúng tôi say chuyện cứ muốn ngồi mãi không về. Bữa cơm của cô có rau cải, thịt lợn luộc, và cá chiên. Cá do con trai của Lợi đi câu hay nơm ngoài đồng. LuAnne rất thích ăn cá, cá đồng mới bắt rất ngọt thịt, bà tấm tắc khen ngon. Lợi cũng đãi chúng tôi món mắm cá do chính tay cô làm. Mắm ngon tuyệt vời khiến tôi nhớ mãi.
Figure 21 - Bữa ăn trưa ở nhà Tư và Lợi
Tư, chồng của Lợi là người vui tính, biết cách nói đùa. Những câu nói bông đùa của anh luôn làm chúng tôi cười vang. Eric nhiều lần ngỏ ý muốn cưới vợ Việt Nam bị hăm, đòi bắt rể. Các cô cũng nghi ngờ lòng chung thủy của anh Tây thích lang bạt giang hồ. Eric nói anh sẽ mang vợ theo trong những chuyến du hành.
Brandon có mái tóc vàng rậm và bồng bềnh rất lãng tử, bộ râu cả tuần không cạo càng khiến anh đầy nam tính, nhiều lần được khen đẹp trai. Anh khen nước vối ngon, (ngon thiệt, uống một ngụm muốn uống hoài) Tư nói uống bổ lắm, uống đi nó giúp râu tóc mọc nhanh hơn.
Đi đâu tôi cũng gặp sự hào phóng của người địa phương. Buổi tối tôi trùm mền dùng đèn pin soi để gõ phím computer viết blog mỗi khi không ngủ được, đến độ hết cả pin dự trữ. Buổi trưa đi mua bánh mì, tôi hỏi cậu tài xế nơi nào tôi có thể mua pin. Cậu băng qua đường đến cửa tiệm gần đó mua cho tôi hai cục pin. Tôi gửi tiền lại mà cậu không chịu nhận, nói mãi không được tôi đành chịu thua.
Sự hào phóng đối với phái đoàn Habitat xuất hiện ở những nơi tôi không ngờ. Tôi tìm ra được chỗ giặt quần áo bên ngoài khách sạn, giá rẻ hơn. Tiệm giặt quần áo cũng là một tiệm tạp hóa, cô chủ họ Huỳnh tên Linh. Bà Connie và Cookie mua quần áo, loại đồ bộ, vật liệu và kiểu giống như bộ đồ Tư và một bà hàng xóm khác hay mặc. Tôi hỏi đường, thế là Huỳnh Linh dẫn ông Al, Connie, Cookie, và tôi đi một quảng đường khá xa đến một cái chợ khá lớn có bán đủ thứ cần dùng. Chợ ấy tên là chợ Thương Mại.
Đi ngang một cái bùng binh, người Tam Kỳ gọi cái bùng binh là vòng xoay, có người gọi là vòng xuyến ngõ năm hay ngõ sáu tôi hơi khiếp đảm dù Tam Kỳ rất ít xe không như Hà Nội hay Sài Gòn. Tôi theo đúng luật đi đường của Mỹ, đến góc đường, có kẻ vạch trắng, đứng chờ ngớt xe để băng qua con đường khá rộng. Tôi biết có lẽ phải băng qua đường ít nhất là hai lần để đến cái con đường ở xéo góc vòng xoay. Tôi ngạc nhiên vì tất cả bạn đồng hành của tôi biến đâu mất hết, không thấy trước mặt cũng không thấy đàng sau lưng. Nhìn kỹ lại, tất cả bạn đồng hành của tôi theo chân nhà lãnh đạo Huỳnh Linh, men theo đường cung của vòng xoay, chen giữa dòng xe cộ để đi tắt đến góc đường cần đến. Khi gặp nhau ở góc đường và mọi người đều an toàn, tôi thấy hình như bà Connie và ông Al đều biến sắc. Và cái hình ảnh của cô Linh dẫn đoàn người đi phía sau cao hơn cô cả cái đầu khiến tôi nhớ một bài hát vui.
Một đàn vịt cồ rủ nhau đi chơi vịt nó kêu cạp cạp. Một chú vịt con, bước theo vịt cồ vịt nó kêu cạp cạp.
Linh đã bỏ thì giờ buôn bán đưa chúng tôi đi chợ. Đi đâu chúng tôi cũng may mắn gặp người có tấm lòng cởi mở sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khiến những ngày ở Quảng Nam là những ngày tốt đẹp.
Figure 22- Huỳnh Linh đưa chúng tôi đến chợ Thương Mại.
Figure 23 – Patty đang nhìn bà Connie trong cái mũ mới mua. Trông Connie giống một bà nhà giàu xinh đẹp. Linh với nụ cười rất đẹp đứng phía sau bà Connie.
Những bữa ăn thú vị
Chuyện tổ chức bữa ăn cho 14 người ăn không đơn giản như chúng ta tưởng. Đây là lý do một trong những lý do (bên cạnh thời tiết nóng bức và trở ngại ngôn ngữ) khiến bà trưởng đoàn, Connie, đủ bực mình để nói rằng bà sẽ không trở lại Việt Nam. Tôi hy vọng vài năm sau bà sẽ hết bực mình và thay đổi ý. Chín người mười ý. Có người thích ăn cá, nhưng phải là cá không xương, hoặc ít xương nhỏ. Có người không chịu được mùi tanh của cá. Lúc ấy heo đang chết vì bệnh dịch gì đó, dù có lời giải thích là bệnh này không lây qua người, thịt heo nấu chín thì không sao, có người không muốn ăn. Có người không ăn thịt cá, chỉ ăn rau. Anh thông dịch viên thì e ngại không muốn người trong đoàn ăn xà lách hay những món rau không nấu chín, sợ người trong đoàn bị đau bụng.
Bữa ăn sáng và tối ở khách sạn Mường Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), rất sang và rất ngon. Ăn sáng kiểu buffet với nhiều món ăn cả kiểu Việt, lẫn Tây. Món cá được nấu theo khẩu vị của người nước ngoài, ít xương hoặc không xương, không tanh.
Nhà anh Thoại chị Nở (chủ nhân căn nhà đoàn Habitat đang xây) không mấy xa hồ Phú Ninh, một nơi có thắng cảnh đang khuếch trương ngành du lịch. Chúng tôi ăn trưa ở đó một đôi lần. Có một lần, hình như là bữa thứ hai, nhiều người trong đoàn phàn nàn. Anh thông dịch viên còn trẻ, hình như chưa hề nấu ăn lần nào, nên không thấu đáo những khác biệt tinh tế trong sở thích ăn uống. Tôi lắng nghe người trong đoàn và giúp bà Connie tổ chức những bữa ăn kế tiếp để mọi người ăn ngon miệng và hài lòng. Tôi dặn cô chủ nhà hàng, trẻ tuổi, thân thiện luôn luôn cố gắng chìu lòng khách hàng. Đừng làm món đậu hủ sốt cà nữa (người Mỹ không biết ăn đậu hủ, làm cách gì họ cũng không thấy ngon, tội nghiệp người ăn chay trong đoàn). Nếu đã ăn cơm, thì đừng làm mì xào hai ba thứ. Đừng dọn nhiều cơm nhiều mì quá ăn không hết bỏ phí. Tôi nhấn mạnh với cô chủ quán. Bà trưởng đoàn đã dặn trước rồi mà hôm nay vẫn thấy thừa cơm và mì nhiều quá nên bà không vui vì thấy thức ăn lãng phí. Cô chủ quán phân trần, mang ít sợ thiếu, cô áy náy. Tôi giải thích và nhấn mạnh phái đoàn đều đã ăn sáng ở khách sạn, họ rất no do đó không mang lên nhiều cơm và mì. Mấy cậu trẻ tuổi đã bắt đầu nhớ thức ăn ở quê nhà nên đĩa khoai tây rán được chiếu cố tận tình. Bữa ăn nào cũng phải có nhiều rau. Ai cũng thích rau muống xào và một loại rau địa phương (tôi không nhớ tên) ăn dòn dòn dai dai, ngon hơn cả đậu mầm. Món canh được nhiều người thích, nhất là Eric, người rất thích các món đặc sản Việt Nam, khen chan canh vào cơm ăn rất ngon. Ở nhà hàng hồ Phú Ninh tôi rất ưa món canh bí (rợ) rừng, vừa thơm vừa dẻo. Tôi giải thích với cô chủ quán, người Mỹ thích cá chiên thịt nướng hơn là cá kho thịt kho. Cá kho thì phải ít nước và đậm đà. Thịt kho thì phải mềm và đừng có mỡ nhiều (nghĩ cũng lạ, họ rất thích bacon chiên, mà bacon lại là thịt ba chỉ muối).
Bà Connie, nhiều lần tỏ ý lo ngại chuyện chi tiêu vào mục ăn uống quá mức ấn định, mà ăn mãi thức ăn ở một nhà hàng thì cũng bớt ngon. Cả đoàn vì đã ăn sáng rất ngon và thức ăn tú hụ ở khách sạn, cũng ngại đi ăn trưa xa chỗ làm việc mất thì giờ, nên khi bà nhờ tôi giúp bà tổ chức bữa ăn trưa cho cả đoàn tôi đề nghị tìm một quán cơm bình dân ở gần đó. Lo ngại chỗ ăn uống không được sạch sẽ, và nóng bức tôi đề nghị với chị chủ quán mở quạt thật mạnh và dọn bàn dọn quán cho sạch. Tôi thấy mình rất quan tâm, muốn người đi chung đoàn ăn uống ngon miệng và không bị bệnh cấp tính. Người Mỹ, nhất là các cậu trai trẻ, khác với đàn ông Việt ở chỗ, khi ăn món nào ngon họ khen thật tình. Eric bảo rằng bữa ăn ngày hôm ấy là một trong những bữa ăn ngon nhất ở Việt Nam. Cũng phải nhấn mạnh rằng, mười bốn người Mỹ này là những người từng trải, du lịch nhiều nơi trên thế giới, đã từng ăn những món ăn lạ và ngon trên thế giới. Hôm ấy, nhà hàng mang ra thêm món tôm rim, món ăn không đặt trước nhưng nhà hàng đãi khách đến từ xứ lạ. Món này ai cũng khen ngon.
Figure 24 - Ăn trưa ở quán cơm bình dân. LuAnne chụp ảnh với cô chủ quán và hai người nấu bếp. Tuy đã đặt trước nhưng khách đến ăn trưa trước chật hết bàn ghế trong quán. Thấy đoàn chúng tôi đông, khách hàng tử tế không ngồi nấn ná trò chuyện, ra về sớm chừa chỗ cho chúng tôi.
Một bữa ăn khác cũng thú vị không kém, không phải là sơn hào hải vị của món ăn trên thế giới, mà là hương đồng cỏ nội ở Quảng Nam. Tôi đã nhắc đến bữa ăn này ở phần trên của bài viết này khi đề cập đến tấm lòng hào phóng của người dân địa phương.
Hai vợ chồng Tư và Lợi đã đãi chúng tôi thịt lợn luộc, cá chiên, con trai của hai người mới lưới được ở ngoài đồng. Và món mắm do chính tay Lợi làm thật thơm ngon. Tôi thầm tiếc tôi sẽ không bao giờ được ăn lại món mắm này.
Figure 25 - Bữa ăn trưa của hai vợ chồng láng giềng, Tư và Lợi, đãi chúng tôi.
Hai vợ chồng chủ nhà, anh Thoại và chị Nở cũng đãi chúng tôi một bữa ăn rất ngon. Ngày xưa, tôi có người bạn đãi tôi ăn mì Quảng, nhưng lần ấy tôi thấy không ngon. Lần này chị Nở đãi món mì Quảng, sợi mì mới tráng rất tươi, thái thành sợi tại chỗ. Nước lèo thật ngon. Và món gà xé (phay) trộn rau răm củ hành thật vừa miệng. Thêm vào đó có món xôi chiên phồng và bánh nếp có nhân mặn gần giống như bánh chưng ăn rất ngon. Dù chị bận bán rau cải ở chợ vẫn cố thu xếp thì giờ để đãi chúng tôi các món ăn tiêu biểu của Quảng Nam. Chắc chắn từ bây giờ về sau tôi sẽ nhớ mãi món mì Quảng.
Figure 26 - Bữa ăn chị Nở đãi đoàn Habitat.
Một đôi khi bực bội
Chúng tôi có 14 ngày làm việc rất may mắn, vì khi xong việc tất cả đều an toàn. Hoàn toàn không có mâu thuẩn nội bộ hay bất hòa với người địa phương. Cả đoàn Habitat và những người thợ chính thợ phụ đã làm việc với nhau trong tinh thần hợp tác hòa đồng. Chúng tôi rất vui vẻ thân mật với nhau. Sau vài ngày làm việc, trở ngại ngôn ngữ không còn rõ rệt, chỉ vài động từ “tu quơ” là hai bên đều hiểu ý nhau.
Tai nạn có xảy ra nhưng không có thiệt hại. Tôi ngã một lần. Ông Ken ngã một lần. Eric đứng trên giàn xây dựng, bước lên một miếng gỗ bị gãy nên ngã từ giàn cao xuống. Cũng may anh còn trẻ, nhanh nhẹn nên lộn mèo rồi đáp xuống bằng chân nên không bị thương tích.
Có một buổi chiều sau khi làm việc xong, Ken và Brandon muốn gửi bưu thiếp từ Việt Nam về Mỹ. Bưu thiếp đã mua xong, đề địa chỉ, chỉ cần tài xế ngừng ở bưu điện chính để Ken và Brandon gửi đi. Brandon muốn gửi độ một chục bưu thiếp. Ken gửi ba chục cái. Ken đã hỏi bưu điện chi nhánh giá của một bưu thiếp, chừng 23 ngàn đồng (tôi không nhớ chính xác giá tem). Ông có tem đủ dán cho mười cái bưu thiếp, bây giờ ông cần tem cho hai mươi bưu thiếp còn lại chưa viết địa chỉ xong cất ở khách sạn.
Một cô nhân viên bưu điện chính nói (sai) giá tem gửi đi ngoại quốc là 14 ngàn đồng (không nhớ chính xác). Brandon mua tem dán vào và đưa xấp bưu thiếp cho cô nhân viên. Bưu điện buổi chiều khá đông người ra vào tấp nập, có chừng ba bốn cô nhân viên và một chị có vẻ như trưởng phòng. Brandon ra xe ngồi chờ còn tôi ở lại giúp ông Ken. Ông gửi mười bưu thiếp đã dán sẵn tem, nhiều hơn 14 ngàn nhưng không sao. Xếp hàng chờ mua tem hơi lâu nên tôi nói ông ra xe trước, tôi cầm tiền đứng chờ. Sau khi ông ra khỏi bưu điện lên xe, một cô nhân viên khác bảo rằng:
“Tiền tem gửi đi Mỹ giá cũ là 14 ngàn đồng, nhưng đã lên giá cách đây không lâu (một tuần hay một tháng gì đó tôi không nhớ chính xác). Hiện nay là 23 ngàn đồng.”
“Vậy thì bán cho tôi tem 20 con tem 9 ngàn đồng.” Tôi hỏi mua tem cho ông Ken vì ông đã mua tem giá 14 ngàn.
Cô nhân viên cho biết không có tem chín ngàn, chỉ có tem bốn ngàn và tem bốn ngàn rưỡi. Như thế thì gửi một bưu thiếp đi cô sẽ du di bớt cho năm trăm đồng chỉ vì cô không có đủ tem. Cô đếm đủ số tem cho hai loại, tính tiền, và tôi trả tiền. Nhưng mấy cái bưu thiếp của Brandon đã đưa cho cô nhân viên bưu điện còn thiếu tem. Tôi không muốn những cái bưu thiếp của anh không thể rời Việt Nam hoặc không đến tay người nhận ở Hoa Kỳ vì thiếu tem. Thế thì bán cho tôi hai loại tem 4 ngàn đồng và 4 ngàn năm trăm đồng, mỗi loại mười con. Bưu thiếp nhỏ không có chỗ để dán tất cả tem, các cô nhân viên phải cho bưu thiếp vào một cái bao nhựa trong, dán tem bên ngoài bao nhựa, mở bao ra cho bưu thiếp vào, thấm nước lên tem, dán lên mười cái bao nhựa mất khá nhiều thì giờ và cạn nguồn kiên nhẫn của các cô nhân viên, của tôi và của đoàn tình nguyện ngồi ngoài chờ ngoài xe.
Về sau tôi mới biết trong đoàn chúng tôi có người bị đau bụng đi tiêu chảy, và có người nhịn đi tiểu đã mấy giờ đồng hồ trước đó.
Họ đã thay đổi tôi như thế nào
Chuyến đi làm việc tình nguyện cho Habitat thay đổi sự suy nghĩ của tôi rất nhiều. Nó giúp tôi nhận ra những thành kiến lỗi thời trong tôi.
Connie thay đổi cái định nghĩa người lãnh đạo (leader) trong tôi. Ai bảo một phụ nữ ngoài bảy mươi, thương tích đầy người từ tim đến xương chậu, đến ống xương chân, không thể làm lãnh đạo?
Nelly, Jen, và Mary, đặc biệt nhất là Mary làm thay đổi cái định nghĩa sức mạnh (strength) trong tôi. Cả ba cô gái này làm việc nặng nhọc không thua gì các đấng nam nhi trong đoàn.
Mary thay đổi định nghĩa cái đẹp của người con gái Á châu trong tôi. Jen và Nelly có dáng dấp mảnh mai. Jen có mái tóc dài tuyệt đẹp, và một thân hình cân đối không thua gì các nữ diễn viên điện ảnh hay các pho tượng nữ thần Hy Lạp. Nelly dịu dàng, hòa nhã, nhỏ nhẹ. Ở cô toát ra một vẻ ngọt ngào thường thấy ở phụ nữ Á châu. Mary khác hẳn Jen và Nelly. Khuôn mặt cô có nét Á Đông của người Hạ Uy Di, nụ cười rất tươi tắn. Mary không dữ dằn hay thô thiển, nhưng cái vẻ mạnh bạo bộc trực rất nam tính của Mary làm tôi hơi e dè. Tôi có cảm tưởng Mary sẽ không nhường nhịn bất cứ một lời nói nào xúc phạm đến cô và những người cô yêu mến (ngay cả khi vô tình). Chỉ một thời gian ngắn tôi nhận ra cô là người rất nhân hậu, luôn luôn muốn săn sóc sức khỏe người chung quanh (bản tính của một bác sĩ). Cô nhận lãnh và thực hiện công việc giao phó cho cô với thái độ của một quân nhân. Làm tròn và làm nhiều hơn nếu cần.
Tôi khâm phục Mary và Jen, hai cô gái trẻ thành công trong lãnh vực các cô tự chọn. Họ công nhận mình là người đồng tính luyến ái và chính thức kết hôn với nhau. Họ muốn thế giới nhìn thấy, người đồng tính có quyền được sống và yêu thương nhau không phải hổ thẹn với ai cả.
Chuyến đi này cũng làm tôi suy nghĩ nhiều đến ý nghĩa của chữ cho và nhận. Tôi tránh không dùng chữ từ thiện hay chữ cho khi tôi làm việc tình nguyện cho Habitat. Tôi không muốn độc giả hiểu lầm, chủ nhân của ngôi nhà may mắn được Habitat giúp “cho” căn nhà. Tôi không phủ nhận người tình nguyện làm việc cho Habitat đã đóng góp rất nhiều công sức và tiền của vào công việc xây nhà này, nhưng chủ yếu vẫn là của và công của chủ nhân. Điều làm tôi quý trọng phái đoàn Habitat là họ không hề có thái độ thi ơn hay ban phát của cải vật chất. Mười lăm người (kể cả tôi) đã góp hết sức mình, phục vụ một mục đích, là xây nhà giúp gia đình anh Thoại và chị Nở. Chúng tôi đã phục vụ trong tinh thần đoàn kết không mưu cầu hạnh phúc hay vinh quang cho cá nhân mình.
Riêng cá nhân tôi, khi đi làm việc tình nguyện, có vẻ như một người đem “cho” của cải và công sức, nhưng trái lại tôi là kẻ được “nhận” những món quà quí báu về mặt tinh thần. Khi biết đoàn chúng tôi đi tình nguyện làm việc cho Habitat, mọi người đều tỏ vẻ ân cần và đặc biệt rất là quí mến chúng tôi.
Những câu hỏi tôi không thể trả lời
Tôi vui mừng nhận ra Cookie cũng thích viết. Bà có ý định xuất bản một quyển sách viết về những người phụ nữ bà gặp trong cuộc đời của bà. Thỉnh thoảng Cookie hỏi tôi, và ghi chép cẩn thận những điều bà nhận thấy trong chuyến đi. Có những câu hỏi tôi có thể trả lời được. Thí dụ như cái biểu ngữ gắn phía trên cửa ra vào của căn nhà bên cạnh căn nhà chúng tôi đang xây cất là gì. “Không có gì quí hơn độc lập tự do.” Tôi dịch câu này ra cho bà.
Có những câu tôi không thể trả lời, nói cho đúng hơn là không thể trả lời hoàn toàn thẳng thắn. Thí dụ như “Người miền Nam Việt Nam có kỳ thị người da màu không? Họ đối xử như thế nào với quân nhân Mỹ da màu?” “Vì sao nhà cầm quyền không cho phép đoàn Habitat tặng sách vở bút mực cho các em học sinh nhưng lại cho phép tặng các em cô nhi? Có phải vì đa số các em trong làng cô nhi là những trẻ em thiểu năng?”
Tôi kể bà nghe tôi có một “người bạn” da màu. Ông ấy tên William Fox, đóng quân ngay phía sau căn nhà tôi ở, Tân Qui Đông năm 1968 hay 69. Ông thường hay cho tôi kẹo. Qua những lời ông nói, cộng thêm cách diễn tả bằng tay chân, và một chút tiếng Anh của chị Tiền nhà bên cạnh, tôi biết năm ấy ông 21 tuổi và thích mấy cô điếm ở gần cầu Hàng, Tân Thuận Đông, khu vực đèn đỏ từ thập niên sáu mươi đến giữa thập niên bảy mươi. Ngay lúc ấy nếu tôi có kỳ thị màu da của ông ấy có lẽ tôi không biết, bởi vì tôi nằm gọn trong hội chứng thành kiến của xã hội, không thể có cái nhìn của người nằm “outside the box”. Tôi thích kẹo William Fox cho. Và chuyện ông thích mấy cô điếm tôi nghĩ là không tốt. Bây giờ, tôi biết ông có thể bị kỳ thị ở bất cứ nơi đâu, ngay cả trong quốc gia (của ông), trong quân ngũ (của ông), và dĩ nhiên trong xã hội người Việt ở chung quanh. Ngay cả con của những người da màu ở VN còn bị kỳ thị thì nói gì những người cha da màu đã bỏ lại những đứa con rơi.
Tôi không biết, thật sự, nhà cầm quyền địa phương có cấm đoán việc tặng sách vở bút mực cho học sinh không. Anh thông dịch viên là người rất dễ mến, nhưng tôi không thể loại trừ trường hợp, anh ấy không muốn mang thêm trách nhiệm vào mình, nhất là phải đương đầu với cơ sở chính trị và tôn giáo địa phương. Có thể để tránh tai họa cho bản thân anh đã không chuyển lời yêu cầu tặng sách vở cho học sinh, hay hội ý với nhà cầm quyền địa phương. Làm sao biết được sách vở ấy in gì, nói gì, tuyên truyền gì, theo tôn giáo nào bài bác tôn giáo nào. Bà Connie nói đùa, có lẽ người ta sợ các em học sinh có thể nhận ra là người Mỹ chúng ta rất đáng mến.
Một câu hỏi khác tôi không thể trả lời, đó là tại sao người ta đổ rác lên những ngôi mộ.
Rác là một vấn đề trầm trọng, không chỉ ở VN mà ở cả thế giới, kể cả những quốc gia giàu mạnh như Trung quốc và Hoa Kỳ. Đầu ngõ vào căn nhà đoàn Habitat đang giúp xây cất, có vài căn mộ cũ, có vẻ như bỏ hoang, bị người ta đổ rác chung quanh và ngay trên mộ. Một người đi chung đoàn hỏi tôi, đây là nơi cần được kính trọng, tại sao người ta đổ rác lên mộ. Tôi không có câu trả lời. Tôi không nỡ nói là người dân tôi không có ý thức. Không kính trọng mồ mả, nơi cư trú của người đã chết, tức là không tự kính trọng mình.
Figure 27 - Al Belais đứng ngắm ngôi mộ. Ngôi mộ bên cạnh bị đổ rác, tôi không đành lòng chụp ảnh ngôi mộ bị thiếu kính trọng.
Những lúc vui chơi
Làm việc chăm chỉ nhưng chúng tôi có những buổi nghỉ ngơi như đi tắm biển Mỹ Khê, đi chơi núi Ngũ Hành Sơn và đi xem Hội An. Ở Hội An chúng tôi đi xem vài ngôi chùa và đi thuyền ra cửa Đại. Chúng tôi ăn tối trên thuyền, và đốt đèn cầy cắm lên hoa sen giấy thả trôi trên sông.
Anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thuyền trên sông là một người thanh niên gầy, nhỏ nhắn. Anh nói tiếng Anh ngập ngừng nhưng anh cố gắng hết sức và rất tích cực trong việc săn sóc chúng tôi cho có bữa ăn ngon và giải trí vui vẻ. Chúng tôi ngồi xe jeep (của Mỹ hay quân đội cũ trước năm 75) được chở vòng quanh Hội An, và ngoại ô của Hội An rất thú vị. Đêm cuối cùng ở Đà Nẵng, Ryan đã làm thủng túi tiền của Connie bằng cách tổ chức bữa ăn tối từ giã ở một nhà hàng đắt tiền. Như một đứa cháu bướng bỉnh cố tình trêu chọc bà, anh và chúng tôi đã gọi những món ăn đắt hơn giá bà Connie ấn định trước, khiến bà phải một phen tính toán và lo nghĩ. Rob Engh, một người bạn tốt và cũng là một gentleman chính hiệu đã đề nghị giúp Connie trả phần tiền vượt mức ấn định. Tuy nhiên tôi nghĩ với kinh nghiệm sẵn có, bà Connie đã ấn định giá hơi thấp hơn cái giá mà bà muốn để trừ hao.
Figure 28 - Nhóm nam nhi ở trước quán rượu Dude Bar ở Đà Nẵng
Figure 29 - Chụp chung bức ảnh trước ngày chia tay
Figure 30 - Xuống núi Ngũ Hành Sơn
Figure 31 - Trên tàu từ Hội An đi ra cửa Đại
Figure 32 - Chờ nhau trước một cửa hàng ở Hội An.
Figure 33 - Từ trái qua phải hướng dẫn viên nói tiếng Anh, Eric và những bức họa tattoes, và Rob D. Engh.
Trên lưng của Eric, bức họa phía trên có hình thánh giá là huy hiệu của gia đình anh, bức họa bên dưới là phong cảnh một cánh rừng ở gần nhà anh, và trên cánh tay là bức họa về hội yêu thích câu cá hồi.
Chia tay
Rồi thì cũng đến lúc chúng tôi chia tay. Tôi nhớ một bài hát của Hướng Đạo.
Gặp nhau đây rồi chia tay. Ngày dài như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say, còn chưa phai. Đường dài sông núi hẹn mai ta sum vầy.
Chuyện sum vầy cả đoàn có lẽ sẽ khó. Al Belais không chịu nổi thời tiết nóng của Việt Nam. Ngay cả tôi sống ở Sài Gòn 25 năm cũng thấy rã rời ngộp thở vì nóng. Bà Connie thì không muốn lo món ăn sáng trưa chiều liên tiếp hai tuần cho cả đoàn. Tuy thế, tôi vẫn hy vọng sẽ có vài người trong đoàn trở lại vì yêu mến Việt Nam. Yêu mến như Graham Greene đã viết trong quyển “The Quiet American.”
“I can’t say what made me fall in love with Vietnam - that a woman’s voice can drug you; that everything is so intense. The colors, the taste, even the rain. Nothing like the filthy rain in London. They say whatever you’re looking for, you will find here. They say you come to Vietnam and you understand a lot in a few minutes, but the rest has got to be lived. The smell: that’s the first thing that hits you, promising everything in exchange for your soul. And the heat. Your shirt is straightaway a rag. You can hardly remember your name, or what you came to escape from. But at night, there’s a breeze. The river is beautiful. You could be forgiven for thinking there was no war; that the gunshots were fireworks; that only pleasure matters. A pipe of opium, or the touch of a girl who might tell you she loves you. And then, something happens, as you knew it would. And nothing can ever be the same again.”
“Tôi không thể nói điều gì đã khiến tôi yêu mến Việt Nam – đó là một giọng nói phụ nữ có thể mê hoặc người ta; hay là tất cả mọi sự vật đều rất đậm đà kịch liệt. Cái màu sắc, hương vị, và ngay cả cơn mưa. Thật chẳng giống tí nào cái mưa bẩn thỉu ở Luân Đôn. Người ta nói, bất cứ điều gì bạn tìm kiếm, bạn sẽ gặp ở nơi đây. Người ta nói bạn đến Việt Nam và bạn sẽ “ngộ” rất nhiều điều chỉ trong một vài phút, nhưng tất cả những phần còn lại bạn phải “sống” để hiểu. Mùi hương: đó là “tiếng sét ái tình” tấn công bạn, hứa hẹn tất cả mọi thứ để đánh đổi linh hồn bạn. Và cái nóng. Áo của bạn sẽ trở thành miếng giẻ rách ngay tức khắc. Bạn sẽ không thể nhớ nổi cái tên của bạn, hay những điều bạn đến đây để lẩn tránh. Tuy vậy ban đêm sẽ có chút gió nhẹ. Con sông đẹp vô cùng. Bạn có thể được tha thứ bởi vì đã nghĩ rằng nơi đây không có chiến tranh; rằng tiếng súng chỉ là tiếng pháo nổ; rằng chỉ có lạc thú là quan trọng. Một điếu thuốc phiện, hay cái vuốt ve của một cô gái, người có lẽ sẽ nói yêu bạn. Thế rồi, chuyện đó xảy ra, như bạn biết là nó sẽ đến. Và tất cả mọi thứ đều không thể trở lại nguyên vẹn như xưa.”
Tôi hy vọng!
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tổ chức Hỗ trợ Gia cư
Nguyễn thị Hải Hà
http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html