Nguyễn thị Hải Hà

Koi – thú tiêu khiển của người giàu

tản mạn

 

 

Tùy theo cách viết, chữ Koi có hai nghĩa.

 

 

 

 

 

 

Chữ Koi                    

 

Chữ Koi này, tiếng Anh là common carp, loại cá chép thông thường. 

Chữ Koi mà chúng ta thường dùng để chỉ loại cá chép có vân hoa màu rực rỡ, theo tiếng Nhật viết một cách đầy đủ, là nishikigoi, có nghĩa là brocaded carp.  Nishikigoi viết theo cách kanji, như sau:

 

 

 

Còn một chữ Koi nữa, đồng âm khác nghĩa.

 

 

Chữ Koi này có nghĩa là tình yêu. 

 

Koi ban đầu là một nhóm cá chép xuất phát từ miền Trung châu Âu, và châu Á.  Vì dễ nuôi, mau lớn, sống lâu nên được nuôi để ăn thịt ở châu Á.  Chúng theo chân người Trung Hoa vào Nhật Bản khoảng chừng thập niên 1820.  Ban đầu Koi chưa có màu sắc.  Không ai biết người ta bắt đầu ghép giống tạo màu sắc cho Koi từ bao giờ nhưng vào năm 1914 ở một cuộc trưng bày cá Koi, ở Tokyo, loại cá này trở nên nổi tiếng và lan truyền khắp nơi trên thế giới.

 

Vào thập niên 1980 cá Koi chưa xuất hiện nhiều, người ta thỉnh thoảng gặp loại cá nhiều màu sắc này trong bồn cá của một vài nhà hàng Trung Hoa, hoặc phòng chữa răng của nha sĩ.  Trưng bày Koi ở những cơ sở thương mại là một cách chiêu dụ khách hàng rất hay.  Thực khách có cái để ngắm nhìn trong khi chờ thức ăn được mang ra. Các em nhỏ hiếu động có chuyện để làm, thí dụ như thôi miên và trò chuyện với đàn Koi, không chạy lung tung chỗ này chỗ nọ.  Cá, được tin là có tác dụng làm người xem cảm thấy dễ chịu và yên tĩnh hơn.  Chẳng những thế, người ta, nhất là người Trung Hoa và người Nhật Bản, tin rằng cá Koi là biểu tượng của giàu có và thịnh vượng.  Bên cạnh là biểu tượng của giàu có và thịnh vượng, Koi hiện nay là trò chơi, là thú tiêu khiển của những người giàu hay ít nhất là cũng phải có tiền, dư dả.

 

Giá của cá Koi có nhiều hạng.  Bạn có thể mua một con cá Koi dài chừng bốn inches (một tấc) với giá $10[1] hay $105/10con, hay $165/25con)[2].  Bạn có thể đến một trại chuyên nuôi cá Koi (koi farm) để mua giống Koi tốt hơn.  Hiện nay trên thế giới có rất nhiều trại nuôi cá Koi, tiểu bang New Jersey nơi tôi đang ở cũng có ít nhất là hai trại.  Giá một con cá Koi nuôi để dự thi có thể lên đến hai mươi ngàn.  Một con cá Koi, sau khi đoạt giải thưởng ở Tokyo năm 2017, trị giá trị 1 triệu 7 trăm ngàn đô la.[3]  Chữ[4] một người nuôi Koi để ngắm chứ không dự thi hay buôn bán, cho biết anh bỏ ra 10 ngàn đô la để mua cá coi và 97 ngàn đô la để xây hồ cá.  Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu.  

 

Nhưng nuôi Koi không còn chỉ là thú tiêu khiển nữa.  Ngày nay, nó là một cơ ngơi thương mại trị giá hằng chục triệu hay hơn.  Tôi không có tài liệu chắc chắn, nhưng nếu giải thưởng cho con cá Koi to nhất là một triệu bảy, thì cộng thêm những tổn phí để tạo nên giải thưởng “All-Japan Show for Nishikigoi” này chắc chắn là không ít.  All-Japan Show for Nishikigoi còn được gọi là ZNA viết tắt của Zen-Nippon Airinkai tính đến nay (tháng 9 năm 2019) đã 55 tuổi (thành lập vào năm 1964) thể theo báo mạng The Japan Times[5] của tác giả Edan Corkill đăng ngày 13 tháng 12 năm 2009.  

 

Người ta sẽ làm gì với con cá Koi bạc triệu này?  Cá Koi tuy đẹp nhưng không phải là một bức tranh.  Một bức tranh nổi tiếng, có thể mua để đầu tư.  Càng để lâu càng lên giá.  Bảo quản tốt và mua bảo hiểm cho bức tranh thì không sợ chỉ một sớm một chiều, hơn một triệu đô la biến thành không khí.  Cá Koi thì khác.  Koi tuy sống lâu, cũng chỉ đến vài chục năm.  Người mua con cá Koi bạc triệu này ắt phải có rất, nhấn mạnh, rất nhiều tiền, gấp nhiều lần hơn con số một triệu bảy, để có thể xem chuyện con cá quí giá của mình chết đi, trước khi mình có thể bán nó lại cho một anh tỉ phú khác, là chuyện được thua của một canh bạc.  Nghĩ cho cùng, so sánh một cách tương đối để làm ví dụ; khi người ta có mười ngàn, hay trăm ngàn, thì chuyện đánh mất một đồng quả là không đáng quan tâm.

 

Ngày nay, chúng ta có thể xem cá Koi ở rất nhiều nơi.  Rất nhiều tư nhân nuôi cá Koi, hồ xây ở trong nhà hay sau vườn.  Các công viên Nhật Bản ở Hoa Kỳ đều có hồ cá Koi.  Công viên Nhật Bản ở Hoa Kỳ hầu như tiểu bang nào cũng có.  Ở tiểu bang California có đến ba hay bốn công viên Nhật Bản rất rộng lớn và phong phú.  Vườn nào cũng có hồ cá Koi.  Năm 2018 tôi về Việt Nam chơi, ngạc nhiên thấy trong một quán cà phê ở Cần Giờ có một hồ cá Koi đầy màu sắc và nước hồ thì trong suốt. 

 

 

Figure 1- Hồ Cá Koi của một quán cà phê ở Cần Giờ

 

Tháng Tám vừa qua, tôi đến chơi nhà một chị bạn ở Auburn.  Chị đưa chúng tôi đi xem một trại bán hoa kiểng ở đó.  Tấm ảnh dưới đây chụp đàn cá Koi trong hồ của trại hoa.  Đàn cá này có vẻ như rất gần gũi với loài người, hễ thấy bóng dáng người ở đâu là chúng bơi thật nhanh đến để chờ được cho ăn.

 

 

Figure 2 - Cá Koi trong hồ ở một trại bán hoa kiểng ở Auburn - California

 

Có lẽ vì thấy tôi chụp ảnh cá Koi, chị Khiêm đưa tôi đến nhà Chữ, bạn của chị, để xem hồ cá của ông ấy.  Ông Chữ có độ năm chục con cá Koi.  Ông rải thức ăn để cá trồi lên ăn cho chúng tôi xem.  Con cá yêu quí nhất của ông là loại cá Koi màu trắng có hoa vân đỏ, tiếng Nhật gọi là hokaku.  Có người vì yêu thích hokaku mà đặt cho danh hiệu The Queen of Koi - nữ hoàng của cá Koi.  Hokaku, tùy theo hoa vân người ta chia ra nhiều nhóm khác.  Loại hokaku có hoa vân đỏ trên môi, giống như môi son của các nàng kỹ nữ geisha là Kuchibeni có nghĩa là son (tô) môi.  Người Nhật không thích cái tên này vì cho rằng gợi nhớ đến kỹ nữ không phải là giới được kính trọng, nhưng người Mỹ lại rất thích, thấy vết son môi cá này rất đáng yêu.[6]

 

 

Figure 3 - Một góc hồ cá ở nhà ông Chữ đứng từ trong nhà chụp xuyên qua cửa kính.

 

 

Hồ cá của ông Chữ rất rộng lớn, rất tiếc vì tôi đã không ghi chép lại nên không còn nhớ kích thước, chỉ nhớ mang máng độ sâu của hồ là 6 feet.  Nhà của Chữ ở trên đồi cao.  Mặt trước của nhà có cùng độ cao với mặt đường bên ngoài, gần đỉnh cao nhất của con dốc.  Từ tầng thứ nhất xuống tầng hầm (basement) có thang máy.  Cửa tầng hầm mở ra phía chân đồi thoai thoải dốc.  Hồ cá ở tầng thứ nhất.  Để xây hồ cá ở phía sau căn nhà trên đồi, Chữ xây một khối bê tông dày 20 feet làm chân của hồ. Một phần của hồ được nối, ăn vào nền tảng của căn nhà để gánh bớt sức nặng của hồ, bao gồm vừa nước, vừa đá để làm thành hồ và các kiến trúc trang trí cho hồ.  Hệ thống máy bơm nước và không khí, lọc đãi và thải chất bợn nhơ được cất giữ trong một căn phòng riêng bên cạnh basement.  Ông Chữ cho biết, xây hồ sâu 6 feet là để cá Koi có thể phát triển đúng mức.  Cá Koi có thể sống rất lâu (kỷ lục là hơn 200 năm nhưng không thể kiểm chứng con số này).  Con cá Koi lớn nhất thế giới “Big Girl” nặng 91 lbs (41kgs) và dài 48 inches (1.2m).[7]  Con cá to nhất của ông Chữ dài độ hai ba gang bàn tay, có lẽ nặng chừng 20 lbs.  Đứng trên bờ nhìn xuống nước thật khó ước lượng kích thước của cá.  Chụp vào trong ảnh thì nó càng lừa dối mắt của người hơn.  Xây hồ sâu 6 mét cũng để đề phòng những con chim to đến săn cá.  Để ngăn ngừa ông xây hàng rào cao chung quanh hồ.  Chim cần phải có một khoảng cách rộng để bay xà xuống, chộp cá, và cất cánh bay lên.  Nếu hồ cạn 2 feet, loại chim to như cò stork, hay con hạc (heron) có thể đậu xuống giữa hồ và bắt cá.  Thỉnh thoảng diều hâu, chim ó đậu trên cành cây cao chung quanh nhà rình săn cá, ông dùng súng BB bắn đuổi chúng đi.

 

Tôi hỏi, nhưng trước khi hỏi tôi dè dặt đặt giả thuyết: “Dĩ nhiên là anh không hề muốn bán, và sẽ không bao giờ bán cá, nhưng nếu vì một trường hợp nào đó, anh phải bán nó đi, thì với giá nào anh sẽ bán con cá Koi to nhất?”  Ông Chữ đắn đo một chút rồi trả lời.  “Hai chục ngàn.”  Ông xây cái hồ 97 ngàn, mua năm con cá Koi, mỗi con giá 2 ngàn thả vào hồ.  Nói sơ qua chuyện cái hồ để nhớ rằng, nghề chơi cũng lắm công phu.  Ông Chữ nói như đùa, mà rất thật.  “Có nhiều người rất giàu, rất nhiều tiền, nhưng không phải ai cũng dám bỏ ra hơn chín mươi ngàn để làm hồ nuôi cá.”  Thật vậy!

 

 

Figure 4 - Hồ cá Koi ở vườn Nhật Bản Austin, Texas

 

Đa số hồ trong các công viên thiết kế theo kiểu Nhật Bản đều có hồ nuôi cá Koi, và trong hồ có các loại thủy thảo như hoa súng hoa sen hay cỏ u ru.  Hồ cá trong tiệm cà phê ở Cần Giờ và hồ cá của ông Chữ không có các loại hoa cỏ mọc trong nước.  Ông Chữ cho biết nếu có hoa cỏ trong nước, cá sẽ núp dưới hoa cỏ để tự bảo vệ, và như thế sẽ khó ngắm cá hơn.  Cá Koi theo bản tính thường trầm mình dưới đáy, chỉ trồi lên trên mặt nước để tìm thức ăn. 

 

Cá Koi không thấy được nhắc nhở nhiều trong văn hóa Việt Nam.  Tranh ảnh thì thấy có cá vàng nhưng cá vàng tuy thưở xa xưa có cùng nguồn gốc cá chép nhưng bây giờ thì không còn cùng gia đình giòng họ với cá Koi.  Chuyện xưa tích cổ, cô Tấm có nuôi con cá bống mú, thường hát gọi cá bống mú lên ăn cơm.  Cá bống mú cũng có vân hoa nhưng không có màu như Koi.  Ca dao về cá thì có nhiều, cá thu cá đối, cá hồng, nhưng chẳng thấy ai nhắc đến cá Koi.  Cá Koi có ăn thịt được không? Được, nhưng không ngon, nhất là mấy con cá bạc triệu.  Dù có rẻ hơn đi nữa thì chắc tôi cũng không thể nào đưa lên chảo một con cá trị giá 2 ngàn đồng, bằng với giá con cá ông Chữ đã mua.

 

Cá thu nấu với dưa hồng. 

Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi.

 

Con cá đối nằm trong cối đá. 

Con chim đa đa đậu nhánh đa đa.

 

Buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt. 

Buổi chợ tàn con tép bạc anh cũng mua.

 

Cá Koi theo chân người Trung Hoa vào Nhật Bản, và mang theo câu chuyện loài cá chép vượt thác đến cổng trời biến thành rồng.  Cá Koi trắng có đốm tròn đỏ trên đầu trông giống như lá cờ Nhật Bản.  Với sự tích vượt thác, cá Koi tượng trưng cho sự can đảm đương đầu với chướng ngại và kiên trì theo đuổi cho đến khi đạt đến mục tiêu, được so sánh với những nhà dũng sĩ samurai. 

 

Tôi đã nhắc sơ qua ở phần đầu bài tạp văn chữ Koi đồng âm nhưng khác nghĩa với cá Koi.  Chữ Koi có chữ “tâm”, có nghĩa là tình yêu.  Nhà văn Amélie Nothomb trong quyển tiểu thuyết tự thuật “Tokyo Fiancée” có nói về chữ Koi này.  Sarah Fay, trong bài điểm sách “Tokyo Fiancée” cho biết, Amelie Nothomb đã giải thích ý nghĩa của chữ Koi.  Trong khi chữ love-tình yêu có ý nghĩa nghiêm túc thì chữ koi gần với slang – tiếng lóng, có nghĩa là một thứ tình cảm hời hợt hơn, một thứ friends with benefits.  Hai người có thể có quan hệ tình dục với nhau mà không nghĩ đến chuyện lâu dài.  Một mối quan hệ gần với tình bạn tình đồng chí hơn là tình yêu lãng mạn của đôi lứa.[8]

 

Để cá Koi có màu đẹp các chuyên gia phải ghép nối, cấy giống của nhiều loại cá Koi có màu khác nhau, nhiều đời cá, rất lâu ngày mới thành tựu.  Mỗi con cá Koi có một số lượng tế bào màu sắc nhất định.  Theo thời gian, những tế bào màu sắc này có thể chết đi do đó trong tiến trình nuôi cá Koi, cá Koi có thể biến đổi màu.  Môi trường sống của cá cũng có thể làm cho cá đổi màu bằng cách mang những màu sắc tiềm ẩn trong tế bào xuất hiện hoặc trấn áp màu sắc hiện có.  Trong thiên nhiên, không phải chỉ Koi mới có nhiều màu sắc.  Trên chuyến tàu vượt biên, và cả khi ở đảo Bi Đông, tôi thấy có loại cá rất nhiều màu sắc khác nhau, có thể nói là cả bảy màu trên một con cá lớn hơn bàn tay một chút.  Tuy nhiên, vì không có bằng chứng, nên không thể cả quyết, vì sợ độc giả cho rằng mình nói láo. 

 


[1] https://koistory.com/blog/just-how-much-are-koi-fish

[2]Blue Ridge Live Koi Fish Butterfly Fin - Garden Pond, Aquarium and Tank, Healthy and Bio-Secure - Grade A

[3] https://www.youtube.com/watch?v=gGY2k39pebo

[4] Tên của tất cả mọi người trong bài đều được thay đổi.

[5] https://www.japantimes.co.jp/life/2009/12/13/lifestyle/the-colorful-lure-of-carp/#.XW_IaXdFxPY

[6] “The World of Koi” do Keith Holmes, Tony Pitham, và Nick Fletcher biên soạn.

[7] http://www.hanakokoi.com/

[8] https://www.nytimes.com/2009/01/03/arts/03iht-idbriefs3B.19053425.html?searchResultPosition=1

 

 



Nguyễn Thị Hải Hà

 

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html

 

© gio-o.com 2019