THẠCH TRÂN

ngôn ngữ phù ảo

 

trong thơ Nguyễn Thị Hải

 

 

 

Le langage est lui-même le double ultime qui exprime tous les doubles, le plus haut simulacre.

                   Giles Deleuze, Logique du sens, 329

[Chính ngôn ngữ là cái kép tối thượng biểu tả tất cả mọi cái kép, giả tượng/hình cao nhất.]

Thếp vào tầng khí quyển

Một quê hương phù ảo

                   Nguyễn Thị Hải, Khói Bếp     

 

 

Tôi đọc hai tập thơ của Nguyễn Thị Hải Con cừu của hoàng tử bé (xuất bản năm 2017) và Một dòng tiểu sử của bạn tôi (2018) như được tham dự một bữa tiệc thịnh soạn với những món ăn phù ảo hay một trò chơi rồng rắn chạy vòng quanh cút bắt thực tại và giả tượng luân phiên: cứ tưởng đã “túm” được thực tại nhưng hóa ra trong tay lại là giả tượng, và ngược lại. Cà hai bữa tiệc và trò chơi này tuy có mở đầu, khai mạc nhưng tưởng chừng chẳng bao giờ có kết thúc. Một vài thí dụ: “vị tăng sống qua hai thế kỷ” ngồi trong thảo am với “chén trà tỏa khói” cũng là “cây tùng hiện thân” (trong bài Kawabata), “nhánh dây leo” trong mơ cũng là “sợi dây thép” “buộc sẵn cho nó” ngoài thực tại (Dây leo), “dãy nhà thâm thấp” cũng là “bóng râm nó tỏa ra” (Dãy nhà) ... Để hướng dẫn người đọc: Nguyễn Thị Hải đã ra dấu để thấy được diện bản lai diện mục thực tại bằng thứ ngôn ngữ mở phù ảo (giúp đỡ cho cái ảo hiện ra) nói lên chính bản chất của ngôn ngữ là cái kép tối thượng, là giả tượng cao nhất theo Deleuze qua vài dẫn chứng sau đây:

 

                             Sao không viết tựa đề là hoa nhài

                             Rồi cả bài thơ chỉ nói về hoa nhài

                             Sao không viết tựa đề là sông thu

                             Rồi cả bài thơ chỉ kể về ngọn núi

 

                             Từ tựa đề đến bài thơ

                             Là khoảng cách từ khóm hoa nhài đến cây hoa bưởi

                             Từ dòng sông mùa thu đến ngọn núi mùa xuân

                             Thơ sẽ đến bên ta làm một bạn đồng hành

                                                          (Bạn đồng hành, Một dòng tiểu sử của bạn tôi)

 

Phê bình văn học hôm nay đi tìm diện mạo trong không gian bên ngoài của ngôn ngữ xuyên qua những bản văn nối kết nhau, ở đó Văn chương xuất hiện. Như vậy Văn chương chính là cái tạo nên cõi ngoài (le dehors) của tác phẩm. Phê bình văn chương làm công việc bới tung ngôn ngữ viết và để lại trên bản văn một dấu vết/cày trống rỗng. Đó không phải là một mô thức ngôn ngữ nhưng là một khoảng trống không nơi ngôn ngữ văn chương đi lại, xuyên suốt. Đồng thời cũng làm cho văn chương xuất hiện như một không gian rỗng, trống không để tác phẩm được đặt vào.

 

Nguyễn Thị Hải đưa vào hội vui “Trò rồng rắn lên mây/Không cẩn thận là bị tóm,” “Trò chơi thấu thị Đông phương”những sự/con vật, những con người tưởng chừng quen thuộc như: chó, mèo (thức, ngủ) chim chóc (màu khác nhau), cóc, ốc sên, cua rốc, chậu hoa, cây kiểng, hoa, ốc, bức tường, ao, dây leo, lá, núi, cánh đồng, những căn nhà tầm thường quê mùa hoàng tử, tăng/thiền sư, bà, cháu...nhưng bằng ngôn ngữ phù ảo thi sĩ biến chúng thành những giả tượng/hình (simulacres).

 

Michel Foucault trong bài viết về tiểu thuyết của Pierre Klossowski định nghĩa giả tượng là “một hình ảnh hão huyền (như đối nghịch với thực tại), một dung tưởng về một cái gì đó (trong đó vật này tự đại diện và biểu lộ, nhưng thu rút lại và theo một nghĩa nào đó tự dấu mình đi), một dấu chỉ của sự hiện diện của một thần tính (và sự khả hữu đảo nghịch của việc coi dấu chỉ này như dấu chỉ đối nghịch với nó, việc đồng thời xuất hiện của Cùng Một và Cái Khác.”[1] Foucault phân tích trò chơi của những cái kép (jeu des doubles) và những giả tượng, trò chơi của cái nhìn và của ngôn ngữ (jeu de la vue et du langage): giả tượng cũng chính là giả đò (simulation), tương tự (simulitude), đồng thời (simultaneite), vờ vĩnh và che dấu (simulation et dissimulation). Tương tự tương ứng với những phạm trù của ngôn ngữ: gợi ra (évocation), kích động (provocation), và thu hồi (révocation). Đó cũng là những giá trị của ngôn ngữ. Giles Deleuze cho rằng giả tượng “hàm chứa những kích thước lớn, những chiều sâu và những khoảng cách mà người quan sát không thể chế ngự. Chính vì không thể chế gự nên người quan sát cảm thấy một ấn tượng về sự tương tự. Giả tượng bao gồm trong chính nó điểm nhìn khu biệt; người quan sát hợp tác với chính giả tượng, nó biến đổi và biến dạng cùng với điểm nhìn của kẻ quan sát”[2] và “Giả tượng không phải là một bản sao xuống cấp, nó đoạt lại một sức mạnh tích cực, sức mạnh này phủ nhận cả nguyên bản lẫn bản sao, cả kiểu mẫu lẫn việc sản xuất.”[3]  Jacques Derrida cho rằng văn tự (écriture) là một giả tượng (simulacre), một sự xoán ngôi giả khi văn tự cưỡng chiếm ngôn từ (logos) bằng sức mạnh và bằng mưu chước.[4]

 

Thơ Nguyễn Thị Hải là bức “ký họa”chỉ cho người đọc “lối ngõ cổng vào” như trong bài Con Cừu của Hoàng Tử Bé, Cổng Ngõ của Tôi  “Chỉ bức ký họa ấy/Mới có nhiều dư địa/Cho cỏ hoa.” Dư địa ở đây chính là cái không gian chưa bị chiếm đoạt, trống không để người đọc và nhà phê bình đào xới trồng trọt, nghĩa là để lại dấu vết. Nhưng đó cũng lại là một thách đố. Trên bìa 1 và bìa 4 tập thơ Một Dòng Tiểu sử của Bạn Tôi Nguyễn Thị Hải cho in họa đồ Bài Giải tích số 3 đề nghị người đọc “tính diện tích, bóng một con trâu trên đồng chiêm trũng.” Điều đáng chú ý là nét chữ bài toán đố này là tuồng chữ của trẻ con, học sinh tiểu học. Cũng trong tập thơ này tác gia phân tập thơ ra các phần ngăn cách bởi 4 bức ký họa mô tả chuyển dịch của một nam nhân đi qua một vòm cổng: sắp sửa vào, vào nửa người, vào hẳn trong cổng, và bóng người biến mất chỉ còn lại vòm cổng. Cả hai Bài Giải tích số 3 và 4 bức ký họa “vài ba đường nét là đủ” đều mang thông điệp truy tìm giả tượng. Thêm nữa trong bài thơ Người Tù Nguyễn Thị Hải cũng chú giải “Tù” bằng từ Hán tượng hình: [bộ] nhân/con người nằm lọt trong [bộ] vi.

 

Có thể kể ra rất nhiều thí dụ về ngôn ngữ phù ảo trong thơ Nguyễn Thị Hải:

                   Nhành dây leo

                   Bò chơi vào giấc mơ tôi

                   Tôi đang nghe nó nói tiếng gì đây

                   Nhưng không nghe thấy gì

                   Sáng ra

                   Tôi thấy dường như nó khô héo hơn

                   Sợi dây thép buộc sẵn cho nó

                   Cứ đung đưa mãi mãi những chiếc lá buồn rầu

                   Ngay cả lúc tỉnh này

                   Tôi cũng không nghe được nó đang nói gì

                   Trên ban công chót vót giữa trời xanh kia

                                                                   (Dây leo)

hay:

                   Leo từng bậc cấp lên núi

                   Trên đỉnh núi có ngôi am nhỏ

                   Trong am có vị sư già

                   Cười tự nhiên khoe răng rụng

                   Tự hỏi

                   Mình gặp được Người hay Phật

                                                                   (Nhà sư)

 

Ngôn ngữ phù ảo cũng là một thứ bản viết mới đè lấp bản viết cũ (palimpseste):

                   Trong tay tôi có hòn than

                   Sốt sắng đi tìm một bức tường

                   ........................

                   Đứng trước bức tường đầy những nét vẽ từ trước

                   Trầm lặng viết lên mấy chữ

                                                                   (Hòn than)

 

Thực tại và giả tượng thường được Nguyễn Thị Hải đặt trong đối nghịch “hiện diện”/ “khiếm diện:

                   Con chim đi vắng

Chủ nhân cũng đi vắng

Họ đi vắng thật ư

                   Tôi lắng tai nghe

                   Có tiếng chim lích chích

                   Và ai đó thì thào

                   Tôi nghe thêm một lát

                   Sau đó tôi rời đi

                   Mãn nguyện

                                                (Lồng chim)

 

Thao tác của ngôn ngữ phù ảo: Giản phác/Nghiệp dư/Như thiền sư/Thể nghiệm chân như/Trong lúc tụng niệm/Một mình.

 

Ngôn ngữ phù ảo có ba chức năng: gợi ra (évocation), kích động (provocation), và thu hồi (révocation) đều được Nguyễn Thị Hải sử dụng trong các bài thơ khác nhau:

                   Phương pháp được lặp lại ở những sự vật khác

                   Những sự vật gốc nhỏ bé quen thuộc

                   Được phóng chiếu thành kỳ vĩ huyền ảo

                                                (Họa sĩ)

 

Giả tượng cũng gợi ra cổ tích, huyền thoại như trong bài Dấu chân “Bà ướm thử dấu chân/Bàn chân của cô Tấm/Đẹp cô đơn/Như hóa thạch/Lưu lại từ vạn cổ”.

 

Nhận xét sau cùng về thơ Nguyễn Thị Hải: thi ca phảng phất khí hậu Phật giáo Thiền tông, Haiku Basho và thơ chữ Hán của Ức Trai Nguyễn Trãi.

 

thạch trân

6.2018                 

                                                         

___________________________________

[1] Michel Foucault, Prose de Actaeon, trong Dits et Ecrits.

[2] Giles Deleuze, Logique du sens trang 298: [...] le simulacre implique de grandes dimensions, des profondeurs et des distances que l’observateur ne peut pas dominer. C’est parce qu’il ne les domine pas qu’il éprouve une impression de ressemblance. Le simulacre inclut en soi le point de vue differentiel; l’observateur fait partie du simulacre lui-même, qui se transforme et se déforme avec son point du vue.

[2] Sđd trang 302: Le simulacre n’est pas une copie degradée, il récèle une puissance posotive qui nie et l’original et la copie, et le modele et la reproduction.

[3] Jacques Derrida, La Pharmacie de Platon I,  La dissémination trang 81-148.