tranh: họa sĩ RỪNG (Kinh Dương Vương)



 

 

nguyễn thị hải

cổ thi tư cảm

 

 

thắng hội

Dao khâm phủ sướng, dật hứng thuyên phi

 

Đài cao bày tiệc lớn

Mãn danh sĩ, đại thần

Giữa hội riêng thỏa mộng

Gió thu tay áo lồng

 

Bầu tâm giờ khai giải

Hứng cảm thành từ chương

Gác vương lưu truyền mãi

Chàng đầu xanh thôi buồn

 

 

Dao khâm phủ sướng, dật hứng thuyên phi”, 遙襟甫暢,逸興遄飛 , là câu trong bài văn biền ngẫu “Đằng Vương Các tự” của Vương Bột, nhà thơ thời Sơ Đường.

 

Câu văn này, đây đó có những cách giải thích mà ý tứ khác nhau xa. Phổ biến thì hiểu là “Lên cao nhìn xa, tâm hồn liền thư thái; hứng thú tiêu sái, thoát tục bồng bột nảy sinh.” (Thư viện bách khoa Trung Quốc). Nhưng những bản dịch thơ tiếng Việt hầu hết lại hiểu là “遥吟甫畅,逸兴遄 ” (Dao ngâm phủ sướng, dật hứng thuyên phi). “Khúc ngâm xa xôi sảng khoái; hứng thú phiêu dật bay nhanh.” (Trần Trọng San). Gần đây, tiến sĩ Trần Xương Xuân, đại học Nam Kinh đưa ra kiến giải khá thuyết phục. “遙襟甫暢,逸興遄飛” (Dao khâm phủ sướng, dật hứng thuyên phi). Căn cứ vào phép đối ngẫu, cho phép xác định các cặp hình dung từ, “dao” (xa xôi) đối với “dật” (thoát tục)“ và “phủ” (lớn) đối với “thuyên” (nhanh), còn “Khâm” là “khâm hoài” (tâm sự, hoài bão), từ đây suy ra cách hiểu “Tâm hồn rộng mở, sướng thích khoan khoái cực độ; hứng thú, (hứng cảm) hào phóng, thoát tục bay nhanh (bồng bột nảy sinh)”. Câu văn toát ra hào khí và phong thái danh sĩ của Vương Bột.

 

Vương Bột viết bài đề tự Đằng Vương Các vào tiết Trùng Cửu, năm thứ 2 niên hiệu Thượng Nguyên (675). Đô đốc Hồng Châu, Diêm Bá Tự trùng tu gác Đằng Vương, mở tiệc đãi khách, đồng thời dụng ý khoe tài văn chương thi phú của con rể quý là Mạnh học sĩ. Chẳng ngờ, khi lời đề nghị viết bài đề tựa cho Đằng Vương Các đưa ra, quan khách ai nấy đều nhất mực từ chối vì đều hiểu ngầm ý của Đô đốc, chỉ chàng Vương xem như cơ hội ngàn vàng, đón nhận giấy bút, giữa hội điềm tĩnh ung dung viết ra bài tựa lưu truyền thiên cổ. Đằng Vương Các cũng trở nên bất tử từ giây phút đó.

 

Sau hội “Long Môn”, Vương tiếp tục hành trình đi xuống phương Nam thăm cha làm huyện lệnh Giao Chỉ. Sử ghi, trong chuyến đi đó, Vương bị chết đuối trên biển, nhưng không rõ là trên chuyến đi hay chuyến về. Nghe nói, mộ phần của Vương ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An, thuở xưa chàng được được dân chúng trong vùng tạc tượng, lập miếu thờ phụng.

 

Vương Bột, 王勃 (650-676), tự Tử An 子安, quê Long Môn, Giáng Châu (nay là thành phố Hà Tân, tỉnh Sơn Tây). Vương Bột là chắt của danh Nho cuối đời Tuỳ, Vương Thông. Vương Thông có người em trai là Vương Tích, nhà thơ nổi bật thời Sơ Đường. Xuất thân trong gia đình học vấn lâu đời, Vương Bột từ nhỏ đã nổi tiếng “thần đồng”. 16 tuổi thi đỗ khoa “U Tố” (幽素科), khoa thi ngoại lệ, nhằm tìm kiếm nhân tài đặc dị còn ẩn dật. Được ban chức Triều tán lang, giữ việc Tu soạn ở phủ Bái Vương Lý Hiền. viết “Hịch Anh Vương kê”, cổ vũ việc đấu gà giữa Bái Vương và Anh Vương Lý Hiển, bị vua Cao Tông nổi giận ra lệnh trục xuất khỏi kinh thành (năm 668). Vương Bột vào đất Thục, du ngoạn sơn thủy, để lại nhiều tác phẩm. Năm 671, Vương về lại Trường An, được bạn giúp đỡ được nhận chức Tham quân ở Quắc Châu (Hà Nam). Thời gian này, Vương Bột đã che giấu một tên tội phạm sau lại đem hắn giết đi vì sợ liên luỵ, sự việc bại lộ, bị xử tội chết, may được ân xá, chỉ bị cách chức. Đường hoạn lộ kể như dứt tuyệt. Vậy nên gặp ngày trọng đại như bữa tiệc lớn trên Đằng Vương Các, chàng đã dụng tâm phát huy học vấn và tài hoa của mình qua bài biền văn giữa bao tân khách. Qua đó thể hiện ý chí “Lúc cùng hãy nên thêm vững, không rớt chí đường mây xanh”.

Sống một cuộc đời ngắn ngủi vào buổi Sơ Đường, nhưng công lao của chàng là một trong những người tiên phong mở ra cả một thời đại thơ ca huy hoàng sau đó. Đỗ Phủ nói về Sơ Đường Tứ Kiệt như sau:

“ Vương, Dương, Lư, Lạc đương thời thể

............

Bất phế sơn hà vạn cổ lưu” (Hí vi lục tuyệt cú kỳ nhị)

“Vương, Dương, Dư, Lạc thể đương thời,

.............

Còn mãi, giang hà muôn thuở trôi” (Vui làm sáu bài tuyệt cú, bài 2. Trần Trọng San dịch).

 

*Vương, Dương, Lư, Lạc, Sơ Đường tứ kiệt: Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương.

*Đằng Vương Các, ở Nam Xương, Giang Tây, là một trong ba đại danh lâu vùng Giang Nam, cùng Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán, Hồ Bắc và Nhạc Dương Lâu ở Hồ Nam. Đằng Vương Các do Đằng Vương Lý Nguyên Anh (em trai Đường Thái Tông Lý Thế Dân) khi nhậm chức Đô đốc Hồng Châu đã cho xây dựng vào năm 659.

 

 

Tham khảo:

1. Bài viết của tiến sĩ Trần Xương Xuân. http://blog.sciencenet.cn/blog-350729-663917.html

2. Loạt 3 bài “Thần thi Vương Bột” của Nhà nghiên cứu Thái Doãn Hiểu đăng trên tạp chí Văn hoá Nghệ An. http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/9194-than-thi-vuong-bot-1

3. Đằng Vương Các Tự https://www.thivien.net/V%C6%B0%C6%A1ng-B%E1%BB%99t/%C4%90%E1%BA%B1ng-V%C6%B0%C6%A1ng-c%C3%A1c-t%E1%BB%B1/poem-FT3LNnXR5KVN9HD70_hBOw

 

 

Nguyễn Thị Hải

 

 

7. 2020