Nguyễn thị Hải Hà
Đọc “Trước Bến – Cổ Thi Tư Cảm”
của Nguyễn Thị Hải
Sách in rất đẹp. Giấy láng, màu ngà, tranh bìa và tranh phụ bản của Lý Tùng Niên.
Tôi biết thơ Nguyễn Thị Hải qua trang mạng Gió O. Hải xuất bản ba tập thơ và tôi có duyên lành nên được đọc trọn vẹn cả ba. Hải trẻ tuổi nhưng có sở thích của người già đời. Cô thích thơ Đường, và cải lương. Hải hát cải lương rất hay. Rất muồi. Khi nói chuyện cô có giọng của người miền Bắc (người Hải Phòng) nhưng giọng ca cải lương rặt miền Nam.
Cảm mến của tôi với nhà thơ là do có sở thích giống nhau. Thơ Đường, haiku, và cải lương. Tôi biết cô thích thơ Đường và cải lương từ lâu. Nhưng haiku thì tôi chỉ mới biết qua tập thơ “Trước Bến – Cổ Thi Tư Cảm.”
Tôi thích đọc thơ Đường từ những năm còn đi học Trung học, nhưng chỉ đọc được bản dịch. Tiếng Hán Việt chỉ nhớ chừng chục chữ trong đó có ba chữ nhất nhị tam. Tôi thích giọng trầm bổng của thơ Đường, và thích cả những bài có câu đối. Đúng như tựa đề “Cổ thi tư cảm” tập thơ bao gồm những bài tác giả cảm tác khi đọc những bài thơ Đường. Đây là tập thơ tôi không thể (và cũng không muốn) đọc nhanh. Tôi đọc từng câu tiếng Hán Việt và so chiếu với những câu được dịch ra. Và đọc lại bài thơ do Hải cảm tác. Tôi nhìn thấy sự đồng cảm của tác giả thời xưa và tác giả thời nay. Hải có cách dùng chữ đơn giản, nhưng tôi, người đọc, nhận ra chất thơ và thấy lòng mình rung động.
Xin trích đăng một vài bài.
Dã
Trận mưa rơi xuống cánh đồng không,
Chiếc quạ sơ đông đỗ mịt mùng.
Áo tơi cởi tạm nơi quán trọ,
Lại mặc ngay vào mộng ruổi giung.
Bài thơ này tác giả cảm tác từ những câu haiku của nhà thơ Basho. Tương truyền Basho đã viết những câu thơ trước khi qua đời trong một chuyến du hành, dừng chân ở Osaka.
Đêm xuân
Cảm tác từ câu thơ “Nguyệt xuất kinh sơn điểu” của Vương Duy.
Chim núi kinh trăng mọc,
Khe xuân vẳng tiếng kêu.
Vườn riêng hoa quế rụng,
Nhàn nhân cũng bạc đầu
Điểm thú vị ở những trang này là nhà thơ có những câu bình luận rất hay. Tôi xin trích dẫn.
“Bài thơ ra đời vào giai đoạn thái bình hưng thịnh của triều Đường, lại là thơ của ‘Thi Phật’ nên chẳng ai hoài nghi gì tiếng chim kinh động kêu vang ngoài khe nước mùa xuân, hoàn toàn đắm chìm trong không khí thanh tĩnh, cô tịch thấm nhuần thiền vị. Vương Duy lấy động tả tĩnh, tĩnh càng thêm tĩnh, núi non trần thế thoắt giao hòa với vũ trụ bừng sáng, vô biên…”
Dù người ta thường có quan niệm thơ thì không thể dịch, nhưng với những người thích đọc thơ Đường mà không biết chữ Hán thì tập thơ của Nguyễn Thị Hải trở nên quí giá. Bên cạnh những bài cổ thi cảm tác, tôi được đọc những chi tiết cần thiết về câu thơ gợi ý, vài dòng ngắn gọn về tiểu sử của tác giả, hoàn cảnh sáng tác, và thỉnh thoảng có một vài đoạn bình thơ, chẳng những thú vị mà còn giúp tôi, người đọc thơ, thêm phần hiểu biết.
Có rất nhiều bài thơ tôi muốn trích và giới thiệu với bạn đọc. Tuy vậy tôi muốn để dành, để bạn đọc khám phá thêm. Liễu, bạn đọc sẽ cảm động vì cuộc đời và tình yêu của Tiết Đào nhà thơ thời xưa. Vĩnh Châu (hay Linh Lăng) và sự thông cảm với những nhà thơ ly hương với “vườn xưa mười năm biệt.” “Bờ bụi” làm tôi ứa nước mắt thương cảm cho những nấm mộ hoang bên đường. “Nhục thân” cảm tác từ một bài haiku của Issa. Và “Trước Bến” tựa đề bài thơ được dùng làm tựa đề của tập thơ. Những trích dẫn và chú thích của tập thơ đều rất hay, rõ ràng, ghi rõ nguồn và tên dịch giả, chứng tỏ một quá trình làm việc rất cẩn thận và đầy lương tâm của nhà thơ Nguyễn Thị Hải. Quyển thơ này là một món quà xứng đáng mà tôi rất vui được nhận từ chị Lê Thị Huệ chủ trang mạng Gió O gửi với lời đề tặng của tác giả. Xin ân cần giới thiệu với bạn đọc.
Kiếm
Nhất điều cổ thời thủy
Kiếm khách phút từ ly,
Nghiêng tay trao làn nước.
Trong vắt ánh cổ xưa
Dẫu tuần bao thế cuộc.
Nằm trong vỏ là kiếm,
Rút ra là nước trôi.
Dòng nước vô thường ấy,
Soi hồn anh giữa đời.
“Kiếm trong văn học cổ tượng trưng cho khí khái, tài ba của hiệp khách, dũng tướng. Kiếm chỉ là phương tiện trong tay người sử dụng nên kiếm muôn đời trong sạch như nước. Nói kiếm là một dòng nước vô thường là chỉ mức độ sát thương, sát sinh của kiếm. Soi vào dòng nước ấy sẽ thấy được bản tâm của người dùng kiếm, để báo tư cừu, để tranh đoạt lợi danh hay để bảo vệ công chính, chính nghĩa…” (lời bình của NTH)
Nguyễn thị Hải Hà
12/2022