Nguyễn Thị Hải
cổ thi tư cảm
Song Tây
Hà đương cộng tiễn tây song chúc
Núi Ba một kiếp, mưa qua cửa,
Ao tối hồn khuya quất lạnh lùng.
Song tây nến đỏ ghìm trong mộng,
Dú lửa tương phùng ngỏ kiếp xưa.
“Hà đương cộng tiễn tây song chúc” là câu thơ trong bài “Dạ vũ kí Bắc” của Lý Thương Ẩn, thi nhân đời vãn Đường.
Lý Thương Ẩn (813-858), tự Nghĩa Sơn, hiệu Ngọc Khê Sinh, một hiệu khác là Phàn Nam Sinh. Quê quán Hoài Châu, Hà Nội (nay là Thấm Dương, Hà Nam), nhưng từ đời ông nội đã chuyển đến sống ở Trịnh Châu (Hà Nam). Cha mất sớm, gia cảnh nghèo khó, lênh đênh đây đó. Được Lệnh Hồ Sở nâng đỡ, dạy dỗ, sau nhiều lần đận khoa cử, ông thi đậu tiến sĩ vào năm thứ hai niên hiệu Khai Thành (837). Lý Thương Ẩn kết hôn với con gái của Vương Mậu Nguyên, vô tình bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe Ngưu -Lý. Vương Mậu Nguyên là người của phe Lý (do Lý Đức Dụ cầm đầu), cha con Lệnh Hồ Sở, Lệnh Hồ Đào là người của phe Ngưu (do Ngưu Tăng Nhụ cầm đầu). Lệnh Hồ Đào mắng Lý Thương Ẩn bội ân. Con đường hoạn lộ của Lý Thương Ẩn vô cùng lận đận. Cuối cùng bị bãi chức quan nhỏ năm 857, trở về Trịnh Châu và qua đời vào năm sau đó, khi mới 46 tuổi.
Bài thơ “Dạ vũ kí Bắc” viết khi Lý Thương Ẩn ở Ba Thục, làm thư kí cho Liễu Trọng Dĩnh, tiết độ sứ Đông Xuyên. Ông ở Ba Thục trong khoảng 4 năm, từ 851 đến 854. Vợ ông mất vào chính năm 851, có thể là sau khi ông đã đến Đông Xuyên. (Vì không xác thực về mặt thời gian nên có những tranh luận rằng bài thơ này viết cho vợ hay cho bạn bè ông ở Trường An).
Lý Thương Ẩn là nhà thơ lớn thời Vãn Đường, sánh ngang với Đỗ Mục, Ôn Đình Quân... Thơ ông lời đẹp, ý tứ thâm trầm, sâu xa. Loạt thơ “Vô đề” của ông nổi tiếng hơn cả, có thể xếp vào loại thơ diễm tình, (tuy vẫn có những ngụ ý khác làm cho bài thơ trở nên đa nghĩa), đã khắc họa chân dung một khách tài tử đa tình bậc nhất trong lịch sử văn chương Trung Quốc.
Dạ vũ ký Bắc
Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì.
Dịch nghĩa:
Đêm mưa gửi về Bắc
Nàng hỏi ngày về nhưng ta vẫn chưa biết ngày nào về được,
Đêm mưa ở núi Ba, nước dâng đầy ao thu.
Ngày nào được cùng nàng cắt hoa đèn bên cửa sổ phía Tây,
Ta sẽ kể lại đêm mưa này ở núi Ba.
Dịch thơ:
Hỏi về chửa biết kỳ đâu
Non Ba mưa tối ao thu nước đầy
Bao giờ nối sáp song tây
Đêm mưa nói chuyện như ngày non Ba
(Người dịch: Khuyết Danh, nguồn thivien.net)
*Tôi coi những ngày tháng vò võ, sầu muộn của Lý Thương Ẩn ở núi Ba cũng là một kiếp. Ở kiếp đời ấy, ông vẫn mộng về “song tây”, có thể cho hiện kiếp mà cũng có thể là cho kiếp sau. Miễn là không thôi ấp ủ một tình yêu, một khao khát sum vầy, thì ánh lửa đoàn viên một thì nào đó vẫn hứa hẹn soi sáng, bù đắp, an ủi cho những âm thầm, chìm đắm, những cô đơn vô vọng bất thỏa của ta.
Nguyễn Thị Hải
12/2020