Nguyễn Thị Hải

 

trước bến

Viên nguyệt đậu tiền phố

 

Viên nguyệt thay bạch nhật

Tiền phố đổi trường đồ

Thuyền đậu, cò nhạn đậu

Sương hàn bờ sậy lau

 

Đàn lẻ, tay áo đẫm

Ngày tàn còn mộng sâu

Màu Sở dâng đâu đấy

Dường khơi chung hương sầu

 

 

1.圆月逗前浦, Viên nguyệt đậu tiền phố (Trăng tròn dừng bãi trước, Bùi Hạnh Cẩn dịch), câu thơ trong bài “Phú đắc bạch nhật bán (bạng) Tây sơn”, (Phú đắc: Mặt trời trắng bên núi Tây) của Thường Kiến, thi nhân đời Đường. Thường Kiến, năm sinh năm mất chưa rõ, năm Khai Nguyên thứ 15 (727) thi đỗ tiến sĩ, đồng bảng với Vương Xương Linh. Trên mộ bia ghi ông quê Hình Châu (nay là thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc). Thường Kiến tuy thi đậu tiến sĩ, nhưng trước sau chỉ làm chức quan bát phẩm, huyện úy huyện Hu Di,  thuộc tỉnh Giang Tô, (vào khoảng niên hiệu Thiên Bảo), nên sớm có ý thoái ẩn, ngao du sơn thủy, phóng túng cầm tửu. Về sau, ông chuyển đến ẩn cư ở Ngạc Chử (nay thuộc Vũ Xương, Hồ Bắc). Bài thơ “Phú đắc bạch nhật bán (bạng) Tây sơn”, hẳn được viết khi ông đã về ẩn cư ở Ngạc Chử.

Tác phẩm để lại chỉ khoảng 57 bài, trong đó có một số bài thơ biên tái viết thời trẻ, còn lại là thơ sơn thủy điền viên. Ông được xếp vào một trong 4 nhà thơ xuất sắc của phái sơn thủy điền viên đời Thịnh Đường gồm, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Thường Kiến, Trừ Quang Hi.  

 

2. Tây Sơn, Ngạc Chử tỉnh Hồ Bắc nằm trong địa giới nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Màu Sở ở đây tỉ như một thứ “yên ba giang thượng”, và nỗi hương sầu, không phải chỉ là nỗi sầu quê xứ cắt rốn chôn nhau, mà chính là sầu non nước mang mang, tiền đồ vô định.

 

3. “Phú đắc” 赋得, mượn câu thơ của người xưa hoặc một mệnh đề thành ngữ dân gian để làm đầu đề bài thơ, nên đầu đề ghi hai chữ “phú đắc”. Đây là một phương thức sáng tác dùng trong ứng chế hoặc khoa cử, gọi là “phú đắc thể”.

 

 

4. Bài thơ, Phú đắc: Mặt trời trắng bên núi Tây

Tấm thân như đò nhẹ
Xế chiều khoảng núi Tây
Thường theo bóng buồm thẳm
Xa tắp giáp trời mây
Cảnh vật chuyển thanh u
Ánh chiều đẹp sườn cây
Long lanh dòng biếc mờ
Trời lặn ráng lẻ bầy
Bến bãi xa le lói
Mây hồ còn loáng bay
Bờ xa Kinh Môn khép
Rừng xám màu Sở dày
Đêm đến chuyển vắng quạnh
Se sắt lùa gió may
Bến cát cò vạc ngủ
Chốn đậu cỏ hà đầy
Trăng tròn dừng bãi trước
Đàn lẻ động vài dây
Lạnh lẽo đêm thăm thẳm
Sương băng đẫm áo dày

(Bùi Hạnh Cẩn dịch, nguồn thivien.net)

 

 

 

 

Vĩnh Châu

Phong cao du liễu sơ

Sương trọng lê táo thục

 

Gió thu thổi du liễu

Tứ phương đồng tiêu sơ

Có riêng gì thôn ổ

Vĩnh Châu khi chiều tà

 

Vườn xưa mười năm biệt

Gió sương giờ ra sao

Quê người vườn lê táo

Sương sa chín bộn bề

 

 

,

Phong cao du liễu sơ,

Sương trọng lê táo thục.

(Gió thổi trên cây du cây liễu tiêu sơ,

Sương sa là lúc lê táo chín rộ.)

Hai câu thơ trích trong “Điền gia” bài thứ 3, của Liễu Tông Nguyên, thi nhân thời Trung Đường. Liễu Tông Nguyên (773-819), nguyên quán Hà Đông (nay là huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây), sinh trưởng tại kinh đô Trường An. Năm 793, 21 tuổi thi đậu tiến sĩ, trải qua một số chức vụ, đến năm 803, được thăng Giám sát ngự sử, trong nhóm thân tín của Vương Thúc Văn, người chủ trương cải cách chính trị niên hiệu Vĩnh Trinh. Cải cách thất bại, Vương Thúc Văn bị ban chết, Liễu Tông Nguyên và những quan viên khác (trong đó có Lưu Vũ Tích, tiến sĩ đồng khoa và là bạn thân của Liễu Tông Nguyên) bị đày đi làm Tư Mã ở các tỉnh xa ở phía Nam. Mười năm làm Tư Mã Vĩnh Châu (Hồ Nam), vừa về đến kinh thành, lại phạm lỗi can gián, nên bị đày xuống Liễu Châu (Quảng Tây), bốn năm sau thì mất, khi đó mới 47 tuổi.

Những năm làm quan Tư Mã địa phương, Liễu Tông Nguyên gần gũi quan sát đời sống người dân, thơ ca và nhất là cổ văn chú trọng yếu tố hiện thực, phản ánh thực trạng xã hội đương thời. Chùm thơ ba bài “Điền gia” là một ví dụ. 

Cải cách Vĩnh Trinh thất bại, bị đày đi xa, vĩnh cách cố hương, bằng hữu trở thành nỗi ưu sầu, u uất thường trực trong thơ Liễu Tông Nguyên.  Hai chữ “cố viên”(vườn xưa) lấy trong bài “Linh Lăng tảo xuân” của ông.

Vấn xuân tòng thử khứ,
Kỷ nhật đáo Tần Nguyên?
Bằng ký hoàn hương mộng,
Ân cần nhập cố viên.

(Hỏi xuân từ nơi này đi

Mấy ngày thì đến được Tần Nguyên
Cho ta gửi giấc mộng hồi hương

Về đúng nơi vườn cũ).

 

 

*Nội dung Cải cách Vĩnh Trinh, năm 805: Khống chế quyền lực của các phiên trấn, tăng cường quyền lực triều đình; thu hồi binh quyền trong tay hoạn quan và phiên trấn; bãi bỏ cung thị (hoạn quan đứng ra mua sản vật của người dân, trả tiền rất thấp, thậm chí không trả tiền), bãi truất ngũ phường tiểu nhi (năm ban hoạn quan); trừng trị tham quan ô lại; chỉnh đốn thuế thu;... Sau khi Đường Thuận Tông lên ngôi, niên hiệu Vĩnh Trinh, thuận cho nhóm cải cách thi hành các chính sách trên, nhưng nhà vua không may lâm bệnh, bị ép nhường ngôi vị cho con, phe bảo thủ thắng thế, cải cách Vĩnh Trinh thất bại, vỏn vẹn chỉ trong 146 ngày.

 

 

Nguyễn Thị Hải

 

http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html

 

 

© gio-o.com 2019