Nguyễn Thị Hải
Ngựa
Hướng phong tê nhất thanh
Mãng thương Hoàng Hà khúc
Thế thời băng tuyết lở
Trời Hoàng Hà mênh mông
Ngựa côi thương chủ cũ
Hí nghinh phong nao lòng
Chân còn đi nghìn dặm
Tiếc không người tử sinh
Giữa đất trời vô hạn
Loanh quanh gặm cỏ hàn
Chú Thích:
1.
Hướng phong tê nhất thanh
Mãng thương Hoàng Hà khúc
(Ngẩng đầu trước gió hí lên một tiếng
Bên khúc sông Hoàng Hà mênh mang)
Hai câu thơ trong bài thơ “Luy tuấn”(Ngựa gầy) của Bạch Cư Dị, thi nhân đời Trung Đường.
Bạch Cư Dị (772-846), tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, Túy Ngâm tiên sinh, nguyên quán Thái Nguyên, Sơn Tây, sau chuyển tới huyện Vị Nam, Thiểm Tây. Đỗ tiến sĩ năm 800, làm quan tới ngoài 70 tuổi mới về nghỉ hưu. Lúc trẻ có nhiệt tình cải cách chính trị, quan tâm đời sống nhân dân, chủ trương “Làm văn phải vì thời thế mà làm. Làm thơ phải vì thực tại mà viết”. Giai đoạn này ông viết nhiều thơ phúng dụ, thẳng thắn vạch trần bộ mặt chính trị thối nát, miêu tả chân thực đời sống khốn khổ của dân chúng.
Bị vua quan quyền quý hiềm khích, biếm đi làm Tư Mã Giang Châu, thứ sử Trung Châu, Bạch Cư Dị lần hồi chán ngán quan trường, “độc thiện kì thân” (tu dưỡng thân tâm, bảo tồn tiết tháo), viết nhiều thơ cảm thương, nhàn thích.
2.
Chân còn đi nghìn dặm
Tiếc không người tử sinh
Trong bài thơ “Phòng binh tào Hồ mã” (Con ngựa Hồ của quan binh tào họ Phòng) của Đỗ Phủ có đoạn:
“Trúc phê song nhĩ tuấn,
Phong nhập tứ đề khinh
Sở hướng vô không khoát
Chân kham thác tử sinh”
Dịch nghĩa:
Hai tai nhọn đứng như lá trúc
Bốn vó chạy nhanh như gió nhập vào
Vọng hướng tới những miền xa rộng
(Loài ngựa như thế) có thể giao phó sinh mệnh cho nó
3. Bài thơ “Luy tuấn”
驊騮失其主,
羸餓無人牧。
向風嘶一聲,
莽蒼黃河曲。
踏冰水畔立,
臥雪冢間宿。
歲暮田野空,
寒草不滿腹。
豈無市駿者,
盡是凡人目。
相馬失於瘦,
遂遺千裡足。
村中何擾擾,
有吏徵芻粟。
輸彼軍廄中,
化作駑駘肉。
Hoa lưu thất kỳ chủ,
Luy ngã vô nhân mục.
Hướng phong tê nhất thanh,
Mãng thương Hoàng Hà khúc.
Tháp băng thuỷ bạn lập,
Ngoạ tuyết trủng gian túc.
Tuế mộ điền dã không,
Hàn thảo bất mãn phúc.
Khởi vô thị tuấn giả,
Tận thị phàm nhân mục.
Tướng mã thất ư sấu,
Toại di thiên lý túc.
Thôn trung hà nhiễu nhiễu,
Hữu lại trưng xô túc.
Thâu bỉ quân khái trung,
Hoá tác nô thai nhục.
Con tuấn mã mất chủ,
Gầy đói đi lang thang.
Từng tiếng dài hí gió,
Bên Hoàng Hà mênh mang.
Chân lội tuyết bờ nước,
Thân nằm mả trong sương.
Trời đông, đồng quạnh quẽ,
Cỏ lụi, bụng đói nhàng!
Vẫn có kẻ kén ngựa,
Nhưng mắt lại tầm thường,
Chẳng biết tài nghìn dặm,
Chỉ chê gầy giơ xương!
Trong xóm đang nhộn nhịp,
Nha lại thu thóc lương,
Tải về tàu quân trại,
Nuôi ngựa thồ béo chương!
(Hoàng Tạo dịch thơ, nguồn thivien.net)
Nắng Lạnh
U Châu bạch nhật hàn
Trăm trận tan đời thịnh
Trường loạn lụy núi sông
Du tử hồi hương vọng
Bắc hành lệ chứa chan
Khắp miền hoang nắng lạnh
U Châu cỏ mọc tràn
Sinh nhai Giang Thành khách
Khi nao vượt Tang Càn
Chú Thích
1.
幽州白日寒
U Châu bạch nhật hàn
(U Châu ngày nắng khan)
Câu thơ trong bài “Mục Lăng quan bắc phùng nhân quy Ngư Dương” (Phía bắc ải Mục Lăng gặp người về Ngư Dương) của Lưu Trường Khanh, thi nhân đời Trung Đường.
Lưu Trường Khanh (709?-789?), tự Văn Phòng, người huyện Hà Gian (Hà Bắc), đỗ tiến sĩ năm 733 (Khai Nguyên năm thứ 21), sĩ hoạn lận đận, hai lần bị biếm, cuối cùng làm thứ sử Tùy Châu, nên còn được gọi là Lưu Tùy Châu. Lưu Trường Khanh đồng thời với Đỗ Phủ (712-770), nhưng sáng tác muộn hơn, tập trung ở đầu đời Trung Đường. Ông mất khi đang tại chức thứ sử Tùy Châu.
2.
Bài thơ “Mục Lăng quan bắc phùng nhân quy Ngư Dương”, viết sau biến loạn An Sử (755-763). Miền Bắc Trung Quốc, trong đó vùng Hà Bắc, quê hương tác giả, là đại bản doanh của An Lộc Sơn, trở nên điêu tàn, hoang phế. Chiến loạn cũng đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ hưng thịnh của nhà Đường kéo dài hàng trăm năm, bước vào thời kỳ suy yếu, tàn vong.
Lưu Trường Khanh làm thứ sử Tùy Châu, thuộc tỉnh Hồ Bắc, nằm trên lưu vực sông Trường Giang, ít bị chiến tranh tàn phá, do quân của An Lộc sơn bị chặn lại ở Tuy Dương (Hà Nam) không thể tiến xuống phía Nam.
3. Bài thơ “Mục Lăng quan bắc phùng nhân quy Ngư Dương”
逢君穆陵路,
匹馬向桑乾。
楚國蒼山古,
幽州白日寒。
城池百戰後,
耆舊幾家殘。
處處蓬蒿遍,
歸人掩淚看。
Phùng quân Mục Lăng lộ,
Thất mã hướng Tang Càn.
Sở quốc thương sơn cổ,
U Châu bạch nhật hàn.
Thành trì bách chiến hậu,
Kỳ cựu kỷ gia tàn.
Xứ xứ bồng hao biến,
Quy nhân yểm lệ khan.
Lối Mục Lăng gặp bạn
Dong ngựa hướng Tang Càn
Đất Sở núi xanh thẳm
U Châu ngày rét khan
Trăm trận thành trì đổ
Bốn phương cửa nhà tan
Khắp nơi ngải hoang mọc
Người về lệ hai hàng.
(Phụng Hà dịch thơ, nguồn thivien.net)
4.
Chú thích địa danh:
- U Châu: tức Ngư Dương, nay thuộc khu vực Bắc Kinh. Thời Đường, Ngư Dương, Tang Càn thuộc U Châu. Trong bài, địa danh U Châu khái chỉ miền Bắc Trung Quốc.
- Tang Càn: tức sông Tang Càn, xuất phát từ tỉnh Sơn Tây, chảy qua Hà Bắc. Tương truyền hằng năm quả dâu chín cũng là lúc nước sông khô cạn, do đó mà thành tên.
- Mục Lăng quan: ải Mục Lăng, thuộc tỉnh Hồ Bắc.
- Giang Thành: tức Giang Hạ, một quận thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Trong một bài thơ, Lưu Trường Khanh tự xưng là “Giang Thành khách”.
“Thùy phỏng Giang Thành khách
Niên niên thủ nhất quan”
(Ví ai hỏi đến người khách ở Giang Thành
Thưa rằng, năm lại năm vẫn làm mãi một chức quan)
Nguyễn Thị Hải
11/2019
http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html