nguyễn thị hải

 

cổ thi tư cảm

 

 

nam chướng

tài khai hoàn lạc chướng vụ trung

 

Xuân nhiệt bừng hoa núi

Sương độc xông rã rời

Mắt trông muôn hồng tía

Rũ rực trời Nam hoang

Bắc khách mảnh hồn băng

Biệt đày phương nồng nã

Cốt tàn bờ chướng thủy

Cỏ thơm lên bời ngời

 

“Tài khai hoàn lạc chướng vụ trung”, câu thơ trong bài “Hạnh hoa” của Hàn Dũ, thi nhân đời Trung Đường.

 

Năm 803, Hàn Dũ bị biếm đi làm huyện lệnh Dương Sơn (Quảng Đông), cách kinh đô Trường An tám ngàn dặm. Đây là lần đầu tiên ông bị biếm trích về phương Nam. Khi đó ông làm Giám sát ngự sử, dâng sớ cáo với vua về thực trạng hạn hán mất mùa ở Quan Trung, trái ngược với lời tấu gian trước đó là lương thực được mùa, dân an cư lạc nghiệp. Bản tấu xúc phạm đến Kinh triệu doãn Lý Thực phụ trách hành chính ở kinh kì nên bị hắn gièm pha hãm hại. Năm 805, Hàn Dũ được xá tội, chuyển nhậm chức Pháp tào tham quân ở Giang Lăng (Hồ Bắc).

Ở Giang Lăng, mùa Xuân, Hàn Dũ đi ngắm hai gốc hạnh ở ngôi chùa cổ hoang lương, lòng sầu nhớ kinh thành, nhớ hoa hạnh đầy vườn ở Khúc Giang. Tiết Xuân ẩm nhiệt và cỏ hoa dị biệt của miền Nam chỉ càng gợi thêm nỗi u uất trong hồn ông quan bị tội đày viễn xứ.

 

二年流窜出岭外,所见草木多异同。

冬寒不严地恒泄,阳气发乱无全功。

浮花浪蕊镇长有,才开还落瘴雾中。

山榴踯躅少意思,照耀黄紫徒为丛。

鹧鸪钩輈猿叫歇,杳杳深谷攒青枫。

(trích Hạnh hoa)

 

“Nhị niên lưu thoán xuất lĩnh ngoại,

Sở kiến thảo mộc đa dị đồng.

Đông hàn bất nghiêm, địa hằng tiết,

Dương khí phát loạn vô toàn công.

Phù hoa lãng nhị trấn trường hữu,

Tài khai hoàn lạc chướng vụ trung.

Sơn lựu trịch trục thiểu ý tứ,

Chiếu diệu hoàng tử đồ vi tùng.

Giá cô câu châu viên khiếu hiết,

Yểu yểu thâm cốc toàn thanh phong.”

 

Dịch nghĩa:

“Hai năm trốn lánh miền Lĩnh Nam,

Cây cỏ xem dường nhiều khác biệt.

Hơi đất rò rỉ, mùa đông ấm áp,

Dương khí loạn phát, không vẹn toàn được công hiệu.

Hoa ngàn cỏ nội tuy thường nở,

Nhưng vừa nở đã tàn trong sương độc.

Sơn lựu, đỗ quyên thì chẳng thấy ý vị gì,

Dẫu nở thành lùm bụi, rực rỡ tím vàng.

Đa đa văng vẳng khi tiếng vượn vừa dứt,

Hang sâu mịt mùng chen chúc thông xanh.“

 

Lĩnh Nam, vào đời Đường vẫn còn là một vùng đất hoang vu, man dã, chướng nhiệt, độc trùng... là nơi tử địa, không chỉ lưu đày tội nhân “bất nhẫn hình sát, lưu chi viễn phương” mà còn cả những quan văn đại nghịch với triều đình bị biếm đi xa.

“Vị báo ân ba tri tử sở,

Mạc linh viêm chướng tống sinh nhai.”

(Chưa báo hết ơn vua đã biết đang ở cõi chết,

Đừng để cho khí nhiệt độc cướp mất cuộc sống )

(Đáp Trương Thập Nhất, Hàn Dũ)

 

Tới năm 819, ông một lần nữa lại bị đày đi Lĩnh Nam, sau khi dâng biểu can vua Đường Hiến Tông nghênh rước cốt Phật vào cung thờ phụng, hành vi mà ông cho là sùng bái dị đoan, xa xỉ, tạo thành lệ xấu từ vua quan cho tới nhân dân. Sáng dâng tấu, chiều bị đày đi Triều Châu xa tám ngàn dặm, tuy tự mình thương cảm thân thế, song vẫn khảng khái:

“Dục vị thánh minh trừ tệ sự,

Khẳng tương suy hủ tích tàn niên”

(Muốn vì triều chính can điều tệ

Sá nghĩ thân khô tiếc tuổi già)

(Phan Thúc Dĩnh, Nam Trân dịch thơ)

 

Bị biếm ra nơi, “Xứ xứ sơn xuyên đồng chướng lệ, Tự lân năng đắc kỷ nhân quy” (Núi sông khí độc nơi nơi, Tự thương mấy kẻ được rời nơi đây.)(Tống Chi Vấn, Nguyễn Minh dịch thơ), Hàn Dũ bảo với cháu là Hàn Tương:

“Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý,

Hảo thu ngô cốt chướng giang biên.”

(Hẳn cháu đến đây lòng đã định,

Chướng giang rồi nhặt nắm xương ta)

(Bùi Khánh Đản dịch thơ)

 

Những trích dẫn này nằm trong bài thơ thất ngôn luật “Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương” (Bị giáng chức đi xa, đến ải Lam dặn lại cháu Tương), là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Hàn Dũ.

 

Nhưng Hàn Dũ chỉ ở Triều Châu vài tháng, tháng 10 cùng năm được điều làm thứ sử Viên Châu (Nghi Xuân, Giang Tây), rồi tháng 9 năm sau được gọi về Trường An, làm chức quan nhàn, Quốc Tử Tế Tửu (quan đứng đầu phụ trách Quốc Tử Giám), cuối đời được thăng đến chức Lại bộ thị lang. So với Liễu Tông Nguyên (773-819), mười năm làm Tư Mã Vĩnh Châu (Hồ Nam), bốn năm làm thứ sử Liễu Châu (Quảng Tây), qua đời tại nhiệm sở khi mới 47 tuổi, thì Hàn Dũ may mắn hơn nhiều. Câu “Hảo thu ngô cốt chướng giang biên”, có lẽ ứng với Liễu Tông Nguyên hơn.

 

Cũng cần nói thêm, tuy các quan viên này bị đày đến “man hoang”, lòng không lúc nào nguôi bi phẫn, nhưng họ thực lòng lo lắng cho dân sở tại, đem hết tâm sức để bồi đắp, mở mang giáo dục, văn hoá, kinh tế. Như Liễu Tông Nguyên khi nhậm chức thứ sử Liễu Châu đã thốt trong nỗi ngậm ngùi: “Thị khởi bất túc vi chính da.” (Nơi này há chẳng đủ cho ta thi hành chính sự ư?)

 

Hàn Dũ (768-824), tự Thoái Chi, quê Hà Dương, Hà Nam. Tổ tiên ông quê Xương Lê, Hà Bắc, nên đời sau còn gọi ông là “Hàn Xương Lê”. Đỗ tiến sĩ năm 24 tuổi. Ông sở trường về tản văn, cùng Liễu Tông Nguyên chủ trương phong trào Cổ văn, học theo lối cổ văn đời Hán trở về trước, coi trọng nội dung, hình thức bình dị, thuần phác, phản đối lối biền ngẫu hoa mĩ, phù phiếm đời Lục Triều. Trái ngược với văn, thơ ông lại hiểm hóc, cầu kì, đề xuất “lấy văn làm thơ”, nên có có những bài khô khan như văn vần. Ông là thủ lãnh của trường phái thơ Quái đản thời Trung Đường, có sức ảnh hưởng với các nhà thơ khác như Giả Đảo, Mạnh Giao, Lý Hạ.

 

 Nguyễn Thị Hải

 

http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html

 

2020