nguyễn thị hải


tiễn biệt

 


Mạc đạo thu giang ly biệt nan

 

Biệt ly thuyền dưới bến

Lầu cao tiệc chửa tàn

Điệu vũ lơi mời mọc

Thâu đêm cơn say bền

 

Sông thu khôn cầm được

Bạch lộ kể chi hàn

Lấy dài đêm tiễn biệt

Nối muôn trùng lênh đênh

 

 

Mạc đạo thu giang ly biệt nan (Đừng nói sông thu khó ly biệt) là câu thơ trong bài “Trùng biệt Lý bình sự” của Vương Xương Linh, thi nhân đời thịnh Đường.

 

Vương Xương Linh (698-757), tự Thiếu Bá, quê quán Tấn Dương, Hà Nam (tức Thái Nguyên, Sơn Tây), có thuyết lại ghi quê Kinh Triệu, Trường An, (tức Tây An, Thiểm Tây ngày nay). Vương Xương Linh thuở nhỏ nhà nghèo, sinh sống bằng nghề làm ruộng, đến năm 23 tuổi đến Tung Sơn học đạo, đồng thời trau dồi sách vở. Ba năm sau xuống núi, tài hoa chín chắn nhưng không gấp vội tham gia khoa cử, Vương Xương Linh ngược lên quan ải, thực địa biên cương, viết những bài thơ biên tái hùng hồn, phóng khoáng, lưu danh thiên cổ.

 

Xuất tái (kỳ 1)

Tần thời minh nguyệt, Hán thời quan

Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn

Đãn sử Long Thành phi tướng tại\

Bất giao Hồ mã độ Âm san

 

Ải Hán trăng Tần sáng lạnh căm
Người đi chinh chiến mãi xa xăm
Long Thành nếu vẫn còn phi tướng
Hồ mã dễ gì vượt núi Âm

(Tạ Trung Hậu dịch thơ, thivien.net)

 

29 tuổi, Vương Xương Linh về Trường An, ẩn cư Lam Điền, Thạch Môn cốc, chuẩn bị tham gia khảo thí. Năm 727, 30 tuổi, Vương Xương Linh thi đỗ tiến sĩ, 4 năm sau thi đỗ khoa Bác học hoành từ, được bổ nhiệm chức quan nhỏ, huyện úy Dĩ Thủy (Hà Nam). Sau đó bị biếm trích Lĩnh Nam, 4 năm mới được triệu hồi Trường An, nhận chức mới, Giang Ninh thừa (Nam Kinh, Giang Tô). Đến năm 748, bị biếm trích lần hai, làm huyện úy Long Tiêu (Hồ Nam).  Năm 756, từ Long Tiêu, Vương Xương Linh từ quan hồi gia. Lúc này, đang xảy ra biến loạn An Lộc Sơn, Vương Xương Linh về đến Bạc châu, An Huy thì bị viên thứ sử Bạc châu giết hại. Đó là vào năm 757. 

 

Vương Xương Linh, ngoài thơ biên tái, còn nổi bật cả ở đề tài khuê oán, cung oán và tống biệt. Thơ thất ngôn tuyệt cú của ông sánh ngang với thơ Lý Bạch, được hậu thế tôn xưng “Thi gia phu tử Vương Giang Ninh”.

Vương Xương Linh sinh thời kết giao rộng rãi, có thể kể ra những tên tuổi lừng lẫy trên thi đàn như Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Sầm Tham, Vương Chi Hoán, Tân Tiệm…. Nghe thuật lại, trên đường biếm trích Lĩnh Nam, đi qua Hồ Bắc,Vương Xương Linh gặp Mạnh Hạo Nhiên bấy giờ đang dưỡng bệnh ở Tương Dương. Hai thi nhân, một điền viên, một biên tái, vô cùng hoan hỉ, bày tiệc linh đình. Mạnh Hạo Nhiên bị bệnh ung độc từ trước, phải kiêng rượu và đồ tanh, gặp bạn quá vui nên quên, bệnh tái phát kịch liệt rồi mất. Vương Xương Linh trên đường đi nhận được tin ấy đã vô cùng đau xót, thống hối.

 

Bài thơ “Trùng biệt Lý bình sự” viết khi Vương Xương Linh đang làm quan ở Giang Ninh, mùa thu, do căn cứ vào chi tiết “Ngô cơ hoãn vũ” và “thanh phong bạch lộ”.

Lý bình sự là một người bạn họ Lý, làm chức bình sự (một tư pháp quan phụ trách án ngục). 

 

Bài thơ “Trùng biệt Lý bình sự”

 

  




 

Mạc đạo thu giang ly biệt nan,
Chu thuyền minh nhật thị Trường An.
Ngô cơ hoãn vũ lưu quân tuý,
Tuỳ ý thanh phong bạch lộ hàn.

 

 

Đừng nói sông thu ly biệt nan,
Ngày mai thuyền nhỏ cặp Trường An.
Gái Ngô múa chậm lưu say khách,
Mặc ý phong xanh, móc lạnh tràn.

(mailang dịch thơ, thivien.net)

 

nguyễn thị hải

 

http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html

 

© gio-o.com 2020