Nguyễn Thị Hải
Núi Nam
Chung Nam vọng dư tuyết
Tuyết Chung Nam tại vọng
Thành nội thiết thân hàn
Sang xuân về núi ẩn
Chung Nam kề bên song
Đỉnh tuyết lưu tiết sạch
Cây rạng gửi mộng lành
Tráng niên nhập lĩnh tú
Mộ hàn thân riêng mang
1. 終南望餘雪, Chung Nam vọng dư tuyết, (Ngắm tàn tuyết trên núi Chung Nam), là tựa đề bài thơ nổi tiếng của Tổ Vịnh, thi nhân thời Thịnh Đường. Tựa đề này vốn là đề thi, yêu cầu thí sinh làm theo thể ngũ ngôn trường luật 6 vần 12 câu, Tổ Vịnh chỉ viết bốn câu đã nộp quyển, quan coi thi hỏi tại sao không viết tiếp, Tổ Vịnh đáp “ý tận” (đã đủ ý).
Tổ Vịnh (699?-746?), người Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam). Đỗ tiến sĩ năm 724, được 张说 Trương Duyệt (Zhang Yue) đề cử, từng nhận chức Giá bộ viên ngoại lang một thời gian ngắn, sau chuyển đến Nhữ Thủy (Hà Nam) ẩn cư cho đến cuối đời. Tổ Vịnh kết thân với Vương Duy, Trừ Quang Hy. Trong bài “Tặng Tam Tổ Vịnh”, Vương Duy viết: “Hai mươi năm kết bạn/ Chưa một ngày vui chung/ Anh bệnh nghèo trầm trọng/ Tôi vất vả lao lung…” (Đinh Vũ Ngọc dịch).
2. ‘Sang xuân về núi ẩn/ Chung Nam kề bên song”, lấy ý trong bài “Tô thị biệt nghiệp”(Nhà riêng của họ Tô) của Tổ Vịnh.
Nhà
riêng ở vùng vắng lặng
Lại thăm sinh ra lòng muốn ở ẩn
Núi Chung Nam ở ngay bên cửa sổ
Sông Phong phản chiếu cảnh vườn rừng
Trúc che phủ qua mùa tuyết lạnh
Sân râm mát dù là chiều chưa xuống
Yên tĩnh như ngoài cõi người
Ngồi lặng lẽ nghe tiếng chim mùa xuân ca hót
(Bản dịch nghĩa của thivien.net)
3. Bài thơ “Chung Nam vọng dư tuyết”
Chung Nam âm lĩnh tú,
Tích tuyết phù vân đoan.
Lâm biểu minh tê sắc,
Thành trung tăng mộ hàn.
Từ kinh thành Trường An nhìn thấy mặt bắc núi Chung Nam tú lệ,
Tuyết phủ trên đỉnh núi tựa hồ trôi trong mây.
Chiều tạnh, ánh sáng tỏa rạng rừng cây,
Trong thành, chiều xuống trời càng lạnh.
Vị Thành khúc
Cánh dữ ân cần xướng Vị Thành
Vị Thành xướng cao khúc
Phá trúc liệt can tràng
Quần anh từ ly tán
Thiên nam bi lạc hồng
Như khách Dương Quan ngoại
Vừa kịp về Trường An
Quanh chiếu không bạn cũ
Nghe Dương Quan sao đành
Phá trúc: Vỡ nứt sáo
Liệt can tràng: đứt đoạn ruột gan
Quần anh: Tích niên ý khí kết quần anh (Lưu Vũ Tích). (Năm xưa cùng ý khí kết hội anh tài).
Thiên nam: trời nam
Lạc hồng: cô hồng, chim hồng nhạn lẻ bầy.
更與殷勤唱渭城, Cánh dữ ân cần xướng Vị Thành (Ân cần hát lại khúc hát Vị Thành), câu thơ trong bài “Dữ ca giả Hà Kham” (Cùng ca giả Hà Kham) của Lưu Vũ Tích, thi nhân đời Trung Đường.
Lưu Vũ Tích (772-842), tự Mộng Đắc, quê Lạc Dương, Hà Nam, đỗ tiến sĩ năm 793, đồng bảng tiến sĩ với Liễu Tông Nguyên, sau đỗ thêm khoa Bác học hoành từ. Lưu Vũ Tích và Liễu Tông Nguyên là hai trong số tám viên quan Tư Mã bị đi đày miền Nam Trung Quốc sau thất bại của “Vĩnh Trinh cách tân” năm 805. Nhị Vương Bát Tư Mã là 10 vị sĩ đại phu lãnh đạo “Vĩnh Trinh cách tân” dưới đời vua Đường Thuận Tông. Vua Đường Thuận Tông tại vị 184 ngày, cải cách Vĩnh Trinh diễn tiến trong 146 ngày, nhưng hậu quả mà các thành viên phải chịu vô cùng nặng nề. Nhị Vương là Vương Thúc Văn bị ban chết năm 806, Vương Phi cũng bệnh chết cùng năm. Tám quan viên còn lại bị giáng chức Tư Mã lưu đày miền Nam, người sớm qua đời, người tóc bạc mới được hồi kinh.
Nhị
thập dư niên tác trục thần,
Quy lai hoàn kiến Khúc Giang xuân.
Du nhân mạc tiếu bạch đầu tuý,
Lão tuý hoa gian hữu kỷ nhân.
Dưới hoa vườn hạnh đáp lại bài thơ tặng của Lạc Thiên
Hai
chục năm hơn khách lưu đày
Về thăm sông Khúc tiết xuân này
Chớ cười đầu bạc còn say khướt
Dưới hoa dễ được mấy lão say
(Phụng Hà dịch thơ, thivien.net)
Lưu Vũ Tích bị biếm trích tổng cộng 23 năm. Năm 827 được triệu về, 828 về tới kinh thành Trường An. Bài thơ “Dữ ca giả Hà Kham” được viết tại thời điểm này.
與歌者何戡
二十餘年別帝京,
重聞天樂不勝情。
舊人唯有何戡在,
更與殷勤唱渭城。
Dữ ca giả Hà Kham
Nhị thập dư niên biệt đế kinh,
Trùng văn thiên nhạc bất thăng tình.
Cựu nhân duy hữu Hà Kham tại,
Cánh dữ ân cần xướng Vị Thành.
Dịch nghĩa:
Hơn hai mươi năm xa biệt kinh thành,
Hôm nay được nghe lại khúc ca trong cung thuở trước.
Bạn bè cũ chỉ còn có Hà Kham,
Ông ân cần hát bài “Vị Thành khúc”.
Hà Kham: Ca nhân nổi tiếng đương thời.
“Vị Thành khúc” là bài thơ thất ngôn tuyệt cú nổi tiếng của Vương Duy (699-759), còn có tựa đề “Tống Vương Nhị sứ An Tây” (Tiễn Vương Nhị đi sứ An Tây). Nhạc công, ca nhân đương thời thường hát “Vị Thành khúc” hòa với đàn sáo, trở thành khúc ca tống biệt thịnh hành, lưu truyền thiên cổ. Vì hát “Vị Thành khúc” thường điệp ba lần (có thuyết cho rằng điệp ba câu cuối, có thuyết cho rằng chỉ điệp câu cuối cùng) nên khúc ca còn có tên “Dương Quan tam điệp”. Tương truyền tiết điệu khúc hát rất cao, đến nỗi làm vỡ nứt cả sáo.
Vị Thành khúc
Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân
Mưa mai thấm bụi Vị Thành,
Liễu bên quán trọ sắc xanh ngời ngời.
Khuyên anh hãy cạn chén mời,
Dương Quan ra khỏi ai người cố tri.
(Nam Trân dịch thơ, thivien.net)
Nguyễn Thị Hải
http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html
© 2019